Viết bài văn so sánh nhân vật việt và chiến năm 2024

                      

GỢI Ý

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương của mình để làm bài.

                      
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Yêu cầu cụ thể

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Thi là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước, gắn bó sâu sắc với nhân dân Nam Bộ.

                      
Những đứa con trong gia đình là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi, viết về một gia đình nông dân Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước, căm thù giặc, gắn bó với đất nước và cách mạng.

  • Qua tác phẩm, nhà văn cho ta thấy được vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật Việt và Chiến: giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Họ như đi lên từ tuổi thơ đau thương, mất mát mà đến với cuộc chiến.

2. Cảm nhận về hai nhân vật Chiến và Việt

                      
Thí sinh có thể có những cảm nhận khác nhau về hai nhân vật Chiến và Việt. Dưới đây là những ý tham khảo:

a. Nhân vật Chiến

  • Theo dòng hồi tưởng của Việt, chị Chiến- người chị mà Việt hết sức thương yêu quí trọng- đã xuất hiện trước mắt người đọc với nét trẻ con và cả tính người lớn. Chiến dẫu sao cũng chỉ là một cô gái mới lớn, vẫn thích được khen, tranh công bắt ếch với em. Rồi đến cái ngày hai chị em đăng kí đi bộ đội , Chiến đã tranh đi với em-một lẽ vì thương em còn nhỏ nhưng một lẽ Chiến vẫn còn trẻ con: "Tao lớn tao mới đi, mày còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi", "Đề nghị mấy anh xét lại cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành".

  • Nhưng ở phương diện khác Chiến lại tỏ ra là một cô gái rất gan góc, đảm đang, tháo vát. Và trong cảm nhận của em, Chiến giống mẹ đến lạ lùng. Chiến lo lắng cho em từng chút, đi đâu Chiến cũng xem chừng em, yêu thương em. Đặc biệt Chiến là một cô gái tháo vát, đảm đang: trước khi lên đường chiến đấu, Chiến đã thu xếp việc nhà chu đáo: "thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra thì cho các anh ở xã mượn mở trường học". Cả cái giường ván, Chiến cũng cho xã mượn làm ghế để ngồi học. Cái nồi, cái lu, chén, dĩa...Chiến đều gửi cho chú Năm. Nhà có năm công ruộng, Chiến giao lại cho chú Năm và bà con trong xóm làm. Hai công mía thì nhờ chú Năm thu hoạch để giỗ má. Bàn thờ ba má thì hai chị em cũng đem sang chú cho thằng Út trông coi.

  • Một câu nói giản dị nhưng tâm hồn Chiến dường như cũng sáng bừng với câu nói ấy: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất...".Với câu nói ấy, ta có thể hiểu vì sau Chiến đã tham gia cuộc chiến và chiến đấu dũng cảm đến như vậy.
                          

– Hình tượng nhân vật Chiến vừa đậm tính cách riêng, vừa kết tinh được nhiều phẩm chất của người phụ nữ Nam Bộ trong thời kì chống ngoại xâm.

b. Nhân vật Việt

  • Việt là một chàng trai mới lớn, hết sức hiếu động: thích bắt ếch, bắn chim, câu cá...và rất vô tư. Trong cái đêm trước ngày lên đường nhập ngũ khi nghe chị bàn việc nhà, Viêt "lăn ra ván cười khì khì", chụp một con đom đóm trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Đến lúc đã thành một người lính, Việt vẫn mang theo cái ná thun bên mình. Khi bị thương giữa chiến trường, thất lạc đồng đội Việt không hề nao núng sợ hãi mà anh lại sợ ma. Việt thương chị mình theo một cách cũng rất trẻ con là giấu chị như giấu của riêng vì sợ mất chị.

  • Tuy chỉ mới mười tám tuổi nhưng Việt lại chiến đấu rất gan dạ và dũng cảm, kiên cường bởi lẽ dòng máu trong người Việt là dòng máu anh hùng, dòng máu của "những người con trong gia đình" có truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Việt đã dám xông vào thằng giặc đã giết cha mình. Khi chiến đấu Việt lập chiến công là đã hạ được một xe bọc thép của giặc. Dù cận kề cái chết Việt vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: "đạn đã lên nòng, ngón tay còn lại sẵn sàng chiến đấu".
                          

– Hình tượng nhân vật Việt vừa có cá tính độc đáo, vừa tiêu biểu cho sức trẻ tiến công trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

3. Đánh giá chung

– Hai nhân vật Chiến và Việt đều là những hình tượng giàu sức sống, hiện thân cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kháng chiến: từ những đứa con ưu tú của gia đình đã trở thành những chiến sĩ anh hùng của cách mạng. Giữa họ có nhiều nét chung bởi hoàn cảnh gia đình và thời đại, nhưng vẫn đậm nét riêng do khác nhau về vị thế trong gia đình và giới tính.

– Hai nhân vật được hiện lên qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt; đan xen tự sự và trữ tình; ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu tính tạo hình và đậm chất Nam Bộ.