Việt nam có chủ quyền như thế nào tại vùng lãnh hải

30/09/2020 03:30:00 AM

[Canhsatbien.vn] - 

Quyền tài phán của quốc gia ven biển là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được phép quy định, cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình trên biển, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó [bao gồm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phù hợp với quy định của luật quốc tế].

Quyền tài phán của quốc gia đối với mỗi vùng biển có sự khác nhau. Về nguyên tắc, càng xa đất liền thì quyền tài phán của quốc gia ven biển càng giảm dần cho tới khi kết thúc ở ranh giới ngoài của thềm lục địa, trừ những trường hợp đặc biệt áp dụng quyền tài phán đối với cá nhân, tàu thuyền, tàu bay mang quốc tịch của quốc gia hoạt động ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung làm rõ về quyền tài phán của Việt Nam đối với tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam và một số chú ý đối với Lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.

Quyền tài phán của Việt Nam trong nội thủy

Nội thủy là các vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở bên trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam; Việt Nam được thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền. Chủ quyền của Việt Nam bao trùm lên cả vùng trời phía trên, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên dưới nội thủy. Tuy nhiên, với tính chất là một vùng nước biển, việc thực hiện chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trong nội thủy vẫn có những điểm khác biệt so với trên đất liền.

Tàu Cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát trên vùng nội thủy của Việt Nam.  

Đối với tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài khi hoạt động trong nội thủy cũng như hoạt động ở bất cứ vùng biển nào của Việt Nam, đều được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp - miễn trừ bắt giữ, xét xử và áp dụng các biện pháp tư pháp khác. Trường hợp các tàu thuyền này vi phạm pháp luật trong nội thủy, Việt Nam có quyền buộc tàu thuyền đó rời khỏi nội thủy, yêu cầu quốc gia mà tàu thuyền đó mang quốc tịch xử lý cá nhân vi phạm và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại [nếu có] do tàu thuyền đó gây ra. Quá trình giải quyết thường được thực hiện qua đường ngoại giao. Vì vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển khi phát hiện tàu quân sự, tàu thuyền công vụ của nước ngoài hoạt động trái phép trong nội thủy Việt Nam thì không có quyền kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ nhưng có quyền yêu cầu [xua đuổi] tàu thuyền vi phạm rời khỏi nội thủy Việt Nam. Đồng thời phải thu thập tài liệu, căn cứ để làm cơ sở đấu tranh qua đường ngoại giao như chụp ảnh, quay phim, ghi nhận tên tàu, số hiệu tàu, tọa độ vi phạm, hành vi vi phạm, thiệt hại [nếu có] mà tàu thuyền này gây ra cho cá nhân, tổ chức để yêu cầu quốc gia mà tàu thuyền mang quốc tịch bồi thường thiệt hại.

Đối với tàu thuyền dân sự và tàu thuyền thuộc quyền sở hữu nhà nước của nước ngoài dùng vào mục đích thương mại hoạt động trong nội thủy Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền kiểm tra, khám xét, bắt giữ, xử lý người, tàu thuyền vi phạm pháp luật [kể cả những trường hợp các thủy thủ vi phạm pháp luật khi hoạt động trên bờ]. Việc kiểm tra, khám xét, bắt giữ và các thủ tục tư pháp khác được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tàu thuyền sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp luật, trừ các trường hợp pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Như vậy, các quốc gia ven biển [trong đó có Việt Nam] có quyền tài phán về hình sự, dân sự, xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật của tàu thuyền và các thành viên trên tàu thuyền dân sự, trừ các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp. Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm hình sự và dân sự xảy ra trên nội bộ tàu thuyền nước ngoài, luật áp dụng là luật của quốc gia mà tàu thuyền mang quốc tịch. Quốc gia ven biển chỉ can thiệp trong các trường hợp như: [1] Nếu hành vi phạm tội do một người ngoài thủy thủ đoàn thực hiện; [2] Nếu thuyền trưởng yêu cầu chính quyền nước sở tại can thiệp; [3] Nếu hậu quả của nó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của cảng.

Quyền tài phán của Việt Nam trong lãnh hải

Lãnh hải Việt Nam là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển; đây là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định của pháp luật quốc tế và Luật Biển Việt Nam năm 2012, Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải, vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc lãnh hải của mình. Chủ quyền của Việt Nam đối với lãnh hải không phải là tuyệt đối như trong nội thủy; bởi vì, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 [UNCLOS 1982] mà Việt Nam là thành viên thừa nhận quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài. Do đó, quyền tài phán của quốc gia trong lãnh hải không giống với quyền tài phán của quốc gia trong nội thủy.

Đối với tàu thuyền thương mại [tàu thuyền dân sự] nước ngoài thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, theo quy định tại Điều 27, 28 UNCLOS 1982, quốc gia ven biển không được bắt tàu thuyền đó dừng lại hay đổi hướng để thực hiện quyền tài phán về dân sự, hình sự đối với những vụ việc xảy ra trên nội bộ tàu thuyền, trừ những trường hợp ngoại lệ sau:

Quốc gia ven biển được thực hiện quyền tài phán hình sự đối với vụ việc vi phạm pháp luật hình sự trên tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải trong những trường hợp: [1] Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển; [2] Nếu vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong lãnh hải; [3] Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang quốc tịch yêu cầu sự giúp đỡ của các lực lượng chức trách địa phương; [4] Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích khác.

Quốc gia ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp mà luật trong nước quy định nhằm tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời khỏi nội thủy.

Quốc gia ven biển có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt hay bảo đảm về mặt dân sự do pháp luật trong nước của quốc gia này quy định đối với một tàu thuyền nước ngoài đang đậu trong lãnh hải hay đang đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy.

