Văn hóa con người thành phố hồ chí minh năm 2024

TCCS - Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” nhằm xây dựng văn hóa và con người toàn diện, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” từ những hoạt động thực tiễn, cụ thể

Không gian văn hóa là môi trường văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, gắn liền với một không gian, thời gian, vùng lãnh thổ hay một cộng đồng người cụ thể nào đó. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một khu vực địa lý, dân cư cụ thể mà ở đó chứa đựng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là “không gian văn hóa mang đậm những đặc trưng tính cách, tình cảm, hồn cốt của con người Thành phố Hồ Chí Minh mà ở đó, văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu, để bất cứ ai khi đến thành phố sẽ cảm nhận được đây là thành phố vinh dự được mang tên Bác kính yêu”[1]; là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, qua đó thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[2].

Các đoàn viên, thanh niên tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại phường Hiệp Phú [thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh]_Ảnh: VGP

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của Bác. Đây là nơi tổng hòa nhiều yếu tố từ vật chất đến tinh thần, nên xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” còn bao hàm việc xây dựng lối sống đạo đức, cách ứng xử đầy nghĩa tình, hướng đến mục tiêu xây dựng, giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ, trở thành người có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương, sáng tạo, năng động trong công việc và cuộc sống. Mục tiêu xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thành phố Hồ Chí Minh “là nhằm phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và trong các tầng lớp nhân dân. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển của vùng đất Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, hướng đến xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân”[3].

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”[4]. Điều đó có nghĩa là, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thành những giá trị, niềm tự hào thông qua những chương trình, công trình, việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa của Thành phố.

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là xây dựng cả văn hóa vật thể và phi vật thể, trên cơ sở gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, từ đó, củng cố các giá trị văn hóa của Thành phố, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho công cuộc, xây dựng và phát triển Thành phố.

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác triển khai, xây dựng không gian văn hóa được tiến hành rộng rãi, không chỉ dừng lại ở một phạm vi địa lý hay trong hệ thống chính trị, mà lan tỏa đến các cơ quan, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở tôn giáo, khu dân cư… Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt các không gian văn hóa với nhiều nội dung, hình thức và các hoạt động thiết thực khác nhau, có thể kể đến một số không gian, hoạt động sau:

Một là, tiến hành triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, tư liệu, sách, báo về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Bác; xây dựng Tủ sách Bác Hồ, liên kết tổ chức mô hình đường sách với đa dạng nguồn sách, tác giả, tác phẩm,…[như đường sách ở phố Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1], nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc giới thiệu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu. Các cuộc triển lãm, trưng bày này đã thu hút hàng nghìn cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân tham quan, tìm hiểu, học tập mỗi ngày.

Không chỉ vậy, nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ, đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” lên mạng qua các hình thức: bảo tàng trực tuyến, lập trang web, fanpage, trang Facebook, YouTube, Tik Tok riêng,… để chia sẻ các hình ảnh, video clip, phim tư liệu về Bác, những lời dạy của Bác cùng những gương điển hình người tốt, việc tốt... Nhờ đó, người dân trên mọi miền Tổ quốc, nhất là thanh, thiếu niên đều có thể tiếp cận, tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Ví dụ, Quận 6 đã xây dựng mô hình “Đưa thư viện điện tử vào trong cuộc sống, phục vụ bạn đọc tại khu cách ly, khu phong tỏa”. Mô hình đã giới thiệu các video clip, sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hằng tuần, có hơn 2.100 lượt truy cập vào đường link của Thư viện quận để đọc sách điện tử[5]. Tại không gian trưng bày ở Ủy ban nhân dân phường 7, quận Bình Thạnh, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã QR, người dân có thể tham quan bảo tàng trực tuyến để tìm hiểu các dữ liệu về Bác với 6 phòng, 160 hình ảnh và nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, phường cũng vận động 2.300 hộ dân tại 49 tổ dân phố thực hiện “Treo ảnh Bác Hồ” tại nơi trang nghiêm trong nhà nhằm thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[6].

