Thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu quả không

Mục lục bài viết

  • 1. Vai trò của thị trường chứng khoán tại Việt Nam
  • 1.1. Tăng cường tích tụ, tập trung vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng
  • 1.2. Hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện
  • 1.3. Giảm chi phí vốn cho nền kinh tế
  • 1.4. Giúp cho phân phối vốn hiệu quả hơn
  • 1.5. Tăng các công cụ mới cho thị trường tài chính
  • 1.6. Tạo áp lực trong cải cách hành chính
  • 2. Thực tiễn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay

1. Vai trò của thị trường chứng khoán tại Việt Nam

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính. Điều này ngày càng được biểu hiện cụ thể qua những khía cạnh sau:

1.1. Tăng cường tích tụ, tập trung vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng

Điều này được thể hiện rõ qua lượng vốn huy động trên thị trường sơ cấp, quy mô vốn hóa của thị trường và lượng vốn huy động qua đầu tư gián tiếp nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp niêm yết, số lượng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường đều tăng lên qua các năm. Lượng vốn huy động qua đầu tư gián tiếp nước ngoài có quy mô khá lớn và tăng lên cũng là minh chứng rõ nét cho vai trò tích cực của TTCK trong tích tụ, tập trung vốn cho phát triển kinh tế.

1.2. Hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện

Số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường gia tăng, cùng với đó là hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể. Việc công bố thông tin, gửi báo cáo kết quả kinh doanh thường kỳ cũng góp phần nâng cao tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Trong năm 2015 và 2016, hai Sở giao dịch chứng khoán tập trung cho vấn đề tăng cường hoạt động quản trị công ty và quản trị rủi ro doanh nghiệp niêm yết. Đây là tiền đề quan trọng thực hiện tái cấu trúc hàng hóa, làm tăng chất lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường. Sự cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp niêm yết đã thể hiện khá rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và quản lý thị trường trong tái cấu trúc hàng hóa trên TTCK Việt Nam.

1.3. Giảm chi phí vốn cho nền kinh tế

Điều này phần nào được thể hiện qua sự gia tăng của chỉ số giá, tăng tổng mức vốn hóa trên thị trường. Theo lý thuyết, khi giá cổ phiếu tăng, chi phí vốn chủ sở hữu sẽ giảm. Khi chi phí vốn giảm, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp sẽ tăng lên và rủi ro của doanh nghiệp sẽ giảm thấp hơn. Đồng thời, khi doanh nghiệp tăng cường huy động vốn qua phát hành cổ phiếu thêm, áp lực đối với hệ thống ngân hàng sẽ giảm và thị trường tài chính có thể hiệu quả hơn trong phân phối các nguồn lực.

Các phân tích về thị trường chứng khoán thời gian qua cho thấy, chi phí vốn của các doanh nghiệp có xu hướng giảm và lượng vốn huy động thêm trên thị trường đã cho thấy cơ hội đầu tư của doanh nghiệp tăng lên. Đã có những thời điểm như cuối năm 2006 và nửa đầu năm 2007, giá cổ phiếu tăng cao làm chi phí vốn của doanh nghiệp giảm và làm tăng cơ hội đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tốt cơ hội này, tăng cường huy động vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu thêm, làm tăng khả năng tự tài trợ – tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng vốn của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có rủi ro thấp hơn và ít chịu ảnh hưởng bất lợi của thị trường tài chính trong giai đoạn 2008 - 2009, khi thị trường tài chính gặp khó khăn. Thời gian qua, lượng vốn tái đầu tư từ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng có khối lượng khá lớn, thể hiện khá rõ nét vai trò của TTCK trong tích tụ, tập trung vốn cho phát triển kinh tế.

1.4. Giúp cho phân phối vốn hiệu quả hơn

>> Xem thêm: Kinh tế thị trường là gì ? Phân tích ưu điểm, nhược điểm của kinh tế thị trường

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của TTCK là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính cổ phần hóa DNNN đã giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm nén tại các DNNN do quản trị yếu kém, qua đó, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Thông qua cổ phần hóa, Chính phủ đã có được lượng vốn không nhỏ để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời, làm phát triển mạnh thành phần kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, TTCK cũng tiểm ẩn tiềm năng rất lớn cho cải cách doanh nghiệp thông qua mua bán, thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp.

