Viết báo cáo kết quả nghiên cứu

Mọi nỗ lực và “chất xám” của người làm nghiên cứu đều được thể hiện rất rõ trên bản viết báo cáo của công trình nghiên cứu [dạng đầy đủ] hoặc bài đăng trên tạp chí khoa học [dạng tóm gọn]. Để nổi bật được năng lực nghiên cứu, việc đánh giá đúng vai trò của bản viết báo cáo nghiên cứu là vô cùng cần thiết, nếu người nghiên cứu muốn thành công trước các vòng báo cáo, bảo vệ hay được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học. Bạn đã biết bản viết báo cáo nghiên cứu quan trọng như thế nào? Hãy cùng Cộng đồng RCES đi trả lời câu hỏi đó trong bài viết này nhé!

 Bản viết báo cáo nghiên cứu thể hiện rõ nhất năng lực của người nghiên cứu

Do đặc thù về hàm lượng kết quả trình bày thường khá dài nên chất lượng của các công trình nghiên cứu hầu hết được đánh giá dựa trên hàm lượng nội dung được thể hiện trên bản viết, sau khi người phản biện/đánh giá đọc. Ngoài ra, do số lượng nghiên cứu được thực hiện rất nhiều, vì vậy việc đánh giá các nghiên cứu dựa trên văn bản viết giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khi đánh giá chất lượng.

Khi đọc sản phẩm viết trình bày kết quả nghiên cứu, người phản biện/đánh giá sẽ đánh giá được năng lực của người nghiên cứu được thể hiện qua nhiều khía cạnh như tính mới của vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận vấn đề, sự hợp lí và hiệu quả của phương pháp nghiên cứu và các kĩ thuật sử dụng, hàm lượng khoa học về mặt nội dung, tính khoa học về mặt hình thức trình bày, giá trị của nghiên cứu về mặt học thuật hay thực tiễn, … Bạn cần chú ý rằng, tất cả những tiêu chí này đều được đánh giá dựa trên chất lượng của các nội dung được trình bày qua bản viết. Do đó, nếu một người nghiên cứu có giỏi đến cỡ nào đi chăng nữa, mà không thể hiện được năng lực của mình qua bản viết thì cũng sẽ không được đánh giá cao. Nắm được điều này, việc chỉnh chu trong từng câu chữ, nội dung trong toàn văn báo cáo nghiên cứu là điều mà các nhóm nghiên cứu cần hết sức chú ý để có được sản phẩm chất lượng.

 Bản viết báo cáo nghiên cứu quyết định cơ hội lọt vào “TOP”

Trước khi các Hội đồng báo cáo công trình NCKH dành cho sinh viên diễn ra, tất cả các công trình nghiên cứu đều phải trải qua “vòng kiểm duyệt” để quyết định có được đi tiếp vào “vòng trong” này hay không. Do số lượng công trình NCKH ở các cấp và các giải thưởng khá lớn, vì vậy vòng đọc bản viết công trình chính là vòng để lựa chọn các công trình tốt nhất tham gia vào vòng báo cáo và bảo vệ. Điều này có nghĩa rằng để có cơ hội báo cáo công trình NCKH, trước hết bản viết công trình của nhóm nghiên cứu phải tốt. Đây chính là tấm vé quan trọng quyết định tới kết quả của công trình nghiên cứu, đơn giản bởi vì nếu được lựa chọn báo cáo, tức là sản phẩm nghiên cứu của bạn đã vượt qua nhiều công trình khác và được nằm trong shortlist có cơ hội lọt vào “TOP”.

Đầu tư nhiều thời gian cho bản viết để vượt qua các công trình khác vào vòng báo cáo

Đối với các học viên thực hiện khóa luận/luận văn/luận án, chất lượng của bản viết cũng là yếu tố quyết định học viên đó có được bảo vệ đề tài hay không. Bởi nếu không đạt yêu cầu về chất lượng, chắc chắn khóa luận/luận văn/luận án đó sẽ không được Hội đồng thông qua để bảo vệ.

Trong khi đó, để được chấp nhận đăng kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học có xếp hạng cao, chất lượng của bản viết phải thực sự tốt. Nếu không, kết quả nghiên cứu chỉ có thể được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học có xếp hạng thấp, hoặc thậm chí không đạt yêu cầu khoa học để được công bố.

