Ấn độ giáo phân bố chủ yếu ở đâu

Ninh Thuận thuộc khu vực nào [Địa lý - Lớp 5]

7 trả lời

Châu Phi có đặc điểm gì? [Địa lý - Lớp 6]

3 trả lời

Phân tích biểu đồ nhiệt độ và lương mưa [Địa lý - Lớp 7]

1 trả lời

Nêu 3 địa danh nổi tiếng về du lịch ở Ninh Thuận [Địa lý - Lớp 5]

5 trả lời

Ninh Thuận thuộc khu vực nào [Địa lý - Lớp 5]

7 trả lời

Châu Phi có đặc điểm gì? [Địa lý - Lớp 6]

3 trả lời

Phân tích biểu đồ nhiệt độ và lương mưa [Địa lý - Lớp 7]

1 trả lời

Nêu 3 địa danh nổi tiếng về du lịch ở Ninh Thuận [Địa lý - Lớp 5]

5 trả lời

Chiến tranh sắc tộc, chính trị và tôn giáo là một trong những vấn đề nóng bỏng trên thế giới từ xưa cho đến nay. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị bài viết về nguồn gốc và lịch sử các tôn giáo trên thế giới để cung cấp cho quý vị một cái nhìn tổng quan về lĩnh vực này.

Niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Nói chung có khoảng 87 phần trăm dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 13 phần trăm là không tôn giáo.[9]

Các tôn giáo trên thế giới

Tôn giáo

Số lượng tín đồ

Vùng lãnh thổ chủ yếu

Kitô giáo 2,1 tỷ Khắp thế giới, trừ Tây Phi, Bắc Phi, bán đảo Ả Rập và một phần của Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á.
Hồi giáo 1,5 tỷ Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Albania, một phần lãnh thổ Nga, các tỉnh phía tâyTrung Quốc.
Ấn Độ giáo 900 triệu Nam Á, Đông Nam Á, Fiji, Guyana, Mauritus.
Đạo giáo 400 triệu Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cộng đồng người Hoa hải ngoại
Tôn giáo dân gian Trung Quốc 394 triệu Trung Quốc
Phật giáo 365 triệu Đông Á và Ấn Độ
Tôn giáo của các bộ tộc 300 triệu Khắp thế giới trừ Châu Âu
Nho giáo 150 triệu Đông Á và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại
Tôn giáo truyền thống Châu Phi 100 triệu Châu Phi
Shintō 30 triệu Nhật Bản
Đạo Sikh 23 triệu Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh
Do Thái giáo 14 triệu Israel, Mỹ, châu Âu
Bahá’í giáo 9 triệu Tín đồ phân bố rải rác nhiều nơi trên thế giới
Cao Đài 5 triệu Việt Nam, Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc
Đạo Jain 1,2 triệu Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh

[Nguồn số liệu theo Adherents.com [1], riêng số lượng tín đồ Khổng giáo theo Macionis.]

Việc thống kê số liệu tín đồ của từng tôn giáo rất phức tạp và nhiều phương pháp khác nhau do đó các nguồn số liệu có thể cho kết quả khác nhau đáng kể, tuy vậy nó cung cấp cái nhìn tương đối về quy mô của các tôn giáo đặc biệt là trong tương quan với nhau.

Bản đồ phân bố các tôn giáo quan trọng trên thế giới

TÔN GIÁO THẾ GIỚI

H1.Ai sáng lập Ấn Độ Giáo?

Ấn Độ Giáo ra đời ở Ấn Độ cách đây vào khoảng 4.000 năm, nhưng không có người sáng lập. Ấn Độ Giáo là một tôn giáo có truyền thống lâu đời của văn hóa Ấn độ, và là một tôn giáo lớn, có khoảng 80% dân số Ấn Độ theo tôn giáo này. Ngày nay, Ấn Độ Giáo pha trộn với Bà La Môn Giáo và Phật Giáo. Ấn Độ Giáo không đặt nặng giáo quyền và tín lý, nên người theo Ấn Độ Giáo có thể tin thuyết độc thần hay đa thần đều được dung nạp.
Ấn Độ Giáo có truyền thống chia xã hội ra thành đẳng cấp để phân biệt đối xử trong giao tế, hôn nhân, hùn hạp làm ăn buôn bán. Vì thế, Ấn Độ Giáo đã chia xã hội Ấn Độ ra bốn đẳng cấp riêng biệt như sau:

Bà-La-Môn [Brahmins]: Đạo sĩ, tăng lữ.
Sát-Đế-Kỵ [Kshatriyas]: Quan quyền, chiến sĩ.
Phệ-Xá [Vaisyas]: Điền chủ, doanh gia.
Thủ-Đà-La [Sùdra]: Nông dân, làm mướn, đầy tớ.

Để làm giảm bớt sự khác biệt giữa các đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, vào khoảng đầu tháng 9 năm 2006, chánh phủ Ấn Độ ra thông cáo sẽ tưởng thưởng 1.100 mỹ kim cho ai bằng lòng lấy chồng hay lấy vợ ở đẳng cấp thấp hơn mình. Ấn Độ Giáo tin các thần ở trong các động vật có sự sống và đồ vật vô tri vô giác như cây cối, gỗ, đá… Ấn Độ Giáo thờ lạy một thần chánh là Brahman [Đại Linh Quang, Phạm Thiên hay Đại Hồn] và 33 thần phụ. Ba thần phụ mà hầu hết người Ấn Độ đều sùng bái là thần Brahma, thần Vishnu và thần Shiva. Ấn Độ Giáo cho rằng thần Brahma là thần sáng tạo. Khi Brahma thở ra thì một vũ trụ được thành hình, khi Brahma hít hơi thở vào thì vũ trụ ấy bị tiêu diệt. Thần Brahma cũng được coi là thần có trách nhiệm quản lý việc luân hồi. Thần này có bốn đầu và sáu tay. Bốn đầu để nhìn ra tứ phía, thấy rõ hành vi xấu tốt của mỗi người mà quyết định cho số phận của người sẽ được đầu thai trong kiếp luân hồi. Thần Vishnu có sáu tay là thần bảo hộ, duy trì và dưỡng nuôi sự sáng tạo của thần Brahma. Thần Shiva có bốn tay và một con mắt ở giữa trán, là thần hủy diệt. Shiva cũng là thần của nội tâm. Thần này nhảy múa không ngừng tạo nên những gợn sóng cấu thành vũ trụ nội tâm. Con mắt trên trán của Shiva chiếu vào là tiêu diệt tất cả những gì đã có trong vũ trụ nội tâm để đưa tất cả vào tĩnh lặng. Ấn Độ Giáo không chấp nhận thông tin cho rằng Ấn Độ Giáo thờ phượng 330 triệu vị thần. Họ cho đó là một sai lầm trong sự diễn dịch. Nhưng căn cứ vào sự thờ cúng của họ ở các đền chùa và tại các tư gia thì người ta nghĩ rằng Ấn Độ Giáo thờ phượng hàng triệu vị thần khác nhau. Dẫu rằng, Ấn Độ Giáo thật sự thờ rất nhiều thần, nhưng vẫn cho mình là đạo thờ độc thần; vì họ cho rằng tất cả các thần họ thờ lạy đều xuất phát từ một thần chánh là Brahman. Ấn Độ Giáo tin rằng mọi sự hiện hữu trên đời này, kể cả con người, đều là thị hiện của thần Brahman. Thần Brahman là sự hiện hữu duy nhất, ngoài thần Brahman ra, không có sự hiện hữu nào khác. Ấn Độ Giáo tin thần chánh ở trong con người và thú vật. Thú vật được coi là thiêng liêng. Riêng con bò là loài thú vật được Ấn Giáo coi là thiêng liêng hơn hết, vì nó cho loài người nhiều hơn các loài thú vật khác, như sữa để uống và da để làm giày dép, trong lúc đó con bò chỉ ăn cỏ và ngũ cốc mà thôi. Tín hữu Ấn Độ Giáo đem của cúng đến các đền chùa để dâng hiến cho các thần mà họ thờ lạy. Họ tin các đền chùa là nơi cư ngụ của các thần. Ngoài ra, ở mỗi nhà của tín hữu đều có dành riêng một phòng hay một nơi nhỏ để làm am thờ phượng các thần. Tín hữu của tôn giáo này tin rằng các thần mà họ thờ phượng tại gia sẽ xua đuổi tà linh cho họ và phù hộ họ làm ăn khá giả. Ấn Độ Giáo tin linh hồn của người và thú vật đều phải chịu kiếp luân hồi. Con người sống trên đời tạo ra nghiệp. Nếu con người tạo ra nghiệp tốt, sẽ được đầu thai vào chỗ giàu sang danh vọng. Nếu con người tạo ra nghiệp xấu, sẽ bị đầu thai vào chỗ nghèo hèn hay thành thú vật hoặc côn trùng. Ấn Độ Giáo tin rằng, khi con người diệt được hết các tham vọng thèm muốn thì linh hồn sẽ thoát ra khỏi vòng luân hồi để nhập Niết Bàn. Niết Bàn là một trạng thái hoàn toàn hạnh phúc, không còn đau khổ phiền lụy, và cũng không còn ham muốn điều gì nữa. Ngoài ra, Ấn Độ Giáo còn dạy tín hữu luyện tập Yôga để tự chế ngự trí óc, các giác quan và thân thể của mình, để tạo ra những thể nghiệm thần bí và sự kết hợp linh hồn cá nhân với tinh thần vũ trụ.

Vào cuối thế kỷ 20, Ấn Độ Giáo có khoảng 800 triệu tín hữu trên toàn thế giới, đa số ở Ấn Độ, Nêpal, Bangladesh, và các quốc gia ở miền nam Á Châu.

H2.Ai sáng lập Lão Giáo?

Lão Giáo do Lão Tử khởi xướng. Lão Tử có nghĩa là “Thầy Già.” Nhưng theo huyền thoại thì khi mẹ của Lão Tử ăn một trái đào rồi thụ thai. Bà mang thai đến 80 năm mới sanh. Khi sanh ra đứa con đã già, râu tóc đều bạc, nên gọi là Lão Tử, có nghĩa là “Con Già.” Tên thật của Lão Tử làø Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, ra đờiø năm 570 TCN, tại làng Khúc Nhân, huyện Hỗ, nước Sở nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Lão Tử cũng có tên là Thái Thượng Lão Quân, tác giả của sách Đạo Đức Kinh, một quyển sách khái luận về triết học nổi tiếng trong thời đó. Sau khi phục vụ một thời gian dài cho nhà Châu với chức vụ là quan Trụ Hạ Sử,  ghi chép lịch sử và trông coi thư viện nhà vua. Khi thấy nhà Châu suy nhược, Lão Tử từ chức quan Trụ Hạ Sử để đi về phương tây sống cuộc đời ẩn dật, rồi mất tông tích từ đó. Huyền thoại cho rằng Lão Tử đã đi về cõi tiên.
Sách Non Nước Việt Nam xuất bản năm 1999 cho biết:  “Triết học Lão Tử chứa đựng những nhân tố duy vật tự phát, vô thần và biện chứng. Lão Tử lấy những quan niệm duy vật nguyên thủy ở Trung Quốc, như khí âm dương, làm cơ sở cho hệ thống triết học của mình. Lão Giáo coi thể xác là nguồn cội khổ sở, tâm trí là cái gốc phiền lụy. Làm gì cũng phải xem xét cho thấu hết việc đời, hiểu cho rõ hết tình người, đem một tấm lòng thanh tịnh hư không mà giao thiệp với đời, không có sự vương vấn nào đến tâm trí thì mới thấu hiểu được đạo, đạt đến cái thú ung dung, nhàn nhã, sung sướng, khoan thai. Còn các việc đời thì khi xảy đến việc gì hãy ứng đối việc ấy, dùng cái lẽ tự nhiên mà thù ứng các việc tự nhiên rồi đâu cũng sẽ vào đó. Phàm việc gì ở trên đời cũng đều là phù phiếm hư không.” Ngày nay, Lão Giáo không được đa số quần chúng Việt Nam biết đến. Nhưng đạo Cao Đài xem Lão Giáo, Khổng Giáo và Phật Giáo là ba đạo quan trọng, nên Đức Giáo Tông của đạo Cao Đài có ba hàng chức sắc của ba tôn giáo này làm phụ tá để điều khiển Cửu Trùng Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh. Các nho sĩ từ Trung Quốc mang Lão Giáo vào Việt Nam hồi thế kỷ thứ nhất của Công Nguyên.

H3.Ai sáng lập Nho Giáo hay Khổng Giáo?

Nho Giáo có từ thời vua Phục Hi [2852-2737 TCN] bên Tàu, nhưng không biết ai là người sáng lập. Nho Giáo có trước Khổng Giáo hơn hai ngàn năm, đến thời Khổng Tử thì Nho Giáo mới được củng cố và kiện toàn bởi các học trò của Khổng Tử như Tăng Sâm, Mạnh Tử… Bởi lẽ đó, Nho Giáo cũng được gọi là Khổng Giáo hay Đạo Khổng Mạnh. Khổng Phu Tử hay Khổng Tử, người sáng lập Khổng Giáo, ra đời năm 551 TCN, trong một gia đình nghèo ở làng Xương Bình, nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Khổng Tử mồ côi cha lúc mới vừa được bốn tuổi. Mẹ Khổng Tử phải tảo tần để nuôi con ăn học cho đến nơi đến chốn. Đến năm 19 tuổi, Khổng Tử cưới vợ. Ông có ba người con, một trai và hai gái. Vào khoảng 20 tuổi, vì nghèo túng, Khổng Tử phải làm nghề ở mướn cho gia đình của quan đầu tỉnh nơi ông cư ngụ. Đến năm 24 tuổi, mẹ Khổng Tử qua đời. Sau khi mãn tang mẹ, Khổng Tử mở trường dạy triết học về cõi thiên nhiên và ý nghĩa của cuộc sống. Chẳng bao lâu, các triết lý của Khổng Tử được học trò của ông đem phổ biến khắp Trung Hoa. Vì Khổng Tử dạy các triết lý cao siêu khác thường nên được nhiều người ngưỡng mộ và kính nể. Đến năm 52 tuổi ông được mời làm quan thẩm phán ở tỉnh ông cư ngụ. Trong thời gian làm quan thẩm phán ông tỏ ra thanh liêm, chính trực, thi hành công lý nghiêm túc, nên chẳng bao lâu tỉnh ông không còn tội phạm nhiều như trước nữa.

Sau khi làm quan thẩm phán được 4 năm, Khổng Tử từ chức làm quan thẩm phán. Sau đó, ông chu du qua nước Vệ, nước Tần, nước Tấn và nước Sở để phổ biến triết lý “Tu thân, Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ”của mình đến các vua quan nhà nước, hầu cho họ biết cải cách đường lối trị dân đem thanh bình và thạnh trị đến cho toàn dân Trung Hoa, nhưng không được ai hoan nghênh. Sau thất bại này, Khổng Tử trở về nguyên quán lúc ông 69 tuổi, ông tiếp tục viết sách và dạy học. Ba năm sau, Khổng Tử qua đời, hưởng thọ được 72 tuổi, ông được chôn cất nơi sanh quán của ông. Sau khi chết, Khổng Tử để lại bộ Tứ Thư và Ngũ Kinh. Hai bộ sách này là nền tảng chính yếu của triết học đông phương. Ảnh hưởng của hai bộ sách cũng đã ăn sâu vào nền văn hóa Việt Nam. Nên người ta thường thấy triết lý của hai bộ sách này bàng bạc trong các câu ca dao tục ngữ của người dân Việt hay trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng như: Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Cha Con Nghĩa Nặng…

Người Trung Hoa tin rằng, tư tưởng của Khổng Tử đã giúp cho nước Trung Hoa đang bị phân chia từng mảnh vụn, loạn lạc lầm than trở nên ổn định. Tư tưởng Khổng Tử cũng giúp nâng cao trình độ đạo đức của người Trung Hoa lên đến chỗ tốt đẹp hơn trước. Nên sau khi Khổng Tử qua đời, để tỏ lòng thương tiếc một nhà hiền triết, người Trung Hoa xây văn miếu ở nhiều nơi để thờ phượng ông. Những điều Khổng Tử dạy được duy trì trong hệ thống giáo dục của Trung Hoa suốt 2.000 năm. Lúc sanh tiền, Khổng Tử chỉ có ý định dùng các tư tưởng của mình để tạo ra một nền giáo dục tinh thần để vua, quan và dân Trung Hoa hiểu biết nhiệm vụ của mình mà tạo ra một xã hội an cư lạc nghiệp cho toàn dân Trung Hoa. Nhưng từ đời nhà Tống trở đi, người ta đã biến các triết lý của Khổng Tử trở thành những công cụ để giữ vững ngai vàng của các vua chúa và bao che nền phong kiến tồi tệ của Trung Hoa. Nên, khi cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, do Tôn Dật Tiên lãnh đạo thành công, thì việc đầu tiên mà người Trung Hoa làm là kéo sập tượng Khổng Tử xuống đất. Người Trung Hoa của thế hệ này coi tượng Khổng Tử là một biểu tượng để bảo toàn quyền lực cho vua chúa suốt mấy ngàn năm qua ở Trung Hoa. Người Trung Hoa muốn chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến, để tiến bộ và hưởng tự do dân chủ như những dân tộc khác trên thế giới.

Sau khi nghiên cứu kỹ các triết lý của Khổng Tử, học giả ngày nay cho rằng Khổng Tử không có ý định tạo ra một tôn giáo mới, nhưng chỉ đưa ra các nguyên tắc đạo đức để con người biết cách ở đời với nhau cho hài hòa hợp tình hợp lý hơn. Các nguyên tắc cư xử ở đời của Khổng Tử thường được nhắc đến trong dân gian như sau:

Tam Cương*: Ba mối quan hệ hay ba cách đối xử trong đạo làm người:

  • Giữa vua và quần thần: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.
  • Giữa cha và con: Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
  • Giữa vợ và chồng: Phu xướng phụ tùy.

Ngũ Thường: Năm đức tính mà người quân tử phải có:

  • Nhân:Lòng nhân đức hay lòng thương người.
  • Lễ: Cư xử phải đạo.
  • Nghĩa: Nhân nghĩa, hiếu nghĩa; làm việc theo đường lối phải.
  • Trí: Hiểu biết, khôn ngoan.
  • Tín: Trung tín, thành tín.

Tam Tòng: Ba bổn phận của người phụ nữ đối với gia đình.

  • Tại gia tòng phụ: Lúc còn ở nhà thì theo cha.
  • Xuất giá tòng phu: Khi lấy chồng theo chồng.
  • Phu tử tòng tử: Khi chồng chết theo con trai.

Tứ Đức: Bốn đức tính mà người phụ nữ phải có:

    • Công: Siêng năng quán xuyến việc nhà, tề gia nội  trợ, may vá thêu thùa.
    • Dung: Biết trang điểm và ăn mặc tươm tất đểû có dung nhan duyên dáng.
    • Ngôn: Lời nói lễ phép, ôn hòa, dịu dàng, ân hậu.
    • Hạnh: Tính nếùt đoan trang, đằm thắm.

Người ta tin rằng Khổng Giáo du nhập vào Việt Nam dưới thời nhà Hán cai trị. Quan Thái Thú Sĩ Nhiếp đem Kinh Thư và Kinh Thi vào hệ thống giáo dục của Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 186 đến năm 225. Dù sau khi Việt nam giành được độc lập khỏi quyền đô hộ của người Trung Hoa, nhưng hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn giữ nguyên nền giáo dục theo triết lý của Khổng Tử. Vì Khổng Học có ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt Nam, nên đến đời nhà Lý [1070], người Việt đã lập văn miếu để thờ Khổng Tử. Đến đời nhà Trần thì đã có nhiều nhà Khổng Học trứ danh như Hàn Thuyên, Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Võ Trường Toản… Đến đời nhà Lê [1428-1788], Khổng Giáo trở thành một tôn giáo lớn kéo dài cho đến đời nhà Nguyễn [1915]. Trong thời này, mỗi làng đều có nơi thờ Khổng Tử, riêng Huế và Hà Nội có văn miếu để thờ nhà hiền triết này.

Người Việt Nam nghe lời  Khổng Tử dạy: “Giao xã chi lễ, sở dĩ tự Thượng Đế giả” mà lập bàn Vọng Thiên để thờ Trời. Các nhà Khổng Học Việt Nam tin rằng mọi sự xảy ra trên đời là bởi ý Trời hay Thiên Mệnh. Hơn nữa, họ tin loài người đã phạm tội với Trời như lời Khổng Tử dạy: “Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo giả.” Khổng HoÏc còn tin rằng Trời là Đấng ban phước cho người vâng phục Ngài, như câu nói: “Thuận Thiên giả tồn” và giáng họa cho những kẻ chống đối Ngài, “Nghịch Thiên giả vong.”

Đến thời Pháp thuộc, Khổng Giáo không còn thịnh hành như trước nữa, khi chính quyền Pháp ngưng các kỳ Thi Hương và Thi Hội ở Bắc Kỳ vào năm 1915 và ở Trung Kỳ vào năm 1919. Tuy nhiên, việc thờ phượng Khổng Tử và các bậc hiền Nho vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam cho đến ngày nay.

Ghi chú: Một học giả cho biết câu nói, “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu…” không phải của Khổng Tử, nhưng là lời nói của Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế đề xứng ra các câu nói nầy rồi gán cho Khổng Tử để người dân Trung Hoa dễ tin theo, hầu cho Hán Vũ Đế dễ bề cai trị dân chúng Trung Hoa.


H4.Ai sáng lập Phật Giáo?

Thái tử Tất-Đạt-Đa Gô-Ta-Ma [Siddhartha Gauta- ma] sáng lập Phật Giáo vào khoảng năm 528 TCN tại Ấn Độ. Thái tử Tất Đạt Đa ra đời vào năm 563 TCN tại thị trấn  Kapilavaster, ngày xưa thuộc Ấn Độ, ngày nay thuộc miền nam xứ Nêpal. Thân sinh của thái tử là Suddhodhana, một tiểu  vương có thế lực và giàu sang của bộ tộc Shakya. Đến năm 18 tuổi, thái tử Tất Đạt Đa vâng lệnh vua cha, cưới người em họ tên Yasodhara làm vợ. Sau thời gian chung sống, hai vợ chồng có được một người con trai, đặt tên là La Hầu La. Cuộc sống trên nhung lụa trong hoàng cung không đem lại cho thái tử Tất Đạt Đa một sự thỏa lòng. Trái lại, thái tử luôn cảm thấy một sự trống rỗng khó chịu trong tâm hồn mình. Theo tục truyền, vào năm thái tử Tất Đạt Đa 29 tuổi, lúc đi dạo ngoài thành, thái tử gặp một cụ già, một người đau bệnh và nhìn thấy một xác chết. Những điều này làm cho thái tử nhận ra cuộc đời chỉ là sanh, lão, bịnh, tử, và đời người chỉ là biển khổ, nên thái tử quyết định từ giã gia đình vợ con, tiền tài và danh vọng để trở thành một tu sĩ hành khất đi tìm ánh sáng cho sự siêu thoát và chân lý vô biên. Trong nỗ lực tầm đạo, thái tử Tất Đạt Đa tiếp xúc với các ẩn sĩ để tìm hiểu Ấn Độ Giáo, nhưng  không thỏa lòng về hệ thống phẩm trật và cách khổ tu của tôn giáo này. Sau đó, thái tử đi lên núi Tuyết Sơn, với hy vọng áp dụng phương pháp khổ tu sẽ đem lại cho chính mình sự giác ngộ. Trải qua 6 năm khổ tu trên núi không đem lại cho thái tử kết quả như mong muốn. Một hôm, thái tử quyết định lìa bỏ nơi khổ tu để đi đến bờ sông Ni Liên, ở vùng Buddh Gaya, thuộc tỉnh Bihar. Sau khi tắm rửa xong và uống một bát sữa do một cô gái chăn chiên mang đến cho. Thái tử quyết định ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề cho đến khi nào tìm ra được chân lý vô biên và siêu thoát mới thôi. Đến ngày thứ 43, thái tử Tất Đạt Đa nhận thấy mình giác ngộ, tức là hiểu biết hết mọi bí mật của cuộc đời và vũ trụ. Sau đó thái tử Tất Đạt Đa tuyên bố đắc đạo và thành Phật, vì đã tìm ra được chân lý vô biên và siêu thoát cùng căn nguyên của sự sống và sự chết qua khổ hạnh. Như vậy, thái tử Tất Đạt Đa thành Phật năm 35 tuổi, lấy danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni [Sakya Muni]. Sau khi đắc đạo, thái tử cùng các môn đệ đi về miền sông Hằng [Găng] thu thập thêm môn đệ và rao giảng phương cách tu hành. Thái tử cho rằng nếu ai làm đúng theo lời giảng dạy của ngài đều có thể thành Phật; dù con kiến con sâu làm đúng theo lời ngài giảng dạy cũng có thể thành Phật như ngài, mà khi đã thành Phật rồi thì đương nhiên thoát ra khỏi kiếp luân hồi và không còn ở trong vòng sanh, lão, bịnh, tử nữa.

Kinh Phật cho biết vào một đêm đẹp trời, các môn đệ quây quần bên Phật Thích Ca để nghe thuyết pháp. Phật Thích Ca chỉ ngón tay về phía mặt trăng nói rằng: “Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về đạo cũng vậy. Các ngươi cứ nghe theo lời ta giảng mà tìm đạo, nhưng nên nhớ lời giảng của ta không phải là đạo; theo lời ta dạy tự mình hành trì, tu học để giải thoát; các ngươi hãy dùng trí tuệ để nhận xét những lời của ta rồi hãy tự mình thắp đuốc mà đi.”


Thuyết luân hồi của Phật Giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ Giáo và Bà-La-Môn Giáo. Kinh Phật cho rằng, gieo nhân lành sẽ gặt trái tốt, còn đau khổ là do dục. Muốn hết đau khổ phải diệt dục. Điều thiện và ác của mỗi kiếp người tích lũy tạo ra “nghiệp”. Nếu tạo “nghiệp” tốt sẽ đầu thai lên kiếp làm người có địa vị giàu sang danh vọng. Nếu tạo “nghiệp” xấu sẽ đầu thai lên kiếp làm người nghèo hèn khổ cực hay điểu thú côn trùng. Mọi sự xảy ra trong cuộc sống của con người ở trần gian, dù tốt hay xấu là do “nghiệp báo” từ muôn ngàn kiếp trước. Khi nào con người diệt được hết tham, sân si, hỷ nộ, ái ố sẽ đoạt được Niết Bàn. Khi con người đoạt được Niết Bàn là thoát ra khỏi vòng luân hồi, hoàn toàn hạnh phúc, không còn đau khổ phiền lụy nữa, như ngọn đèn đã tắt, bánh xe ngừng quay, dòng suối ngừng chảy, trái bóng xẹp hơi… Giáo lý nhà Phật dạy không có Ông Trời, Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa. Phật Giáo cho rằng mọi vật trên thế gian này tự nhiên mà có và tự nhiên mà tồn tại. Thái dương hệ tự vận hành theo luật thiên nhiên, không cần phải có Đấng thiêng liêng nào điều hành sự vận chuyển của nó. Tuy vậy, trong tiềm thức của đa số người cho mình theo đạo Phật đều tin rằng, có Ông Trời ở trên cao đang điều hành vũ trụ này và số phận của con người ở trần gian. Phật Giáo còn dạy là con người không có linh hồn; con người chỉ là sự kết hợp của 5 yếu tố tâm sinh lý là vật chất, cảm giác, nhận thức, tâm thần và lương tâm mà Phật Giáo gọi là “Ngũ Uẩn” [sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn]. Khi thân xác chết, Ngũ Uẩn trở về chung tử chờ gặp “cơ duyên” để luân hồi đầu thai qua kiếp khác. Phật Thích Ca cho biết đã có hằng hà sa số Phật, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Nếu muốn thành Phật phải giữ được hết các giới cấm của luật tạng nhất là giới cấm sát sanh. Phật Thích Ca cho rằng đi bộ là giết côn trùng dưới chân, uống một ly nước lã là đã giết chết bát vạn tứ thiên [84.000] con sanh vật đang sống trong ly nước mà mình mới vừa uống đó. Suy ra, theo triết lý của Phật thì chỉ việc đi bộ trên đất hay uống một ly nước lã là đã phạm tội sát sanh, tức là phạm giới cấm quan trọng bậc nhất của nhà Phật rồi. Vậy, việc tu để thành Phật là điều khó có thể đạt được. Nên, từ ngày Đức Thích Ca đề xứng ra thuyết Vô Ngã cho đến nay đã hơn 2.500 năm rồi mà chưa thấy có một bậc chân tu nào đã thành Phật để cho người ta thờ lạy. Nhằm mục đích làm theo các giáo lý của nhà Phật và không phạm giới cấm sát sanh của luật tạng, đa số các nhà sư của Phật Giáo ăn chay trường và không có vợ con hay làm ăn buôn bán. Trái lại, hầu hết các nhà sư của Phật Giáo Nhật Bản ăn mặn, có vợ con, có cơ sở kinh doanh làm ăn buôn bán như người đời phàm tục, nhưng họ vẫn không xem đó là vi phạm giới cấm của nhà Phật! Năm 483 TCN, Phật Thích Ca đi đến vùng Kusinagara thuộc xứ Nêpal để thăm một người bạn làm nghề thợ rèn. Theo tài liệu của Microsoft Encyclopedia cho rằng trong bữa cơm với người bạn này, Phật Thích Ca ăn nhằm một miếng thịt heo đã thiu nên bị chết vì ngộ độc. Nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng Phật Thích Ca đã qua đời vì ăn trúng nhầm nấm độc để chứng tỏ là Phật Thích Ca đã ăn chay cho đến hơi thở cuối cùng. Thật ra, ai cho Phật món gì, ngài ăn món nấy, bất kể chay hay mặn. Phật Thích Ca hưởng thọ được 80 tuổi. Sử liệu cho biết vào năm 161, nhà sư Khâu Đà La [Ksudra] dùng đường biển đi từ Ấn độ, tức là nước Thiên Trúc ngày xưa, đến tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, để truyền bá Phật Giáo Nam Tông. Đến thế kỷ thứ hai, một số nhà sư từ Trung Quốc đến Việt Nam để truyền bá Phật Giáo Bắc Tông. Vì Phật Giáo thích hợp với phong tục và tập quán của người Việt nên Đạo Phật bành trướng và phát triển rất nhanh chóng. Chẳng bao lâu Phật Giáo trở thành Quốc Giáo từ triều đại nhà Đinh [thế kỷ IX], nhà Lê, nhà Lý đến triều đại nhà Trần [thế kỷ XIV]. Chính Vua Lý Thái Tổ xuất thân từ một chú tiểu của chù Tiên Sơn. Vua Trần Nhân Tông, sau khi thắng được giặc Nguyên, đã xuất gia để thành lập môn phái Thiền Trúc Lâm. Trong thời kỳ này, ở Việt Nam mỗi làng đều có chùa. Chùa không chỉ là nơi hoạt động về tôn giáo nhưng cũng là nơi để dân làng tổ chức các buổi hội hè, học kinh, học chữ do các nhà sư giảng dạy. Sân chùa là nơi để dân làng nhóm chợ. Vườn chùa là nơi thề non hẹn biển của trai gái trong làng. Vào năm 2005, người ta ước tính có khoảng từ 150 triệu đến 300 triệu tín hữu Phật Giáo trên thế giới. Đa số người Việt Nam cho mình theo đạo Phật.

H5.Ai sáng lập Hồi Giáo?

Vào đầu thế kỷ VII, Ông Muhammad khai sinh ra Hồi Giáo [Islam] tại Mecca, xứ Ả-rập. Muhammad thuộc thị tộc Hashim của bộ tộc Quraysh, chào đời năm 570 tại Mecca, nay thuộc Arab Saudi. Ông mồ côi cha lúc còn trong bụng mẹ. Khi vừa được 6 tuổi, ông mồ côi mẹ, nên phải sống dưới sự nuôi dưỡng của ông nội tên là Abd Al-Muttalib. Sau khi sống với ông nội được hai năm, ông nội qua đời. Sau đó phải sống với người chú tên Abu Talib. Khi lớn khôn, ông đi theo các thương buôn vượt sa mạc qua Syria để buôn bán và trao đổi hàng hóa. Đến năm 25 tuổi, ông được một góa phụ thương gia giàu có tên là Khadidfe mướn làm quản gia coi sóc tài sản cho bà. Sau một thời gian làm việc, ông tỏ ra thanh liêm, chánh trực và đảm đang nên người chủ cảm thương lấy ông làm chồng lúc ông chưa quá 25 tuổi còn bà chủ thì đã vào khoảng 40. Hai người chung sống với nhau có được 2 người con trai và 4 người con gái. Muhammad thường vào các hang động cầu nguyện tịnh tâm tìm khải tượng. Theo lời Muhammad thuật lại thì khi ông khoảng 40 tuổi, vào một buổi chiều, trong lúc ông đang cầu nguyện trong một hang động ở núi Hira. Thình lình Muhammad nghe có tiếng la lớn bảo ông “hãy đọc.” Muhammad trả lời là ông không biết đọc. Sau đó, Muhammad lại nghe có tiếng la lớn một lần nữa bảo ông “hãy đọc.” Muhammad nhướng mắt lên thấy một cuộn sách đang mở ra đầy chữ bằng lửa. Muhammad tự nhiên đọc được quyển sách này. Muhammad quá sợ, liền bỏ chạy để thoát thân, nhưng lại nghe có tiếng lớn kêu tên ông, ông liền quây lại thì thấy một thiên sứ. Thiên sứ này xưng mình tên là Gáp-ri-ên. Thiên sứ  Gáp-ri-ên báo cho Muhammad biết là ông đã được chọn để làm tiên tri cho Allah [Ả rập: Ilah], tức là tiên tri của Đức Chúa Trời. Sau khải tượng này, Muhammad xưng mình là tiên tri của Đức Chúa Trời và bắt đầu đi rao giảng. Ông bảo người Ả-rập bỏ đạo thờ đa thần trở lại thờ một chân thần duy nhất là Allah tức là Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham. Ngoài ra, Muhammad còn tuyên bố là ông nhận được thêm khải tượng là Allah đã chỉ định ông làm tiên tri kế vị Nô-ê, Áp-ra-ham, và Đức Chúa Giê-su. Sau đó, Muhammad còn cho biết thêm ông là tiên tri lớn nhất và là tiên tri cuối cùng mà Thượng Đế đã gởi đến cho nhân loại. Đến năm 622, Muhammad bị người theo Đa Thần Giáo đuổi ra khỏi quê hương mình là Mecca, ông phải qua xứ Medina trú ngụ. Tại nơi nầy, Hồi Giáo lớn mạnh thành một lực lượng vũ trang hùng hậu. Muhammad dùng lực lượng này trở lại đánh chiếm được Mecca vào năm 630. Muhammad bắt dân ở Mecca theo Hồi Giáo, dẹp bỏ thần tượng của bái vật giáo và bắt dân chúng ở đây công nhận ông là tiên tri của Đức Chúa Trời [Allah]. Sau khi đánh chiếm được Mecca, quân Hồi Giáo càng ngày càng hùng mạnh hơn. Muhammad dùng đạo quân đông đảo và hùng mạnh của mình để đi đánh các dân, các nước không theo Hồi Giáo. Muhammad cho rằng ai không theo Hồi Giáo tức là chống lại Allah. Người lính đánh giặc được thủ lãnh Muhammad cho giữ 1/3 chiến lợi phẩm và hứa nếu tử trận sẽ được lên thiên đàng ngay. Nhờ vào đạo quân đông đảo và hùng mạnh này mà Hồi Giáo bành trướng nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới các nước Ả-rập. Đến năm Muhammad 49 tuổi, vợ ông qua đời, sau đó ông có thêm 9 người vợ khác và một số nàng hầu. Đến năm 632, ông lâm bịnh rồi qua đời. Ông hưởng thọ 62 tuổi. Các môn đệ tin rằng ông đã thăng thiên từ thánh địa Giê-ru-sa-lem. Sau khi Giáo chủ Muhammad qua đời, môn đồ kế vị ông là Adbu-Bekr rồi đến Omar đều có lòng muốn bành trướng Hồi Giáo đi khắp nơi. Năm 638, quân Hồi Giáo đánh chiếm được Giê-ru-sa-lem khỏi tay Cơ Đốc Giáo. Đến năm 689, những người lãnh đạo thừa kế Muhammad kéo quân đánh chiếm được nhiều nước ở Âu châu, phần đông dân chúng theo Cơ Đốc Giáo. Cuộc “thánh chiến” này khiến cho cả Âu Châu phải kinh hoàng vì lo sợ là Cơ Đốc Giáo có cơ nguy bị Hồi Giáo tiêu diệt. Đến năm 715 Hồi Giáo bành trướng đến các nước ở dọc bờ Địa Trung Hải và đến tận biên giới nước Trung Hoa. Khi họ chiếm được thành nào hay xứ nào mà dân chúng không chịu theo Hồi Giáo đều phải bị tiêu diệt. Đến năm 732, Hoàng tử Charles Martel [con của Pépin I, vua nước Pháp] cầm quân ra nghinh chiến và đánh bại được quân Hồi, bắt họ phải rút lui ra khỏi Âu Châu. Nhờ cuộc chiến thắng này mà Cơ Đốc Giáo ở Âu Châu khỏi bị Hồi Giáo tiêu diệt. Tín đồ Hồi Giáo tin rằng kinh Koran của họ ghi lại những lời của thiên sứ Gáp-ri-ên đã mặc khải cho tiên tri Muhammad. Vì Muhammad không biết đọc biết viết, nên các lời mặc khải này do các môn đệ của Muhammad ghi lại sau khi ông đã qua đời khiến cho các chương mục rời rạc khó hiểu. Giáo lý Hồi Giáo dạy là muốn sau khi chết được lên thiên đàng thì chỉ cần làm theo các giáo điều của đạo như  tin chỉ có Allah [Đức Chúa Trời] ngoài Allah ra không có thần nào khác, tin Muhammad là tiên tri của Allah, hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Hằng năm, giữ chay trong tháng thánh Ramadan [khoảng tháng chín hoặc tháng mười dương lịch], bố thí 1/40 lợi tức cho người nghèo và hành hương thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời. Để giữ chay tháng thánh Ramadan, tín hữu Hồi Giáo phải thường xuyên tịnh tâm cầu nguyện hướng về Allah và nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn mỗi ngày. Tín đồ Hồi Giáo tin sẽ có ngày phán xét, mỗi người phải ứng hầu trước tòa án của Allah để bị xét đoán mọi điều đã làm lúc còn trong xác thịt. Người không theo Hồi Giáo sẽ bị hành phạt đời đời ở hồ lửa [địa ngục]. Tất cả người  theo Hồi Giáo sẽ được lên thiên đàng, chỉ trừ một số phải được thanh tẩy hết tội lỗi trước, rồi mới được lên thiên đàng sau. Hồi Giáo cho rằng giáo chủ Muhammad không có ý sáng lập một đạo mới, nhưng chỉ muốn hướng dẫn dân Ả-rập bỏ phong tục thờ các tà thần để trở lại thờ Allah, như theo lời dạy của tổ phụ mình là Áp-ra-ham và của các tiên tri trong thời Cựu Ước như Môi-se và trong thời Tân Ước như Đức Chúa Giê-su. [Người Ả rập cho mình là hậu tự của Áp-ra-ham với bà A-ga qua người con tên Ích-ma-ên. Người Do Thái cho mình là dòng dõi của Áp-ra-ham với bà Sa-ra qua người con tên Y-sác]. Không có sử liệu nào cho biết chính xác, nên người ta nghĩ rằng các thương buôn người Ả-rập đem Hồi Giáo đến Việt Nam rất sớm khi họ ghé qua các bến cảng của thành Đồ Bàn, Chiêm Thành, Trung phần,Việt Nam. Đến thế kỷ X, một số lớn người Chiêm Thành theo Đạo Hồi. Đến đời vua cuối cùng của Chiêm Thành tên là Pô-Chơn theo Đạo Hồi, không chịu đựng nổi sự ngược đãi của vua Minh Mạng nhà Nguyễn, nên đã cùng một số thần dân đồng đạo trốn sang Cam Bốt sinh sống ở vùng Kampong Cham. Nhờ vào tài thao lược sẵn có, họ thành lập được một giang sơn nhỏ ở Thabaung Khmum để sinh sống. Trong lúc ở đây, người Chiêm Thành liên tục đánh phá Hoàng Gia Cam Bốt. Năm 1858, người Chiêm Thành bị vua Cam bốt là Hariraks đánh bại, nên họ phải theo dòng sông Cửu Long chạy thoát thân về hướng Nam, rồi được vua Đại Việt cho định cư trong 7 làng riêng biệt ở vùng Châu Giang, Châu Đốc. Hiện nay, có khoảng 12.500 người Chiêm Thành mà người ta cũng gọi là người Chăm hay người “Chà Châu Giang” theo Hồi Giáo vẫn còn sống trong vùng này. Ở Việt Nam có người Chàm, Chăm, Mã Lai, Ấn Độ, Cao Miên, Nam Dương…  theo đạo Hồi. Người Hồi Giáo ở Việt Nam đọc kinh Koran và cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, quấn khăn trắng trên đầu để chứng tỏ đã hành hương ở thánh địa Mecca, cử ăn thịt heo, nhưng không bị bắt buộc phải đi hành hương ở thánh địa Mecca như những người Hồi Giáo ở các quốc gia khác. Năm 2000, trên thế giới có khoảng 1.340.000.000 tín hữu Hồi Giáo. Ở Việt Nam, Hồi Giáo có các đền thờ ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh với số tín hữu vào khoảng vài chục ngàn người.

H6.Ai sáng lập đạo  Baha’i ?

Vào ngày 23-5-1844, Giáo sĩ Hồi Giáo thuộc phái Shiite ở Ba-tư tên là Mirza Ali Muhammad, cũng gọi là Giáo sĩ Bab, tuyên bố ông là tiên tri của Đức Chúa Trời, ngang hàng với tiên tri Muhammad của Hồi Giáo, đã thành lập được một đạo mới lấy tên là đạo “Bab.” Giáo sĩ này còn cho biết thêm là ông đã viết được bộ kinh Bayán để thay thế kinh Koran của Hồi Giáo. Ông còn hứa sẽ cải tổ các luật lệ Hồi Giáo, cấm lấy nhiều vợ hay có nàng hầu. Vị giáo sĩ này còn khẳng định là các tôn giáo trên thế giới đều đến từ Đức Chúa Trời, tức là Allah. Đã đến thời kỳ các tôn giáo này phải kết hợp lại với nhau để ở duới quyền lãnh đạo của một giáo chủ. Các lý thuyết của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad được dân chúng ở Ba-tư hưởng ứng, nên đạo “Bab” bành trướng mạnh lan tràn khắp nước Ba-tư trong một thời gian ngắn. Năm 1848, vua Nasr-ed-Din của Ba-tư lên ngôi. Nhà vua nhận thấy các chủ thuyết của đạo “Bab” có nguy cơ làm tan vỡ Hồi Giáo và mang lại sự bất ổn cho nền an ninh của đế quốc Ba-tư. Nên nhà vua ra lệnh thẳng tay đàn áp nhóm người theo đạo “Bab.” Tin đồ đạo “Bab” chống lại cuộc đàn áp của nhà vua gây ra cuộc nội chiến kéo dài 2 năm, làm cho 20.000 tín hữu đạo “Bab” thiệt mạng. Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad bị bắt và bị hành quyết tại Tabriz, Ba-tư,  ngày 9-7-1850. Sau khi Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad bị giết chết, một môn đệ của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad tên là Mirza Hoseyn Ali Nuri, cũng gọi là Giáo sĩ Baha Ullah, đứng lên lãnh đạo nhóm tín hữu “Bab” còn sống sót. Dưới sự lãnh đạo của Giáo sĩ Baha Ullah, đạo “Bab” tiếp tục bành trướng mạnh ở xứ Ba-tư và khắp vùng Trung Đông. Đến năm 1863, Giáo sĩ Baha Ullah xưng mình là tiên tri lớn nhất và là tiên tri cuối cùng của Đức Chúa Trời sau Áp-ra-ham, Phật Thích Ca, Môi-se, Đức Chúa Giê-su, Muhammad và Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad. Vị Giáo sĩ này còn tuyên bố là ông có trách nhiệm bày tỏ các khải tượng của Đức Chúa Trời cho loài người. Baha Ullah cũng cho biết thêm là ông sẽ căn cứ trên các chủ thuyết của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad để thành lập một đạo mới lấy tên là BAHA’I. Chủ thuyết chính của đạo Baha’i là gom các nước trên thế giới lại để thành lập một quốc gia duy nhất, và Baha’i là tôn giáo duy nhất của quốc gia đó. Vua Ba-tư đã từng đàn áp đạo “Bab” trước đây, nên cũng đã ra tay đàn áp đạo Baha’i, bắt giáo chủ Baha Ullah lưu đài qua Baghdad, Istanbul, Adrianople và Acre cho đến khi qua đời vào năm 1892. Ông hưởng thọ 75 tuổi, được chôn cất ở Palestine, tại Akko thuộc xứ Do Thái ngày nay. Sau khi Giáo sĩ Baha Ullah qua đời, người con trưởng nam của ông tên là Abbas, cũng gọi là Giáo sĩ Abdul-Baha đứng lên làm thủ lãnh đạo Baha’i. Đến năm 1908, sau nhiều lần bị chánh quyền theo Hồi Giáo bỏ tù, Giáo sĩ Abdul-Baha du hành qua Âu Châu và Bắc Mỹ để phổ biến các giáo thuyết của cha mình nhằm thành lập đạo Baha’i ở các vùng đất nầy. Giáo sĩ Abdul-Baha qua đời năm 1921. Theo di chúc, ông chỉ định người cháu nội tên là Shoghi Effendi Rabbani làm Giáo sĩ Giám hộ của đạo Baha’i. Dưới sự lãnh đạo của Rabbani, đạo Baha’i bành trướng mạnh ở Hoa Kỳ. Họ xây cất được một đền thờ lớn tại Wilmette, bang Illinois, và có hơn 1.700 địa điểm cho tín hữu Baha’i sinh hoạt tôn giáo trên đất Mỹ. Đến năm 1957, Rabbani qua đời, một Hội Đồng Giám Hộ Baha’i Toàn Cầu được thành lập để điều hành các hoạt động của đạo Baha’i. Tín hữu Baha’i tin những lời truyền dạy của Giáo sĩ  Mirza Ali Muhammad, Baha-Ullah và Abdul-Baha là những lời sấm truyền của đạo Baha’i cần phải được tín hữu Baha’i gìn giữ và nghiêm chỉnh tuân hành. Cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ vua Shah, Chánh Phủ Cộng Hòa Hồi Giáo Ba-Tư lên nắm chánh quyền vẫn coi Baha’i là tà đạo, nên  tiếp tục đàn áp một triệu người theo đạo Baha’i sống ở Ba Tư. Trong cuộc đàn áp này, chánh quyền ra lệnh đóng cửa các cơ sở hoạt động, tịch thu tài sản của đạo Baha’i và cấm tín hữu Baha’i làm công chức hay giữ các chức vụ quan trọng trong chánh quyền. Có hàng ngàn tín hữu Baha’i bị chánh quyền giam cầm và hàng trăm người bị giết chết. Chủ trương chính của đạo Baha’i là thành lập một  tôn giáo, một hệ thống giáo dục, một ngôn ngữ và một chánh phủ chung cho toàn cầu. Tín hữu Baha’i yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh, chống kỳ thị chủng tộc hay có thành kiến tôn giáo. Mục tiêu chính của nhóm lãnh đạo Baha’i là đưa các nước trên thế giới lại để làm thành một quốc gia ở dưới một tôn giáo là đạo BAHA’I. Các chủ thuyết này được Liên Hiệp Quốc và các tổ chức “Liên Tôn” hay “Hòa Đồng Tôn  Giáo” nhiệt thành ủng hộ. Số dân chúng theo đạo Baha’i đông nhứt là ở Á châu, Phi châu, Nam Mỹ và các hải đảo ở vùng Thái Bình Dương. Vào năm 2000, đạo Baha’i có mặt trên 300 quốc gia trên thế giới với khoảng 5.500.000 tín hữu. Riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 150.000 tín hữu theo đạo Baha’i. Hiện nay, văn phòng trung ương của đạo Baha’i tọa lạc trên đồi Carmel ở Haifa, thuộc xứ Do Thái ngày nay.

