Thu nhập chịu thuế tncn là gì

Thuế thu nhập cá nhân [“thuế TNCN”] là nghĩa vụ thuế của cá nhân khi phát sinh thu nhập. Tuy nhiên, cách tính thuế TNCN theo quy định tương ứng với mỗi loại thu nhập của cá nhân là khác nhau.

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ tổng hợp cách tính thuế TNCN đối với từng loại thu nhập theo quy định.

1. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Cá nhân là người lao động [“NLĐ”] khi làm việc cho người sử dụng lao động [“NSDLĐ”] có thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản tương đương tiền lương, tiền công theo Điều 2.2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC có nghĩa vụ đóng thuế TNCN.

a. Đối với cá nhân cư trú

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất [biểu thuế lũy tiến từng phần]

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế bao gồm các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và những khoản có tính chất tiền lương, tiền công mà NLĐ nhận được từ NSDLĐ theo Điều 2.2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Các khoản giảm trừ theo quy định bao gồm:

  • Giảm trừ gia cảnh: 11 triệu đồng/tháng [hoặc 132 triệu đồng/năm] đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng [hoặc 52,8 triệu đồng/người/năm] đối với người phụ thuộc.
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện.
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

[ii] Thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần

b. Đối với cá nhân không cư trú

Số thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x Thuế suất 20%

Trong đó:

[i] Thu nhập chịu thuế bao gồm các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và những khoản có tính chất tiền lương, tiền công mà NLĐ nhận được từ NSDLĐ theo Điều 2.2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC khi làm việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập. Lưu ý, người nước ngoài vừa làm việc tại Việt Nam và nước ngoài mà không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì áp dụng công thức sau:

  • Đối với cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

  • Đối với cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

[ii] Thuế suất 20%.

2. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh phải nộp thuế đối với từng lĩnh vực, ngành nghề [không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không] theo Điều 2.1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trừ các khoản thu nhập được miễn thuế .

Lưu ý, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế từ hoạt động kinh doanh .

a. Đối với cá nhân cư trú

Cá nhân cư trú tính và nộp thuế theo 3 phương pháp sau :

  • Phương pháp kê khai: là phương pháp khai, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh theo kỳ tháng hoặc quý.đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn hoặc lựa chọn nộp thuế theo phương pháp này.
  • Theo từng lần phát sinh: là phương pháp khai, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu từng lần phát sinh đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; hoặc
  • Phương pháp khoán: là phương pháp tính thuế theo mức thuế khoán do cơ quan thuế xác định đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp thực hiện 2 phương pháp trên.

Lưu ý,đối với cá nhân có thu nhập từ cho thuê tài sản ở Việt Nam sẽ có quy định riêng về phương pháp tính thuế TNCN.

Theo đó, số thuế được tính theo tỷ lệ trên doanh thu [đối với phương pháp kê khai và theo từng lần phát sinh] theo công thức:

Số thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ tính thuế TNCN 

Số thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ tính thuế GTGT

Trong đó:

[i] Doanh thu tính thuế TNCN và GTGT là doanh thu bao gồm thuế phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ [không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền].

[ii] Tỷ lệ tính thuế TNCN và GTGT theo từng lĩnh vực, ngành nghề theo biểu thuế suất tại Phụ Lục I của Thông tư 40/2021/TT-BTC .

b. Đối với cá nhân không cư trú:

Cá nhân không cư trú sẽ tính thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu phát sinh tại Việt Nam theo từng lần phát sinh doanh thu.

Theo đó, số thuế TNCN được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Doanh thu tính thuế x Tỷ lệ tính thuế

Trong đó:

[i] Doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền phát sinh từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh tại Việt Nam bao gồm cả chi phí do bên mua hàng hóa, dịch vụ trả thay cho cá nhân không cư trú mà không được hoàn trả.

[ii] Tỷ lệ tính thuế:

  • Kinh doanh hàng hóa: 1%
  • Kinh doanh dịch vụ: 5%
  • Sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác: 2%.

3. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng chứng khoán

Cá nhân có thu nhập từ việc chuyển nhượng phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế [công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác] hoặc chuyển nhượng chứng khoán [chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác] phải nộp thuế TNCN theo quy định.

a. Đối với cá nhân cư trú a.1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế ×Thuế suất 20%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua phần vốn chuyển nhượng – các chi phí hợp lý liên quan

Theo đó, Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận theo hợp đồng chuyển nhượng vốn và Giá mua phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

[ii] Thuế suất 20%

a.2. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 0,1%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Theo đó, Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:

  • Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán: giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán; hoặc
  • Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp trên: giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

[ii] Thuế suất 0,1%

b. Đối với cá nhân không cư trú b.1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 0,1%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế là tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam, không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

[ii] Thuế suất 0,1% không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

4. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng, nhận thừa kế, nhận quà tặng

Cá nhân cư trú có thu nhập từ trúng thưởng, nhận thừa kế, nhận quà tặng theo các Điều 2.6 và 2.10 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hoặc cá nhân không cư trú có các khoản thu nhập này phát sinh tại Việt Nam có nghĩa vụ tính và nộp thuế TNCN theo quy định, trừ các khoản thu nhập được miễn thuế.

Theo đó, số thuế TNCN được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế được xác định:

  • Đối với thu nhập từ trúng thưởng: thu nhập tính thuế là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận theo từng lần trúng thưởng không phụ thuộc vào số lần nhận tiền thưởng.
  • Đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng: thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.

[ii] Thuế suất 10%

5. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản dưới các hình thức quy định tại Điều 2.5 Thông tư 111/3013/TT-BTC có nghĩa vụ tính và nộp thuế TNCN theo quy định, trừ các khoản thu nhập được miễn thuế.

Theo đó, thuế TNCN được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%

Trong đó:

[i] Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, thuê mặt nước là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

[ii] Thuế suất 2%.

6. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại, bản quyền

Cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh từ nhượng quyền thương mại, từ bản quyền theo Điều 2.7 và Điều 2.8 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC hoặc cá nhân không cư trú có các khoản thu nhập đó phát sinh tại Việt Nam có nghĩa vụ tính và nộp thuế TNCN theo quy định.

Theo đó, số thuế TNCN được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 5%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế:

  • Đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại: thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được. Nếu cùng là một đối tượng của quyền thương mại nhưng việc chuyển nhượng thực hiện thành nhiều hợp đồng thì thu nhập tính thuế là phần vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Đối với thu nhập từ bản quyền : thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

[ii] Thuế suất 5%

7. Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn

Cá nhân cư trú có các khoản thu nhập từ đầu tư vốn trong và ngoài Việt Nam và cá nhân không cư trú có các khoản thu nhập đó phát sinh tại Việt Nam theo Điều 2.3 Thông tư 111/2013/TT-BTC có nghĩa vụ tính và nộp thuế TNCN theo quy định, trừ các khoản thu nhập được miễn thuế:

Theo đó, thuế TNCN được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 5%

Trong đó:

[i] Thu nhập tính thuế là các khoản thu nhập từ đầu tư vốn mà cá nhân nhận được dưới các hình thức theo quy định.

[ii] Thuế suất 5%

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ . BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Ngày: 11/03/2022

Người viết: Thư Trần & Tuyến Phạm

Maybe you want to read:

Các nguyên tắc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần tại Việt Nam

Thuế thu nhập: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam

Chính sách thuế đối với cá nhân, hộ gia đình kinh doanh điện mặt trời mái nhà

Video liên quan

Chủ Đề