Tại sao chiều dài marathon là 42km

Mình mới vừa hoàn thành lần chạy Marathon cự ly 42km đầu tiên tại Côn Đảo do báo Tiền Phong tổ chức ngày 27/03/2022 vừa rồi. Trước đây mình đã từng có 3 lần chạy Half-Marathon cự ly 21km ở Sài Gòn, Huế và Pleiku và sau mấy lần đăng ký cự ly 42km không được chạy thì bây giờ mới được trải nghiệm [đã đăng ký 2 lần nhưng do dịch bệnh nên không thể tổ chức].

Mình đã hoàn thành cự ly 42km trong 4h56 phút cũng khá là hài lòng với kết quả này, thực sự mình cũng từng nghĩ là có thể những km cuối cùng sẽ phải đi bộ về đích nhưng mình vẫn chạy được với tốc độ chậm. Chạy xong được tải giấy chứng nhận hoàn thành nhìn cũng hay và vui nữa. Đây cũng là một trong những việc cần làm trước khi chết của mình và được ghi lại trong bucket list.

Giải Tiền Phong Marathon theo như các vận động viên đánh giá thì luôn có những cung đường đẹp và địa điểm đặc biệt nhưng cũng cực kỳ thử thách với những đoạn đường khó chạy và ở Côn Đảo thì đó là những con dốc dài và độ dốc cao bào sức rất kinh.

Bài viết này mình viết lại như một bài review trải nghiệm và không phải là một vận động viên có nhiều am hiểu và kinh nghiệm nên bạn đọc tham khảo, mục đích của mình là chia sẻ và truyền cảm hứng cho những ai đọc được bài này.

Đăng ký giải Marathon Tiền Phong.

Thời điểm tết Âm Lịch thì chính thức mở bán vé cho vận động viên đăng ký tham gia – tức là khoảng vài tháng trước khi diễn ra cuộc đua. Mình và nhóm bạn đăng ký mua vé vì cũng chưa đi Côn Đảo bao giờ và mình quyết tâm muốn chinh phục cự ly 42km xem sao. Nhóm mình có 5 người chạy trong đó 2 người tham gia cự ly 42km, 2 người cự ly 21km và 1 người cự ly 10km.

Mình đăng ký chung với nhóm Adidas Runnes Sài Gòn nên vé được giảm còn khoảng 800k cho cự ly 42km. Sau khi đăng ký rồi thì khoảng 2 tuần nhận được mã BIB và lên kế hoạch chuẩn bị cho ngày đua.

Bọn mình ở Sài Gòn nên cần phải đặt vé máy bay đi Côn Đảo dự tính sẽ ở ngoài đó khoảng 3 ngày nên đặt khứ hồi bay ra trước 2 ngày để chơi, khi chạy xong thì về luôn tối hôm Chủ Nhật. Vì kinh nghiệm đi chạy cũng mấy lần rồi nên sau khi chạy chân sẽ bị căng cơ và đau nên sẽ chẳng đi chơi đâu được vì thế bọn mình tính sẽ đi chơi trước.

Book vé máy bay khứ hồi khoảng 3tr5 mỗi người, đặt khách sạn ở chung nên mỗi người khoảng 500k cho 2 đêm. Còn lại chi phí ăn uống và tham quan thì tự chia nhau khi ra tới Côn Đảo.

Kinh nghiệm của bọn mình là nên đặt khách sạn sớm kẻo hết phòng, vì giải chạy ở đảo nhỏ mà vận động viên thì nhiều cho nên khách sạn ít không đáp ứng được nhu cầu cao, bọn mình đặt trước khá sớm nên có phòng, có nhiều vận động viên không thể đặt được phòng vì đã kín hết chỗ.

Bản đồ đường chạy tại Côn Đảo cự ly 42km.

Tập luyện cho cự ly marathon 42km.

Đây chắc chắn là một phần quan trọng nếu như muốn chinh phục cự ly 42km vì nếu không tập luyện thì trong đườn chạy dù bạn đã vượt qua nửa chặng đường hoặc trên 30km nhưng việc đi bộ về đích vẫn là một sự tra tấn, một cực hình vì lúc đó sức lực đã cạn và thời tiết nắng nóng sẽ sấy khô bạn như mực phơi nắng.

Mỗi tuần mình sẽ dành 3 buổi tập chạy, ở Sài Gòn mình thường ra khu vực Sala – Quận 2 nơi được mệnh danh là thánh địa chạy bộ. Ở đây tập chạy vừa có không khí của những runners cũng tập luyện, ít xe cộ nên không khí cũng trong lành. Kế hoạch là vậy nhưng vì lịch hẹn và công việc nên có tuần mình cũng chỉ ra chạy được 1,2 lần còn lại thì tiện ngày nào mình sẽ tập chạy gần nhà.

Kỹ thuật thở thì mình cũng đã từng có kinh nghiệm tập yoga và thiền định nên mình rất chú ý tới hơi thở và cảm nhận nhịp thở vậy nên mình luôn giữ cho một nhịp độ vừa phải để chạy bền không bị thở dốc và nhịp tim không bị quá cao.

Một phần nữa mà mình cũng phải để ý đó là kỹ thuật đáp chân – điều này mình đã từng bị đau cổ chân bên phải trong lần chạy 21km trước và nguyên nhân là do đáp chân bị lệch khiến cho về đoạn cuối của cuộc đua chân mình bị đau và mất nhiều ngày mới hồi phục. Lần này mình phải chú ý để điều chỉnh việc đáp chân mà mọi người hay gọi là form chạy. Nếu đáp lệch nhưng chạy quãng đường ngắn sẽ ít gặp vấn đề, còn đàng này mình chạy marathon – số bước chân của cuộc chạy marathon lên tới vài chục ngàn bước chân thì chỉ cần đáp lệch nhẹ cũng dễ gây tới đau khớp cổ chân hoặc gối, có người thì sẽ bị đau gót hoặc gan bàn chân. Nếu bạn muốn biết mình có bị đáp lệch không thì hãy chạy những cự ly dài khoảng 20km – 30km bạn sẽ phát hiện ra nếu như chân mình bị đau.

Mình cũng có một số buổi tập chạy dài nhưng đâu đó chạy tới 15km – 17km là nghỉ rồi. Nhưng với tâm thế là trải nghiệm nên mình cũng không dồn ép cơ thể tập luyện cao độ và đạt thành tích về thời gian nên mình cứ lượng sức tập luyện vừa đủ và sẵn sàng cho ngày chạy chính thức.

Nhưng mình nghĩ bất cứ ai muốn chinh phục marathon thì cũng cần phải tập luyện nghiêm túc những bài chạy dài và những kỹ thuật chạy tránh gây chấn thương.

Ở Sài Gòn rất may là có nhiều nhóm chạy bộ và việc chia sẻ kỹ thuật chạy marathon rất nhiều nơi cung cấp cho bạn nếu bạn có thời gian tập luyện chung với các nhóm đó hoàn toàn miễn phí và rất hoan nghênh bạn tham gia, một số nhóm đó là:

  • SRC – Sunday Running Club [Sharing – Responsible -Connecting]
  • adidas Runners Saigon
  • VietRunners & Friends
  • Gia Định Runners
  • PHU MY HUNG RUNNERS CLUB

Các địa điểm chạy bộ và tập luyện ở CV Gia Định , Sala Q2, Phú Mỹ Hưng,…

Chuẩn bị trước khi vào cuộc đua Marathon.

Bọn mình tới trước 2 ngày để chơi và trong lúc đó cũng đi xem qua cung đường chạy chỗ nào bắt đầu và chỗ nào về đích cũng như khảo sát cung đường chạy có dốc chỗ nào, trạm tiếp nước và có một cái nhìn tổng quát về cuộc đua – vì cuộc chạy marathon chạy chung cự ly 42km và 21km, 10km trong một số đoạn đường nên có thể bị nhầm lẫn đường chạy và như vậy sẽ rất chán.

Check-in ngay sau khi nhận BIB

Ăn uống trước khi chạy

1 ngày trước khi chạy thì bọn mình sẽ ăn uống đơn giản và đồ ăn đảm bảo vệ sinh, bọn mình chọn ăn cơm niêu – loại cơm trắng bình thường với các món rau và thịt cá kho và luộc, các món xào để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa. Còn trước đó thì cứ ăn uống hải sản ngoài đảo nhưng một cách vừa phải, mình cũng không uống bia rượu gì chỉ uống nước ngọt.

Vì cuộc chạy marathon bắt đầu vào lúc 4:30 sáng nên mình sẽ ăn lót dạ nhẹ vào lúc 2:00 – lúc đó mình đã bắt đầu dậy rồi sau đó mặc đồ, đi ra chỗ xuất phát gửi đồ và khởi động.

Đồ ăn có thể là thanh sô-cô-la hoặc bánh ngọt hoặc tùy sở thích của bạn để không bị đói trong đường chạy vì thực tế là mình đã phải chạy gần 5 tiếng đồng hồ.

Dinh dưỡng cho đường chạy

Để đảm bảo dinh dưỡng không bị mất sức khi chạy thì các vận động viên phải sử dụng gel năng lượng, mình đã dùng hết 5 gói gel trong suốt quá trình chạy. Trên đường chạy mình thấy gần như đa số đều dùng gel để đảm bảo tiếp năng lượng trong suốt quãng đường. Ngoài ra mình còn uống thêm viên muối bổ sung để tiến trình vận động cũng được trơn tru.

Viên muối thì cứ 10km mình uống 1 viên và tổng cộng hết 4 viên.

Mỗi gói 44.000đ x 5 gói = 220.000đ, bạn có thể chọn mua Gel GU ở Decalthon

Đây là loại gel năng lượng và muối điện giải mình dùng trong cuộc chạy marathon 42km.

Còn gel năng lượng thì mình sử dụng như sau, khi dùng gel thì uống với nước lọc.

  • Trước khi chạy 10 phút 1 gói
  • Km số 10 dùng 1 gói.
  • Km số 20 dùng 1 gói
  • Km số 30 dùng 1 gói
  • Km số 35 dùng 1 gói.

Theo khuyến khích thì cứ khoảng 45phút – 60 phút dùng 1 gói để đảm bảo bổ sung năng lượng kịp thời.

Trên đường đua thì ban tổ chức có sắp xếp tiếp nước và nước điện giải để vận động viên uống và không lo thiếu nước.

Đây là đôi giày mình sử dụng để chạy marathon lần này, đôi này mình đã mua được một thời gian và đi quen chân đồng thời cũng tập chạy trước bằng đôi này để quen chân và làm quen cảm giác.

Mua tại: //www.decathlon.vn/vi/p/8559120/san-xuat-tai-viet-nam/giay-chay-bo-run-support-cho-nam-do

Hiện tại có nhiều loại giày để chạy marathon của các hãng như Nike, Adidas, Asics, New Balance,… việc lựa chọn giày khá quan trọng vì nó sẽ giúp bạn chạy đường trường với loại đế nhẹ và có khả năng bật tốt không chỉ giảm rủi ro chấn thương mà còn hỗ trợ bạn chạy tốt hơn.

Trong khi chạy cự ly 42km.

Cuộc đua bắt đầu lúc 4:30 thì bọn mình đã tới đó lúc 3:30 để khởi động, đi vệ sinh, nạp gel trước. Phần khởi động thì mình tiến hành khởi động các khớp, kéo giãn cơ để sẵn sàng cho cuộc chạy, mình cũng chạy trước mấy trăm mét để làm nóng cơ thể và các cơ chân quen dần.

Khi còn 30 phút nữa bắt đầu thì MC của ban tổ chức lại hướng dẫn khởi động tiếp lần nữa và boost tinh thần các vận động viên hào hứng hơn, lúc này xuất hiện các máy ảnh, máy quay, flycam, người của ban tổ chức, phóng viên, Biên tập viên, người cổ vũ,…. vì những ai chạy 42km sẽ xuất phát đầu tiên và 30 phút sau thì mới tới lượt cự ly 21km.

