Hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có lỗi là gì

Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a] Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b] Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

1. Các yếu tố cấu thành tội phạm không cứu giúp người:

 Mặt khách thể của tội phạm: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Do đó khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong trường hợp này, người phạm tội đã không tuân thủ xử sự cứu giúp người khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

 Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không hành động phạm tội. ở đây, người phạm tội đã không thực hiện hành vi cứu giúp người khác mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này do sợ bị hiểu nhầm; sợ liên quan, phiền phức; quan niệm lạc hậu dẫn đến hậu quả người không được cứu giúp chết.

Ví dụ: một người đang đi xe máy, nhìn thấy người đi trước bị một oto đâm nhưng người lái oto đã bỏ trốn và chỉ còn lại người đó đang kêu cứu, người kêu cứu bị thường nặng và chảy máu rất nhiều, người nhìn thấy hoàn toàn có thể gọi xe cấp cứu hoặc chở người đó đi bệnh viện nhưng đã không gọi cấp cứu cũng như không đưa người đó đi cấp cứu…dẫn đến người đó bị chết. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người đang gặp rủi ro hoặc tai nạn, đang bị đe dọa trực tiếp đến sự sống, nếu không kịp thời cứu chữa thì sẽ bị chết. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

Ví dụ: Một người làm nghề đánh cá thấy một người sắp chết đuối định chèo thuyền lại cứu nhưng lại sợ “cứu người chết đuối làm ăn chẳng ra gì” mà người đó đã để mặc, không cứu giúp nạn nhân kịp thời khiến người này bị chết đuối. Trong trường hợp này, người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Để xác định đúng hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tuy có điều kiện dẫn đến hậu quả người đó chết, cần làm rõ một số chi tiết:

+ Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng nguy hiểm đang diễn ra hết sức khẩn cấp, tự thân nạn nhân không khắc phục được đòi hỏi phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng của nạn nhân.

+ Dấu hiệu “thấy” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc người phạm tôi ý thức được nạn nhân và tình trạng nguy hiểm của nạn nhân bằng các cách khác nhau như nhìn thấy, nghe thấy hay cảm nhận được tín hiệu về tình trạng nguy hiểm đối với nạn nhân bằng trí thức khoa học, kinh nghiệm bản thân [Ví dụ: Một bác sĩ gặp một nạn nhân bị thương tích sau khi xem xét vị trí vết thương có thể sơ bộ đánh giá tình trạng nguy hiểm của nạn nhân].

+ Người phạm tội là người có điều kiện cứu giúp, ngăn chặn hậu quả chết người mà đã không cứu giúp. Điều kiện ở đây được hiểu là khả năng của bản thân cũng như các điều kiện hoàn cảnh cụ thể bên ngoài hoàn toàn cho phép người phạm tội có khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác nhưng người phạm tội đã không cứu giúp. Trường hợp người có điều kiện cứu giúp và đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả hoặc trường hợp tuy người đó không cứu giúp nạn nhân nhưng vì một nguyên nhân nào đó nạn nhân không chết [Ví dụ: Nạn nhân được người khác cứu giúp] thì không cấu thành tội này.

+ Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là tội có cấu thành vật chất hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì thế nếu người bị nạn chưa chết mặc dù bị thương tích rất nặng thì cũng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm này. Giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người phải có quan hệ nhân quả với nhau thì mới thỏa mãn chi tiết này.

 Mặt chủ quan của tội phạm: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp. Ở đây người phạm tội nhận thức được hành vi không cứu giúp của mình là nguy hiểm, thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả chết người xảy ra.

 Chủ thể của tội phạm: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có hai khung hình phạt trong đó khung hình phạt cơ bản là tội ít nghiêm trọng, khung hình phạt tăng nặng là tội nghiêm trọng. Do đó, chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên. Ngoài ra, cũng theo quy định tại Khoản 2 còn có một loại chủ thể là chủ thể đặc biệt là người mà theo pháp luật hoặc nghề nghiệp quy định phải có nghĩa vụ cứu giúp.

2. Hình phạt tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

Khung cơ bản: được quy định tại khoản 1 Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức phạt tù từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

– Khung tăng nặng: được quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 có mức phạt tù từ một năm đến năm năm trong hai trường hợp sau:

+ Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.

Thông thường, nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là do chính họ hay người khác hoặc nhưng sự kiện khách quan gây ra. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại do chính người phạm tội gây ra. Vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác là do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Hoặc thấy hành vi của mình có thể gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác, nhưng cho rằng tình trạng đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Do vô ý mà người phạm tội đã đưa người khác vào trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sau đó lại cố ý không cứu mặc dù có điều kiện để cứu. Đây là trường hợp tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân là do chính người phạm tội gây ra với lỗi vô ý nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại các điều luật khác.

Ví dụ: Người phạm tội cố ý gây thương tích nặng cho nạn nhân, biết nạn nhân ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và có điều kiện cứu giúp nạn nhân nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân chết.

+ Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp

Người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp người khác là người có trách nhiệm cao hơn và họ cũng được trang bị nhưng phương tiện có khả năng cứu người bị tai nạn tốt hơn.

Ví dụ: Một lái xe qua nơi xảy ra tai nạn, có người bị thương nhưng không chở người bị thương đến bệnh viện cấp cứu dẫn đến người bị thương chết, trong khi đó luật giao thông quy định lái xe gặp trường hợp như vậy phải chở người bị thương đến bệnh viện cấp cứu.

+ Người không cứu giúp là người mà theo nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Người mà theo nghề nghiệp phải có nghĩa vụ cứu giúp là người do tính chất nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến tính mạng của người khác như bác sĩ đối với bệnh nhân, thủy thủ đối với người sắp chết đuối v.v…

– Khung tăng nặng 2: được quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật hình sự có mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm trong trường hợp sau: Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết.

 Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, để xem xét trách nhiệm hình sự của một người thì cần thận trọng xem xét nhiều yếu tố cần thiết. Trên thực tế, trường hợp để khởi tố được thì phải chứng minh được hành vi của người tuy có điều kiện mà không cứu giúp thì cũng không hề đơn giản. Việc thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh cá nhân tổ chức nào đó có điều kiện là tương đối khó. Có thể làm được nếu chúng ta thu thập đầy đủ như ghi âm, ghi hình và những người làm chứng khác, nếu các tài liệu này phù hợp với nhau chúng ta có thể khởi tố hành vi của người nào đó.

Video liên quan

Chủ Đề