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, một số đơn vị đã triển khai những công việc cụ thể, như: Tổ chức các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; ra quân tổng vệ sinh bảo vệ môi trường; tái chế sử dụng rác thải; biểu dương gương điển hình trong phong trào học tập và làm theo lời Bác; quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân…

Hai là, tiến hành rà soát, quy hoạch, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho việc kiến tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Trong thời gian này, nhiều công viên văn hóa, quảng trường văn hóa được xây dựng, như: Quảng trường Hồ Chí Minh [tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Ðức], tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi [tại Nhà Thiếu nhi Thành phố, Quận 3],… Đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động. Ngoài ra, các thiết chế văn hóa, như nhà hát, các khu di tích, khu tưởng niệm, trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao… cũng được khai thác có hiệu quả, phục vụ các hoạt động trong chương trình xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Một số hoạt động văn hóa đọc tiêu biểu được triển khai tại Quận 6, như: Phòng đọc “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” [trụ sở Ủy ban nhân dân phường 5; Trường Tiểu học Kim Đồng, phường 3]; Khu văn hóa đọc Hồ Chí Minh [trụ sở khu phố số 6, phường 13]; Tủ sách, không gian đọc sách về Hồ Chí Minh [chùa Tuyền Lâm, phường 9 và Thánh đường Hồi giáo, phường 7]; tổ chức triển lãm sách và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh [Điểm sáng văn hóa - quán cà phê sách tại phường 7]; tổ chức hội thi thiết kế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở các khu phố [phường 3]... Tại quận Tân Bình, đến nay, toàn quận đã có 48/50 đơn vị xây dựng không gian văn hóa [vật thể] với 45 địa điểm; trong đó có 39 không gian văn hóa đã khánh thành trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác.

Ba là, nghiên cứu, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thấm sâu vào đời sống xã hội và nhân dân Thành phố. Ngay sau khi phát động, hội thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1, giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang được triển khai, thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn Thành phố. Nhiều tác phẩm viết về Bác được xuất bản, tiêu biểu như tập san “Âm vang lời dạy của Người” với tuyển tập “Câu chuyện nhỏ - bài học lớn”,… Nhiều vở kịch, cải lương, bài hát dạt dào tình cảm về Bác cũng được công chiếu, biểu diễn. Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày các tác phẩm đoạt giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng thường xuyên được tổ chức ở nhiều địa điểm trong Thành phố.

Tháng 6-2022, Quận 6 đã tổ chức 40 cuộc trưng bày, triển lãm tại 14 phường, các cơ quan, đơn vị và 6 cơ sở tôn giáo trên địa bàn, với hơn 15.000 lượt người tham dự[7]. Những tác phẩm này là không gian hiện hữu làm sáng rõ thêm cuộc đời hoạt động của Bác, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người lan tỏa và thể hiện một cách rõ nét trong lao động, sản xuất, học tập, hoạt động văn học, nghệ thuật... của Thành phố.

Bốn là, nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, hội nghị góp ý, hiến kế xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Hoạt động này không chỉ được tiến hành trong hệ thống chính trị, mà được đưa xuống từng khu phố, tổ dân cư, tạo được sự lan tỏa lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Nhờ những cách làm sáng tạo mà nhiều không gian văn hóa được ra mắt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng khu phố.

Năm là, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú. Thay vì chỉ tuyên truyền bằng loa phát thanh như trước đây, thì hiện nay, tận dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều hình thức tuyên truyền mới đã ra đời. Ví dụ, phát bản tin; lập trang web; in các ấn phẩm; in câu nói, lời dạy của Bác trên các phần quà lưu niệm; tổ chức xem phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đặc biệt, nhiều nơi đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các tổ dân cư để người dân dễ dàng nắm được nội dung, quá trình xây dựng không gian văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ động, sáng tạo, đa dạng trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thành phố Hồ Chí Minh

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng, thu hút được sự tham gia đông đảo của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên toàn Thành phố. Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vẫn tồn tại một số hạn chế, như việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan chưa được chặt chẽ, hiệu quả; nhiều công trình, tác phẩm văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư thiếu quy hoạch dẫn đến lãng phí, chậm tiến độ; việc tuyên truyền ở một số nơi còn yếu khiến nhiều người dân không nắm được thông tin,…

