Quyết định kiểm kê tài sản trường Tiểu học

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC KHU VỰC HÀNH CHÁNH SỰ NGHIỆP DO THÀNH PHỐ QUẢN LÝ VÀ QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Quyết định số 466/TTg ngày 02/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chánh sự nghiệp ;
- Căn cứ Quyết định số 6122/QĐ-UB-KTNN ngày 30/10/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước thuộc khu vực hành chánh sự nghiệp do thành phố quản lý ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này phương án tiến hành kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước khu vực hành chánh sự nghiệp do thành phố quản lý và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến hết thời gian hoạt động của Ban Chỉ đạo kiểm kê.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc các Sở Ban Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận- huyện, các thành viên Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố và tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-    

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/KIÊM TRƯỞNG BAN
CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ THÀNH PHỐ

Nguyễn Văn Chí

PHƯƠNG ÁN

TIẾN HÀNH KIỂM KÊ - ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC KHU VỰC HÀNH CHÁNH SỰ NGHIỆP VÀ QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

[Ban hành kèm theo Quyết định số 6947/QĐ-UB-KT ngày 03/12/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố].

Căn cứ vào phương án tiến hành kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước khu vực hành chánh sự nghiệp của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương [văn bản số 03 ngày 7/10/1997].

Căn cứ vào Quyết định số 04 ngày 7/10/1997 của Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương về việc ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương.

Trong khi chờ đợi các hướng dẫn cụ thể hơn của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương, Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố tạm thời quy định một số vấn đề cụ thể như sau :

Phần I

PHƯƠNG ÁN TIẾN HÀNH KIỂM KÊ VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC KHU VỰC HÀNH CHÁNH SỰ NGHIỆP.

1- Mục đích yêu cầu :

a- Mục đích của đợt tổng kiểm kê là nhằm :

- Nắm lại đầy đủ số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng toàn bộ tài sản cố định hiện có trong các cơ quan, đơn vị hành chánh sự nghiệp đang quản lý, sử dụng để :

+ Làm cơ sở để Nhà nước ban hành chế độ, tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công thống nhất trong cả nước, đồng thời làm căn cứ để xác định nhu cầu : xây dựng, mua sắm, sửa chữa nâng cấp tài sản cố định hàng năm của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với nhu cầu phục vụ công tác theo hướng từng bước hiện đại hóa và tiết kiệm.

+ Có kế hoạch phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài sản cố định hiện có trong khu vực hành chánh sự nghiệp từ nay về sau nhằm khắc phục tình trạng sử dụng tài sản lãng phí, tạo điều kiện thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước.

- Thực hiện sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản cố định trong khu vực hành chánh sự nghiệp, từng bước đưa công tác quản lý tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp vào nề nếp, đúng chế độ.

b- Yêu cầu :

- Đánh giá đầy đủ : số lượng, chất lượng, giá trị và nguồn hình thành toàn bộ số tài sản cố định hiện có trong từng đơn vị hành chánh sự nghiệp, và tổng hợp tình hình tài sản cố định khu vực hành chánh sự nghiệp của toàn thành phố.

- Đánh giá tình hình quản lý tài sản cố định trong các cơ quan hành chánh sự nghiệp hiện nay và đề ra những biện pháp nhằm quản lý tốt hơn.

2- Phạm vi kiểm kê :

Tạm thời xác định như sau :

a- Tất cả các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chánh sự nghiệp trực thuộc thành phố [kể cả phường- xã].

b- Các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội có sử dụng kinh phí của ngân sách thành phố.

c- Các tổ chức xã hội [Hội, Đoàn thể...] đang quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Các đối tượng sau đây sẽ chờ Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương hướng dẫn xác định rõ phân cấp kiểm kê :

- Các cơ quan hành chánh sự nghiệp của Trung ương có văn phòng tại thành phố.

- Các cơ quan thường trú của thành phố đặt tại nước ngoài.

- Các cơ quan Đảng, quốc phòng, an ninh.

- Các đơn vị hành chánh sự nghiệp là thành viên của các doanh nghiệp [trực thuộc các Tổng Công ty] hoạt động bằng toàn bộ hay một phần kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp.

3- Đối tượng kiểm kê : Là toàn bộ tài sản cố định hiện có trong từng đơn vị hành chánh sự nghiệp được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước, hoặc có nguồn gốc ngân sách qua các hình thức viện trợ, quà biếu, hiến tặng, do nhân dân đóng góp... và nguồn khác [vốn tự có của đơn vị, tài sản viện trợ đang sử dụng nhưng chưa xác định quyền sở hữu của Nhà nước] có đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định [quy định tại điều 3, 4 của chế độ quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản cố định trong các đơn vị hành chánh sự nghiệp - Ban hành kèm theo Quyết định số 351-TC/QĐ/CĐKT ngày 22/5/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính] giao cho các cơ quan hành chánh sự nghiệp thuộc phạm vi kiểm kê ở mục 2 đang quản lý, sử dụng, gồm các loại tài sản cố định xác định cụ thể trong phương án kiểm kê của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương [văn bản số 03] như sau :

a- Nhà cửa, vật kiến trúc.

b- Máy móc, thiết bị.

c- Phương tiện vận tải, truyền dẫn.

d- Phương tiện quản lý.

e- Đất đai.

g- Tài sản cố định khác.

Không kiểm kê : các loại tài sản cố định chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm : trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện vũ khí, khí tài, sân bay, bến cảng, các công trình phòng thủ, công trình chiến đấu, đất dùng vào mục đích quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tình báo, phản gián, vũ khí, khí tài do Bộ Nội vụ quản lý.

4- Thời điểm kiểm kê :

Thời điểm kiểm kê tài sản cố định khu vực hành chánh sự nghiệp thống nhất trong cả nước vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 năm 1998.

5- Chỉ tiêu, phương pháp và nội dung phân tích kiểm kê :

a- Chỉ tiêu kiểm kê cần thu thập gồm :

- Chỉ tiêu hiện vật.

- Chỉ tiêu giá trị.

- Phân tích, mục đích sử dụng của từng loại tài sản trong từng đơn vị.

- Các kiến nghị của đơn vị về xử lý các tài sản thừa, thiếu, tài sản không cần dùng.

Các chỉ tiêu nêu trên phải được thể hiện đầy đủ trong báo cáo kiểm kê của từng đơn vị đồng thời phải tổng hợp theo từng sở-ban-ngành, quận-huyện.

b- Phương pháp kiểm kê :

- Trước khi kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định phải khóa sổ kế toán, xác định số lượng, giá trị từng tài sản hiện có ghi trên sổ sách kế toán đến 0 giờ ngày 01/01/1998.

- Tiến hành kiểm kê theo phương pháp kiểm kê thực tế, cụ thể là :

+ Phải trực tiếp cân, đong, đo, đếm từng tài sản, kết hợp với việc phân tích đánh giá thực trạng tài sản.

+ Phải căn cứ vào các hướng dẫn đánh giá lại tài sản của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương để đánh giá tỷ lệ % chất lượng còn lại thực tế của từng tài sản.

- Đánh giá lại giá trị của tài sản cố định của đợt kiểm kê này được căn cứ vào tỷ lệ % còn lại của từng tài sản nhân [x] đơn giá kiểm kê do Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương ban hành để xác định giá trị còn lại của từng tài sản để ghi vào báo cáo kết quả kiểm kê.

c- Phân tích kiểm tra số liệu kiểm kê :

- Kiểm tra tính chính xác của số liệu cũng như cách thức ghi chép, lập biểu mẫu, cách áp giá để xác định giá trị của tài sản qua kiểm kê... báo cáo kiểm kê của từng đơn vị kiểm kê trực thuộc [trong trường hợp có sai sót hoặc thiếu tài liệu phải yêu cầu đơn vị chỉnh lý, bổ sung] để tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản cố định [theo các chỉ tiêu quy định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương] thuộc thành phố quản lý gửi Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương đúng yêu cầu và thời gian quy định.

- Phân tích, đánh giá tình hình thực tế về quản lý, sử dụng tài sản cố định thuộc thành phố quản lý.

- Xem xét tổng hợp ý kiến xử lý phát sinh trong quá trình kiểm kê để kiến nghị với các ngành các cấp xử lý hoặc báo cáo cấp trên xử lý theo thẩm quyền cũng như đề xuất biện pháp nhằm quản lý tốt tài sản cố định trong cơ quan hành chánh sự nghiệp.

- Trình cấp có thẩm quyền ra thông báo kết quả kiểm kê của từng đơn vị cơ sở thuộc phạm vi cấp mình quản lý để các đơn vị làm căn cứ điều chỉnh sổ sách kế toán về tài sản để tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vướng mắc của các sở ban ngành, Ban Chỉ đạo kiểm kê kiểm kê của các quận- huyện trong quá trình triển khai thực hiện tổng hợp số liệu kết quả kiểm kê.

6- Tổ chức thực hiện :

Tiến độ : [Tham khảo lịch quy định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương] :

a- Các công việc đã thực hiện đến 31/10/1997 :

- Đã báo cáo bước một danh sách các đơn vị hành chánh sự nghiệp của thành phố thuộc phạm vi kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định [Công văn số 710 ngày 11/10/1997 của Sở Tài chánh].

- Đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố [Quyết định số 6122 ngày 30/10/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố].

b- Dự kiến một số công việc trong tháng 11/1997 :

- Tham dự tập huấn về kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chánh sự nghiệp do Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương tổ chức.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm kê [như kinh phí, điều kiện vật chất...].

- Hướng dẫn, tuyên truyền về phương án kiểm kê đến từng đơn vị kiểm kê của cấp mình quản lý [sau khi dự tập huấn nghiệp vụ xong ở Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương].

- Hướng dẫn thành lập bộ phận chỉ đạo kiểm kê ở các đơn vị thuộc cấp dưới [dự kiến hình thành các Ban Chỉ đạo kiểm kê ở 22 quận- huyện, ở các ngành lớn như công an, quân sự, giáo dục, y tế,...]

c- Tháng 12/1997 :

- Tổ chức tập huấn về kiểm kê tài sản cố định cho các đơn vị sở-ban-ngành, quận- huyện.

- Hướng dẫn giải thích những vướng mắc của các đơn vị kiểm kê.

d- Kiểm kê thực tế và tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê :

- Từ 01/01/1998 đến 31/01/1998 :

+ Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiểm kê của đơn vị cơ sở.

+ Giải thích những vướng mắc của đơn vị cơ sở.

+ Tổng hợp các báo cáo kiểm kê của các đơn vị cơ sở đã gởi.

- Từ 1/2/1998 đến 28/2/1998 :

+ Tiếp tục tổng hợp báo cáo kiểm kê của các đơn vị cơ sở.

+ Viết báo cáo phân tích và kiến nghị về xử lý kết quả kiểm kê, kiến nghị về những biện pháp đổi mới quản lý tài sản cố định thuộc phạm vi sở-ban-ngành thành phố, quận-huyện.

+ Gửi báo cáo kết quả kiểm kê và kiến nghị cho Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương.

Phần II

QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ THÀNH PHỐ

1- Nhiệm vụ :

- Nghiên cứu soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ tiêu biểu mẫu phục vụ công tác tổng kiểm kê [theo quy định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương].

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc phạm vi kiểm kê thực hiện việc kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định.

- Tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương về kết quả kiểm kê, kiến nghị các biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các loại tài sản này.

2- Quyền hạn :

- Triệu tập hội nghị các sở-ban-ngành và các quận-huyện để quán triệt chủ trương của Chính phủ về tổng kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định.

- Yêu cầu các sở-ban-ngành, quận-huyện thực hiện công tác kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định theo đúng phương án và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương và thành phố, cung cấp các số liệu, báo cáo các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện kiểm kê- đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chánh sự nghiệp do thành phố quản lý.

- Xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình triển khai công tác kiểm kê- đánh giá lại tài sản cố định của các đơn vị cơ sở.

- Kiến nghị Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương- Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp xử lý đối với những trường hợp đơn vị cơ sở không thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng và quyết định của Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố.

- Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân thành phố để ban hành các văn bản và giao dịch.

3- Chế độ làm việc :

Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các thành viên Ban Chỉ đạo kiểm kê làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực công tác được giao.

a- Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê điều hành hoạt động của Ban và có quyền :

+ Triệu tập họp Ban Chỉ đạo kiểm kê để bàn về những nội dung có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

+ Thông qua các kế hoạch và tiến độ triển khai công tác tổng kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch và tiến độ đó, hướng dẫn các sở-ban-ngành, quận-huyện tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định.

+ Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo kiểm kê và đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

+ Phân công các chuyên viên trong tổ chuyên viên giúp việc theo dõi các ban-ngành, quận-huyện, triển khai kiểm kê, đôn đốc, nắm tình hình, phát hiện các vấn đề nảy sinh để báo cáo Ban chỉ đạo giải quyết.

+ Yêu cầu các ủy viên Ban chỉ đạo báo cáo công tác và định kỳ sơ, tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo.

b- Phó Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê thành phố là người giúp việc của Trưởng ban, trực tiếp điều hành chương trình kế hoạch của Ban, hoạt động của Tổ thường trực. Thay mặt Trưởng ban điều hành hoạt động của Ban trong trường hợp Trưởng ban đi vắng.

c- Các ủy viên Ban chỉ đạo kiểm kê : chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện phần công việc do Trưởng ban giao và thường xuyên báo cáo kết quả công tác với Trưởng ban.

Đối với những vấn đề chưa quy định trong các văn bản hướng dẫn tổng kiểm kê cần kịp thời báo cáo Trưởng ban hoặc trình lên Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương để xin ý kiến giải quyết.

d- Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo kiểm kê : trực tiếp triển khai công việc do Trưởng và Phó ban thường trực phân công và dưới sự điều hành trực tiếp của Thư ký.

Tổ thường trực Ban Chỉ đạo kiểm kê có nhiệm vụ :

- Soạn thảo các tài liệu, công văn hướng dẫn kiểm kê trình Ban Chỉ đạo kiểm kê.

- Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các Ban Chỉ đạo kiểm kê của các ban-ngành và quận-huyện.

- Đôn đốc kiểm tra các Ban Chỉ đạo kiểm kê của các ban-ngành và quận-huyện thực hiện việc tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định theo đúng phương án đã được đề ra.

- Tham gia trực tiếp chỉ đạo kiểm kê tại một số đơn vị được chọn làm thí điểm.

- Chuẩn bị các tài liệu, báo cáo và chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo kiểm kê.

- Trực tiếp giúp Ban Chỉ đạo kiểm kê trong việc lập dự toán kinh phí, kế toán và quyết toán các khoản chi tiêu cho công tác tổng kiểm kê của Ban Chỉ đạo kiểm kê cũng như chuẩn bị các điều kiện vật chất cho Ban Chỉ đạo kiểm kê hoạt động.

- Dự thảo các báo cáo kết quả kiểm kê trình Ban Chỉ đạo kiểm kê xét duyệt để trình cấp có thẩm quyền.

- Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố định kỳ hai tuần họp một lần, riêng Tổ chuyên viên giúp việc họp hàng tuần vào chiều thứ bảy.

4- Phân công trách nhiệm :

a- Sở Tài chánh : chủ trì phối hợp với các sở-ban-ngành là thành viên trong Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố chuẩn bị : Phương án triển khai kiểm kê, các biểu mẫu kiểm kê theo quy định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương, các điều kiện vật chất và kinh phí hoạt động, cụ thể như sau :

+ Địa điểm làm việc của Tổ chuyên viên giúp việc : Sở Tài chánh, số 142 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 [lầu 2].

+ Ngoài 11 chuyên viên theo quy định tại Quyết định số 6122, Sở Tài chánh cử thêm 5 chuyên viên vào Tổ chuyên viên giúp việc [tổng số Tổ chuyên viên giúp việc là 16 người].

Ngoài ra, Sở Tài chánh hướng dẫn đôn đốc các ban-ngành và quận-huyện tổ chức thực hiện tốt các công tác kiểm kê tại đơn vị mình, tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả kiểm kê và kiến nghị các biện pháp quản lý tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp.

b- Cục Thống kê : theo dõi hướng dẫn nội dung của các biểu mẫu kiểm kê theo quy định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương, hướng dẫn kiểm tra phương pháp tính và ghi các chỉ tiêu trong biểu mẫu kiểm kê.

c- Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Sở Địa chính, Ban Vật giá : căn cứ hệ thống bảng giá tài sản cố định của Ban Chỉ đạo kiểm kê Trung ương để hướng dẫn kiểm tra phương pháp đánh giá lại tài sản cố định là nhà, vật kiến trúc, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng và các loại tài sản cố định khác.

d- Sở Khoa học- Công nghệ và Môi trường : phối hợp với Sở Tài chánh để hướng dẫn kiểm tra phương pháp xác định hao mòn thực tế của tài sản cố định là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, kiểm tra tổng hợp xử lý kết quả kiểm kê phần thiết bị khoa học công nghệ đặc biệt của các cơ quan có hoạt động khoa học công nghệ [nếu có].

e- Sở Kế hoạch và Đầu tư : theo dõi tổng hợp tiến độ kiểm kê chung của toàn thành phố, phát hiện và điều chỉnh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

g- Các Sở Giao thông công chánh, Văn hóa thông tin, Y tế, Giáo dục, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố : triển khai hướng dẫn, tổng hợp việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định đặc thù của ngành. Thí dụ ngành Văn hóa : hiện vật bảo tồn, sách thư viện, tượng đài, đài tưởng niệm, lăng tẩm, khu di tích lịch sử, v.v...

5- Kinh phí của Ban Chỉ đạo kiểm kê thành phố do ngân sách thành phố chi. [Kinh phí Ban Chỉ đạo kiểm kê các quận-huyện sẽ do ngân sách quận-huyện chi].-

Chủ Đề