Đau bao tử cấp là gì

Đau dạ dày cấp, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể dẫn đễn viêm dạ dày mạn tính sẽ đau bụng liên tục, gầy sút rõ rệt do mất ngủ, do không hấp thu được, do lo lắng nhiều, nhất là những người đang đi học hoặc đang đảm đương nhiệm vụ quan trọng. Từ đây, có thể gây viêm loét dạ dày-tá tràng, hẹp môn vị, gây chảy máu, thủng dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày.

Những nguyên nhân

Đa số người bị đau dạ dày cấp, mạn tính chính là do viêm bởi vi khuẩn Helicobacter pylori [viết tắt HP]. Một số người khác, đau dạ dày cấp do uống quá nhiều rượu, bia, một số khác do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm trong điều trị bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Đau dạ dày cấp có thể xuất hiện khi dùng nhiều và thường xuyên thuốc chống viêm không steroid [aspirin, diclofenac…], hoặc dùng corticoid [prednisoon, methylprednisolon, solumedrol…]. Bởi vì, các loại thuốc này sẽ làm giảm một chất quan trọng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, thậm chí gây xuất huyết dạ dày [thuốc corticoid]. Việc sử dụng quá nhiều rượu, bia có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây đau dạ dày cấp tính.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố thuận lợi tạo nên viêm đau dạ dày cấp như: ngộ độc thực phẩm, ăn uống không điều độ, chế độ ăn không phù hợp [thức ăn khó nhai, khó tiêu, thức ăn nóng quá hoặc lạnh quá, khi ăn nhai không kỹ hoặc ăn, uống vội vàng, thường xuyên ăn không đúng bữa…]. Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất hoặc nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Ngộ độc thực phẩm gây nên viêm dạ dày cấp tính, vì vậy hầu hết phải cấp cứu. Ngoài ra, người nghiện thuốc lá hoặc căng thẳng thần kinh, gặp stress kéo dài là một trong những yếu tố thuận lợi gây nên viêm dạ dày cấp. Một số trường hợp viêm dạ dày cấp trên một người bệnh đang bị viêm dạ dày mạn nhưng do một nguyên nhân nào đó gây viêm dạ dày cấp như: uống rượu, ăn quá chua cay, hút thuốc lá, thời tiết thay đổi [gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, lạnh…] hoặc bị hẹp môn vị do sưng nề môn vị cấp tính.

Đau bụng thượng vị là triệu chứng đầu tiên; người bệnh có thể buồn nôn và nôn nhiều

Biểu hiện của viêm dạ dày cấp

Đau bụng thượng vị là triệu chứng đầu tiên, kèm theo nóng rát, cồn cào hoặc đau dữ dội vùng thượng vị. Đau thượng vị thường xuất hiện sau khi ăn do niêm mạc dạ dày đang bị viêm sung huyết, khi thức ăn vào sẽ tác động vào niêm mạc gây đau dữ dội. Một số người bệnh đau vùng thượng vị sau khi ăn khoảng 2 - 3 tiếng, hoặc khi đang đói mà ăn vào sẽ đau ngay, có khi cơn đau hành hạ vào lúc nửa đêm, gần sáng gây mất ngủ, ngày hôm sau sẽ mệt mỏi, buồn ngủ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu xuất công tác, học tập và cuộc sống thường ngày. Một số không đau dữ dội mà đau âm ỉ, cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn, có thể sẽ cảm thấy tức ngực, đau lan ra sau lưng… Người bệnh có thể buồn nôn và nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn. Nếu nôn hết thức ăn, người bệnh giảm đau bụng, nhưng một lúc sau cơn đau lại xuất hiện trở lại. Nếu nôn nhiều sẽ làm cho người bệnh hốc hác, nhợt nhạt, mệt mỏi do mất nước và chất điện giải [mất nước và mất muối] và gây sút. Ngoài ra, có thể gây rối loạn tiêu hóa như: ợ hơi, ợ chua, đi lỏng, đầy bụng, trướng bụng, sôi bụng, sinh hơi nhiều [trung tiện nhiều] và chán ăn.

Để chẩn đoán đau dạ dày cấp ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần hỏi kỹ tiền sử và gia đình người bệnh [trước khi đau bụng cấp tính, người bệnh ăn, uống gì, tiền sử và gia đình có ai bị bệnh dạ dày không…]. Khi đã cấp cứu qua khỏi cơn đau có thể tiến hành chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang [nếu chắc chắn không bị thủng dạ dày]  hoặc nội soi dạ dày, nếu người bệnh chưa, uống ăn gì. Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu bởi vì biết rõ vị trí viêm, qua nội soi có thể lấy mảnh sinh thiết để xét nghiệm, trong đó xét nghiệm tìm vi khuẩn HP là hết sức cần thiết bằng kỹ thuật nhuộm Gram và làm phản ứng sinh học phân tử PCR. Nếu thấy cần thiết có thể chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác gây đau bụng.

