Công cụ kinh tế được sử dụng ở văn hóa

Công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường [BVMT] bao gồm thuế, phí, lệ phí, đặt cọc, kí quỹ, quỹ BVMT, trợ cấp môi trường... Không giống như công cụ hành chính mang tính chất mệnh lệnh, công cụ kinh tế mang tính mềm dẻo, linh hoạt, khiến cho người gây ô nhiễm và người hưởng thụ môi trường có các hành vi xử sự có lợi cho môi trường. Áp dụng công cụ kinh tế trong môi trường là cách tiếp cận đúng đắn nhằm hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nội dung bài viết tập trung vào việc phân tích làm rõ đặc điểm, kinh nghiệm áp dụng của một số quốc gia và đánh giá thực trạng các công cụ kinh tế đang triển khai ở Việt Nam, từ đó khuyến nghị các giải pháp hoàn thiện áp dụng các công cụ kinh tế trong BVMT.

1. Tổng quan về công cụ kinh tế trong BVMT

Các công cụ kinh tế được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường với mục tiêu điều hòa xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT. Công cụ kinh tế hiện nay rất đa dạng, bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí, đặt cọc, kí quỹ BVMT, trợ cấp môi trường, hệ thống các tiêu chuẩn ISO...

Luật BVMT năm 2020, Chương XI có xây dựng một mục riêng: “Mục 1- Công cụ kinh tế cho BVMT”, cụ thể như: Điều 136 - Chính sách thuế, phí BVMT; Điều 137 - Kí quỹ BVMT; Điều 138 - Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; Điều 139 - Tổ chức và phát triển thị trường carbon; Điều 140 - Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường...

- Thuế BVMT

Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường. Mức thuế BVMT được xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường.

Thuế BVMT do các cơ quan có thẩm quyền quy định ở cấp quốc gia hoặc địa phương, được xác định dựa trên cơ sở khối lượng các chất ô nhiễm do các cơ sở thải vào môi trường. Theo hệ thống này, người gây ô nhiễm phải trả phí cho mỗi đơn vị ô nhiễm phát thải vào môi trường.

Ví dụ, thuế môi trường không khí được áp dụng để giảm thiểu lượng khí thải CO2, và các loại khí và các chất bụi không không khí gây hiệu ứng nhà kính và làm trái đất nóng lên. Hà Lan là nước phương tây đầu tiên thu thuế carbon đánh vào xăng - một trong những nguyên nhân thải CO2.

Tại Việt Nam, Luật Thuế BVMT năm 2010 quy định rõ nhóm các mặt hàng chịu thuế BVMT như xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon [dung dịch HCFC], túi ni lông, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản… Đây là những mặt hàng khi sử dụng sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái. Ví dụ, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ, nhờn từ ngày 01/01/2023, thuế BVMT với xăng là 2.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu [trừ dầu hỏa] và mỡ nhờn là 1.000 đồng; từ đầu năm 2024, thuế BVMT với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế [xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng /lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg].

.PNG] Thuế BVMT là giải pháp kinh tế tài chính chủ yếu để giảm ô nhiễm môi trường [Nguồn ảnh: Internet]

- Phí BVMT

Phí BVMT được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới để ngăn ngừa người gây ô nhiễm thải chất thải ra môi trường, tạo khoản thu để bù đắp các chi phí BVMT dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, phí BVMT là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ cho hoạt động bảo vệ, xây dựng, bảo dưỡng môi trường...

Ví dụ, phí BVMT áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường. Mức phí BVMT được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực BVMT.

Phí vệ sinh môi trường là khoản phí trả cho việc thu gom, xử lí rác thải đô thị. Đây là công cụ kinh tế được sử dụng khá sớm. Về cơ bản loại phí này được sử dụng ở khu vực đô thị, mức phí thu có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa phương. Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản áp dụng cho các loại khoáng sản: đá, fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng ti tan [ilmenit], các loại khoáng sản kim loại, quặng apatit.

- Kí quỹ BVMT

Kí quỹ BVMT là việc tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền vào quỹ BVMT để bảo đảm trách nhiệm cải tạo, phục hồi và BVMT trong các hoạt động được quy định theo pháp luật.

