Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, chủ động chích ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất. Phụ huynh cũng cần đảm bảo vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay thường xuyên cho trẻ, giữ cho nhà cửa thông thoáng.

- Viêm phổi do phế cầu là như thế nào ạ? Biểu hiện như thế nào và ảnh hưởng ra làm sao ạ? (Thu Thủy, 32 tuổi, Tp HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM:

Chào bạn,

Viêm phổi do phế cầu cũng biểu hiện như viêm phổi do các vi trùng khác, triệu chứng có thể gặp: sốt, ho, thở nhanh, nặng hơn thì khó thở, tím tái. Nhưng viêm phổi do phế cầu thường chụp X-quang thấy hình ảnh viêm phổi thùy. Bệnh này có thể gây khó thở, tím tái, suy kiệt, có khi gây tử vong. Phế cầu là tác nhân thường thấy nhất trong viêm phổi do vi trùng.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Tiêm chủng phế cầu áp dụng cho trẻ bao nhiêu tuổi? Bé nhà mình 8 tuổi còn tiêm chủng loại này được không? (nguyễn thị thanh liên, 37 tuổi, 33 duong N5, mega ruby)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Vacxin phế cầu có 2 loại: loại cổ điển và loại mới. Loại cổ điển dùng cho trẻ trên 3 tuổi và người lớn trên 60 tuổi có bệnh mãn tính về phổi và miễn dịch kém. Loại mới dùng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

Bé nhà bạn 8 tuổi, nếu không có bệnh gì mãn tính về hô hấp hay tình trạng miễn dịch tốt thì không cần thiết lắm phải tiêm phế cầu.

- Những bệnh thường gặp nhất do phế cầu gây ra ở trẻ em là gì, thưa bác sĩ? (Hà Thu, 30 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn rất quan trọng, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đó là các bệnh lý của đường tai - mũi - họng như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.

- Làm sao phân biệt được các bệnh viêm nhiễm bình thường với bệnh nguyên nhân do vi khuẩn phế cầu gây ra? (Lê Thị THu Hòa, Phan Rang, Ninh Thuận)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Điều này rất khó, phải sử dụng xét nghiệm và hình ảnh X-quang giúp chẩn đoán tác nhân, nhưng trong thực tế, khi trẻ mắc bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào lứa tuổi và triệu chứng để hướng tới tác nhân phế cầu hay không.

- Để phòng bệnh phế cầu ở trẻ em cần phải tiêm bao nhiêu mũi, thời gian tiêm và cách nhau là bao lâu? (Vo Thi Oanh, 26 tuổi, 49 duong ngoc hoi hoang mai ha noi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Vacxin phế cầu thế hệ mới thì có thể tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Số lượng mũi cần tiêm tùy theo tuổi bắt đầu tiêm:

- Dưới 7 tháng tiêm 3 mũi chính và một mũi nhắc.

- Từ 7 tháng đến dưới 12 tháng, tiêm hai mũi chính và một mũi nhắc.

- Lớn hơn thì tiêm 1-2 mũi chính và một mũi nhắc.

- Có thể tiêm vacxin phòng bệnh phế cầu khuẩn cùng lúc với các lọai vacxin khác không bác sĩ? (Mã Đào, 35 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Vacxin phế cầu là loại vacxin điều chế từ các thành phần của vi khuẩn phế cầu, có thể chích cùng lúc hoặc xen kẽ với bất cứ loại văcxin nào. Hiện nay có nhiều nơi tiêm có quan niệm sai lầm là phải chích cách với các vacxin khác một tháng là không đúng.

- Chào bác sĩ. Con tôi được 5 tháng rưỡi, cân nặng 8 kg và chiều dài 67 cm. Bé bú mẹ hoàn toàn. Bé vừa chích 5 trong 1 lần 3 vào ngày 15/12/2015. Tôi dự kiến chích văcxin ngừa vi khuẩn phế cầu cho bé, nhưng khi đi khám để chích thì bác sĩ bảo là phải cách mũi 5 trong 1 ít nhất 1 tháng, nên đến 15/1/2016 mới có thể chích văcxin phế cầu. Trong khi lúc chích 5 trong 1, tôi có hỏi bác sĩ khám lần đó thì bác sĩ lại bảo là có thể chích cùng lúc nhưng vì văcxin phế cầu và văcxin 5 trong 1 đều có thể gây sốt cao nên chích cùng lúc sợ bé mệt, đợi một đến 2 tuần sau hãy chích. Vậy cuối cùng tôi có thể cho cháu chích văcxin phế cầu lúc này không (2 tuần sau khi chích văcxin 5 trong 1) vì 31/12 này tôi đưa cháu về quê chồng ở Tây Nguyên (đang mùa lạnh) nên sợ cháu sẽ bị nhiễm khuẩn.
Rất mong nhận được giải đáp của bác sĩ, xin cảm ơn. (Kiều Hoa, 32 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Trong tình huống này, bạn không cần thiết phải cách một tháng. Khi sử dụng văcxin, 2 loại vắc xin cần chích cách nhau một tháng chỉ khi cả 2 loại đều là văcxin sống giảm độc lực. Còn lại tất cả các văcxin khác có thể chích chung hoặc cách bao lâu cũng được.

Do vậy, văcxin 5 trong 1 và văcxin phế cầu không phải là văcxin sống giảm độc lực, mà chỉ là một thành phần hoặc toàn bộ con vi khuẩn chết. Chính vì vậy không cần chờ một tháng mới chích lại.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Bệnh phế cầu khuẩn lây lan như thế nào thưa bác sĩ? (Ngô Văn Hơn, 42 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Phế cầu là vi khuẩn có trong vùng tai - mũi - họng, trong đường hô hấp của người bình thường cũng như người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện, vi khuẩn có thể phát tán ra môi trường xung quanh, người khác hít vào sẽ bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp.

- Bác sĩ cho em hỏi là con em được 3 tháng có chích ngừa được không? Tên loại thuốc chích và sau khi chích bé có bị phản ứng phụ như sốt, chán ăn, hay quấy không? Em cảm ơn bác sĩ. (bích phương, 28 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Bé nhà bạn 3 tháng là có thể chích ngừa được rồi vì theo lịch thì trẻ có thể chích từ 6 tuần tuổi. Nếu bạn có điều kiện thì nên cho bé chích ngừa văcxin phế cầu thế hệ mới. Cũng như tất cả các loại văcxin khác, khi chích ngừa thì tùy từng bé có thể gây sốt ít hoặc sốt nhiều, hành bé ít hoặc nhiều.

- Được biết vi khuẩn phế cầu là loại vi khuẩn nguy hiểm, dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và nếu không được điều trị kịp thời, trẻ phải chịu nhiều di chứng, thậm chí là tử vong. Vậy thì phải làm thế nào để tránh được loại bệnh này gây ra? Nếu mắc phải thì phải điều trị ở đâu, trong thời gian bao lâu? (Mai Hà, 36 tuổi, Cần Thơ)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Hà,

Tác nhân phế cầu là vi khuẩn khá nguy hiểm, ngoài việc gây bệnh ở nhiều cơ quan trong đó có viêm phổi và viêm màng não là rất nặng, còn khó điều trị hơn vì hiện nay vi khuẩn này đã kháng nhiều loại kháng sinh thông thường. Thời gian điều trị phải kéo dài, tốn kém rất nhiều do phải dùng kháng sinh mạnh, đôi khi phải kéo dài trên 4 tuần. Do đó, việc phòng ngừa là rất quan trọng.

Biện pháp thụ động như rửa tay, mang khẩu trang, giữ gìn vệ sinh ăn uống đúng để tăng sức đề kháng chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là chủ động tiêm văcxin.

- Con em 3,5 tuổi, đã chích đủ 2 mũi tiêm văcxin phế cầu (loại một triệu đồng một mũi). Xin hỏi bác sĩ: 1. Sau này có phải chích nhắc lại nữa không?

2. Vì bé đã chích ngừa đầy đủ nên nếu lỡ bé mắc các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não... thì chỉ bị nhẹ và không lo bị các biến chứng nặng hơn, có đúng như vậy không? Cám ơn bác sĩ!

(May, 30 tuổi, HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Hai mũi văcxin này giá như vậy chắc là văcxin thế hệ mới. Bé nhà bạn 3 tuổi rưỡi thì không cần chích nhắc đâu. Nếu đã chích ngừa thì tác nhân phế cầu trong văcxin gần như phòng được hết. Vì vậy, nếu không may bé mắc bệnh thì sẽ do tác nhân khác. Lưu ý, tác nhân phế cầu hiện nay là nguy hiểm và thường gặp nhất.

