Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ hôn nhân gia đình

Mến chào các bạn! Nay Share Law "mở hàng" chuyên mục TƯ VẤN KỸ NĂNG nhé các bạn!  Share Law mong muốn mỗi ngày được giới thiệu đến với các bạn các bài viết tư vấn, câu chuyện hay và ý nghĩa. Hãy tìm kiếm trang Share Law và nhấp nút "like" trang, để theo dõi và không bỏ sót các bài viết ý nghĩa của Share Law. Bạn có thể ủng hộ tinh thần cho Share Law bằng cách nhấp nút "like", bình luận, chia sẻ bài viết trên trang Share Law để chúng tôi có động lực tiếp tục chia sẻ các bài viết mới hay hơn. Các bạn đừng quên gửi câu hỏi, yêu cầu tư vấn cho Share Law qua trang Share Law, để chúng tôi nghiên cứu, trả lời các bạn. Hôm nay, Share Law chia sẻ với các bạn bài viết của Luật sư Lê Văn Dụng về vấn đề: KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ KHI THỰC TẬP. “Chào ad! Cho em hỏi em sinh viên năm 2! Đang thực tập ở VPLS, với những hồ sơ ở văn phòng gửi đến toàn là sơ thẩm rồi hay phúc thẩm rồi. Em chưa học tố tụng nên không hiểu quy trình và cách nghiên cứu. Chủ yếu hồ sơ tranh chấp đất đai. Ad hướng dẫn cho em làm thế nào thực tập hiệu quả ở vpls ạ. Em đang thực tập cũng muốn học hỏi nhiều nhưng chưa biết cách và phương pháp ạ!” Chào bạn! Bạn chưa học các môn Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng hành chính và ở năm thứ 2, bạn chưa học nhiều luật nội dung có liên quan phổ biến đến các tranh chấp thường gặp ở xứ ta: đất đai, hôn nhân gia đình, lao động … do đó, ở năm thứ 2 mà bạn đặt ra yêu cầu là phải học làm được việc, hiểu được công việc, hồ sơ vụ án … thì quả là khó cho bạn, và thử thách vô cùng lớn cho người của VPLS đó hướng dẫn bạn, và câu hỏi này cũng là một thử thách rất lớn đối với Luật sư của Share Law. Năm thứ 2, bạn nên bắt đầu từ việc kiến tập, tức là nhìn thấy người khác làm việc mà học, học nhiều kỹ năng khác ngoài chuyên môn trước đi đã, ví dụ: học cách tiếp khách, nói chuyện, tư vấn, trình bày với khách hàng, học cách báo cáo công việc với sếp, học cách trao đổi với đồng nghiệp, theo người có kinh nghiệm đến các cơ quan công quyền để nhìn cách họ giao tiếp, làm việc, cách trao đổi, nói chuyện với cơ quan nhà nước, học cách quản lý, phân bổ thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi, học cách xây dựng cho bản thân một hình mẫu, một phong cách … nếu bạn yêu thích và muốn trở thành luật sư. Hãy chú ý mọi thứ, đặc biệt những thứ tôi đã nêu, vì nó quan trọng không kém chuyên môn đâu. Xin khẳng định với các bạn là: NGHỀ LUẬT LÀ NGHỀ TƯ VẤN, THUYẾT PHỤC NGƯỜI KHÁC, MUỐN NGƯỜI TA NGHE MÌNH THUYẾT PHỤC, ĐẦU TIÊN BẠN PHẢI NÓI THẾ NÀO ĐỂ HỌ NGỒI XUỐNG, CHÚ Ý VÀ ĐƯA TAI RA NGHE MÌNH. HỌ NẠP THÔNG TIN CỦA MÌNH VÀO TRƯỚC, SAU ĐÓ THẤY HỢP LÝ THÌ HỌ MỚI XỬ LÝ TIẾP, TIẾP NHẬN HAY PHẢN ĐỐI CÒN TÙY, NHƯNG ÍT RA LÀ HỌ CŨNG ĐÃ “CHỊU NGHE”. Nếu họ không chịu nghe thì bạn có nói hay, nói đúng cũng “CHÀO THUA”. Nên học cách giao tiếp, học làm người, học để hoàn thiện bản thân về giao tiếp, tạo phong cách chuyên nghiệp quan trọng lắm. Bản thân tôi học mãi, có tiến bộ nhưng chẳng có sự giới hạn nào cho sự hoàn thiện cả, càng học, càng ngẫm càng thấy thiếu đủ thứ, đủ đường. Nên ở đời người ta bảo” càng học càng ngu” là vậy, càng biết nhiều, thì người ta hạn chế nói, vì mình có nhận thức hơn, thì mình mới phát hiện ra mình yếu kém hơn, đó là sự tiến bộ. Bạn cũng có thể học cách sắp xếp hồ sơ, cách đánh máy, trình bày văn bản, nhưng chủ yếu dạng cơ học và chấp nhận một tồn tại “làm nhưng không hiểu gì cả”, tức là đánh máy xong cái đơn khởi kiện ly hôn nhưng không biết yêu cầu khởi kiện đó có cơ sở hay không. Bạn muốn cấp độ vừa làm được vừa hiểu thì khá là khó với năm 2 của bạn. Nếu thật sự bạn muốn lăn vào chuyên môn ngay, thì khó, nhưng không phải là không thể. Đối với chuyên môn của văn phòng luật này, và với năm thứ 2, bạn có thể tập trung vào tìm hiểu thực tế về tố tụng dân sự và có thể là thi hành án dân sự, để tiếp xúc nó, hiểu nó, bạn đi theo từng bước sau đây: - Theo thứ tự của học hành, là từ lý thuyết rồi mới đến thực hành, nên bạn hãy bỏ ra khoảng 1 tháng để tự học môn tố tụng dân sự, bạn mua giáo trình, tài liệu học tập về tự nghiên cứu môn này trước. Đọc qua cho biết là được. - Tiếp theo đó, bạn tự nghiên cứu các quy định, các trình tự thủ tục tố tụng trong dân sự (án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động) thông qua Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành (thường là các nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cách áp dụng chi tiết các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự). Bạn phải hệ thống và nắm được các văn bản này, hệ thống chúng lại với nhau. Ví dụ, phần sơ thẩm thì định từ điều nào đến điều nào của Bộ luật tố tụng dân sự, quy định sao, được hướng dẫn chi tiết ở văn bản nào … Ở các nghị quyết bạn cũng tìm thấy được các biểu mẫu: mẫu đơn khởi kiện, đơn kháng cáo … - Bạn tìm đến Tòa xem 1 vài phiên tòa về dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hình sự, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm để biết tố tụng dân sự, tố tụng hình sự trên thực tế được áp dụng như thế nào, để hiểu rõ hơn về thực tiễn. - Về kỹ năng công việc tại VPLS đối với dân sự, bạn có thể mua cuốn Giáo trình đào tạo nghề luật sư của Học viên tư pháp về “Kỹ năng giải quyết các vụ việc dân sự - phần cơ bản”, nếu máu hơn thì đọc luôn giáo trình chuyên sâu. Người ta hướng dẫn kỹ năng kỹ lắm, kể cả cách tiếp khách hàng, cách làm đơn… Nắm cơ bản như vậy, rồi bắt đầu xin một luật sư, anh chị nào đó có kinh ngiệm, đã học qua nghề luật sư, tốt nhất là người đang tập sự hoặc luật sư rồi hướng dẫn bạn cách nghiên cứu hồ sơ, cách lập báo cáo phân tích, cách soạn thảo các đơn, văn bản trong tố tụng … Về sắp xếp hồ sơ, khi tiếp xúc hồ sơ ở VPLS, thường thì hồ sơ đã được sắp xếp, thông thường hồ sơ sẽ được xếp thành từng tệp nhỏ, theo các chủ thể trong tố tụng: tệp của nguyên đơn cung cấp, giao nộp; tệp của bị đơn cung cấp, giao nộp; tệp của các đương sự khác, người tham gia tố tụng khác; tệp do tòa án lập, thu thập ... Trong từng tệp, người ta thường sắp theo trình tự thời gian, có trước sắp trước, có sau sắp sau, cho dễ theo dõi. Nếu đã sắp xếp rồi, bạn để nguyên vậy đọc. Nếu thầy lộn xộn, phải hỏi ý kiến người quản lý hồ sơ, không được tự ý sắp lại, vì có thể họ có nguyên tắc của họ, không theo thông thường. Về nghiên cứu hồ sơ, đối với nghề luật sư, thông thường là để nắm bắt nội dung, để tìm kiếm cơ sở pháp lý, chứng cứ nhằm xây dựng phương án để bảo vệ cho khách hàng. Theo đó, giả sử như nghiên cứu hồ sơ dân sự chẳng hạn, thì bạn phải xác định yêu cầu của nguyên đơn, bằng cách xem đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản bản lấy lời khai nguyên đơn, biên bản hòa giải ..., rồi phải xác định ý kiến, yêu cầu của bị đơn bằng cách xem văn bản ghi ý kiến, bản tự khai, biên bản hòa giải, đơn phản tố (nếu có) ..., nếu có đương sự khác, cũng phải tìm hiểu như vậy, mới hình thành nên được nội dung tranh chấp. Khi biết nội dung tranh chấp rồi, thì lúc đó mới tìm cơ sở pháp lý, tìm chứng cứ để chứng minh cho lập luận của họ. Bạn mới năm 2, nên chúng tôi cũng chỉ nói sơ bộ vậy thôi. Tự học là rất khó khăn, tìm chỗ để thực tập, tìm người hướng dẫn cũng vô cùng khó khăn, nên bạn có cơ hội thì phải tận lực cố gắng. Nếu không phấn đấu làm được như những gì tôi đã nói, thì coi học được cái gì tốt cái ấy. Ngày đi học cử nhân luật, tôi cũng song song đi phụ việc cho một VPLS suốt 4 năm, tôi đã tự học như tôi đã nói ở trên, với sự kèm cặp nhiệt tình của các anh chị luật sư, tập sự hành nghề luật sư, tôi tiến bộ rất nhiều, và chính việc học việc đó đã hỗ trợ tôi học tốt lý thuyết, nắm vững kiến thức hơn rất nhiều. Nên tôi chia sẻ cho các bạn, nói trên cơ sở đã làm rồi, chứ không nói chơi đâu. Tôi biết làm được đơn khởi kiện của một số vụ việc đơn giản khi tôi chưa học ở trường môn Tố tụng dân sự đâu. Luật chúng ta là “một rừng”, ý nói là nhiều lắm, chờ học hết mới làm chắc là “qua bên kia thế giới” mới hành nghề được. Nên tự học là kỹ năng sống còn của em khi theo nghề luật sư. Tôi cũng đã nhấn mạnh ở trên, học nghề, thực tập phải có người hướng dẫn, bạn phải làm sao để họ tận tình chỉ bảo mình. Để được như vậy, hãy quan tâm nhiều đến thái độ ứng xử của bản thân, để được người khác chấp nhận, yêu mến, hướng dẫn mình.   Trân trọng!

