Chủ hụi tẩu tán tài sản

Chủ hụi tẩu tán tài sản
Biện pháp tránh việc tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án

Xin cho biết có biện pháp nào để tránh tình trạng đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự ngay trong giai đoạn Tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện hoặc trong giai đoạn xét xử hay không?
 

Gửi bởi: Như Sơn

Trả lời có tính chất tham khảo

Khi Tòa án tiến hành thủ tục tố tụng, pháp luật về tố tụng dân sự đã có quy định về việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 10 Điều 70 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 111 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: “1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.
          Tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thiết được Tòa án áp dụng nhằm hạn chế việc tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án. 
Như vậy, theo quy định trên, để tránh trường hợp đương sự có thể tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, thì pháp luật đã quy định quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ngay trong giai đoạn nộp đơn, Tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện hoặc trong giai đoạn xét xử. Quy định này nhằm hạn chế việc đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự và đảm bảo công tác thi hành án được hiệu quả. Trên thực tế, nguyên đơn cũng chưa thực sự sử dụng quyền này một cách thực sự kịp thời, nên cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, sử dụng hữu hiệu hơn biện pháp này trong quá trình tố tụng. Mặt khác, một số trường hợp đương sự tẩu tán tài sản trước khi nguyên đơn kịp khởi kiện. Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cho việc xét xử và thi hành án, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền cũng đang nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, cho phép đương sự được yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cả khi đang chuẩn bị thủ tục khởi kiện, chưa tiến hành khởi kiện.

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự

Những ngày qua, nhiều người ở phường Thới An, quận Ô Môn “đứng ngồi không yên”, khi hay tin chủ hụi vỡ nợ. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”, khó khăn chồng chất.

Chủ hụi tẩu tán tài sản

Nhiều hụi viên ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An trình bày sự việc.

Bà Lâm Thanh Thy, ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, tham gia 4 dây hụi do bà Trương Thị Mỹ Linh (ngụ cùng địa phương) làm chủ. Sau nhiều tháng đóng hụi, tổng số vốn và lời của bà Thy gần 600 triệu đồng. Ngày hay tin bà Linh vỡ hụi, bà Thy chết lặng. Bà Thy cho biết: “Tất cả vốn liếng tôi đều đầu tư vào hụi để kiếm lời, xoay xở cuộc sống. Nay, rơi vào tình cảnh này, tôi cũng chẳng biết mần sao ngoài việc mong chính quyền và ngành chức năng có biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người dân”.

Còn bà Lê Thị Chi, một hụi viên, vừa khóc vừa nói: “Tôi tham gia 2 dây hụi, với tổng số tiền vốn hơn 30 triệu đồng. Đây là số tiền mà vợ chồng tôi tích góp từ việc đi giữ ao cá mướn. Chúng tôi dự tính dành dụm tiền bằng cách chơi hụi; sau đó, hốt hụi, có được một mớ vốn, cất nhà ở. Nào ngờ…”. Hoàn cảnh của vợ chồng chị Trần Thị Tố Trinh, ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, cũng tương tự. Số tiền vốn mà vợ chồng chị đã đóng 2 dây của bà Linh là gần 50 triệu đồng. Chị Trinh cho biết: “Hằng ngày, chồng tôi đi vác thức ăn mướn, 1 tấn được trả tiền công khoảng 40.000 đồng. Số tiền kiếm được, chúng tôi tích góp chơi hụi. Nay chủ hụi bỏ đi, số tiền tích góp từ hụi của vợ chồng tôi coi như mất trắng. Gia cảnh tôi vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn”.

Trường hợp của hụi viên Trần Thị Kiều An đã đầu tư vào 5 dây hụi của bà Linh, với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Bà An bộc bạch: “Trong quá trình chơi hụi, khi thì bà Linh đi gom tiền; khi thì chồng bà Linh là ông Nguyễn Hữu Thọ đi gom tiền. Nay, bà Linh không còn ở địa phương; chồng bà thì vẫn còn ở nhà. Qua nhiều lần thương lượng với chủ hụi, nhưng không thành, chúng tôi có đơn tố giác, nhờ các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định”.

Theo nhiều hụi viên, bà Linh làm chủ hụi hơn 10 năm nay. Gần đây, nhiều dây hụi sắp mãn, bà Linh không có khả năng thanh toán, không tiền giao hụi cho hụi viên. Từ đó, nhiều hụi viên đã có đơn tố cáo đến các ngành chức năng. Cụ thể, 21 hụi viên đã có đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Linh, với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Vụ việc hiện đang được ngành chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

Cũng trong khoảng thời gian này, một chủ hụi khác - bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, cũng vỡ hụi. Bà B.T.A.H., ở khu vực Thới Phong, phường Thới An, tham gia nhiều dây hụi do bà Huệ làm chủ với tổng số tiền vốn đã đóng cho bà Huệ hơn 330 triệu đồng. Bà H. bộc bạch: “Bà Huệ làm chủ hụi nhiều năm nay. Trước đây, khi tôi hốt hụi thì bà giao tiền đàng hoàng lắm. Từ đó, tôi tin tưởng nên tham gia nhiều dây hụi, hòng kiếm lời, xoay xở cuộc sống. Nay tất cả vốn liếng đã đầu tư vào hụi, tôi chỉ mong ngành chức năng xem xét, xử lý theo quy định”. Người dân cũng đã có đơn tố giác bà Huệ và ngành chức năng địa phương đang xem xét, xử lý theo quy định.  

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước liên tục xảy ra những vụ vỡ hụi, từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Người chơi hụi mỏi mòn đi đòi tiền vì chủ hụi đã tìm mọi cách tẩu tán hết tài sản. Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật cụ thể điểu chỉnh về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi); điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi… Những điều này được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự và Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG