Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là gì năm 2024

TCCS - Những loại tội phạm nguy hiểm nào sẽ nổi lên khi Việt Nam gia nhập WTO? Cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp gì để ngăn chặn sự phát triển của chúng, làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do chúng gây ra, góp phần đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi?... Đó là những thử thách mà những người được nhân dân giao phó nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và sự bình yên cho đất nước phải tâm huyết và nỗ lực tìm được câu trả lời xác đáng.

Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức và đã đạt được nhiều kết quả góp phần giữ vững được an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức tội phạm sẽ vẫn tiếp tục hoạt động với những vỏ bọc đa dạng, phương thức hoạt động và hành vi che giấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt hơn, gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều tra.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, một số loại tội phạm mang tính quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng theo quy luật, đó là: các tội phạm cướp có vũ trang, cướp các nhà băng, các xe chuyển tiền, bắt cóc người thân của các tỉ phú để đòi tiền chuộc, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, lừa đảo bằng tín phiếu giả, gian lận thương mại và lừa đảo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, tội phạm rửa tiền, sản xuất và lưu hành tiền giả, buôn bán ma túy, buôn lậu quốc tế với sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức tội phạm của người nước ngoài với các băng nhóm tội phạm là người Việt Nam. Điều cần cảnh giác các tổ chức tội phạm quốc tế sẽ trà trộn vào đội ngũ của những nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn, thậm chí cả các đoàn ngoại giao để xâm nhập vào nước ta nhằm thực hiện tội phạm hoặc chỉ huy các đối tượng đang ở Việt Nam thực hiện tội phạm. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang là một thách thức lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ở thời điểm giao thời của sự chuyển đổi nền kinh tế, các chế tài về luật pháp còn rất nhiều kẽ hở là điều kiện cho tội phạm luồn lách. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải tập trung vào việc chống lại các hoạt động phá hoại tiềm tàng của các tổ chức tội phạm.

Tội phạm có tổ chức và tham nhũng thường có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tham nhũng là một nhánh của tội phạm có tổ chức. Chúng tôi đồng ý với quan điểm trên vì thực tế cho thấy trong sự tồn tại lâu dài của một số tổ chức tội phạm ở địa bàn, người ta thấy bóng dáng của một số cán bộ, công chức ở bên cạnh, họ bao che, giúp đỡ cho tổ chức tội phạm để đổi lấy một chút lợi lộc.

Qua thực tiễn điều tra, triệt phá một số tổ chức tội phạm ở nước ta trong những năm gần đây nổi lên một số vấn đề cần lưu ý sau:

Nhà nước cần sớm ban hành Luật Bảo vệ nhân chứng, bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho những người dân khi họ phối hợp, cộng tác, giúp đỡ các cơ quan pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm.

Một là, với vỏ bọc hợp pháp là một công ty, doanh nghiệp, một tổ chức, những tên cầm đầu của tổ chức tội phạm thường mang bộ mặt là những giám đốc "chân chính", làm ăn phát đạt, có quan hệ với những người có cương vị, thế lực. Nếu chỉ vẻ bên ngoài và quan hệ bình thường thì rất khó có thể nhận biết đó là một doanh nhân thành đạt hay là tên tội phạm nguy hiểm. Do vậy, không tránh khỏi và cũng rất tự nhiên khi không ít cán bộ, công chức đã có những thiện cảm rồi dần dần trở nên thân thiết với những tên trùm của tổ chức tội phạm, bị chúng khéo léo khai thác, lợi dụng. Bọn tội phạm còn lợi dụng công nghệ cao để ghi lại hình ảnh, giọng nói về những lỗi lầm của đối tác để khống chế... Những việc đó đã được báo chí nêu nhiều, xảy ra khá thường xuyên trong thực tế và là những bài học sâu sắc, mặc dù rất cay đắng.

