Cách thức bò mập

I. MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT NUÔI VỖ BÉO BÒ

Vỗ béo bò là cung cấp các điều kiện tối ưu về nuôi dưỡng, chăm sóc để bò khi giết thịt cho khối lượng, chất lượng thịt cao đáp ứng được yêu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế.

1. Con giống

Nên chọn giống để nuôi vỗ béo là con lai giữa bò cái lai Sind với bò đực giống chuyên thịt như BBB, Brahman, Senepol, Droughmaster,... thường thì con đực sẽ phát triển nhanh hơn con cái, tuy nhiên lưu ý tách riêng bò đực chưa thiến để tiến hành thiến trước khi đưa vào vỗ béo; bò có thể trạng gầy khi nuôi vỗ béo cho hiệu quả cao hơn bò có thể trạng béo; bò già thì hiệu quả phát triển sẽ không cao.

Lựa chọn bò để vỗ béo là những con không mắc bệnh, mắt tinh nhanh, có thân hình cân đối, đầu thanh, chân thanh, bụng thon, da đàn hồi tốt, lông mịn, đuôi luôn luôn cử động, cụm lông đuôi dài. Bò trước khi đưa vào vỗ béo cần được tẩy nội, ngoại ký sinh trùng; đối với những con bò bị bệnh cần được điều trị khỏi bệnh mới đưa vào vỗ béo.

2. Yêu cầu về chuồng trại

- Hướng chuồng: Nên chọn hướng Nam hoặc hướng Đông Nam. Chuồng phải đảm bảo thông thoáng, mát mẻ, tránh được gió lùa, nắng chiếu xiên vào buổi chiều. Cần bố trí hệ thống cây xanh, cây bóng mát xung quanh chuồng nuôi.

- Vị trí xây dựng chuồng trại: Tùy quy mô chăn nuôi, vị trí xây dựng chuồng trại phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định của Luật chăn nuôi. Đối với chăn nuôi nông hộ, chuồng bò phải cách xa nhà ở tối thiểu 25-30m. Chuồng trại nuôi vỗ béo phải đảm bảo cao ráo, thoáng mát, thoát nước tốt, thuận lợi cho công việc vệ sinh chuồng trại.

- Kiểu chuồng trại: Có hai kiểu chuồng thường áp dụng:

+ Kiểu chuồng một dãy: Chiều rộng của chuồng khoảng 6-7m; mái chuồng có thể làm 2 mái bằng nhau hoặc mái dài, mái ngắn. Chuồng có lối đi, máng ăn, máng uống ở mặt trước thích hợp cho chăn nuôi trong các nông hộ, quy mô nhỏ. Ưu điểm là có thể tận dụng, tiết kiệm được nguyên vật liệu, dễ đặt vị trí, thuận lợi cho công việc nuôi dưỡng và chăm sóc.

+ Kiểu chuồng hai dãy: Chiều rộng 10-15m, có thể là chuồng hai dãy đối đầu [đường đi cho ăn ở giữa, máng ăn và máng uống bố trí dọc theo lối đi], hoặc chuồng hai dãy đối đuôi [lối vào thu dọn phân ở giữa hai dãy]. Đối với trang trại quy mô lớn hoặc thâm canh thường thiết kế theo kiểu này tiết kiệm được vật liệu và diện tích đất xây dựng.

Ngoài ra, ở một số mô hình có điều kiện đầu tư, có thể xây dựng kiểu chuồng kín để nuôi vỗ béo bò.

- Diện tích chuồng nuôi: Diện tích chuồng nuôi cho mỗi bò từ 5-6 m2.

- Nền chuồng đảm bảo không trơn trượt, có độ dốc 2-3%. Kích thước chỗ đứng 2x1,8m. Đối với kiểu chuồng hở, phải làm lưới che để tránh côn trùng, ruồi muỗi.

3. Dụng cụ chăn nuôi, công trình phụ trợ và khu xử lý chất thải

- Máng ăn:

Xây dựng hệ thống máng ăn đảm bảo láng nhẵn bề mặt, các góc của máng ăn phải lượn tròn và trơn nhẵn, đáy máng phải dốc và có lỗ thoát nước ở cuối để thuận tiện cho việc rửa máng. Thành máng phía trong phải thấp hơn thành máng ngoài để thức ăn không rơi vãi ra lối đi.

- Máng uống:

Thường xây dựng hoặc bố trí gần với máng ăn để cho bò sau khi ăn xong uống nước được thuận lợi, đảm bảo láng nhẵn bề mặt để dễ dọn vệ sinh, có van nước và xây dựng hệ thống cung cấp nước đầy đủ; chiều cao mặt trước máng 60cm, chiều cao mặt sau máng 40cm, chiều rộng của máng 35-40cm. Trong chăn nuôi nông hộ máng uống thường xây dựng thành từng ô cho bò uống.

- Dụng cụ vệ sinh bao gồm chổi, dễ, cuốc, xẻng, thùng, xô, chậu, bình phun, khăn lau, bàn chải... cần lưu ý đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ sau khi dùng, được bảo quản và bổ sung thường xuyên để chủ động trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và vệ sinh môi trường.

- Có kho riêng biệt để chứa thức ăn thô và thức ăn tinh, đảm bảo kho chứa thức ăn phải thoáng mát, tránh ánh nắng. Các vật chứa thức ăn cần phải có nắp đậy kín.

- Bể chứa phân và nước tiểu: Chuồng nuôi bò cần có rãnh thoát nước về hố phân và chứa nước thải. Hố chứa phân và nước thải cần bố trí cách xa nhà ở, khu chuồng nuôi và cuối hướng gió; phải được xây chìm, trát kín để phân và nước thải không thấm ra ngoài đất, mạch nước ngầm, đồng thời không cho nước mưa chảy vào hố phân. Nếu có điều kiện, tốt nhất là xây bể biogas để sản xuất khí phục vụ đun nấu, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

4. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vỗ béo bò trước khi giết thịt

- Đối tượng áp dụng: Bò từ 15 – 18 tháng tuổi.

- Thời gian vỗ béo: Phụ thuộc vào tuổi, độ béo của bò trước khi vỗ béo và yêu cầu của thị trường về khối lượng bò, chất lượng thịt...Thông thường thời gian vỗ béo là 60-90 ngày.

-Thức ăn cho bò vỗ béo bao gồm thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, khoáng đa - vi lượng và vitamin.

+ Thức ăn thô xanh: Các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thức ăn ủ chua, thức ăn xanh chiếm 55 - 60% vật chất khô trong khẩu phần.

+ Thức ăn tinh: Bột ngô, cám gạo, thóc nghiền, bột sắn, bột khoai, bột mỳ,...

+ Phụ phẩm: Thân cây ngô, rơm dạ, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, khô dầu dừa, khô đầu vừng, bột máu, bột thịt xương, bã bia, rỉ mật đường, bã đậu nành, bã sắn,...

+ Khoáng đa lượng, vitamin: Ure, Vitamin A, D, khoáng đa lượng như Ca, P, Na,... Thường bổ sung dưới dạng premix vitamin, premix khoáng 1 - 2% trong khẩu phần thức ăn tinh cho bò.

4.1. Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ

Thực hiện vỗ béo bằng hình thức chăn thả tận dùng chủ yếu nguồn thức ăn thô xanh tự nhiên, trên đồng cỏ. Ngoài ra cần bổ xung nguồn thức ăn tại chuồng như cỏ tươi, rơm khô, thức ăn ủ chua, cám gạo [1,5-2 kg/ngày], bã bia, phụ phẩm nông nghiệp,...

4.2. Đối với chăn nuôi quy mô trang trại

- Đối với chăn nuôi quy mô trang trại nên vỗ béo bò theo hình thức nuôi nhốt, giảm vận động, không chăn thả, tập cho bò ăn khẩu phần vỗ béo để quen dần tránh rối loạn tiêu hóa.

+ Tuần 1: 25 kg cỏ + 0,5-1kg thức ăn tinh [cho ăn tăng dần]

+ Tuần 2: 20 kg cỏ + 1-2kg thức ăn tinh [cho ăn tăng dần]

+ Tuần 3: 15 kg cỏ + 2-3kg thức ăn tinh [cho ăn tăng dần]

+ Tuần 4 trở đi: 15 kg cỏ + thức ăn tinh cho ăn tự do

Cần bổ sung đủ nước sạch cho bò uống tự do, có thể bổ sung muối ăn pha với nước uống với mức 0,9% cho bò uống hàng ngày.

