Trường trung học phổ thông chuyên lương văn tuy năm 2024

Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy xác định việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò quan trọng, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho người học.

Cô giáo Phạm Tuyết Minh, giáo viên bộ môn tiếng Anh, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, công tác chuyển đổi số được cụ thể hóa bằng ứng dụng công nghệ trong dạy học, trong quản lý và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào học tập.

Theo đó, đối với người học và người dạy, khi ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, tiếp thu kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian thông qua mô hình lớp học thông minh hiện đã được áp dụng trong nhà trường.

Trong kiểm tra, đánh giá việc số hóa học liệu, bài giảng (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, lớp học ảo đã mang lại sự tương tác nhanh chóng, tích cực trong học tập, giúp học sinh chủ động hơn trong việc tìm tòi tài liệu. Đây là môi trường học tập mở, giúp học sinh tự học, tự nghiên cứu, hướng đến "học tập suốt đời".

Trong công tác quản lý, chuyển đổi số đã giúp nhà trường linh hoạt chuyển đổi từ mô hình lớp học tập trung sang các mô hình dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng khác nhau của bậc học, tiến trình số hóa và chuyển đổi số trong các trường phổ thông vẫn chỉ đang ở mức tương đối, chưa phát huy toàn diện hiệu quả.

Hiện nay, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy đã quản lý, điều hành văn bản bằng hệ thống I-Office; quán triệt toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động làm quen, sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook, email công vụ để kịp thời nhận nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi không phải đến từng lớp để kiểm tra như trước đây. Lãnh đạo, quản lý của nhà trường chỉ cần thao tác trên máy vi tính cá nhân là đã có thể theo dõi tình hình học tập của 1.200 học sinh và 124 cán bộ, giáo viên tại trường.

Trong công tác quản lý thi, Ban Giám hiệu nhà trường đã tiến hành triển khai áp dụng phần mềm quản lý công tác thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, các kỳ thi bán kỳ, cuối học kỳ, thi học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh...

Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cũng đã đầu tư phủ sóng wifi để học sinh, giáo viên thuận tiện khi sử dụng các thiết bị thông minh trong dạy và học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá cũng liên tục được đổi mới. Nhà trường đã chính thức triển khai chấm kiểm tra trên máy tính ở tất cả môn thi trắc nghiệm từ 4 năm gần đây.

Bên cạnh chú trọng công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động học tập nhằm nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học, bảo đảm ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học.

Trường trung học phổ thông chuyên lương văn tuy năm 2024
Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, các tổ bộ môn của trường thường xuyên trao đổi, thống nhất phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.

Hiện 100% giáo viên trong trường và các phòng bộ môn đều có hệ thống máy tính kết nối mạng và nhà trường đã ứng dụng các phần mềm trong quản lý hồ sơ học sinh edu.vn, smas, edu one, hồ sơ cán bộ giáo viên nhân viên, temmis, quản lý cơ sở vật chất, phần mềm kế toán trường học, phần mềm quản lí thư viện nhà trường…

Trong năm học mới 2023-2024, nhà trường sẽ tiến hành thử nghiệm sử dụng phần mềm ký học bạ điện tử cho học sinh khối 10, xây dựng kho học liệu số, học liệu điện tử toàn trường thông qua việc xây dựng kho bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi cho các môn học trong toàn trường.

Đối với giáo viên, xác định mỗi giáo viên luôn phải ở vị trí tiên phong, là người trực tiếp giảng dạy, so với những giờ học truyền thống thì giờ dạy học chuyển đổi số khiến học sinh hứng thú và tập trung hơn.

Cô giáo Phạm Tuyết Minh, giáo viên bộ môn tiếng Anh chia sẻ: Với giờ dạy tiếng Anh, khi ứng dụng dạy học trên Microsoft team, tôi phải chuẩn bị nhiều hơn khi thực hiện soạn bài với nội dung ngắn gọn, trọng tâm bài học trên nên tảng công nghệ và đăng tải nội dung lên tường của lớp dạy ít nhất 1 ngày trước khi có tiết dạy, để học sinh tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trước khi vào buổi học ngày hôm sau.

"Qua đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tạo sự hứng thú cho học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động của các em trong quá trình tiếp thu bài giảng. Thông qua bài dạy áp dụng công nghệ số, học sinh ở các mức độ, tư chất khác nhau đều có thể tiếp cận và nhận thức cũng như tham gia vào bài giảng tích cực. Trong và cuối mỗi bài giảng, giáo viên có thể kiểm tra mức độ nhận thức bài giảng mà mình vừa truyền đạt. Đây là điểm khác biệt để bứt phá về chất lượng mà giờ học truyền thống trước đây không triển khai được. Với việc áp dụng công nghệ vào dạy học, tôi cũng thấy rằng, số lượng học sinh yêu thích môn tiếng Anh ở các lớp do tôi dạy tăng lên. Cùng với đó là số lượng học sinh truy cập và tìm hiểu nghiên cứu, làm bài, nộp bài trực tuyến, tìm kiếm học liệu liên quan đến nội dung bài học tăng lên..." - cô giáo Phạm Tuyết Minh khẳng định.

Như vậy, để triển khai ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy và hướng dẫn học sinh học tập thì giáo viên phải giữ vai trò tiên phong. Do đó, mỗi giáo viên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục, bằng việc nâng cao nhận thức, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục, hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số mà cụ thể là trong từng hoạt động học, từng tiết dạy. Đồng thời chú trọng triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử, giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành, phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn.

Chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo. Trong đó, cần xác định rõ, việc chuyển đổi số quan trọng nhất không phải hoàn toàn là công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí, mà quan trọng hơn cả chính là quyết tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ giáo viên trong các nhà trường.