Ví dụ, kí quỹ để phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản là hình thức kí quỹ bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản trước khi tiến hành khai thác có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc các loại giấy tờ có giá trị vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phục hồi môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

- Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên [PES] là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. PES là công cụ kinh tế để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Đây là một hướng tiếp cận mới, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và được coi là một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và xóa đói, giảm nghèo. Với góc độ tiếp cận đó, PES đóng vai trò là một cơ chế nhằm tạo lợi ích cho các cá nhân và các cộng đồng bảo vệ dịch vụ hệ sinh thái bằng cách bồi hoàn cho họ khoản chi phí phát sinh từ việc quản lí và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái.

Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm: Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ carbon.

Ở Việt Nam, PES được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực lâm nghiệp với cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thể chế hóa trong pháp luật về lâm nghiệp và mang lại những lợi ích đã được chứng minh. Tuy nhiên, bên cạnh hệ sinh thái rừng thì còn nhiều kiểu hệ sinh thái khác có những giá trị, tiềm năng áp dụng PES như đất ngập nước, biển … Chính vì vậy, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về PES.

- Thị trường carbon

Thuật ngữ thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto 1997 của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo Điều 17 Nghị định thư Kyoto 1997 thì thị trường carbon được hiểu là các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.

Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon [hay tín chỉ carbon].

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide [CO2] hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 [tCO2e]. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Thị trường carbon quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Điều 139 Luật BVMT 2020 quy định tổ chức và phát triển thị trường carbon. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước [Điều 17]. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lí tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

- Bảo hiểm trách nhiệm đền bù thiệt hại

Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm bồi thường đối với bên mua bảo hiểm với việc chi trả cho hoạt động khôi phục khi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm đất, nước, không khí và thiệt hại về đa dạng sinh học. Đây cũng là bảo hiểm cho những tổn thất phát sinh do tình trạng ô nhiễm từ những địa điểm mà người được bảo hiểm sở hữu hay hoạt động sản xuất kinh doanh. Bảo hiểm môi trường còn là công cụ linh hoạt, mang tính chiến lược nhằm hỗ trợ các công ty quản lí rủi ro về môi trường.

Mục đích của bảo hiểm môi trường là nhằm bảo đảm các khoản kinh phí cần thiết để khắc phục môi trường khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp phải những rủi ro về mặt môi trường. Khi doanh nghiệp đã nộp một khoản tiền gọi là tiền phí bảo hiểm thì khi rủi ro xảy ra gây ảnh hưởng tới môi trường thì lúc này người phải khắc phục môi trường không phải là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh - người gặp phải rủi ro, mà là doanh nghiệp bảo hiểm. Nhà nước có thể quy định hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm môi trường tự nguyện áp dụng đối với các đối tượng có hoạt động khác nhau.

Tại Việt Nam, theo Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, bảo hiểm Môi trường là bảo hiểm bắt buộc đối với một số nghề nghiệp.

2. Kinh nghiệm áp dụng các công cụ kinh tế trong BVMT của một số quốc gia

- Áp dụng thuế BVMT

Na Uy, Thụy Điển thu thuế môi trường đối với khí thải, đánh vào nhiên liệu chất đốt và một số sản phẩm có chứa các chất gây ô nhiễm không khí và được thải ra trong quá trình sử dụng, như các thiết bị điện lạnh tủ lạnh, điều hòa…

Thụy Điển đã vận dụng một cách rộng rãi thuế, phí và nhiều biện pháp kinh tế trong BVMT. Các biện pháp kinh tế bao gồm thu thuế, phí đối với chất thải CO2, NOx, SOx, thuế chất thải như thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chương trình hoàn trả tiền đặt cọc đối với hộp nhôm và hộp nhựa; thuế rác, phân biệt thu phí tàu thuyền đường biển và trợ cấp thêm quỹ kĩ thuật nguồn năng lượng và đầu tư… Hiệu quả từ các loại thuế là rất lớn, không chỉ góp phần BVMT mà còn đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Chế độ thu thuế nguồn năng lượng môi trường ở Thụy Điển gồm thuế năng lượng; thuế đối với các nhiên liệu dầu, than, khí đốt thiên nhiên. Năm 1992, Thụy Điển bắt đầu thu phí NOx của nguồn gây ô nhiễm cố định phần lớn là nhà máy điện có công suất 50 triệu kWh trở lên. Việc thu phí theo lượng thải NOx như vậy đã khuyến khích được người sản xuất giảm mức phát thải ra thấp hơn mức trung bình.

Phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm được Hàn Quốc áp dụng từ năm 1983 đối với chất thải khí. Ban đầu, Hàn Quốc áp dụng phạt do không thực hiện cam kết về BVMT. Từ năm 1986, biện pháp này đã được thay thế bằng thu phí đối với phần chất thải vượt tiêu chuẩn. Mức phí được xác định trên cơ sở nồng độ chất gây ô nhiễm, vị trí thải ô nhiễm, lượng chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép và tùy thuộc vào số lần vi phạm. Tuy nhiên, biện pháp này đã bộc lộ một số nhược điểm, chẳng hạn trong một số trường hợp thấp hơn cả chi phí vận hành thiết bị xử lí ô nhiễm, vì vậy ít có tác động khuyến khích giảm ô nhiễm. Để khắc phục những nhược điểm này, năm 1990, Hàn Quốc đã thực hiện thu phí căn cứ vào khối lượng khí thải ra thực tế chứ không chỉ căn cứ vào lượng chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép và kết hợp nồng độ chất thải trong công thức tính phí.

Ở Malaysia, để đảm bảo sự công bằng trong thu phí gây ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông vận tải gây ra, mức phí gây ô nhiễm không khí được căn cứ vào cả khối lượng lẫn nồng độ các chất thải ra môi trường không khí. Ngoài ra, Chính phủ còn cho phép đánh thuế cao đối với những thiết bị cũ, các dây chuyền sản xuất không có hệ thống xử lí khí thải, bụi và tiếng ồn. Biện pháp này nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, kĩ thuật, ngăn chặn xu hướng các nước tiên tiến chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm sang các nước nghèo đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp nước ngoài.

- Phí BVMT đối với nước thải

Phí BVMT đối với nước thải nói chung, nước thải công nghiệp nói riêng là một trong những công cụ kinh tế chủ yếu được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Giống như các loại thuế hay phí môi trường khác, phí nước thải hoạt động theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, qua đó tạo động lực để các doanh nghiệp giảm ô nhiễm, đồng thời tạo nguồn thu để chi trả cho các hoạt động BVMT.

Phí nước thải đã được áp dụng từ khá lâu ở nhiều nước phát triển, từ năm 1961 ở Phần Lan, từ năm 1970 ở Thụy Điển, năm 1980 ở Đức... đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc quản lí ô nhiễm do nước thải gây ra ở các nước này. Phí nước thải cũng được áp dụng ở các nước đang phát triển trong thời gian gần đây: Năm 1978 ở Trung Quốc và Malaysia, năm 1996 ở Philippines. Ở các nước ASEAN, hiện chỉ có Malaysia và Philippines áp dụng phí nước thải ở quy mô cả nước. Thái Lan bắt đầu áp dụng ở quy mô thành phố từ năm 2000 và đang trong quá trình nghiên cứu nhằm áp dụng ở quy mô cả nước.

Phần lớn các quốc gia đều có mức phí khác biệt tùy thuộc vào khối lượng và chất lượng chất ô nhiễm. Hệ thống phí ô nhiễm của Bỉ, Đức và Hàn Quốc đều đặt mục tiêu tạo khuyến khích và thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm, trong khi tại các quốc gia khác mục tiêu chính là tạo nguồn thu. Ở Hàn Quốc và Mexico, mức phí áp dụng cho khối lượng nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

Tại Canada, phí nước thải đã được triển khai áp dụng cho tất cả các cơ sở gây ô nhiễm công nghiệp có phát thải từ tháng 5/1993 kết hợp với biện pháp mệnh lệnh và kiểm soát. Canada áp dụng hệ thống phí đúp: Phí cố định hằng năm cộng với một mức phí khả biến là hàm số của số lượng ô nhiễm cụ thể của cơ sở thải ra. Tổng lượng phí bao gồm từ tháng 1 đến tháng 12 hằng năm.