- Em muốn biết đối tượng nào có thể bị nhiễm vi khuẩn phế cầu? Và nếu nhiễm vi khuẩn này thì có trị hết không ạ? (Cao Thắng, 40 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 60 và các đối tượng có bệnh lý phổi mãn tính hay miễn dịch kém là các đối tượng dễ bị nhiễm phế cầu. Khi mắc bệnh do phế cầu thì tùy độc lực của vi khuẩn, tính kháng thuốc và phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều trị khỏi và điều trị kéo dài hay không.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Những phản ứng cơ thể nào có thể xảy ra sau khi tiêm văcxin kháng phế cầu khuẩn ạ? (Nguyễn NGọc Nhân, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Cũng như tất cả các văcxin khác, sau khi chích ngừa, trẻ có thể đau đỏ chỗ chích, sốt nhiều mức độ khác nhau, biếng ăn. Các triệu chứng này ở trẻ có thể kéo dài hàng ngày.

- Con gái tôi được 33 tháng tuổi. Cháu chích văcxin viêm màng não do phế cầu mới cách đây 2 tháng. Theo phác đồ của bệnh viện nơi cháu chích ngừa thì mũi chích nhắc sẽ cách mũi đầu tiên 2 tháng. Nhà sản xuất văcxin cũng thông tin như vậy trong phần hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên bác sĩ nhi khoa mà con tôi thường hay khám lại khuyên rằng chích 1 mũi là đủ, nếu bé đáp ứng tốt với văcxin (ví dụ như bé bớt bị bệnh ho hấp hơn). Thật sự tôi cũng ngại cho bé chích nhắc. Phần vì bé phản ứng với mũi đầu tiên mạnh hơn so với các văcxin khác (bé hơi sốt, quấy khóc), phần vì tháng nay bé bị bệnh nên chưa đủ khỏe để chích nhắc. Vậy mong bác sĩ tư vấn giúp xem bé có nên chích nhắc hay không? Nếu có, thì mũi chích nhắc nên cách mũi đầu tiên tối đa bao nhiêu tháng để bảo đảm tính bảo vệ của văcxin.

Xin cảm ơn và chúc bác sĩ một ngày vui.

(Nguyễn Phương Mai)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Khi quyết định chích bao nhiêu mũi văcxin cho một trường hợp thì các nhà khoa học đã làm nghiên cứu rất nhiều mới đưa ra phát đồ tạo hiệu quả nhất trong phòng bệnh. Do vậy, bạn nên chích nhắc, nếu không chích nhắc thì hiệu quả sẽ không đạt tối đa. Chuyện một văcxin gây sốt hay đau nhiều ít thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố, hành nhiều khi chích văcxin không chắc là đã không tốt.

- Chào bác sĩ, Tôi là Trí. Trí có 1 con gái nhỏ nên thường tham gia các buổi hỏi đáp này vì giúp Trí hiểu hơn về các bệnh bé thường gặp. Vi khuẩn phế cầu Trí có tìm hiểu lâu nay và Trí được biết nó khá nguy hiểm. Bác sĩ cho Trí hỏi : 1. Biểu hiện nào giúp cho phụ huynh dễ nhận biết con mình bị bệnh nhiễm virus này hoặc nghi bị nhiễm dễ nhất vậy? Cách phản ứng tốt nhất khi thấy trẻ có khả năng bị bệnh này là gì? 2. Hiện tại có loại văcxin nào phòng ngừa chưa? Văcxin này có an toàn không? Tiêm văcxin này ở đâu? Trân trọng cảm ơn bác sĩ (Mật ong Hapbee, 27 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Phế cầu là vi khuẩn chứ không phải virus. Việc nghi ngờ có phải tác nhân phế cầu không đôi khi cũng khó, nhưng thường những vi khuẩn này sẽ gây đau tai và chảy mũ tai, viêm họng, viêm phổi, viêm màng não. Chỉ có viêm họng là khó biết có phải do phế cầu hay không, còn các bệnh còn lại thì đều phải đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán.

Bệnh này đã có văcxin từ lâu, văcxin này có hai thế hệ. Văcxin thế hệ cũ chỉ chích được cho trẻ trên 3 tuổi, còn văcxin thế hệ mới thì chích được cho trẻ từ 6 tuần tuổi và cũng mới có ở Việt Nam từ đầu năm 2015 thôi.

