Tên gọi ba đình xuất phát từ địa danh nào năm 2024

Quảng trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và cả nước. Nơi đây gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với hình ảnh Lăng Bác, rặng tre rì rào trong gió… dần trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thương, nơi những trái tim mọi người dân Việt Nam khắp mọi miền Tổ quốc tìm về!

Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Tên gọi Ba Đình

Quảng trường Ba Đình ban đầu là một cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi sầm uất buôn bán với nhiều làng nghề. Đến đầu thế kỷ 20, Quảng trường được người Pháp xây dựng và lấy tên của một linh mục người Pháp là Puginier đặt cho quảng trường [Rond Point Puginier].

Quảng trường Ba Đình còn được biết đến với 2 tên nữa là: Quảng trường Hồng Bàng và Quảng trường Độc Lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Về tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc Lập nhưng Bác Hồ “bác’’ đi. Người nói cứ giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình.

Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai đặt. Ông giữ chức Thị trưởng Thành phố từ ngày 20/7 đến ngày 19/8/1945. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Quảng trường Ba Đình là vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Ba Đình là tên gọi một cụm 6 đảo, hồi đầu thế kỷ 19 là 4 thôn của 3 xã ở 2 tổng, nằm giữa một bãi lầy quanh năm ngập nước, thuộc huyện Nga Sơn ở Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa. Từ cuối tháng 11 đầu tháng 12/1886 đến sáng ngày 21/01/1887, ở đấy đã diễn ra một trận chiến giữa quân đội của Triều đình Hàm Nghi thiên đô chống Pháp với quân đội xâm lược thực dân Pháp và tay sai. Địch đã tập trung về Ba Đình một quân lực lớn chưa từng có, so với tất cả các chiến dịch của chúng trên đất nước Đại Nam dưới Đệ tam Cộng hòa Pháp.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, Quảng trường ấy vẫn tên gọi Ba Đình như bây giờ!

Bác Hồ trong ngày Lễ Độc lập

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta được giải phóng, nhân dân Việt Nam đã thoát khổi địa vị nô lệ vươn lên trở thành người làm chủ đất nước. Để chuẩn bị cho ngày Lễ Độc lập, đã có nhiều nơi được đưa ra để lựa chọn tổ chức sự kiện và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được lựa chọn.

Như vậy, chỉ hơn một tháng sau khi có tên gọi “Quảng trường Ba Đình”, cùng với vận hội mới của đất nước, các phương tiện thông tin thế giới đã đồng loạt đưa tin: Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu với bộ quần áo ka-ki, đôi déo cao su - tất cả đều vô cùng giản dị, gần gụi. Xung quanh Bác là hàng chục vạn đồng bào vỗ tay, reo hò… tất cả đã ghi tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam về ngày Quốc khánh tuyệt vời năm 1945 hào hùng ấy!

Khi nói về lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: Bác Hồ chọn Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập vì Bác Hồ muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn là với toàn thế giới, như Bác Hồ đã khẳng định: Quyền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại.

Quảng trường Ba Đình

77 năm đã trôi qua, hình ảnh Bác Hồ kính yêu đứng tại Quảng trường Ba Đình vẫn luôn tạo niềm xúc động khôn nguôi với mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, với những người con miền Nam, khi đến với Thủ đô Hà Nội, nguyện ước đầu tiên của họ chính là được đến Quảng trường Ba Đình, được vào Lăng Bác, được tận mắt nhìn thấy Bác. Đã có không ít người không kìm được nước mắt mà khóc, thương nhớ về Bác kính yêu. Có lẽ đây là điều đặc biệt nhất ở Việt Nam, hiếm có ở đất nước nào mà tình yêu dành cho lãnh tụ lại lớn đến vậy!

Có mặt tại Lăng Bác trong những ngày tháng 9 lịch sử, bác Nguyễn Thi Huê [Hà Nội] chia sẻ: Tôi và gia đình năm nào cũng vào Lăng viếng Bác. Việc làm này đã duy trì được rất nhiều năm! Hai năm vừa rồi do dịch COVID-19 nên gia đình đã không thực hiện được mong muốn vào Lăng viếng Bác. Năm nay, thật xúc động khi gia đình chúng tôi lại được đến Quảng trường Ba Đình, được vào Lăng, được tận mắt thấy hình ảnh của Bác. Còn với riêng Quảng trường Ba Đình, tôi nghĩ rằng không chỉ mình tôi mà còn rất rất nhiều người khác đều cảm thấy vô cùng tự hào và trân trọng hơn. Bởi nơi đây dường như đã trở thành “chứng nhân” cho lịch sử, rất đỗi linh thiêng, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc ta.

Quảng trường Ba Đình hôm nay

Những hình ảnh gần gũi đã gắn liền với Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Ngọc Hà

“Tôi rất xúc động khi được đến tham quan tại Quảng trường Ba Đình. Tiếc là bản thân không thể đến sớm hơn để được vào Lăng viếng Bác. Nhưng dù vậy, hôm nay được đứng tại Quảng trường Ba Đình, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thành kính tưởng nhớ về Người, tôi cũng vô cùng xúc động. Nhìn cảnh quan nơi đây, tôi cảm nhận được rõ dưới bàn tay “chăm sóc, giữ gìn” của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp. Có lẽ ai đến đây cũng đều chung niềm tự hào như tôi” - bác Lưu Văn Minh [Bình Dương] tâm sự.

Thời gian dần trôi, lịch sử đã ghi dấu những dấu mốc quan trọng của dân tộc Việt Nam trong đó có gắn liền với Quảng trường Ba Đình. Bằng những nỗ lực, cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng, trực tiếp là Ban Quản lý Quảng trình Ba Đình, Quảng trường Ba Đình hôm nay đã dần trở thành địa điểm gần gũi, thiêng liêng của cả dân tộc. Nơi đây với hình ảnh Lăng Bác đã trở thành “nơi đi về” của triệu triệu trái tim, để từ đây mỗi người sẽ xác định rõ hơn cho bản thân về mục tiêu, lý tưởng, cố gắng học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để cùng nhau chung sức bảo vệ, xây dựng đất nước như những mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời./.

Chủ Đề