Bên cạnh mặt nội dung, tính khoa học trong trình bày cũng được xem là một trong những yếu tố giúp công trình được đánh giá tốt hơn. Hiểu được vai trò của các yếu tố này và tầm quan trọng của bản viết báo cáo nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu sinh viên hãy dành nhiều thời gian cho hoạt động viết và hiệu chỉnh công trình nghiên cứu của mình. Các bài viết tiếp theo trong loạt bài đặc biệt liên quan đến hoạt động này sẽ tiếp tục được đăng tải trên trang dự án RCES SPREADOUT trong thời gian tới. Mời bạn đón đọc!

>> Xem thêm các bài viết thuộc loạt bài đặc biệt “Viết và hiệu chỉnh báo cáo nghiên cứu” tại đây.

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học [RCES]

Tại phần 1 của loạt bài đặc biệt 09, Cộng đồng RCES đã nhắc tới những nội dung quan trọng mà các giám khảo trong Hội đồng phản biện thường quan tâm, đó cũng chính là những gì tác giả nên khai thác để “show off” sản phẩm khi báo cáo. Trong phần 2 hôm nay, chúng mình hãy cùng đi sâu vào phân tích những nội dung này để chuẩn bị thật tốt và “đáp ứng sự mong chờ” của các giám khảo trong Hội đồng phản biện nhé!

1. Tính cấp thiết của đề tài/Lí do chọn đề tài

Đây là nội dung không thể thiếu trong toàn văn công trình [dạng văn bản], cũng như trong phần báo cáo công trình. Ở nội dung này tác giả phải nêu bật được tại sao đề tài này là vấn đề cần thiết phải nghiên cứu ở thời điểm báo cáo và thuyết phục được BGK đó chính là lí do mình lựa chọn thực hiện nghiên cứu. Đây là bước đầu tiên cần xác định để thực hiện công trình, và cũng là phần đầu tiên trong bài báo cáo. Để nội dung này được thực sự thuyết phục, tác giả có thể bắt đầu với thực trạng hoặc bối cảnh thực tế để “làm đà” nêu bật lên tính cấp thiết. Những con số “biết nói” hay đánh giá từ những nhà thực tiễn/những học giả có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu cũng chính là điểm nhấn nên sử dụng để làm nội dung này nổi bật.

2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu

Đây là nội dung nên đưa ra ngay sau phần [1] ở trên. Sau khi đã thể hiện được tầm quan trọng của việc cần nghiên cứu đề tài, tác giả cần phải chỉ ra được công trình nghiên cứu được thực hiện với [những] mục tiêu gì và để trả lời cho [những] câu hỏi nào. Đây cũng chính là nội dung tác giả cần đối chiếu và đưa ra kết luận ở phần cuối của bài báo cáo.

3. Phương pháp nghiên cứu

Ở nội dung này, tác giả cần cho Hội đồng biết công trình được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu nào [ví dụ: định tính, định lượng, kết hợp cả định tính và định lượng, v.v …] và mô tả ngắn gọn về phương pháp thực hiện [ví dụ: sử dụng phương pháp định tính thông qua việc tìm hiểu và tổng hợp các tài liệu nghiên cứu của các tác giả đã từng thực hiện về chủ đề liên quan đến đề tài, … hay sử dụng phương pháp định lượng thông qua kiểm định mô hình nào đó để tìm ra sự ảnh hưởng của các biến, …]

4. Các định nghĩa/lí thuyết quan trọng [đặc biệt với các đề tài mới]

Nếu tác giả thực hiện công trình nghiên cứu với những đề tài mới và có những định nghĩa có thể không phải ai cũng biết [trong phạm vi Hội đồng giám khảo]; tác giả nên giải thích những định nghĩa quan trọng này trước khi chuyển qua các nội dung tiếp theo. Việc này rất quan trọng vì nếu giám khảo còn chưa hiểu về đề tài tác giả thực hiện thì sẽ rất khó nắm bắt ý trình bày ở phần sau. Trong khi đó, với những đề tài có những định nghĩa không quá mới thì có thể bỏ qua vì các giám khảo trong cùng Hội đồng cùng chuyên môn đều hiểu rõ về các định nghĩa cơ bản của lĩnh vực đó. Ngoài ra, các lí thuyết quan trọng cũng nên được tác giả đề cập qua trước khi chuyển sang các nội dung tiếp theo.

5. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Nội dung này được trình bày nhằm đưa ra giả thuyết nhóm nghiên cứu đặt ra cho câu hỏi nghiên cứu và mô hình nghiên cứu sử dụng trong bài. Nếu tác giả thực hiện nghiên cứu định lượng, mô hình nghiên cứu cần chú ý giải thích các biến được sử dụng trong mô hình. Tác giả sẽ đối chiếu các nội dung này sau khi tìm ra kết quả nghiên cứu để kiểm định giả thuyết và mô hình.

6. Mô tả cách thức thu thập số liệu

Nội dung này đặc biệt quan trọng đối với các nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp [từ nguồn khảo sát thực tế]. Tác giả cần phải nêu được các thông tin cơ bản như thiết kế nghiên cứu, thu thập số liệu ở đâu, thời gian khi nào, cách thức thu thập, … để thể hiện tính tin cậy trong việc thu thập số liệu, bởi đây là nguồn tác giả phải trực tiếp thực hiện chứ không phải lấy lại từ các nguồn khác.

7. Mô tả dữ liệu

Tác giả cần đề cập tới thông tin mẫu thu được là bao nhiêu, trong đó có bao nhiêu quan sát hợp lệ hay không hợp lệ [đối với nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát thực tế]. Ngoài ra, tùy từng bài nghiên cứu với đối tượng khác nhau, tác giả nên mô tả dữ liệu để giám khảo có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dữ liệu sử dụng, ví dụ như mô tả nhân khẩu học, phân loại các nhóm đối tượng thuộc mẫu, … [đối với cả nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp hay thứ cấp].

8. Kết quả nghiên cứu

Có thể nói đây là nội dung vô cùng quan trọng của công trình nghiên cứu. Khi trình bày kết quả nghiên cứu, tác giả cần chỉ ra những kết quả tìm được nhằm trả lời câu hỏi như mối liên hệ hay mức độ ảnh hưởng giữa các biến, thực trạng vấn đề, … [tùy vào câu hỏi nghiên cứu] và kiểm định các giả thuyết đã được trình bày trước đó. Đối với nghiên cứu định lượng, tác giả nên đưa ra kết quả phân tích Cronbach’s Alpha hay 1 số phân tích cần thiết khác trước khi đi tới kết quả hồi quy. Sau khi đưa ra kết quả và kiểm định giả thuyết, tác giả có thể giải thích hay bình luận về kết quả này, tuy nhiên cần cân đối thời gian với các nội dung trước đó và sau đó để không bị cháy giờ.

9. Khuyến nghị

Từ những kết quả tìm ra, trong phần này, tác giả sẽ đưa ra những khuyến nghị cho đối tượng nghiên cứu hoặc các đối tượng liên quan. Tác giả cần chú ý nên gắn kết quả nghiên cứu với khuyến nghị để thể hiện tính khoa học và có căn cứ trong trình bày, tránh tình trạng đưa ra một loạt khuyến nghị mà không liên quan đến kết quả hay đối tượng nghiên cứu. Đây sẽ là điểm trừ cho phần báo cáo nếu điều này xảy ra.

10. Kết luận

Đây là nội dung kết thúc phần báo cáo công trình trước Hội đồng. Điều đầu tiên, tác giả cần phải so sánh lại với nội dung [2] và kết luận nghiên cứu có trả lời được câu hỏi nghiên cứu và hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra không. Nếu công trình nghiên cứu không trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tức là nghiên cứu chưa thành công trong phạm vi bài nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả có thể đề cập đến một số nội dung trong phần này như đóng góp của nghiên cứu [về mặt khoa học, thực tiễn], một số hạn chế và hướng phát triển. Tác giả cần làm nổi bật đóng góp của nghiên cứu, tuy nhiên cũng không nên quá đề cao [thể hiện trong cách nói] vì có thể gây ấn tượng không tốt với giám khảo. Trong khi đó, phần hạn chế nên đề cập rất “nhẹ nhàng”, tránh đánh giá quá thấp công trình của mình.

Trên đây là một số nội dung quan trọng và thường được các giám khảo quan tâm trong các phần báo cáo công trình NCKH của sinh viên. Tuy nhiên, với mỗi công trình, các phần này lại có tầm quan trọng khác nhau, phụ thuộc vào ý tưởng của tác giả khi báo cáo. Tác giả cần cân đối thời gian trình bày các nội dung này để đảm báo báo cáo không vượt quá thời lượng cho phép và đảm bảo mục tiêu của phần báo cáo chuẩn bị. Hi vọng qua phần 2 của loạt bài “Báo cáo và bảo vệ công trình NCKH”, bạn đã có thêm sự tham khảo để chuẩn bị thật tốt về nội dung báo cáo trước khi giờ G sắp diễn ra.

Đừng quên theo dõi những phần tiếp theo của loạt bài đặc biệt “Lời chúc may mắn ngày báo cáo công trình” với một số TIPS báo cáo ấn tượng và làm khác biệt công trình vào 20h hàng ngày trên fanpage của Cộng đồng RCES [bắt đầu từ 11/04] bạn nhé!

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học [RCES]

Video liên quan

Chủ Đề