Cưỡng bức lính đặc biệt review

Update: Tranh thủ cuối tuần dư dả thời gian, tôi đã kiếm bộ phim cùng tên của đạo diễn Steven Spielberg được dựng từ cuốn tiểu thuyết này để xem luôn. Và quả là bộ phim không những không làm tôi thất vọng, nó còn khiến tôi như sống lại những cảm xúc đớn đau, kinh hoàng trước những gì người dân Do Thái đã phải trải qua trong suốt Holocaust để rồi sau đó là sự ngưỡng mộ một nhân cách, một vị anh hùng lặng thầm là Oskar Schindler, người đã không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn đồng loại khác chủng tộc của mình chịu chết dưới sự tàn ác của Đức Quốc xã.

Ngay từ ban đầu, tông màu trắng đen của bộ phim đã phủ bóng lên toàn bộ câu chuyện một sắc màu thê lương, u ám và buồn bã. Tông màu ấy tiệp với sự khủng khiếp của những ghetto, những Aktion, những trại lao động cưỡng bức, những trại tập trung, và cả những cái chết dưới nòng súng Phát xít Đức hay trong các lò thiêu khét tiếng. Và tông màu ấy, như đã được ấn định từ trước, đã làm nổi bật lên sự khiếp đảm của những Aktion, thông qua sắc đỏ của chiếc áo khoác được cô bé Genia mặc trên người - màu sắc duy nhất giữa hai sắc đen-trắng của bộ phim. Đó là sắc màu của một sự sống bé nhỏ, phải tự tìm cách cứu lấy mạng sống của mình, giữa lúc mà những người lớn hơn em còn không thể giữ được mạng sống của họ. Đó là sắc đỏ của máu, của những cái chết bất ngờ và thương tâm, và của một Genia cuối cùng vẫn phải kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của em trên những chuyến xe đẩy chở xác người Do Thái đến bãi thiêu xác… Ám ảnh vô cùng...

Bộ phim đã khắc họa không chừa một chi tiết kinh hoàng nào mà cuốn sách đã đề cập đến. Và còn hơn thế nữa, nó bày ra trước mắt khán giả thực sự những gì đã xảy ra, những gì chắc hẳn đã xảy ra cho những người Do Thái vô tội. Không còn chỉ là những từ ngữ trên trang sách, nỗi kinh hoàng đã bước ra từ tiểu thuyết của Thomas Keneally để được soi chiếu trên từng khung hình, từng cảnh quay: sự tàn ác đến mức vô nghĩa của SS Commandant Amon Goeth, những tên lính SS đứng cười nói với nhau như thể chỉ là một ngày làm việc bình thường như bao ngày khác, trong khi những người đàn ông và phụ nữ Do Thái, không mảnh vải che thân, phải chạy vòng vòng quanh sân trại lao động để chuẩn bị đón chờ kết cục, hoặc là tiếp tục cuộc sống mòn mỏi còn thua súc vật trong trại, đón nhận một cái chết từ từ, hoặc là cầm chắc cái chết ngay lập tức bằng một chuyến tàu đến Auschwitz.

Và còn cảnh tượng người Do Thái phải đào từng manh đất để lôi lên từng cái xác đã teo tóp của đồng bào mình, sau đó những cái xác ấy được đưa lên dây chuyền để đẩy xuống hố đốt xác tập thể, như thể đó chỉ là những khối hàng chứ không phải là máu thịt của những con người đã từng sống, từng hít thở, từng hoạt động, từng yêu thương và từng có một gia đình… Thật khủng khiếp quá sức tưởng tượng. Và phần nhạc phim chính là chất xúc tác để đẩy sự khủng khiếp đầy ám ảnh đó đến mức tận cùng. Những bài nhạc (có lẽ là tiếng Ba Lan) với giọng hát à ê như tiếng kinh cầu không dứt, hay tiếng kéo violon réo rắt, da diết đến đứt ruột gan. Tiếng đàn piano của một tên lính SS hòa trong tiếng súng liên hồi không dứt của đồng đội hắn, bắn xuyên qua từng bức tường, từng căn phòng để kết liễu số người Do Thái còn lại, trước đó đã trốn thoát được khỏi các Aktion.