- Có thể tham khảo sử dụng các công thức vỗ béo bò thịt theo khối lượng cơ thể theo tỷ lệ thức ăn tinh và thô xanh trong khẩu phần cho hiệu quả cao nhất là tỷ lệ 4:1, như sau:

Tham khảo công thức vỗ béo theo khối lượng cơ thể

Khối lượng

[kg]

Cỏ tươi

[kg]

Rơm khô

[kg]

Thức ăn ủ tươi [kg]

Cám hỗn hợp [kg]

Ure

[gam]

350

35

2,5

2,5

50

380

35

2,5

3,0

58

400

40

2,5

3,2

65

420

40

2,5

2,0

3,5

72

450

40

2,5

2,5

4,0

80

- Ngoài ra, có thể áp dụng một số công thức phối trộn khẩu phần để vỗ béo bò như sau:

Nguyên liệu [%]

Công thức 1

Công thức 2

Công thức 3

Bột sắn

80

60

39

Ngô

25

50

Khô dầu [40% Protein thô]

11

6

-

Rỉ mật

5

5

5

Ure

1,5

1,5

1,5

Muối ăn

1

1

1

Bột xương hoặc đá liếm

1,5

1,5

1,5

Tổng số

100

100

100

Lưu ý: Rỉ mật tối đa 8%; Ca = 0,3 - 0,4% và P = 0,3-035%; Ure tối đa 1,5%.

Cách phối trộn thức ăn: Đổ dàn đều các nguyên liệu thức ăn đã nghiền nhỏ ra nền nhà hoặc sân gạch có lót bạt, theo thứ tự loại nhiều đổ trước, loại ít đổ sau. Đối với các loại nguyên liệu có khối lượng ít như muối, bột xương, urê … phải trộn với một ít bột ngô hoặc cám để tăng khối lượng, sau đó trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo phân bố đều trong hỗn hợp thức ăn. Dùng xẻng hoặc tay trộn đều cho đến khi hỗn hợp thức ăn có màu đồng nhất. Đóng thức ăn vào bao buộc kín lại cho bò ăn dần. Thức ăn đã phối trộn cần được bảo quản ở nơi khô, mát, có mái che. Cần đặt các bao thức ăn lên giá kê đồng thời cách xa tường để tránh ẩm mốc. Phải có biện pháp để tránh chuột bọ phá hỏng thức ăn.

5. Kỹ thuật ủ chua thức ăn

Ủ chua là biện pháp bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí. Dự trữ được thức ăn trong thời gian dài.

5.1. Nguyên liệu: [tính theo trọng lượng 100kg thức ăn thô xanh]

- Thức ăn xanh: 100 kg cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Guatemalla, thân, lá cây ngô sau thu hoạch, cây lạc, ngọn lá sắn...

- Bột ngô hoặc bột cám gạo: 5-10kg [không bị ẩm, mốc, thối hỏng...].              

- Muối ăn: 0,5kg [nhằm tạo tính ngon miệng và bổ sung thêm chất khoáng cần thiết cho gia súc khi sử dụng].

5.2. Thời vụ ủ: Có thể ủ quanh năm, nhưng để dự trữ thức ăn cho vụ đông thì tiến hành ủ từ tháng 9-11 dương lịch vì thông thường nếu ủ theo đúng kỹ thuật có thể bảo quản thức ăn sau ủ từ 3-4 tháng. 

5. 3. Hố, túi ủ và các dụng cụ cần thiết:

Tùy theo điều kiện kinh tế và điều kiện của từng nông hộ, địa phương mà có thể sử dụng hố xây hoặc hố đào có lót bạt dứa hay dùng túi nilon để ủ.

- Hố ủ: Chọn nơi cao ráo, không ứ đọng nước, thuận tiện đi lại và cạnh chuồng nuôi. Hố có thể có thể làm hố tròn, hố vuông hay hình chữ nhật. Kích thước tùy vào số lượng bò và định lượng thức ăn/con/ngày. Tuy nhiên với hố có thể tích 1m3 [1m x 1m x 1m] có thể chứa 300-400kg nguyên liệu. Do đó, nên làm 1 hố ủ có dung tích ủ đảm bảo trữ lượng thức ăn đủ cho số lượng bò sử dụng trong vòng 15-20 ngày.

- Túi ủ: Dùng túi nilon bên ngoài là bao tải dứa hoặc có thể tận dụng vỏ bao đựng phân đạm làm túi ủ. Thông thường 3 túi ủ được 100kg thức ăn xanh.

- Các dụng cụ cần thiết: Dao, thớt hoặc dùng máy thái thức ăn dùng để băm, thái thức ăn. Bạt, bao dứa, rơm rạ, tấm lợp... để che đậy hố ủ.

5.4. Kỹ thuật ủ: 

Khi ủ có thể sử dụng và ủ nhiều loại cỏ với nhau nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo các bước sau:

Bước 1: Băm và phơi nguyên liệu:

Cỏ thu hoạch về tiến hành băm, thái thành từng đoạn dài 3-5cm, sau đó đem đi phơi tái.

- Phơi dưới sân hoặc bạt dứa sạch để giảm bớt độ ẩm [lượng nước] trong cỏ. Khi cỏ có độ ẩm khoảng 65-70% là phù hợp để đem ủ.

- Kiểm tra độ ẩm của cỏ trước khi ủ bằng cách dùng tay nắm một nắm cỏ sau khi phơi trong vòng 1 phút, rồi từ từ nhả ra và thấy:

+ Cỏ mở ra từ từ, các nếp trên lá để lại đường gấp không rõ ràng, không bị gẫy nát thì độ ẩm đạt 65-70%.

+ Cỏ mở ra từ từ, các nếp trên lá không để lại đường gấp, không bị dập nát thì độ ẩm trên 70% tiếp tục phơi.

+ Cỏ bung ra ngay thì độ ẩm dưới 60%, nếu là cỏ non đem ủ thì có chất lượng tốt, cỏ già sẽ cứng nên khi đem vào túi ủ rất dễ bị thủng túi.

Bước 2:  Cân và phối trộn nguyên liệu:

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, tiến hành cân theo tỷ lệ: 100kg cỏ + 5-10kg bột ngô hoặc cám gạo + 0,5kg muối ăn rồi phối trộn nguyên liệu.

Để đảm bảo các nguyên liệu được trộn đều với nhau, cần tiến hành trộn đều muối ăn với bột ngô hoặc cám gạo, sau đó đem hỗn hợp này trộn đều với cỏ.

Bước 3:  Cách ủ:

- Với túi ủ: Nguyên liệu sau khi đã trộn đều đem cho vào túi càng nhanh càng tốt sau đó buộc kín túi ngay. Tốt nhất là từ khi cắt thức ăn về cho đến khi cho vào túi ủ diễn ra trong cùng một ngày.

+ Cách cho vào túi: Cho từng lớp vào túi cao từ 15 - 20cm, rồi dùng tay lèn chặt, chú ý cần nén trên toàn bộ bề mặt, xung quanh và các góc, sau đó tiếp tục cho các lớp khác cứ như vậy cho đến khi đầy bao thì dùng dây buộc chặt lại, ghi ngày tháng ủ, đưa vào bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, gián... cắt thủng bao, không khí sẽ xâm nhập làm mốc, thối thức ăn.

- Với hố ủ: Vệ sinh sạch sẽ hố ủ trước khi đem nguyên liệu vào ủ. Lót đáy hố bằng gạch hoặc rơm khô, xung quanh bằng bạt dứa, túi nilon đảm bảo kín, không bị hở. Cách đưa nguyên liệu vào tương tự như đem vào túi ủ, khi đầy hố thì phủ thêm 1 lớp rơm rạ và tiến hành che đậy kín đảm bảo không khí và nước mưa không vào.

- Sau 1 tháng ủ thì có thể lấy ra cho bò ăn được.

5.5. Phương pháp cho ăn

Vào ngày đầu tiên nên cho ăn lượng nhỏ để cho bò ăn quen dần, sau đó tăng dần và đến ngày thứ 3 hay ngày thứ 4 thì cho ăn lượng tối đa cần thiết. Lượng thức ăn ủ xanh cho bò ăn một ngày đêm là: 7-12kg. Ngoài ra cho ăn thêm cỏ xanh và rơm.

5.6. Lưu ý khi sử dụng thức ăn ủ xanh

Thức ăn ủ xanh không cân bằng dinh dưỡng nên khi nuôi bò cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết. Là thức ăn thô có năng lượng tiêu hóa thấp nên nếu chỉ cho ăn ủ xanh sẽ không đảm bảo được tốc độ sinh trưởng tối ưu cho bò thịt. Do vậy, một lượng thức ăn tinh nhất định [25 - 30% hoặc cao hơn] phải cho ăn cùng để cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu sản xuất của bò. Khối lượng thức ăn ủ xanh trong khẩu phần phụ thuộc chất lượng và hàm lượng axit hữu cơ trong đó. Khẩu phần thích hợp chứa 50 - 65% thức ăn ủ xanh. Nếu thức ăn ủ xanh chứa nhiều axit thì phải trung hòa bớt bằng dung dịch nước vôi 1,5 - 2%, hay dùng dung dịch amoniac 25% với 12 - 14 lít/ tấn. Ngoài ra, trong khẩu phần nên có một lượng cỏ khô khoảng 5 - 15% [0,8 - 1kg/ 100kg P].

Thức ăn ủ xanh thường nghèo protein và đường, do đó để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn ủ xanh trong khẩu phần cần sử dụng thêm những thức ăn chứa nhiều N/protein và đường dễ tan. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, bổ sung ure trong khẩu phần được cân bằng tốt hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu protein của bò. Tuy nhiên, nếu kết hợp được bổ sung NPN với một nguồn protein thực thì bò sẽ cho năng suất tốt hơn với giá thành thỏa đáng khi vỗ béo bò bằng thức ăn ủ xanh.

Khi vỗ béo bò bằng thức ăn ủ xanh cần bổ sung thêm vitamin A vì mặc dù trong thức ăn ủ xanh có khá nhiều caroten nhưng khả năng chuyển hóa caroten thành vitamin A của bò thịt không được tốt. Ngoài vitamin A không cần bổ sung thêm các loại vitamin khác nếu như bò được chiếu sáng đầy đủ.

Khi vỗ béo bằng thức ăn ủ xanh cũng cần phải bổ sung các loại khoáng như canxi, photpho, muối, lưu huỳnh, coban, sắt....Khoáng có thể bổ sung theo một tỷ lệ nhất định trong khẩu phần hoặc cung cấp dưới dạng bò có thể ăn tùy thích.

6. Phòng bệnh cho bò và tiêu độc khử trùng

6.1. Phòng bệnh

Thực hiện tốt lịch tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng,… theo quy định của Luật Thú y. Trước khi đưa vào vỗ béo, bò cần được diệt nội ngoại ký sinh trùng và tẩy giun sán.

Thuốc tẩy giun như Levamisole với liều lượng 1ml/8-10 kg trọng lượng bò hơi; thuốc tẩy sán [sán lá gan, sán dạ cỏ, …] như Dextil B, liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thông thường 1 viên/75kg bò hơi; phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng đường máu cho bò bằng Azidin liều lượng 0,85g/100 kg thể trọng.

6.2. Tiêu độc, sát trùng chuồng trại

Sát trùng chuồng nuôi bằng hóa chất, vôi bột 1 lần/tuần. Tổng vệ sinh, sát trùng khu chăn nuôi bằng hóa chất 2 lần/tháng. Lưu ý , không sử dụng hóa chất cho khu vực sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường vì làm giảm hiệu quả của chế phẩm.

II. CÁC QUY TRÌNH SỬ DỤNG CHẾ PHẨM EMINA ĐỂ XỬ LÝ CHẤT THẢI TRONG CHĂN NUÔI TRÂU, BÒ

1. Quy trình phun chế phẩm sinh học

1.1. Bước 1: Thu dọn phân trâu, bò thải ra để tập trung về hố ủ; phân có thể làm đống ủ xếp lớp, hoặc đánh luống hoặc ủ trong nhà, ngoài vườn. Kích thước đống ủ: Chiều cao 1-1,2 m, chiều rộng từ 1,5 - 2m; chiều dài tùy thuộc lượng phân. Khu vực ủ ở ngoài và xa chuồng nuôi, cuối hướng gió. Cứ 15-20 cm phân trâu, bò bố trí một lớp 10 cm đệm lót có nguồn gốc thực vật [mùn cưa hoặc bột keo nghiền hoặc rơm cắt ngắn 10-20 cm]; hòa 01 lít chế phẩm thứ cấp với nước lã thành dung dịch 100 lít, dùng dung dịch này tưới vào từng lớp của đống ủ, cứ 01 m3 phân ủ tưới khoảng 20 lít dung dịch đã pha loãng. Đống ủ cần được che phủ bằng bạt hoặc bao ni lông để giữ nhiệt, giữ ấm và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc mưa vào đống ủ làm chết vi sinh. Trong vài ngày đầu, nhiệt độ đống ủ tăng [60-700C]; sau 7-10 ngày, nhiệt độ giảm, cần phải đảo đống phân đang ủ lên và thêm dung dịch chế phẩm thứ cấp đã pha loãng [1:100] để cung cấp oxy cho vi sinh vật, trộn đều vi sinh vật, bổ sung thêm nước cho đống ủ, thời gian ủ từ 30 - 40 ngày.

1.2. Bước 2: Hòa 01 lít chế phẩm thứ cấp với nước sạch thành 10 lít dung dịch sau pha; dùng dung dịch này phun vào nền và xung quanh tường của chuồng. Cách xác định lượng dung dịch cần sau pha loãng như sau:

Diện tích cần phun = Chiều dài chuồng [m] x Chiều rộng [m] x 2,5 = S [m2];

Số lít dung dịch sau pha loãng chế phẩm thứ cấp [lít] = S x 0,3 [định mức 0,3 lít cho 01 m2 chuồng bao gồm cả tường].

Ví dụ: Chuồng dài 10 m, rộng 4 m, có tường thì số lít dung dịch sau khi pha dung dịch thứ cấp = [4 x 10 x2,5] x 0.3 = 30 lít; như vậy, cần 03 lít chế phẩm thứ cấp pha 27 lít nước thành 30 lít dung dịch sau pha.

1.3. Bước 3: Định kỳ dọn phân và phun chế phẩm pha loãng [tỷ lệ 1:10]: Quy mô nuôi số lượng ít, phương thức chăn thả, bò chỉ ở chuồng buổi tối thì phun 01 lần/tuần; quy mô nuôi số lượng vừa, phương thức bán công nghiệp: Phun 02 lần/tuần; quy mô nuôi nhiều, phương thức nuôi nhốt: Phun ngày 01 lần trong suốt quá trình nuôi.

2. Quy trình phun kết hợp cho ăn chế phẩm sinh học

Thực hiện quy trình phun nền chuồng, tường chuồng, ủ phân theo hướng dẫn đã nêu ở trên.

Lưu ý:

2.1. Đối với quy mô nuôi số lượng ít, phương thức chăn thả, bò chỉ ở chuồng buổi tối:

Áp dụng phun chế phẩm vi sinh 01 lần/tuần, kết hợp với bổ sung chế phẩm thứ cấp cho uống [01 ml cho 01 lít nước cho trâu, bò uống hàng ngày] hoặc ủ chua thức ăn xanh. Công thức ủ chua thức xanh bằng chế phẩm EMINA thứ cấp như sau: Thức ăn xanh [cỏ] cắt vào giai đoạn trước khi ra hoa [cỏ trồng thường cắt sau 45 ngày], thái cỏ dài 3-4 cm, phơi tái cỏ để có độ ẩm 60-70% [nắm một nắm cỏ trong lòng bàn tay đã thái nhỏ rồi từ từ thả tay ra, nếu khi mở tay ra, nắm cỏ từ từ mở ra, tay không bị ướt là thích hợp]. Bổ sung 01 lít chế phẩm vi sinh thứ cấp + 10 kg bột ngô hoặc cám gạo + 5 -10 lít rỉ mật đường + 0,5 kg muối + 100-500 kg cỏ [cỏ voi, cỏ VA06, cỏ sả, thân cây ngô, ...].

2.2. Quy mô nuôi số lượng vừa, phương thức bán công nghiệp:

Áp dụng phun chế phẩm vi sinh 02 lần/tuần kết hợp bổ sung chế phẩm thứ cấp ủ chua thức ăn xanh [theo kỹ thuật đã nêu ở phần trên] hoặc bổ sung chế phẩm gốc ủ thức ăn tinh [cám gạo, cám ngô,...]. Công thức ủ thức ăn tinh như sau: 01 lít chế phẩm gốc + 1 tấn tinh bột + 5-10 lít rỉ mật đường + 20-25 lít nước thành hỗn hợp ủ có độ ẩm 30-40% ủ trong 4-5 ngày là dùng được; thức ăn ủ được dùng trong dài ngày.

2.3. Quy mô nuôi nhiều, phương thức nuôi nhốt

Áp dụng phun chế phẩm vi sinh 01 lần/ngày kết hợp bổ sung chế phẩm thứ cấp ủ chua thức ăn xanh [theo kỹ thuật nêu ở phần trên] hoặc bổ sung chế phẩm gốc ủ thức ăn tinh [cám gạo, cám ngô, ...]. Công thức ủ thức ăn tinh như sau: 01 lít chế phẩm gốc + 01 tấn tinh bột + 5-10 lít rỉ mật đường + 20-25 lít nước thành hỗn hợp ủ có độ ẩm 30-40%, ủ trong 4-5 ngày là dùng được; thức ăn ủ dùng được trong dài ngày. Hoặc có thể bổ sung 1 lít chế phẩm gốc cho 1 tấn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, nếu các trại có máy phối, máy ép viên.

3. Quy trình làm đệm lót sinh học

3.1. Bước 1: Rải giá thể [hỗn hợp 60% trấu và 40% mùn cưa hoặc 100% bột cây keo nghiền có độ ẩm [30-40%], định mức khối lượng riêng khoảng 130 kg/m3 lên toàn bộ nền chuồng, độ dày: Mùa nóng dày 30-35cm; mùa lạnh dày 35-40cm.

3.2. Bước 2: Phun nước sạch vào giá thể vừa rải, đảo đều, đến khi độ ẩm đệm lót đạt khoảng  30%-40% [bốc đệm lót nắm chặt khi thả ra đệm lót vẫn dính vào nhau, không chảy nước ra là được] thì phun đều chế phẩm EMINA thứ cấp đã pha loãng tỷ lệ 1: 5 [01 lít chế phẩm thứ cấp pha với nước sạch thành 05 lít dung dịch] lên toàn bộ bề mặt giá thể và đảo đều, liều lượng 0,3 lít chế phẩm thứ cấp cho 01 m2 đệm lót.

3.3. Bước 3: Xoa nhẹ cho đều lớp trên mặt của đệm lót.

3.4. Bước 4: Thả trâu bò vào sau 3-4 giờ [Tốt nhất đậy kín bằng bạt hoặc ni-lông, ủ 3- 5 ngày là tốt nhất, nếu ủ hòa phun thêm 05 lít rỉ mật/01 tấn giá thể để vi sinh phát triển tốt hơn]; những ngày đầu khi trâu, bò thải phân cần tản đều phân ra khắp chuồng, chỗ nước tiểu trâu, bò thải ra cần đảo đều tránh úng nước. Những ngày đầu làm đệm lót, nên để chuồng thông thoáng để thoát khí độc [khí metan và sunfurhidro] do vi sinh vật lên men rất mạnh trong môi trường kỵ khí, không có oxy; trong điều kiện tốt nhất, sau khi lên men kết thúc thì bỏ bạt phủ, cào lớp bề mặt [sâu khoảng 20cm] để thông khí sau 01 ngày mới thả trâu, bò.

3.5. Bước 5: Định kỳ hàng ngày, đảo phân vào buổi sáng, cấp bổ sung giá thể cho chỗ đệm lót bị ẩm cao và khi có số lượng phân thải nhiều. Phun bổ sung dung dịch chế phẩm thứ cấp đã pha loãng tỷ lệ [1:10, cứ 01 lít thứ cấp pha loãng với nước lã thành 10 lít dung dịch], liều lượng 0,3 lít chế phẩm thứ cấp cho 01 m2 đệm lót. Số lần phun dung dịch chế phẩm pha loãng: 1-2 lần/tuần tùy theo lượng phân thải ra.

3.6. Sử dụng và bảo dưỡng đệm lót

* Đưa trâu, bò vào chuồng

Trong những ngày đầu mới đưa trâu, bò vào chuồng, cần tản phân trâu, bò thải ra ban đầu rải ra một số nơi trên đệm lót để tránh trâu, bò có thói quen thải phân, nước tiểu ở một chỗ. Khi thả trâu, bò phải quan sát trong 1-2 giờ, nếu có biểu hiện trúng độc  thì chuyển trâu, bò chỗ khác, xử lý trúng độc theo quy định như cho uống nước đường, mở thông thoáng chuồng nuôi thải khí độc, sau đó xới tơi đệm lót để trong vài ngày, sau đó thả trâu, bò lại.

*Quản lý và bảo dưỡng đệm lót

- Đảm bảo độ ẩm của đệm lót:

Độ ẩm đệm lót ở trâu, bò thường cao [thực tế phân tích độ ẩm đệm lót tại các mô hình dao động 39,3-66,5%, cao hơn ngưỡng phù hợp đảm bảo tối ưu cho sự lên men tiêu hủy phân tốt]; do đó, chuồng nuôi không để bị hắt nước mưa và không để nước từ máng uống chảy ra làm ướt đệm lót; khi đệm lót bị ướt cần bổ sung giá thể làm đệm lót khô. Khi thấy đệm lót bị khô [không đảm bảo độ ẩm] cần phun ẩm bằng vòi phun như mưa phùn.

- Đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót:

Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót và đặc biệt ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết tảng.

- Quan sát phân thường xuyên:

Phân được vùi lấp tốt do sự vận động của trâu, bò. Nếu phát hiện phân nhiều ở một chỗ cần cho trâu bò vận động để vùi lấp. Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết thì hốt bớt đi. Nếu có trâu, bò bị bệnh ỉa chảy thì cần cách ly ra khỏi đệm lót, chỗ phân trâu, bò bị bệnh cần xúc ra khỏi đệm lót và xử lý bằng vôi bột.

- Bảo dưỡng đệm lót:

Quan sát để đánh giá hoạt động của đệm lót: Đệm lót màu từ vàng đến vàng nâu, có mùi axít nhẹ, tơi xốp, sờ tay cảm giác ấm, phân trâu, bò quyện với lớp đệm lót thành khối khô ráo, nếu dùng tay bẻ đôi ra thì thấy phân đã khô, không có mùi, có thể bóp vụn được thì được xác định là đệm lót hoạt động tốt. Khi đệm lót có màu đen, mùi khác lạ và ướt, mùi thối, khai, ... phản ánh chất lượng xử lý mùi của hệ vi sinh vật trong đệm lót không đạt yêu cầu. Thời gian thay mới đệm lót thích hợp từ 3-4 tháng.

- Bảo dưỡng định kỳ: Định kỳ cần bổ sung thêm chế phẩm sinh học để tăng cường khả năng hoạt động của đệm lót. Đối với quy mô nhỏ bổ sung chế phẩm 01 lần/tuần; quy mô vừa bổ sung 02 lần/tuần và chăn nuôi quy mô nhiều bổ sung 3-4 lần/tuần tùy theo lượng phân và độ ẩm của đệm lót.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thành Nhương,Nguyễn Thị Bến, Nguyễn Bá Hưng, Phạm Văn Lý, Hà Thị Kim Thu, Đàm Thị Việt Anh, Hoàng Thị Miền, Nguyễn Hoài Văn, Nguyễn Thị Hoa Tươi, Trịnh Quang Hiệp, 2021. Kết quả đánh giá hiệu quả quy trình sử dụng chế phẩm EMINA trong xử lý môi trường chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

2. Viện sinh học nông nghiệp, 2009. Báo cáo tổng kết dự án cấp bộ “Hoàn thiện quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường.

3. Hướng dẫn sử dụng chế phẩm EMINA của nhà sản xuất;

4. Phùng Quốc Quảng, 2009. Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu.

5. Nguyễn Trọng Tiến, Nguyễn Xuân Trạch, Mai Thị Thơm, Lê Văn Ban, 2001. Giáo trình chăn nuôi trâu, bò, NXB Nông nghiệp.

CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y THÁI BÌNH.

Một số hình ảnh về sử dụng chế phẩm sinh học.

Hộ bổ sung thức ăn tinh vỗ béo bò thịt

Hộ sử dụng chế phẩm sinh học ủ thức ăn tinh cho bò

Bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn cho bò

Cán bộ Chi cục hướng dẫn hộ đảo trộn, bảo dưỡng đệm lót

Phun chế phẩm sinh học vào nền chuồng tại hộ ông Cao Đăng Cường, xã Vũ Hội

Hộ ông Nguyễn Xuân Cường, xã Châu Sơn tự nhân chế phẩm sinh học

Video liên quan

Chủ Đề