Ví dụ về phương pháp thảo luận nhóm trong nghiên cứu khoa học

-Quy mô thảo luận nhóm:

                                        + Nhóm nhỏ [2 học sinh]

                                        + Nhóm vừa [3 đến 4 học sinh]

                                       + Nhóm lớn [từ 6 đến 8 học sinh]

Giải pháp 1: Mỗi khi tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm, tôi luôn nghiên cứu kĩ nội dung cần thảo luận để phân chia nhóm sao cho phù hợp.

Bởi phân chia nhóm không phù hợp sẽ không kích thích được sự sáng tạo ở học sinh;

          Nếu tổ chức nhóm quá lớn thì số học sinh không làm việc càng nhiều. Do đó mỗi khi tổ chức dạy – học theo nhóm tôi thường tổ chức nhóm nhỏ hoặc nhóm vừa. Nếu kiến thức không quá khó, thì tôi thường tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm nhỏ. Vì hoạt động theo nhóm nhỏ sẽ tạo môi trường học tập tích cực, có sự hợp tác, trao đổi, giúp đỡ, tương trợ giữa các thành viên trong nhóm, hình thành thói quen tự giác, không cần nhiều đến sự kiểm soát của giáo viên.

 Ví dụ: Khi dạy bài: “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” – Đạo đức lớp 5.

Bài tập1: Em hãy cho biết các mốc thời gian và địa danh sau liên quan đến những sự kiện nào của đất nước ta?

               a]Ngày 2 tháng 9 năm 1945

               b]Ngày 7 tháng 5 năm 1954

               c]Ngày 30 tháng 4 năm 1975

               d]Sông Bạch Đằng

               đ]Bến Nhà Rồng

               e]Cây đa Tân Trào

Với bài này tôi tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm đôi. Qua làm việc nhóm đôi, học sinh trao đổi, hợp tác với nhau và có điều kiên so sánh những kết quả. Nhờ vậy tránh được tính lười biếng, sao nhãng trong học tập. [Vì học sinh này hỏi thì học sinh kia phải trả lời chứ không thể ngồi chơi được.]

          Đối với những bài tập khó, đòi hỏi phải có sự hợp tác của nhiều thành viên mới giải quyết được, thì tôi thường tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm vừa [từ 3 đến 6 học sinh]

          Ví dụ: Với bài toán 2 [Trang 94] sách giáo khoa toán lớp 5 như sau: “Một thửa ruộng hình thang có đáy lớn 120m, đáy bé bằng  đáy lớn. Đáy bé dài hơn chiều cao 5m. Trung bình cứ 100m2 thu hoạch được 64,5kg thóc. Tính số ki-lô-gam thóc thu hoạch được trên thửa ruộng đó.”

          Đây là một bài toán hợp, để tính số thóc thu hoạch được trên thửa ruộng đó các em phải vận dụng một số kiến thức như:

                    -Tìm phân số của một số [để tìm đáy bé của thửa ruộng]

                    -Toán nhiều hơn, ít hơn một số đơn vị [để tìm chiều cao của thửa ruộng]

                    -Tính diện tích hình thang [để tính diện tích của thửa ruộng]

                    -Dạng toán quan hệ tỉ lệ [để tính số thóc thu hoạch được trên thửa ruộng đó]

– Chính vì phải vận dụng nhiều kiến thức để giải bài toán cho nên tôi đã tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm [từ 3 đến 6 học sinh] để các em cùng trao đổi, bổ sung kiến thức cho nhau nhất là đối với học sinh khá giỏi các em có thể học được nhiều cách giải hay và hợp lí từ các bạn trong nhóm. Từ đó các em sẽ phát huy được khả năng tư duy toán học và phát triển thành học sinh giỏi toán. Còn những em học sinh trung bình và yếu qua hoạt động nhóm các em được nghe bạn giảng giải để có thể nắm được cách giải và khắc sâu kiến thức cho bản thân. Từ đó các em sẽ tìm ra cách giải hợp lý.

 – Điều đáng nói là chỉ trong vòng 5 phút thảo luận mà kết quả đạt được lại không nhỏ chút nào. Đó là hầu hết học sinh trong lớp đã có được cách giải và đáp án chính xác. Đặc biệt những học sinh có học lực trung bình, trung bình khá của lớp đã nhớ lại một số dạng toán đã được học từ đầu năm như: [cách giải bài toán về quan hệ tỉ lệ hay tìm phân số của một số đã học ở cuối học kỳ I lớp 4]. Còn những học sinh khá giỏi thì lại tự tin hơn và hầu hết các em đều giải bài toán trên như sau:

Bài giải

Đáy bé của thửa ruộng hình thang là :

120 x  = 80 [m]

Chiều cao của thửa ruộng hình thang là:

80 – 5 = 75 [m]

Diện tích thửa ruộng là:

[120 + 80] x 75 : 2 = 7500[m2]

Số thóc thu được trên thửa ruộng đó là:

7500 : 100  x  64,5 =  4837,5 [kg]

                                                                          Đáp số: 4837,5 kg

        Tôi thiết nghĩ nếu gặp những bài toán hợp như trên mà giáo viên không tổ chức cho các em làm việc theo nhóm thì số học sinh làm được bài sẽ không nhiều.

Giải pháp 2: Để các nhóm làm việc nghiêm túc và khoa học, trước khi cho học sinh thảo luận tôi luôn hướng dẫn, nhắc nhở các em cách thức thảo luận, bầu nhóm trưởng, thư kí và quy định thời gian cụ thể để các nhóm làm việc cũng như cách thưởng phạt rất công bằng và nghiêm minh.

Ví dụ: Với bài toán 2 [Trang 94] sách giáo khoa toán lớp 5.

Sau khi đã chia nhóm xong, tôi yêu cầu các nhóm bầu nhóm trưởng và thư kí [không bầu lại những bạn vừa được làm nhóm trưởng và thư kí ở tiết học trước, mà phải bầu luân phiên để bạn nào cũng được làm nhóm trưởng, bạn nào cũng được làm thư kí].

Tiếp theo tôi hướng dẫn các nhóm cách thức thảo luận, nhóm trưởng lần lượt nêu các câu hỏi, luân phiên gọi các thành viên trong nhóm trả lời, nếu cả nhóm đều tán thành câu trả lời thì thư kí ghi vào phiếu, nếu câu trả lời chưa phù hợp thì mời các thành viên khác. Cuối cùng là quy định thời gian để các nhóm làm việc, với bài toán trên thì thời gian cho các nhóm làm việc là 5 phút. Thời gian làm việc phải đủ để các nhóm thảo luận, song cũng không nên cho các nhóm thảo luận quá lâu, gây nên sự nhàm chán, mất trật tự trong nhóm.

Trong quá trình làm việc nhóm, nhóm nào làm việc tốt, không gây ồn ào, không có các thành viên làm việc riêng thì nhóm đó được ưu tiên [được quyền báo cáo kết quả trước hoặc được thưởng thêm điểm] và ngược lại nhóm nào gây ồn ào, mất trật tự trong quá trình làm việc thì không được ưu tiên mà còn bị trừ điểm.

 Giải pháp 3: Trong quá trình các nhóm thảo luận, tôi luôn theo dõi sát sao hoạt động của các nhóm, để kịp thời giúp đỡ các nhóm gặp khó khăn trong quá trình thảo luận, cũng như uốn nắn những sai lầm mà các nhóm mắc phải. Song để không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của các nhóm, tôi không bao giờ can thiệp sâu vào quá trình làm việc của các nhóm hoặc chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết.

Giải pháp 4: Để tổ chức hoạt động nhóm thành công, tôi luôn chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi ý phù hợp. Bởi đây là điểm tựa để các nhóm dựa vào đó mà thảo luận, thực hiện yêu cầu của bài học. Tôi thường lựa chọn các câu hỏi gợi ý hướng vào sự khai thác kinh nghiệm, cách nghĩ của học sinh, khuyến khích từng học sinh tham gia một cách tự tin vào hoạt động thảo luận.

 Ví dụ: Khi dạy bài: Lập làng giữ biển – phân môn Tập đọc lớp 5 tập 2. Tôi tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm đôi trong thời gian khoảng 1 – 2 phút để tìm ý nghĩa của bài. Để có điểm tựa cho các nhóm thảo luận tôi đưa ra một số câu hỏi gợi ý như: [Bài văn ca ngợi ai?  Ca ngợi về điều gì?]. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 1 -2 phút thảo luận mà các nhóm đã có được kết quả thảo luận rất khả quan.

Giải pháp5 : Để tạo hứng thú cho các nhóm làm việc, tôi không yêu cầu học sinh làm một lúc quá nhiều việc, các câu hỏi, bài tập để học sinh thảo luận thường được thiết kế từ dễ đến khó.

Giải pháp 6: Để tạo không khí học tập tích cực cho học sinh, giúp các em tự tin, sôi nổi trong học tập. Sau khi hết thời gian thảo luận tôi luôn tổ chức cho các nhóm báo cáo, nhận xét và đánh giá kết quả một cách công bằng và khách quan.

Khi hết thời gian làm việc tôi yêu cầu đại diện các nhóm báo cáo kết quả thảo luận. Nếu các nhóm cùng một nhiệm vụ thì chỉ yêu cầu 1 hoặc 2 đại diện nhóm được ưu tiên trình bày. Các nhóm khác nhận xét, bổ sung nếu chưa đầy đủ. Nếu các nhóm khác nhiệm vụ thì yêu cầu đại diện từng nhóm trình bày. Để tránh tính ỷ lại ở học sinh, nên tôi không nhất thiết cứ gọi nhóm trưởng hoặc thư ký báo cáo kết quả, mà tôi gọi bất kỳ một thành viên nào đó trong nhóm, đại diện cho nhóm trình bày kết quả thảo luận. Nhờ vậy tôi có thể kiểm tra được sự hợp tác của các thành viên trong nhóm và hạn chế tối đa tính ỷ lại ở học sinh. Vì muốn trình bày kết quả lưu loát thì buộc tất cả các thành viên phải làm việc tích cực và phải hợp tác với nhau.

Để việc đánh giá kết quả thảo luận của các nhóm được công bằng, khách quan và chính xác, tôi luôn theo dõi kết quả làm việc của từng nhóm. Nhờ đó tôi có được thông tin phản hồi từ phía học sinh. Từ đó tôi có những nhận định đánh giá, khen, chê đúng mực để động viên, khuyến khích các nhóm cũng như cả lớp. Tôi luôn tạo ra không khí vui vẻ, cởi mở khi đánh giá kết quả thảo luận của các nhóm. Nếu có nhóm làm việc không đạt yêu cầu tôi thường nhắc nhở, tạo cơ hội cho các em vươn lên ở những hoạt động sau.

Giải pháp 7: Để khắc phục về mặt thời gian, cũng như điều kiên về cơ sơ vật chất như bàn ghế cồng kềnh chưa thuận tiện cho việc dạy học nhóm, tôi thường tổ chức cho các em hoạt động theo nhóm đôi; nhóm trong bàn [nhóm 3] hoặc nhóm 6 [bàn trên quay xuống bàn dưới].

Song để dạy – học nhóm thành công thì khi tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm người giáo viên phải tiến hành theo đúng các trình tự như:

– Chuẩn bị hệ thống câu hỏi, bài tập, đồ dùng dạy học đầy đủ;

– Chia nhóm và bầu các chức danh trong nhóm;

– Hướng dẫn cách làm việc, quy định về thời gian và kỉ luật đối với các nhóm;

– Tổ chức cho học sinh làm việc [giáo viên theo dõi các nhóm làm việc]

– Tổ chức cho các nhóm báo cáo kết quả làm việc của nhóm; đánh giá nhận xét và rút ra kết luận cho mỗi hoạt động.

Nếu khi tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm mà giáo viên bỏ qua một trong những bước trên thì kết quả đạt được sẽ không cao. Do đó mỗi khi tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm tôi luôn tuân thủ đúng theo trình tự trên. Song do thời gian của một tiết học không nhiều [khoảng 35 – 40 phút], vì vậy để tiết kiệm thời gian, vào đầu năm học tôi tổ chức cho học sinh thảo luận thường xuyên [ít nhất 1 buổi học có một hoạt động thảo luận nhóm], tùy vào nội dung của từng tiết học và tôi hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết từng bước ở những tiết đầu, những tiết sau, khi học sinh đã thành thạo cách tiến hành thì tôi chỉ việc nêu yêu cầu, các nhóm thực hiện rất nghiêm túc. Vì vậy tiết kiệm được khá nhiều thời gian mà hiệu quả lại được nâng lên một cách rõ rệt.

Video liên quan

Chủ Đề