Tẩy chay dân thanh hóa nghệ an hà tĩnh năm 2024

"Nếu năm anh Thanh Hóa cùng đi với nhau, cả năm anh cùng sàn sàn như nhau thì được, nhưng chỉ cần một anh hơi nổi trội hơn một chút là các anh còn lại cảm thấy không ưa", PGS Hà Đình Đức, một người Thanh Hóa, chia sẻ.

Xung quanh việc có hiện tượng một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp “ngầm tẩy chay” các lao động có hộ khẩu tại một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đất Việt đã phỏng vấn PGS, TS Hà Đình Đức, một nhà nghiên cứu văn hóa và có quê gốc ở Thanh Hóa, về vấn đề này.

- Ông có biết hiện tượng người lao động có hộ khẩu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang bị nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía Nam “ngầm tẩy chay”, không tiếp nhận?

- Tôi đã theo dõi và biết về sự việc này qua loạt bài điều tra của báo Đất Việt.

- Là một người gốc Thanh Hóa, ông có thấy “nóng mặt” khi biết những thông tin trên không?

- Thú thật, khi biết thông tin về những vụ việc và hiện tượng phân biệt đối xử với người dân và lao động Thanh – Nghệ - Tĩnh thì tôi cho rằng đây là một hiện tượng xã hội như nhiều hiện tượng khác của xã hội. Nếu có những cuộc tranh luận hay tranh cãi về vấn đề này thì tôi sẽ không tham gia mà dành thời gian để làm những việc khác có ích hơn. Tôi cũng không phải đấu tranh để bảo vệ người Thanh Hóa hay hùa vào nói xấu người Thanh Hóa, vì thực tế hiển nhiên đã chứng minh rồi, người ta nhìn vào là biết. Nếu mình hùa vào bên nào thì vô hình trung đã đổ thêm dầu vào lửa và khiến người khác coi thường.

PGS Hà Đình Đức: "Tôi không phải đấu tranh để bảo vệ người Thanh Hóa hay hùa vào nói xấu người Thanh Hóa, vì thực tế hiển nhiên đã chứng minh rồi". Ảnh: Bá Mạnh.

- Không nghiêng về phía nào để tranh cãi, nhưng quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, việc một số doanh nghiệp tẩy chay, thậm chí là bài trừ, không nhận các lao động Thanh – Nghệ - Tĩnh là việc làm không nên chút nào. Điều này chỉ khơi thêm sự mất đoàn kết, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nếu các tổ chức công đoàn, công ty chịu khó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các nhóm lao động trên thì có thể tránh được những vụ việc đáng tiếc do các lao động này gây ra. Tôi nghĩ vấn đề này không chỉ là việc riêng giữa các nhóm lao động và doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Sự giao lưu kinh tế, con người giữa các địa phương, vùng miền là chuyện hết sức bình thường. Hiến pháp và hệ thống luật pháp nước ta cũng không cấm điều này. Việc các doanh nghiệp từ chối nhận lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng giống việc thành phố Đà Nẵng mới đây ra quy định cấm người nhập cư. Việc này giúp Đà Nẵng khống chế được dân số, hoàn thành các mục tiêu nhưng lại vi phạm pháp luật.

Tôi nghĩ, đây không còn là một chuyện đơn giản mà đã trở thành vấn đề xã hội rất phức tạp. Vì vậy, các nhà xã hội học cần có những nghiên cứu, điều tra thật khoa học để giúp Nhà nước và các doanh nghiệp giải tỏa vấn đề này. Nếu để lâu sẽ ngày càng trầm trọng và sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của đất nước.

- Có ý kiến cho rằng, sự việc trên chỉ là một trong những biểu hiện của vấn đề phân biệt đối xử với người dân một số địa phương, vùng miền. Ông có nghĩ đây là vấn đề mang tính lịch sử và trên phạm vi rộng không?

- Hiện tượng phân biệt đối xử với người Thanh – Nghệ - Tĩnh trước đây tôi thấy không có. Thời gian gần đây, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân công tại các thành phố lớn, khu công nghiệp tăng cao, dẫn tới những cuộc di chuyển lớn của người lao động về đây, trong đó có rất nhiều lao động đến từ ba tỉnh trên, thì mới xuất hiện những sự phân biệt vùng miền như thế.

Ba tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều khu vực đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống người dân khó khăn. Vì thế, người dân các tỉnh này thường cố gắng đi làm ăn, học hành ở các địa phương khác, các thành phố lớn để đời sống bớt khó khăn. Nhiều người đã thoát ly hẳn, chuyển sang sống ở nơi khác.

Những người Thanh – Nghệ - Tĩnh xa quê thường hay tụ họp với nhau, lập các hội đồng hương, các nhóm chơi với nhau. Điều này cũng có cái hay là tương trợ, giúp đỡ nhau khi sống xa quê hương. Nhưng mặt khác, nếu tập hợp đồng hương để làm những việc xấu thì rất đáng ngại. Thực tế là tỉ lệ các vụ gây rối, đánh nhau… của đồng hương ba tỉnh trên nhiều hơn các tỉnh khác. Điều đó đã tạo nên những ấn tượng không tốt về người dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong mắt cộng đồng xung quanh. Trong đó, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cũng không muốn tuyển các lao động đến từ các địa phương trên.

Một ví dụ cho việc phân biệt đối xử vùng miền.

- Theo nhiều phản ánh, ngay trong giới sinh viên hiện nay cũng đang tồn tại sự phân biệt đối xử theo những mức độ khác nhau với sinh viên quê Thanh – Nghệ - Tĩnh. Ông có biết việc này không?

- Trong thời gian tôi là sinh viên và giảng dạy trong trường đại học thì không thấy hiện tượng này. Nếu ngày nay xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với sinh viên quê Thanh – Nghệ - Tĩnh thì tôi chưa nắm bắt được.

- Vậy, từ trước đến nay, bản thân ông đã bao giờ gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống vì mình là người Thanh Hóa chưa?

- Trong suốt quá trình học tập và làm việc của tôi từ trước đến giờ, tôi chưa từng gặp khó khăn, bị phân biệt đối xử vì mình là người Thanh Hóa. Mình cứ làm thật tốt công việc, nhiệm vụ của mình thì không ai nói gì được. Trong giới trí thức thì việc phân biệt đối xử với người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hầu như không có.

- Phải chăng sự khác biệt về vị trí địa lý, dẫn tới sự khác biệt về cách sống giữa người dân ba tỉnh trên với người dân các vùng khác là nguyên nhân chính dẫn tới những bất đồng, phân biệt đối xử?

- Tôi không cho rằng đó là nguyên nhân chính. Vì tôi cũng là người Thanh Hóa nên xin nói riêng về người Thanh Hóa. Người Thanh Hóa thường trực tính nên có gì ấm ức là không chịu. Nói xấu thì không đúng, nhưng quả thật là nếu 5 anh Thanh Hóa cùng đi với nhau, cả 5 anh cùng sàn sàn như nhau thì được, nhưng chỉ cần một anh hơi nổi trội hơn một chút là các anh còn lại cảm thấy không ưa. Đây là một nét rất dở của không ít người dân Thanh Hóa. Còn người Nghệ An, Hà Tĩnh thì đùm bọc, gắn kết với nhau tốt hơn.

- Nhiều người cho rằng, “có lửa thì mới có khói”. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng trên?

- Nhiều người thường hay có định kiến theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Nhiều khi không từng va chạm, chưa hiểu nhiều về người Thanh – Nghệ - Tĩnh nhưng do ngay từ đầu đã có định kiến, ác cảm nên sau đó luôn nghĩ xấu và có cái nhìn không thiện cảm, dẫn đến những phân biệt đối xử với những người đến từ các địa phương trên. Ở đâu, ở địa phương nào cũng có người tốt, người xấu cả. Vì có định kiến từ đầu nên người ta không nhìn ra những mặt tốt của dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều người đang vơ đũa cả nắm, khiến người Thanh – Nghệ - Tĩnh chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng phải thừa nhận là có một số phần tử không tốt người Thanh – Nghệ - Tĩnh có nhiều hành động đập phá, trộm cướp… khiến hình ảnh người dân các tỉnh này càng xấu hơn trong mắt người khác.

- Ông có đề xuất hay ý tưởng gì để hiện tượng phân biệt đối xử vùng miền như trên hạn chế dần và không còn nữa?

- Ai cũng phải có một cái gốc, một quê hương và luôn mong quê hương mình ngày càng tốt, ngày càng phát triển. Tôi luôn tự hào về quê hương Thanh Hóa của mình, sống và làm việc ở Hà Nội đã hơn 50 năm nhưng bạn thấy đấy, tôi vẫn nói nguyên giọng Thanh Hóa. Tự hào về quê hương nhưng có những điều còn hạn chế mà thực tế đã cho thấy rõ thì mình phải chấp nhận và tìm cách sửa chữa để ngày càng tiến bộ hơn thôi. Không nên bảo thủ, khăng khăng coi mình lúc nào cũng là tốt.

Tôi khẩn thiết đề nghị các nhà xã hội học cần có những nghiên cứu khoa học, chính xác xem tỉ lệ những người Thanh – Nghệ - Tĩnh tại các thành phố lớn, tại các khu công nghiệp là bao nhiêu và những tác động, ảnh hưởng của những người này đến đơn vị, địa phương sở tại… Có phải phần lớn các vụ xung đột, gây mất trật tự chỉ do người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh không? Tôi thấy có trường hợp người lao động của các tỉnh này đang bị người lao động của các địa phương khác lợi dụng, kích động, gây xấu xí thêm hình ảnh.

Chủ Đề