Việt Nam đã “nội luật hóa” các quy định của UNCLOS 1982 về quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải tại Điều 30, Điều 31 Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Đối với tàu thuyền quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải, các loại tàu thuyền này được hưởng quyền miễn trừ theo quy định tại Điều 30, 31, 32 của UNCLOS 1982. Quốc gia mà tàu thuyền mang quốc tịch có quyền tài phán đối với những vụ việc xảy ra trên tàu thuyền. Trong trường hợp các loại tàu thuyền trên vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển có quyền yêu cầu tàu thuyền đó chấm dứt hành vi vi phạm và rời khỏi lãnh hải ngay lập tức, đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu thuyền mang quốc tịch trừng trị người có hành vi vi phạm pháp luật. Nếu tàu thuyền này gây thiệt hại cho cho quốc gia ven biển thì quốc gia mà tàu mang quốc tịch phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Quyền tài phán của Việt Nam trong vùng tiếp giáp lãnh hải

Vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải; đây một bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế. Vì vậy, quy chế pháp lý cũng như quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế cũng được áp dụng trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Điều 33 UNCLOS 1982 quy định: Trong một vùng tiếp giáp với lãnh hải của mình [gọi là vùng tiếp giáp], quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm ngăn ngừa, trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Quy định này được nội luật hóa tại Điều 14 Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế

Điều 60 UNCLOS 1982 quy định: trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ven biển có đặc quyền trong việc xây dựng, cho phép xây dựng, khai thác, sử dụng đảo nhân tạo, các công trình thiết bị vào mục đích kinh tế, có quyền tài phán đặc biệt đối với các công trình trên, kể cả luật lệ về hải quan, thuế, an ninh, y tế, nhập cư; có quyền ấn định khu vực an toàn xung quanh các công trình đó [500 mét]... Việc nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế chỉ được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận với quốc gia ven biển và không được gây trở ngại cho quốc gia ven biển trong thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với quy định tại Điều 56, 246 UNCLOS 1982.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên khu vực đảo Bạch Long Vĩ [Hải Phòng]. 

Quốc gia ven biển có quyền tài phán về bảo vệ môi trường biển, chống lại các ô nhiễm bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau như: ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển, ô nhiễm do sự nhận chìm, ô nhiễm do hoạt động của tàu thuyền quy định tại Điều 208, 210, 211 UNCLOS 1982.

Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và trọn vẹn đối với các nguồn hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế.

Trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như biển cả, theo quy định tại Điều 110 UNCLOS 1982, tàu chiến [tàu quân sự] của quốc gia ven biển có quyền khám xét, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài, trừ tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài, nếu có những lý do đúng đắn để nghi ngờ sau: [1] Tàu thuyền đó đang hoạt động cướp biển; [2] Tàu thuyền đó đang hoạt động buôn bán, chuyên chở nô lệ, các chất ma tuý; [3] Tàu thuyền đó đang truyền các bản tin phát thanh vô tuyến hoặc vô tuyến truyền hình trái với luật quốc tế; [4] Tàu thuyền đó không có quốc tịch; [5] Tàu thuyền đó treo cờ hoặc không treo cờ nhưng trong thực tế mang quốc tịch của quốc gia ven biển.

Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các quốc gia khác [có biển hay không có biển] đều được hưởng các quyền tự do sau: Tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm [nhưng vẫn phải thỏa thuận với Việt Nam về những vấn đề liên quan] và các quyền tự do khác [quyền truy đuổi, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài...] phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Các quốc gia khác muốn khai thác hải sản, nghiên cứu khoa học, đo đạc, khảo sát, khai thác tài nguyên... trong vùng đặc quyền kinh tế phải được Việt Nam cho phép. Khi thực hiện các quyền của mình, các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của Việt Nam, phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.

Quyền tài phán của Việt Nam trong thềm lục địa

Điều 77 UNCLOS 1982 quy định, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động trên nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa cũng như không phụ thuộc vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Cần chú ý, quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền; cụ thể, chỉ có quốc gia ven biển đó có quyền thăm dò, khai thác, không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia đó. Quy định này đã được nội luật hóa tại Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Nhìn chung, Việt Nam đã nội luật hóa một số nội dung cơ bản của UNCLOS 1982, làm cho các quy định của Luật Biển Việt Nam rõ ràng hơn, hài hòa với quy định của Công ước và thuận tiện cho việc áp dụng. Trường hợp quy định của UNCLOS 1982 chưa được chuyển hóa vào văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam thì áp dụng trực tiếp các quy phạm của Công ước; nếu quy định của Công ước và quy định của pháp luật Việt Nam có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Công ước, trừ những trường hợp trái với Hiến pháp. Cần chú ý, trong nội thủy Việt Nam còn có vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, trong vùng đặc quyền kinh tế còn có vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc. Những vùng biển này có những quy chế pháp lý đặc thù. Khi xử lý các vụ việc trên hai vùng biển này phải tuân theo các quy định có liên quan. Khi xử lý các vấn đề liên quan trên biển, cần nắm vững chủ trương của Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; theo phương châm: Bình tĩnh, kiềm chế, kiên quyết, kiên trì, linh hoạt; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, đấu tranh trên thực địa; giải quyết bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã khẳng định: Cảnh sát biển là Lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam không những phải nắm vững các quy định về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong các vùng biển mà còn phải nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, quy trình kiểm tra, kiểm soát trên biển được quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 cũng như Nghị định số 61/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Thông tư số 15/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ngày 11/02/2019 quy định quy trình tuần tra,  kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam nhằm bảo đảm xử lý các sự kiện pháp lý trên biển đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Đại úy, ThS. NGUYỄN TIẾN NAM

Giảng viên Khoa Pháp luật/Học viện Biên phòng

Video liên quan

Chủ Đề