Mình bắt đầu chạy khi đồng hồ đếm người nhảy về số 0, tất cả hàng nghìn vận động viên đa phần là phong trào đều hăng hái chạy rời khỏi vạch xuất phát nhưng như mình cảm nhận thì vận động viên phong trào ở 42km họ là những người khác hẳn, họ là những người có tập luyện, có thể lực tốt và tinh thần rất cao. Khác hẳn các cự ly kia khi mà 21km hoặc 10km không cần đòi hỏi tập luyện nhiều. Đây đúng nghĩa là cuộc đua marathon và không ai trong tất cả những người tham gia coi đây là một cuộc đua tham gia cho vui. Thực sự mà nói thì mọi người đều đã bỏ công sức ra tập luyện hàng tháng trời nên đây là dịp để họ kiểm tra những gì mình đã tiêu tốn ở nhà.

Những km đầu tiên ai ai cũng chạy rất tốt, đều bám đuổi nhau, nhiều người đã vượt lên một cách nhanh chóng nhưng như một sự sắp đặt sẵn, những người cùng tốc độ sẽ cứ song hành nhau trong những quãng đường đầu tiên.

Vài km đầu cho tới km số 5 cũng không phải là vấn đề gì với hầu hết mọi người và cả mình nữa, chỉ có điều là lúc này trời hơi tối nên không ngắm cảnh đường phố và đường chạy được, chỉ nhìn thấy những thân hình vận động viên chạy trước và những âm thanh nói chuyện, những tiếng bước chân nện xuống đường. Ở Côn Đảo ít dân nên cũng không thấy người dân đi cổ vũ, khác với ở Sài Gòn, Huế hay Pleiku rất đông người xem và reo hò.

Từ km số 5 tới km số 10 thì mình cũng vẫn chạy không nghỉ, thỉnh thoảng tới trạm tiếp nước thì mình sẽ uống nước, không uống nhiều nhưng vẫn cứ uống để đảm bảo không bị khát và thiếu nước. Tới cây số 10 thì mình bắt đầu sử dụng gói gel năng lượng đầu tiên kèm theo viên muối điện giải mặc dù không cảm thấy mệt nhưng việc bổ sung cần phải làm trước để cơ thể kịp chuyển hóa năng lượng đưa vào các cơ làm việc. Hết khoảng 1 tiếng đồng hồ và mình đã chạy được 10km và vẫn tiếp tục theo dòng người cứ tiến lên phía trước. Những lúc uống nước thì mình sẽ dừng lại rảo bước đi bộ và uống, mình thấy có nhiều người vừa chạy vừa uống thì mình không làm được vì khá vội vã và dễ bị sặc, uống cũng không thoải mái nên mình cứ chậm lại một chút uống nước cho hẳn hoi rồi tiếp tục.

Từ km số 10 – km số 20 thì mình vẫn duy trì nhịp chạy ổn định và bình thường vẫn chạy ở pace 6:00 [mỗi km chạy hết 6 phút]. Khi chạy được quãng đường 21km tức là half-marathon thì mình mới chạy hết 2h07 và mình thấy khá ổn và cảm thấy sức vẫn còn tốt. Lúc này về tình hình chung thì ai tốc độ nào đã được phân định rõ ràng, người chạy nhanh đã bỏ xa những người khác và những người tốc độ chậm đang ở phía sau. Trong chạy đường trường thì dù chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng nếu muốn vượt được người phía trên mình thì cho dù tăng tốc những cũng mất khá nhiều thời gian. Giả sử A chạy 6 phút 1km và B chạy 6phút 10 giây 1km và A đang ở phía trước B 500m thì phải mất từ 20 – 30 phút thì B mới đuổi kịp A.

Tới km số 20 không quên việc nạp gel để đảm bảo năng lượng cho những quãng đường phía trước. Lúc này mình đã vượt qua được quãng đường kha khá và cũng tự tin thêm rằng mình sẽ hoàn thành được cự ly 42km.

Đường chạy ở Côn Đảo ở quãng đường nửa sau khá dốc, từ km19 và km25 là những con dốc khiến tốc độ các vận động viên đều chững lại.