Tại Pháp, phí ô nhiễm nước được áp dụng hơn 20 năm nay. Nước Pháp được chia ra thành 6 lưu vực sông, tùy theo mỗi lưu vực, các cơ quan chức năng quyết định mức phí và quản lí chương trình thu phí ô nhiễm cũng như sử dụng tiền thu được từ các phí này. Mức phí thay đổi tùy theo các chất gây ô nhiễm và mức phí theo từng lưu vực sông. Khác với Canada, việc thu phí tại Pháp dựa trên các chất phát thải ra chứ không dựa vào lượng phát thải thực tế. Tiền thu được được sử dụng để đầu tư chống ô nhiễm của ngành và xây dựng nhà máy xử lí nước thải đô thị.

Tại Hoa Kỳ, phí nước thải được quy định trong Luật Nước sạch năm 1972 và trong Đạo luật ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước. Mỹ thu phí ô nhiễm đối với tất cả các thành phần ô nhiễm và quy định ngưỡng ô nhiễm cho các chất riêng biệt. Phí ô nhiễm được áp dụng trên toàn thể các bang của Mỹ, tuy nhiên cách thu phí và mức phí có sự khác biệt. 10% tổng số thu từ phí ô nhiễm được nộp vào ngân sách liên bang và 90% được chuyển vào các quỹ sinh thái khu vực và địa phương.

Tại Trung Quốc, phí nước thải được quy định trong Điều 18 Luật BVMT năm 1979. Trong những năm 1979 - 1981, phí ô nhiễm được áp dụng trên cơ sở thử nghiệm ở 27 tỉnh/thành phố dưới sự giám sát trực tiếp của Chính phủ. Từ năm 1982 việc thực hiện được áp dụng trên toàn quốc. Từ sau năm 2004, phí nước thải được tính với tất các các đơn vị ô nhiễm [cả đơn vị trên và dưới tiêu chuẩn cho phép]. Phí được áp dụng cho hơn 100 thông số ô nhiễm trong nước thải, các tiêu chuẩn do Bộ Môi trường quy định thay đổi tùy thuộc vào từng ngành công nghiệp, và mức phí thay đổi tùy theo loại chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, các địa phương có thể đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn tiêu chuẩn quốc gia và có thể đưa ra mức phí cao hơn mức phí do Bộ Môi trường quy định.

- Phí BVMT đối với khí thải

Phí BVMT đối với khí thải đã được áp dụng tương đối rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Về mức phí, để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường thì mức phí phải cao bằng chi phí giảm thiểu ô nhiễm cận biên, điều mà một số nước đã đạt được như Mỹ, Ba Lan... [Ở Ba Lan, mức phí là 80 EURO/tấn SO2, NO2 năm 1996]. Tuy nhiên, theo thời gian, tác dụng khuyến khích BVMT của một loại phí có thể bị giảm do lạm phát. Vì vậy, mức phí cụ thể cần được rà soát và điều chỉnh theo thời gian.

Ngoài ra, mức phí phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phải có tính khả thi cao. Vì vậy, một số quốc gia triển khai áp đặt mức phí theo lộ trình; mức phí có thể được xây dựng với mức thấp, để cho các đối tượng nộp phí có thể chấp nhận, sau đó được tăng dần đến mức cần thiết theo một lộ trình nhất định. Cộng hòa Séc là nước đã có những bước tăng mức phí rất phù hợp [năm 1996 vào khoảng 20 - 25 EURO/tấn SO2, NO2, sau đó tăng dần], còn ở Ba Lan mức phí được điều chỉnh hằng năm.

Về phân bổ nguồn phí: Về nguyên tắc, phí BVMT phải được đầu tư trở lại cho công tác BVMT. Ở nhiều nước, phí BVMT thường được chi trở lại cho môi trường thông qua các quỹ BVMT Trung ương và địa phương. Ở Trung Quốc và Thụy Điển, một số phí BVMT thu được được hoàn trả lại cho các doanh nghiệp sau khi họ đã đầu tư cho việc xây dụng các hệ thống xử lí chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Chi trả dịch vụ hệ sinh thái

Các chương trình PES tại các quốc gia như Costa Rica, Mexico, Hoa Kỳ, Ecuador đều mang lại kết quả góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho một bộ phận dân cư. PES cũng tạo sự công bằng trong tiếp cận các thông tin môi trường thông qua cơ chế những người sử dụng dịch vụ môi trường phải chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường bằng các thỏa thuận tự nguyện. Theo đó, bản thân người cung cấp dịch vụ môi trường phải được tiếp cận thông tin môi trường đầy đủ để tránh việc bị chi trả dưới giá thị trường cho các dịch vụ mình cung cấp.

Trong thực tế, thông qua các chương trình PES, người dân đã được tăng cường tiếp cận các thông tin môi trường và hệ thống pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. PES cũng tạo sự bình đẳng xã hội khi người nghèo có cơ hội được tiếp cận với y tế, giáo dục và các giá trị văn hóa, giải trí khác thông qua việc nâng cao thu nhập và các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng. PES góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp, cải thiện sinh kế bền vững cho những người cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn xã hội.

- Kí quỹ môi trường

Công cụ kí quỹ môi trường đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với các hoạt động công nghiệp như khai thác mỏ, khai thác rừng hoặc đại dương.

Tại Canada, kí quỹ môi trường đã được áp dụng trong ngành khai thác khoáng sản tại Quebec [Canada] từ đầu những năm 1990. Theo quy định, bất kì cá nhân nào tham gia khai thác mỏ hoặc điều hành hệ thống khai thác phải đệ trình kế hoạch phục hồi và một khoản tài chính đảm bảo, chiếm 70% chi phí phục hồi khu vực khai thác. Bản hợp đồng kí quỹ giữa các ngân hàng và chủ đề án phải đảm bảo các điều khoản sau: i] Không cá nhân nào có thể thu hồi hoặc hoàn trả mà không có sự cho phép của Bộ trưởng với mục đích đảm bảo cho các kế hoạch phục hồi được thực hiện đầy đủ; ii] Bộ Tài chính cần sử dụng một phần tiền đảm bảo để chi trả cho các hoạt động phục hồi cần thiết. Khoản tiền kí quỹ phụ thuộc vào đề án phục hồi và tương ứng với 70% chi phí ước tính đối với việc phục hồi khu vực khai thác.

Tại Philippines, quy định về khoản kí quỹ mà người khai thác khoáng sản phải chi trả để được thực hiện như sau: Người kí quỹ hợp đồng/sở hữu giấy phép/thuê đất sẽ phải chi trả cho Chính phủ một khoản tiền đặt cọc có giá trị tối thiểu bằng 5% giá trị thị trường của toàn bộ sản lượng khoáng sản khai thác hoặc các sản phẩm chế biến không bao gồm tất cả các loại thuế khác. 10% khoản tiền trên và 10% doanh thu khác như quản lí hành chính, vệ sinh, khai thác và các chi phí liên quan khác được thu từ hoạt động thăm dò, khai thác, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản cùng với khoáng sản dự trữ sẽ được Chính phủ quản lí như một quỹ tín dụng và sẽ được kí quỹ vào ngân quỹ của chính phủ để phân phối cho các đề án đặc biệt và các chi phí hành chính khác liên quan đến thăm dò, khai thác, phát triển và quản lí môi trường khoáng sản.

Từ cuối năm 1980, trái phiếu môi trường được áp dụng tại Tây Australia như là một dạng bảo hiểm nhằm đảm bảo cho khu vực tránh khỏi các nguy cơ về tài chính trong trường hợp hoạt động khai thác mỏ thất bại trong việc phục hồi môi trường sau khi khai thác. Trái phiếu môi trường được quản lí bởi Cục Môi trường của Bộ Mỏ và Dầu khí. Các chủ khai thác khoáng sản phải đảm bảo tuân thủ các quy định về thăm dò, khai thác và cho thuê giấy phép khai thác theo Luật Khai thác mỏ…

- Thị trường carbon

Thị trường giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu [EU ETS] là thị trường đa quốc gia lớn nhất thế giới. Thị trường được xây dựng theo 4 giai đoạn liên tiếp: Giai đoạn I [2005 - 2007, thường được gọi là "giai đoạn thí điểm"]; giai đoạn II [2008 - 2012]; giai đoạn III [2013 - 2020]; giai đoạn thứ tư bắt đầu từ năm 2021. EU ETS đã đạt được mục tiêu giảm phát thải ngay lập tức với chi phí tối thiểu.