Luật sư Lê Văn Dụng

2.2. Các kỹ năng TGPL cho nạn nhân BLGĐ trong một số loại vụ việc đặc thù

2.2.1. Kỹ năng bảo vệ cho nạn nhân trong vụ việc hôn nhân gia đình Bên cạnh các kỹ năng chung khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án dân sự thì khi tham gia tố tụng trong các vụ án hôn nhân gia đình, nhất là các vụ án có nguồn gốc từ BLGĐ, người thực hiện cần lưu tâm đến một số kỹ năng chuyên biệt như sau:

2.2.1.1. Những nội dung cần trao đổi với người được TGPL khi tham gia các vụ việc về HNGĐ

- Người thực hiện TGPL cần dành nhiều thời gian trao đổi với người được TGPL để nắm bắt được nguyên nhân sâu xa của tranh chấp, nguồn gốc phát sinh mâu thuẫn giữa vợ và chồng, thời điểm, tính chất phức tạp, nghiêm trọng khi bùng nổ tranh chấp. - Cần chú ý đến khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. - Người thực hiện TGPL cần nắm rõ quan hệ nhân thân giữa các đương sự trong vụ án với đầy đủ cơ sở pháp lý như Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bản án ly hôn, Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy giao nhận con nuôi, v.v., cũng như các giấy tờ pháp lý về tài sản (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài khoản ngân hàng, hợp đồng mua bán, v.v.). Để đạt được kết quả tốt trong công việc này, Người thực hiện TGPL cũng cần chú ý hướng dẫn họ thu thập tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Nguồn chứng cứ của các vụ án về hôn nhân và gia đình thường rất nhiều, bao gồm: Thư từ trao đổi trong nhiều năm, người làm chứng là người trong gia đình, bạn bè, v.v.. - Người thực hiện TGPL cần trao đổi với người được TGPL về những quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung và các yêu cầu tranh chấp trong vụ án, giúp cho khách hàng nhận thức rõ hơn về các quy định của pháp luật có liên quan. Trao đổi với họ về việc nuôi dạy con sau khi ly hôn trên cơ sở quy định của Điều 81 và Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Chú ý các điều kiện nuôi dạy con (việc làm, chỗ ở, thu nhập, thời gian chăm sóc con, v.v.). - Người thực hiện TGPL cần làm rõ các vấn đề pháp lý về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân để làm cơ sở cho việc phân chia tài sản chung và tài sản riêng của vợ, của chồng. Cũng cần chú ý về việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 47, Điều 48, Điều 49 và Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. - Ngoài ra, Người thực hiện TGPL cần trao đổi với người được TGPL những vấn đề về đạo đức xã hội, phong tục tập quán có liên quan vụ án. Để làm tốt điều này, Người thực hiện TGPL cần hỏi rõ họ về hoàn cảnh của các đương sự, quan hệ thực tế giữa các bên, ý muốn cụ thể, cao nhất, tối thiểu của họ. - Trong suốt quá trình nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình, Người thực hiện TGPL cần liên hệ thường xuyên với họ để biết được những diễn tiến trong gia đình xoay quanh vụ án. Việc cập nhật thông tin này nhằm giúp họ kịp thời bổ sung chứng cứ cần thiết cho vụ án.