H7.Ai sáng lập đạo Cao Đài?

Đạo Cao Đài còn được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do ông Đốc Phủ Sứ Ngô Văn Chiêu với pháp danh là Ngô Minh Chiêu [1878-1932] khai sáng vào năm 1921, ở đảo Phú Quốc Miền Nam, Việt Nam. Vào ngày 7 tháng 10 năm 1926, đạo Cao Đài tổ chức một buổi lễ rất long trọng tại chùaTừ Lâm gần Tây Ninh để ra tuyên ngôn chánh thức thành lập đạo Cao Đài. Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ có đến dự buổi lễ này và công nhận đạo Cao Đài là hợp pháp hoạt động trên toàn cõi Đông Dương. Đạo Cao Đài chuyên tâm thờ phượng Đấng Thượng Đế với danh hiệu là Ngọc Hoàng Thượng Đế Nam Phương Giáo Chủ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát. Ngoài việc thờ phượng Đấng Thượng Đế ra, Đạo Cao Đài còn thờ thêm Đức Chúa Giê-su, Phật Thích-Ca và một số danh nhân khác như Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Đế, Jeanne d‘Arc, Tôn Trung Sơn, Victor Hugo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Voltaire, Montesquieu… Ông Ngô Minh Chiêu là một công chức thời Pháp thuộc được chánh quyền bổ nhiệm làm Đại Diện Hành Chánh [Quận Trưởng] ở đảo Phú Quốc. Trong lúc ở Phú Quốc, ông Ngô Minh Chiêu thường đến chùa Quan Âm Tự nằm trên triền núi Dương Đông để cầu cơ do nhóm Thần Linh Học tổ chức. Ông Ngô Minh Chiêu cho biết nhờ các cuộc cầu cơ này, ông giao tiếp được với Đức Thượng Đế mà ông cũng gọi là Đức Chí Tôn, Đức Cao Đài hay Cao Đài Tiên Ông. Ông Ngô Minh Chiêu kể tiếp: “Vào ngày 8 tháng 2 năm 1921, Đức Cao Đài Tiên Ông giáng cơ bút thừa nhận ông làm đệ tử với trọng trách khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Miền Nam, Việt Nam.” Từ đó, ông Ngô Minh Chiêu lo tu trì khổ hạnh ăn chay trường 3 năm. Trong thời gian ăn chay, có lần Đức Cao Đài Tiên Ông hiện ra với ông Chiêu bằng hình một con mắt lớn mà ông Chiêu gọi là Thiên Nhãn. Ông Ngô Minh Chiêu cho biết thêm: “Thiên Nhãn này có ánh sáng như mặt trời thấm nhập cả vũ trụ.” Khi đạo Cao Đài được thành lập, ông Ngô Minh Chiêu cho vẽ hình con mắt bên trái có tia sáng chung quanh làm biểu tượng cho Đức Thượng Đế Chí Tôn để tín hữu Cao Đài thờ phượng. Hình ảnh Thiên Nhãn cũng là biểu tượng cho Đức Thượng Đế là Đấng có thể nhìn thấy tất cả mọi hành động và tư tưởng của mỗi người ở trần thế. Hơn nữa, đạo Cao Đài còn cho rằng việc thờ “Độc Nhãn” cũng để bày tỏ đạo Cao Đài là đạo thờ độc thần như Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Vì mãi lo việc cao siêu huyền bí, ông Chiêu sao lãng bổn phận của người công chức, nên bị chánh quyền trung ương triệu về Sài Gòn năm 1924. Khi về đến Sài Gòn, ông Chiêu liên lạc với nhóm công chức gồm có các ông Vương Quang Kỳ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung, Cao Huỳnh Điêu, Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu. Những viên công chức này hợp tác với ông Ngô Minh Chiêu để kiện toàn đạo Cao Đài ở Miền Nam Việt Nam và sáng lập Tòa Thánh Tây Ninh vào ngày 13-2-1926. Đạo Cao Đài dùng cơ bút làm phương tiện tiếp xúc và tiếp nhận các giáo lý từ Đức Thượng Đế thiêng liêng. Người theo đạo Cao Đài kể: “Trong một buổi cầu cơ, Đức Cao Đài giáng cơ bút chỉ định ông Lê Văn Trung, nguyên là nghị viên Hội Đồng Tư Vấn của chánh quyền Nam Kỳ, làm Đức Giáo Tông.” Đức Giáo Tông đứng đầu Cửu Trùng Đài Thánh Thất Tây Ninh để cai trị và thi hành các phép tắc đạo. Đức Giáo Tông có ba hàng chức sắc mặc áo đỏ là Khổng Giáo, mặc áo vàng là Phật Giáo và mặc áo lam là Lão Giáo làm phụ tá. Đức Giáo Tông còn có ba vị Chưởng Pháp thuộc Lão Giáo mặc áo trắng. Các nam nữ tín hữu và chức sắc Cao Đài đều mặc áo dài trắng để tham dự các buổi lễ tôn giáo.

Đạo Cao Đài cho rằng Đức Thượng Đế đã lập ra ba thời kỳ để cứu độ nhân loại. Ba thời kỳ đó được phân định như sau:

  1. Nhất Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế thành lập Tiên Đạo,Thánh Đạo và Nhơn Đạo ở Trung Hoa, Ấn Độ Giáo và Do Thái Giáo để cứu độ nhân loại kỳ thứ nhứt.
  2. Nhị Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế thành lập Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo để cứu độ nhân loại kỳ thứ nhì.

c. Tam Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế đích thân thành lập Đạo Cao Đài ở Việt Nam để cứu độ nhân loại kỳ thứ ba. Đạo Cao Đài cho rằng tất cả tôn giáo trên trần thế  đều có cùng một chân lý. Chân lý ấy là Đức Cao Đài Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ và muôn loài vạn vật mà Cơ Đốc Giáo gọi là Đức Chúa Trời, Do Thái Giáo gọi là Đức Gia-vê hay Giê-hô-va và Hồi Giáo gọi là Allah. Mục đích của Đức Chí Tôn thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để dạy cho mọi người biết là mỗi người trên trần thế đều có một phần chân linh của Đức Cao Đài Thượng Đế, nên mọi người thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo hãy yêu thương nhau và coi nhau như anh em vì có cùng một Cha trên trời. Đạo Cao Đài có khuynh hướng áp dụng và dung hòa các triết lý cao siêu của Khổng Giáo, thuyết từ bi của Phật Giáo, thuyết vô vi của Lão Giáo và luân lý cao nhã của Cơ Đốc Giáo.

Sau khi được Đấng Chí Tôn tuyển chọn và kết nạp vào đạo, người theo đạo Cao Đài phải có lòng thành kính phụng thờ Đấng Chí Tôn, làm việc từ thiện theo sức mình để giúp đở người nghèo khổ, hằng ngày phải tự xét lòng mình cho thích hợp với trình độ tu hành mà mình đã khẩn nguyện. Tín hữu Cao Đài có thể thủ trai kỳ, trường chay, tứ thời cúng kiến hay tứ thời tịnh nguyện. Tín hữu Cao Đài phải làm theo luật đạo, không quyến luyến hồng trần, vinh hoa, phú qúy. Sống thanh đạm, từ bỏ các thú vui của trần thế. Tu luyện đúng phép để tiến đến chỗ diệt ngã và cảnh hư vô tuyệt đối của đạo mầu. Đường siêu thoát vẫn là do thành tâm và đức hạnh của mình.

Ngoài Tòa Thánh Tây Ninh ra đạo Cao Đài còn có Tòa Thánh ở Bạc Liêu của phái Minh Chơn Đạo [1928], Tòa Thánh ở Mỹ Tho của phái Minh Chơn Lý [1930] và Tòa Thánh Bến Tre của Ban Chỉnh Đạo [1934]. Đạo Cao Đài có 11 môn phái, đa số tín hữu Cao Đài ở Việt Nam, Kampuchia, Lào và Pháp. Đến năm 2006, đạo Cao Đài có khoảng 6 triệu tín hữu trên thế giới.

H8.Ai sáng lập đạo Hòa Hảo?

Đạo Hoà Hảo có tên chính thức là Phật Giáo Hòa Hảo. Đạo Hoà Hảo là đạo Phật cải cách do Ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập vào ngày 4-7-1939 tại làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Nam Phần, Việt Nam, lúc ông Huỳnh Phú Sổ vào khoảng gần 20 tuổi. Ông Huỳnh Phú Sổ sanh ngày 15 tháng 01 năm 1920 tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, con của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Ông Huỳnh Công Bộ là một vị hương hào giàu có của tỉnh Châu Đốc, Nam Phần, Việt Nam. Có người cho rằng, đạo Hòa Hảo là sự tiếp nối của môn phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương do Thầy Tây An, tức là Ông Đoàn Minh Nguyên, sáng lập năm 1849 ở vùng Thất Sơn, tỉnh Rạch Giá. Đạo Hòa Hảo lấy pháp môn Tịnh Độ Tông làm căn bản, chủ trương tu tại gia và làm theo giáo lý của Phật mà tu sửa con người. Đến mùa hè năm 1940, số người theo đạo Hòa Hảo mỗi ngày mỗi gia tăng. Sự gia tăng nhanh chóng làm cho chánh quyền bảo hộ Pháp lo sợ nhóm người theo đạo của ông Huỳnh Phú Sổ có thể trở thành một lực lượng chánh trị chống lại chánh quyền đô hộ. Để tiêu diệt đạo mới này, chánh quyền Pháp gán cho Ông Huỳnh Phú Sổ cái tên là “Ông Đạo Khùng,” rồi giam Ông vào nhà thương điên Chợ Quán ở Chợ Lớn. Ngày 5-6-1941, Ông được đưa về giam ở Bạc Liêu. Đến tháng 10-1942, quân đội Nhật can thiệp, Ông được trả tự do để về sống ở Sài Gòn. Sau đó, Ông Huỳnh Phú Sổ liên kết với các thành phần chánh trị trong nước để thành lập đảng chánh trị lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, cũng gọi là Dân Xã Đảng, vào ngày 21-9-1946. Lực lượng vũ trang Hoà Hảo cũng được thành lập do các tướng: [1] Trần văn Soái [Năm Lửa], ở Cái Vồn, Vĩnh Long [2] Nguyễn Giác Ngộ, ở Chợ Mới, An Giang [3] Lê Quang Vinh [Ba Cụt], ở An Giang và Cần Thơ [4] Lâm Thành Nguyên, ở Châu Đốc và Hà Tiên. Đến năm 1945, ông Huỳnh Phú Sổ bắt tay hợp tác với Việt Minh [Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội] để thành lập một mặt trận thống nhất chống Pháp. Trong đêm 16 tháng 4 năm 1947, Ông Huỳnh Phú Sổ được mời đến dự một “buổi họp để giải quyết các xung đột giữa lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Việt Minh,” tại Đốc Vàng, làng Tân Phú, tỉnh Long Xuyên. Người ta không biết việc gì đã xảy ra trong đêm này, nhưng không thấy Ông Huỳnh Phú Sổ trở về, Ông đã biệt tông tích từ đó cho đến nay. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng giáo chủ của mình vẫn còn sống, và sẽ trở về sau một thời gian tạm thời vắng mặt. Sau khi ông Huỳnh Phú Sổ biệt tích, Ông Huỳnh Công Bộ đứng ra lãnh đạo PGHH, còn các tướng lãnh của bộ đội Hòa Hảo bắt tay hợp tác với Pháp để đánh lại Việt Minh cho đến năm đình chiến 1954. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1955] của Tổng thống Ngô Đình Diệm, lực lượng chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo rất mạnh nên dự tính liên kết với các đảng chánh trị khác để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Khi hay dự tính của lực lượng chánh trị Hòa Hảo, Tổng thống Ngô Đình Diệm liền đưa quân Quốc Gia đến vây đánh các lực lượng vũ trang của Hòa Hảo ở Cái Vồn thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và nhiều nơi khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau một thời gian ngắn, tướng Trần Văn Soái ra đầu hàng, tướng Lê Quang Vinh, biệt hiệu là Ba Cụt, bị bắt và bị tử hình tại một nghĩa trang ở Cần Thơ ngày 13-7-1956. Lực lượng vũ trang của Hòa Hảo hoàn toàn tan rã. Vì đạo Hoà Hảo bắt nguồn từ Phật Giáo nên cũng dạy luật nhân quả, lý tưởng từ bi, bác ái, đại đồng của nhà Phật. Đạo Hoà Hảo không cho tín hữu thờ hình tượng, cúng tế tà thần, mê tín dị đoan, đốt giấy tiền vàng bạc, phướng xá trai đàn. Đạo Hòa Hảo đề cao “Phật tức tâm,” nêu cách hành đạo giản dị, không dùng chuông mõ, cúng Phật bằng nước lã [nước lã tương trưng cho sự trong sạch], bông hoa [bông hoa tượng trưng cho sự tinh khiết] và nhang hương [nhang hương để trừ mọi uế tạp]. Tín đồ Hòa Hảo ăn chay hai ngày ở giữa tháng và hai ngày cuối tháng âm lịch, cử ăn thịt trâu, thit bò và thịt chó. Năm 1964, Giáo Hội Hòa Hảo triệu tập một hội nghị tại thánh địa Hòa Hảo ở Long Xuyên để bầu 16 vị vào Ban Chấp Hành Trung Ương. Hội nghị bầu ông Lương Trọng Tường làm Hội Trưởng, 15 vị khác được bầu gồm có một Phó Hội Trưởng, một Bí Thư, một số Phó Bí Thư và một số Cố Vấn. Hội nghị còn công nhận bà Huỳnh Công Bộ, mẹ của ông Huỳnh Phú Sổ, là đầu trưởng thiêng liêng của Giáo Hội Hòa Hảo. Đến năm 2004, Giáo Hội Hòa Hảo có khoảng hai triệu tín hữu sống trong các tỉnh An Giang, Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Phong Dinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Định Tường, Long An, Kiến Hòa, Kiên Giang, Sài Gòn và Gia Định thuộc Nam Phần Việt Nam.

H9.Ai thành lập Do Thái Giáo?

Do Thái Giáo là một tôn giáo lâu đời nhất thờ độc thần, tức là chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất,  thánh danh của Ngài bằng tiếng Hê-bơ-rơ làYahweh [Gia-vê] hayYehôwâh [Giê-hô-va]. Căn cứ vào Thánh Kinh Cựu Ước người ta được biết Do Thái Giáo tin rằng Yahweh hay Yehôwâh là Đấng Tạo Hóa tự hữu hằng hữu, vô sở bất tại, toàn năng, toàn tri đang cai quản vũ trụ và muôn loài vạn vật trên thế gian này.
Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Đức Chúa Trời đã dùng Áp-ram hay Áp-ra-ham sáng lập ra Do Thái Giáo vào khoảng thế kỷ XX [TCN]. Áp-ra-ham ra đời vào khoảng năm 2166 TCN, tại U-rơ, xứ Canh-đê [I-rắc]. Áp-ra-ham thuộc giống dân A-ram, cùng vợ là Sa-rai theo cha mình rời U-rơ, để đi đến Cha-ran kiều ngụ. Tại Cha-ran Đức Chúa Trời hiện ra bảo Áp-ra-ham rời bỏ Cha-ran để đi đến Ca-na-an, tức là Palestine ngày nay. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước và sẽ làm cho dòng dõi của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc lớn. Dân tộc này sẽ đem phước hạnh đến cho toàn thể nhân loại, như Kinh Thánh Cựu Ước ghi: “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi” [Sáng 12:1-2]. Vâng theo lời Chúa gọi, Áp-ra-ham cùng vợ là Sa-rai và cháu là Lót đi đến Ca-na-an. Tại Ca-na-an, Đức Chúa Trời hiện ra, ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi người vùng đất này. Áp-ra-ham liền lập một bàn thờ để thờ phượng Đấng đã hiện đến cùng mình [Sáng 12:1-7]. Hai mươi lăm năm sau, khi Áp-ra-ham được 100 tuổi, người sanh ra Y-sác. Đến năm Y-sắc 60 tuổi, Y-sác sanh ra Ê-sau và Gia-cốp. Đến năm 1991 TCN, Áp-ra-ham qua đời, hưởng thọ được 175 tuổi. Năm 1876 TCN, vùng đất Ca-na-an gặp cơn đói kém, nên Gia-cốp cũng gọi là Y-sơ-ra-ên, cùng gia đình của các người con, gồm có khoảng 70 người, di cư qua Ai-cập sinh sống. Sau 430 năm sống bên Ai-cập, con cháu của Gia-cốp sanh sôi nảy nở trở thành dân tộc Do Thái, cũng gọi dân Y-sơ-ra-ên, có dân số vào khoảng 2.000.000 người.

Năm 1446 TCN, Đức Chúa Trời dấy lên tiên tri Môi-se để đưa dẫn dân Do Thái từ Ai-cập trở về đất hứa Ca-na-an. Dưới quyền lãnh đạo của Môi-se, dân Do Thái vượt Biển Đỏ như đi trên đất khô tiến về Ca-na-an. Khi đến được vùng núi Si-nai, Môi-se lên núi Si-nai kiến diện Đức Chúa Trời để nhận 10 điều răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái tuân giữ. Mười điều răn này đòi hỏi dân Do Thái thực thi trách nhiệm của họ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại của mình. Tại nơi này, Môi-se tái xác nhận với người Do Thái là dân tộc họ đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn để thờ phượng Ngài, như lời Môi-se nói,“Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài”[Phục 7:6].

Trong thời gian bốn mươi năm sống lưu lạc trong đồng vắng, Môi-se dựng Đền Tạm [đền thờ tạm] để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi chiếm được đất Ca-na-an, dân Do Thái tiếp tục thờ phượng Đức Chúa Trời trong Đền Tạm cho đến khi vua Sa-lô-môn xây được một đền thờ thực thụ tại Giê-ru-sa-lem vào năm 966 TCN. Đến năm 66 SC, người Do Thái nổi dậy chống quyền đô hộ của La Mã. Hoàng đế La Mã đưa quân đến dẹp tan cuộc nổi dậy vào năm 70. Để trả thù cho cuộc nổi dậy này, quân La Mã phá hủy đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem; bắt người Do Thái phải sống lưu vong. Dầu phải sống lưu vong, người Do Thái vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt tôn giáo của mình trong các nhà hội cho đến ngày nay. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc cho người Do Thái lưu vong trở về lập lại quốc gia Do Thái [Y-sơ-ra-ên] trên đất Ca-na-an xưa, nay gọi là Palestine. Sau khi đã thành lập được quốc gia cho mình rồi, điều kế tiếp họ dự định là xây cất lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem để có nơi dâng sinh tế chuộc tội và cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa như ngày xưa. Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời Yahweh [Giê-hô-va] là chân thần thực hữu duy nhất, vô hình, vô thể, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên loài người và vũ trụ. Chỉ có Ngài mới đáng để loài người tôn thờ. Ngài biết ý tưởng và việc làm của từng người. Ngài sẽ thưởng cho người làm điều lành và hành phạt kẻ làm điều ác. Người Do Thái tin có các thần khác, nhưng đều là tà thần không đáng được tôn vinh vàthờ phượng.

Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng loài người bình đẳng theo “ảnh tượng” Ngài, nghĩa là loài người có phần tâm linh, tâm hồn, trí phán đoán và sự thông minh. Ngài cho con người có tự do làm điều mình muốn nhưng phải chịu trách nhiệm những việc mình làm.

Do Thái Giáo không tin có thuyết luân hồi, nhưng tin có sự sống lại của kẻ chết, tin con người có một đời để sống, rồi sau khi chết sẽ bị xét đoán để được thưởng hay bị hành phạt tùy theo việc mình làm lúc còn trong xác thịt.