Để xây dựng thành công “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, cũng như đẩy mạnh, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề cao vai trò của người đứng đầu trong triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cũng như trong việc gương mẫu, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, tận tụy, cống hiến hết mình cho dân, cho nước.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng và thực hành các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, nhất là hệ giá trị con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong không gian văn hóa phải có những con người văn hóa mới tạo ra sự ổn định, tốt đẹp ở tất cả các lĩnh vực. Xây dựng con người có văn hóa trong không gian văn hóa chính là xây dựng một xã hội văn minh, nơi mà tất cả mọi người được nâng cao về tri thức, văn hóa; loại bỏ những truyền thống, suy nghĩ lạc hậu, không phù hợp với hiện tại.

Thứ hai, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, trên cơ sở phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là phát huy, gìn giữ, bảo vệ, trùng tu các di tích văn hóa lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác; tăng cường sử dụng, quảng bá các tác phẩm mới về Bác; tổ chức phát động cuộc thi sáng tác và duy trì giải thưởng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố; phát triển văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức văn học - nghệ thuật; đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ, nhất là tính nhân văn trong các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa của đất nước.

Thứ ba, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, góp phần xây dựng không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa, nghệ thuật. Chú trọng kết nối thiết chế văn hóa truyền thống với những không gian văn hóa mới. Các thiết chế văn hóa cần chuyển tải được tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm sống động tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian đó và có sức lôi cuốn mọi người. Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng không gian văn hóa du lịch, thương mại, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí. Việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú gắn với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vừa phục vụ đời sống tinh thần, vừa bảo đảm đời sống vật chất đầy đủ cho nhân dân.

Thứ tư, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn, hưởng ứng phong trào xây dựng không gian văn hóa, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền; tiến hành cổ động trực tiếp tại các khu vực công cộng, nơi đông người; đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, báo chí. Xây dựng không gian văn hóa là một quá trình lâu dài nên cần tuyên truyền thường xuyên giúp người dân hiểu, từng bước thấm nhuần và thực hành các hoạt động văn hóa một cách tự giác.

Thứ năm, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần huy động rất nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng các thiết chế, hoạt động văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn Thành phố. Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân sẽ tạo sự đồng thuận cao để khi triển khai có hiệu quả. Để người dân dễ tiếp cận, cùng tham gia thì phạm vi xây dựng không gian văn hóa không chỉ dừng lại ở trong hệ thống chính trị, mà cần mở rộng xuống các doanh nghiệp, trường học, cơ sở tôn giáo, từng khu dân cư, từng nhà, từng người dân… Khi người dân thực sự được tham gia, sẽ có ý thức gìn giữ, phát huy, lan tỏa rộng rãi những điều tốt đẹp. Cần thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các không gian văn hóa gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

-----

[1] Thành Cường: “Hướng tới “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7-6-2021, //hcm.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/huong-toi-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-487052 [2] Mỹ Hạnh: “Quận ủy Quận 11: Ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8-8-2022, //www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-tu-goc-nhin-thuc-tien-o-co-so-1491895808

Chủ nhân văn hóa Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh là người nào?

Tuy nhiên, chủ nhân văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – vẫn là người Việt, vẫn là văn hoá dân tộc Việt Nam. Đó là những người Việt đến khai hoang lập ấp từ thế kỉ XVI, XVII, những người Việt “nhập cư” trong suốt tiến trình lịch sử.

Có bao nhiêu dân tộc được công nhận ở Việt Nam cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh?

Tính đến năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 53 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm 103.092 hộ với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn thành phố. Những dân tộc có quy mô số dân trên 1.000 người tại Thành phố là Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Đê và Gia Rai.

Thành phố Hồ Chí Minh còn được gọi là gì?

Thành phố Hồ Chí Minh là tên gọi chính thức từ tháng 7 năm 1976 khi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi tên từ Sài Gòn – Gia Định. Hiện nay, tên gọi Sài Gòn vẫn được dùng phổ biến và được nhắc đến như tên bán chính thức của thành phố này.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở đâu?

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10o 10' – 10o 38' vĩ độ Bắc và 1060 22'– 106054' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.

Chủ Đề