1.5. Tăng các công cụ mới cho thị trường tài chính

Thị trường chứng khoán ra đời và phát triển đã tạo nhiều dịch vụ mới cho thị trường tài chính và các trung gian tài chính. Bên cạnh các dịch vụ do các công ty chứng khoán cung cấp, các trung gian tài chính khác cũng được hưởng lợi tại sân chơi này khi có cơ hội huy động vốn và cung cấp các dịch vụ liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bảo hiểm và các trung gian tài chính khác là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.

1.6. Tạo áp lực trong cải cách hành chính

Thị trường chứng khoán cũng góp phần thay đổi thái độ của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, các tổ chức cung cấp dịch vụ công đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dân chủ hóa nền kinh tế được cải thiện và quá trình cải cách hành chính đang giúp các cơ quan quản lý hoạt động quan liêu trước đây chuyển dần sang hướng các đơn vị dịch vụ công.

Có thể khẳng định, TTCK Việt Nam đã phát huy khá tốt vai trò trong tích tụ, tập trung, phân phối vốn trong nền kinh tế. Thông qua tái cấu trúc TTCK, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh đã được giải quyết và đây cũng được xem là nhân tố quan trọng để quốc tế xem xét nâng hạng đối với TTCK Việt Nam.

2. Thực tiễn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay

Bắt đầu vào 28-11-1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam được thành lập để quản lý và giám sát nhằm thúc đẩy cho thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo quyền quyền cho các nhà đầu tư. Và chỉ 2 năm sau, ngày 11-7-1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh theo. Đồng thời, Chính Phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, đặt cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28-7-2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với 2 mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên là REE và SAM. Ngày 8/3/2005 Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng chính thức ra mắt, trở thành trung tâm niêm yết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trải qua quãng đường 20 năm, có không ít những biến động đã xảy ra. Trong giai đoạn đầu những năm 2000 – 2005 chập chững bước những bước đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP, gần như không có thay đổi gì nhiều.

Tuy nhiên kể từ năm 2006 khi Luật Chứng khoán được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2007, thị trường chứng kiến rất nhiều sự thay đổi khi những bất cập, những xung đột với các văn bản pháp lý được giải quyết, chúng ta có khả năng hội nhập hơn với các thị trường vốn quốc tế và khu vực.

>> Xem thêm: Tiền tệ là gì ? Các chức năng của tiền tệ trong nền kinh tế thị trường ?

Năm 2006, quy mô thị trường có bước nhảy vọt mạnh mẽ, đạt 22,7% GDP và chạm đến con số trên 43% vào năm 2007. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu xấu đi vào năm 2008, do ảnh hưởng của thị trường tài chính và nền kinh tế trong nước và thế giới, chúng ta chứng kiến một năm "kinh tế buồn" với mức vốn hóa thị trường giảm mạnh, xuống còn 18% GDP.

Khi khó khăn dần qua đi, năm 2009 chứng kiến sự phục hồi nhẹ với vốn hóa thị trường đạt 37,71% GDP và các công ty niêm yết trên thị trường tăng dần. Sản phẩm mới Chứng quyền có đảm bảo được ra đời từ ngày 28/6. Ngày 18/11/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bộ chỉ số mới Vietnam Diamond Index, Vietnam Financial Select Sector Index làm tiền đề cho sự ra đời của các quỹ ETF. Trong vài năm trở lại đây, mức vốn hóa thị trường đã tăng thần tốc lên tới hơn 82% GDP, nhưng một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam lại chịu thêm thách thức từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi đã dần rõ ràng, tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân đã dần giảm đi, sắc xanh đang trở lại trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng cửa năm 2020 với mức hồi phục ấn tượng và được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất trong đại dịch.

Khi đại dịch Covid 19 bắt đầu đã gây ra nhiều ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 1/2020, đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51%, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Thậm chí sau đó VN-Index còn thêm một lần giảm hơn 6% trong 1 phiên vào ngày 23/3 qua đó đưa tháng 3/2020 trở thành tháng giảm điểm mạnh nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam với mức giảm 24,9%.

Tuy nhiên, VN-Index đã có cú lội ngược dòng thành công khi ghi nhận mức tăng 64% kể từ đáy và tăng gần 13% so với đầu năm, mức tăng trưởng ấn tượng hơn nhiều so với con số 7,67% trong năm 2019. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Với mức độ phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử. Số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới trong nước tăng vọt kể từ tháng 3, liên tục ở mức trên 30.000 đơn vị mỗi tháng. Trong tháng 11, lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên mức kỷ lục 41.080 tài khoản. Lũy kế 11 tháng, lượng tài khoản mở mới này đạt 329.452 đơn vị, tăng 75,4% so với cả năm 2019.

Thời gian gần đây, hệ thống giao dịch của HoSE đã nhiều lần quá tải do dòng tiền đổ vào chứng khoán không ngừng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. HoSE đã quyết định triển khai chính thức việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ tháng 1/2021. Trước đó, HoSE mở hệ thống giao dịch cho các công ty chứng khoán kết nối và thử nghiệm từ 16/12 - 22/12/2020.

Trái ngược với việc dòng vốn ngoại chủ động, dòng vốn thụ động của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài lại gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của các quỹ đầu tư ETF nội.

Năm 2020 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt quỹ dạng này như các quỹ ETF MAFM VN30; ETF SSIAM VN30; ETF SSIAM VNFIN LEAD; ETF VFMVN DIAMOND; ETF VINACAPITAL VN100. Các quỹ ETF nội mới ra đời nhưng đã nhanh chóng thu hút được hàng ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh [HoSE], từ đầu năm đến giữa tháng 12/2020, các quỹ ETF niêm yết ở sàn này đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bám theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index.

>> Xem thêm: Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần đến hết năm 2020. Theo đó, VietCapitalBank, NamABank, Saigonbank đã chính thức giao dịch trên UpCOM và PGBank, ABBank chính thức giao dịch vào ngày 24/12 và 28/12. Trong khi đó, ACB đã chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE, LienVietPostBank và VIB chuyển từ UpCOM lên niêm yết HoSE. MSB là ngân hàng duy nhất niêm yết thẳng lên HoSE. Làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng cũng đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của nhóm "cổ phiếu vua" trong năm nay. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng hàng chục phần trăm như VIB, LPB, ACB thậm chí bằng lần.

Năm 2020 có thể coi là thời điểm bắt đầu làn sóng chuyển sàn rầm rộ chưa từng thấy trên TTCK Việt Nam. Niêm yết trên HoSE giúp cổ phiếu có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, lọt vào các rổ chỉ số được quỹ ETF mô phỏng, từ đó nâng cao thanh khoản và thị giá. Không chỉ có ngân hàng “ồ ạt” chuyển sàn, nhiều doanh nghiệp cũng đã nộp hồ sơ xin niêm yết trên HoSE có thể kể đến Vinaconex [VCG], Nhà và Đô thị Nam Hà Nội [NHA], Chứng khoán VIX [VIX], Clever Group [ADG]... Trong khi Vicostone [VCS] cũng đã hoàn tất xin cổ đông chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có thêm một năm bùng nổ đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội [HNX], tính đến hết tháng 11/2020 đã có 237 doanh nghiệp phát hành thành công trong đó có 3 doanh nghiệp đã phát hành thành công 185 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tổng số đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên đến 2.311 trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348.400 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký.

Nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn đang trên đà phát triển nhưng vẫn có nhiều bất ổn. Nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đưa là những chính sách kịp thời góp phần đưa thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày càng phát triển và ngày càng ổn định hơn.

Trên đấy là bài tổng hợp về vai trò của thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

>> Xem thêm: Thị trường là gì ? Thị trường là gì trong marketing? Tại sao phải nghiên cứu thị trường ?

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề