Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cách mạng giải phóng dân tộc

Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và ý nghĩa hiện thực với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

[ĐCSVN] - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam: Đất nước độc lập, nhân dân được tự do sau gần 100 năm thống khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng ấy vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành động lực, niềm tin, cổ vũ cho nhân dân các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập.

Rất nhiều nhà sử học nước ngoài khi nghiên cứu về Việt Nam đều cho rằng, cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn khởi nguồn các cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Giáo sư người Jamaica Horet Compel, người từng nghiên cứu nhiều về lịch sử Việt Nam đã nhận xét: “Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc của Việt Nam và một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới, đã đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam”. Và chính thắng lợi của cuộc cách mạng đó đã chứng minh một cách sinh động những tư tưởng đặc sắc, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc, Trung, Nam. Đó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành v.v.. Các phong trào kể trên đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, đã đáp ứng trúng nhu cầu lịch sử dân tộc, đưa đất nước đi vào đúng quỹ đạo thời đại mới.

Sau nhiều năm bôn ba ở khắp các châu lục Á, Phi, Âu, Mỹ làm đủ mọi nghề để kiếm sống, hòa mình trong quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, trực tiếp chứng kiến cảnh bất công, tàn bạo của xã hội tư bản, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “ Ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man; các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ thù chung là bọn đế quốc thực dân…. Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1]

Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng con ngưòi là nhu cầu cấp thiết không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Từ tình yêu thương con ngưòi đã trở thành khát vọng giải phóng con người, Nguyễn Ái Quốc luôn nung nấu ý chí tìm đường giải phóng không chỉ với dân tộc mình mà còn với mọi tầng lớp cùng khổ trên khắp các châu lục. Khi nhận ra các cuộc cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Mỹ chỉ thay thế chế độ bóc lột này bằng chế chế độ bóc lột khác tinh vi hơn chứ không xóa bỏ được áp bức bóc lột, Người cho rằng đó là những cuộc cách mạng không đến nơi, không triệt để. Do đó, cứu nước theo ngọn cờ của giai cấp tư sản không phải là lối thoát cho dân tộc.

Đang lúc còn băn khoăn, mầy mò chưa tìm được lối ra cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp được những tưởng của V.I.Lênin v vấn đề dân tộc và thuộc địa [7-1920]. Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đi tới khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].

Đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Đường lối đó thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội nước ta - cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng chính là nét đặc sắc và sự khác biệt căn bản về con đường cứu nước của Hồ Chí Minh với các con đường của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học ở Việt Nam; khác biệt với con đường cứu nước của M.Ganđi, G.Nêru ở Ấn Độ, A.Xucacnô ở Inđônêxia, Natxe ở Ai Cập, H. Bumêđiêng ở Angiêri và nhiều nhân vật khác trên thế giới.

Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi lấy liên minh công nông làm nòng cốt, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế.

Với những thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, của 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc ta không chỉ thi hành "Bản án chế độ thực dân" ở Việt Nam, giành lại độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới vì tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, mà còn cùng với các dân tộc thuộc địa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đấu tranh loại bỏ vết nhơ áp bức của chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng tính cách mạng, khoa học đúng đắn con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn và thực hiện thắng lợi ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đã từng là tấm gương ngưỡng mộ và cổ vũ các dân tộc bị áp bức noi theo. Đáng tiếc là, gần đây, trước những biến cố chính trị ở Đông Âu và Liên Xô cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một số kẻ cơ hội chính trị đã dấy lên phong trào công kích vào sự lựa chọn con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn. Họ cho rằng sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sai ngay từ đầu, và đã đưa dân tộc ta vào ngõ cụt. Rằng giá như chúng ta đi theo con đường khác hoặc như cụ Phan Bội Châu, hay cụ Phan Chu Trinh đã lựa chọn thì biết đâu nước ta vẫn giành được độc lập về kinh tế, văn hoá, vẫn phát triển như một số quốc gia trong khu vực, lại tránh được mấy cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, hao tổn biết bao xương máu mà ngày nay nhân dân ta vẫn chưa thoát khỏi nước nghèo, chậm phát triển? Họ ra sức phủ nhận tính chất của thời đại ngày nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội để cổ suý cho cái gọi là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một số người tỏ ra thận trọng hơn, tuy không công khai bác bỏ con đường mà Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lựa chọn, song họ cho rằng lẽ ra sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta không nên vội vàng bước ngay vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà nên có một thời gian để làm nốt những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đặt nhiệm vụ giải quyết những nội dung của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa lúc này là quá sớm! Họ cho rằng cuộc sống sẽ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên của nó, không thể đốt cháy giai đoạn cũng như không thể bỏ qua một phương thức sản xuất khi những tiền đề vật chất - kinh tế chưa chín muồi! Thực chất của những quan điểm này dù được che đậy và nguỵ trang khéo léo tinh vi dưới mọi hình thức thì về bản chất đều nhằm tới mục đích phủ nhận con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.

Những ý kiến trên đây mới nghe tưởng chừng có lý, dễ dàng lọt tai với những ai nhẹ dạ cả tin, hoặc thiếu một sự suy đoán khoa học. Vậy thử hỏi họ đã đứng trên lập trường nào để xem xét và phê phán con đường mà dân tộc ta đã đấu tranh lâu dài, đổ bao xương máu mới giành lại được độc lập tư do cho dân tộc? Và làm xong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhân dân ta, dân tộc ta sẽ bước tiếp dưới ngọn cờ của giai cấp nào? Liệu giai cấp tư sản có đủ uy tín và năng lực để đem lại tự do, ấm no hạnh phúc cho toàn dân? Chả lẽ sự hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho dân tộc của nhiều thế hệ nguời Việt Nam mấy chục năm ròng đấu tranh chống lại các thế lực đế quốc xâm lược, giờ đây được trao lại thành quả cách mạng đó cho giai cấp tư sản và chấp nhận sự tồn tại của một chế độ mà lịch sử thế giới hiện đại đã và đang chứng minh tính chất lỗi thời của nó?

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930, là đường lối nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân ta đồng tình ủng hộ, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển.

Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài.

Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Cách mạng là sáng tạo, là sự thống nhất biện chứng giữa những quy luật phổ biến với tính đặc thù của từng dân tộc. Không có mô hình duy nhất trong thực tiễn cho các quốc gia. Chủ nghĩa giáo điều, dù cũ hay mới, cũng như chủ nghĩa xét lại đều trái với con đường cách mạng và phát triển Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy biến động nhanh và khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta và dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “ Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”[3]


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ,Hà Nội 2000, t.1, tr. 266].

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tập 9, tr 314

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NxbCTQG, H. 2011, tr 39

Hồ Chí Minh với việc đi tìm chân lý thời đại: “Muốn cứu nước không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”

[ĐCSVN] - Trong hệ thống luận điểm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một luận điểm lớn mang tầm chân lý thời đại mà giá trị và sức sống của nó còn mãi với tiến trình phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là đối với các dân tộc thuộc địa. Đó là luận điểm: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Để khái quát được luận điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua gần 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, 18 năm trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam chống thực dân, phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam mới do nhân dân lao động làm chủ.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân xâm lược, nhân dân bị hai tầng áp bức nặng nề, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, thương dân mới, có chí muốn cứu giúp nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than. Anh tích cực tham gia các hoạt động cứu nước do các nhà cách mạng tiền bối tổ chức. Trong quá trình đó, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ nhiều về con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên. Dù rất quý trọng và khâm phục lòng yêu nước, đánh giá cao những cống hiến của họ, nhưng với một dự cảm chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành nhận thấy ở các con đường cứu nước ấy còn có nhiều hạn chế và bế tắc về mục tiêu và phương pháp. Anh quyết định đi tìm con đường cứu nước mới.

Việc Nguyễn Tất Thành chọn hướng đi sang phương Tây, sang một nền văn minh mới khác với văn minh phương Đông, sang tận nơi có cái gọi là “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái” mà người Pháp thực dân tuyên truyền để tìm hiểu ngọn nguồn của chế độ thực dân đô hộ dân tộc Việt Nam, và cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới, sau về giúp đồng bào, đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị lúc bấy giờ.

Trong thời gian 10 năm đầu, từ 1911 đến 1920, Nguyễn Tất Thành vừa phải tìm việc làm để kiếm sống, vừa tự học tập và tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Anh đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục; ở đâu anh cũng quan sát, so sánh, nhận xét, đi sâu tìm hiểu thực chất, không dừng lại ở hình thức bên ngoài. Vì thế, điều mà nhiều người yêu nước Việt Nam lúc đó không phát hiện được thì Nguyễn Tất Thành đã nhận ra: Ở đâu trên thế giới cũng có kẻ giàu, người nghèo, cũng có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, bị áp bức. Ở các nước chính quốc hay các nước bị thuộc địa vẫn có những người Pháp, người Mỹ tốt và cũng có những người Pháp, người Mỹ không tốt; cũng có người da trắng áp bức, bóc lột và những người da trắng bị áp bức, bóc lột. Anh đi đến kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[1]. Khi sang Mỹ, tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy ở cách mạng Mỹ có một số giá trị tích cực, nhưng vẫn nhận xét đó là cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì không nói gì đến giải phóng tầng lớp nhân dân lao động. Ở Pháp, nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp, nghiên cứu bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, Anh cũng tìm thấy được một số giá trị tích cực, nhưng cũng phê phán tính chất nửa vời, không triệt để của nó.

Tháng 6 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm gửi Hội nghị Véc xây [hội nghị của các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ nhất] nhằm kêu gọi các nước giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, nhưng không được hội nghị xem xét. Bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc[2] càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Sau này, Người viết: “Chủ nghĩa Uyn xơn chỉ là trò bịp bợm lớn”[3] và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[4]. Phân tích cách mạng tư sản Mỹ 1776 và cách mạng tư sản Pháp 1791, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.

Thế rồi, điều gì đến phải đến. Như một tất yếu lịch sử, vào một ngày tháng 7 năm 1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo [Pháp], Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút vì tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay anh hằng mong ước, đợi chờ.

Luận cương của V.I.Lênin như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc, đem đến cho anh một nhãn quan chính trị mới. Nhà lãnh đạo Đảng, nhà lý luận chính trị Trường Chinh nhận xét: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”[5]. Từ đó, anh hoàn toàn tin theo V.I.Lênin và quyết đi con đường cách mạng mà V.I.Lênin đã vạch ra. Từ lập trường của một người yêu nước, anh chuyển sang lập trường của một người cộng sản. Sau này, Người kể lại rằng: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.…Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[6]. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc tìm đường sang nước Nga, trực tiếp nhìn thấy những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười đem lại cho giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, Người càng quyết tâm theo con đường đã chọn.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi Người ra đi. Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, đưa nhân dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từng bước đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ tận gốc bóc lột, bất công. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ 1976 đến nay, cũng như bài học thành công và chưa thành công của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX đã khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.

Năm 1967, trong bài viết cho Báo Pravđa [Liên Xô] nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một số vấn đề có tính quy luật về cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa”[7].

Luận điểm "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" là một luận điểm nền tảng của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; định hướng phương hướng, đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Đảng đã đề ra quan điểm "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Quan điểm này được Đảng ta phát triển trong Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930, đặc biệt là được thể hiện rất rõ trong Đại hội II của Đảng năm 1951, khẳng định cách mạng Việt Nam mang tính chất cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản với việc xác định nhiệm vụ của cách mạng cả nước là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi thống nhất đất nước, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, năm 1976, tại Đại hội IV Đảng ta chủ trương đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mục tiêu lớn của thời đại là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[8]. Việc Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Bằng việc nêu lên luận điểm mang tầm chân lý thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú lý luận Mác - Lênin về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên phổ biến đối với mọi dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong bài “Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh”, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Trường Đảng Êtiôpia Têshôm Kêbêđe đã viết: “Những tư tưởng của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng to lớn trong việc khuyến khích và cung cấp tri thức cho các lãnh tụ của giai cấp công nhân và các nhà cách mạng ở Á, Phi và Mỹ Latinh giải quyết một cách triệt để vấn đề dân tộc”[9].

Hiện nay, tuy cách mạng vô sản thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn do sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa tư bản; không ít dân tộc gặp khó khăn trong việc chọn định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội do tác động tiêu cực của tình hình sau khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Tuy vậy, nhiều nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh vẫn giương ngọn cờ độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội dưới nhiều hình thức. Trong khi một số mô hình chủ nghĩa xã hội ở một số nước Đông Âu sụp đổ, một số mô hình chủ nghĩa xã hội mới - sản phẩm của quá trình đổi mới chủ nghĩa xã hội - như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba với những thành tựu to lớn, khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội đổi mới, trở thành tấm gương sáng để các dân tộc khác noi theo. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các dân tộc dù có khó khăn, phức tạp, nhưng theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa tư bản đã từng có vai trò lịch sử trong các thế kỷ trước, cho dù hiện nay vẫn còn khả năng tồn tại do biết lợi dụng sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và bóc lột các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng nó đã bộc lộ những khiếm khuyết và mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết; đã và đang bộc lộ những hạn chế không thể khắc phục nổi trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, giai cấp, vấn đề xóa bỏ chế độ người bóc lột người, chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, chăm lo phát triển con người, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Do bản chất của mình, ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không từ bỏ chính sách thực dân xâm lược với nhiều biến tướng mới rất tinh vi và xảo quyệt nhằm bóc lột các nước kém phát triển, chậm phát triển. Những cuộc chiến tranh và can thiệp quân sự của các nước phương Tây vào các quốc gia độc lập có chủ quyền trong những thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, đặc biệt gần đây, cuộc tấn công quân sự của Liên quân do NATO lãnh đạo chống Libi, cho dù cố che đậy với những lý do gì, thì về thực chất vẫn là các cuộc xâm lược nhằm mục đích phân chia lại thị trường thế giới, giành giật tài nguyên, môi trường, duy trì hoặc áp đặt ảnh hưởng của họ lên các nước đang lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, ngăn cản quá trình vận động, phát triển lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia đã giành được độc lập, buộc các quốc gia này phải phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản.

Bài học lịch sử trong thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI cảnh tỉnh chúng ta rằng, còn chủ nghĩa tư bản là còn nguy cơ bị xâm lược; độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự thống nhất đất nước còn bị đe dọa. Do đó, chủ nghĩa tư bản quyết không phải là sự lựa chọn của nhân loại trong thời đại ngày nay. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác - Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 1, tr. 266.

[2] Khi viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, tên Nguyễn Ái Quốc được dùng từ đó.

[3] Hồ CHí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 1, tr. 416.

[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H. 1975, tr. 33.

[5] Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, Nxb ST, H. 1980, tr. 11.

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, tr. 128.

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 12, tr. 304-305.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

[9] Dẫn theo sách "Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại”, Nxb CTQG, H. 2010, tr. 218.

Video liên quan

Chủ Đề