Vì sao nam bộ chia thành miền đông miền tây

Đồng bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL] là vùng đất màu mỡ ở phía Tây Nam Việt Nam, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, còn gọi là miền Tây Nam Bộ, hay gọi tắt là miền Tây. Diện tích khoảng 40.640,7 km2, chiếm khoảng 12,3% diện tích cả nước. Dân số năm 2007 là 17.524.000 người, chiếm khoảng 20,6% dân số cả nước.


Bản đồ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long


 Diện tích: 40.604,7 km2 [2007]
Dân số : 17.524.000 người [2007]
Mật độ : 432 người/km2
Dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm

Vùng bao gồm 13 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương là: tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km2 khu vực đặc quyền kinh tế. Phía Tây Bắc giáp Campuchia. Phía Đông Bắc tiếp giáp Vùng Đông Nam Bộ. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Nam giáp Thái Bình Dương. Phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Đây là vị trí thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam, thế mạnh của vùng là sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 đạt 48.754,7 tỷ đồng [theo giá so sánh năm 1994], dẫn đầu cả nước, chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp quốc gia. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng năm 2007 đạt 52.730,7 tỷ đồng [theo giá so sánh năm 1994], chiếm khoảng 9,23% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, sau Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng Bằng Sông Hồng.


ĐBSCL là cái nôi của nền văn hoá Óc Eo phát triển rực rỡ vào những năm đầu Công nguyên. Nền văn hoá này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm địa bàn các tỉnh thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia. Xã hội Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thủy lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông, sản phẩm thủ công, những đồng tiền kim loại, đồ trang sức, con dấu bằng đá quý, thủy tinh....nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Các nhà nghiên cứu cho rằng nền văn hoá này là sản phẩm của một nhà nước cổ đại tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VI ở Đông Nam Á, từng được sử Trung Quốc ghi chép nhiều lần, đó là Vương quốc Phù Nam.

Ngày nay, ĐBSCL được nhiều người biết đến với những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở vùng Đồng Tháp Mười, những cù lao bạt ngàn cây trái trên sông Tiền, sông Hậu, là quê hương của con cá ba sa, con tôm sú - những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Người dân miền Tây sống giản dị, chân thành, giàu lòng hiếu khách. Đây cũng là quê hương của loại hình nghệ thuật cải lương đặc sắc.


Điều kiện tự nhiên:

Vị trí địa lý

ĐBSCL nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ [khu vực kinh tế năng động nhất Việt Nam], giáp giới với Campuchia, ba mặt Đông, Nam và Tây có biển bao bọc. Vị thế nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á, Đông Á, Châu Úc và rất gần các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippin, Indonesia...

Địa hình

ĐBSCL nằm trên địa hình bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày, rất thuận lợi phát triển cả giao thông đường thủy và đường bộ. Ngoài ra với bờ biển dài 700 km là nhân tố quan trọng để vùng này phát triển kinh tế biển, du lịch, hàng hải và thương mại.


 Mùa lúa chín

Khí hậu

ĐBSCL có một nền nhiệt độ cao, ổn định trong toàn vùng, trung bình là 280C. Chế độ nắng cao, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.226 - 2.790 giờ, ít xảy ra thiên tai. Một năm chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

 Mùa lũ ở ĐBSCL

Nguồn nước

Nguồn nước trong vùng được lấy từ 2 nguồn chính là sông Mê Kông và nước mưa. Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL hàng năm đem lại lượng nước bình quân khoảng 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 - 200 triệu tấn phù sa. Việc ĐBSCL hàng năm bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3 - 4 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng, một mặt là hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất trồng trọt.

 Sông Tiền

Một vấn đề đáng quan tâm là nguồn nước mặt ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm. Chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm như: sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, nuôi thủy sản thiếu quy hoạch hợp lý. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trong vùng phần lớn chưa được xử lý thải trực tiếp ra sông.....Việc ô nhiễm nước đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều vùng bị “khát nước” vào những tháng mùa khô. Không chỉ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu mà nước sinh hoạt cũng thiếu. Tình trạng này đã và đang xảy ra từ vài năm gần đây ở ĐBSCL và xem ra ngày càng trầm trọng.

 Chợ Ninh Kiều nhìn từ sông Hậu

Đất đai

Vùng ĐBSCL được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông, một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích trũng thấp [như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau].


 Xoài trồng trên đất phù sa ven sông

Trong số hơn 4 triệu ha đất đai của khu vực, đất phù sa chiếm khoảng 30%. Đây là nguồn tài nguyên chính để phát triển nông nghiệp. Đất ở ĐBSCL ngoài việc để sản xuất nông nghiệp tạo ra lương thực, còn được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng mang lại hiệu quả cao. Từ lâu, người dân ở đây đã làm nhà xây vách bằng tre, nứa, trát đất nhão, vữa vôi, vữa xi măng, xi măng rơm, trấu và về sau này làm bằng gạch nung. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh ĐBSCL rất dồi dào nguồn than bùn dùng để làm chất đốt, như tại Cà Mau, chỉ đào sâu hơn 3 m là ta có thể lấy đất làm than, làm gạch ngói.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, cơ cấu sử dụng đất tại thời điểm 01-01-2007 của vùng như sau: đất nông nghiệp 63,2% - đất lâm nghiệp 8,6% - đất chuyên dùng 5,5% - đất ở 2,7%. Trong những năm gần đây, đất nông nghiệp đang có xu thế giảm dần do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch - thể thao đang chiếm dần vị trí của các đồng lúa. Nông dân nhiều nơi trong khu vực không còn đất sản xuất trong khi những vùng quy hoạch thì đang bị bỏ hoang, hay tốc độ triển khai rất chậm, dẫn đến tình trạng lãng phí đáng được báo động.

Sinh vật

Mũi Cà Mau

Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và sông, từ lâu ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt [Vườn quốc gia Tam Nông, rừng Trà Sư, vùng Đồng Tháp Mười], hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển [Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc Gia U Minh Hạ], hệ sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2007, toàn vùng ĐBSCL có 320.900 ha rừng các loại, trong đó có 63.800 ha rừng tự nhiên và 257.100 ha rừng trồng, diện tích che phủ chưa đạt 10% diện tích đất tự nhiên. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 đạt 1.005,2 tỷ đồng [theo giá so sánh năm 1994]. Rừng ngập mặn [chiếm cứ trên các bãi bồi phù sa ven biển, lưu vực của cửa sông thông ra biển và các đầm trũng nội địa] chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau [58.285 ha], Bạc Liêu [4.142 ha], Sóc Trăng [2.943 ha], Trà Vinh [8.582 ha], Bến Tre [7.153 ha], Kiên Giang [322 ha], Long An [400 ha]...

Rừng ngập mặn Cà Mau

Hệ thực vật rừng ngập mặn phổ biến ở vùng ven biển ĐBSCL là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước.... Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, vùng ĐBSCL có 98 loài cây rừng ngập mặn; ngoài ra ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản. Những số liệu trên cho thấy tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL.

Video liên quan

Chủ Đề