2.2.1.2. Những điểm cần lưu ý khi xem xét nguyện vọng của con

- Người thực hiện TGPL cần hết sức quan tâm đến vấn đề tâm lý của trẻ em, của người chưa thành niên khi tham gia giải quyết vấn đề giao con cho ai nuôi dưỡng trong vụ án ly hôn. - Cần tạo bầu không khí thân thiện khi tiếp xúc với các con của người được TGPL để trao đổi về việc trẻ thích sống với ai sau khi cha mẹ ly hôn, việc thăm nuôi con sẽ như thế nào. Người thực hiện TGPL nên hỏi người được TGPL về quá trình và tình trạng hiện tại của việc nuôi dạy, học hành, đưa đón các con. - Vì tính nhạy cảm của vấn đề, có thể Người thực hiện TGPL không nên hỏi trực tiếp mà nên hỏi một cách gián tiếp những vấn đề sinh hoạt trong gia đình để biết được ước muốn của các con khi cha mẹ ly hôn. - Người thực hiện TGPL không nên đưa ra những câu hỏi như: “Đối với cha và mẹ con thương ai nhiều hơn?”, “Ai chăm sóc con nhiều hơn?” hay “Ai thương con nhiều hơn?”. Người thực hiện TGPL cũng nên khéo léo để nhận xét về khả năng cha, mẹ có thể gây ảnh hưởng, tác động đến ý kiến, quyết định của các con. - Người thực hiện TGPL cần khéo léo giúp trẻ tránh được áp lực tâm lý từ cha mẹ. Cụ thể như, sợ nói thích ở với mẹ thì cha không thương, thậm chí bị cha đánh, hay ngược lại, v.v.. đê trẻ em bày tỏ được quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề trực tiếp nuôi dưỡng của cha mẹ sau ly hôn. - Người thực hiện TGPL cũng nên khéo léo hỏi các con về cách thức nuôi dạy con trong gia đình, sức khỏe của các con, v.v., để biết rõ hơn về điều kiện, kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con của cha, mẹ. - Đôi khi Người thực hiện TGPL cần khéo léo hỏi các con của người được TGPL về các thành viên trong gia đình bên nội, bên ngoại để biết được ảnh hưởng của bên nội, bên ngoại đối với việc giao con cho ai nuôi dưỡng, phương thức nuôi dạy con.

2.2.1.4. Chứng cứ trong các vụ án hôn nhân gia đình

Chứng cứ trong các vụ án hôn nhân gia đình là rất quan trong trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, nhất là khi bảo vệ cho nạn nhân BLGĐ được TGPL. Khó khăn Người thực hiện TGPL thường gặp khi đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình là đánh giá chứng cứ xác định vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hay không. Tuy nhiên, khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau. Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, thực tiễn có những trường hợp cùng một vụ việc nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau ở các cấp xét xử khi áp dụng pháp luật. Do vậy, đòi hỏi người thực hiện TGPL cần hiểu rõ khái niệm bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình và 09 loại hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. - Người thực hiện TGPL phải đánh giá chứng cứ về việc hành vi bạo lực gia đình có làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Để đạt được yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được TGPL, Người thực hiện TGPL phải nghiên cứu, phân tích từng chi tiết để chứng minh vấn đề này. Ví dụ: Đối với hành vi bạo lực vật chất: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với bạo lực tinh thần: Vợ, chồng bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín. Hành vi bạo lực của vợ, chồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, đã được chính quyền địa phương nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có văn bản của cơ quan điều tra có dấu hiệu tội phạm (tội ngược đãi vợ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội bức tử) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự,..)… - Trường hợp ly hôn vì vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, Người thực hiện TGPL cần đánh giá các chứng cứ về việc vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trên cơ sở các quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Về nhân thân (thủy chung, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, v.v.) và về tài sản (đối với tài sản chung, đối với tài sản riêng, chú ý đến thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng, nếu có). Cần chứng minh được tính nghiêm trọng hay không nghiêm trọng của hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng dẫn đến việc phải ly hôn. - Trường hợp vụ án tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, phải đánh giá các chứng cứ về việc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nội hàm các vấn đề này rất rộng, quy phạm pháp luật điều chỉnh cũng rất nhiều, đồng thời tìm được chứng cứ đã khó, đánh giá chứng cứ lại càng khó hơn. Do đó, Người thực hiện TGPL phải am tường các quy định của pháp luật về trẻ em, đồng thời phải đánh giá các chứng cứ làm cơ sở xác định người trực tiếp nuôi con không còn đủ thời gian, không còn đủ khả năng để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

2.2.1.5. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc trong các vụ án hôn nhân gia đình

Trong mọi giai đoạn của việc giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án đòi hỏi người Người thực hiện TGPL phải quan tâm những vấn đề sau: - Xác định được quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không hợp pháp, xác định thời kỳ hôn nhân, xác định thành viên trong gia đình, xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, của chồng, v.v.. - Người thực hiện TGPL cần chú ý những chi tiết về ngày, tháng, năm của các chứng cứ về hôn nhân, về quan hệ cha mẹ con và tài sản, các chi tiết, diễn biến tâm lý, tình cảm, yêu cầu thông qua lời tự khai, tường trình của đương sự, ý kiến của đương sự trong các lần hòa giải, đối chất. - Nếu trong vụ án có tranh chấp gay gắt về ly hôn hay không ly hôn, Người thực hiện TGPL cần hết sức quan tâm đến các tài liệu, chứng cứ thể hiện sự mâu thuẫn giữa vợ, chồng, mức độ mâu thuẫn, thời gian mâu thuẫn, nguyên nhân và duyên cớ của mâu thuẫn. - Trong vụ án có tranh chấp gay gắt về việc giao con cho ai trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, Người thực hiện TGPL cần chú ý đến các tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là lời khai của các đương sự để làm rõ điều kiện của người yêu cầu trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (việc làm, thu nhập, chỗ ở, thời gian, nguyện vọng của con từ 07 tuổi trở lên, sức khỏe của con, các yêu cầu về ổn định chỗ ở, chỗ học, ổn định tâm lý của con, v.v.).

2.2.1.6. Xây dựng phương án bảo vệ và tham gia phiên tòa

- Người thực hiện TGPL cần phân tích cho người được TGPL hiểu rõ yêu cầu nào phù hợp với pháp luật, yêu cầu nào không phù hợp để thuyết phục họ bỏ những yêu cầu không phù hợp với pháp luật, trái đạo đức xã hội, bỏ những yêu cầu không có chứng cứ để chứng minh. - Khi xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL, Người thực hiện TGPL cần chú ý đến quan hệ gắn bó của các đương sự trong vụ án để có phương án bảo vệ quyền lợi cho họ vừa hợp lý vừa hợp tình, tránh góp phần làm cho quan hệ tranh chấp giữa các đương sự trở nên gay gắt hơn. - Người thực hiện TGPL cần hỏi đối phương về phương thức hàn gắn, giải quyết mâu thuẫn để có thể từ đó đưa ra các lập luận trong phần tranh luận, chứng minh không có cơ sở giải quyết mâu thuẫn, không có giải pháp hàn gắn. - Về việc giao cho ai trực tiếp nuôi con, Người thực hiện TGPL cần hỏi các điều kiện đáp ứng quyền lợi về mọi mặt của các con (việc làm, thu nhập, kiến thức nuôi dạy con, thời gian và điều kiện chăm sóc con, sự hòa hợp với con, chỗ ở cho các con sau khi ly hôn, quyết tâm nuôi con và tạo điều kiện thuận lợi cho bên kia thực hiện quyền thăm nom con sau khi ly hôn). - Người thực hiện TGPL cần sử dụng phần xét hỏi để phần tranh luận có tính thuyết phục trên cơ sở phân tích các điểm thuận lợi đối với các yêu cầu của khách hàng. Thông thường, trong vụ án ly hôn, tâm lý và tình cảm tác động mạnh đến pháp lý, ảnh hưởng đến kết quả vụ án. Do đó, Người thực hiện TGPL phải hết sức quan tâm và khai thác khía cạnh này. Kinh nghiệm cho thấy trong vụ án ly hôn, Người thực hiện TGPL nữ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng nữ và ngược lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong phần xét hỏi và tranh luận vì liên quan đến tâm lý giới. Tuy nhiên, Người thực hiện TGPL giỏi về vụ án ly hôn phải là Người thực hiện TGPL giỏi về tâm lý của cả giới nam và giới nữ, tâm lý người chưa thành niên (vì có liên quan vấn đề giao con cho ai nuôi sau khi ly hôn). - Mâu thuẫn trong các vụ án về ly hôn nhiều khi rất gay gắt nhưng với các kỹ năng mềm (tâm lý, kinh nghiệm tạo cảm xúc, v.v.), vì vậy, trong vụ án ly hôn, nghệ thuật xử lý tình huống và kinh nghiệm của Người thực hiện TGPL rất quan trọng.