Và nhạc phim, một lần nữa, lại giúp tôn lên mạch cảm xúc của câu chuyện ở đoạn cuối, không phải là cảm xúc kinh hoàng và uất nghẹn vì cái ác lan tràn như đoạn đầu phim, mà đó là cảm xúc ngưỡng mộ chân thành và nghẹn ngào vì vẻ đẹp của nhân tính, của tình người đã tỏa sáng cùng nhân vật Oskar Schindler. Đoạn ngài Schindler phát biểu trước toàn thể nhân công Do Thái trong trại của ông và lính SS sau khi hay tin Đức đã đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện đã khiến tôi nổi da gà. Và đến đoạn khi Schindler cùng vợ tạm biệt những người Do Thái ông đã cưu mang, giúp đỡ thì tôi đã phải bật khóc. Tôi khóc vì tấm chân tình và lòng biết ơn của những người Do Thái dành cho Schindler, tôi khóc cho nỗi niềm hối tiếc của Schindler khi không thể cứu được nhiều người Do Thái hơn, và tôi khóc vì cuối cùng, sau tất cả những kinh hoàng khiếp đảm, sự tàn khốc và mất hết tính người, thì ở một góc nhỏ này của thế giới, vẫn có một Oskar Schindler đã biết rằng “cứu một người cũng giống như cứu cả nhân loại”.

Thiệt sự không liên quan lắm, nhưng mà sao chú Ralph Fiennes mặc dù đẹp trai thế kia nhưng cứ hay bị lôi đầu ra đóng mấy vai phản diện không ai ưa nổi thế này nhỉ? Trong “The Schindler’s List” chú đóng vai tên SS Commandant Amon Goeth nhá, phải nói là ác không chừa người khác ác luôn. Rồi sau này chú lại được giao cho vai Voldemort trong Harry Potter :D Đến là khổ À mà giờ mới biết, phim “The Schindler’s List” được trình chiếu vào năm 1993, đúng năm tôi ra đời luôn he he he :))) Phim được đề cử 12 giải Oscars, và thắng đến 7 giải, bao gồm giải thưởng danh giá nhất là Best Picture Quá xứng đáng luôn rồi, khỏi phải bàn cãi nữa hi hi hi :D

Old review:

Tôi biết đến câu chuyện “Danh sách của Schindler” đã lâu, chủ yếu là nhờ vào bộ phim giành giải Oscar và đã quá nổi tiếng của Steven Spielberg. Sau này khi sử dụng Goodreads, tôi mới biết hóa ra bộ phim được dựng từ cuốn sách cùng tên của Thomas Keneally. Ngay lập tức tôi đã bỏ tác phẩm vào mục to-read, và đến bây giờ, sau nhiều năm, cuối cùng tôi cũng đọc được bản gốc của câu chuyện kinh điển về nhân tính và hành trình của một người Đức giải cứu hàng ngàn đồng loại người Do Thái của mình khỏi cái kết cục kinh hoàng trong các trại tập trung khét tiếng của Đức Quốc xã.

Chúng ta không cần phải bàn cãi về tính khủng khiếp đến rợn người của Holocaust - một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử loài người, cùng cái gọi là “Final Solution” - Giải Pháp Cuối Cùng - chiến dịch của Đức Quốc xã nhằm diệt chủng và quét sạch dân Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thế nhưng những gì tôi đã đọc, đã biết về Holocaust hoàn toàn không chuẩn bị cho tôi đón nhận, nói đúng hơn là trải nghiệm, sự kinh hoàng và vô nhân tính đến mức ớn lạnh và vô nghĩa của Holocaust khi đến với tiểu thuyết “Danh sách của Schindler”.

Câu chuyện bắt đầu ở Cracow, một thành phố ở Ba Lan, nơi nỗi kinh hoàng dần dần xuất hiện khi Đức Quốc xã dồn người Do Thái vào trong các ghetto, cái thành lũy mong manh có thể mua thêm cho những người dân Do Thái có giấy thông hành một ít thời gian trước khi cuộc đại diệt chủng bắt đầu. Và sau đó là những Aktion, những cuộc lôi kéo, bắt bớ và giết hại thẳng tay người Do Thái những tưởng đã an toàn trong các ghetto, và không ai có thể tưởng tượng được sự khủng khiếp của “cuộc tắm máu” với mục đích thanh trừng ngay trên đường phố. Những phát súng bắn ra không thương tiếc; người chết chất chồng lên nhau, làm thành những kim tự tháp xác người tay chân gãy gập; những đứa bé còn ẵm ngửa bị giật khỏi vòng tay mẹ và đập vào tường; những bệnh nhân được bác sĩ cho uống xyanua, vì dường như cái chết vì thuốc độc chính là sự ra đi nhẹ nhàng và sung sướng nhất trước thảm cảnh mà những người dân Do Thái khác đang phải gánh chịu; những người đàn bà, đàn ông bị chó của SS cắn nát; những gia đình bị chia tách, những đứa bé không còn cha mẹ, và cái bóng áo đỏ của cô bé Genia (những ai đã xem phim chắc chắn sẽ không thể quên cảnh tượng này) thông minh tinh quái đã lẩn trốn được lưỡi hái tử thần của bọn SS khốn nạn - cái màu đỏ đã ám ảnh chính Oskar Schindler.

Những Aktion kết thúc chỉ để đưa dân Do Thái đến với một tầng địa ngục tiếp theo, với những Trại Lao Động Cưỡng Bức, những trại tập trung, những phòng hơi ngạt, những lò thiêu kinh hoàng. Và cái chết tiếp tục lơ lửng, những cái chết vô nghĩa và bất ngờ từ họng súng của tên cầm thú Amon Goeth - Commandant của Trại Lao Động Cưỡng Bức Plaszow. Hắn đã biến việc tước đoạt mạng sống một con người trở thành một thứ gì đó đơn giản và tầm thường như bước vào phòng tắm hay viết một lá thư. Mạng người so với những hoạt động hằng ngày ấy. Tôi đã ứa nước mắt vì đau đớn cho những con người vô tội phải bỏ mạng trong những đợt Aktion không còn tính người, và tôi tiếp tục khóc cho những con người vô tội buộc phải từ giã cõi đời, bất ngờ và không kịp trăng trối, chỉ vì một sáng đẹp trời kia, Amon Goeth cảm thấy cần phải bắn một ai đó trong số những người dân Do Thái mà hắn đã gieo rắc kinh hoàng.

Và điều kiện sống của người Do Thái trong trại ngày ấy, không cần phải nói nhiều nữa, đó là thứ điều kiện sống đến cả súc vật còn không đáng phải trải qua. Chấy rận, thiếu ăn, những thân người suy dinh dưỡng, trơ xương, còi cọc (những bức hình chụp tù nhân trại tập trung sẽ cho bạn thấy một cách chân thực nhất sự kinh hoàng mà họ đã phải đối mặt), những hàng rào kẽm gai tích điện, những chuyến tàu vận chuyển tù nhân giữa trời đông, với xác người chết đông cứng không còn nhìn rõ hình hài. Và còn đó tình yêu diễn ra trong vòng bí mật, những cuộc gặp gỡ với cái chết lơ lửng trên đầu, những mối tình gian truân và luôn phải đối mặt với hiểm nguy thường trực. “Danh sách của Schindler”, bên cạnh việc nhìn thẳng vào cái ác và mô tả trực diện cái ác, còn phản ánh sự hồi hộp, bất an và ám ảnh bên trong những khu trại của người Do Thái ấy, cùng cái đời sống còn hơn ở chốn địa ngục mà họ đã phải trải qua.

Giữa tình cảnh khiếp đảm của một chế độ không còn tính người, cùng nỗi khốn cùng không tả xiết của người Do Thái, Oskar Schindler xuất hiện như một vị cứu tinh đúng như miêu tả trong sách thánh của họ - con người ngoại đạo rồi đây sẽ cho họ một mái nhà, một nương thân để thoát khỏi nanh vuốt tử thần. Vị cứu tinh ấy còn lâu mới được xem là một con người mẫu mực: khoái hưởng lạc, quen một lúc nhiều cô tình nhân, lạnh nhạt và xa cách với vợ. Nhưng cũng chính một Oskar Schindler, với cuộc sống phong lưu và thói quen vung tiền hào phóng đó lại chính là con người đã dùng tất cả mọi mưu mẹo, mọi tính toán mưu lược và “biết người biết ta” để thực hiện những “trò ảo thuật” tài tình nhất, đáng xưng tụng nhất để cứu giúp những người dân không chung dòng máu Đức với mình.

Oskar Schindler - nhà tư bản - đã hành động theo cách riêng của mình để trở thành một Oskar Schindler - người anh hùng - theo một định nghĩa mới: người không trực tiếp cầm súng đứng lên chống lại thế lực gieo rắc nỗi kinh hoàng, nhưng rốt cuộc, bằng sự lặng thầm và giúp sức của rất nhiều thuộc cấp cùng chung tư tưởng, đã cứu lấy rất nhiều mạng sống Do Thái thoát khỏi, đầu tiên là họng súng của SS Commandant Amon Goeth, kế đến là những trại tập trung với mồ chôn tập thể người Do Thái phía sau rừng, khét tiếng nhất chính là Auschwitz.

Có những người Đức, sau khi vỡ mộng trước dã tâm khủng khiếp của Đức Quốc xã - thế lực mình đã tận tâm phục vụ bao năm - thì quyết tâm vứt bỏ toàn bộ huy chương, quân phục để trở thành du kích chống Đệ Tam Đế Chế rồi bỏ mạng, trở thành những tấm gương tử vì đạo luôn được nhớ đến. Nhưng cũng có những người như Oskar Schindler, những người luôn treo hình Quốc trưởng Hitler trên tường, nhưng lại có lần muốn lấy ghế đập nát bức tranh, và bí mật đề tên của những người Do Thái - vốn chẳng còn sức lực làm việc nữa - vào danh sách những nhân công được chuyển đến nhà máy của ông - một mái nhà trá hình để che giấu và cứu thoát những con người vô tội. Vâng, sự sống và cái chết cách nhau chỉ một tờ giấy, một bản danh sách của Schindler mà thôi, nhưng ở thời điểm ngặt nghèo khốn cùng ấy, đó chính là tất cả những gì có ý nghĩa, tất cả những gì Oskar Schindler đã cố gắng làm để cứu lấy mạng sống của hàng ngàn người.

“Cứu một mạng người cũng như cứu cả nhân loại” - “Whoever saves a life saves the world entire”, đó có lẽ là bài học đắt giá nhất mà Oskar Schindler đã học được từ thánh kinh của người Do Thái, của dân tộc mà ông đã lựa chọn dành toàn bộ thời gian, tiền bạc và công sức của mình để cứu độ. Đoạn phát biểu cuối cùng của Oskar trước khi trốn đi cùng người vợ Emilie của ông trước khi Hồng quân Liên Xô đến đã làm tôi thấm thía cái tầm vóc lớn lao của những việc mà Oskar cùng những thuộc cấp đã làm để giữ lại mạng sống của rất nhiều, rất nhiều người Do Thái, cùng nhân cách của một Oskar Schindler luôn biết phân biệt đúng-sai, tốt-xấu. Buồn một nỗi, cuộc đời thật bạc đãi người anh hùng thầm lặng, khi Oskar thời hậu chiến không thể trải nghiệm lại thời vàng son kinh doanh phát đạt của mình như thời chiến tranh. Ông sống phần đời còn lại của mình bằng những khoản tiền quyên góp của chính những người Do Thái đã được ông cứu thoát và gia đình của họ.

Thật buồn cho Oskar Schindler, nhưng kể ra cũng thật ấm lòng, vì sau rốt, ông đã có 3 năm cuộc đời làm được những điều phi thường, những điều hiếm có người Đức nào dưới chế độ Đức Quốc xã dám và có điều kiện để thực hiện. Và ông đã được nhớ đến, như những người tử vì đạo đã được nhớ đến, và ông đã được vinh danh bằng cái cây trồng ở Israel - cái cây sẽ luôn gợi nhắc cho các thế hệ sau nhớ đến một con người đã giữ lại được chút hy vọng về nhân tính, về vẻ đẹp của tình người, tình đồng loại và lòng trắc ẩn giữa một thời đại mà tất cả những điều đó đã bị vùi lấp trong nỗi kinh hoàng mang tên Holocaust.

Truyện có rất nhiều nhân vật phụ, mỗi chương lại đề cập đến một hoặc nhiều nhân vật khác nhau, thêm giọng văn hơi khô, có cảm giác giống như viết báo cáo hơn là viết sách, vì thế rất khó để khơi gợi được cảm xúc ở người đọc ngay từ đầu. Thế nhưng, nếu thực sự dành thời gian cho “Danh sách của Schindler”, độc giả chắc chắn sẽ không thể nào rời mắt khỏi từng trang sách như thể đang vẽ nên một bức tranh vừa ám ảnh vừa đầy xúc động về một giai đoạn khủng khiếp trong lịch sử loài người, và những “vị thánh sống” đã không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn mạng sống bị tước đoạt.

Tôi đã đọc ngấu nghiến từng chương từng chương của cuốn sách này, đã đi từ nỗi kinh hoàng này đến nỗi kinh hoàng khác mà những người Do Thái đã phải trải qua, và cảm giác như thể bản thân đã hoàn tất trọn vẹn một hành trình khó quên với Oskar Schindler cùng các nhân vật vậy. Đây là một cuốn sách không chỉ để đọc và ám ảnh ngay lúc đó, mà còn để chúng ta nghĩ suy rất nhiều về sau này, một cuốn sách giúp khơi gợi trong chúng ta mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử thế giới thời kỳ Thế chiến thứ 2, để thấu hiểu sâu sắc hơn sự kinh khiếp mà quân Phát xít đã gieo rắc, và rằng nhân tính, cho dù có bị vùi lấp, bị tước đoạt khỏi một đất nước bởi sự ngu muội của đại đa số người dân trước một hệ tư tưởng cực đoan đẫm máu, thì cuối cùng, nhân tính và vẻ đẹp tình người vẫn sẽ luôn chiến thắng, dù thực tại có tàn khốc đến mức nào.