Chuyển giá trong các doanh nghiệp fdi là gì năm 2024

Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp [DN] có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] tại Việt Nam ngày càng lớn. Đây là một bộ phận quan trọng góp phần làm cho nền kinh tế có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đó, các DN này cũng bộc lộ một số vấn đề, như: Tình trạng chuyển giá nhằm trốn thuế gây thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường đầu tư [MTĐT] của Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của DN FDI và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính từ năm 2012 đến năm 2017, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh [SXKD] của các DN này duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng doanh thu cao hơn tốc độ tăng tài sản [22%] và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu [14%]. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các DN FDI có báo cáo đạt 344.607,5 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối, bao gồm: Kinh doanh bất động sản [tăng 193,3%]; khai thác, chế biến khoáng sản [tăng 146,3%]; linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử [tăng 40,3%]... Trong khi đó, 16.718 DN FDI có báo cáo năm 2017 thì tới 8.646 DN kê khai lỗ [chiếm 52%] với trị giá lỗ là 86.180 tỷ đồng, có 10.582 DN lỗ lũy kế [chiếm 63%] với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng và có 2.673 DN lỗ mất vốn [chiếm 16%] với trị giá vốn chủ sở hữu là âm [-85.604 tỷ đồng]. Trong 2.673 DN lỗ mất vốn năm 2017 có đến 1.590 DN lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng SXKD. Số lượng DN FDI báo lỗ hằng năm từ 44% đến 52% [đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng DN có báo cáo].

Đánh giá về thực trạng này, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định: Mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DN FDI tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ DN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Đáng chú ý, tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và có lỗ lũy kế cũng cao. Điều đó cho thấy, tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình mà các DN FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn [trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca-Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…]. Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài [trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...].

Phát biểu tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN FDI tại Việt Nam", TS Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định: "Có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các DN FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN... Hình thức chuyển giá cũng rất phổ biến là chuyển nợ quốc tế. Các DN mẹ đặt ở nước ngoài lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang DN có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ".

Việc các DN FDI thực hiện nhiều thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để trốn, tránh thuế có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô, như: Gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giữa các DN; gia tăng giá trị nhập khẩu và giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội. Vì thế, việc kiểm soát vĩ mô hoạt động chuyển giá đối với các DN FDI là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập.

Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: "Hoạt động chuyển giá xét về bản chất là hành vi gian lận để trốn thuế và đạt được mục tiêu lợi nhuận của DN. Nó đã được che đậy, được hợp lý hóa, rất khó phát hiện và thu thập bằng chứng để quy kết. Chính vì vậy, trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các giao dịch này là phải thu thập đủ bằng chứng có hiệu lực để có thể quy kết hành vi chuyển giá. Đồng thời, cần có những điều chỉnh chính sách, như tăng cường các chế tài xử phạt đối với hành vi chuyển giá để trốn thuế. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế. Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt của DN FDI để các cơ quan giám sát có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả thông tin liên quan đến DN FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời…

Mặt khác, chúng ta có thể kỳ vọng khi tới đây Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 1-7-2020, trong đó có quy định về hợp tác quốc tế về thuế, quy định trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý thuế, góp phần phòng, chống và ngăn chặn hành vi chuyển giá trong các DN FDI.

Chủ Đề