2.2.2. Kỹ năng bảo vệ cho nạn nhân trong tranh chấp thừa kế


2.2.2.1. Một số quy định về thừa kế mà người thực hiện cần quan tâm
a) Quyền thừa kế - Điều 32 Hiến pháp 2013: Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. - Các quy định về thừa kế được Bộ Luật dân sự 2015 điều chỉnh tại 01 phần (Phần 4) với 53 điều (từ điều 609 đến điều 662). Theo đó, có 02 loại thừa kế là: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế là một giao dịch dân sự chuyển dịch tài sản từ người chết qua người còn sống do các quy định của pháp luật (thừa kế theo pháp luật) hoặc do hành vi pháp lý đơn phương (lập di chúc) định đoạt tài sản của người có tài sản khi còn sống và có hiệu lực pháp lý khi người này đã chết (thừa kế theo di chúc). Đối với người thừa kế không phải là cá nhân (pháp nhân, cơ quan, tổ chức) thì việc chuyển dịch tài sản từ người chết qua người thừa kế chỉ bằng duy nhất hình thức thừa kế theo di chúc và người thừa kế phải còn tồn tại tại thời điểm người để lại di sản qua đời. - Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế và 03 hàng thừa kế theo pháp luật (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cháu ruột). Điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người có quan hệ hôn nhân là vợ, chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất. con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau; được thừa kế theo pháp luật; được thừa kế thế vị (Điều 652). - Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thừa kế thế vị trên cơ sở quan hệ trực hệ giữa ông bà, cha mẹ, cháu, chắt. - Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động. - Điều 655 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác. Theo đó, nếu hôn nhân còn tồn tại thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản trong trường hợp đã chia tài sản chung, đã xin ly hôn mà chưa được ly hôn hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Người đang là vợ, là chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản. - Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định vợ, chồng thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. - Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: Những người này được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế di sản theo quy định về thừa kế thế vị (Điều 652), thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ (Điều 653).

b) Thời hiệu thừa kế

Thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015. Người thực hiện TGPL cần chú ý các loại thời hiệu sau đây: - Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. - Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. - Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Ngoài ra, Người thực hiện TGPL cần phải quan tâm đến các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu, bao gồm:

- Điều 151. Cách tính thời hiệu - Điều 154. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự - Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện - Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự - Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

c) Di sản (tài sản thừa kế)

Người thực hiện TGPL cần quan tâm các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về tài sản, bao gồm: - Điều 105. Tài sản - Điều 106. Đăng ký tài sản - Điều 107. Bất động sản và động sản - Điều 108. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai - Điều 109. Hoa lợi, lợi tức - Điều 110. Vật chính và vật phụ - Điều 111. Vật chia được và vật không chia được

d) Phân chia di sản

Người thực hiện TGPL cần quan tâm các quy định về phân chia di sản quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm: - Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc - Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật - Điều 661. Hạn chế phân chia di sản - Điều 662. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế - Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán.

