Nước nào có lượng khí thải lớn nhất thế giới năm 2024

Lượng phát thải của Trung Quốc hiện nay nhiều gấp đôi Mỹ nhưng trong lịch sử, Mỹ là nước phát thải nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, vì thế mọi nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đều cần bắt nguồn từ hai cường quốc này.

Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, nhưng không phải trong quá khứ. Xác định điều này rất quan trọng bởi lượng khí thải từ hàng trăm năm trước đã góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu ngày nay. Trái Đất đã ấm lên 1,2 độ C kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu và các nhà khoa học cảnh báo chúng ta cần giữ mức tăng dưới 1,5 độ để ngăn chặn tác động ngày càng tồi tệ của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc chỉ bắt đầu tăng mạnh vào những năm 2000 cùng với đà phát triển nhanh chóng của đất nước. Nhưng các quốc gia tiên tiến, như Mỹ, Anh và nhiều nước ở châu Âu, đã thải ra lượng khí làm thay đổi khí hậu suốt khoảng 200 năm trong quá trình công nghiệp hóa. Rất nhiều tiện nghi cuộc sống ở một quốc gia phát triển đã phải trả giá bằng khí hậu.

Theo phân tích mới đây của Carbon Brief, tổ chức chuyên nghiên cứu về khí hậu, năng lượng và chính sách, trụ sở tại Anh, kể từ năm 1850, Trung Quốc đã thải ra 284 tỷ tấn CO2.

Mỹ, quốc gia đã công nghiệp hóa từ nhiều thập kỷ trước đó, thải ra môi trường 509 tỷ tấn CO2, nhiều gấp hai lần.

Trung Quốc là nước khổng lồ với 1,4 tỷ dân, vì vậy hoàn toàn dễ hiểu khi họ phát thải nhiều hơn các nước nhỏ.

Khi nhìn vào lượng khí thải bình quân đầu người, Trung Quốc thải CO2 thấp hơn Mỹ. Năm 2019, lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc là 10,1 tấn, trong khi Mỹ đạt 17,6 tấn, theo Rhodium Group.

Điều này một phần phụ thuộc vào lối sống. Người Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn, sở hữu nhiều xe hơi hơn và bay nhiều hơn người Trung Quốc, theo báo cáo năm 2021 của hiệp hội toàn cầu Climate Transparency, trích dữ liệu từ công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Enerdata.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Trung Quốc không nên cắt giảm khí thải. Lượng khí thải carbon bình quân đầu người của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp với các quốc gia giàu có hơn. Trong 20 năm qua, con số đã tăng gần gấp ba lần.

Vào năm 2020, nhiên liệu hóa thạch chiếm 87% tổng năng lượng nội địa của Trung Quốc, với 60% từ than, 20% từ dầu và 7% từ khí tự nhiên, theo Enerdata. Ở Mỹ, 80% năng lượng đến từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó 33% từ dầu mỏ, 36% từ khí đốt tự nhiên và 11% từ than đá.

Khí đốt tự nhiên tạo ra ít khí thải hơn so với than đá, nhưng vẫn gây hại cho khí hậu. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới đang đầu tư quá nhiều vào khí đốt thay vì năng lượng tái tạo.

Trung Quốc là nước sử dụng và sản xuất than lớn nhất thế giới, tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung toàn cầu. Nguyên nhân một phần bởi Trung Quốc là "công xưởng của thế giới", tạo ra rất nhiều sản phẩm và nguyên liệu cho toàn cầu.

Trung Quốc cũng sản xuất hơn một nửa lượng thép và xi măng cho thế giới. Quá trình này được thực hiện từ việc đốt than cốc. Nhiên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp nặng kể trên, như hydro xanh, đang được phát triển nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế [IEA], lượng khí thải từ ngành thép và xi măng Trung Quốc cao hơn tổng lượng khí thải CO2 của Liên minh châu Âu [EU].

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, 90% sản lượng điện toàn cầu phải đến từ các nguồn nhiên liệu tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió chiếm gần 70%, theo IEA.

Dù là nước phát thải lớn nhất thế giới và vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá, Trung Quốc cũng đang sản xuất một lượng lớn năng lượng tái tạo.

Về cơ cấu năng lượng, Trung Quốc và Mỹ gần tương tự nhau. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt cũng như sinh khối và chất thải, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc.

Mỹ không cách Trung Quốc quá xa, đứng ở mức 9%. Nhưng gần một nửa trong số đó là từ sinh khối, tức dạng vật liệu sinh học từ sự sống, hay gần đây là sinh vật sống, như gỗ từ cây cối, tảo hoặc chất thải động vật.

Trung Quốc sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn so với Mỹ. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất 745.000 gigawatt-giờ năng lượng từ gió và mặt trời, theo Enerdata. Mỹ trong khi đó tạo ra được 485.000 gigawatt-giờ.

Xét về công suất, Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu vào năm 2020, khi họ xây dựng gần một nửa tổng số cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo trên thế giới, theo Báo cáo Tình trạng Toàn cầu về Năng lượng Tái tạo 2021. Như vậy, Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi công suất năng lượng tái tạo từ năm 2019.

Trung Quốc đã xây dựng nhiều trang trại năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn, sản xuất nhiều điện mặt trời và điện gió hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Họ cũng có thị trường xe điện lớn nhất, chiếm 38,9% thị phần toàn cầu về doanh số bán xe điện, trong khi Mỹ chỉ chiếm 9,9%.

Nhìn về tương lai, các kế hoạch khí hậu của Mỹ có tính tham vọng hơn so với Trung Quốc, giới chuyên gia đánh giá. Tổng thống Joe Biden đã cam kết giảm ít nhất một nửa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030 so với mức của năm 2005.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang ở một giai đoạn phát triển khác, vì thế, đây nên là một yếu tố cân nhắc khi xác định mức độ chia sẻ công bằng trong hành động khí hậu của nước này.

Khói bốc lên từ một nhà máy điện than ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc thể hiện các cam kết của mình thông qua "cường độ carbon", cho phép họ phát thải nhiều hơn khi GDP tăng lên, điều này khiến việc so sánh với Mỹ trở nên bất khả thi. Họ đã đệ trình kế hoạch phát thải mới lên Liên Hợp Quốc hôm 28/10, trước thềm COP26, song chỉ cải thiện một cách khiêm tốn.

Công cụ Theo dõi Hành động Khí hậu, một tổ chức nghiên cứu độc lập giám sát cam kết và hành động của các nước về cắt giảm khí thải, đánh giá chính sách môi trường của Mỹ tốt hơn Trung Quốc và đang đi đúng hướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.

Dù vậy, mức chia sẻ công bằng về khí hậu của cả Trung Quốc và Mỹ đều được đánh giá "chưa đủ cao". Nói cách khác, không nước nào cắt giảm đủ lượng carbon hoặc thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đủ nhanh để hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên ở mức 1,5 độ.

Chủ Đề