Trong giai đoạn đầu của ETS, EU cho phép người phát thải sử dụng tín chỉ từ các dự án ở các nước đang phát triển để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của họ. Tính minh bạch trong EU ETS cao và được củng cố chặt chẽ trong luật pháp. Điều này đã giúp thiết lập một thị trường đáng tin cậy với tính thanh khoản cao. Đặc biệt đối với cơ chế Đo lường - Báo cáo - Giám sát [MRV], các quy tắc được thiết lập ngày càng rõ ràng và hài hòa để đảm bảo việc giảm phát thải và cấp phép là rõ ràng và đáng tin cậy.

Năm 2011, sau khi các quy định thị trường carbon của Nghị định thư Kyoto được công bố, Trung Quốc đã thiết lập thí điểm 7 thị trường carbon. Trong năm 2013 và 2014, có 57 triệu tấn carbon được giao dịch trên thị trường. Mỗi thị trường thử nghiệm được xây dựng bằng cách liên kết và phối hợp các cơ quan cấp tỉnh, thành phố và thiết lập các sàn giao dịch phát thải khí thải tại địa phương, với các nhà lãnh đạo, chuyên gia từ các trường đại học và viện nghiên cứu đồng thời tham vấn với các lãnh đạo cấp cao tại Bắc Kinh. Năm 2021, Trung Quốc đã triển khai ETS quốc gia đối với ngành Điện.

Tại Hàn Quốc, ETS cho đến nay phân biệt 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra từ năm 2015 - 2017, bao gồm 23 phân ngành từ 6 lĩnh vực sau: Điện, công nghiệp [như sắt thép, hóa dầu, xi măng, lọc dầu, kim loại màu, giấy, dệt may, máy móc, khai thác mỏ, thủy tinh và gốm sứ...], tòa nhà, công cộng, chất thải và giao thông vận tải [hàng không]. Giới hạn này được thiết lập dựa trên mục tiêu khí nhà kính quốc gia cũng như tiềm năng giảm nhẹ của ngành. Đối với Giai đoạn 2, phân bổ dựa trên định mức đã được mở rộng thành 8 lĩnh vực và áp dụng hình thức đấu giá. Đấu giá lúc đầu dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2018, nhưng quá trình này đã bị trì hoãn đến tháng 1 năm 2019 [3%]. Giai đoạn 3 từ năm 2021 - 2025 với tỉ lệ đấu giá sẽ tăng hơn nữa [lên hơn 10%], tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng tín dụng và cho phép các bên thứ ba thực hiện buôn bán trên thị trường.

- Bảo hiểm môi trường

Tại Hàn Quốc, Đạo luật về trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường đưa ra định nghĩa, bảo hiểm môi trường có nghĩa là một hợp đồng bảo hiểm được kí kết giữa chủ cơ sở sản xuất với công ty bảo hiểm, trong đó quy định các điều khoản, điều kiện đảm bảo về trách nhiệm đối với thiệt hại về môi trường. Chính phủ Hàn Quốc đã phân loại các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dầu khí theo mức độ, tiềm năng gây ô nhiễm môi trường theo 3 nhóm rủi ro: Cao, trung bình, thấp. Trên cơ sở từng mức độ rủi ro được phân loại, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng mức độ trách nhiệm tối thiểu đối với từng loại hình đối tượng tham gia mua bảo hiểm trách nhiệm pháp lí môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đền bù thiệt hại ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu, Tổ chức Hàng hải quốc tế [IMO] đã thông qua các công ước quốc tế thiết lập khung pháp lí về bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu do các sự cố tràn dầu từ tàu gây ra như Công ước quốc tế 1969 về trách nhiệm dân sự đối với bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu [Công ước Trách nhiệm dân sự 1969] và Công ước quốc tế 1971 về thành lập Quỹ quốc tế đối với đền bù thiệt hại do ô nhiễm dầu [Công ước Quỹ 1971].

3. Một số hàm ý về áp dụng công cụ kinh tế cho BVMT ở Việt Nam

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy việc áp dụng các công cụ kinh tế trong BVMT có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, thuế BVMT là giải pháp kinh tế tài chính chủ yếu để giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải khí thải; giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP; ngân sách có nguồn tài chính để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ hai, các quốc gia đã áp dụng các công cụ khác nhau để đạt mục tiêu BVMT và phát triển bền vững, trong đó có các loại công cụ được sử dụng phổ biến như: Phí ô nhiễm không khí, phí ô nhiễm nước, phí rác thải, phí sử dụng môi trường, thuế môi trường, đặt cọc, kí quỹ, bảo hiểm môi trường, phát triển thị trường carbon...

Thứ ba, thuế môi trường [như thuế năng lượng/nhiên liệu, thuế môi trường hoặc thuế xanh, thuế phương tiện…] là một trong những biện pháp kinh tế thường được các quốc gia sử dụng nhằm tạo nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước. Số thu từ nhóm thuế này trung bình chiếm khoảng 5% GDP và dao động từ 3% - 13% GDP tùy thuộc vào từng quốc gia.

Thứ tư, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi, quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển đầu tư vào khoa học công nghệ, xử lí ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải. Bảo vệ tài nguyên và môi trường cơ bản dựa trên đặc thù của hệ sinh thái, dựa trên khả năng của hệ sinh thái để có phương án khai thác sử dụng, quy hoạch và bảo vệ hợp lí.

Thứ năm, mô hình phát triển của các nước đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, phát triển theo xu hướng “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế carbon thấp”, hướng tới nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận mô hình phát triển “kinh tế xanh” sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần có sự trợ giúp của các nước phát triển.

4. Kết luận và khuyến nghị

Việt Nam đã hình thành được một hệ thống văn bản, từng bước phát huy được vai trò của các công cụ kinh tế trong BVMT. Việc sử dụng công cụ kinh tế góp phần làm giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra một nguồn tài chính dồi dào và cần thiết từ toàn xã hội cho BVMT. Trong vòng 10 năm [2012 - 2021], số thu ngân sách từ thuế BVMT đã tăng 4,8 lần [năm 2012 là hơn 11.000 tỉ đồng; năm 2019 gần 69.000 tỉ đồng, trong đó xăng, dầu đóng góp hơn 90%]. Đến năm 2021, thu từ thuế BVMT ước chiếm khoảng hơn 4% tổng thu ngân sách nhà nước. Thuế BVMT đang trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã triển khai một số cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi đối với các dự án liên quan đến BVMT, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua Quỹ BVMT Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ đầu tư phát triển địa phương. Cùng với đó, các cơ chế chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào các dự án BVMT cũng đã được xây dựng và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các công cụ kinh tế này trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao, mới chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách mà chưa góp phần hữu hiệu trong việc điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường. Hoạt động tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm trong những năm gần đây, chưa được triển khai rộng rãi do khung pháp lí hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh còn chưa đồng bộ. Do vậy, để phát huy hiệu quả các công cụ kinh tế trong BVMT, Việt Nam cần chú trọng một số nội dung:

Thứ nhất, cần xem xét, bổ sung danh mục các hàng hóa, sản phẩm chịu thuế môi trường để phù hợp hơn với tình hình phát thải gây hại môi trường hiện nay. Quy định về khung và mức thuế BVMT đối với các hàng hóa phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa. Bổ sung trường hợp được miễn giảm, ưu đãi thuế BVMT nhằm khuyến khích doanh nghiệp cải tiến kĩ thuật, hạn chế xả thải gây hại môi trường.

Thứ hai, việc thu phí thu gom, xử lí rác thải sinh hoạt theo số lượng phát sinh theo khối lượng quy định tại Luật BVMT là cần thiết, nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lí chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lí chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường carbon, bao gồm hệ thống quản lí hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cho sự phát triển của tín dụng xanh, trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về tín dụng xanh làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh…

Chủ Đề