Trọng tài thương mại quốc tế tiếng anh là gì

04[83]/2014

Mục lục

  • 1.Xét thấy
  • 2.Bình luận
  • 3.Tài liệu tham khảo

NGÔN NGỮ TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI*

04[83]/2014 - 2014, Trang 65-73

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share
    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Khác với tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân, các bên được thỏa thuận về ngôn ngữ trong tố tụng trọng thương mại trong nhiều trường hợp và thỏa thuận này ràng buộc các bên cũng như Trọng tài. Khi các bên không thực hiện quyền chọn ngôn ngữ cho tố tụng, Trọng tài sẽ quyết định việc này và có thể sử dụng cả ngôn ngữ khác ngôn ngữ đã xác định trong hồ sơ hay trong phán quyết của mình.


ABSTRACT:

Different from the civil procedure at the Peoples Court, parties to an arbitral disputes may agree on the language used in commercial arbitration procedure in various circumstances. The parties and arbitrators are bound by this agreement. In the event the parties do not decide on the language to be used in arbitration procedure, the arbitrators are entitled to make such decision. Arbitrators may use a language that is different from the language of the arbitration dossiers or of their arbitral award.

TỪ KHÓA: không có,
KEYWORDS: no,
Trích dẫn:
×
PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI*, NGÔN NGỮ TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 04[83]/2014, Trang 65-73

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=7383a6bc-8eb5-4ac5-a14f-4160b31690e7

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký
Bài viết đã được lưu vài tài khoản.
×
Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Quyết định số 04/2006/QĐPT ngày 6/1/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội

XÉT THẤY:

1. Tại điểm 7, Điều 49 Pháp lệnh về Trọng tài thương mại đã quy định: Các bên có quyền thỏa thuận về sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt.

Thực hiện quyền này, giữa Summit và Nghệ An đã thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán số SPA/UREA/VTN-627/2004 ngày 25-8-2004 là: Mọi thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh.

Việc Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam hỏi các bên về việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp của Hội đồng trọng tài, thì không thể coi là Summit đã đồng ý việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp ngày 6-5-2005 của Hội đồng trọng tài. Vì chính trong Phán quyết của Hội đồng trọng tài đã thể hiện: Phía bị đơn: vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Và, tại Biên bản phiên họp ngày 6-5-2005 cũng phản ánh: Bên Bị không có mặt đại diện ủy quyền hợp pháp tại đây [điểm 6.]. Việc bà Hương [người tham dự] đã ký vào Biên bản về việc sử dụng ngôn ngữ tại phiên họp giải quyết vụ kiện số 27/04 là người không được ủy quyền. Do đó, Hội đồng trọng tài đã vi phạm Điều 49 Pháp lệnh về trọng tài thương mại.

2. Về việc Hội đồng trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong khi bị đơn [có đơn kiện lại] vắng mặt, thì thấy: Sau khi ông Nam - người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Summit, xin hoãn phiên họp ngày 6-5-2005 với lý do có 2 giấy triệu tập của Tòa án vào ngày 5 và 6-5-2005 nhưng đã không được Hội đồng trọng tài chấp nhận, thì ông Nam đã có văn bản xin khước từ làm đại diện cho Summit tại phiên họp 6-5-2005 để tham gia phiên tòa của Tòa án. Đồng thời, Summit có văn bản đề nghị hoãn vì không kịp ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp ngày 6-5-2005. Như vậy, những lý do xin hoãn phiên họp ngày 6-5-2005 từ phía Summit là có lý do chính đáng. Hội đồng trọng tài đã tổ chức phiên họp vắng mặt bị đơn là vi phạm Điều 40 và Điều 29 Pháp lệnh về trọng tài thương mại.

3. Hơn nữa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi Biên bản nghị án chỉ có hai Thẩm phán ký tên. Theo quy định của Pháp lệnh về trọng tài thương mại thì Tòa án cấp phúc thẩm không được hủy Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy vậy, với những vi phạm tố tụng trọng tài nêu trên đã đủ cần thiết phải sửa toàn bộ Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để hủy Quyết định trọng tài thương mại. Và, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Tòa án.

Căn cứ vào khoản 2, Điều 56; khoản 3, khoản 5, Điều 54 và Điều 58 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 08/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25-2-2003 về Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào điểm d và đ, khoản 1, Điều 14 Nghị định của Chính phủ số 25/2004/NĐ-CP ngày 15-1-2004,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Sửa toàn bộ Quyết định xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài thương mại số 03/KDTM-ST ngày 29-7-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

2. Hủy Quyết định trọng tài thương mại [Phán quyết trọng tài về vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An, Việt Nam và Công ty Summit Singapore] của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, tổ chức phiên xét xử ngày 6-5-2005 và tuyên bố phán quyết vào ngày 31-5-2005.

3. Công ty Summit Singapore phải chịu lệ phí Tòa án liên quan đến Trọng tài như sau: [].

4. Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Quyết định số 05/2012/QĐST-TTTM ngày 06/12/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội

Xét các lý do đề nghị hủy phán quyết trọng tài của Công ty Phú Thịnh, HĐXX thấy:

- Về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài:

Khoản 2 Điều 10 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định: 2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhật một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.

Hợp đồng số VS11-296 ngày 04/7/2011 ký kết giữa hai bên không thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng khi xảy ra tranh chấp.

Tại phán quyết trọng tài vụ kiện số 30/11 được công bố ngày 10/07/2012 áp dụng Điều 10.2 Luật trọng tài thương mại năm 2010, Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài cụ thể như sau:

+ Ngôn ngữ tại phiên tòa giải quyết vụ tranh chấp là tiếng Việt;

+ Ngôn ngữ thể hiện ở phán quyết trọng tài là tiếng Việt;

+ Hội đồng trọng tài chấp nhận ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ, tài liệu do các bên đệ trình cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh và không yêu cầu dịch thuật hồ sơ, tài liệu ra tiếng Việt trừ phi các hồ sơ tài liệu đó được thể hiện bằng các ngôn ngữ khác không phải là tiếng Anh và/hoặc tiếng Việt [nếu có].

Căn cứ theo quy định viện dẫn nêu trên thì việc Hội đồng trọng tài lựa chọn ngôn ngữ giải quyết trong tố tụng trọng tài theo như phán quyết số 30/11 được công bố ngày 10/07/2012 là có căn cứ. Do vậy Hội đồng xét phiên họp không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của Công ty Phú Thịnh.

- Về vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy:

Căn cứ Điều 2 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định: Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài.

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Hợp đồng số VS11-296 ngày 04/7/2011 ký giữa nguyên đơn và bị đơn về việc mua bán hàng hóa là 42 tấn cao su gồm 1.260 bánh đóng trong 02 containers 20 feet, giao hàng theo điều kiện CIF Qingdao, Trung Quốc, Incoterms 2010, giá trị lô hàng 191.100 USD. Tại Điều 6 Hợp đồng số VS11-296 ngày 04/7/2011 quy định: Nếu phát hiện chất lượng, quy cách phẩm chất, số lượng, trong lượng hoặc bao bì đóng gói không phù hợp với Hợp đồng thì Người mua sẽ thông báo cho Người bán biết và Người mua có quyền khiếu nại Người bán dựa trên cơ sở Giấy chứng nhận giám định do một cơ quan giám định độc lập có uy tín cấp trong vòng 30 ngày kể từ khi hàng đến cảng đích, các bên cũng thỏa thuận rằng Người bán sẽ không chịu trách nhiệm về hư hỏng tổn thất nếu do nguyên nhân thuộc trách nhiệm của chủ tàu hoặc người bảo him.

Theo Điều 34 Luật thương mại năm 2005: người bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.

Căn cứ Điều 7 Hợp đồng mua bán số VS11-296 ngày 04/7/2011: Tất cả các tranh chấp phát sinh từ việc tiến hành có liên quan đến hợp đồng này, thì phải được giải quyết thông qua thương lượng. Trong trường hợp giải quyết không thể đạt được thông qua thương lượng, thì trường hợp này sau đó phải được trình nộp đến Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật đó.

Khi hàng đến cảng thì phát hiện thiếu hàng theo thỏa thuận của 2 bên trong Hợp đồng. Công ty Ningbo khởi kiện Công ty Phú Thịnh tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam do không giao hàng đầy đủ theo quy định của Hợp đồng là phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật trọng tài thương mại năm 2010 và thỏa thuận của các bên tại Điều 7 của Hợp đồng mua bán số VS11-296 ngày 04/7/2011. Do đó Hội đồng xét phiên họp không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của Công ty Phú Thịnh.

- Về phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam:

Khoản 4 Điều 71 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết.

Căn cứ những lý do như Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thương mại của Công ty Phú Thịnh cho rằng Phán quyết trọng tài đã vi phạm Điều 4, Điều 5 Bộ luật dân sự; khoản 1, 2, 3 Điều 4 Luật trọng tài thương mại năm 2010; Điều 13 Luật thương mại năm 2005, HĐ xét xử thấy: Những lý do nêu trong đơn yêu cầu của Công ty Phú Thịnh là vấn đề nội dung của vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo khoản 4 Điều 71 Luật trọng tài thương mại năm 2010.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thụ lý giải quyết và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Ningbo là có căn cứ. Vì vậy, cần giữ nguyên Phán quyết trọng tài vụ kiện số 30/11 được công bố ngày 10/07/2012 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Về án phí [].

Từ những nhận định trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 340, Điều 341 của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011;

Căn cứ Điều 3, Điều 10, Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72 Luật trọng tài thương mại năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Bác đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ kiện số 30/11 do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam công bố ngày 10/7/2012 của Công ty Phú Thịnh.

2. Giữ nguyên Phán quyết trọng tài vụ kiện số 30/11 được công bố ngày 10/07/2012 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

BÌNH LUẬN

1. Dẫn nhập. Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng luôn là một vấn đề không thể thiếu cho dù đó là tố tụng dân sự tại Tòa án hay đó là tố tụng tại trọng tài thương mại. Ngôn ngữ của trọng tài có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn luật sư và trọng tài viên, hiệu quả của chứng cứ, sự phức tạp trong thẩm định, sự cần thiết phải dịch tài liệu và những vấn đề tương tự[1].

Tuy nhiên, nội dung các quy định về ngôn ngữ trong hai tố tụng này khá khác nhau ở Việt Nam. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại nhưng có đối chiếu với tố tụng dân sự tại Tòa án để làm rõ những quy định về chủ đề này trong pháp luật trọng tài thương mại.

Thông qua bài bình luận, chúng ta sẽ thấy trong nhiều trường hợp các bên được lựa chọn ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài và, trong trường hợp các bên không lựa chọn ngôn ngữ tố tụng, Trọng tài có vai trò không nhỏ trong việc xác định ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại.

I- Trường hợp các bên thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài

2. Ngôn ngữ trong tố tụng dân sự.Các bên trong tranh chấp có được lựa chọn ngôn ngữ cho tố tụng giải quyết tranh chấp không? Trong đoạn sau, chúng ta sẽ thấy pháp luật Việt Nam cho phép các bên lựa chọn ngôn ngữ trong nhiều trường hợp nếu tranh chấp được đưa ra giải quyết tại Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, trước khi trình bày về ngôn ngữ tại tố tụng trọng tài, chúng ta cùng điểm qua quy định hiện hành về ngôn ngữ trong tố tụng dân sự tại Tòa án [để hiểu rõ hơn các quy định trong tố tụng trọng tài]. Theo Điều 20 BLTTDS hiện hành, tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.Như vậy, về nguyên tắc, tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng dân sựlàtiếng Vit[2]vàmt tàiliệu đã khẳng định đây là sự cụ thể hóa nguyên tắc hiến định[3]. Quy định này ràn g buộ c cơ quan tố tụng cũng như các đương sự tham gia tố tụng với một số hệ quả quan trọng sau:

Thứ nhất, trong trường hợp có người gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt mà họ sử dụng ngôn ngữ khác trong quá trình tố tụng thì phải có sự tham gia tố tụng của người phiên dịch để dịch ngôn ngữ đó ra tiếng Việt và ngược lại[4]. Cụ thể, ngay tại phiên hòa giải, cần có người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt [khoản 5 Điều 184 BLTTDS hiện hành] và đến khi tuyên án thì trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết [Điều 239 BLTTDS hiện hành].

Thứ hai, đương sự giao nộp cho Tòaán chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp [khoản 3 Điều 84 BLTTDS].Với quy định này, nếu đương sự chưa gửi kèm bản dịch tài liệu, chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp thì Toà án không nhận tài liệu, chứng cứ đó[5]và nếu Tòa án chấp nhận những chứng cứ, tài liệu chưa được dịch sang tiếng Việt thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chẳng hạn, theo một quyết định giám đốc thẩm năm 2012, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ quan trọng do các đương sự cung cấp đều là những bản sao nhưng không có công chứng, chứng thực hợp pháp như Hợp đồng ủy thác nhập khẩu hàng hóa số 05/2004/HĐ ngày 15/9/2004, các Hợp đồng mua bán hàng hóa với bên nước ngoài [nhập khẩu hàng hóa] số NOR 658/04 ngày 15/09/2004 [L/C số 0996]; NOR 663/04 ngày 07/10/2004 [L/C số 1109] và CC-041056 ngày 27/10/2004 [L/C 1227]. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu, biên lai thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, các tài liệu liên quan đến giao nhận hàng hóa, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mang tên bà Đỗ Thị Hoàng Oanh và các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng nước ngoài như hợp đồng và các tài liệu liên quan đến việc mua hàng hóa với bên nước ngoài [nhập khẩu hàng hóa], mở các L/C nêu trên cũng không được dịch sang tiếng Việt, không có công chứng, chứng thực hợp pháp giải quyết vụ án là vi phạm quy định tại khoản 1 và 3 Điều 84 BLTTDS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại tiểu mục 2.1 mục 2 và mục 3 phần II Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/09/2005[6]

3. Quyền thỏa thuận ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Theo khoản 7 Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 về Giải quyết vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, các bên có quyền thỏa thuận về sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt.

Khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về Ngôn ngữ quy định đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. So với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng trường hợp theo đó các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Hội đồng trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam [VIAC] đã chấp nhận ngôn ngữ do các bên thỏa thuận khi tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ, năm 2012 VIAC đã thụ lý vụ tranh chấp giữa Công ty Mỹ Phẩm S. Việt Nam và Công ty Thủy Lộc. Giữa các bên có một Hợp đồng và tại Điều 13.3 các bên thỏa thuận tất cả các thủ tục trọng tài được thực hiện bằng tiếng Anh. Ở đây, Công ty Thủy Lộc là công ty Việt Nam còn Công ty Mỹ Phẩm S. Việt Nam là công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên việc thỏa thuận lựa chọn tiếng Anh cho tố tụng trọng tài là phù hợp với Luật Trọng tài thương mại năm 2010[7].

Trong hai vụ việc được bình luận, tranh chấp đều có ít nhất một bên là doanh nghiệp nước ngoài [Công ty Summit là công ty của Singapore và Công ty Ningbo là công ty của Trung Quốc] nên, theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 cũng như Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các bên được quyền thỏa thuận về ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Trong vụ việc thứ nhất, chúng ta đã thấy các bên thỏa thuận Mọi thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh và thỏa thuận này phù hợp với pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại như đã trình bày ở trên.

4. Giá trị pháp lý của thỏa thuận về ngôn ngữ tố tụng. Như vậy, tố tụng trọng tài rất khác tố tụng dân sự tại Tòa án về ngôn ngữ: Trong tố tụng dân sự, chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng chính thức,còntrong ttng trng tàithương mi, trong nhiu trường hp ngônngtrong ttng do cácbênđịnhđot vàkhông nht thiết làtiếng Vit[8]. Khi các bên định đoạt hợp pháp về ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài, thỏa thuận này ràng buộc các bên cũng như Trọng tài với những hệ quả rất quan trọngvàvvic thnht cho thy rõđiu này.

Trong vụ việc này, các bên đã thỏa thuận chọn tiếng Anh, nhưng khi Công ty Summit vắng mặt tại phiên giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài đã chuyển sang sử dụng tiếng Việt mà không có sự đồng ý của phía Công ty Summit. Do đó, Tòa án xem xét hủy phán quyết [quyết định] trọng tài đã khẳng định Hội đồng trọng tài đã vi phạm Điều 49 Pháp lệnh về trọng tài thương mại. Về hệ quả của việc vi phạm, Tòa án đã theo hướng hủy Phán quyết trọng tài về vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An, Việt Nam và Công ty Summit Singapore. Khi hủy phán quyết trọng tài, Tòa án đã căn cứ vào khoản 3 Điều 54 Pháp lệnh Trọng tài thương mại theo đó Căn cứ để hy quyếtđịnh trng tàiTòaánra quyếtđịnh hy quyếtđịnh trng tàinếu bênyêucu chng minhđược rng Hiđồng Trng tàiđãra quyếtđịnh trng tàithuc mt trong cáctrường hp sauđây:tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên[9].

Nếu hoàn cảnh tương tự xảy ra và cần phải áp dụng Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì kết quả cũng tương tự vì pháp luật không có sự thay đổi về chủ đề này. Cụ thể, chúng ta có thể khẳng định Hội đồng trọng tài vi phạm khoản 2 Điều 10 nêu trên. Đồng thời, trên cơ sở điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo đó Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên, Tòaán hoàn toàn có thể hủy phán quyết trọng tài nếu có yêu cầu. Đây là điểm mà các chủ thể tham gia vào tố tụng trọng tài, nhất là Hội đồng trọng tài, cần lưu ý để phán quyết không bị hủy. Lưu ý thêm rằng hướng giải quyết vừa nêu không phải là đặc thù của Việt Nam mà cũng được ghi nhận rộng rãi ở nước ngoài và, trong cuốn chuyên khảo của mình về trọng tài thương mại quốc tế, một tác giả đã viết rằng các bên thảo thuận [thông qua thỏa thuận trọng tài của họ] ngôn ngữ cho trọng tài, thỏa thuận này ngầm mở rộng cho cả phán quyết trọng tài. Khi các bên không thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho trọng tài, Tòa án trọng tài làm việc này và thường ngầm hiểu bao gồm cả ngôn ngữ của phán quyết trọng tài. Trong mọi trường hợp, việc không sử dụng ngôn ngữ được yêu cầu cho phán quyết có thể là một lỗi về hình thức và là căn cứ để hủy hay không công nhận phán quyết[10].

5. Nhận xét bổ sung. Liên quan đến việc thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài thương mại, xin có thêm một số lưu ý sau:

Thứ nhất, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài nhưng không cho biết thời điểm các bên được thỏa thuận về chủ đề này nên các bên được quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài ở bất kỳ thời điểm nào. Trong các vụ việc nêu trên, chúng ta thấy các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài vào thời điểm các bên xác lập hợp đồng có tranh chấp. Tuy nhiên, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài ở thời điểm các bên có tranh chấp. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp các bên thỏa thuận ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài ở thời điểm xác lập hợp đồng [tiếng Anh] nhưng, khi có tranh chấp, các bên lại theo hướng chọn một ngôn ngữ khác là tiếng Pháp và Hội đồng trọng tài đã sử dụng tiếng Pháp cho tố tụng trọng tài. Các quy định của pháp luật Việt Nam cho phép các bên thỏa thuận như trên về ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài.

Thứ hai, một số chuyên gia ở nước ngoài đã từng khẳng định trọng tài được diễn ra trong một ngôn ngữ hay nhiều ngôn ngữ mà các bên đã lựa chọn và có thể xảy ra trường hợp trọng tài được điều hành cùng một lúc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau[11]. Như vậy, theo các chuyên gia này, các bên có thể thỏa thuận một hay nhiều ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Pháp luật của chúng ta không khẳng định rõ là các bên được lựa chọn nhiều ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài nhưng với nội dung ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận, khoản 2 Điều 10 Luật trọng tài thương mại năm 2010 không cấm các bên thỏa thuận chọn nhiều ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Chẳng hạn, trên cơ sở quy định vừa nêu, các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài là tiếng Anh nhưng bổ sung thêm rằng phán quyết trọng tài được viết bằng tiếng Anh và bằng tiếng Việt [để thuận lợi cho việc công nhận hay việc thi hành phán quyết trọng tài].

II- Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài

6. Thuộc thầm quyền của Trọng tài. Đối với những trường hợp pháp luật cho phép các bên thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài, thường xuyên gặp trường hợp các bên không có thỏa thuận về chủ đề này. Trong vụ việc thứ hai được bình luận, các bên được quyền lựa chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài nhưng, như Tòa án đã nêu, các bên không thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng khi xảy ra tranh chấp.

Đối vi hoàncnhnhư trên, pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi khá lớn. Theo khoản 7 Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Điều đó có nghĩa là ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và hướng này có ưu điểm là có tính dự báo cao: Các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài thì các bên cũng như Trọng tài biết ngay rằng tố tụng sẽ được triển khai bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, đến Luật Trọng tài năm 2010, chúng ta đã theo hướng trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định [khoản 2 Điều 10]. Ở đây, Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài và hướng này có tính dự báo không cao vì các bên cũng như Trọng tài chưa biết được ngay ngôn ngữ tố tụng trọng tài và thực tiễn đã xảy ra trường hợp nguyên đơn nộp đơn khởi kiện bằng tiếng Anh nhưng bị đơn yêu cầu bằng tiếng Việt và Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ bằng tiếng Việt.Hướng thayđổi như trênlàmcho pháplut Vit Nam gn gũi vi pháplut cácnước trênthế gii. Bi lẽ, trong trường hp cácbênkhông tha thun vngônngcho trng tài, phn lncác hệ thống quy định rõ cho phép Tòa án trọng tài lựa chọn một ngôn ngữ hay nhiều ngôn ngữ cho trọng tài và trong ít trường hợp cá biệt, pháp luật quốc gia có thể áp đặt sử dụng ngôn ngữ địa phương[12].

Trước việc các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài ở vụ việc thứ hai, Hội đồng Trọng tài đã thực hiện thẩm quyền của mình trong việc xác định ngôn ngữ tố tụng. Cụ thể, Hội đồng Trọng tài đã xác định Ngôn ngữ tại phiên tòa giải quyết vụ tranh chấp là tiếng Việt và Ngôn ngữ thể hiện ở phán quyết trọng tài là tiếng Việt. Việc xác định này là phù hợp với quy định nêu trên và Tòa án cũng theo hướng này khi xét rằng việc Hội đồng Trọng tài lựa chọn ngôn ngữ giải quyết trong tố tụng trọng tài theo như phán quyết số 30/11 được công bố ngày 10.07.2012 là có căn cứ.

7. Sử dụng trực tiếp ngôn ngữ khác ngôn ngữ tố tụng. Trong vụ việc thứ hai được bình luận, chúng ta thấy xuất hiện vấn đề về phạm vi thẩm quyền của Hội đồng trọng tài liên quan đến ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Trong vụ việc này, Hội đồng trọng tài còn xác định chấp nhận ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ, tài liệu do các bên đệ trình cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh và không yêu cầu dịch thuật hồ sơ, tài liệu ra tiếng Việt trừ phi các hồ sơ tài liệu đó được thể hiện bằng các ngôn ngữ khác không phải là tiếng Anh và/hoặc tiếng Việt [nếu có]. Nội dung như vậy rất phổ biến trong tố tụng trọng tài và, để cho thấy điều này, xin dẫn một đoạn trong trong một phán quyết của VIAC được tuyên vào tháng 3 năm 2014 liên quan đến tranh chấp mà Bị đơn là một doanh được thành lập theo pháp luật Việt Nam nhưng Nguyên đơn là một Công ty được thành lập tại Tây Ban Nha. Cụ thể, trong phán quyết có đoạn: Tại Đơn khởi kiện, Nguyên đơn sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh nhưng đề nghị Ngôn ngữ trọng tài: tiếng Việt và Bị đơn không thể hiện mong muốn sử dụng một ngôn ngữ khác. Tại Phiên họp giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài có trao đổi với các Bên [Bị đơn vắng mặt] bằng tiếng Anh về ngôn ngữ tố tụng trọng tài và Nguyên đơn vẫn yêu cầu sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ tố tụng trọng tài. Do đó, căn cứ Điều 10 Luật TTTM, khoản 2 Điều 21 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC, Hội đồng Trọng tài quyết định ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài Vụ kiện số 31/2013 HCM là tiếng Việt. Tuy nhiên, Nguyên đơn và Bị đơn đều sử dụng tiếng Anh để xác lập hợp Hợp đồng cũng như trao đổi với nhau liên quan đến Hợp đồng nên trên cơ sở khoản 3 Điều 21 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC, đối với tài liệu bằng tiếng Anh, Hội đồng Trọng tài không yêu cầu phải dịch sang tiếng Việt còn, đối với tài liệu bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt và tiếng Anh, Hội đồng chỉ chấp nhận sử dụng nếu có bản dịch sang tiếng Việt hay tiếng Anh. Tuy nhiên, hướng nêu trên đã bị một bên phản đối trong giai đoạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ở vụ việc thứ hai được bình luận. Cụ thể, theo Công ty Phú Thịnh, Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ tại Phiên họp giải quyết tranh chấp là tiếng Việt; ngôn ngữ thể hiện tại Phán quyết trọng tài là tiếng Việt, chấp nhận trong hồ sơ cả tiếng Anh và tiếng Việt. Điều này là trái với quy định. Thực ra, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trên cơ sở nêu trên là không thuyết phục vì trong tố tụng trọng tài, tài liệu và chứng cứ các bên đưa ra không nhất thiết phải dịch sang cùng một thứ tiếng[13] và, trên cơ sở khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Tòa án đã khẳng định việc Hội đồng trọng tài lựa chọn ngôn ngữ giải quyết trong tố tụng trọng tài theo như phán quyết số 30/11 được công bố ngày 10.07.2012 là có căn cứ. Như vậy, khi Hội đồng Trọng tài quyết định ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài thì không nhất thiết phải dịch các tài liệu bằng ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ đã được lựa chọn cho tố tụng trọng tài và đây là điểm khác biệt rất lớn so với tố tụng dân sự tại Tòa án vì chúng ta đã thấy, trong tố tụng dân sự tại Tòa án, cần phải dịch các tài liệu bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Hướng giải quyết nêu trên của Tòa án cần được duy trì và phát triển cho các hoàn cảnh tương tự, làm cho pháp luật nước ta gần gũi với pháp luật nước ngoài về ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài và một bản án của Tòa thượng thẩm Paris năm 2005 cho thấy điều vừa nêu. Ở trong bản án này, ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài là tiếng Pháp và một bên đã yêu cầu dịch sang tiếng Pháp tài liệu bằng tiếng Anh trong hồ sơ do bên kia cung cấp nhưng Trọng tài đã từ chối yêu cầu dịch tài liệu sang tiếng Pháp. Sau này, bên bị từ chối đã yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do ngôn ngữ tố tụng trọng tài là tiếng Pháp và họ bị từ chối yêu cầu dịch tài liệu bằng tiếng Anh sang tiếng Pháp. Cuối cùng, Tòa thượng thẩm Paris đã từ chối yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do Trọng tài không có nghĩa vụ bác bỏ một tài liệu được soạn bằng ngôn ngữ khác ngôn ngữ của tố tụng hay yêu cầu bản dịch và theo hồ sơ của các bên thì các bên đã trao đổi bằng tiếng Anh trong toàn bộ quá trình thương lượng và tố tụng trọng tài, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh rất quen thuộc với các bên tới mức họ không cần phải dịch các tài liệu soạn bằng tiếng Anh trước khi chuyển cho Tòa án trong khuôn khổ của yêu cầu hủy phán quyết trọng tài[14].

8. Trích đoạn tài liệu gốc trong phán quyết trọng tài. Trong vụ việc thứ hai được bình luận, Công ty Phú Thịnh còn cho rằng phán quyết thuộc trường hợp bị hủy vì Phán quyết trọng tài ngày 10/7/2012 thì ngôn ngữ sử dụng không chỉ là tiếng Việt mà gồm cả tiếng Anh như phần tóm tắt vụ việc [đoạn 1-trang 3-dòng 14; đoạn 2-trang 4-dòng 3,4; đoạn 19-trang 11-dòng 13 của phán quyết trọng tài.

Việc Phán quyết trọng tài trích đoạn tài liệu gốc bằng tiếng khác [như tiếng Anh] tiếng của tố tụng [như tiếng Việt] như phán quyết trong vụ việc thứ hai là rất phổ biến. Trong vụ việc được trích dẫn bổ sung ở trên [Nguyên đơn là một công ty Tây Ban Nha], hợp đồng được lập bằng tiếng Anh và có thỏa thuận trọng tài bằng tiếng Anh nên Hội đồng đã trích dẫn nội dung thỏa thuận trọng tài bằng tiếng Anh nguyên văn như các bên đã thỏa thuận có kèm theo bản dịch sang tiếng Việt [ngôn ngữ của tố tụng trọng tài]. Thực trạng này rất khác với tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân như đã thấy ở phần trên nhưng rất bình thường trong tố tụng trọng tài.

Do đó, yêu cầu nêu trên của Phú Thịnh là không thuyết phục và hướng của Tòa án hoàn toàn hợp lý khi dựa vào khoản 2 Điều 10 Luật trọng tài thương mại năm 2010 để khẳng định việc Hội đồng trọng tài lựa chọn ngôn ngữ giải quyết trong tố tụng trọng tài theo như phán quyết số 30/11 được công bố ngày 10.07.2012 là có căn cứ. Hướng này cần được duy trì và phát triển cho các hoàn cảnh tương tự như trong vụ việc thứ hai.

9. Đảm bo quyn li cho cácbên.Chúng ta thấy, theo pháp luật hiện hành, Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ sử dụng cho tố tụng trọng tài khi các bên không có thỏa thuận về vấn đề ngôn ngữ và Hội đồng Trọng tài được quyền sử dụng trực tiếp tài liệu bằng ngôn ngữ khác mà không yêu cầu dịch sang ngôn ngữ của tố tụng.