2.2.2.2. Chuẩn bị luận cứ bảo vệ

Người thực hiện TGPL cần chuẩn bị phương án bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL từ khi bắt đầu nhận được quyết định phân công thực hiện TGPL. Diễn biến của vụ án tác động vào phương án đã chuẩn bị vì vậy Người thực hiện TGPL phải cập nhật kịp thời phương án trên cơ sở chứng cứ và diễn biến vụ án. Suốt quá trình tham gia vụ án, Người thực hiện TGPL cố gắng củng cố cơ sở (chứng cứ, quy định pháp luật liên quan) để đáp ứng yêu cầu của phương án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL. Người thực hiện TGPL cần hết sức quan tâm đến các yêu cầu của đối phương, các lý lẽ và chứng cứ của đối phương. Đồng thời, Người thực hiện TGPL cũng cần quan tâm lắng nghe ý kiến của thẩm phán qua các buổi làm việc như lấy lời khai, đối chất, hòa giải, nhất là trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Người thực hiện TGPL cần đánh giá các chứng cứ của người được TGPL và của đối phương trên cơ sở các quy định về chứng cứ nói chung, chứng cứ đặc thù đối với vụ án thừa kế như Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ về nuôi con nuôi, bằng chứng về quan hệ giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế, di chúc, hình thức di chúc, nội dung di chúc, v.v.. Để phương án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được TGPL được đầy đủ, Người thực hiện TGPL cần chú ý các vấn đề, các chi tiết liên quan đến khối di sản do người chết để lại, xác định tư cách thừa kế của các đương sự trong vụ án, phương thức phân chia di sản thừa kế để đề xuất cụ thể việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật hay bằng giá trị của phần thừa kế, tỷ lệ phần thừa kế của mỗi người được hưởng trong trường hợp cần phát mãi di sản để phân chia di sản.

2.2.2.3. Tham gia phiên tòa trong các vụ án tranh chấp thừa kế

Khi tham gia phiên tòa, Người thực hiện TGPL cần quan tâm những kỹ năng chung như: - Chuẩn bị luận cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp (chú ý đến tính chất linh động và sinh động của bản luận cứ); - Chuẩn bị bảng câu hỏi (chú ý đến tính chất linh động và sinh động của bảng câu hỏi); - Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ án tại phiên tòa; - Chuẩn bị các văn bản các quy định của pháp luật có liên quan làm căn cứ để phản biện kịp thời trong cuộc tranh luận; - Chuẩn bị tâm lý hòa nhã, ôn tồn, bình tĩnh nhưng mạnh mẽ, hùng hồn suốt quá trình tham gia phiên tòa, nhất là trong phần tranh luận. Ngoài ra, Người thực hiện TGPL cần quan tâm nhiều đến các kỹ năng chuyên biệt cho vụ án tranh chấp thừa kế như: - Đặc biệt quan tâm đến hòa giải tại phiên tòa bằng cách đặt những câu hỏi với các đương sự nhằm nêu bật mối quan hệ huyết thống, cùng cội, cùng nguồn. Làm rõ công sức và tấm lòng, nguyện vọng của người để lại di sản. - Người thực hiện TGPL cần nêu ra khía cạnh đạo lý, đạo đức xã hội trong các tranh chấp thừa kế để làm bớt căng thẳng về pháp lý giữa các đương sự. - Người thực hiện TGPL nêu rõ và làm nổi bật tính công bằng nhưng đậm chất truyền thống, đạo lý trong các quy định của pháp luật về thừa kế. - Nội dung phần hỏi của Người thực hiện TGPL cần làm rõ, xác định rõ người để lại di sản là ai, khối di sản thừa kế bao gồm những tài sản gì, ai đang quản lý, sử dụng, ai có đủ tư cách thừa kế, tổng số bao nhiêu người thừa kế, có thể phân chia bằng hiện vật hay chia theo giá trị hay phải phát mãi để phân chia thừa kế, công sức bảo quản di sản thừa kế, v.v.. - Trong phần tranh luận, Người thực hiện TGPL cần sử dụng kết quả phần hỏi để làm rõ lập luận bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng về việc xác định tư cách thừa kế, yêu cầu của khách hàng, cách phân chia, phần di sản được phân chia của khách hàng. Trong phần kết luận của việc tranh luận, Người thực hiện TGPL cần nêu rõ các yêu cầu của khách hàng là phù hợp với quy định của pháp luật về thừa kế, phù hợp với tư cách là người thừa kế của đương sự trong vụ án tranh chấp, đồng thời phù hợp với đạo đức xã hội, truyền thống về thừa kế.

                                                                                                                                                            Trần Nguyên Tú


                                                                                                                                           Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL