Nguyên nhân giá vàng trong nước cao hơn the giới

Tổng giám đốc SJC đánh giá trên thị trường còn rất ít vàng miếng lưu thông, điều này khiến giá mặt hàng này cao hơn nhiều so với thế giới. [Nguồn: TTXVN]

Chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới lên đến 17-19 triệu đồng mỗi lượng và chêch lệch với các thương hiệu khác vàng khác ở trong nước cũng lên đến 13-14 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người dân và giới chuyên gia “bức xúc” và kiến nghị cần phải có sự điều chỉnh Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vì không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Giải đáp những khúc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 24NĐ/CP góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị VND thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Công ty SJC không hưởng lợi

Bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Chia sẻ về chênh lệch giá vàng, bà Hằng cho hay công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24NĐ/CP được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300-400 tỷ đồng/năm xuống chỉ còn 74-80 tỷ đồng. Công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của thành phố, ủy ban nhân dân thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động.

[Giá vàng làm "nóng" nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN nói gì]

Cũng theo bà Hằng, trên thị trường, SJC không thể thao túng hay làm giá, bởi giá vàng do cung-cầu của thị trường quyết định. Cụ thể, để lên được giá vàng trong nước thì trước tiên là lấy giá tham chiếu của vàng thế giới, sau đó theo cung-cầu thực tế của thị trường quyết định ra giá vàng niêm yết.

Lãnh đạo SJC cho biết trên thị trường, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên phải thực hiện tất cả nhu cầu mua-bán trên thị trường.

Theo bà Hằng, hiện số lượng vàng miếng trên thị trường còn rất ít, bởi có những giai đoạn giá vàng miếng SJC thấp hơn hoặc bằng giá vàng nguyên liệu, các thương hiệu trong nước khi đó nấu vàng miếng SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có, trong khi nhu cầu thị trường vẫn tồn tại, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Theo bà Hằng, trong thời gian tới, nếu cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng, công ty nào uy tín, chất lượng thì sẽ được thị trường và người dân lựa chọn.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho rằng về phương diện kinh doanh, không doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao. Điều này rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại vàng. Các doanh nghiệp, ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.

Chênh lệch ở mức phù hợp

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới, giữa vàng miếng SJC và các loại vàng khác là phù hợp. [Ảnh: CTV/Vietnam+]

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải dự trữ vàng do không biết giá thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Về thắc mắc hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiều doanh nghiệp đã khẳng định chênh lệch này không rơi vào đơn vị nào. Nếu người dân lựa chọn vàng miếng SJC thì sẽ phải mua giá cao và bán giá cao.

“Không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng miếng SJC để chênh lệch lên đến mấy chục triệu như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp,” Thống đốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian gần đây, giá vàng SJC đã giảm 5-7 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, dù diễn biến giá vàng trên thế giới phức tạp, nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước. Thực tế, vàng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô thời kỳ trước.

Mặt khác,  Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận Nghị định 24NĐ/CP đã đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua.

"Thành công của nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng," bà Hồng nói. 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế thì cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Do đó, việc sửa đổi Nghị định 24NĐ/CP cần đánh giá kỹ lưỡng cũng như cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và sự đồng thuận trong xã hội,” Thống đốc nhấn mạnh./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. [Ảnh: PV/Vietnam+]

Trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước lên tục đắt hơn thế giới từ 5-8 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, do không tự chủ được nguồn cung nên các doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua-bán trên thị trường, dẫn tới giá trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới.

Thế giới liên tục giảm sâu

Sau khi khởi động năm 2021 ở mức giá khoảng 1.912 USD/ounce, giá vàng thế giới có lúc rớt xuống mức thấp nhất 8 tháng ở 1.714 USD/ounce  trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu [26/2] và 1.720 USD/oucne [ngày 4/3] tương đương mức giảm gần 200 USD/oz trong 2 tháng.

Như vậy, giá vàng thế giới đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Còn giới phân tích nước ngoài cho rằng nếu không giữ được vùng giá 1.725 USD thì trong tuần tới, vàng có thể tiếp tục bị bán tháo.

“Giá vàng đã xuyên thủng những mức thấp gần đây và tất cả những mức trung bình tuần. Mốc 1.700 USD/oz có thể bị thử thách trong tuần tới,” chiến lược gia Charlie Nedoss thuộc LaSalle Futures Group cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lý giải, giá vàng thế giới liên tục giảm trong những ngày qua là do thời điểm này tình hình thế giới ổn định hơn năm 2020. Cụ thể, nhiều nước đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân, một số nước cũng đã đưa ra các gói cứu trợ lớn, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dù chưa được giải quyết nhưng cũng không còn căng thẳng… nên tâm lý nhà đầu tư an tâm không tìm nơi trú ẩn an toàn là vàng như những năm trước khiến giá vàng đi xuống.

Hiện giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.720 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank [23.110 đồng/USD] thì giá vàng tương đương 47,89 triệu đồng. Trong khi đó, vàng SJC được bán ra ở mức 56 triệu đồng/lượng. Giá vàng dù có đi xuống theo đà giảm của giá vàng thế giới nhưng mức giảm "nhỏ giọt" khiến mức chênh giá vàng trong nước với giá thế giới lên tới 8,1 triệu đồng [chiều ngày 4/3]. Đây được cho là mức chênh cao nhất từ trước đến nay, gấp 3-4 lần so với trước khi xảy ra COVID-19.

Vì sao giá trong nước đắt hơn thế giới?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới. 

Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau, cũng có lúc giá vàng trong nước thấp hơn thế giới nhưng phần lớn các thời điểm đều cao hơn. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Thứ 3, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Thứ 4, tại thời điểm này một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

“Vì vậy, nhiều người vẫn có ý định mua vàng. Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao và người cuối bị thiệt hại vẫn là khách hàng,” ông Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do chi phí nhập khẩu, chi phí vận hành, chế tác, bảo quản của nước ta khá tốn kém. Bên cạnh đó, hiện nay việc nhập khẩu vàng chỉ có một đầu mối nên có thể dẫn đến tình trạng môt số chủ tiệm vàng hoặc các công ty kinh doanh có hiện tượng đầu cơ làm giá. Ngoài ra, nhu cầu của khách hàng trước và sau ngày Vía Thần Tài vẫn có nhu cầu tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn cung cho ngày Vía Thần Tài vừa qua, các doanh nghiệp đã phải mua vào lượng lớn vàng trước Tết với giá cao để làm sản phẩm. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp không thể giảm giá bán xuống, nếu không sẽ dẫn tới thua lỗ dẫn tới giá bán hiện tại khó giảm sâu như thế giới.

Các chuyên gia khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.

“Với người dân phải ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro cho chính mình, nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ, đầu tư vào các kênh khác nhau,” ông Hiếu phân tích.

Đặc biệt ông Hiếu nhắn nhủ thêm, khách hàng nếu có đầu tư thì cũng không nên lấy thu nhập thường xuyên của mình để “chơi” vàng mà phải lấy tiền tiết kiệm, nếu như có rủi ro thì sẽ không bị ảnh hưởng đến nguồn chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Đối với cơ quan quản lý, ông Hiếu cũng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước không nên can thiệp vào thị trường vàng, việc nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra mua vàng ở thời điểm này thì đương nhiên họ đã chấp nhận rủi ro. Hãy để cung cầu trên thị trường điều tiết giá vàng, không vì người dân chịu thiệt hại mà tìm cách chỉ định hay có biện pháp hành chính điều chỉnh giá vàng. Làm như vậy, sẽ tạo sự bất ổn cho thị trường vàng.

Còn ông Lực thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục kiên định quản lý và đảm bảo ổn định thị trường vàng như đã làm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với hiện tượng chênh lệch giá vàng tăng quá cao thì Ngân hàng Nhà nước cần phải quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá và có hiện tượng nhập lậu vàng hay không./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề