Vì sao đánh giá cán bộ là khâu yếu

Chiều 26/12, Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Trả lời về việc thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, rất trăn trở về việc đổi mới, sáng tạo, vì nội dung này rất phong phú. Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, làm sao đạt được mục tiêu xây dựng một cơ chế cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Qua đó, phải làm sao để động viên được cán bộ phát huy được năng lực, trí tuệ, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. “Thời gian qua, chúng ta biết có một số cán bộ nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ cho mình an toàn”, ông Ninh cho hay.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cũng nhấn mạnh, cần đưa ra cơ chế làm sao để ngoài khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Trả lời về việc trong công tác cán bộ quy trình bổ nhiệm 5 bước rất chặt chẽ, nhưng vì sao có trường hợp mới bổ nhiệm đã vi phạm, bị khởi tố, vậy quy trình đó “chặt” và “lỏng” ở đâu?, ông Ninh cho biết: Trong công tác cán bộ, đúng như Đảng đã nhận định, công tác đánh giá cán bộ vẫn còn là khâu yếu. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã rất tập trung vào việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ.

Về phía Bộ Nội vụ, ông Ninh cho hay, đã tham mưu cho Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung, nghiên cứu sửa đổi nghị định để sửa 5 nghị định về công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ, viên chức, hiện đang hoàn thiện nội dung này.

“Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phải thực hiện đồng bộ thêm về các chủ trương, quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Việc này sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện, đồng thời khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm theo Kết luận 20 của Bộ Chính trị. Bộ Nội vụ đang tham mưu, trên tinh thần đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức viên chức, để bên cạnh hoàn thiện thể chế, sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”, ông Ninh cho hay.

Trong năm 2023, ông Ninh cho biết, sẽ nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ công chức viên chức và một số luật liên quan, để cuối năm báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó tham mưu đề xuất, sửa đổi bổ sung luật này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

LTS: Khi khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, thì cần nhấn mạnh rằng, đánh giá cán bộ là khâu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”.

Vì sao một khâu tiền đề, một mắt xích chính yếu trong công tác cán bộ lại chưa được quan tâm rốt ráo, giải quyết hiệu quả, thậm chí có lúc bị buông lỏng, biến tướng? Giải pháp nào để vá lỗ hổng trong khâu quan trọng này nhằm chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho đại hội đảng các cấp trong nhiệm kỳ tới? Vệt bài dưới đây góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.

Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu có liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau như: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo-bồi dưỡng, luân chuyển-điều động, bố trí-sử dụng, quản lý, khen thưởng-kỷ luật, đãi ngộ… cán bộ. Trong đó, đánh giá cán bộ vừa là cơ sở, tiền đề quan trọng hàng đầu, vừa là mắt xích chính yếu để thực hiện các khâu khác. “Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Có đánh giá chính xác cán bộ mới có thể quy hoạch đúng và bố trí, sử dụng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ. Khâu quan trọng này thời gian qua tuy đã được các cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng hơn, nhưng thực tế vẫn là khâu yếu trong công tác cán bộ.

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật có phần nguyên nhân từ đánh giá chưa đúng nhân sự

Một trong những thành tựu, dấu ấn nổi bật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay là Đảng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng. Ít có nhiệm kỳ nào mà việc xây dựng, “xốc lại” công tác cán bộ cũng như chăm lo tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ đi đôi với việc chấn chỉnh tác phong, kỷ luật cán bộ lại được làm thường xuyên, bài bản, quyết liệt, hiệu quả như nhiệm kỳ Đại hội XII.

Từ năm 2016 đến nay, nhiều lần Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương ban hành các thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật các tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên. Mỗi thông báo của cơ quan kiểm tra cao nhất của Đảng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, đồng thời góp phần mang lại niềm tin cho các tầng lớp nhân dân vào tính khách quan, công bằng, nghiêm minh của kỷ luật Đảng. “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là một trong những từ khóa nổi bật khi nói về hiệu quả công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng trong những năm gần đây.

Theo thông tin từ UBKT Trung ương, từ năm 2016 đến tháng 3-2020, cấp ủy và UBKT các cấp trong toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, hơn 54.500 đảng viên, trong đó có gần 18.300 cấp ủy viên các cấp. Trong số cấp ủy viên bị kỷ luật, có 94 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 22 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng. Đây là con số chưa từng thấy trong một nhiệm kỳ đại hội của Đảng trước đây.

Nhìn vào con số trên cho thấy, số tổ chức đảng, đảng viên bị thi hành kỷ luật trong 4 năm qua đã khẳng định sự cố gắng rất lớn của ngành kiểm tra Đảng. Tuy vậy, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư không khỏi băn khoăn khi đặt ra câu hỏi với đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra Đảng dự “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020” tổ chức ngày 10-1-2020 tại Hà Nội: “Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng?”.

Cách đây hai năm, trong bài viết “20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta”, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục; chưa có cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, sàng lọc chính xác”.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X của Đảng “Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” (2009-2019), trong toàn Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã có 30 tổ chức đảng, 440 cấp ủy viên (trong đó nhiều người giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước) bị thi hành kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ, thậm chí nhiều trường hợp bị xử lý hình sự. Một trong những nguyên nhân chủ yếu được đại diện lãnh đạo Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương chỉ ra là do việc đánh giá, bổ nhiệm, giám sát, quản lý cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước còn không ít lỗ hổng, thậm chí cấp ủy ở nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu buông lỏng, biến tướng trong việc đánh giá, nhận xét cán bộ trước khi bổ nhiệm, đề bạt.

Hậu quả từ việc buông lỏng khâu quan trọng hàng đầu

Như vậy, có thể khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa, căn bản dẫn tới thực trạng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý bị thi hành kỷ luật trong thời gian qua là do khâu đánh giá cán bộ ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn bộc lộ hạn chế, yếu kém. Đề cập vấn đề này, PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, dù Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác đánh giá cán bộ, nhưng trên thực tế việc đánh giá cán bộ còn chung chung, cảm tính, nể nang, thậm chí có biểu hiện đánh giá cán bộ theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Có trường hợp cấp ủy, tổ chức đảng cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực về khuyết điểm, yếu kém của cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm.

Đánh giá cán bộ là “đo lường” nhân cách con người và liên quan đến vận mệnh, tương lai, số phận của họ. Đây là khâu quan trọng đầu tiên và có ảnh hưởng mật thiết đến tất cả các khâu sau này của công tác cán bộ, như: Quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện khích lệ cán bộ phát huy năng lực, sở trường để thực hiện tốt công việc, chức trách, cương vị của mình. Nhưng đánh giá cán bộ không đúng sẽ dẫn tới quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không phù hợp, dẫn đến hỏng người, hỏng việc, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và bộ máy công quyền.

Trở lại câu chuyện gần 18.300 cấp ủy viên các cấp bị thi hành kỷ luật trong 4 năm gần đây. Nói đến cấp ủy viên là nói đến hầu hết cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp từ cơ sở đến Trung ương. Vì Đảng ta là đảng cầm quyền, một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua đội ngũ cán bộ. Do đó, muốn giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng thì cán bộ chủ chốt ở các cấp, ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để được bầu vào cấp ủy các cấp.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu trước đại hội các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hay trước khi bổ nhiệm, đề bạt mà các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành sàng lọc thực sự nghiêm túc, thẩm định chặt chẽ, nhận định chính xác, đánh giá đúng mức về chất lượng nhân sự, nhất là phát huy vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công tác cán bộ, thì có lẽ không xảy ra nhiều chuyện tai tiếng trong dư luận xã hội về những vụ việc nổi cộm liên quan đến các ông: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Ngô Văn Tuấn; hay những chuyện “bổ nhiệm thần tốc” liên quan đến các ông: Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Minh Hoàng, bà Trần Vũ Quỳnh Anh…

“Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”)

THIỆN VĂN

Vì sao đánh giá cán bộ là khâu yếu

Bài 2: Khi thước đo đánh giá cán bộ bị “bẻ cong”

QĐND - Cách đây 23 năm, khi ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ: “Có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khách quan, khoa học, công tâm”. Nghị quyết của Đảng nêu ra tường minh như vậy, nhưng thời gian qua nảy sinh không ít biểu hiện, trường hợp “bẻ cong” cách xem xét, đánh giá cán bộ, để lại nhiều hệ lụy tiêu cực.