Nguyên nhân bệnh sâu răng

Nguyên nhân nào gây ra sâu răng là một câu hỏi khá phổ biến; chúng ta đều muốn biết làm thế nào để phòng ngừa sâu răng để tránh nguy cơ dẫn đến vấn đề khó chịu hơn là đau răng và mất răng. Sâu răng là kết quả của tổn thương ở răng, một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Theo Phòng khám Mayo, quá trình này bắt đầu khi vi khuẩn gây tổn thương trên men răng và dần dần tổn thương sẽ lan vào các lớp sâu hơn của răng nếu không được kiểm soát kịp thời. Nếu bạn có nguy cơ bị sâu răng cao, hãy yên tâm vì vấn đề này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Chăm sóc răng miệng thường xuyên và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh có thể vô cùng hữu ích trong việc ngăn chặn tổn thương cho những chiếc răng trắng như ngọc của bạn.

Quá Trình Hình Thành Sâu Răng

Sự hình thành mảng bám là giai đoạn đầu của sâu răng. Một số chủng vi khuẩn xuất hiện tự nhiên trong miệng sẽ phát triển mạnh khi bạn sử dụng thực phẩm và đồ uống có chứa đường. Khi đường không được rửa trôi khỏi răng của bạn, vi khuẩn sẽ ăn lượng đường còn sót lại này và tạo ra axit. Các axit sau đó sẽ kết hợp với vi khuẩn, các hạt thức ăn thừa và nước bọt để tạo thành mảng bám, một màng dính mỏng, không màu, bao phủ quanh răng.

Một khi mảng bám hình thành, các axit sẽ làm mòn men răng, hay còn được biết đến là bề mặt cứng nhất ở bên ngoài của răng. Những lỗ nhỏ li ti trên men răng chính là dấu hiệu cho giai đoạn đầu tiên của bệnh sâu răng. Sau giai đoạn này, axit và vi khuẩn sẽ tấn công lớp tiếp theo của răng, một lớp mềm hơn được gọi là ngà răng.

Vi khuẩn và mảng bám tiếp tục phá hủy ngà răng cho đến khi tiến vào lớp trong cùng của răng, hay còn gọi là tủy răng. Ở giai đoạn này, tủy răng bị kích thích, viêm nhiễm và xương hỗ trợ neo giữ răng cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi sâu răng đã trở nên nghiêm trọng tới mức này, bạn sẽ cảm thấy răng trở nên nhạy cảm, đau nhức răng và đau răng khi cắn thức ăn. Nếu cơ thể bạn gửi các tế bào bạch cầu để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, bạn có thể bị áp xe răng và cần phải thực hiện thủ thuật điều trị tủy răng.

Như ông cha ta có câu, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chăm chỉ và kiên định trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng có thể giúp bạn phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách này bao gồm chải răng ít nhất hai lần một ngày và sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm được thiết kế để làm sạch sâu, chẳng hạn như bàn chải đánh răng Colgate® SlimSoft™ . Nếu bạn không có đủ thời gian để chải răng sau bữa ăn, hãy súc miệng kỹ bằng nước sạch.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp phòng ngừa sâu răng. Ăn những thực phẩm tốt cho răng như trái cây tươi, rau, phô mai và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp bạn có một hàm răng chắc khỏe. Không nên sử dụng đồ uống có đường vì đường sẽ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển sâu răng. Tránh ăn vặt thường xuyên và sử dụng các loại đồ uống mà không phải là nước để ngăn chặn việc răng của bạn bị tấn công từ các axit do vi khuẩn tạo ra trong miệng.

Khi Nào Cần Đến Gặp Nha Sĩ

Kể cả không có triệu chứng nào liên quan đến giai đoạn đầu của việc hình thành bệnh sâu răng, bạn cũng nên đến nha sĩ một hoặc hai lần một năm để vệ sinh và khám răng định kỳ. Điều quan trọng là tìm ra các triệu chứng, dấu hiệu và ngăn chặn chúng trước khi chúng phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu bạn đang bị đau răng hoặc có răng nhạy cảm, hãy khám răng càng sớm càng tốt.

Hãy nhớ rằng nguyên nhân gây sâu răng chủ yếu là việc chăm sóc răng miệng không thường xuyên và không đúng cách, đồng thời việc sử dụng thực phẩm không lành mạnh cũng có thể khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù sâu răng có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng tuân thủ các biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh sâu răng. Trong trường hợp bạn cần điều trị đặc biệt để ngăn ngừa sâu răng, nha sĩ có thể tư vấn cho bạn những việc cần làm để duy trì sức khỏe răng miệng.

Bệnh sâu răng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam,theo GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương,hiện có hơn 90% người có bệnh về răng miệng, 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi.

Ở người cao tuổi và người trưởng thành, hơn 80% người có sâu răng vĩnh viễn. Mặc dù tỉ lệ mắc sâu răng cao như vậy nhưng không phải ai cũng quan tâm đúng mức và biết cách dự phòng, chăm sóc răng miệng. Theo thống kê, trong cả nước có trên 60% trẻ em và trên 50% người lớn chưa từng được đi khám răng miệng.

Sâu răng là một bệnh gây tổn thương không có khả năng tự phục hồi mà phải chữa trị. Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng theo hình thể giải phẫu của răng.Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu ở một vài vùng trên mặt nhai hoặc kẽ giữa hai răng ở một vài điểm trên bề mặt, lúc này người bệnh chưa cảm thấy đau hay buốt, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Một thời gian sau, những điểm này biến đổi sắc tối hơn sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện có thể nhỏ như đầu tăm hoặc to toàn bộ mặt nhai. Người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau khi có thức ăn giắt vào.

Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu không được điều trị thì sâu răng sẽ tiến triển viêm tủy răng.Khi bị viêm tủy thì việc chữa trị tốn kém hơn nhiều cả về chi phí và thời gian. Nếu không chữa tủy thì bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trở thành bệnh lý viêm chóp chân răng cấp hoặc mạn tính và vỡ cụt thân răng, mất chức năng của răng thậm chíviêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm... Bên cạnh đó, khi bị sâu răng, hơi thở của người bệnh còn có mùi hôi rất khó chịu.

Nguyên nhân bệnh sâu răng

Một số hình ảnh răng bị sâu (Sưu tầm)

Nguyên nhân gây sâu răng

Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến sâu răng, tuy nhiên những yếu tố nguy cơ sâu răng nổi trội gồm:

- Vi khuẩn:vi khuẩn gây bệnh sâu răng luôn hiện diện ở môi trường miệng của tất cả mọi người và mảng bám vi khuẩn hình thành liên tục trên bề mặt răng trong quá trình ăn uống hàng ngày. Các vi khuẩn gây sâu răng bằng cáchsản sinh và tiết ra chất hữu cơ, polyore, enzyme, chuyển hóa chất bột đường bám ở răngthành axít làm hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu.

- Thức ăn: yếu tố nguy cơ gây ra bệnh sâu răng của thức ăn được nhắc đến nhiều nhất là đường và tinh bột.Khi ăn các thức ăn nhóm tinh bột đường, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ răng sẽ bị chuyển hóa thành a xít, nếu độ PH xuống dưới 5,5 là có thể gây hủy khoáng ở men răng, gây sâu răng.

- Fluor: fluor có tác dụng rất lớn trong việc hình thành men răng, tái khoáng men răng,  đồng thời ức chế quá trình chuyển hóa đường của vi khuẩngiúp ngăn ngừa nguy cơ hủy khoáng ở men răng. Nếu được cung cấp đủ flour men răng sẽ cứng, trơ trong môi trường acid, khi đó, chẳng may có đánh răng không sạch thì cũng hạn chế nguy cơ hủy khoáng để tạo thành lỗ sâu…

- Chăm sóc răng miệng không tốt: Răng không được làm sạch thường xuyên nhất là sau khi ăn và uống sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Chăm sóc, làm sạch răng miệng không đúng cáchcũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ví dụ, đánh răng không đúng cách không những không giảm được vi khuẩn xâm nhập, mà còn có thể gây tổn thương lợi, tạo thêm điều kiện cho vi khuẩn phát triển.Quá trình từ răng mới sâu đến khi hình thành lỗ sâu phải trải qua một thời gian. Khoảng thời gian nàynhanh hay chậm phụ thuộc vào việc vệ sinh răng miệng hàng ngày và việc điều trị có kịp thờihay không...

Phòng bệnh sâu răng

1. Vệ sinh răng miệng thường xuyên

- Đánh răng, chải sạch răng đúng cách 2-3 lần/ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ với kem đánh răng có chứa flour. Dùng chỉ nha khoa để lấy các mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng mà bàn chải không thể làm sạch được. Vệ sinh lưỡi mỗi khi đánh răng.

- Súc miệng bằng nước muối pha loãnghoặc các nước súc miệng diệt khuẩn để hỗ trợ làm sạch vi khuẩn khoang miệng. Lưu ý súc miệng lại với nước sạch sau khi dùng nước muối. Ngoài ra có thể dùng nước súc miệng có chứa flour, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám như zin lactate…

2. Kiểm soát thức ăn và đồ uống có đường bao gồm: giảm ăn đường hoặcthứcăn chứa tinh bột, đường. Làm sạch răng miệng ngay sau ăn. Không ăn ngọt về đêm. Không nên cho trẻ uống nước hoa quả bằng bình vì sẽ kéo dài thời gian răng tiếp xúc với đường và a xít từ hoa quả, không uống nước ngọt có ga.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm để đủ chất cần thiết cho sự phát triển và chắc khỏe của răng.

- Tăng cường ăn nhiều trái cây và rau xanh, vì chất xơ trong trái cây và rau xanh giúp làm sạch mảng bám trên răng.

- Nên uống nhiều nước để tránh khô miệng. Bởi nó sẽ giúp tăng tiết nước bọt, có tác dụng bảo vệ cả mô mềm và mô cứng trong miệng.

4. Khám răng định kỳ: Việc khám thường xuyên rất quan trọng để giữ cho răng và lợi khỏe mạnh. Các bệnh răng miệng ở giai đoạn đầu không có dấu hiệu rõ ràng, rất khó phát hiện. Do đó, bên cạnh chăm sóc răng miệng đúng cách tại nhà, nên khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần tại nha khoa để sớm phát hiện ra bệnh và có phương hướng điều trị kịp thời.

                                                                                       Thủy Nguyên