Số khác do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm

Thái độ xử trí khi đau dạ dày cấp

Khi có cơn đau thượng vị cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Trước hết điều trị triệu chứng, nhất là giảm đau, chống viêm, chống xuất tiết dịch vị và chống nôn, bởi vì, dịch vị càng xuất tiết nhiều càng kích thích niêm mạc dạ dày càng gây đau, gây nôn. Nếu bị ngộ độc thực phẩm cần rửa dạ dày càng sớm càng tốt.

Nếu ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn cần dùng kháng sinh theo phác đồ, nếu xét nghiệm mảnh sinh thiết dạ dày chứng  tỏ viêm dạ dày do vi khuẩn HP cần dùng kháng sinh đủ liều lượng. Ngày nay, có nhiều phác đồ điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, tốt nhất là điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất, dùng thêm đa sinh tố, đặc biệt là vitamin B12.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc ăn, uống hàng ngày là hết sức quan trọng [không ăn quá chua, cay, hạn chế uống rượu, bia]. Nên ăn đúng bữa, không ăn vội vàng, cần nhai kỹ, muốn vậy không nên cho canh vào cơm khi ăn [rất khó nhai kỹ]. Nên có cuộc sống thường ngày vui vẻ, tránh căng thẳng không cần thiết. Không nên thức khuya [quá 23h], không thức dậy quá sớm [trước 5h00]. Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, các dụng cụ dùng trong ăn, uống hàng ngày nên rửa sạch, sát trùng bằng nước nước đun sôi [vi khuẩn HP lây theo đường ăn uống].

Theo suckhoedoisong.vn

Cấu tạo thành dạ dày gồm có 5 lớp: trên cùng là lớp niêm mạc chứa các tuyến của dạ dày, sau đó là tấm dưới niêm mạc, rồi đến lớp cơ,  tấm dưới thanh mạc và thanh mạc

Viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng lớp niêm mạc ở trên cùng của dạ dày bị sưng đỏ, trầy xước hoặc trợt lở. Đây là những tổn thương nông trên bề mặt. Tình trạng viêm dạ dày cấp thường khởi phát đội ngột và qua đi nhanh chóng.

Nguyên nhân viêm dạ dày cấp

  • Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng viêm dạ dày cấp là do thói quen ăn uống kém lành mạnh, sử dụng nhiều bia rượu, các đồ uống có cồn sẽ kích thích làm suy yếu lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày và tấn công vào niêm mạc gây sưng phù.
  • Vi khuẩn: Helicobacter Pylori [HP]; Liên cầu alpha tan máu, Clostridium septicum. Virus: CMV, Herpes.
  • Thuốc kháng viêm không steroides [NSAIDs]; corticoid.
  • Căng thẳng, stress quá độ gây ra
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác là do chấn thương, sau phẫu thuật, bức xạ, trào ngược dịch mật, thiếu máu cục bộ cho dạ dày, bị suy thận, suy gan.

Những đối tượng nào hay bị viêm dạ dày cấp?

Viêm loét dạ dày cấp tính thường gặp ở những đối tượng sau:

  • Người đã từng có tiền sử viêm loét dạ dày trước đây.
  • Những người từng bị nhiễm vi khuẩn HP, khi tiếp xúc các yếu tố thuận lợi thì vi khuẩn HP lại quay trở lại, gây viêm dạ dày.
  • Người nghiện thuốc lá và rượu bia. Khói thuốc âm thầm làm cho những mạch máu nuôi dưỡng dạ dày yếu hơn, khiến dạ dày dễ bị viêm loét.
  • Người thường xuyên ăn uống không điều độ, thực phẩm không hợp vệ sinh.

Biểu hiện viêm dạ dày cấp tính

Viêm dạ dày cấp sẽ gây đau dữ dội vùng thượng vị

Các triệu chứng xảy ra cấp tính và hồi phục nhanh sau đó. Bệnh biểu hiện triệu chứng rầm rộ trong vòng 3 – 4 ngày đầu, sau đó dịu dần trong 1 – 2 tuần tới, cho đến 1 tháng là hầu như đã biến mất hoàn toàn.

Triệu chứng điển hình nhất là cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị, nóng rát lan lên cổ họng.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng như là buồn nôn, nôn ra thức ăn, dịch vàng, có thể dính máu đỏ tươi

Nếu viêm dạ dày do nhiễm siêu vi thì sốt 38 độ [sốt 39 độ thường hiếm gặp hơn].