Hai là, các tổ chức tội phạm thường lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thực hiện tội phạm và chạy tội, chúng dễ dàng đạt được mục đích khi có sự hỗ trợ, dù là rất nhỏ của những người có quyền lực trong bộ máy công quyền. Bọn tội phạm có tổ chức thường gây ra những vụ cố ý gây thương tích rất dã man, tàn bạo, đe dọa và khống chế nạn nhân để tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Ba là, các tổ chức tội phạm ở Việt Nam thường có 3 cấp: cấp cầm đầu, cấp chỉ huy và cấp trực tiếp thực hiện tội phạm. Kỷ luật của chúng được quy định bởi luật "im lặng". Để thực hiện các hoạt động tội phạm, tên cầm đầu thường chỉ đạo đơn tuyến qua tên chỉ huy. Tên chỉ huy chỉ đạo cấp dưới qua một tên nhóm trưởng. Nhóm trưởng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh, chém, đốt, phá theo đúng yêu cầu của “cấp trên” mà không cần biết lý do, vì mục đích gì. Vì vậy, rất nhiều vụ án chúng ta chỉ có thể bắt được tên nhóm trưởng và những kẻ trực tiếp thực hiện tội phạm.

Bốn là, do cấu trúc 3 tầng của tổ chức tội phạm cộng với sự xảo quyệt của tên cầm đầu nên việc triệt phá toàn bộ một tổ chức tội phạm là rất khó khăn. Trong hầu hết các trường hợp phá được án chúng ta phải động viên quần chúng nhân dân phối hợp với công an, đặc biệt là những người đã từng có quá khứ phạm tội, nay đã “cải tà quy chính”, tự nguyện cộng tác với công an vì chỉ có họ mới có thể hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về tổ chức, về các thành viên và các hành vi phạm tội của cả tổ chức. Tuy vậy, các văn bản mang tính pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ lại chưa được quy định cụ thể. Điều này đã cản trở cho việc cộng tác, phối hợp của những người dân có ý định cộng tác với công an, nhất là những người có quá khứ lầm lỗi.

Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đòi hỏi phải có lực lượng có tính chuyên môn cao, những cán bộ giỏi về nghiệp vụ, hiểu biết sâu cả về luật pháp của Việt Nam và quốc tế, có trình độ ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm, tâm huyết và nghiêm túc trong công việc.

Năm là, việc hợp tác với nước ngoài thường bị kéo dài do thông tin về tội phạm muốn trao đổi với nước ngoài phải báo cáo qua nhiều nấc dẫn đến chậm, không còn tính chiến đấu. Quan hệ với người nước ngoài vẫn theo những quy định cách đây hàng chục năm, chưa được đổi mới cho phù hợp thực tế hiện tại. Một số hiệp định của Chính phủ về hợp tác đấu tranh chống tội phạm không được phổ biến rộng cho những người trực tiếp làm công tác thực tế nên hầu như không đi vào cuộc sống.

Sáu là, khi phát triển ở mức độ nhất định, các tổ chức tội phạm sẽ gây ra nhiều loại tội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả kinh tế, hình sự và ma túy, miễn là có được siêu lợi nhuận. Với lực lượng bị xé nhỏ như hiện nay các cơ quan điều tra của chúng ta sẽ không có cái nhìn tổng thể, toàn diện về tổ chức tội phạm. Khi điều tra cũng chỉ chú ý tới một mặt là hình sự hay kinh tế hoặc ma túy theo lĩnh vực được phân công. Điều này đã làm hạn chế khả năng điều tra mở rộng án.

Để khắc phục những khó khăn vướng mắc nêu trên, bảo đảm cho cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức đạt hiệu quả chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, các đơn vị công an cần kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tổ dân phố để sớm phát hiện tất cả các băng, ổ nhóm tội phạm hiện đang hoạt động hoặc mới hình thành, nắm được tên cầm đầu các băng, nhóm này, số đối tượng tham gia, tính chất và địa bàn hoạt động của chúng. Khi phát hiện thấy các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tham gia các băng nhóm tội phạm, nếu không đủ căn cứ để truy tố trước pháp luật cần có biện pháp xử lý hành chính, đưa đi các trung tâm giáo dục cải tạo, nếu là đối tượng nghiện hút thì đưa đi các trung tâm cai nghiện. Làm tốt vấn đề này sẽ làm giảm “đầu vào” của tội phạm.

Thứ hai, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Bảo vệ nhân chứng, bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho những người dân khi họ phối hợp, cộng tác, giúp đỡ các cơ quan pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể về khen thưởng vật chất, tinh thần để khuyến khích họ, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận tin về bí mật thông tin, có trách nhiệm bảo vệ người tố giác tội phạm. Để làm được việc này Nhà nước cần dành một khoản kinh phí nhất định cho việc bảo vệ nhân chứng, lực lượng công an cũng phải có những đơn vị chuyên trách bảo vệ nhân chứng để bảo vệ họ khi cần thiết. Có như vậy, dân mới tin, mới mạnh dạn hợp tác với công an trong cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm này.

Nhà nước nghiên cứu và ban hành Luật Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức như nhiều nước đã làm, trong đó cần có những biện pháp trừng trị những kẻ là thành viên của các tổ chức tội phạm, dù mới chỉ tham gia tổ chức, chưa trực tiếp thực hiện những hành vi phạm tội. Đây là công cụ hữu hiệu nhất vừa để phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện nhen nhóm câu kết thành những băng nhóm với mục đích phạm tội, vừa để trừng trị một cách nghiêm khắc những kẻ cố tình tham gia tổ chức, những kẻ cầm đầu, chỉ huy mà khó tìm thấy chứng cứ phạm tội của chúng.

Thứ ba, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đòi hỏi phải có lực lượng có tính chuyên môn cao, những cán bộ giỏi về nghiệp vụ, hiểu biết sâu cả về luật pháp của Việt Nam và quốc tế, có trình độ ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm, tâm huyết và nghiêm túc trong công việc. Vì vậy, cần nghiên cứu thành lập lực lượng chuyên trách chống tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia với quy mô tổ chức đủ mạnh cả về lượng và chất ở Bộ Công an và công an các tỉnh, các thành phố trọng điểm. Lực lượng này, bên cạnh trình độ nghiệp vụ và luật pháp tinh thông, cần được trang bị những phương tiện nghiệp vụ hiện đại, được huấn luyện kỹ năng sử dụng có hiệu quả các phương tiện này.

Các tổ chức tội phạm chỉ tồn tại được lâu dài ở một địa bàn nếu có sự dung túng, tiếp tay của những người có quyền lực trong cơ quan nhà nước ở địa bàn. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường sự giáo dục cán bộ chiến sĩ nâng cao ý thức, trách nhiệm, không để bọn tội phạm mua chuộc, lợi dụng, Nhà nước cần nghiên cứu, có chế độ đãi ngộ tốt hơn, có đủ kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động trinh sát, điều tra cho lực lượng trực tiếp đối đầu với loại tội phạm nguy hiểm này.

Thứ tư, cần tăng cường hơn mối quan hệ hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm, việc hợp tác phải thực sự đi vào những nội dung cụ thể và tính đến tính hiệu quả của hợp tác.

Nhà nước và Bộ Công an cần có quy định rộng mở hơn về việc tiếp xúc, giao tiếp với người nước ngoài đối với những người có nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm.

Hiện có sĩ quan liên lạc, đại diện cảnh sát của một số nước đang làm việc ở Việt Nam. Họ là những đầu mối liên lạc gắn kết giữa cảnh sát Việt Nam với quốc tế. Chúng ta, một mặt, cần tận dụng triệt để sự hợp tác và hoạt động này khi ta chưa có đủ sĩ quan liên lạc ở nước ngoài; mặt khác, cũng cần triển khai sớm mạng lưới sĩ quan liên lạc của cảnh sát Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối cho sự phối hợp quốc tế giữa cảnh sát Việt Nam với cảnh sát nước ngoài, trong việc thực hiện các hiệp định, nghị định thư về hợp tác đấu tranh chống tội phạm, các công ước quốc tế mà chúng ta tham gia, ngăn chặn từ xa sự thâm nhập của các tổ chức tội phạm quốc tế vào nước ta. Muốn vậy cần phải sớm chuẩn bị lực lượng, chọn lựa kỹ càng theo những tiêu chuẩn định trước, đào tạo, huấn luyện thêm cho họ kỹ năng trinh sát, ngoại giao, pháp luật quốc tế, giao tiếp. Họ phải được làm việc hoặc thực tập ở những đơn vị nghiệp vụ để học kinh nghiệm về nghiệp vụ và phối hợp quốc tế trong điều tra tội phạm./.

Chủ Đề