Thơ ngũ ngôn bát cú đường luật là gì

Mai Diệu Thúy
91. Giới thiệu thơ ngũ ngôn qua Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Tồn Am [TBHNH 2012]

Cập nhật lúc 10h24, ngày 09/02/2015


GIỚI THIỆU THƠ NGŨ NGÔN QUA

HOÀNG VIỆT THI TUYỂN CỦA BÙI TỒN AM

MAI DIỆU THUÝ

Trường THPT Bãi Cháy

Văn học Việt Nam thời trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Hoa trên nhiều phương diện: chữ viết, đề tài, thể loại... Mối quan hệ đặc biệt đó của thơ Đường với thơ Việt Nam được thể hiện rõ nhất là trong thơ Đường luật. Cụ thể là ở phương diện thể loại Thơ ngũ ngôn [thể thơ 5 tiếng] là một thể loại của thơ Đường luật.

1. Thuật ngữ thơ ngũ ngôn được hiểu là một thể loại trong thơ Đường luật [xét về mặt số tiếng trong một dòng thơ]. Đó là những bài thơ một câu có 5 tiếng [ngũ ngôn], trong bài thơ có 4 câu [tứ tuyệt hay tuyệt cú] hoặc 8 câu [bát cú] hoặc 10 câu trở lên [bài luật] làm theo luật thơ Đường luật. Tính theo số câu trong bài thì thể thơ ngũ ngôn có ba dạng cơ bản:

1.1. Thơ ngũ luật [五律] là loại thơ gồm 8 câu [bát cú], mỗi câu có 5 tiếng [ngũ ngôn] được làm theo quy định chặt chẽ của luật thơ Đường luật; cho nên còn gọi là ngũ ngôn luật thi. Thơ ngũ luật giống như bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật bỏ đi hai tiếng đầu câu, chỉ còn năm tiếng sau. Về niêm, luật, vần, đối và kết cấu thì vẫn như bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

Về luật thơ [thi luật [詩律]]: căn cứ vào chữ thứ nhất, chữ thứ nhì của dòng đầu tiên để xác định luật bằng, trắc; chữ thứ hai và thứ tư phải đối nhau [nhị, tứ phân minh [二四分明]].

Về đối[對]: các phép đối, dù ở dạng nào cũng đều phải hội tụ 3 đặc điểm: 1]. Đối ý: có hai cách cơ bản là tương phản và tương đồng. 2]. Đối thanh: chí ít là các chữ nằm ở vị trí 2,4,5 nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc. 3]. Đối từ: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ; số từ đối với số từ, hư từ đối với hư từ; từ ghép đối với từ ghép, từ láy đối với từ láy; danh từ riêng đối với danh từ riêng; cụm từ đối với cụm từ Nếu không đảm bảo quy định trên gọi là thất luật [失律].

Về niêm [黏]: để đảm bảo được sự hài hòa về thanh bằng, thanh trắc giữa các câu thơ trong phạm vi cả bài [chiều dọc] thì các câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7 phải niêm với nhau [nghĩa là các cặp câu phải cùng là thanh bằng hoặc thanh trắc]. Khi các câu trong bài không theo lệ đã định gọi là thất niêm [失黏].

Về vần [vận [韻]: có hai loại: chính vận [正韻] [vần gồm những chữ có âm giống nhau chỉ khác phụ âm đầu và dấu giọng]; thông vận [通韻] [vần gồm những chữ có âm tương tự nhau]. Gieo vần sai hẳn, không hiệp nhau gọi là lạc vận [落韻]; nếu vần gieo gượng, không được hiệp lắm thì gọi là cưỡng áp [強押].

Về kết cấu [結句]: có ba mô hình cơ bản về bố cục của một bài thơ ngũ luật như sau: 1. Mô hình phổ biến nhất là 2/2/2/2: khởi - thừa - chuyển - hợp [起承轉合] [hay đề - thực - luận - kết [題實論結]]. 2. Mô hình 4/4:tiền giải, hậu giải [前解,後解]. 3. Mô hình 2/4/2.

Căn cứ vào số câu được gieo vần, ngũ luật chia làm hai loại: loại năm vần và loại bốn vần. Ngũ luật bốn vần là những bài thơ làm theo luật Đường thi có 8 câu, mỗi câu 5 tiếng, hiệp vần [bằng hoặc trắc] ở các câu 2,4,6,8 [trốn vần ở câu 1]. Ngũ luật năm vần là những bài thơ làm theo luật Đường thi có 8 câu, mỗi câu 5 tiếng, hiệp vần [bằng hoặc trắc] ở các câu 1, 2, 4, 6, 8. Căn cứ vào vần được gieo là vần bằng hay vần trắc, cũng chia ra làm các tiểu loại: loại vần bằng; loại vần trắc.

1.2. Thơ ngũ tuyệt [五絕] [hay ngũ ngôn tứ tuyệt] là loại thơ có hình thức nhỏ bé nhất trong các thể thơ Đường luật. Bài thơ chỉ có 4 câu [tứ tuyệt], mỗi câu lại chỉ có 5 tiếng [ngũ ngôn], vẻn vẹn bài thơ chỉ có 20 chữ nhưng có thể chứa đựng được cái vô cùng. Các quy định về luật, niêm [câu 1 với câu 4; câu 2 với câu 3], vần, đối [có thể có hoặc không] cũng tương tự như trong bài thơ ngũ luật. Về kết cấu, bài ngũ tuyệt thường chia làm hai phần: nửa cảnh và nửa tình.

Căn cứ vào số câu gieo vần, ngũ tuyệt được chia làm hai loại: loại ba vần; loại hai vần. Ngũ tuyệt hai vần là những bài thơ được làm theo luật Đường thi có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ, hiệp vần [bằng hoặc trắc] ở câu 2 và câu 4, trốn vần ở câu 1. Ngũ tuyệt ba vần là những bài thơ làm theo luật Đường thi có 4 câu, mỗi câu 5 tiếng, hiệp vần [bằng hoặc trắc] ở các câu 1,2,4. Căn cứ vào vần được gieo là bằng hay trắc cũng chia ra thành: loại vần bằng; loại vần trắc.

1.3. Thơ ngũ bài [五排] [hay ngũ ngôn bài luật] là loại thơ không hạn định về số câu nhưng ít nhất phải trên 8 câu [bài luật], mỗi câu có 5 tiếng [ngũ ngôn] được làm theo quy định của luật thơ Đường luật. Thể ngũ bài nói chung ít được dùng, vì nó dễ bị lẫn lộn với cổ phong.

2. Hoàng Việt thi tuyển[1] của Bùi Tồn Am[2] chép lại 562 thi phẩm của 167 tác giả ở các thời Lý, Trần, Lê. Thi tuyển chép 89 bài ngũ ngôn [trong đó: tuyệt cú 39 bài, bát cú 40 bài, bài luật 10 bài]. Có thể thấy, thơ ngũ ngôn là thể thơ khá được ưa chuộng trong thời kì trung đại [đứng thứ hai sau thể thơ thất ngôn]. Mảng thơ ngũ ngôn trong HVTT mang giá trị lớn cả về nội dung và nghệ thuật.

2.1. Trong HVTT, ẩn chứa những tư tưởng sâu sắc cao quý, những quan niệm và thái độ nhìn nhận đối với tự nhiên, đối với nhân sinh của ông cha ta được thể hiện qua ngôn từ tinh vi, phong cách dung dị. Quả đúng là từ chương thanh lệ, tình cảnh kiêm đáo [Từ chương đẹp sáng; cảnh tình kiêm đủ, sâu sắc][3]. Thi tuyển đã ghi lại tấm lòng yêu nước bất khuất, tinh thần nhân đạo sâu sắc, và tình cảm lành mạnh khác của ông cha ta về nội dung các bài thơ gìn giữ phản ánh những nội dung cơ bản sau:

2.1.1. Những bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước

Lòng yêu nước được thể hiện trước hết là ở niềm tự hào dân tộc; lòng căm thù giặc sâu sắc; tinh thần hăng hái chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có thể nhận thấy rõ tinh thần này qua các bài thơ của Trần Quang Khải, Lê Thái Tổ.... Bên cạnh đó là thơ yêu nước của những người không toại chí nguyện phục vụ tổ quốc. Những bài thơ này thật đau xót, thiết tha. Đó là tâm trạng của Lê Cảnh Tuân trong Nguyên nhật [Ngày đầu năm]. Thấy Hồ Quý Ly sắp sửa chiếm ngôi nhà Trần, Lê Cảnh Tuân quyết định đem toàn lực ra chống lại. Việc phục Trần không thành, đất nước lại rơi vào tay giặc, bản thân thì bị giặc Minh giam cầm ở Yên Kinh, lòng ông đau xót vô cùng. Trong nỗi đau xót vì sự diệt vong của nhà Trần còn có cả nỗi đau khắc khoải về cảnh nước mất nhà tan. Ông chua xót vì cả đời long đong, lận đận mà không đem lại lợi ích gì cho dân tộc:

Lữ quán khách nhưng tại [旅舘客仍在],

Khứ niên xuân phục lai [去年春復來].

Qui kỳ hà nhật thị? [歸期何日是],

Lão tận cố hương mai. [老盡故鄉梅].

[Nghĩa là: Quê người khách còn ở lại, xuân năm ngoái lại về. Ngày về nước bao giờ đây? Cây mai nơi làng cũ già hết rồi].

Chỉ bằng vài nét chấm phá thần tình trong vẻn vẹn hai mươi chữ; lời thơ chừng mực, điềm tĩnh; Nguyên nhật đã gợi lên một trái tim rướm máu sau cảnh xuân nơi quán trọ. Trong bài thơ vịnh cảnh Thu giao tạp vịnh [Vịnh cảnh ngoại ô trong tiết mùa thu] Phạm Lập Trai lại nói đến nỗi đau quốc phá [國破]. Còn Tăng Huyền Quang lại trách mình đã không làm được gì để giúp dân, giúp nước như trong bài thơ Yên Tử am sơn cư [Am trên núi Yên Tử]. Hay lời thề giữ tấm lòng sắt son, trong sáng như nước mùa thu của Nguyễn Trung Ngạn trong bài Tương Giang thu hoài [Hoài cảm cảnh thu ở Tương Giang].

2.1.2. Mô tả cảnh đẹp thiên nhiên

Vua Trần Nhân Tông có ba bài ngũ ngôn được chép trong HVTT thì có đến hai bài thơ nói lên vẻ đẹp quê hương đất nước. Bài Xuân vãn [Cuối xuân][4] mang khuynh hướng trữ tình, thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống của thi nhân: Thụy khởi khải song phi [睡起啟牕扉], Bất tri xuân dĩ qui [不知春已歸]. Nhất song bạch hồ điệp [一雙白蝴蝶], Phách phách sấn hoa phi [拍拍趂花飛]. [Dịch là: Ngủ dậy mở cánh cửa sổ, Không biết xuân đã qua hết rồi. Một đôi bươm bướm trắng, Cánh đập đập lượn tìm hoa]. Vẻ đẹp độc đáo của bài thơ chính là sự kết hợp hài hòa, sự vận động hết sức tự nhiên của nhân vật trữ tình và hình tượng thiên nhiên được gửi gắm qua thể thơ ngũ tuyệt ba vần bằng hiếm hoi. Còn bài Đăng Bảo Đài sơn [Lên chơi núi Bảo Đài] lại là một bức tranh thiên nhiên được khắc họa bởi những yếu tố đối lập. Đó là sự đối lập về thời gian: du cổ [[逾古] xưa] - thì lai [[時來] nay]; về không gian: viễn [[遠] xa] - cận [[近] gần], tình [[晴] sáng] - âm [[陰] tối]. Cảnh vật vừa thực, vừa hư trong không gian cao rộng, cô tịch. Trong bức tranh thiên nhiên ấy, Thiền nhân đã lĩnh hội được chân lí [Muôn việc như nước chảy theo nước - Trăm năm riêng lòng nói với lòng]. Từ chỗ ngộ được chân lí, thi nhân lặng lẽ tựa lan can ngắm cảnh vật bằng cái tâm bình thản được phủ chiếu bằng ánh trăng huyền diệu - ánh sáng của tâm linh được giác ngộ đang chiếm lĩnh không gian ngoại cảnh. Như vậy, ở đây tâm cảnh và ngoại cảnh có sự đồng điệu, hài hòa.

Đến thời Lê, con người và thiên nhiên gần gũi, giao hòa, thân thiết, giữa lòng sông có một ông câu, nhưng dĩ nhiên không phải là không gian sinh hoạt, mà là một biểu trưng lí tưởng. Điều này có thể dễ dàng cảm nhận qua bài Chu trung vãn vọng [Buổi chiều ở trong thuyền trông ra] của Chu Xa; hay Sơn vân [Mây núi], Sơn nguyệt [Trăng núi] của Nguyễn Dữ; Dã hành [Đi chơi trên cánh đồng] của Phù Thúc Hoành Nói chung, thơ ngũ ngôn viết về thiên nhiên nhiên trong HVTT là một mảng quan trọng làm nên giá trị của tập thi tuyển này.

2.1.3. Viết về cảnh chùa

Thơ ngũ ngôn trong HVTT viết về cảnh chùa chiền khá nhiều và cũng rất hay. Trong số 89 bài thơ ngũ ngôn được chép trong HVTT có tới 8 bài có chữ tự [[寺] chùa], 2 bài có chữ am [[庵] chùa nhỏ thờ Phật] ở tiêu đề bài thơ; và 3 bài khác nói về cảnh chùa. Chùa thường được xây dựng trên cao, ẩn sâu trong núi cho nên mang một vẻ đẹp u tịnh, thanh khoát... như trong Lễ đễ sơn tự [Lễ chùa trên núi] của Lê Thiếu Dĩnh; trong bài Phả Lại tự [Chùa Phả Lại] của Thái Thuận lại là khung cảnh một ngôi chùa giữa không gian hùng vĩ của núi, nước mênh mông và một bên là âm thanh cuộc sống của người dân thuyền chài. Đọc những vần thơ của Trần Quang Triều, phần nào chúng ta có thể cảm nhận được cảnh đẹp của chùa Gia Lâm [chưa rõ ở đâu] sau cơn mưa có ao trong, trăng sáng, rừng cây vắng vẻ chỉ rộn tiếng ve, sắc hoa... Cảnh chùa hòa trong thiên nhiên non nước đẹp đến mức Hoàng Đức Lương cho rằng, danh thắng đã từng chơi khắp, nhưng đối với cảnh chùa này [chùa núi Kính Chủ] thì nên có thơ đề [trong Du Kính Chủ sơn tự]. Ngoài những bài thơ ngũ ngôn miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên, cảnh chùa chiền thì những bài thơ viết về cảnh làng quê yên ấm, thái bình trong HVTT cũng rất được chú ý.

2.1.4. Tinh thần nhân đạo

Tinh thần nhân đạo được thể hiện trong thơ ngũ ngôn [HVTT] rất phong phú và đa dạng. Tinh thần đó biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.... Có khi là tấm lòng của vị vua hết lòng với dân với nước, nhìn cảnh nhân dân khốn cùng thì cảm thấy xót xa, oán hận bọn giặc càn rỡ [Mi ổ - Lê Thánh Tông]. Có lúc là sự thương cảm đối với người bạn có nhiều điểm tương đồng của Lê Trãi trong bài Tặng hữu nhân - Tặng người bạn. Thương những người bạn đồng cảnh cũng là thương bản thân mình. Vì thế, niềm thương cảm ấy càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

2.1.5. Cảnh ly biệt

Cảnh ly biệt cũng được nói nhiều trong thơ xưa. Nhất là những khi đất nước rơi vào cảnh nguy khốn, loạn lạc. Trong lời răn dạy con của Trạng Trình [Trách tử] ta thấy thấp thoáng hiện thực xã hội đương thời: vua không ra vua, quan không ra quan. Dưới hình thức là những lời thơ gửi em, bài Ký gia đệ [Gửi em] của Bùi Tồn Am cũng là những lời răn dạy em phải biết thận kỳ độc. Nhiều bài thơ của các thi nhân khi phải xa nhà đã trở thành những tuyệt thi. Ở đó gửi gắm tình nhớ thương da diết đối với quê hương, đối với người thân. Các bài thơ: Hoài Trạch dịch chu trung tác [Làm thơ trong thuyền ở dịch trạm Hoài Trạch] của Nguyễn Thiên Tích, Dương Tử giang nhàn bộ [Dạo bước bên sông Dương Tử] của Hoàng Đức Lương... cho thấy những khía cạnh đẹp trong tâm hồn các thi nhân.

Tình bạn là tình cảm cao đẹp giữa những con người có những nét giống nhau về tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh, hay quan điểm... Những lúc nguy khốn, những khi chia ly thì tình bạn càng trở nên thắm thiết. Trong HVTT, khá nhiều bài thơ đã ghi lại tình cảm thiêng liêng đó Tống Đỗ Ẩn Cơ tử quá Chí Linh - Tiễn ông Đỗ Ẩn Cơ đi Chí Linh [Nguyễn Sưởng], Cổ ý -Ý xưa [Lê Thiếu Dĩnh], Cổ ý [Phù Thúc Hoành]

Ngoài ra, thơ ngũ ngôn trong HVTT còn thể hiện tư tưởng: chống mê tín dị đoan, thể hiện tình bang giao giữa các nước... Đọc những bài thơ này, ta thấy hiểu đời và yêu người hơn!

2.2. Về hình thức nghệ thuật thì thơ văn chữ Hán nói chung và thơ ngũ ngôn trong HVTT nói riêng chịu ảnh hưởng nhiều của thơ Đường - Trung Quốc từ các kiểu dạng, ngôn ngữ đến thi liệu Thơ ngũ ngôn trong HVTT có nhiều giá trị về nghệ thuật đặc sắc. Song, ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một số điểm cơ bản.

Trong HVTT, Bùi Tồn Am tuyển nhiều thể thơ ngũ ngôn: ngũ luật, sau đó đến ngũ tuyệt, cuối cùng là ngũ bài. Thơ ngũ luật rất phù hợp với việc khắc hoạ những khoảnh khắc đáng nhớ, chiếm lĩnh thế giới, vũ trụ, hoặc để thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ trước thời cuộc. Thể ngũ tuyệt chuyên dùng để phác họa những cảnh trí nhẹ nhõm nên các thi nhân xưa cũng rất ưa dùng. Còn thơ ngũ bài - loại thơ thuận tiện cho việc thể hiện nội dung mang tính giáo huấn, triết lý - mang nặng màu sắc phô trương, quan dạng, lại rất dễ lẫn lộn với cổ phong nên ít được sử dụng. Việc tuyển chọn đa dạng các thể thơ ngũ ngôn trong HVTT giúp cho người đọc, các nhà nghiên cứu có được cái nhìn toàn diện, đầy đủ về thể thơ này.

Thi liệu là tài liệu dùng để làm thơ[5]. Theo chúng tôi, thi liệu cơ bản trong thơ trung đại nói chung và thơ ngũ ngôn [trong HVTT] nói riêng là điển tích, điển cố. Trong HVTT, rất nhiều thi phẩm dụng điển, và dụng điển với nhiều cách thức khác nhau. Việc đưa những điển tích, điển cố vào trong thơ sẽ giúp thi nhân truyền tải được nhiều nội dung mà thông thường với khuôn khổ 20 chữ, thể ngũ tuyệt khó có thể diễn đạt được.

Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc là đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương; nhưng thơ, do đặc trưng thể loại mà đặc điểm này được biểu hiện một cách tập trung và với yêu cầu cao nhất. Nói ngôn ngữ trong thơ ngũ ngôn cô đọng, hàm súc là bởi nhiều cơ sở. Thứ nhất, những bài thơ ngũ ngôn là những bài thơ ít chữ nhất [so với thơ lục ngôn, thất ngôn trong thơ Đường luật]: ngũ tuyệt chỉ có 20 chữ; ngũ luật nhiều hơn ngũ tuyệt gấp đôi là 40 chữ; ngũ bài, bài ít nhất là 60 chữ. Như vậy, với lượng chữ hạn chế tối đa mà các thi phẩm đã thể hiện được những nội dung tư tưởng phong phú thì có thể thấy, mỗi con chữ trong thơ ngũ ngôn có một vai trò rất quan trọng đối với cả bài thơ, mỗi một con chữ là một ông hiền[6]. Thứ hai, thơ ngũ ngôn trong HVTT sử dụng nhiều điển tích, điển cố có giá trị biểu đạt cao. Việc dụng điển không chỉ làm cho các thi phẩm hàm súc, đa nghĩa mà còn làm cho tác phẩm mang đậm tính cổ điển, bác học, trang trọng và ý vị. Mỗi chữ trong thơ ngũ ngôn bao hàm cả một câu chuyện, một sự việc mà để diễn giải có khi phải mất cả trang giấy. Có khi, để hiểu 20 con chữ trong một bài thơ người đọc phải am hiểu nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội...

Về hình thức nghệ thuật của thơ chữ Hán nói chung và thơ ngũ ngôn trong HVTT nói riêng đều chịu ảnh hưởng của thơ ca Trung Quốc từ thể loại, thi liệu, đến ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực tế đất nước; đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân; cảm nhận và tài năng thơ ca của mỗi nhà thơ đã đem lại cho thơ ngũ ngôn trung đại một sắc thái riêng, đóng góp to lớn cho nền văn hóa của dân tộc.


Chú thích:

[1]. Hoàng Việt thi tuyển [皇越詩選] được viết tắt là HVTT.

[2]. Bùi Tồn Am, tên thuở nhỏ là Bùi Huy Bích [裴輝壁] [còn gọi là Bùi Bích [裴壁]], tự là Hy Chương [希章], hiệu là Tồn Am [存庵], Tồn Ông [存翁], Tồn Am Bệnh Tẩu [存庵病叟]. Ông sinh ngày 28 tháng 8 năm Giáp Tý [甲子] 1744, tại làng Định Công [定公], huyện Thanh Trì [清池], nay thuộc ngoại thành Hà Nội; mất ngày 25 tháng 5 năm Mậu Dần [戊寅] 1818, thọ 75 tuổi.

[3]. Lê Quý Đôn, Toàn Việt thi lục lệ ngôn [全越詩籙例言], A 1262, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[4]. Về nhan đề bài thơ, có sách ghi là Xuân hiểu [[春曉], Buổi sớm mùa xuân]. Chúng tôi cho rằng, chữ hiểu[曉] và chữ vãn[晚] đều có bộ nhật [日], có nhiều nét giống nhau nên mới có sự nhầm lẫn này.

[5]. Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng 2000.

[6]. Trong thơ ca truyền thống Trung Quốc, người ta đã so sánh 20 chữ của bài ngũ tuyệt với 20 ông hiền.

[Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.742-752]

In

Video liên quan

Chủ Đề