- Bé trai nhà em 2 tuổi, bị viêm tai giữa bên tai phải, có triệu chứng chảy dịch nhầy cách đây 14 ngày. Sau khi đi khám bác sĩ chuyên khoa điều trị thì sau 3 ngày không có dịch nữa. Nhưng sau 10 ngày cháu lại bị triệu chứng trở lại. Lần này bị cả 2 tai và đang điều trị. Xin bác sĩ cho hỏi, con nhà em bị mật độ tái phát nhanh như vậy có nguy hiểm không? Nên chữa trị, phòng tránh như thế nào để tránh trái phát? Sau khi điều trị khỏi thì cho cháu đi tiêm văcxin vi khuẩn phế cầu có được không ạ? Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
  (Nguyễn Duy Mạnh, 31 tuổi, Ngõ 110 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào em,

Viêm tai giữa có thể bị một bên và sau đó hai bên, xuất hiện nhanh hay chậm của một bên hay hai bên không thể nói nặng hay nhẹ. Viêm tai giữa là bệnh rất dễ tái phát. Yếu tố gây tái phát có thể từ viêm mũi tái đi tái lại hay trẻ còn bú mà lại bú tư thế nằm, nên tránh các yếu tố này. Đã bị viêm tai giữa cũng nên chích ngừa phế cầu.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Trong những năm công tác ở ngành y, bác sĩ Khanh có thể chia sẻ cho chúng tôi được biết, đâu là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho trẻ mắc bệnh này để các bậc cha mẹ chủ động phòng ngừa cho tốt? (Phương Huỳnh, 37 tuổi, Bắc Giang)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Hiện nay thì tác nhân phế cầu khuẩn này là tác nhân chính gây viêm màng não ở trẻ em. Nguyên nhân chính là do vi khuẩn từ vùng tai mũi họng đi lên màng não. Bình thường, vùng tai mũi họng cũng có vi khuẩn này thường trú, nhưng khi sức đề kháng kém đi thì vi khuẩn sẽ tấn công gây viêm tai, viêm họng, viêm mũi, có thể gây viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Nếu bạn muốn phòng ngừa thì phải đảm bảo vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay khi ăn uống sinh hoạt để đảm bảo sức đề kháng tốt. Nhưng cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là chủ động chích ngừa.

- Văcxin viêm tai giữa có quan trọng không, có nhất thiết phải tiêm không ạ? Vì tôi thấy cháu hay nghẹt mũi, sổ mũi, tai có dịch màu vàng. Xung quanh gia đình có nuôi nhiều chó, gà, môi trường có nhiều mùi khó chịu, bao nhiêu tháng tuổi thì tiêm tốt nhất cho cháu vậy? Bé nhà tôi gần được 6 tháng. (dương thị yến, 30 tuổi, thanh xuân, hà nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Yến,

Văcxin viêm tai giữa nên chích dù đã bị hay chưa bị viêm tai. Văcxin này không phải chỉ ngừa viêm tai không đâu, mà còn ngừa các bệnh do phế cầu, trong đó có viêm tai. Tuổi chích ngừa được là từ 6 tuần tuổi, chích sớm sẽ ngừa sớm.

- Tôi được biết, phế cầu gây viêm màng não thường xuất phát từ niêm mạc hầu họng. Trẻ em dễ bị lây vi khuẩn này từ các thành viên trong gia đình qua đường hô hấp. Và trong các bệnh do vi khuẩn này gây nên, viêm màng não được xem là bệnh khó phát hiện nhất. Vậy, theo bác sĩ, cách phòng và tránh bệnh này như thế nào? (Minh Anh, 30 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Vi khuẩn này có thường trú trong họng, bình thường cũng phát tán ra môi trường xung quanh, lây từ người này sang người khác. Nhưng không phải tất cả mọi người tiếp xúc với vi khuẩn này đều gây bệnh và gây viêm màng não chỉ có trẻ em và người có sức đề kháng là dễ bệnh thôi. Khi mắc bệnh này thì hậu quả nghiêm trọng, nên các nhà khoa học mới điều chế ra văcxin phế cầu để phòng ngừa. Phòng tránh bằng rửa tay, mang khẩu trang thì chỉ giúp được một phần thôi, tốt nhất vẫn là chích ngừa.

- Bé bị hen suyễn có chích ngừa phế cầu được không ạ? (Đỗ thị Xuyến, 29 tuổi, Cần Thơ)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Xuyến,

Với trẻ bị hen suyễn, cơ địa dễ bị bệnh hô hấp do vi khuẩn và virus mà tác nhân phế cầu là tác nhân quan trọng gây bệnh viêm phổi bội nhiễm ở trẻ suyễn. Do đó, trẻ rất cần được tiêm phế cầu.

- Bệnh do vi khuẩn phế cầu ở trẻ em thường bùng phát nhiều nhất ở thời điểm nào trong năm thưa bác sĩ? (Minh Hải, 29 tuổi, Tây Ninh)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Bệnh do vi khuẩn phế cầu thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn sau những đợt nhiễm virus đường hô hấp, nhất là giai đoạn chuyển mùa từ nóng sang lạnh, từ mát sang nóng.

- Tiêm văcxin phế cầu khuẩn có để lại nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng không? Đã có ghi nhận trường hợp nào trẻ bị tử vong sau khi tiêm văcxin phế cầu khuẩn không? Xin bác sĩ tư vấn trường hợp bé nhà em 3 tuổi, đường hô hấp khá tốt (chưa phải dùng đến kháng sinh lần nào) thì có nên tiêm loại văcxin này không? (Mai)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Cũng như các văcxin khác, các trường hợp tử vong nghi do văcxin khi phân tích đều không phải do văcxin mà do bệnh trùng hợp. Trẻ 3 tuổi không bị đường hô hấp nhiều, nếu có điều kiện cũng nên tiêm phế cầu thế hệ mới.

- Thưa bác sĩ, viêm màng não do phế cầu thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Vậy khả năng xảy ra ở trẻ em trên 2 tuổi như thế nào? (Mạnh Quỳnh, 33 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Trước kia, viêm màng não do phế cầu đứng hàng thứ 2 trong số các tác nhân gây viêm màng não do vi khuẩn, thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Hiện nay, sau khi nhà nước cho chích ngừa miễn phí 5 trong 1 (có ngừa vi khuẩn HIB) thì phế cầu là tác nhân thường gặp nhất gây viêm màng não do vi khuẩn, gặp ở mọi lứa tuổi chứ không phải chỉ ở dưới 2 tuổi.

- Con em được 3 tuổi 4 tháng rồi, nửa năm nay bé hay bị bệnh đường hô hấp, em muốn tiêm văcxin thế hệ mới cho bé có được không bác sĩ? Và đối với bé thì phải chích bao nhiêu mũi ạh? Cám ơn bác sĩ. (Hy Hân, 30 tuổi, TPHCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn. Bạn cũng nên cho bé tiêm nếu có điều kiện vì văcxin phế cầu thế hệ mới tiêm cho trẻ đến 5 tuổi.

- Thưa bác sĩ, hiện tại bé nhà cháu được 15 tháng. Lúc bé tháng thì bé có chích 1 mũi văcxin phế cầu thế hệ mới. Nhưng theo cháu được biết là từ 24 tháng mới được chích 1 liều duy nhất. Và được hẹn chích 1 mũi nhắc lại, nhưng trong sổ tiêm chủng lịch tiêm chủng chỉ chích có 1 lần? Vậy bé có cần chích lại mũi nhắc lại này không ạ? (Trà Như, 26 tuổi, 25bis NTMK)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Văcxin mà bạn nói 24 tháng chích 1 mũi duy nhất là văcxin thế hệ cũ, chích sau 2-3 tuổi một mũi và 3 năm phải nhắc lại. Còn văcxin thế hệ mới thì chích từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và lộ trình nhiều hay ít mũi tùy theo tuổi bắt đầu chích.

- Em muốn hỏi bác sĩ thời gian chích ngừa khuẩn phế cầu trong thời gian nào? Bé nhà em 2 tháng tuổi, mới chích mũi văcxin đầu tiên, dự tính là sau 4 tháng mới chích ngừa xong mũi thứ 3, vậy trong thời gian chích ngừa có được chích khuẩn phế cầu?
Cảm ơn bác sĩ! (Thu Thủy, 28 tuổi, VT)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Văcxin phế cầu mới hiện nay có thể chích xen kẽ với các văcxin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không cần thiết phải chờ hết các liều trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới chích. Bé nhà bạn 2 tháng thì nếu có điều kiện là có thể chích ngừa cho bé.

- Bé của em 39 tháng, bé gái, nặng 19 kg, cach đây 5 tháng từng bị viêm phế quản dạng dị ứng, từ đó đến nay thường hay tái phát 1 tháng 1 lần. Em muốn bác sĩ tư vấn là bây giờ em đưa bé đi tiêm chủng phế cầu PPSV (Pneumococcal polysaccharide vaccine), loại văcxin phòng ngừa giúp chống lại 23 type phế cầu khuẩn có được không? Hiện tại không có loại văcxin này, vậy em cho bé chích bằng một loại văcxin phế cầu khác được không và phải nhắc lại mấy lần? (Lê Thị Hảo, 34 tuổi, 256/96 phạm văn chí, p 8, q6)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Nếu bé bị viêm phế quản dạng dị ứng tái phát nhiều lần như vậy thì cũng có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, (có thể bé bị suyễn), nên việc tiêm phế cầu cũng cần được xem xét. Trẻ chưa đủ 5 tuổi nên tiêm phế cầu thế hệ mới vì miễn dịch bền hơn, còn phế cầu thế hệ cũ thì phải tiêm nhắc mỗi 3 năm.

- Vi khuẩn phế cầu gây nên bệnh gì vậy thưa bác sĩ? Văcxin ngừa có sốc phản vệ nguy hiểm như 5 trong 1 không? Con cháu 7 tháng được 7,2 kg, đã chích xong 5 trong 1. Hiện cháu nên ưu tiên chích sởi hay phế cầu?
Cám ơn bác (Nguyen Phạm Thảo Nhi, 31 tuổi, Đồng nai)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Vi khuẩn phế cầu là vi khuẩn khá nguy hiểm hiện nay vì gây bệnh nặng và kháng thuốc nhiều. Tất cả các loại văcxin cũng như các loại thuốc chích vào người đều có thể gây tác dụng không mong muốn. Nếu có điều kiện thì bạn nên chích phế cầu bây giờ và chờ 9 tháng chích xen kẽ sởi.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Chào bác sĩ, cho mình hỏi:

1. Làm sao phân biệt bệnh viêm phổi do vi khuẩn phế cầu và do nguyên nhân khác? 2. Mức độ nghiêm trọng khác biệt của viêm phổi phế cầu so với viêm phổi nguyên do khác? 3. Trẻ bao nhiêu tuổi thì bắt đầu chích ngừa được? Mỗi lần chích bao nhiêu mũi, có chích nhắc không, nếu có thì trong bao lâu chích nhắc lại? 4. Bé nhà mình cũng không nhớ đã chích ngừa phế cầu chưa, nhưng nay đã được hơn 5 tuổi rồi, vậy có còn chích ngừa phế cầu được không, đến tuổi nào thì trẻ không thể chích ngừa phế cầu nữa?

5. Khi chích ngừa phế cầu cho trẻ, có những gì cần phải chú ý? Chi phí cho 1 mũi văcxin là bao nhiêu?

(Huỳnh Mai, 34 tuổi, Nguyen Tri Phuong, Q5, TPHCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Nếu bạn muốn biết viêm phổi có phải do vi khuẩn phế cầu hay không thì phải làm nhiều xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp X-quang... Tuy nhiên, vi khuẩn phế cầu là tác nhân thường gặp nhất của viêm phổi do vi khuẩn.

Viêm phổi do phế cầu thường rất nặng và vi khuẩn này đã kháng thuốc nhiều, nên điều trị tốn kém và kéo dài.

Văcxin phế cầu thế hệ mới chích cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

Con bạn trên 5 tuổi chắc là chưa chích phế cầu vì văcxin phế cầu mới được bàn nhiều trong vài năm gần đây và không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Văcxin này cũng hơi đắt.

Cũng như tất cả văcxin khác, văcxin nào cũng có những phản ứng nhất định, do đó, sau khi chích văcxin phải theo dõi bé theo hướng dẫn của nơi chích.

- Con em nay được 12 tháng, bé đã tiêm được 1 mũi phế cầu rồi ạ. Bé vừa tiêm 5 trong 1 dịch vụ ngày 28/12. Em thấy bé có biểu hiện sốt nhẹ, ho, thở khó. Vậy liệu bé có bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu không? Em có thể cho bé tiêm phế cầu lần 2 sau khi tiêm được không ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều.
  (Trần Thị Diến, 28 tuổi, Quận 8, Tp. HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Hai loại văcxin này có thể cách cùng lúc hay xen kẽ hoảng cách bao nhiêu cũng được, nếu bé bệnh nhẹ, không sốt thì nên chích cho đúng lịch.

- Bé của em được 4,5 tháng, bé bị viêm tiểu phế quản điều trị cả tháng không khỏi, tuần nay đi khám, bác sĩ nói bị suyễn - nhủ nhi. Bác sĩ cho hỏi bây giờ chích phế cầu được không và bé có hạn chế tái lại bệnh không ạ? (nguyễn thị phượng, 32 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Phượng,

Nếu bé được chẩn đoán nghi ngờ là suyễn nhủ nhi thì bé thuộc nhóm nguy cơ dễ bội nhiễm phổi khi lên cơn suyễn, mà tác nhân phế cầu là tác nhân thường gặp nhất ở những bé này. Do đó, có điều kiện nên chích phế cầu thế hệ mới cho bé.

- Trước đây em có hỏi bác sĩ ở bệnh viện, thì được biết có phế cầu mới và phế cầu cũ. Bác sĩ cho em biết khác nhau ở 2 loại này như thế nào ạ và con em 2 tuổi thì nên chích phế cầu loại nào? (Bùi Thúy Minh, 31 tuổi, 173 Nguyễn Phúc Chu, P.15, Tân Bình)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Minh,

Bác sĩ đó trả lời đúng đấy, phế cầu có hai loại cũ và mới. Phế cầu cũ có từ lâu, nhưng hạn chế là không tạo được miễn dịch kéo dài, phải chích nhắc mũi 3 năm và không chích được cho trẻ dưới 2-3 tuổi. Văcxin mới hạn chế được nhược điểm của văcxin cũ, tạo được miễn dịch kéo dài, chích được cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

Nếu con bạn 2 tuổi thì nên chích loại mới.

- Nhà em có hai cháu trai nhỏ (56 tháng tuổi và 28 tháng tuổi). Các cháu cũng hay bị ho, sổ mũi, đặc biệt về mùa lạnh. Hai cháu đã tiêm đủ các loại văcxin theo chương trình tiêm mở rộng và thêm loại văcxin dịch vụ viêm não Nhật Bản. Vậy hai cháu có cần tiêm loại văcxin viên phế cầu nữa hay không? Nếu tiêm thì đăng ký ở đâu ạ? (Mai Quý, 32 tuổi, Thanh Hóa)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Trẻ hay bệnh vặt ở đường hô hấp ngoài việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh sinh hoạt nóng quá, lạnh quá thì việc chích ngừa phế cầu và cúm cũng nên chú ý nếu có điều kiện.

- Bác sĩ cho em hỏi, làm thế nào để nhận biết được bệnh do vi khuẩn phế cầu ở trẻ em? Con nhà em hay hay bị sốt viêm họng thì có nguy cơ mắc bệnh này không? Mỗi lần bị như vậy, em thường tự mua thuốc cho con ở nhà để tự uống và khoảng 2-3 hôm thì hết. Em có cho uống các loại kháng sinh kèm theo, đôi khi tự dựa vào bản năng nghe tiếng ho của con để mua thêm long đờm hay cho kháng sinh nặng hơn. Cám ơn bác sĩ (Nguyễn Thu Trang)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Viêm họng có nhiều tác nhân gây ra, có thể do vi rút hoặc vi khuẩn. Bạn chỉ nên dùng kháng sinh khi cần thiết, đừng nên cảm nhận tiếng ho hay triệu chứng của bé mà tự quyết định. Bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Phế cầu là tác nhân thường thấy nhất của viêm hô hấp do vi khuẩn. Nếu bé ở nhà bị bệnh vặt đường hô hấp hoài thì cũng nên xem xét chích ngừa phế cầu và cúm.

- Bác sĩ cho cháu hỏi, bé gái 39 tháng hay bị ho, viêm phổi, nhẹ cân (12kg) nhưng chưa chích ngừa mũi phê cầu nào thì giờ nên có chích được phế cầu mới hay không? (Đỗ Nam, 30 tuổi, Hậu Giang)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Bé hay bệnh vặt mà dưới 5 tuổi thì nên xem xét chích ngừa phế cầu mới và cúm vì đây là hai tác nhân quan trọng gây ra bệnh lý hô hấp ở trẻ em.

- Con tôi được 3 tuổi, cân nặng 17 kg. Hiện tại cháu chưa chích 2 mũi ngừa viêm màng não do não mô cầu và viêm màng não, viêm phổi do phế cầu. Vậy bây giờ cháu chích có còn tác dụng không? Bác sĩ làm ơn nói rõ hơn về viêm não do mô cầu và viêm màng não do phế cầu khác nhau như thế nào được không? Cám ơn bác sĩ. (Huynh kim thoa, 29 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Phế cầu và não mô cầu là 2 vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp và viêm màng não, nhưng phế cầu là tác nhân thường gặp hơn và nguy hiểm hơn vì kháng thuốc.

Não mô cầu hiện nay cũng ít gặp, nếu có điều kiện nên chích phế cầu cho bé.

Có nên tiêm phế cầu cho trẻ Webtretho

- Mức độ nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn xâm lấn ở trẻ nhỏ là gì ạ? (NGọc Nga, 32 tuổi, Tp HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào Nga,

Vi khuẩn phế cầu gây bệnh ở trẻ em phân làm hai loại: xâm lấn và không xâm lấn. Cả hai đều nguy hiểm vì tính kháng thuốc, nhưng phế cầu xâm lấn thì nguy hiểm hơn vì tổn thương các cơ quan sâu như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết sẽ càng khó điều trị và dễ tử vong hơn, điều trị kéo dài hơn.

- Ở tuổi nào có thể tiêm văcxin phòng ngừa vi khuẩn phế cầu ạ? Bé nhà em mới 8 tháng thì ko biết có tiêm được chưa ạ? (Trần Thị Thu, 26 tuổi, Tp HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Phế cầu mới thì có thể chích ngừa cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Bé nhà bạn 8 tháng nếu có điều kiện thì nên cho bé chích ngừa vì tác nhân phế cầu khá nguy hiểm.

- Em nghe nói là văcxin phế cầu chống chỉ định tiêm cho trẻ dị ứng với trứng gà. Cháu nhà em ăn trứng thì thỉnh thoảng bị dị ứng, khi ăn với số lượng nhiều từ 2 quả trở lên, cháu sẽ bị ngứa và nổi đỏ, vậy thì có nên tiêm ngừa không ạ? Có cách nào biết chính xác cháu có dị ứng không để tiêm ngừa ạ? (Đỗ Thị DIễm Phương, 31 tuổi, Cần Thơ)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Văcxin phế cầu không có liên quan gì tới trứng hết, do đó có dị ứng trứng hay không thì cũng vẫn chích được. Hiện nay có quan niệm cần phải ăn trứng trước khi chích ngừa cúm và sởi cũng không đúng vì từ 2011, Hiệp hội Tiêm chủng thế giới đã xác định không cần thiết phải làm chuyện này, ngay cả trẻ có tiền sử nổi mề đay khi ăn trứng vẫn có thể chích ngừa cúm và sởi được. Chỉ có trẻ sốc phản vệ khi ăn trứng thì mới bàn tới chuyện này.

- Tôi hiện đang ở Bình Dương và muốn chích ngừa bệnh vi khuẩn phế cầu cho con thì chích ngừa ở chỗ nào, và bé bao nhiêu tuổi thì chích ngừa được? (Trần Thị Hòa, 30 tuổi, Thuận An, Bình Dương)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Tỉnh Bình Dương được xếp vào tỉnh lớn, nên hệ thống chích ngừa dịch vụ khá mạnh. Tôi nghĩ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và vài bệnh viện lớn về sản và nhi có văcxin này. Bé từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi là chích ngừa được.

- Chào bác sĩ Khanh. Bé nhà em được 7 ngày tuổi thì bị sốt cao phải nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 1 để chữa trị. Bé được chẩn đoán là viêm màng não mủ và được điều trị bằng kháng sinh trong 21 ngày. Trong khi nằm viện ở tuần thứ 3, bé bị sổ mũi và ho nhẹ. Sau khi xuất viện thì bé ho nặng hơn và bé lại bị sốt ở ngày thứ 3. Bé tiếp tục nhập viện ở bệnh viện Nhi Đồng 1, lần này bé được chuẩn đoán là viêm phổi và chích kháng sinh 7 ngày. Bác sĩ cho em hỏi: 1/ Bệnh viêm màng não của bé có thể là do vi khuẩn phế cầu gây ra không? Bệnh có thể bị tái phát trở lại không? Bé được điểu trị bằng kháng sinh có thể hồi phục hoàn toàn không hay sẽ có để lại di chứng? 2/ Bệnh viêm phổi sau đó của bé có phải do cùng 1 loại vi khuẩn phế cầu gây ra không? 3/ Việc điều trị bằng kháng sinh liên tục có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bé về sau? 4/ Em có thể làm gì để tăng sức đề kháng cho bé và phòng tránh cho bé bị nhiễm bệnh này. Em cảm ơn bác sĩ! (Huỳnh Thị Ngọc Diệu, 31 tuổi)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

Chào bạn,

Trẻ dưới một tháng tuổi bị viêm màng não mủ thường không phải là tác nhân phế cầu. Tác nhân phế cầu thường gây viêm màng não ở trẻ trên 2 tháng. Nếu trẻ trên 2 tháng bị viêm phổi do vi khuẩn cũng giống như các bệnh lý đường tai mũi họng thì phế cầu là tác nhân thường gặp.

Trẻ đã từng bị viêm mũi họng, viêm tai, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu vẫn có khả năng bị lại tác nhân này.

Điều trị bằng kháng sinh liên tục đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhưng khi cần thì vẫn phải dùng để chữa cho hết bệnh.

Để phòng ngừa tái phát bệnh đường hô hấp cần cho trẻ bú đủ sữa, uống đủ nước (nếu trẻ lớn), ngủ đủ giấc, sinh hoạt tránh nóng tránh lạnh, chích ngừa đủ, tránh đến các nơi đông người và môi trường không sạch nhất là lúc trẻ đang yếu, tránh khói thuốc lá.

Ngoài ra, nên chích ngừa các tác nhân không được ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng như phế cầu, cúm.

VnExpress