  • Nhìn vào những bức ảnh mình mới nhớ là cần chia sẻ thêm với bạn một số mẹo có hình đẹp khi đi chạy marathon. Thường thì trên đường chạy sẽ có những nhiếp ảnh gia của ban tổ chức, của các đơn vị tự do chụp hình sự kiện nên bạn cần để ý và mỗi khi thấy các anh ấy thì nên chạy tác rời những người khác ra để tới lượt mình được chụp một cách riêng biệt và nhớ tạo dáng để có khoảnh khắc đẹp. Mình cũng chọn mặc một bộ đồ khác với màu áo của các vận động viên khác [thường thì đa số mọi người sẽ mặc áo của giải đấu tặng cho].

Trở lại đường đua, từ km số 21 tới km số 25 mình vẫn tiếp tục giữ nhịp độ chạy đều đặn với tốc độ 6:30 phút/ km và lúc này mình mới bắt đầu cảm thấy cuộc chiến đấu là bắt đầu nặng nề dần. Mình cần phải thường xuyên bổ sung nước và điện giải tại mỗi trạm tiếp nước và không bỏ sót lần nào. Cũng may là lúc này trời mới sáng và chưa nắng nên vẫn khá thoải mái để tiếp tục cung đường.

Dù đã qua 21km nhưng còn sức và tinh thần vẫn rất thoải mái.

Từ km số 25 trở đi là bắt đầu phải leo dốc, không trừ một ai, đã tham gia cự ly 42km là chạy bằng nhau, cùng những con dốc và điều kiện thời tiết như nhau. Ai xuất sắc và nhanh thì về đích sớm tránh được nắng nóng còn ai ít tập luyện và mới thì phải chịu thử thách để cảm nhận và biết thế nào là full marathon. Dù cho vận động viên nhiều kinh nghiệm nhưng mỗi lần chạy đều là thử thách mới và cũng cần phải cẩn trọng.

Sau km số 25 mình đã thấm mệt và bắt đầu đi bộ lâu hơn, có những đoạn dốc không thể tiếp tục chạy mà phải đi bộ để tránh bị bào sức quá nhiều. Lúc này vừa phải đấu tranh có nên chạy tiếp hay đi bộ vì đi bộ thì chậm quá nên mình quyết định chạy bước nhỏ cho đỡ tốn sức – đây cũng là lời khuyên nhiều người nói với mình khi đi chạy marathon. Lúc này không chỉ mình mà với sự quan sát thì hầu như những người cùng tốc độ với mình cũng đành phải đi bộ leo dốc và nghỉ nhiều hơn. Có cả những người cần phải xịt lạnh vào cơ để giảm đi sự căng và đau trong quãng đường dài trải qua. Nhiều người đã cởi trần mà chạy, những chiếc xe máy của ban tổ chức chạy đi kiểm tra vào theo dõi xem có vận động viên nào gặp sự cố gì không để y tế kịp thời hỗ trợ.

Từ quãng đường này trở đi đã có lúc mình cảm thấy nhịp tim tăng nhanh hơn và cảm nhận rõ ở sau gáy những mạch máu bơm dồn dập và căng lên và mình cũng thoáng lo khi mà đây là lần đầu tham gia, liệu có rủi ro gì với bản thân mình không, liệu có bị sự cố gì mình gặp phải và gây thiệt hại về tính mạng thì gia đình có xót xa chăng? Đã có những vận động viên chết vì tham gia marathon nên mình không khỏi nghi ngờ điều đó có thể xảy đến. Tuy nhiên mình cũng trấn an và tiếp tục tin tưởng vào bản thân rằng mình sẽ làm được và hoàn thành được cuộc đua này, mình sẽ cẩn trọng hết mức và lắng nghe sự thay đổi và cảm nhận cơ thể nếu mệt quá hoặc có điều gì không ổn sẽ dừng lại.

May mắn đối với mình đó là thể lực vẫn cho phép tiếp tục chạy, mình thấy rất biết ơn những gì đang xảy ra, mình có một cơ thể tốt để được trải nghiệm cuộc đua này và trân trọng khoảnh khắc mình tham gia. Dù gì thì những trải nghiệm mình đang thực hiện không phải ai cũng có thể tham gia và biết được marathon là như thế nào.

Từ km số 25 – 30 thì bắt đầu tiến vào rừng quốc gia Côn Đảo, chỉ còn một ít dốc nữa thôi là hết và mọi người lại đổ dốc – lúc này tuy khá mệt nhưng được cái đổ dốc thì nhàn hơn đỡ tốn sức và lúc này lại có thể chạy nhanh hơn. Tuy nhiên nếu không cẩn thận cũng rất dễ bị sụn gối và chấn thương và dù biết là đổ dốc nhưng mình cũng không dám thả hết tốc độ mà cứ nhịp nhàng đáp rồi chạy xuống dốc.

10km cuối cùng

Đây chắc chắn là quãng đường thử thách nhất và cũng để lại dấu ấn khó quên cho bất kỳ ai lần đầu tham gia chạy marathon. Trong khi 30km đã qua cũng đã là một chặng đường mà mình cũng thấy tương đối ổn thì 10km cuối cùng lại là một câu chuyện khác.

Lúc này từ km số 30- km số 34 trời đã nắng cao hơn và độ nóng của mặt đường hất lên kèm theo cái nắng trên cao dội xuống tạo cảm giác như một cái nồi khổng lồ đang hầm những vận động viên trên đường. Lúc này vừa chạy được một đoạn thì lại tiếp tục đi bộ, điều trông chờ duy nhất là nhìn thấy trạm tiếp nước để uống nước và dội nước lên đầu, rưới lên trên mặt cho bớt cái nóng. Từ đoạn này trở đi thì cơ thể mình đã không còn ra mồ hôi nữa có lẽ đã tới mức hết mồ hôi để tiết ra nữa rồi -người ướt là do tưới nước lên khắp đầu và lưng.

Từ km số 35 tới km số 42 là quãng thời gian khó khăn nhất, chưa bao giờ sự đấu tranh nội tâm lại dâng lên cao và nảy sinh nhiều ý nghĩ đến vậy. Tất cả mọi thứ đều dần đi vào trạng thái cạn kiệt về sức lực, về tinh thần đã không còn hăng hái như lúc đầu mà chuyển sang nghi vấn rằng tại sao mình lại chọn tham gia cuộc đua này. Thành thật mà nói đã có những lúc mình nghĩ chắc mình chỉ trải nghiệm cho biết thôi và có lẽ không đi chạy marathon nữa đâu.

Ngày xưa khi quân Hy Lạp chiến thắng quân Ba Tư ở thị trấn Marathon – Hy Lạp là nơi giáp biển, một chiến binh được cử về Athen để báo tin chiến thắng – anh ta liền chạy một mạch không nghỉ quãng đường đó dài 42km để báo tin và khi về tới nới vừa kịp thông báo rằng “Chúng ta đã chiến thắng” thì cũng là lúc anh trút hơi thở và nằm chết. Vậy nếu mình chạy 42km sẽ ảnh hưởng tới mình thế nào, mình có vượt qua được giới hạn không? Nhiều ý nghĩ đan xen nhưng mình đã có giải pháp cuối cùng đó là sẽ đi bộ về đích cho dù như thế nào đi nữa, chấn thương hay thời tiết nắng nóng khô rát thì vẫn không thể ngăn cản mình hoàn thành cuộc đua này.

Từ km 35 cho tới km số 42 là quãng đường vất vả nhất, mình phải dùng từ vất vả mới lột tả được cảm giác của vận động viên và bản thân mình lúc này. Mình không biết những người về đích sớm như thế nào vì mình họ đã bỏ mình quá xa và về sớm rồi. Mình chỉ nhìn thấy những người chạy cùng tốc độ với mình trước vài trăm mét và sau vài trăm mét. Ai cũng hổn hển và những bước chân nặng nề đang rảo bước trên đường.

Những ki-lô-mét cuối cùng đúng là một sự giao thoa giữ sự khó nhằn và bước chuyển qua sự giải thoát, được kết thúc và chấm dứt chuỗi hành xác qua nhiều km nắng nóng suốt thời gian qua. Nhưng cho dù gần tới sự chuyển giao nhưng sức chạy cũng chỉ giúp mình chạy chậm từng bước và không phải đi bộ.

Còn tới km cuối cùng thì mình cũng cố gắng chạy lên, lúc này có một vài người cổ vũ nói rằng chỉ còn 1km, còn 800m, còn 500m mà mình cũng như cởi được gánh nặng trên người và tập trung tiến lên phía trước để hoàn thành nốt quãng đường.

Gần về đích có mấy anh chụp hình, dù rất mệt nhưng vẫn phải tranh thủ tạo dáng và phấn chấn lên để còn có hình đẹp sau khi chạy.

Đoạn khoảng 500m cuối cùng mình quyết định sẽ chạy và không đi bộ nữa, khi ai đó nói chưa tới 5 tiếng – tức là những người như mình sẽ có thể hoàn thành dưới 5h chạy thì mình quyết định tăng tốc cho kịp thời gian. Khi nhìn phía trước đã là vạch đích và những lá cờ, đường về đích trải thảm, người cổ vũ reo hò và MC chương trình khích lệ và chào mừng những người về đích thì đây là khoảnh khắc vui nhất và mãn nguyện.

Cái vui nhất đó là mình đã hoàn thành cự ly 42km lần đầu trong đời, vui nữa đó là chiến thắng bản thân mình cộng thêm đó là cảm giác hoàn thành được một thử thách, một chặng đường mà mình đã từng mong ước được trải nghiệm.

Về đích là một khoảnh khắc đáng nhớ, rất cảm ơn ban tổ chức đã bố trí chụp hình và bắt được khoảnh khắc rất đẹp và rạng rỡ của mình.

Sau khi về đích thì những gì gian khổ đã trải qua thì mình quên sạch, chỉ còn đọng lại những cảm xúc vui mừng và tận hưởng điều đó. Kết quả về đích có ngay trên website nên mình cũng tải về để lưu làm kỷ niệm.

Phần còn lại sau khi về đích đó là thư giãn, đi giãn cơ, ngâm chân nước đá mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn để giảm đau nhức cơ trong những ngày sau.

Kết thúc giải chạy thì mình vẫn bị đau cơ mất mấy ngày nhưng cũng không đến nỗi quá nghiêm trọng, và đã có kinh nghiệm nên bọn mình đi chơi hết xung quanh rồi, chạy xong thì chỉ việc ra sân bay và đón chuyến bay trở về Sài Gòn.

Lời kết

Tham gia một cuộc đua marathon là một thử thách và một trải nghiệm đáng nhớ, mình đã hoàn thành thêm được 1 việc trong những việc cần làm trước khi chết. Ngoài ra mình cũng đã thay đổi được một phần cuộc sống khi đăng ký chạy marathon:

  • Xây dựng thói quen chạy bộ mỗi tuần đều đặn, cảm thấy sức khỏe và tinh thần được cải thiện.
  • Có một mục tiêu phía trước để chờ đợi chinh phục giúp cho những ngày làm việc và những cuối tuần trôi qua không vướng vào những bữa nhậu quá đà.
  • Tìm hiểu rộng thêm về bộ môn chạy bộ và rèn luyện bản thân, thêm sự kiên trì và bền bỉ.

Hy vọng trải nghiệm này có thể mang tới cho bạn vài thông tin hữu ích hoặc có thể tiếp cho bạn phần nào cảm hứng và thúc đẩy bạn tham gia một lần chạy marathon thì mình sẽ rất vui đấy. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và hẹn gặp bạn trong những bài viết khác, những trải nghiệm mà mình sẽ tham gia và chia sẻ tại blog này!

Mẹo đi du lịch hay:
✅ Đặt phòng trên Booking & Agoda không phải trả tiền trước, huỷ dễ dàng.
✅ Đi chơi, trải nghiệm? Vào Klook, chọn tour lẻ, đúng giá.
✅ Để an tâm hãy mua bảo hiểm du lịch
✅ Di chuyển vé tàu xe: 12Go Asia
✅ Tìm vé máy bay rẻ nhất: Skyscanner.com 

Chủ Đề