Viêm dạ dày cấp có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Trước hết, các biểu hiện của viêm dạ dày cấp tính khiến cho sinh hoạt và công việc của người bệnh bị đảo lộn. Người bệnh không ăn uống được, nôn mửa nhiều, sốt cao, mất điện giải [muối natri hoặc muối kali], khiến cơ thể rất mệt mỏi, tay chân yếu, rối loạn nhịp tim.

Một số trường hợp nghiêm trọng, viêm dạ dày cấp tính có thể gây xuất huyết. Dạ dày bị chảy máu từ những chỗ bị chầy xước tổn thương nặng trong niêm mạc. Người bệnh có biểu hiện là đi cầu phân đen và có thể nôn ra máu.

Tuy vậy, viêm dạ dày cấp tính hoàn toàn có thể chữa trị được triệt để. Nếu người bệnh loại bỏ được các căn nguyên [stress, chế độ ăn uống không khoa học hoặc sử dụng thuốc men] thì việc khắc phục tổn thương viêm cấp khá đơn giản.

Viêm dạ dày cấp có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, viêm dạ dày cấp không gây ra ung thư. Mà thường những tổn thương viêm dạ dày mãn tính mới có nguy cơ gây ra ung thư. Nhưng tùy theo tổn thương loạn sản hay tổn thương dị sản ở các mức độ, cấp độ thế nào mà các nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Ví dụ như tổn thương teo dạ dày cấp độ nặng có thể dẫn tới sự hình thành khối u lành tính hoặc ác tính trong dạ dày.

Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời

Điều trị viêm dạ dày cấp tính thế nào?

Điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Viêm dạ dày cấp tính gây ra bởi các NSAID hoặc rượu có thể thuyên giảm bằng cách ngừng sử dụng. Viêm dạ dày gây ra bởi nhiễm trùng H. pylori được xử lý bằng kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tránh căng thẳng mệt mỏi.

Các loại thuốc để điều trị acid dạ dày

Thuốc kháng acid [Maalox, Mylanta] ở dạng lỏng hoặc viên có tác dụng trung hòa lượng acid dạ dày tiết ra làm giảm triệu chứng trong viêm dạ dày nhẹ.

Các loại thuốc ức chế bơm proton. Thuốc ức chế bơm proton làm giảm acid bằng cách chặn các hành động của bơm trong các tế bào tiết acid của dạ dày . Thuốc bao gồm omeprazole, lansoprazole, rabeprazole và esomeprazole, pantoprazole.

Ức chế histamin H2: cimetidine, ranitidine, nizatidine hoặc famotidine, giúp làm giảm lượng axit sản xuất trong dạ dày.

Nếu xuất hiện cơn đau viêm dạ dày cấp cần đến bệnh viện ngay

Nếu không có biến chứng hay có dấu hiệu phức tạp thì sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc thuốc giảm tiết axit, thuốc kháng HP [nếu có]… kết hợp với chế độ ăn uống để ổn định từ từ.

Nếu có biến chứng xuất huyết nghiêm trọng thì bệnh nhân cần được cầm máu ngay lập tức. Sau đó, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh tiêu diệt HP từ 1 – 2 tuần nếu phát hiện vi khuẩn này trong dạ dày và thuốc bao bọc vết loét sử dụng trong 6 – 8 tuần. Bệnh nhân cần thăm khám liên tục hơn để theo dõi tình hình.

Lời khuyên để tránh viêm dạ dày cấp tính

Thứ nhất, không nên sử dụng rượu bia, thực tế có rất nhiều người chưa từng uống rươu bao giờ nhưng vì cuộc vui nên quá chén khiến cho viêm dạ dày cấp bùng phát tức thời.

Thứ hai, khi dùng thuốc giảm đau giảm viêm phải cẩn thận theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều hay tự ý mua về sử dụng khi chưa qua ý kiến bác sĩ.

Thứ ba, ăn uống vệ sinh, ăn chín uống sôi, không cơm hàng cháo chợ, ăn uống đúng giờ giấc , để tránh nhiễm khuẩn dạ dày và để dạ dày quen với nhịp sinh học không bị nhạy cảm hay căng thẳng do làm việc quá tải.

Thứ tư, cần duy trì tinh thần lạc quan làm việc nghỉ ngơi điều độ, tránh stress gây hại cho dạ dày.

BS NGUYỄN PHONG PHÚ

KHOA NỘI TIÊU HÓA HUYẾT HỌC

Video liên quan

Chủ Đề