Hướng nêu trên giúp đẩy nhanh tiến độ tố tụng và giảm thiếu chi phí tố tụng nhưng có thể ảnh hưởng đến lợi íchcủa một hay các bên nếu bên này không thể tự hiểu các tài liệu bằng thứ tiếng khác ngôn ngữ tố tụng trọng tài. Trong trường hợp này, cần áp dụng nguyên tắc theo đó các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình [khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài]. Do đó, các Hội đồng Trọng tài cần lưu ý yếu tố vừa nêu khi quyết định không dịch tài liệu bằng ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ của tố tụng trọng tài [tức khi sử dụng trực tiếp tài liệu bằng ngôn ngữ khác ngôn ngữ tố tụng]. Trong vụ việc thứ hai được bình luận cũng như một phán quyết khác được trích dẫn ở trên [mà Nguyên đơn là công ty Tây Ban Nha], Hội đồng trọng tài sử dụng tiếng Việt cho tố tụng trọng tài nhưng không buộc dịch tài liệu bằng tiếng Anh sang tiếng Việt và hoàn toàn không vi phạm khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 vì tiếng Anh là tiếng mà các bên trong tranh chấp đều biết [họ đã xác lập hợp đồng có tranh chấp và trao đổi với nhau bằng tiếng Anh].

Trong trường hợp một bên không thể tự hiểu tài liệu bằng ngôn ngữ khác ngôn ngữ tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài cần buộc bên cung cấp dịch sang tiếng của ngôn ngữ của tố tụng, nếu không làm như vậy thì có nhiều nguy cơ Hội đồng Trọng tài bị coi là vi phạm khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài[15]. Trong vụ việc được trích dẫn bổ sung ở trên, Nguyên đơn là một công ty của Tây Ban Nha và trong hồ sơ có cả tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha [bên cạnh tiếng Anh và tiếng Việt] nhưng không có thông tin nào cho phép khẳng định Bị đơn [Việt Nam] có thể trao đổi bằng tiếng Tây Ban Nha nên Hội đồng Trọng tài đã xét rằng còn, đối với tài liệu bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt và tiếng Anh, Hội đồng chỉ chấp nhận sử dụng nếu có bản dịch sang tiếng Việt hay tiếng Anh. Thận trọng này là cần thiết và những người tham gia tố tụng trọng tài nên biết để không bị coi là vi phạm khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nêu trên.

* PGS.TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh. Trọng tài viên - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam [VIAC].

[1]Gary B. Born, International commercial arbitration, Volume II, Nxb. Wolters Kluwer 2009, tr. 1807.

[2]Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa [chủ biên], Bình luận khoa học BLTTDS sửa đổi, Nxb. Lao động-Xã Hội 2012, tr. 67.

[3]Nguyễn Đức Mai [chủ biên], Bình luận khoa học BLTYDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, Nxb. CTQG 2012, tr. 44.

[4]Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa [chủ biên], Sđd, tr. 67.

[5]Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa [chủ biên], Sđd, tr. 71.

[6]Quyết định số 16/2010/KDTM-GĐT ngày 07/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[7]Thông tin lấy từ Quyết định số 526/2013/KDTM-QĐ ngày 15/5/2013 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[8]Tuy nhiên, quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ chỉ giới hạn trong tố tụng trọng tài và một khi các vấn đề của trọng tài được giải quyết tại Tòa án nhân dân [như yêu cầu Tòa án áp dụng pháp khẩn cấp tạm thời hay yêu cầu Tòa án xem xét quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền giải quyết tranh chấp] thì tố tụng dân sự tại Tòa án được áp dụng, tức tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng là tiếng Việt.

[9]Về vụ việc này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, Nxb. CTQG 2011, phần số 285.

[10]Gary B. Born, Sđd, tr. 2450.

[11]Ph. Fouchard, E. Gaillard et B. Goldman, Traité de larbitrage commercial international, Litec 1996, phần số 1244.

[12]Gary B. Born, Sđd, tr.1807 và 1808.

[13]Đỗ Văn Đại, Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài có nhiều ưu điểm, Doanh nhân và pháp luật, số 47/2012

[14]CA Paris, ch.1, sect.C, 27 juin 2005, n°2004/04732: JurisData n°2005-287132.

[15]Hai chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài quốc tế đã viết rằng khi Trọng tài xác định ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài, họ phải làm trong khuôn khổ tôn trọng nguyên tắc tranh tụng bằng việc đảm bảo cho các bên có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình [G. Keutgen và G-A. Dal, Larbitrage en droit belge et international, Nxb. Bruylant 2012, phần số 716].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề