Quyền làm chủ của công dân là gì

NÂNG CAO NĂNG LỰC LÀM CHỦ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG ĐIỀU KIỆN ĐẢNG LÃNH ĐẠO, NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỰC TIỄN HIỆN NAY.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ[1].

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa[2]. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằngdân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông quacác cơ quan khác của Nhà nước, đồng thời Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, như: ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước, có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình [3].

Tuy vậy, dân chủ không chỉ đơn thuần là Nhân dân thực hiện được quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và bằngdân chủ đại diện mà mức độ dân chủ của một xã hội có thể được đo lường bằng số lượng những quyền công dân, quyền con người mà một công dân bình thường có thể thực hiện được trên thực tế.

Hay nói cách khác, dân chủ cần được hiểu rộng hơn là từng người dân được phát triển, được bảo vệ, được hưởng thụ những lợi ích xã hội đó như thế nào chứ không chỉ là người dân được thực hiện quyền lực nhà nước đến đâu.

Điều 4 Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ củaNhân dân. Đặc biệt Hiến pháp năm 2013, có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người trong Chương II, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền được sống trong môi trường trong lành

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã định hướng:

Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thế nhưng, dân chủ có thể được mở rộng đến đâu ngoài việc phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, còn phụ thuộc rất lớn vào trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trình độ pháp lý của nhân dân...

Theo Hồ Chí Minh, phải làm sao cho người dân có quyền làm chủ, có điều kiện làm chủ, biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời biết dùng quyền làm chủ. Muốn vậy, nhân dân phải có năng lực làm chủ. Năng lực đó không phải bỗng dưng mà có, không phải từ trên trời rơi xuống, không phải do ban phát màmột mặt, Đảng, Nhà nước phải tạo ra cơ chế, chính sách, luật pháp thích hợp;mặt khác, người dân phải phấn đấu, rèn luyện, phải học dân chủ, phải nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ, phương pháp thực hành dân chủ và bản lĩnh thực hành dân chủ. Có như vậy, nhân dân mới có quyền dân chủ thực sự, tránh tình trạng dân chủ chung chung, dân chủ hình thức[4].

Như vậy có nhiều cách để người dân thực hiện tốt quyền làm chủ của mình nhưng quan trọng hơn hết phải là nâng cao năng lực làm chủ của Nhân dân. Thiết nghĩ, năng lực làm chủ của nhân dân có thể nâng cao hay không nó phụ thuộc rất lớn vào việc nhân dân có được nâng cao kiến thức, kỹ năng, tiếp cận thông tin đầy đủ hay không. Đặc biệt là thông tin kiến thức về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin quản lý nhà nước...

Theo quy định hiện nay về quyền tự do tìm kiếm, trao đổi thông tin: cá nhân, tổ chức có thể tìm kiếm thông tin thông qua môi trường mạng internet, tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện nghe, nhìn, sách, báo.Quyền tiếp cận thông tin thông qua việc các cơ quan nhà nước công bố, công khai thông tin do mình nắm giữ. Hình thức công khai được quy định bao gồm: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử hoặc bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin[trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước][5]. Ngoài việc Người dân tự mình tìm kiếm thông tin như các hình thức trên, Nhà nước còn tuyên truyền pháp luật cho người dân qua báo, đài, loa phát thanh, xét xử lưu động, tiếp dân, trợ giúp pháp lý.

Trên thực tế hiện nay, năng lực làm chủ của đa số người dân vẫn còn hạn chế, nhiều trường hợp người dân không biết được mình có những quyền gì. Ví dụ vẫn còn người dân không biết điều kiện để được ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là gì, không đi bầu cử có bị phạt hay không, không biết nhiều về hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, của các cơ quan nhà nước. Đỉnh điểm có những trường hợp người dân không hiểu quy định của pháp luật nên khiếu kiện vượt cấp, tranh cấp đất đai dẫn đến án mạng [điển hình gần đây là tranh chấp ở Đắc Nông], bắt giữ cán bộ, công chức địa phương, biểu tình đập phá

Từ thực tế trên, có thể khẳng định những giải pháp trên chưa cung cấp được cho người dân một cách có hệ thống về quan điểm của Đảng, kiến thức pháp luật, kiến thức về quản lý nhà nước... Đặc biệt người dân chỉ quan tâm tới pháp luật, tìm đến luật sư khi bản thân hoặc gia đình họ có việc liên quan đến pháp luật hay quyền lợi bị xâm. Trường hợp khác là người dân thiếu kỹ năng, Ví dụ hình thức công khai là đưa lên trang thông tin điện tử mà người dân không biết tin học thì làm như thế nào để nắm thông tin [hầu hết văn bản của Đảng và Nhà nước hiện nay đều công bố bằng hình thức này]. Mặt khác những văn bản như Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật...là những văn bản mang tính khoa học cao nên người dân rất khó tiếp nhận hoặc nhận thức chưa đầy đủ, chính xác.

Về phía cơ quan nhà nước nhiều nơi còn tình trạng chưa cân đối được ngân sách cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc phát hiện để nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới chưa kịp thời thường xuyên; vai trò của Hội đồng Phổ biến, Giáo dục pháp luật và tính chủ động của một số địa phương còn hạn chế Nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật còn theo lối mòn[6]. Theo khảo sát tế ở một số địa bàn như Thới Bình, Năm Căn...các hình thức tuyên truyền chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người dân.

Thêm vào đó Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 có quy định hàng tháng Ủy ban nhân dân cấp xã phải tổ chức cuộc tiếp xúc với dân nhằm cung cấp thông tin hoạt động và nhận ý kiến phản hồi từ người dân nhưng trên thực tế chưa nhiều cuộc tiếp xúc được thực hiện.

Vì vậy, ngoài những hình thức tuyên truyền pháp luật mỗi công dân phải được nhà nước thường xuyên tổ chức những lớp học về nghị quyết, về pháp luật, về thông tin quản lý ở địa phương như thu chi ngân sách, y tế, quốc phòng, hoặc hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức những lớp học như trên, sau đó phải được thường xuyên thông tin đến tận nơi ở, tận tay về quản lý nhà nước ở địa phương mình, những thay đổi của pháp luật, những chủ trương chính sách mới của Đảng, nhà nước, văn bản ở địa phương, người dân khi học những lớp này còn phải được cấp chứng chỉ, khen thưởng, Được biết trước đây, để khắc phục tình trạng mù chữ ở nước ta, chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8-9-1945 với các sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, quy định mở lớp học bình dân, yêu cầu bắt buộc về việc học chữ quốc ngữ Từ một đất nước có hơn 95% số dân mù chữ, đến nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập.Trong giai đoạn hiện nay, hầu hết người dân không còn mù chữ nhưng với sự phát triển của xã hội hiện đại, những kiến thức là rất cần thiết đối với người dân là điều kiện quan trọng để thực hành dân chủ.

Tóm lại để thực hiện tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ rất cần những giải pháp cụ thể như trên nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người dân trong giai đoạn hiện nay.


[1] Xem Điều 2, Hiến pháp năm 2013

[2]Đại hội XI của Đảng [1/2011] khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước

[3]Xem Điều 6, Điều 25, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Hiến pháp năm 2013

[4]Lê Hữu Nghĩa GS, TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thực hành và phát huy dân chủ qua 30 năm đổi mới, Tạp chí cộng sản, 2016.

[5]Xem điều 8 Luật công nghệ thông tin năm 2006, Điều 131 Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Khoản 1, Điều 12, Điều 32 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2012.

Video liên quan

Chủ Đề