Trách nhiệm của học sinh trọng việc tôn sư trọng đạo

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có tôn sư trọng đạo. Truyền thống đạo đức tốt đẹp này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng cho dân tộc Việt Nam.

Vậy thế nào là tôn sư trọng đạo? Có thể hiểu rằng, “Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình; “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy dạy đã dạy mình.

Truyền thống tôn sư trọng đạo xuất phát từ vị trí, vai trò của người thầy. Trong xã hội, người thầy đóng vai trò hết sức quan trọng, điều đó được thể hiện qua câu nói “ Không thầy đố mày làm nên”. Nếu gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con người thì sự phát triển nhân cách, sự hình thành kỹ năng, ... và cả thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn của con người không thể thiếu vai trò giáo dục của người thầy. Công lao của  thầy được đặt ngang hàng với công lao cha mẹ “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Hơn thế, người xưa còn dạy rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được nhân dân ta tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hiện nay, nước ta trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giáo dục và đào tạo được được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vậy làm thế nào để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội? Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Để có những con người xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng trọng trách lớn nhất là của người thầy, những người chiến sĩ cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Người thầy hôm nay không những dạy chữ, dạy người mà còn truyền đạt cho học trò những chân lý đúng đắn của khoa học, kỹ năng hòa nhập và hội nhập, khả năng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh, thổi bùng trong học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, rèn luyện những chuẩn mực đạo đức mới và hướng học sinh đến với các giá trị “chân- thiện-mỹ”.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang chuyển mình với những chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thì trí tuệ con người ngày càng được coi là động lực cho sự phát triển. Vị trí, vai trò người thầy không ngừng được nâng lên và những người thầy chân chính luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây xã hội đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự “xuống cấp” đạo đức của học sinh và truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hành vi vô lễ, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo được phản ánh trên các phương tiện truyền thông gây bức xúc cho dư luận. Trong đó, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật... làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, làm tổn thương đến bao nhà giáo chân chính.

Vậy làm thế nào để giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong giai đoạn hiện nay?

Trước hết cần tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà các em tiếp xúc, sống và phát triển. Sự giáo dục từ phía gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người.

Nhà trường phải quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh ngay từ khi mới cắp sách đến trường và phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình giáo dục theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh.

Các cơ sở giáo dục phải đánh giá đúng về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc của người thầy; kịp thời động viên khen thưởng và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo; kiên quyết loại bỏ những người thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức ra khỏi đội ngũ nhà giáo.

Xử lý nghiêm các hành vi thiếu tôn trọng, vô lễ, xúc phạm thân thể và uy tín nhà giáo.

Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải định hướng dư luận xã hội về giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; đấu tranh, lên án mạnh mẽ với các hành vi bất kính, vô lễ với thầy cô giáo.

Ngoài việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, người thầy phải thường xuyên cập nhật thông tin, tích lũy kiến thức thực tiễn để những điều thầy dạy là những tri thức đúng đắn về tự nhiên, xã hội; những đạo lý mà thầy truyền là những quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ xã hội và những chuẩn mực đạo đức mà thầy rèn luyện đó là chuẩn mực của nền đạo đức mới, nền đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Với truyền thống là quê hương của phong trào Đồng Khởi, cũng là một trong những vùng đất giàu lòng hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo, nơi an nghỉ của những người thầy xuất sắc như nhà giáo Võ Trường Toản, cụ Đồ Chiểu,... chúng ta có niềm tin các thế hệ thầy cô giáo tỉnh nhà sẽ xứng đáng với vai trò là người truyền lửa, giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc./.

Phòng Chính trị, tư tưởng

Video liên quan

Chủ Đề