Người Do Thái cho rằng Đức Chúa Trời có lập giao ước với tổ phụ họ, ban bố luật pháp cho dân tộc họ để làm tuyển dân cho Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Đấng Mê-si hay Đấng Christ [Đấng chịu xức dầu] sẽ là một người sanh ra từ dòng dõi của vua Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa của dân tộc Do Thái. Đấng Mê-si sẽ đến làm vua cai trị thế gian này và Ngài sẽ đem các nước lại để cùng nhau sống trong hòa bình. Quốc gia Do Thái sẽ trở thành “nước của thầy tế lễ” làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và các quốc gia trên thế giới.


Hiện nay, Do Thái Giáo chia ra làm ba môn phái như sau:

Chánh Thống: Người Do Thái theo môn phái Chánh Thống cố làm đúng theo các giáo lý đã có từ lúc ban đầu; họ cẩn thận làm theo các luật kiêng cử về thức ăn, và thận trọng giữ ngày sa-bát.
Bảo Thủ: Người Do Thái theo môn phái Bảo Thủ làm theo các luật lệ của Kinh Talmud. Họ thi hành các nghi lễ tôn giáo theo truyền thống, nhưng uyển chuyển để thích hợp cho từng thế hệ.
strong>Cải Cách: Người Do Thái theo môn phái Cải Cách không coi trọng các luật lệ truyền khẩu của Kinh Talmud, nhưng chú trọng nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho tín hữu. Đến cuối thế kỷ thứ 20, dân số Do Thái trên thế giới có khoảng từ 13 đến 14 triệu người. Trong số này, có khoảng 5-6 triệu ở Hoa Kỳ, 5-6 triệu ở Do Thái, 2 triệu ở Âu Châu, 400.000 ở Châu Mỹ La-Tinh, 350.000 ở Gia Nã Đại, 100.000 ở Phi Châu, 100.000 ở Úc Châu  và 50.000 ở Á Châu [không kể nước Do Thái].

H10.Ai sáng lập Cơ Đốc Giáo?

Đức Chúa Giê-su sáng lập Cơ Đốc Giáo hay Ki-tô Giáo vào khoảng năm 26 ở xứ  Do Thái. Đức Chúa Giê-su giáng sinh vào khoảng năm 4 TCN, tại làng Bết-lê-hem xứ Giu-đê. Trú quán của Ngài là làng Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê. Đức Chúa Giê-su khởi hành truyền bá Phúc Âm trong xứ Ga-li-lê lúc Ngài vào khoảng 30 tuổi.
Các tôn giáo trên thế gian dạy con người phải tự mình làm các điều lành thánh thiện tu tâm dưỡng tánh để tự cứu mình hay để được siêu thoát hoặc thi hành nghiêm túc các giới cấm của luật đạo để được lên thiên đàng. Trái lại, Cơ Đốc Giáo khẳng định là loài người chỉ có khả năng phạm tội, nhưng không có khả năng chuộc tội hay có thể tự cứu mình bằng các việc làm nhân đức do chính mình làm ra. Cơ Đốc Giáo theo lời phán dạy của Đức Chúa Giê-su tin rằng Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người, chịu chết trên thập tự “để đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn”[Ê-phê 2:15] của giao ước cũ, đặng cứu chuộc loài người bằng cách đổ huyết ra để thành lập giao ước mới  [Lu 22:20]. Giao ước mới này thay thế giao ước cũ  lỗi thời đã bị đào thải [Hy-bá 8:13 BDY]. Kinh Thánh cho biết sự cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su là một sự ban cho nhưng không từ Đức Chúa Trời cho những ai sẵn lòng chấp nhận sự ban cho này như lời tiên tri Ê-sai dự ngôn: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá”[Ê-sai 55:1].
Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết gia phả của Đức Chúa Giê-su thuộc dòng dõi của vua Đa-vít và sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri [Ma1:1,23]. Hai điều này đã thật sự xảy ra làm ứng nghiệm lời tiên tri, “Có một chồi sẽ nứt từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái.” và “Nầy, một gái  đồng trinh sẽ chịu thai và sanh một con trai”[Ê-sai 11:1 &7:14]. Phúc Âm Ma-thi-ơ trưng dẫn khoảng 16 lần các lời tiên tri nói về Đấng Mê-si ở Cựu Ước đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-su ở Tân Ước để thuyết phục người Do Thái chấp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của mình. Phúc Âm Mác bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế của nhân loại. Phúc Âm Lu-ca bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Con của Đấng Rất Cao, Ngài sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít trị vì đời đời, nước Ngài vô cùng. Phúc Âm Giăng bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Ngôi Hai nhập thế làm người, đem sự cứu chuộc đến cho nhân loại.
Trong thời gian ba năm thi hành chức vụ của Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Giê-su làm nhiều dấu kỳ phép lạ như hóa nước thành rượu, kêu người chết sống lại, chữa lành bệnh tật, đuổi quỉ, đi trên mặt biển…  để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si hay Đấng Christ, đã đến trong thế gian để làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước. Ngoài các dấu kỳ phép lạ mà Ngài đã làm để chứng tỏ Ngài là Đấng cứu thế, Đức Chúa Giê-su cũng công khai xác nhận Ngài là Đấng Mê-si hay Đấng Christ, như Ngài đã bày tỏ với người đàn bà Sa-ma-ri: “Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Đấng đó”[Giăng 4:26]. Ngoài các dấu kỳ phép lạ mà Ngài đã làm, Đức Chúa Giê-su còn giảng dạy là mỗi người phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và thương yêu kẻ lân cận như mình. Ngài kêu gọi mọi người phải thay đổi lòng mình, ăn năn và tin nhận Ngài để được cứu rỗi và thừa hưởng ân phước của nước Trời.
Đọc qua các Phúc âm của Đức Chúa Giê-su, người ta không thấy Ngài bảo các môn đệ “hãy tự mình thắp đuốc mà đi tìm chân lý.” Nhưng Ngài phán: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống, ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc”[Giăng 12:47 & 14:6]. Sau 3 năm giảng dạy về nước Trời, dân Do Thái tin theo Ngài rất đông, làm cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo xem Ngài là một mối đe dọa cho Do Thái Giáo và nền an ninh của quốc gia Do Thái. Nên họ đã bắt Ngài đem đến trường án vội vã kết tội Ngài đã phạm thượng, vì đã xưng mình là Con của Đức Chúa Trời, rồi họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá cho đến chết.

Các sách Phúc Âm kể tiếp: Sau khi người ta đã đem Ngài chôn trong một hang đá, đến ngày thứ ba, Đức Chúa Giê-su sống lại để chứng tỏ sự chết chuộc tội của Ngài trên thập tự giá đã được Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận, kế hoạch cứu chuộc tội lỗi của nhân loại đã hoàn tất. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đồ trong 40 ngày để phán dạy họ những việc liên hệ đến nước Đức Chúa Trời. Sau đó, Đức Chúa Giê-su thăng thiên trước sự chứng kiến của các môn đồ Ngài, như đã ghi trong sách Công vụ các Sứ đồ 1: 9-11 là sau khi nói chuyện với các môn đồ lần chót xong, Đức Chúa Giê-su được cất lên trời. Các môn đồ ngó theo cho đến khi có một đám mây đến tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. Đoạn, có hai thiên sứ mặc áo trắng hiện đến bảo các môn đồ rằng: “Giê-su này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy. ” Theo như lời thiên sứ thì Đức Chúa Giê-su sẽ trở lại thế gian này để đánh bại Sa-tan cùng quyền lực của sự tối tăm để thành lậïp vương quốc của Ngài. Ngài sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít trị vì đời đời, nước Ngài vô cùng. Bấy giờ “họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh. Muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề rắn hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai”[Ê-sai 2:4 & 11:6-8].


Sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên khoảng 7 ngày, đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ của Chúa Cứu Thế đang nhóm lại để ăn lễ Ngũ Tuần theo truyền thống của Do Thái Giáo thì “thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh”[CV 2:2-4].

Sau khi nhận được Đức Thánh Linh, các môn đồ của Đức Chúa Giê-su đi ra rao giảng cho mọi người biết Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế đã chết trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại. Nếu ai bằng lòng tin nhận Đức Chúa Giê-su và sự chết của Ngài trên thập tự giá là để đền tội cho mình thì người đó được cứu chuộc bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Như Sứ đồ Phi-e-rơ xác định trước Toà Công Luận Do Thái rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”[CV 4:12]. Sứ đồ Phao lô vốn là một thành viên của môn phái Pha-ri-si, từng hăng say bắt bớ và sát hại người tin theo Đức Chúa Giê-su. Nhưng sau khi trở lại tin nhận Chúa Giê-su làm cứu Chúa mình và trở thành một sứ đồ lòng đầy nhiệt huyết rao giảng Tin Lành, ông tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”[Rô 1:16].

Dù Cơ Đốc Giáo bị Do Thái Giáo bắt bớ từ năm 35 đến năm 44, và sau đó bị các Hoàng Đế La Mã bách hại từ năm 64 đến năm 312, Cơ Đốc Giáo vẫn bành trướng mạnh trong đế quốc La Mã. Vào thế kỷ II, Cơ Đốc Giáo đã trở thành một tôn giáo có tổ chức hoàn bị với các giáo lý hẳn hoi. Đến thế kỷ IV, Cơ Đốc Giáo đã lan tràn đến Tây Ban Nha, Ba-Tư và miền đông Ấn Độ. Đến cuối thế kỷ IV, các Hội Thánh Cơ Đốc Miền Đông nằm trong lãnh thổ của Đông Đế Quốc La Mã gồm có bốn giáo khu. Bốn giáo khu đó là Constantinople [Thổ Nhĩ Kỳ], An-ti-ốt [Syria], Giê-ru-sa-lem [Do-Thái] và Alexandria [Ai-cập]. Các giáo khu này trực thuộc Đông Giáo Hội, đặt dưới quyền quản trị của các Giáo Trưởng, tòa thánh đặt ở Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ. Các Hội Thánh Cơ Đốc Miền Tây nằm trong lãnh thổ của Tây Đế Quốc La Mã trực thuộc Giáo Khu Rô-ma, cũng gọi làTây Giáo Hội. Tây Giáo Hội đặt dưới quyền quản trị của một Giám Mục, tòa thánh ở La Mã, Ý Đại Lợi. Đông Giáo Hội và Tây Giáo Hội có nhiều bất đồng về giáo lý và quyền hạn giữa chức Giám mục ở La Mã và các Giáo trưởng của Đông Giáo Hội. Sự việc này là mầm móng gây ra mối chia rẽ giữa Đông Giáo Hội và Tây Giáo Hội hồi thế kỷ V. Đến giữa thế kỷ XI, tức vào khoảng năm 1054, Tây Giáo Hội và Đông Giáo Hội tổ chức một buổi họp để thảo luận tìm cách san bằng các dị biệt giữa hai giáo hội. Sau nhiều ngày thảo luận, hai giáo hội không tìm được một sự đồng thuận nào mà còn gây thêm nhiều mâu thuẫn, nên hai giáo hội đã chính thức dứt phép thông công lẫn nhau, rồi xem nhau như thù nghịch từ dạo đó cho đến nay.

Năm 1517, tu sĩ Martin Luther phát khởi phong trào Cải Chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã. Martin Luther cho rằng: Sự cứu chuộc là nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao của Đức Chúa Giê-su mà thôi, tín hữu không cần phải làm thêm việc lành thán thiện để được cứu.” Điều Martin Luther tin tưởng trái với giáo lý của Công Giáo La Mã, “sự cứu chuộc là nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su và việc làm thánh thiện của tín hữu.” Vì giáo lý cứu rỗi khác biệt với Công Giáo La Mã, nên Martin Luther và nhóm người theo phái Cải Chánh của Martin Luther phải tách rời khỏi Công Giáo La Mã để thành lập Giáo Hội Tin Lành Lutheran. Cũng trong thế kỷ 16 này và các thế kỷ kế tiếp, một số Giáo Hội Cải Chánh khác được thành lập như: Reformed and Presbyterian, Anglican Communion, Báp-tít, Anh Em [Quakers], Congregationalists, Giám Lý, Ngũ Tuần, Disciple of Christ, Unitarians, Universalists, Evangelicals, Fundamentalists…

Theo truyền thống, từ ngày có cuộc cải chánh, Giáo Hội Công Giáo La Mã xem các Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh là “Thệ Phản” hay “Đạo Lạc.” Nhưng đến năm 1962, Công Đồng Va-ti-can II của Công Giáo La Mã ra quyết nghị chấm dứt việc xem Tin Lành Cải Chánh là “Thệ Phản” hay “Đạo Lạc,” nhưng là “Anh Em Tách Rời.”

Năm 1969, các nhà thần đạo của Giáo Hội Công Giáo La Mã và Tin Lành Lutheran ngồi lại để bắt đầu thảo luận tìm cách thống nhất giáo lý cứu rỗi. Sau 30 năm thảo luận, đến năm 1999, hai Giáo Hội đã đồng ý xác định giáo lý cứu rỗi cho hai Giáo Hội là: “Chỉ nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao cứu chuộc của Đức Ki-tô, chớ không phải bởi công trạng nào của Ki-tô hữu.” Đây, chính là giáo lý cứu rỗi mà Martin Luther đã đòi hỏi nơi Giáo Hội Công Giáo La Mã trong cuộc Cải Chánh hồi thế kỷ XVI. Đây cũng chính là giáo lý cứu rỗi mà Sứ đồ Phao-lô đã xác định trong Kinh Thánh, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”[Ê-phê 2:8].


Tạp chí Life, xuất bản tháng 12 năm 1999 cho biết: Dầu phải trải qua các cuộc bắt bớ của Do Thái Giáo và các cơn bách hại của các Hoàng Đế La Mã, Cơ Đốc Giáo đã trở thành một tôn giáo lớn nhất thế giới, có số tín hữu vào khoảng trên hai tỷ người, với khoảng 2.000 hệ phái.

Ghi chú: Bài viết “Ai Sáng Lập Cơ Đốc Giáo” đã được đăng trên Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia Việt Ngữ, năm 2006.

H11.        Bởi  đâu mà có Giáo Hội Công Giáo La Mã?

Sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên về trời, các sứ đồ ở lại rao giảng Phúc âm của Đức Chúa Giê-su. Kế tiếp các sứ đồ là các giáo phụ tiếp tục công việc của các sứ đồ, nên đã thành lập được thêm nhiều hội thánh trong Đế Quốc La Mã. Năm 292, Hoàng đế Diocletian chia Đế Quốc La Mã ra Đông Đế Quốc và Tây Đế Quốc. Đến cuối thế kỷ thứ tư, Cơ Đốc Giáo nằm trong lãnh thổ của Đế Quốc La Mã được chia thành năm giáo khu. Bốn giáo khu thuộc Đông Giáo Hội, nói tiếng Hy Lạp, nằm trong lãnh thổ của Đông Đế Quốc La Mã gồm có: Constantinople [Thổ-nhĩ-kỳ], An-ti-ốt [Syria], Giê-ru-sa-lem [Do Thái] và Alexandria [Ai-cập]. Bốn giáo khu này trở thành Chánh Thống Giáo Đông Phương. Giáo khu  Rô-ma [Ý-đại-lợi], thuộc Tây Giáo Hội, nói tiếng La tinh, nằm trong lãnh thổ của Tây Đế Quốc La Mã, ở dưới quyền quản nhiệm của một giám mục, toà thánh đặt ở La Mã, trở thành Công Giáo La Mã. Đến năm 401, Giám mục Giáo khu  Rô-ma lợi dụng sự suy yếu của Tây Đế Quốc La Mã tự tôn mình là Giáo Hoàng, tức là Giáo Hoàng Innocent I. Từ đó, Giáo Hội Công Giáo La Mã ở dưới sự cai quản của Giáo Hoàng, thuộc Tòa Thánh Va-ti-can. Giáo Hội Công Giáo La Mã là một Giáo Hội Cơ Đốc lớn nhất của ba Giáo Hội Cơ Đốc. Hai Giáo Hội kia có số tín đồ ít hơn, đó là Chánh Thống Giáo và Tin Lành.

Giáo Hội Công Giáo La Mã cho rằng muốn được cứu là phải có đức tin nơi Đức Chúa Giê-su và phải chịu phép rửa tội [báp-têm] của Công Giáo La Mã. Giáo Hội Công Giáo La Mã nhìn nhận Kinh Thánh là nguồn gốc của các giáo lý. Nhưng Công Giáo La Mã cũng công nhận các giáo điều hay tín điều của Giáo Hội có quyền hạn tương đương với lời dạy của Kinh Thánh. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo có quyền thay đổi giáo lý Kinh Thánh nhưng không được quyền thay đổi các giáo điều hay tín điều của Giáo Hội đã ban hành. Công Giáo La Mã căn cứ vào lời của Đức Chúa Giê-su nói: “ngươi là Phê-rô [nghĩa là đá], ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá này”[Ma16:18] mà cho rằng Đức Chúa Giê-su đã lập Hội thánh của Ngài trên sứ đồ Phê-rô [Phi-e-rơ]. Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng cho rằng Đức Chúa Giê-su đã chọn sứ đồ Phê-rô để làm Giáo Hoàng đầu tiên cho Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Công Giáo La Mã tin vào giáo điều thừa kế tông đồ, nên cho rằng Đức Chúa Giê-su đã ban quyền hành cho 12 tông đồ. Vì Thánh Phê-rô là tông đồ trưởng, và là Giáo Hoàng đầu tiên của Công Giáo La Mã nên Thánh Phê-rô đã truyền quyền hành và chức vị Giáo Hoàng lại cho các Giáo Hoàng kế tiếp, và liên tục cho đến vị Giáo Hoàng ngày nay. Công Giáo La Mã quả quyết là Giáo Hội có “Ơn Vô Ngộ” tức là không sai lầm trong các lời dạy về luân lý hay giáo lý, khi các lời dạy đó do Giáo Hoàng, Công Đồng của Giáo Hội hay Hội Đồng Giám Mục ban ra. Ơn Vô Ngộ do Công Đồng Vatican chính thức công bố vào năm 1870. Nhưng trước đó, tức là vào năm 1854 Giáo Hoàng Pius IX đã dùng “Ơn Vô Ngộ” để công bố tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Năm 1950, Giáo Hoàng Pius XII đã dùng “Ơn Vô Ngộ” để tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời. Muốn gia nhập Công Giáo La Mã phải tin Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su là thật, và phải chấp nhận lời giảng nghĩa các sách Phúc Âm của Giáo Hội là đúng. Tín hữu không được phép giảng nghĩa Kinh Thánh theo ý riêng của mình. Giáo Hội Công Giáo La Mã tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi tự hữu hằng hữu. Đức Chúa Giê-su có thần tánh và nhân tánh hoàn toàn. Tín hữu có thể tương giao với Đức Chúa Trời qua những lời cầu kinh. Công Giáo La Mã tin con người có linh hồn bất diệt. Khi chết mỗi linh hồn phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm lúc còn sống. Phần thưởng của họ có thể là ở thiên đàng hay hình phạt của họ có thể là ở địa ngục. Giáo Hội Công Giáo La Mã dạy rằng khi tín hữu Công Giáo qua đời, linh hồn của họ phải xuống Luyện Ngục. Nơi đây, linh hồn phải chịu hình phạt để trả hết tội lỗi chưa ăn năn hay tội lỗi chưa được tha thứ rồi mới được lên thiên đàng. Thân nhân của người quá cố còn sống trên trần thế có thể rước lễ, cầu kinh, cầu siêu cho người quá cố ở Luyện Ngục để họ được sớm lên thiên đàng trước thời gian hạn định. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo La Mã là Giáo Hoàng do các Hồng Y bầu lên. Hồng Y do Giáo Hoàng bổ nhiệm. Hồng Y Đoàn được thành lập vào năm 1150 để cố vấn Giáo Hoàng lãnh đạo giáo hội. Các Hồng Y được xem như là các “Hoàng Tử của Giáo Hội” gồm có: Giám mục Hồng Y, Linh mục Hồng Y và Trợ Tế Hồng Y. Trong một quốc gia, Giáo Hội Công Giáo được chia ra thành nhiều tổng giáo phận, ở mỗi tổng giáo phận do một Tổng Giám Mục điều hành. Tổng giáo phận được chia ra thành nhiều giáo phận. Giáo phận do một Giám Mục quản nhiệm. Giáo phận  chia ra thành nhiều giáo xứ. Giám Mục bổ nhiệm Linh mục cai quản giáo xứ trong giáo phận mình. Năm 2000, Giáo Hội Công Giáo La Mã có khoảng 958.400.000 tín hữu trên toàn thế giới. Riêng ở Hoa Kỳ có 61.208.000 tín hữu và ở Việt Nam có khoảng 6.000.000 tín hữu Công Giáo La Mã.

H12.  Bởi đâu mà có Chánh Thống Giáo [Orthodox Church]?

Cơ Đốc Giáo bị Do Thái Giáo bắt bớ từ năm 35 đến năm 44. Sau đó lại  bị các Hoàng đế La Mã sát hại từ năm 64 cho đến năm 312. Tuy vậy, Cơ Đốc Giáo vẫn bành trướng mạnh trong Đế Quốc La Mã. Đến thế kỷ II, Cơ Đốc Giáo đã thành lập được nhiều hội thánh trong lãnh thổ của Đế Quốc La Mã. Năm 292, Hoàng Đế Diocletian chia Đế Quốc La Mã ra Đông Đế Quốc và Tây Đế Quốc. Đến cuối thế kỷ IV, các Hội thánh Cơ Đốc nằm trong lãnh thổ của Đế Quốc La Mã được chia ra thành năm giáo khu. Giáo khu Rô-ma, thuộc Tây Giáo Hội, nằm trong lãnh thổ của Tây Đế Quốc, nói tiếng La-tinh, trở thành Công Giáo La Mã. Bốn Giáo Khu còn lại thuộc Đông Giáo Hội, nằm trong lãnh thổ của Đông Đế Quốc, nói tiếng Hy Lạp, gồm có: Constantinople [Thổ Nhĩ Kỳ], An-ti-ốt [Syria], Giê-ru-sa-lem [Do Thái] và Alexandria [Ai-cập]. Mỗi giáo khu ở Đông Đế Quốc đặt dưới quyền quản nhiệm của một Giáo trưởng. Khi có cuộc tranh chấp quyền hành giữa các Giáo trưởng của các giáo khu thuộc Đông Đế Quốc và chức Giám mục của Giáo khu Rô-ma thuộc Tây Đế Quốc thì các giáo khu ở Đông Đế Quốc sát nhập lại với Giáo khu Constantinople thành một giáo khu. Từ đó, Giáo trưởng của Giáo khu Constantinople cai quản công việc Chúa nằm trong bờ cõi của Đông Đế Quốc. Giáo Khu Constantinople trở thành Chánh Thống Giáo hay Chánh Thống Giáo Đông Phương. Chánh Thống Giáo là Giáo Hội Cơ Đốc lớn đứng vào hàng thứ ba sau Công Giáo La Mã và Tin Lành. Chánh Thống Giáo đặt dưới quyền điều hành của một Giáo Trưởng, tòa thánh đặt tại thành phố Constantinople [Thổ Nhĩ Kỳ]. Chánh Thống Giáo [Orthodox Church], Chánh Thống Giáo Đông Phương [Eastern Orthodox Church] hay Chánh Thống Giáo Hy Lạp [Greek Orthodox Church] cho mình là những Hội thánh sơ khai do chính các sứ đồ của Đức Chúa Giê-su thành lập từ lúc ban đầu ở những nước nói tiếng Hy Lạp ven bờ Địa Trung Hải như Cô-rinh-tô, An-ti-ốt, Ê-phê-sô… Chánh Thống Giáo cho rằng Giáo Hội của mình luôn luôn giữ đúng các giáo lý mà Đức Chúa Giê-su và các sứ đồ truyền dạy từ lúc ban đầu. Giáo Hội chỉ công nhận các quyết nghị về niềm tin của các Công Đồng có đại diện của Đông Giáo Hội [Chánh Thống  Giáo] và Tây Giáo Hội [Công Giáo La Mã] tham dự, như Công Đồng Nicea I [325], Công Đồng Constantinople I [381], Công Đồng Ê-phê-sô [431], Công Đồng Chalcedon [451], Công Đồng Constantinople II [553], Công Đồng Constantinople III [680] và Công Đồng Nicea II [787]. Giáo Hội Chánh Thống Giáo không chấp nhận các giáo lý do Tây Giáo Hội đơn phương đề ra sau bảy Công Đồng này. Chánh Thống Giáo không công nhận quyền hạn của Giáo Hoàng ở Vatican. Đó là nguyên do chủ yếu làm cho Giáo Hội Chánh Thống Giáo và Công Giáo La Mã chính thức tách rời nhau năm 1054. Các Hội Thánh của Giáo Hội Chánh Thống Giáo đều tự trị, nhưng hiệp nhất với nhau. Chánh Thống Giáo coi các nghi lễ thờ phượng là biểu tượng cho sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Việc cử hành lễ Tiệc Thánh và chiêm ngưỡng hình ảnh thánh, là phần quan trọng trong các buổi thờ phượng của Chánh Thống  Giáo. Chánh Thống Giáo xem Đức Mẹ Maria, thiên sứ và các thánh là linh thiêng đáng được sùng kính. Chánh Thống Giáo tin rằng bánh và rượu của tiệc thánh trở thành huyết và thịt thật của Đức Chúa Giê-su. Đó là lý do làm cho Chánh Thống Giáo khác biệt với các Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh. Chánh Thống Giáo làm báp têm cho tín hữu bằng cách dìm người dưới nước 3 lần. Nhân danh Đức Chúa Cha để dìm người dưới nước lần thứ nhứt, nhân danh Đức Chúa Con để dìm người dưới nước lần thứ hai và nhân danh Đức Thánh Linh để dìm người dưới nước lần thứ ba. Chánh Thống Giáo tin Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời không sai lầm, nhưng cũng tin các lời thánh truyền của Giáo Hội. Vào năm 1453, thành Constantinople, nơi đặt Tòa Thánh của Chánh Thống Giáo, bị quân Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm. Đến năm 1500 Chánh Thống Giáo ở Nga đứng lên lãnh đạo các Hội thánh của Chánh Thống Giáo Miền Đông cho đến ngày nay. Hiện nay, Chánh Thống Giáo có mặt ở Hy-Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, vùng Balkans, Trung Đông và các nước thuộc Liên Bang Xô-Viết cũ. Đến thế kỷ 20, Chánh Thống Giáo lan tràn đến Đông và Tây Âu, Phi Châu và Á Châu với khoảng 250 triệu tín hữu trên toàn thế giới.

H13.        Giáo Hội Tin Lành được thành lập trong trường hợp nào?

Giáo Hội Tin Lành [Protestant] hay Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh [Reformed Church] là một trong ba giáo hội lớn của Cơ Đốc Giáo. Giáo Hội Tin Lành là Giáo Hội Cơ Đốc lớn đứng vào hàng thứ nhì, sau Công Giáo La Mã. Đến năm 1990, Giáo Hội Tin Lành có khoảng 469 triệu tín hữu trên toàn thế giới. Vào giữa thế kỷ XVI, Giáo Hội Tin Lành được thành lập, sau khi tách rời khỏi Công Giáo La Mã trong cuộc cải chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã của Tu sĩ Martin Luther ở Đức Quốc, Mục sư Ulrich Zwingli ở Thụy Sĩ, nhà thần đạo John Calvin ở Pháp Quốc và vua Henry VIII ở Anh Quốc. Các cuộc cải chánh này nhằm mục đích đưa tín hữu trở lại niềm tin đúng theo các giáo lý trong Kinh Thánh như lúc ban đầu và bất phục tùng Giáo Hoàng ở La Mã. Trong thời cải chánh ở thế kỷ 16, lịch sử ghi nhận có bốn Hội thánh Tin Lành Cải Chánh nổi bật nhất đó là Lutherans, Calvinist, Anabaptists và Anh Quốc Giáo. Từ thế kỷ XVI cho đến nay, người ta ghi nhận có nhiều Giáo Hội Tin Lành khác được thành lập như: Trưởng Lão, Quakers, Báp-tít, Ngũ Tuần, Giám Lý, Phúc Âm Liên Hiệp, Mennonite, Nazarene, Cơ Đốc Phục Lâm, Anh Em, Hội Thánh Đấng Christ, Church of God in Christ, Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê-su Ki-tô, Chứng Nhân Giô-hô-va… Mặc dầu, các Giáo Hội Tin Lành không hoàn toàn đồng ý với nhau về một vài giáo lý hay phương cách hành đạo, nhưng tất cả đều nhất trí không thuận phục Giáo Hoàng của Công Giáo La Mã. Chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất của các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu thuộc Giáo Hội Tin Lành. Đa số Giáo Hội Tin Lành tin sự cứu rỗi là do ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của tín hữu đặt vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su. Trái lại, Công Giáo La Mã cho rằng ngoài ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su ra tín hữu cần phải làm thêm những điều phước đức theo lời dạy của Giáo Hội Công Giáo La Mã thì mới được cứu. Sự khác biệt về giáo lý cứu rỗi này là nguyên động lực chiùnh, làm cho Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh tách rời khỏi Công Giáo La Mã hồi thế kỷ XVI. Dù đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã, Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh vẫn giữ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, sự chết chuộc tội và sự sống lại của Đấng Christ, nghi lễ Báp-têm và Tiệc Thánh.

H14.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Lutheran?

Martin Luther thành lập Giáo Hội Lutheran trong cuộc cải chánh giáo hội vào đầu thế kỷ XVI tại Đức Quốc. Martin Luther là một tu sĩ Công Giáo La Mã thuộc dòng Augustine. Ông cũng là một giáo sư thần đạo của Viện Đại Học Wittenberg, Đức Quốc. Giáo Hội Lutheran công nhận lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là quyền tối thượng của các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Giáo Hội Lutheran cho rằng sự cứu chuộc là do ân điển bởi đức tin mà thôi. Việc làm thánh thiện của tín hữu không giúp ích cho sự cứu rỗi linh hồn. Họ xem việc làm thánh thiện của tín hữu chỉ là bông trái của sự cứu rỗi. Giáo Hội Lutheran chỉ giữ thánh lễ Báp-têm và Tiệc Thánh. Họ cho rằng đó là hai thánh lễ mà Đức Chúa Giê-su đã thật sự ban cho Hội thánh tuân giữ. Giáo Hội Lutheran cử hành các buổi thờ phượng bằng ngôn ngữ của người dân thường; không như Công Giáo La Mã chỉ dùng ngôn ngữ La-tinh. Đến năm 1962, Công Đồng Vatican II mới bắt đầu cho phép linh mục dùng ngôn ngữ địa phương để cử hành lễ Mi-sa và các thánh lễ khác của Công Giáo La Mã.

Khi cử hành lễ Tiệc Thánh, giáo hữu của Lutheran được ăn bánh và uống chén, trong khi đó tín hữu Công Giáo La Mã chỉ được ăn bánh. Việc uống chén chỉ dành riêng cho cấp tu sĩ. Giáo Hội Lutheran tin rằng Đấng Christ thật sự hiện diện trong bánh và rượu của Tiệc Thánh, khi họ căn cứ vào lời dạy của Đức Chúa Giê-su “Này là thân thể ta. Này là huyết ta”[Ma 26:26,28]. Giáo Hội Lutheran làm báp-têm cho trẻ sơ sinh và người lớn bằng cách rảy nước, đổ nước hay dìm người dưới nước.

Vào năm 1625, một số tín hữu Lutheran từ Hà-Lan và Đức đến định cư ở Nữu Ước. Vào năm 1638, một số tín hữu Lutheran từ Thụy Điển đến định cư ở bang Delaware. Đầu thế kỷ XVIII, một số lớn tín hữu Lutheran từ Đức đến định cư ở bang Pennsylvania. Đến năm 1748, một Hội thánh Lutheran đầu tiên được thành lập ở Bắc Mỹ dưới quyền quản nhiệm của Mục sư Henry Melchior Muhlenberg. Sau cuộc cách mạng của Hoa Kỳ, các nhóm di dân từ Âu Châu tự mình thành lập các Hội thánh Lutheran riêng cho sắc dân của mình ở Bắc Mỹ. Giáo Hội Lutheran là Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh lớn đứng vào hàng thứ ba ở Hoa Kỳ. Có khoảng 9.000.000 tín hữu Lutheran ở Bắc Mỹ. Giáo Hội Lutheran có khoảng 80.000.000 tín hữu trên toàn cầu.

H15.        Ai thành lập Anh Quốc Giáo [Church of England]?

Vào thế kỷ thứ II, một số thương buôn từ La Mã đến Anh Quốc buôn bán, và đem Cơ Đốc Giáo đến xứ này. Đến thế kỷ thứ IV, Cơ Đốc Giáo đã thành hình ở Anh Quốc. Đến thế kỷ V, tà giáo Anglo-Saxons xâm lấn và tiêu diệt gần hết tín hữu Cơ Đốc Giáo ở Anh Quốc. Đến cuối thế kỷ VI, Thánh Augustine đến Anh Quốc móc nối Cơ Đốc Giáo để Cơ Đốc Giáo ở xứ này trở thành một nhánh đạo của Công Giáo La Mã. Đến năm 1534, vua của nước Anh là Henry VIII, quyết định tách rời Cơ Đốc Giáo ở Anh ra khỏi Công Giáo La Mã bởi các lý do như sau: Vua Henry VIII ăn ở với bà Catherine, nhưng không có con trai để nối ngôi. Vua Henry VIII xin phép Giáo Hoàng hủy bỏ hôn thú với bà Catherine để cưới một người vợ trẻ đẹp hơn, tên là Anne Boleyn. Giáo Hoàng không chấp thuận lời yêu cầu của vua Henry. Vua Henry VIII căm hờn, nên quyết định cắt đứt mối liên hệ giữa Cơ Đốc Giáo ở Anh Quốc với Giáo Hoàng ở La Mã. Quốc Hội Anh Quốc chấp nhận cuộc ly tán này và còn ra sắc luật công nhận Vua Henry VIII là thủ lãnh Giáo Hội Cơ Đốc Giáo ở Anh Quốc, tức là Anh Quốc Giáo. Sau đó, vua Henry VIII ly dị bà Catherine rồi cưới bà Anne Boleyn. Tuy đã tách rời khỏi Công Giáo La Mã, Anh Quốc Giáo vẫn giữ đa số truyền thống của Công Giáo La Mã. Nhưng Anh Quốc Giáo cởi mở hơn để đón nhận tinh thần cải chánh của Martin Luther, Wycliffe và Tyndale, như cho giáo dân đọc Kinh Thánh, cho dịch Kinh Thánh ra Anh-ngữ, cho in Kinh Thánh để phân phối đến giáo dân. Anh Quốc Giáo tin sự cứu chuộc là do ân điển bởi đức tin mà thôi, không cần phải có thêm việc làm lành thánh thiện của tín hữu. Anh Quốc Giáo làm báp-têm cho trẻ sơ sinh và người lớn bằng cách đổ nước lên đầu hay dìm người dưới nước. Họ tin loài người đều mắc tội tổ tông. Tin Kinh Thánh là quyền tối thượng của đức tin và việc hành đạo của tín hữu. Anh Quốc Giáo có thượng viện và hạ viện. Thượng viện gồm có các giám mục. Hạ viện gồm có phân nửa là tăng lữ và phân nửa là tín hữu đại biểu từ các giáo khu. Mọi điều lệ mới phải được thượng và hạ viện thông qua mới có hiệu lực. Người lãnh đạo một giáo khu là giám mục do tín hữu của giáo khu bầu lên. Hiện nay, Anh Quốc Giáo có 43 giáo khu và 27 triệu rưỡi tín hữu trên toàn cõi nước Anh.

H16.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão?

Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão [Presbyterian Church] là một Giáo Hội Cơ Đốc do Mục sư John Knox thành lập ở Tô Cách Lan vào năm 1557, Giáo Hội này được thành lập là bởi ảnh hưởng của các Giáo Hội Tin Lành ở Thụy Sĩ và Pháp theo phong trào cải chánh của John Calvin, [John Calvin là một nhà Cải Chánh Giáo Hội người Pháp]. Giáo Hội mang tên Trưởng Lão vì Giáo Hội này ở dưới sự cai quản của một nhóm viên chức được anh em tín hữu tín nhiệm bầu lên mà họ gọi là các Trưởng Lão [Elders]. Giáo Hội Trưởng Lão công nhận Kinh Thánh là quyền tối thượng của các việc liên hệ đến đức tin và hành đạo của tín hữu. Tín hữu của Giáo Hội Trưởng Lão tin rằng họ được cứu là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đấng Christ, chứ không phải bởi việc làm thánh thiện của tín hữu. Giáo Hội Trưởng Lão giữ thánh lễ tiệc thánh và báp-têm. Giáo Hội Trưởng Lão làm lễ báp-têm cho trẻ sơ sanh và người lớn. Nhưng Giáo Hội này không tin chịu báp-têm là điều kiện cần thiết để được cứu. Vào năm 1640, Giáo Hội Trưởng Lão đầu tiên ở Hoa Kỳ được thành lập ở Long Island, bang Nữu Ước và New England. Về sau, số tín hữu Trưởng Lão từ Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan qua định cư ở Mỹ Châu thành lập thêm các Hội thánh ở bang Maryland, Virginia, Delaware, Nữu Ước, New Jersey và Pennsylvania. Đến năm 1990, Giáo Hội Trưởng Lão có khoảng 3.800.000 tín hữu trên toàn nước Mỹ. Riêng tại Việt Nam, Giáo Hội Trưởng Lão có khoảng 7.000 tín hữu, và đã được Uỷ Ban Tôn Giáo chánh phủ công nhận tư cách pháp nhân từ ngày 21-12-08.

H17.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Mennonite?

Trong thời cải chánh giáo hội của Martin Luther và Ulrich Zwingli hồi thế kỷ XVI. Vào khoảng năm 1520, ở Thụy sĩ, Hà Lan, Áo và Miền Nam nước Đức có một nhóm Cơ đốc nhân theo phe cải chánh nổi lên chống đối việc làm báp-têm cho trẻ sơ sinh. Họ cho rằng việc làm báp-têm ghi trong Kinh Thánh Tân Ước đều là cho người lớn, và Hội thánh sơ khai chỉ làm báp-têm cho người lớn mà thôi. Nên nhóm tín hữu này tách rời khỏi Giáo Hội Cải Chánh, để thành lập một nhóm riêng biệt lấy tên là“Anabaptists.” Anabaptists có nghĩa là làm báp-têm lại. Nhóm này bắt buộc những tín hữu đã được giáo hội làm báp-têm hồi mới sinh ra phải làm báp-têm lại ở tuổi trưởng thành, sau khi đã tuyên xưng đức tin mình nơi Cứu Chúa Giê-su Christ. Giáo Hội Công Giáo La Mã, Martin Luther và John Calvin coi nhóm Anabaptists là tà giáo nên đã thẳng tay đàn áp. Cuộc đàn áp này kéo dài từ năm 1535 cho đến năm 1600, làm cho một vạn tín hữu Anabaptists phải tuận đạo. Đến năm 1536, Linh mục Menno Simons nhận thấy niềm tin của tín hữu Anabaptists đúng với lời Chúa dạy, nên đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo La Mã, rồi gia nhập nhóm Anabaptists. Chẳng bao lâu, Menno Simons trở thành thủ lãnh đáng yêu chuộng của nhóm này. Menno Simons qua đời năm 1561, hưởng thọ được 65 tuổi. Menno Simons có ảnh hưởng rộng lớn với nhóm Anabaptists, vì ông đã không ngại hiểm nguy cho chính bản thân mình mà đã dám ăn dám nói để binh vực niềm tin của nhóm Anabaptists để họ khỏi bị nhóm đối lập tiêu diệt. Nhóm tín hữu Anabaptists rất hãnh diện cho mình là ‘người của Menno.’ ‘Người của Menno’ theo Anh ngữ gọi là‘Mennonite.’ Khi nhóm Anabaptists trở thành một Giáo Hội thì họ đặt tên Giáo Hội mình là Mennonite, là danh hiệu bắt nguồn từ tên Menno của người lãnh đạo. Tiếng Việt gọi Giáo Hội Tin Lành này là Mê-nô-nít. Tín hữu Mennonite tin rằng cá nhân tín hữu có thẩm quyền giải nghĩa Kinh Thánh theo lương tâm mình cho là phải. Giáo Hội Mennonite chống đối việc làm báp-têm cho trẻ sơ sinh. Giáo Hội chỉ làm báp-têm cho người lớn và trẻ em có trí khôn, sau khi đã tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Giáo Hội Mennonite cử hành lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su Christ trên thập tự giá và lễ Rửa Chân [Foot Washing] để nhớ lại lời dạy của Chúa là môn đệ của Ngài phải sẳn lòng phục vụ lẫn nhau và tha nhân. Giáo Hội Mennonite ủng hộ chánh sách tôn giáo tách rời với nhà nước. Tín hữu Mennonite tôn trọng luật pháp của quốc gia nhưng không chịu đầu quân cầm súng chiến đấu. Không chịu tuyên thệ trước tòa án và không chấp nhận giữ các chức vụ trong chánh quyền. Tín hữu Mennonite chủ trương sống và ăn mặc đơn giản. Riêng, Cộng Đồng Amish Mennonite, có khoảng 200.000 người, đa số ở bang Ohio, Pennsylvania và Indiana. Nhóm người Amish này sống tách biệt với văn minh, tự may mặc theo lối cổ xưa và sống cô lập với thế giới bên ngoài. Họ dùng ngựa để cày ruộng và dùng xe ngựa để làm phương tiện di chuyển. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không dùng các phương tiện tân tiến hiện đại như  xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, điện  thoại, máy vi tính… Đến cuối thế kỷ XVI, cuộc bắt bớ và sát hại tín hữu Mennonite ở Hà Lan được hoàn toàn chấm dứt, nhưng tín hữu Mennonite ở Thụy Sĩ vẫn còn bị bắt bớ cho đến cuối thế kỷ XVIII. Trong thời gian bị bắt bớ này, họ phải chạy trốn qua Rhineland, Hà Lan, Đông Âu và Pennsylvania, Hoa Kỳ. Vào giữa bán thế kỷ XIX, tín hữu Mennonite ở Thụy sĩ  và Đức qua định cư ở bang Ohio và các tiểu bang nằm về hướng tây của Ohio cho đến bang Missouri. Sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, tín hữu Mennonite từ Nga qua định cư ở bang Kansas, Nebraska và South Dakota, Hoa Kỳ. Sau thế chiến thứ nhất, tín hữu Mennonite từ Nga qua định cư ở tỉnh Saskatchewan, Gia-nã-đại. Sau đệ nhị thế chiến, nhiều tín hữu Mennonite từ Âu Châu định cư ở Mễ Tây Cơ, Paraguay và Ba Tây. Đến năm 1980, Giáo Hội Mennonite gồm có 17 hệ phái như: Amish Mennonites, Mennonite Church or Old Mennonites,  General Conference Mennonite Church… Sau hiệp định Genève năm 1954, Hội Đồng Trung  Ương Mennonite [Mennonite Central Committee] ở Lancaster, Pensylvania, Hoa Kỳ, gởi một số giáo sĩ đến hoạt động ở Miền Nam Việt Nam để giúp đỡ số dân di cư từ Miền Bắc vào định cư ở Miền Nam Việt Nam. Năm 1957, Ủy Ban Truyền Giáo Mennonite Đông Phương gởi Ông bà Giáo sĩ James và Arlene Stauffer đến Sài Gòn để rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su cho đồng bào Việt Nam. Đến năm 1961, Giáo Hội Mennonite đã tạo dựng một cơ sở đối diện với Bệnh Viện Bình Dân ở Sài Gòn để làm nơi cho tín hữu nhóm lại thờ phượng Chúa. Nơi này cũng có một thư viện và một lớp dạy Anh ngữ cho sinh viên và học sinh Việt Nam. Vào năm 1970, Giáo Hội Mennonite đã thành lập được một Hội thánh ở Gia định do Mục sư Trần Xuân Quang quản nhiệm. Kể từ năm 1954 cho đến năm 1960, các giáo sĩ Mennonite đã hợp tác chặt chẽ với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam để xây cất và điều hành Chẩn Y Viện Tin Lành Pleiku và Hòn Chồng Nha Trang. Năm 1964, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thừa nhận Giáo Hội Tin Lành Mennonite là một tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Năm 1966, Giáo Hội Mennonite thành lập cơ quan Xã hội Tin Lành dưới sự bảo trợ của Church World Service và Lutheran World Relief, nên có một số chuyên viên từ Mỹ, Gia-nã-đại, Nhật bản, Thụy sĩ và Ấn độ đến Việt Nam để giúp nước này về mặt xã hội, giáo dục, y tế và nông nghiệp ở những vùng như  Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Pleiku, Di Linh, Huế và Sài Gòn. Năm 1973, Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở Việt Nam có khoảng 1.100  tín hữu. Nhóm tín hữu này hiệp lại thành lập giáo hội mang tên là Giáo Hội Tin Lành Mê-nô-nít. Sau biến cố 1975, chánh quyền  tịch thâu hết tài sản của Giáo Hội Tin Lành Mê-nô-nít làm cho tín hữu phải  nhóm lại ở các Hội thánh bạn như Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và các Hội Thánh Báp-tít hay tại tư gia của tín hữu. Năm 1990, Giáo Hội Mennonite Hoa Kỳ đã trở lại Việt Nam mở một văn phòng ở Hà Nội để tìm cách giúp đỡ Việt Nam một lần nữa. Đến năm 2005, Giáo Hội Mennonite có mặt ở 65 quốc gia trên thế giới với tổng số tín hữu là 1.300.000 người. Riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 323.000 tín hữu và Gia Nã Đại có khoảng 127.000 tín hữu.

H18.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Báp-tít?

John Smyth và Thomas Helwys nguyên là mục sư  của Anh Quốc Giáo, nhưng bị ảnh hưởng của nhóm Mennonites và Anabaptists, nên đã tách rời khỏi Anh Quốc Giáo để thành lập Hội thánh Báp-tít đầu tiên vào năm 1609 tại Amsterdam, Hà Lan. Năm 1612,  Mục sư Thomas Helwys trở lại Anh Quốc hợp tác với một nhóm tín hữu để thành lập một Hội thánh Báp-tít thứ nhì tại Spittalsfield, gần thành phố Luân Đôn, Anh Quốc. Tại Hoa Kỳ, Roger Williams, một mục sư  người Anh, vốn thuộc nhóm Thanh Giáo [Puritan], thành lập Hội thánh Báp-tít đầu tiên vào năm 1639 tại thành phố Providence, bang Rhode Island. Cũng trong thời gian này, Mục sư John Clarke thành lập được thêm một Hội thánh Báp-tít nữa ở thành phố Newport, bang Rhode Island. Tại Gia-nã-đại một Hội thánh Báp-tít đầu tiên được thành lập vào năm 1765, tại Horton, Nova Scotia.Vào năm 2000, 3% dân số Gia-nã-đại là tín đồ Báp-tít.

Giáo Hội Báp-tít chấp nhận giáo lý chủ yếu của cuộc cải chánh của Martin Luther ở thế kỷ XVI là “tín hữu được xưng công bình bởi đức tin, chứ không phải bởi việc làm thánh thiện của mình. Kinh Thánh là quyền tối thượng cho mọi vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu.” Giáo Hội Báp-tít tin các tín lý trong Kinh Thánh nhưng không tin những lời thánh truyền hay những giáo điều của các giáo hội đặt ra. Giáo Hội Báp-tít ủng hộ chánh sách tôn giáo tách rời với nhà nước và nền tự trị của mỗi Hội thánh địa phương. Một người muốn trở thành hội viên của Giáo Hội Báp-tít phải ăn năn tội lỗi và xác nhận mình đã tin nhận Đức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình.

Giáo Hội Báp-tít không chấp nhận làm báp-têm cho trẻ sơ sinh hay bằng cách rưới nước. Giáo Hội Báp-tít chỉ làm báp-têm cho người lớn và trẻ em đã có trí khôn bằng cách dìm người dưới nước. Giáo hội này cho rằng báp-têm bằng cách dìm người dưới nước là làm đúng theo cách mà Đức Chúa Giê-su đã chịu báp-têm ở sông Giô-đanh. Hơn nữa, Giáo Hội Báp-tít cho rằng làm báp-têm bằng cách dìm người dưới nước còn có ý nghĩa để bày tỏ đức tin  nơi sự đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Đấng Christ. Tín hữu Báp-tít không tin việc chịu lễ báp-têm là để nhận thêm ân phước đặc biệt từ nơi Chúa, nhưng cho đó chỉ là cách để bày tỏ đức tin mình nơi Chúa Cứu Thế trước công chúng. Tín hữu Báp-tít cử hành lễ Tiệc thánh [The Lord’s Supper] sau mỗi buổi nhóm thờ phượng sáng hay tối Chúa nhật đầu tháng để tưởng nhớ đến sự chết chuộc tội của Đấng Christ trên thập tự giá.

Giáo Hội Báp-tít tin rằng khi một người đã được cứu chuộc rồi thì không bao giờ bị mất sự cứu chuộc đó, theo như lời phán của Đức Chúa Giê-su: “Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha”[Giăng 10:28-29], và lời dạy của Sứ đồ Phao-lô: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su Christ”[Rô 8:1].

Vào thế kỷ XIX, Hoa Kỳ bị chia rẽ về vấn đề nô lệ giữa hai miền Nam và Bắc. Cuộc tranh chấp này đã đưa Giáo Hội Báp-tít ở Hoa Kỳ đến chỗ chia hai vào năm 1845. Các Hội thánh ở miền bắc kết hợp lại để thành lập Giáo Hội Báp-tít Bắc Phương và các Hội thánh ở miền nam hiệp lại để thành lập Giáo Hội Báp-tít Nam Phương.

Đến năm 1990, Báp-tít có tất cả là 22 hệ phái trong nước Mỹ, với số tín hữu như sau:

  1. Giáo Hội Báp-tít Nam Phương [Southern Baptists] có khoảng 15.400.000 tín hữu.
  2. Giáo Hội Báp-tít Bắc Phương [The American Baptist Church in the U.S.A] có 1.500.000 tín hữu.
  3. The National Baptist Convention, U.S.A. có 8.200.000 tín hữu.
  4. The National Baptist Convention of America có 3.500.000 tín hữu .
  5. Mười tám hệ phái Báp-tít còn lại có 5.400.000 tín hữu.

Vậy, tổng số tín hữu Báp-tít ở Hoa Kỳ là 34 triệu, chiếm 2/5 tổng số tín hữu Tin Lành ở Hoa Kỳ là 85 triệu người. Giáo hội Báp-tít có mặt hầu hết ở các quốc gia trên thế giới. Số tín hữu gia tăng đều đặn trên các quốc gia này chỉ trừ ở các nước như Gia-nã-đại, Lỗ-mã-ni, Nigeria, Ba-tây, Miến Điện, Anh quốc, Zaire và Ấn Độ. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1959, Giáo Hội Báp-tít Nam Phương ở Hoa Kỳ gởi hai giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam là Ông bà Giáo sĩ Herman P. Hayes. Sau đó, Giáo Hội Báp-tít Nam Phương gởi thêm 34 giáo sĩ đến Miền Nam Việt Nam để học tiếng Việt. Sau khi học xong tiếng Việt, họ được phân phối đi khắp nơi để rao giảng Phúc Âm cho đồng bào Việt Nam. Trong thời gian hoạt động từ năm 1959 cho đến năm 1975, các giáo sĩ Báp-tít đã thành lập được Hội thánh Đức Tin, Hội thánh Hàng Xanh, Hội thánh Phú Thọ Hòa, Hội thánh Bình Triệu, Hội thánh Ân Điển, Hội thánh Bình An tại Sài Gòn, Hội thánh Hy Vọng tại Đà Nẵng, một Hội thánh ở Quảng Ngãi, một Hội thánh ở Huế, một Hội thánh ở Qui Nhơn, một Hội thánh ở Nha Trang, một Hội thánh ở Phước Hải, một Hội thánh ở Đà Lạt, một Hội thánh ở Cần Thơ và một Cô Nhi Viện ở Cam Ranh. Ngoài ra, Giáo Hội Báp-tít còn thành lập được một Thư Viện với 3.000 quyển sách có giá trị, và một Viện Thần Đạo ở Gia Định do Tiến sĩ  Samuel James làm Viện Trưởng. Viện Thần Đạo này đã đào tạo được sáu vị mục sư là Lê Quốc Chánh, Đỗ Vĩnh Thành, Trương Văn Hy, Đào Văn Chinh, Đỗ Văn Dũng và Dư Kiện Anh. Vào đầu năm 1975, chiến cuộc Việt Nam trở nên quá sôi động, Tiến sĩ Samuel James phải rời Việt Nam. Mục sư  Đào Văn Chinh lên đảm nhận chức Quyền Viện Trưởng Viện Thần Đạo Báp-tít cho đến khi cơ sở này bị chính quyền mới tịch thâu. Vào ngày 23-12-2006, Ban Tôn Giáo chánh phủ Việt Nam chánh thức công nhận Giáo Hội Báp-tít Việt Nam được tự do hoạt động tôn giáo, được pháp luật bảo đảm, được phép in ấn xuất bản kinh sách, xây dựng hoặc sửa chữa nơi thờ phượng. Cuối năm 2006, Giáo Hội Báp-tít Việt Nam có 3 mục sư, 21 truyền đạo, 4 hội thánh có cơ sở với 2.600 tín hữu ở trong thành phố Sài-Gòn và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

H19.        Ai thành lập Giáo Hội Episcopal ?

Từ ngày tìm được Châu Mỹ, số người từ Anh Quốc sang định cư ở Mỹ Châu càng ngày càng đông. Đến thế kỷ 17, người Anh đã có mặt ở khắp lục địa Bắc Mỹ. Một số lớn tín hữu của Anh Quốc Giáo đến định cư ở Philadelphia thuộc bang Pensylvania, Hoa kỳ. Số tín hữu này đã thành lập Giáo Hội Episcopal đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1787. Người ta cho rằng Giáo Hội Episcopal ở Hoa Kỳ là một chi nhánh của Anh Quốc Giáo. Giáo hội Episcopal có giáo lý và nghi lễ thờ phượng giống Anh Quốc Giáo, nhưng chỉ giữ Bí-tích Tiệc Thánh và Báp-têm [Anh Quốc Giáo có bảy Bí-tích như Công Giáo La Mã. Bảy Bí-tích đó là Báp-têm, Tiệc Thánh, Thêm sức, Giải tội, Xức dầu, Truyền chức và Hôn phối]. Giáo Hội Episcopal chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho mọi vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Họ tin sự cứu chuộc là do ân điển bởi đức tin như các giáo hội Tin Lành khác. Bài Tín Điều Các Sứ Đồ và bài Tín Điều Nicea là nền tảng đức tin  của tín hữu của giáo hội này. Ngoài nỗ lực truyền giáo quốc nội, Giáo Hội Episcopal còn gởi giáo sĩ truyền giáo đến các nước ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ. Hiện nay, Giáo Hội Episcopal có mặt ở Virgin Islands, Columbia, Taiwan, Dominican Republic, Ecuador và Honduras. Tại Hoa Kỳ, Giáo Hội Episcopal có khoảng 7.400 chi hội và hai triệu rưỡi tín hữu.

H20.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Anh Em ?

Giáo Hội Tin Lành Anh Em [Brethren] đầu tiên do Mục sư Alexander Mack và nhóm tính hữu Báp-tít ở Schwartzenau, Đức Quốc, thành lập vào năm 1708. Đến năm 1719 Giáo Hội Anh Em bị Hội thánh Tin Lành của nhà nước bắt bớ nên phải rời bỏ Đức Quốc để chạy qua Mỹ Châu lánh nạn. Phần lớn tín hữu của Giáo Hội Anh Em đến Hoa Kỳ định cư ở Germantown, bang Pennsylvania. Từ bang này, tín hữu của Giáo Hội Anh Em bành trướng đến các bang Maryland, Illinois, Ohio, Indiana, Virginia, Iowa, Missouri, Kansas, Nebraska, North Dakota và Gia-nã-đại. Hội Thánh Anh Em đầu tiên được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1723. Giáo Hội Anh Em công nhận toàn bộ Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi và soi dẫn, không sai lầm. Tân Ước là mẫu mực của các vấn đề thuộc đức tin và cách hành đạo của tín hữu. Họ tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi, gồm có Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Ngôi Hai giáng thế làm người có thần tánh và nhân tánh hoàn toàn. Ăn năn, tin nhận Đức Chúa Giê-su và chịu báp-têm là ba điều cần phải có để được cứu chuộc. Giáo Hội Anh Em không công nhận các bài tín điều do các giáo hội đặt ra. Giáo Hội Anh Em làm báp-têm cho tín hữu bằng cách ngả người về phía trước ngập dưới nước ba lần. Người chủ lễ nhân danh Đức Chúa Cha để dìm người lần thứ nhất, rồi nhân danh Đức Chúa Con để dìm người lần thứ hai và nhân danh Đức Thánh Linh để dìm người lần thứ ba. Giáo Hội Anh Em an vui với cuộc sống và ăn mặc đơn giản, không buôn bán rượu hay thuốc hút và cũng không uống rượu hay hút thuốc. Anh em trong Hội thánh có vấn đề gì với nhau thì họ cùng nhau giải quyết cho ôn hòa; tránh kiện tụng nhau ở tòa án ngoài đời. Kiêng cữ thề thốt và lánh xa việc làm chánh trị. Sau giờ thờ phượng buổi chiều, họ có buổi lễ “Rửa Chân” để nhớ đến lời dạy của Đức Chúa Giê-su là hãy sẳn lòng phục vụ lẫn nhau và tha nhân. Sau buổi lễ “Rửa Chân” họ cùng dự tiệc yêu thương [Love feast], sau tiệc yêu thương là Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá. Sau đó, họ trao nhau bằng những cái hôn hòa bình [kiss of peace]. Hiện nay ở Hoa Kỳ, Giáo hội Anh Em lớn nhất là Giáo hội Church of the Brethren có 172.115 tín hữu và 1.061 chi hội. The Brethren Church ở Ashland, Ohio, có 15.082 tín hữu và122 chi hội. The National Fellowship of Brethren có 34.000 tín hữu và 275 chi hội. Những Giáo hội Anh Em nhỏ hơn gồm có: Seventh-Day Baptists, German Baptists, Church of God, Old German Baptist Brethren, Brethren Church, River Brethren, Brethren in Christ, Yorker Brethren, Brethren of Christ, Hutterian Brethren và Moravian  Church.

H21.        Ai thành lập Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm?

Cơ Đốc Phục Lâm là Giáo Hội Tin Lành theo chủ thuyết của Mục sư Báp-tít người Mỹ tên là William Miller. Chủ thuyết này cho rằng Đấng Christ sẽ tái lâm nay mai. Mục sư William Miller đã tiên đoán là Đức Chúa Giê-su tái lâm vào ngày 21 tháng 3 năm 1843, ngày 21 tháng 3 năm 1844 và ngày 22 tháng 10 năm 1844. Các lần tiên đoán này đều sai trật. Sự sai trật này làm cho một số tín hữu chán nản phải rời bỏ Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm để trở lại Hội thánh cũ của mình. Tuy nhiên, một số lớn tín hữu vẫn tiếp tục tin theo Mục sư William Miller. Số người theo Mục sư William Miller càng ngày càng gia tăng để trở thành các hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm sau này như: The Advent Christian Church, The Primitive Advent Church, The Church of God hay The Church of God in Christ Jesus và Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật [Seventh Day Adventists]. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật được thành lập vào năm 1844 tại Hoa Kỳ, ở dưới quyền lãnh đạo của Mục sư Joseph Bates, James và Ellen White. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm lớn nhứt có khoảng 5.500.000 tín hữu và 360 bệnh viện hay chẩn y viện trên thế giới tính vào cuối năm 1990. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật tin Đấng Christ sẽ tái lâm sớm, nhưng không đưa ra một ngày nhứt định. Họ tin rằng khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ tiêu diệt kẻ ác và ban sự cứu rỗi cho người công bình. Tín hữu của giáo hội này còn tin rằng sự cứu rỗi chỉ do ân điển bởi đức tin nơi sự cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá mà thôi; không phải bởi việc làm thánh thiện của tín hữu. Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm nhìn nhận Kinh Thánh là quyền tối thượng cho các việc thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm giữ ngày thứ bảy Sa-bát để làm nên ngày thánh, theo điều răn thứ tư của Cựu Ước. Họ không được khiêu vũ hay vào rạp xem hát hay xem phim tuồng, tránh ăn thịt, không hút thuốc, uống rượu hay dùng cần sa ma túy. Tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm tự nguyện dâng hiến hay trích ra 1/10 lợi tức để hỗ trợ công tác truyền giáo, giáo dục và từ thiện hay chương trình của Giáo Hội nhằm cung cấp ấn phẩm Cơ Đốc cho 197 ngôn ngữ trên thế giới. Giáo Hội Cơ  Đốc Phục Lâm làm lễ báp-têm bằng cách dìm người dưới nước, cử hành lễ Tiệc thánh để nhớ lại việc Đức Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại và lễ Rửa Chơn [Foot Washing] để bày tỏ sự sẵn sàng phục vụ lẫn nhau và tha nhân theo như lời Đức Chúa Giê-su dạy. Trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến năm 1927, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á gởi một số Thư Báo Truyền Đạo đến Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương, Sài Gòn, Chợ Lớn…  để truyền bá Tin Lành cứu rỗi bằng cách phân phối sách chứng đạo đến tay đồng bào Việt Nam. Năm 1927, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á gởi giáo sĩ R. H. Wentland và Fred Lloyd Pickett đến Việt Nam. Sau khi học nói tiếng Việt thông thạo, hai giáo sĩ này bắt đầu đi giảng đạo, sau hai năm hoạt động, họ đã mở được một Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm ở Sài Gòn. Năm 1932, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm được Thống đốc Nam Kỳ cho phép giảng đạo và phổ biến ấn phẩm đến tay đồng bào ở Nam Phần Việt Nam. Chẳng bao lâu, các Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm được thành lập ở Cần Thơ, Long Xuyên, Ô Môn, Đà Nẵng và Đại Lộc. Năm 1937, Hội Đồng Địa Hạt đầu tiên của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam họp tại Đà Nẵng. Hội Đồng này bầu Giáo sĩ  F. L. Pickett làm Hội Trưởng. Trụ sở văn phòng địa hạt đặt tại Đà Nẵng. Sau một năm hoạt động, Hội trưởng F. L. Pickett qua đời ngày 1 tháng 4 năm 1938, được an táng ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn. Giáo sĩ  R. H. Howlett, Thư ký Giáo Hội, lên giữ chức Quyền Hội Trưởng. Sau những năm tích cực hoạt động, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đã xây cất được nhà thờ cho Hội thánh Hà Nội, Đà Nẵng, Vàm Nhon, Đức Mỹ, Đại Lộc và Di Linh. Giáo Hội cũng đã xây cất được trường học ở Chợ Lớn, Long Xuyên, Vàm Nhon và Đà Nẵng, cùng các trạm y tế ở Cần Thơ, Di Linh và Hà Nội. Đến năm 1939, Giáo Hội đã thiết lập được Ấn Quán Thời Triệu ở Sài Gòn để in sách báo giáo dục và truyền đạo đơn. Giáo Hội cũng mở được một trường Kinh Thánh ở Gia Định để đào tạo người chăn bầy. Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, từ năm 1942 đến năm 1946, quân đội Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, một số nhà thờ của Giáo Hội bị tàn phá, nhiều Hội thánh không có người chăn nên phải bị đóng cửa. Các hoạt động của Giáo Hội bị hạn chế trong vùng Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong thời kỳ chiến tranh chống lại sự đô hộ của người Pháp, từ năm 1946 đến năm 1954, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đã xây cất được nhà thờ ở Phú Nhuận, Đà Lạt, Bàn Cờ, Đa Kao và một nhà thờ cho người sắc tộc ở tỉnh Lâm Đồng. Giáo Hội cũng đã tạo mãi được một biệt thự hai tầng ở ngã tư  Phú Nhuận để làm văn phòng trung ương và tư thất cho Hội Trưởng. Đài phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng cũng hoạt động mạnh trong thời kỳ này để phố biến Tin Lành cứu rỗi đến đồng bào Việt Nam qua làn sóng âm thanh vào buổi sáng mỗi ngày. Năm 1954, Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Đông Nam Á chính thức đặt tên cho Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Việt Nam là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam, trực thuộc Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm Đông Nam Á. Cùng trong năm này, hiệp định đình chiến Genève chia nước Việt Nam làm đôi ở vĩ tuyến 17. Văn phòng Trung Ương của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm đặt ở Sài Gòn mất liên lạc với các Hội Thánh ở bắc vĩ tuyến 17. Thành ra, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Nam chỉ còn có Hội thánh là Phú Nhuận, Chợ Lớn, Đà Lạt, Đà Nẵng Cần Thơ và Sa-đéc. Khi chiến tranh Việt Pháp kết thúc, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm bắt đầu trùng tu các nhà thờ, trường học, cơ quan y tế và từ thiện đã bị chiến tranh tàn phá. Giáo Hội gia tăng nỗ lực truyền bá Phúc Âm trên đài phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng, phân phối sách báo chứng đạo do nhà in Thời Triệu xuất bản và phái hằng trăm nhân viên chứng đạo đi khắp thành thị, nông thôn và vùng cao nguyên hẻo lánh để truyền bá Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su đến đồng bào Việt Nam. Nhờ vào các hoạt động tích cực này mà số người được cứu gia tăng. Năm 1975, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm có đến 43 Hội thánh với số tín hữu đông đảo nhóm họp thờ phượng Đức Chúa Trời vào mỗi thứ bảy Sa-bát ở Miền Nam Việt Nam. Biến cố tháng 4 năm 1975, làm cho một số mục sư và tín hữu của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm theo làn sóng người di tản ra nước ngoài. Cuộc di tản này làm cho đa số Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm ở Việt Nam thiếu người chăn bầy và không có Ban Trị Sự để điều hành công việc của chi hội ở mỗi địa phương. Công việc Chúa càng gặp khó khăn hơn khi chánh phủ mới cấm đoán Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm hoạt động và trưng dụng các nhà thờ của Giáo Hội để làm hợp tác xã, nhà kho, nhà giữ  trẻ. . .  Trong thời gian bị cấm đoán này, tín hữu phải nhóm lại thờ phượng Chúa tại các tư gia hay tham gia các cuộc thờ phượng Chúa tại các hội thánh bạn. Trong thời gian đất nước đã thống nhất, Giáo Hội không ngớt yêu cầu chánh quyền sớm trả lại các cơ sở bị nhà nước trưng dụng để có nơi tín hữu sinh hoạt tôn giáo. Theo lời yêu cầu của Giáo Hội, chánh quyền đã cho phép Hội thánh Sa-Đéc mở cửa nhóm lại từ ngày 31-1-1989, kế đó là Hội thánh Cần Thơ, Vàm Nhon và Long Thành. Vào ngày 23-12-2006, Ban Tôn Giáo Chánh Phủ Việt Nam chính thức công nhận Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm hoạt động hợp pháp, có nghĩa là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm được pháp luật bảo đảm quyền lợi, được in ấn xuất bản kinh sách, xây dựng sửa chữa nơi thờ phượng. Đến cuối năm 2006, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm có 7 mục sư, 6.000 tín đồ người Kinh, 7.000 tín đồ người sắc tộc và 7 hội thánh có cơ sở. Dầu đất nước đã thống nhứt, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Nam và Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm ở Miền Bắc vẫn còn  là hai Giáo Hội riêng biệt.

H22.        Ai sáng lập Giáo Hội Tin Lành Giám Lý?

Giáo Hội Tin Lành Giám lý [Methodist Church] do Mục sư John Wesley thành lập vào năm 1729 tại Anh Quốc. John Wesley sanh ngày 17-6-1703 tại Epworth, Anh Quốc. Trong lúc đang theo học ở Đại Học Oxford, John Wesley cùng em là Charles Wesley và bạn là George Whitefield quy tụ được một số sinh viên để thành lập một nhóm hiệp nguyện, học Kinh Thánh và làm các công tác từ thiện như thăm viếng người bệnh, dạy học cho người nghèo và tham dự các buổi nhóm thờ phượng tại các giáo đường. Nhóm này có cái đặc biệt là cầu nguyện lớn tiếng mỗi ngày ba lần và thầm nguyện mỗi giờ một lần. Vì  nhóm này hành đạo và làm các việc cần thiết khác đều theo đúng phương pháp [method] mà họ đề ra, nên người ta gọi nhóm này là Methodist. Người Việt gọi là Giáo Hội Tin Lành Giám Lý. John Wesley được Giáo Hội Anh Quốc phong chức mục sư vào ngày 22-9-1728. Trong lúc hầu việc Chúa với Giáo Hội Anh Quốc, John Wesley có cách giảng dạy và hành đạo không thích hợp với Anh Quốc Giáo, nên đã bị Giáo Hội này cấm giảng dạy trong các thánh đường của họ. Vì bị cấm giảng dạy trong các giáo đường, nhóm John Wesley liền tổ chức các buổi truyền giảng ở các tư gia, trong các nông trại, ngoài trời hay bất cứ nơi nào có đông người tự động đến tham dự. Nhờ vào các buổi truyền giảng này mà nhiều nhóm Giám Lý được thành lập ở khắp Anh Quốc. John Wesley không có tham vọng tách rời số tín hữu theo mình để thành lập một Giáo hội Tin Lành riêng biệt. John Wesley chỉ muốn các nhóm Giám Lý vẫn trực thuộc vào Anh Quốc Giáo. Nên John Wesley không đặt ra giáo lý mới, mà chỉ chú trọng việc hướng dẫn quần chúng đến sự nhận biết tình yêu của Thiên Chúa. Trong thời gian của cuộc chiến tranh cách mạng ở Hoa Kỳ, các nhóm Giám Lý thiếu mục sư chăm sóc tín hữu, nhưng Anh Quốc Giáo từ chối phong chức thêm một số mục sư theo yêu cầu của John Wesley. Nên John Wesley đã tự mình phong chức thêm một số mục sư cần thiết cho nhóm mình. Việc Anh Quốc Giáo từ chối phong chức mục sư thêm cho nhóm Giám Lý và việc John Wesley tự phong chức mục sư cho nhóm mình là hai nguyên động lực chiùnh đưa đẩy nhóm Giám Lý tách rời khỏi Anh Quốc Giáo sau này. John Wesley qua đời vào ngày 2-3-1791 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Ngay sau khi John Wesley qua đời, nhóm Giám Lý chánh thức tách rời khỏi Anh Quốc Giáo để thành lập Giáo Hội Tin Lành Giám Lý. Giáo Hội Tin Lành Giám Lý thừa nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho các vấn đề thuộc đức tin và cách hành đạo của tín hữu. Tín hữu Giám Lý không cầu nguyện với các thánh, không tin có Luyện Ngục, không cấm đoán việc ngừa thai hay ly dị, không chấp nhận cờ bạc hay uống rượu say sưa. Giáo Hội Giám Lý giữ thánh lễ báp-têm và tiệc thánh. Họ làm báp-têm cho trẻ sơ sinh và người lớn bằng cách đổ nước hay rưới nước trên đầu hoặc dìm người dưới nước. Họ tin làm lễ Tiệc Thánh là để kỷ niệm sự chết của Đấng Christ theo giáo lý của Ulrich Zwingli, một nhà cải chánh Thụy Sĩ. Họ tin Đấng Christ có hiện diện trong bánh và rượu, theo giáo lý của John Calvin, một nhà cải chánh ở Pháp. Nhưng họ không tin bánh và rượu trở thành thịt và huyết thật của Đức Chúa Giê-su như Giáo Hội Công Giáo La Mã. Vào giữa thế kỷ 20, Giáo Hội Giám Lý là Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh lớn nhất ở nước Mỹ, với 22 hệ phái. Vào đầu thế kỷ 21, Giáo Hội Giám Lý có 40 hệ phái, với khoảng 26 triệu tín hữu trên thế giới.

H23.        Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Cứu Thế Quân [Salvation Army]?

William Booth [1829-1912], nguyên là Mục sư của Giáo Hội Tin Lành Giám Lý, đã thành lập Giáo Hội Tin Lành Cứu Thế Quân vào năm 1865 tại Anh Quốc. Sở dĩ, Giáo Hội này mang tên là Cứu Thế Quân, vì Giáo Hội có tổ chức giống như quân đội ở ngoài đời. Người sáng lập và cũng là người lãnh đạo Cứu Thế Quân đầu tiên là Mục sư William Booth mang cấp bậc đại tướng. Những người phục vụ Giáo Hội Cứu Thế Quân mang cấp bậc từ thấp đến cao tùy thuộc vào chức vụ lớn nhỏ của mình. Người quản nhiệm một hội thánh thường có cấp bậc đại úy hay thiếu tá. Tín hữu trong Hội thánh được gọi là binh sĩ. Hội Cứu Thế Quân chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Các giáo lý của Hội Cứu Thế Quân đều giống với các giáo lý của đa số Giáo Hội Tin Lành khác, như tin sự cứu chuộc là nhờ ân điển bởi đức tin mà thôi; không cần phải có thêm việc làm thánh thiện của tín hữu để được cứu. Giáo Hội này không cử hành lễ tiệc thánh hay làm báp-têm cho tín hữu. Vì họ cho rằng, khi một người đã có quyết định tin nhận Đức Chúa Giê-su làm cứu Chúa mình, thì được Chúa làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh rồi [Giăng 1:33], nên không cần có thêm báp-têm bằng nước, và Chúa cũng dùng bữa cơm tối với người đó mỗi ngày [Khải 3:20], nên cũng không cần đến lễ tiệc thánh. Hơn nữa, họ còn cho rằng hai nghi lễ này không quan trọng và cũng không cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn hay cho sự sống đạo của tín hữu của Giáo Hội Tin Lành Cứu Thế Quân. Ban đầu, Hội Cứu Thế Quân tổ chức các buổi truyền giảng Tin Lành ngoài trời hay các buổi giảng bồi linh trong các rạp hát, làm chứng đạo, hoặc làm công tác xã hội ở những khu có dân nghèo ở Luân Đôn, Anh Quốc. Trong hai cuộc thế giới đại chiến, Hội Cứu Thế Quân chuyên lo cung cấp dịch vụ ẩm thực ngoài mặt trận cho các quân đội đồng minh của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến chấm dứt, Hội Cứu Thế Quân đặt trọng tâm vào việc truyền bá Tin Lành, giúp đỡ các cựu chiến binh và gia đình họ, hay cứu trợ những nơi bị chiến tranh hoặc thiên tai tàn phá như động đất, lũ lụt, bão tố… Đến năm 1880, Hội Cứu Thế Quân Anh Quốc gửi người đến Hoa Kỳ để thành lập một chi nhánh tại thành phố Nữu Ước. Năm 1904, con gái của Đại tướng William Booth là Evangeline Booth lãnh trách nhiệm điều hành các hoạt động của Giáo hội ở Hoa Kỳ. Từ Hoa Kỳ, Cứu Thế Quân lan tràn khắp nơi khác trên thế giới. Đến năm 1990, Hội Cứu Thế Quân có cơ sở hoạt động trên một trăm quốc gia, với 3.000.000 binh sĩ và 25.000 sĩ quan tốt nghiệp từ 30 trường thần đạo ở nhiều nơi trên thế giới. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Giáo Hội Cứu Thế Quân có hai mục tiêu chính là rao giảng Tin Lành và làm công tác từ thiện cứu giúp người nghèo khổ bằng cách xây cất và điều hành các nhà thương, nhà hộ sinh, viện dưỡng lão, cô nhi viện, nơi tạm trú cho người cai rượu và quán cơm xã hội. Các dịch vụ xã hội này đều miễn phí cho người nghèo. Bộ chỉ huy điều hành các hoạt động quốc tế của Giáo Hội Cứu Thế Quân đặt ở Luân Đôn, Anh Quốc. Bộ chỉ huy điều hành các hoạt động ở Mỹ đặt ở thành phố Alexandra, Virginia, Hoa Kỳ.

H24.        Giáo Hội Ngũ Tuần [Pentecostal Church] có từ khi nào?

Năm 1901, Mục sư Charles F. Parham thành lập Giáo Hội Ngũ Tuần đầu tiên ở Topeka, bang Kansas, Hoa Kỳ. Người ta cho rằng Giáo Hội Ngũ Tuần bắt nguồn từ buổi nhóm cầu nguyện bồi linh của các sinh viên Trường Thần Đạo Bethel Bible College ở Topeka, bang Kansas. Trong buổi cầu nguyện bồi linh ngày 1 tháng Giêng năm 1901, có một số sinh viên thần đạo nói được tiếng lạ.Trong các buổi cầu nguyện kế tiếp, lại có thêm nhiều sinh viên nói tiếng lạ nữa. Đây không phải là lần đầu tiên người ta nói tiếng lạ, nhưng trước đó đã có nhiều người nói tiếng lạ trong các buổi nhóm bồi linh tương tự. Các buổi nhóm bồi linh nói tiếng lạ bắt đầu lan đến bang Missouri và Texas, rồi lan đến bang California, Hoa Kỳ. Vào năm 1906, tại California, Mục sư W. J. Seymour tổ chức chiến dịch bồi linh tại thành phố Los Angeles. Chiến dịch bồi linh này quy tụ được nhiều tín hữu từ các nơi trên nước Mỹ và trên thế giới đến tham dự. Trong các buổi nhóm bồi linh của chiến dịch này, người ta chứng kiến các cuộc chữa bệnh bằng phép lạ, và nghe thấy tín hữu kêu la, khóc lóc thảm thiết khác thường trong các buổi nhóm kéo dài đến khuya. Chiến dịch bồi linh chấm dứt vào năm 1909. Hàng ngàn tín hữu tham dự chiến dịch bồi linh này mang tinh thần “Ngũ Tuần” về các hội thánh nhà của họ ở Mỹ và khắp nơi khác trên thế giới.
Tinh thần “Ngũ Tuần” không được các Hội Thánh Tin Lành truyền thống hoan nghênh, nên số tín hữu có tinh thần “Ngũ Tuần” bị loại dần dần ra khỏi các Hội thánh Tin Lành truyền thống. Số người này phải tìm nơi riêng biệt để làm nơi thờ phượng. Những nơi thờ phượng này dần dần trở thành các Hội thánh Ngũ Tuần. Giáo Hội Ngũ Tuần có hai điều khác biệt với các hệ phái Tin Lành truyền thống là tín hữu phải được báp-têm bằng Đức Thánh Linh, và phải có ân tứ nói tiếng lạ như các sứ đồ đã từng trải trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên. Giáo Hội Ngũ Tuần cho rằng tín hữu nói tiếng lạ là dấu hiệu đã được báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Các Hội thánh Ngũ Tuần có thể không đồng ý với nhau về một vài giáo lý nào đó, nhưng nhất trí cho rằng, việc từng trải thuộc linh là quan trọng. Các từng trải thuộc linh đó gồm có: Được báp-têm bằng Đức Thánh Linh, được các ân tứ thiêng liêng như nói tiếng lạ hay trị bệnh bằng đức tin. Bởi lẽ đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy trong các buổi nhóm thờ phượng của Hội thánh Ngũ Tuần thường có mục cầu nguyện chữa bệnh bằng đức tin, nói tiếng lạ, và cũng thấy có tín hữu ở trong trạng thái xuất thần, mê man, ngây ngất… Các Hội thánh lớn thuộc Ngũ Tuần gồm có: Assemblies of God, United Pentecostal Church International, Association of Vineyard Churches, Church of God in Christ và Full Gospel Baptist Church Fellowship… Hiện nay, Giáo Hội Ngũ Tuần có khoảng 24 triệu tín hữu ở Hoa Kỳ. Giáo Hội Ngũ Tuần ở ngoài nước Mỹ là Giáo Hội Tin Lành bành trướng mạnh hơn hết. Người ta dự đoán, đến giữa thế kỷ 21 sẽ có một tỷ tín hữu Ngũ Tuần ở ngoài nước Mỹ. Hội Thánh Ngũ Tuần đến Việt Nam vào năm 1970.

H25.        Ai thành lập Hội Thánh Đấng Christ [Church of Christ]?

Vào khoảng năm 1811, Mục sư Thomas Campbell cùng con là Mục sư Alexander Campbell và Mục sư Barton W. Stone, thuộc Giáo Hội Trưởng Lão, thành lập Giáo Hội Disciples of Christ ở bang Pennsylvania, Virginia và Kentucky, Hoa Kỳ. Những người sáng lập Giáo Hội này nhằm mục đích gây ra phong trào đoàn kết và thống nhất các Giáo Hội Tin Lành lại với nhau. Công nhận Đức Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế của nhân loại là một giáo lý tối quan trọng của Giáo Hội Disciples of Christ. Người muốn được thâu nhận vào Giáo Hội Disciples of Christ phải có niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế. Giáo Hội Disciples of Christ chủ trương cho rằng Kinh Thánh là tài liệu duy nhất và đầy đủ để giúp tín hữu gây dựng đức tin và hướng dẫn tín hữu hiểu biết phương cách hành đạo của mình. Họ cũng cho rằng cá nhân tín hữu có thẩm quyền giải nghĩa Kinh Thánh theo ý mình cho là phải. Vào năm 1968, Giáo Hội Disciples of Christ đổi tên lại là Christian Church có 800.000 tín hữu ở Hoa Kỳ và Gia-nã-đại. Trong Giáo Hội Disciples of Christ có nhóm tín hữu tiến bộ và nhóm bảo thủ. Nhóm tín hữu tiến bộ tán đồng việc cho dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng ở các giáo đường của mình. Trái lại, nhóm tín hữu bảo thủ không đồng ý cho dùng nhạc cụ trong các giáo đường của mình. Đến năm 1906, nhóm tín hữu bảo thủ tách rời khỏi giáo hội này, để thành lập một giáo hội mới lấy tên là Hội Thánh Đấng Christ với chủ trương không dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng trong các giáo đường của mình.

Hội Thánh Đấng Christ không có Hội Trưởng, vì họ cho rằng vị thủ lãnh của toàn thể Hội Thánh Đấng Christ là Đức Chúa Giê-su Christ. Mỗi Hội Thánh Đấng Christ đều tự lập và tự trị. Tín hữu của Hội Thánh Đấng Christ không tuân theo lời dạy của bất cứ một cá nhân nào khác ngoài lời dạy của Đức Chúa Giê-su và của các Sứ Đồ ghi trong Tân Ước. Hội Thánh Đấng Christ có những tín lý giống như những Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh khác như tin được cứu là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá. Hội Thánh Đấng Christ tin dự tiệc thánh là để tưởng niệm thân thể của Đức Chúa Giê-su đã tan vỡ vì tội lỗi của nhân loại, làm báp-têm bằng cách dìm người dưới nước để bày tỏ sự đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Đấng Christ. Hội Thánh Đấng Christ không làm báp-têm cho trẻ sơ sinh, không cầu nguyện với các Thánh, không tin có Luyện Ngục. Hội thánh Đấng Christ không chấp nhận bài Tín Điều Các Sứ Đồ hay bất kỳ bài tín điều nào khác do các giáo hội đặt ra. Hội thánh Đấng Christ tin Đức Chúa Giê-su là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, nhìn nhận Kinh Thánh Tân Ước là thẩm quyền duy nhất cho các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Tín hữu nam nữ có quyền hiểu và giảng giải Kinh Thánh theo lương tâm mình cho là phải. Tin Đức Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời, ăn năn tội lỗi và chịu báp-têm là ba điều kiện phải có để gia nhập Hội Thánh Đấng Christ.


Hội Thánh Đấng Christ không dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng của họ là để làm đúng theo lời của Sứ đồ Phao-lô dạy,“Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa”[Ê-phê 5:19]. Hội Thánh Đấng Christ cho rằng Ê-phê-sô 5:19 ghi lời dạy của Phao-lô rất rõ ràng là chỉ dùng lời ca tiếng hát để ngợi khen Chúa mà thôi. Phao-lô không nói đến việc dùng nhạc cụ để ngợi khen Chúa. Như vậy có nghĩa là Phao-lô không cho dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng tôn vinh Chúa. Hơn nữa, Hội Thánh Đấng Christ cho rằng họ không dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng là làm theo Hội thánh đầu tiên, vì Hội thánh đầu tiên không dùng nhạc cụ trong các buổi thờ phượng của mình. Họ còn cho rằng tiếng nhạc cụ làm cho buổi thờ phượng thiếu tôn nghiêm và ồn ào như các cuộc vui chơi ngoài đời không thích hợp với lời Chúa dạy trong Tân Ước. Hội Thánh Đấng Christ không làm theo Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng chỉ làm theo Kinh Thánh Tân Ước cho việc hành đạo của mình. Có nghĩa là những điều gì người Do Thái làm trong các buổi thờ phượng của họ ghi trong Cựu Ước mà Tân Ước không đề cập đến thì Hội Thánh Đấng Christ cho là không thích hợp để áp dụng trong hội thánh của mình, như việc dùng nhạc cụ, đốt hương, dâng sinh tế . .  . trong các buổi thờ phượng của người Do Thái ở thời Cựu Ước.

Hội Thánh Đấng Christ cho rằng luật pháp và các  điều răn trong Cựu Ước là Chúa ban cho người Do Thái mà thôi. Khi Đấng Christ chết trên thập tự giá thì luật pháp và điều răn trong thời Cựu Ước bị đào thải, “Giao Ước này được Thượng Đế gọi là ‘Giao Ước Mới;’ như thế, Giao Ước thứ nhất đã cũ rồi. Điều gì cũ kỹ, lỗi thời đều phải bị đào thải”[Hy Bá 8:1-BDY; xin xem thêm Ga 3:23-25; Ê-phê 2:13-16; Hê 7:12,18; Hê 8: 6-13]. Dẫu vậy, những luật pháp và các điều răn ghi trong Cựu Ước, như cấm giết người, tà dâm, trộm cướp, gian dối, loạn luân… thì Hội Thánh Đấng Christ vẫn xem là những việc làm tội lỗi mà tín hữu không nên vi phạm. Nhưng đối với điều răn thứ tư  “giữ ngày Sa-bát” thì Tân Ước không đề cập đến, nên Hội Thánh Đấng Christ cho rằng Cơ đốc nhân không bị ràng buộc bởi điều răn này, nên Cơ đốc nhân có thể làm việc trong ngày Sa-bát mà không bị kể là phạm tội.

Hội Thánh Đấng Christ xem Kinh Thánh Cựu Ước là nguồn tài liệu để học hỏi thu thập kiến thức hầu có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời và cách hành xử của Ngài đối với loài người trong thế gian, nhưng không xem Kinh Thánh Cựu Ước có thẩm quyền để dạy phương cách hành đạo cho tín hữu Cơ đốc ở thời Tân Ước. Hội Thánh Đấng Christ có cơ sở hoạt động truyền giáo ở 50 quốc gia trên thế giới. Hội Thánh Đấng Christ cũng có cơ sở hoạt động từ thiện như nhà dưỡng lão, viện mồ côi, trường học và các đại học viện trên đất Mỹ. Hội Thánh Đấng Christ có các chi hội trên khắp 50 tiểu bang của nước Mỹ. Những tiểu bang có nhiều tín hữu Hội Thánh Đấng Christ là Texas, Alabama, Kentucky, Arkansas, Oklahoma, Tennessee. Đến năm 1997, Hội thánh Đấng Christ có 15.000 chi hội độc lập và 2.000.000 tín hữu ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và các quốc gia khác trên thế giới. Hội Thánh Đấng Christ đến Việt Nam năm 1963.

H26.        Ai thành lập Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp [C&MA]?

Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp [The Christian and Missionary Alliance] là một Giáo Hội Cơ Đốc do Mục Sư Tiến sĩ Albert Benjamin Simpson thành lập vào năm 1887 tại Hoa Kỳ.
Lúc ban đầu, Mục sư Tiến sĩ Albert Benjamin Simpson chỉ có ý định quy tụ tín hữu từ các hệ phái Tin Lành lại để thành lập một hiệp hội nhằm hỗ trợ cho việc gởi giáo sĩ đến các quốc gia chưa được nghe đến Tin Lành cứu rỗi của Đấng Christ. Việc làm này nhằm mục đích thực thi lời phán dạy của Đức Chúa Giê-su: “Tin Lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến”[Ma 24:14]. Mục sư Tiến sĩ A. B. Simpson sanh ngày 15 tháng 12 năm 1843, tại Bayview, Prince Edward Island, Gia Nã Đại. Năm 21 tuổi, A. B. Simpson tốt nghiệp cử nhân thần đạo tại Đại học Knox, tỉnh Toronto, Gia Nã Đại. Năm 22 tuổi, A. B. Simpson được mời làm mục sư cho Hội thánh Trưởng Lão ở Knox, Hamilton, Ontorio, Gia Nã Đại. Đến năm 31 tuổi, Mục sư A. B. Simpson được mời làm mục sư quản nhiệm Hội thánh Trưởng Lão ở Louisville, Kentucky, Hoa Kỳ. Đến năm 37 tuổi, Mục sư A. B. Simpson được mời làm mục sư quản nhiệm Hội thánh Trưởng Lão ở thành phố Nữu Ước, Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, Mục sư A. B. Simpson được phép lạ Chúa chữa lành bệnh đau tim trong lúc ông đang đi nghỉ mát ở Old Orchard Beach, bang Maine, Hoa Kỳ. Sau khi lành bệnh được vài tháng, Mục sư A. B. Simpson chịu báp-têm ở một nhà thờ Báp-tít tại thành phố Nữu Ước. Đến tháng 11 năm này, Mục sư A. B. Simpson từ chức quản nhiệm Hội thánh Trưởng Lão, để bắt đầu chức vụ mục sư lưu hành truyền giảng Tin Lành cho người chưa được cứu trong thành phố Nữu Ước. Chẳng bao lâu, Mục sư A. B. Simpson thành lập được một Hội thánh mới trong thành phố Nữu Ước lấy tên là Gospel Tabernacle Church. Tuy Hội thánh này vừa mới thành lập, nhưng đã quy tụ được khoảng 1.000 hội viên trong một thời gian ngắn. Mỗi chiều thứ sáu có buổi nhóm cầu nguyện chữa bệnh cho tín hữu. Đến năm 1886, Mục sư A. B. Simpson tổ chức một Hội đồng ở Old Orchard Beach, bang Maine, để kêu gọi tín hữu hợp tác đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Hội đồng này biểu quyết thành lập hội The Christian Alliance và hội The Evangelical Missionary Alliance. Giám đốc hội The Evangelical Missionary Alliance bổ nhiệm Mục sư William Cassidys đi truyền giáo ở Trung Hoa và Helen Dawley đi truyền giáo ở Ấn  Độ. Trong khoảng thời gian từ năm 1888 đến năm 1890 có hàng ngàn người ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại gia nhập hội The Christian Alliance. Trong hai năm này, hội The Christian Alliance gởi được 20 giáo sĩ đi nước ngoài truyền giáo. Đến năm 1897, hội The Christian Alliance và hội The Evangelical Missionary Alliance nhập lại thành một hội, lấy danh hiệu là “The Christian and Missionary Alliance” [C&MA]. Danh xưng này gọi bằng tiếng Việt là “Hội Phúc Âm Liên Hiệp,” do Mục sư Tiến sĩ A. B. Simpson làm hội trưởng. Trong năm này, Hội Phúc Âm Liên Hiệp đã gửi được 350 giáo sĩ ra nước ngoài truyền giáo. Năm 1919, Mục sư Tiến sĩ A. B. Simpson qua đời vì bệnh tai biến mạch máu não. Phó Hội Trưởng, Tiến sĩ Rader, lên thay thế. Đến năm 1920, Hội Phúc Âm Liên Hiệp gửi thêm giáo sĩ đến Đông Dương và vùng Cận Đông. Hội Đồng Tổng Liên nhóm lại vào năm 1974 biểu quyết nâng cấp hội “The Christian and Missionary Alliance” thành một hệ phái Tin Lành [Protestant    Denomination]. Biến cố năm 1975, làm cho hàng triệu người Việt phải bỏ chạy ra khỏi nước, đa số định cư ở Hoa Kỳ. Trong số người tị nạn này có một số mục sư và tín hữu Tin Lành. Những vị mục sư và tín hữu này họp lại thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Hoa Kỳ – Giáo Hạt Việt Nam, trực thuộc Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp [The Vietnamese District of C&MA], do Cố Mục sư Trương Văn Tốt làm Giáo Hạt Trưởng. Sau 30 năm thành lập, theo báo cáo thường niên của Ban Chấp Hành Giáo Hạt Việt Nam Hoa Kỳ năm 2005 thì Giáo Hạt Việt Nam có 153 mục sư, truyền đạo và cọâng tác viên, 11.787 tín hữu và 89 chi hội ở 23 tiểu bang trên đất Mỹ. Ngày 1 tháng Giêng năm 1981, các Hội thánh Phúc Âm Liên Hiệp ở Gia-Nã-Đại tách rời khỏi Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Hoa Kỳ, để thành lập Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Gia-Nã-Đại, do Mục sư Tiến sĩ Melvin P. Sylvester làm Hội trưởng. Hai mươi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở Gia-Nã Đại cũng tách rời khỏi Giáo Hạt Việt Nam Hoa Kỳ để thành lập Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam Gia-Nã-Đại [Vietnamese Canadian Alliance Fellowship in Canada], do Mục sư Tiến sĩ Lê Trung Thành làm Giáo Hạt Trưởng. Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Gia-Nã-Đại có 251 chi hội, 44.549 tín hữu và 112 giáo sĩ truyền giáo ởû nước ngoài. Năm 1987, Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Hoa Kỳ cùng với Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Gia-Nã-Đại tổ chức ăn mừng Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp được 100 tuổi ở St. Paul, Minnesota, Hoa kỳ. Sau 118 năm hoạt động, Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Hoa Kỳ có gần 2.000 chi hội, 420.000 tín hữu ở Hoa Kỳ. Giáo Hội gởi được 1.134 giáo sĩ truyền giáo ở 84 quốc gia trên thế giới. Thành lập được 18.000 chi hội với khoảng 3.000.000 tín hữu ở nước ngoài.

Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp Hoa Kỳ và Gia Nã Đại xem bài “Tín Điều Các Sứ Đồ” là nền tảng giáo lý của Giáo Hội, nhìn nhận Kinh Thánh là quyền tối thượng cho mọi vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu. Họ tin rằng sự cứu chuộc là bởi ân điển của Đức Chúa Trời thể hiện qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su Christ, chứ không phải bởi việc làm công đức của tín hữu đúng theo lời Kinh Thánh dạy: “Vả, ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” [Ê-phê 2:8-9]. Tín hữu của Giáo Hội Phúc Âm Liên Hiệp tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẵn sàng ban sự cứu chuộc cho bất cứ ai bằng lòng tin nhận Đức Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa mình.

Năm 2005, vào ngày 1 tháng 8 năm này, Mục sư Tiến sĩ Gary M. Benedict được bầu làm Hội Trưởng thứ XI của Hội Phúc Âm Liên Hiệp Hoa Kỳ. Văn phòng Tổng Liên Hội đặt ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, Hoa Kỳ.

H27.        Ai thành lập Giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va?

Giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va [The Jehovah’s Witnesses] là một hệ phái Cơ Đốc, do Mục sư Charles T. Russell khởi xướng vào năm 1870, tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Từ ngày thành lập cho đến năm 1931, người ta thường gọi những người theo giáo phái này là Russellites, có nghĩa là người theo Russell. Sau khi ông Russell qua đời năm 1916, ông Joseph F. Rutherford lên thay thế. Đến kỳ hội đồng ngày 9-10-1931, giáo phái này được chính thức đặt tên lại là “Chứng Nhân Giê-hô-va,” theo sách Ê-sai: “Các con là chứng nhân của ta. Con là đầy tớ mà ta lựa chọn để các con biết ta”[Ê-sai 43:10-BDY]. Đến năm 1942, Rutherford qua đời, ông Nathan H. Knorr lên thay thế. Trong thời của ông Knorr, giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va dịch và xuất bản quyển Kinh Thánh “The New World Bible” riêng cho giáo phái mình. Ấn bản Kinh Thánh này chứa đựng nhiều điều không đúng theo nguyên văn của Kinh Thánh; với dụng ý là để hỗ trợ cho các lý thuyết khác biệt của giáo phái mình. Nguyên do chính của người sáng lập Giáo Phái Chứng Nhân Giê-hô-va là đặt trọng tâm vào giáo lý tái lâm của Đức Chúa Giê-su Christ. Chứng Nhân Giê-hô-va coi Kinh Thánh của giáo phái mình là nền tảng cho mọi điều thuộc về đức tin và cách hành đạo của tín hữu. Chứng Nhân Giê-hô-va không có linh mục hay mục sư, vì mỗi tín hữu của Chứng Nhân Giê-hô-va là người hầu việc Chúa. Chứng Nhân Giê-hô-va gọi nơi nhóm thờ phượng của giáo phái mình là “Hoàng Cung” [Kingdom Hall].
Chứng Nhân Giê-hô-va cho rằng tất cả chánh phủ trên thế gian đều là công cụ của quỷ Sa-tan. Tín hữu Chứng Nhân Giê-hô-va cho rằng họ là công dân của nước Trời, nên họ chỉ có bổn phận đối với vương quốc của Chúa mà thôi. Họ không có trách nhiệm nào đối với bất kỳ một nhà nước nào trên thế gian này. Bởi lẽ đó họ từ khước việc chào quốc kỳ, nhập ngũ, bỏ phiếu bầu cử và ứng cử hay giữ các chức vụ trong chính phủ. Họ không ăn mừng ngày Đức Chúa Giê-su Giáng Sinh hay sinh nhật của mình. Họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là thói tục của dân ngoại đạo. Họ kiêng cử việc sang máu [blood transfusion]. Họ cho rằng “sang máu” cũng đồng nghĩa với “ăn máu.” “Ăn máu” là điều luật pháp Môi-se cấm kỵ [Lê-vi 17:10-12]. Chứng Nhân Giê-hô-va không xem thập tự giá là biểu tượng thích hợp cho Cơ Đốc Giáo, vì họ cho rằng Đức Chúa Giê-su không bị đóng đinh chết trên thập tự giá, nhưng Chúa bị đóng đinh chết trên một cây gỗ dựng đứng không có cây đà ngang. Tín hữu Chứng Nhân Giê-hô-va tin rằng Đức Chúa Giê-su Christ đã tái lâm hồi năm 1914, trong một hình thể không thấy được, và Ngài đang cai trị thế gian này. Mặt trận A-ma-gê-đôn sắp bắt đầu. Đấng Christ sẽ đánh bại Sa-tan tại mặt trận A-ma-gê-đôn này. Sau đó Đấng Christ sẽ làm vua cai trị một ngàn năm. Trong thời gian một ngàn năm thanh bình này, người chết sẽ sống lại còn có cơ hội để được cứu.

Sau một ngàn năm cai trị của Đấng Christ, Sa-tan sẽ trở lại rồi bị Đấng Christ tiêu diệt với những kẻ theo nó. Người được cứu sẽ vui vẻ sống mãi mãi trên quả địa cầu này. Chứng Nhân Giê-hô-va không tin thế gian này “để dành cho lửa” theo ý nghĩa hay sự giảng dạy của các Giáo hội Cơ Đốc khác là thế gian sẽ bị thiêu hủy hoàn toàn. Nhưng Chứng Nhân Giê-hô-va tin rằng thế gian hay quả địa cầu này “để dành cho lửa” có nghĩa là thế gian hay quả địa cầu này sẽ được “thanh tẩy” để trở thành thiên đàng là nơi ở đời đời của những người được cứu.


Giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va không được các giáo phái Cơ đốc khác coi là chánh giáo vì Chứng Nhân Giô-hô-va cho rằng Đức Chúa Giê-su Christ chỉ là một vị thần [god], một thọ tạo của Đức Giê-hô-va và luôn luôn ở địa vị thấp hơn Đức Giê-hô-va. Để hỗ trợ cho thuyết này, Kinh Thánh của Chứng Nhân Giê-hô-va “The New World Translation” dịch Phúc Âm Giăng 1:1,“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời là một vị thần [god].” Trái lại, Kinh Thánh của các Giáo phái Cơ Đốc còn lại dịch Giăng 1:1 là “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời là Đức Chúa Trời [God].” Giăng 1:1 xác định Ngôi Lời [Đức Chúa Giê-su] không phải là Đấng thọ tạo nhưng là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, Đấng Tạo Hóa, vì “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” [Giăng1:3]. Ngoài ra, Chứng Nhân Giê-hô-va không tin giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, không tin Đức Chúa Giê-su có thần tánh và nhân tánh hoàn toàn, không tin được tha tội bởi ân điển bằng sự tin nhận Đấng Christ và không tin sự sống lại của Đấng Christ với thân thể bằng xương bằng thịt, nhưng chỉ tin Ngài đã sống lại với phần linh hồn mà thôi. Chứng Nhân Giê-hô-va không tin có địa ngục và sự hành phạt đời đời. Họ cho rằng người không được cứu sẽ bị tiêu hủy, không còn hiện hữu để bị hành phạt. Chứng Nhân Giê-hô-va còn cho rằng tín hữu của giáo phái mình phải đi ra làm chứng cho Đức Giê-hô-va và phải sống ngay lành thánh thiện để được cứu. Điều này trái với lời của Đức Chúa Giê-su dạy chỉ tin Ngài là đủ để được cứu rỗi,“Ai tin Con thì được sự sống đời đời”[Giăng 3:16], và cũng trái với lời của sứ đồ Phao-lô dạy, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”[Ê-phê 2:8-9], “Ngài cứu rỗi không phải vì công đức chúng ta, nhưng bởi lòng nhân từ Ngài ban Thánh Linh tẩy sạch tội lỗi và đổi mới chúng ta”[Tích 3:5 BDY]. Người lãnh đạo Chứng Nhân Giô-hô-va hiẹân nay là Ông Freddrick W. Franz. Trụ sở trung ương của giáo hội đặt ở Nữu Ước, Hoa Kỳ. Chứng Nhân Giê-hô-va có mặt ở 200 quốc gia trên thế giới, với số tín hữu trên tám triệu người. Riêng tại Hoa Kỳ, Chứng Nhân Giê-hô-va có khoảng một triệu tín hữu. Tạp chí Tháp Canh của Chứng Nhân Giê-hô-va xuất bản và lưu hành trên khắp thế giới với 80 ngôn ngữ khác nhau.

H28.        Ai thành lập Giáo phái Mormon?

Giáo phái Mormon là một nhánh đạo Cơ Đốc, có tên chính thức là “The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints.” [Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê-su Ki-tô]. Ông Joseph Smith, tự xưng mình là tiên tri và sứ đồ của Đấng Christ, đã thành lập Giáo phái Mormon ngày6-4-1830 tại Fayette, Nữu Ước, Hoa Kỳ. Năm sau, cơ sở trung ương của giáo phái Mormon dời về Kirland Hills, Ohio.

Joseph Smith cho rằng vào năm 1820, lúc đó ông vừa được 14 tuổi, đang sống với gia đình cha mẹ làm nghề ruộng rẫy ở gần thành phố Palmyra, Nữu Ước, ông nhận được một khải tượng từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giê-su Christ cho biết là Hội Thánh thật của Chúa không còn sống động trên thế gian này nữa, nên Đức Chúa Trời đã dấy ông lên để làm tiên tri đặng hồi phục Hội thánh của Ngài ở thế gian này. Đến năm Joseph Smith 17 tuổi, thiên sứ Moroni hiện đến cho ông biết có một quyển sách viết trên giấy vàng giấu ở núi Cumorah gần Palmyra, Nữu Ước. Ông Joseph Smith tìm được quyển sách này thì mới biết sách viết bằng chữ tượng hình, ông không đọc được. Sau đó, Chúa cho ông một cặp kiến mắt để ông đọc được quyển sách này. Ông Joseph Smith phải bỏ ra 3 năm để dịch cuốn sách này ra Anh ngữ. Sau đó, thiên sứ trở lại thu hồi quyển sách, nên không ai khác được thấy quyển sách bằng vàng này. Đến năm 1830, bản dịch được in thành sách lấy tên là “Sách Mormon” [The Book of Mormon].

Tín hữu Mormon tin Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi và soi dẫn, nhưng họ cho rằng Kinh Thánh không ghi đầy đủ hết những lời Chúa muốn dạy dỗ loài người, nên Đức Chúa Trời đã dấy lên những tiên tri mới trong thời đại này để đem những mặc khải và giáo lý mới thích hợp đến cho nhân loại. Ông Joseph Smith là một trong những tiên tri mới này. Ông đã được Đức Chúa Trời đại dụng để đảm nhận trách nhiệm hồi phục Hội Thánh của Ngài ở trên thế gian này.

Giáo phái Mormon tin Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Nhưng muốn được cứu phải gia nhập Mormon và tuân giữ các luật lệ của giáo phái này.

Giáo lý Mormon cho rằng những người dối trá, gian lận, tà thuật, gian dâm, đĩ điếm sau khi chết sẽ bị đưa về “Nước Cách Biệt” [Telestial Kingdom]. Những người lương thiện, đạo đức và tín hữu của các giáo phái khác, sau khi chết sẽ được đưa về “Nước Hạ Giới” [Terrestrial Kingdom]. Tín hữu Mormon sau khi chết sẽ được về “Nước Thiên Giới” [Celestial  Kingdom]. Nước Thiên Giới chia ra ba tầng. Tầng thấp nhất dành cho người được cứu chỉ bằng báp-têm của Giáo hội Mormon. Tầng giữa dành cho những tín hữu có dâng hiến tiền hay tài sản cho Giáo Hội. Tầng cao nhất dành riêng cho tín hữu đã thành thần thánh [gods].

Ngoài Kinh Thánh ra, Giáo phái Mormon xem “Sách Mormon” là nền tảng giáo lý của môn phái mình. Tín hữu Mormon bị bắt buộc phải dâng hiến một phần mười lợi tức cho Giáo Hội, không được hút thuốc lá, uống rượu, trà, cà phê hay các thứ nước uống có chất cà-phê-tinh. Các buổi nhóm thờ phượng của giáo phái Mormon tổ chức rất đơn giản, gồm có hát thánh ca, giảng dạy, cầu nguyện và dự tiệc thánh bằng bánh mì và nước lã. Giáo phái Mormon cho mình là Giáo Hội Cơ Đốc duy nhứt trên trần thế được Đức Chúa Trời hoàn toàn nhìn nhận là Giáo Hội có lẽ thật và sống động. Tín hữu Mormon tin rằng lẽ thật của lời Chúa trong Kinh Thánh phải do các cấp lãnh đạo của Giáo Hội Mormon giảng nghĩa, vì Chúa đã cho họ đặc ân để chu toàn công việc trọng đại này.

Năm 1852, nhằm mục đích thực thi lời Chúa dạy: “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” [Sáng1:28], nên Giáo Hội Mormon công khai chấp nhận chế độ đa thê. Chánh phủ Hoa kỳ chống đối chủ trương đa thê này, nên hai bên kình chống nhau. Sau nhiều năm thương thuyết bất thành, đến năm 1857, Chánh Phủ Liên Bang Hoa Kỳ đưa quân đội đến Utah, nơi đặt cơ sở trung ương của Giáo phái Mormon, làm áp lực buộc Giáo phái Mormon tuân theo luật pháp chung của quốc gia là người đàn ông chỉ được có một vợ. Sau nhiều năm trì hoãn tuân hành. Đến năm 1890, Giáo Hội Trưởng Mormon tên là Wiford Wooddruff nhượng bộ chánh phủ Hoa Kỳ ra tuyên ngôn công bố chấm dứt chế độ đa thê trong Giáo Hội. Ai bất tuân mêïnh lệnh này sẽ bị thanh trừng. Tuy vậy, một số nhỏ tín hữu Mormon không màng đến lời đe dọa của Giáo Hội, nên vẫn tiếp tục có nhiều vợ cho đến ngày nay. Giáo Hội Mormon chỉ có cách là dứt phép thông công những người này.

Giáo phái Mormon không được các Giáo phái Cơ Đốc khác xem là chánh giáo vì họ dạy các giáo lý như sau:

  1. Tín hữu Mormon có thể đại diện cho người thân đã quá cố nhận lãnh báp-têm để cho người thân đã qua đời được cứu.
  2. Tín hữu Mormon cho rằng không cần tin Đức Chúa Giê-su, mà chỉ cần làm điều lành thánh thiện là đủ để được lên thiên đàng.
  3. Tín hữu Mormon có thể trở thành thần thánh [gods] để được thờ lạy.
  4. Giáo phái Mormon cho rằng Đức Thánh Linh là thần có hình thể con người.
  5. Giáo phái Mormon cho rằng Đức Chúa Giê-su vốn là người, sau trở thành một vị thần [god].
  6. Giáo phái Mormon cho rằng Đức Chúa Cha trước kia là người thường, sau trở thành Thượng Đế, có thân thể vật lý bằng xương bằng thịt.

Năm 1847, Brigham Young được tôn lên làm tiên tri của Giáo Hội, vì ông đã thành công trong việc hướng dẫn nhóm tín hữu Mormon dời cơ sở về bang Utah để thành lập một cơ sở mới tại Salt Lake City. Tính đến năm 1990, Giáo phái Mormon có hơn bốn triệu tín hữu ở Hoa Kỳ và có khoảng hơn bốn triệu tín hữu ở các nước khác trên thế giới.

H2.Ai thành lập Giáo phái Christian Science [Khoa Học Cơ-Đốc] ?

Sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Thánh, Bà Mary B. Eddy, một nữ khoa học gia, căn cứ vào lời dạy và sự chữa lành bịnh của Đức Chúa Giê-su ghi trong Tân Ước để thành lập giáo phái Christian Science vào năm 1879 tại bang Massachusetts, Hoa kỳ. Giáo Hội Christian Science cũng có các tên khác như: Christian Science Church, The Church of Christ Science và The First Church of Christ, Scientist.

Bà Mary B. Eddy sanh năm 1821 ở bang New Hamshire, Hoa kỳ. Vào năm 1866, bà Eddy bị một tai nạn gây thương tích trầm trọng phải nằm bịnh viện. Trong lúc ở bịnh viện, bà Eddy đọc câu chuyện Đức Chúa Giê-su chửa lành người bại [Ma 9:2-8]. Vừa đọc xong câu chuyện này, bà đứng lên tuyên bố là bà cũng được Đức Chúa Giê-su chữa lành thương tích của mình. Điều này làm cho bà nhìn thấy sự sống là hoàn toàn ở trong bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Nên Bà Eddy cho rằng các phép lạ chữa bịnh mà Đức Chúa Giê-su đã thực hiện đều đến từ bàn tay quyền năng này. Ngoài ra, Bà Eddy còn có quan niệm cho rằng không những Chúa chỉ ban cho sự cứu chuộc mà thôi, nhưng Ngài còn ban cho cả việc được chữa lành bịnh tật nữa. Bởi lẽ đó, bà Eddy đứng ra thành lập Giáo hội Christian Science. Sau khi thành lập được giáo hội, bà Eddy tuyên bố là bà đã chữa lành bịnh tật cho nhiều người. Bà giảng dạy tín hữu mình là họ có thể chữa lành bịnh bằng sự cầu nguyện.

Tín hữu của Giáo phái Christian Science chống lại việc chủng ngừa và tuyệt đối không dùng bác sĩ y khoa, thuốc men hay vitamins, nhưng chỉ nhờ cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời để chữa lành bệnh tật bằng sự cầu nguyện. Nên mỗi khi tín hữu Christian Science cần chữa trị bịnh hoạn thì họ đến các “y-sĩ” [registered practitioners] của Giáo Hội để chữa bịnh theo phương pháp không dùng thuốc men của Giáo hội Christian Science.

Về sự cứu rỗi thì Giao phái Christian Science cho rằng: Muốn được cứu là thừa nhận mình là con của Đức Chúa Trời như Đức Chúa Giê-su. Mình không có tội gì mà phải nhờ Chúa cứu chuộc. Tín hữu sẽ qua tiến trình đầu thai liên tục cho đến khi hoàn hảo.

Bà Eddy qua đời năm 1910, một ban Giám Đốc được thành lập để tiếp tục điều hành các công việc của Giáo Hội. Các Hội Thánh Christian Science ở Hoa kỳ và các nước trên thế giới đều tự lập và tự trị, nhưng trực thuộc vào mẫu hội Christian Science ở Boston, Hoa Kỳ. Các Hội Thánh Christian Science không có mục sư quản nhiệm. Đến giờ thờ phượng, hai tín hữu được đề cử lên tòa giảng; một người đọc Kinh Thánh và một người đọc tạp chí Science and Health. Những điều đem ra bàn luận và học hỏi đều có liên hệ đến đời sống và sự giảng dạy của Đức Chúa Giê-su Christ.

Christian Science không được các Giáo phái Cơ Đốc khác coi là một chánh giáo vì họ dạy các giáo lý sau đây:

  1. Đức Chúa Giê-su Christ không phải là Đức Chúa Trời. Ngài chỉ là người để bày tỏ về Đấng Christ.
  2. Đức Chúa Giê-su không bị đóng đinh chết trên thập giá. Ngài cũng không sống lại bằng thân thể có xương có thịt. Đức Chúa Giê-su không bị đau đớn và cũng không chết đau đớn để chuộc tội lỗi cho nhân loại.
  3. Đức Chúa Giê-su sẽ không tái lâm [theo nghĩa đen].

Giáo phái Christian Science có 3.000 nhà thờ và 1.000.000 tín hữu ở 70 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, Giáo phái Christian Science có khoảng 700.000 tín hữu.

[“Giải Đáp 306 Câu Hỏi Của Tín Hữu Cơ Đốc” – NXB Tôn Giáo]

Video liên quan

Chủ Đề