Biển việt nam có bao nhiêu loại rong biển

Tính đến 2013, ở Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài, thuộc 4 ngành là rong Lam (Cyanophyta), rong Đỏ (Rhodophyta), rong Nâu (Ochrophyta) và rong Lục (Chlorophyta). Xét riêng cho taxon* bậc loài, rong Lam có 88 loài (chiếm 10,64% tổng số loài), rong Đỏ có 412 loài (49,81%), rong Nâu có 147 loài (17,77%) và rong Lục có 180 loài (21,78%).

Tuy nhiên, số loài có thể cao hơn vì một số loài hiện chưa được định loại, có thể do chưa thu đủ và một số loài mới ghi nhận là mới về mặt khoa học (ví dụ chi Lobophora) chưa được thống kê. Kết quả thống kê của Nguyen Van Tu, et al. dựa trên các tài liệu đã có nên danh mục đưa ra cũng chỉ ở mức tham khảo (một số loài không có mẫu tiêu bản hoặc có ở các bảo tàng khác ngoài Việt Nam). Nếu danh mục này có đầy đủ dữ liệu thì số lượng loài rong biển ở Việt Nam sẽ còn nhiều hơn.

Đa dạng loài rong biển ven bờ theo phân vùng địa lý

Xét riêng cho các vùng địa lý ven bờ, đã phát hiện được 654 loài rong biển. Trong số này, rong Lam có 48 loài (chiếm 7,33% tổng số loài), rong Đỏ: 300 loài (45,87%), rong Nâu: 154 loài (23,54%) và rong Lục: 152 loài (23,56%).

Đa dạng loài rong biển tại các đảo

Tại các đảo ven và xa bờ đã phát hiện được 1.044 loài rong biển, trong đó, rong Lam có 79 loài, rong Đỏ: 515 loài, rong Nâu: 187 loài và rong Lục: 263 loài.

Sản xuất và sử dụng

Sản xuất các loại keo rong biển

- Sản xuất agar: nước ta bắt đầu sản xuất agar từ những năm 1960 tại Hải Phòng, năm 1976 đã phát triển ra các địa phương như: Thừa Thiên - Huế, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. Nguyên liệu sản xuất agar chủ yếu là các loài thuộc chi rong Câu (Gracilaria, Gracilariopsis, Gelidiella) và cũng chỉ ở một số loài (Gracilaria verrucosa, G. Tenuistipitata, Gracilariopsis bailiniae/Gracilaria heteroclada, Gelidiella acerosa). Mặc dù công nghệ chiết agar đã được cải thiện hơn, nhưng chất lượng agar sản xuất còn có sức đông thấp, alkali nhiều nên ít được sử dụng cho các ngành công nghệ cao, đặc biệt chưa có nhiều sản phẩm agarose phục vụ thực tế.

- Sản xuất alginate: alginate được nghiên cứu và sản xuất tại Hải Phòng, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh, song chưa đáp ứng kịp nhu cầu cho các ngành công nghiệp trong nước. Nguồn nguyên liệu chính được sử dụng chiết alginate mới chỉ tập trung vào một số loài thuộc chi rong Mơ: Sargassum mcclurei và Sargassum kjellmanianum.

- Sản xuất carrageenan: nguyên liệu rong đỏ chứa nhiều carrageenan ở nước ta chưa nhiều, do vậy công nghệ sản xuất carrageenan còn chưa được chú trọng phát triển. Gần đây, một số cơ quan nghiên cứu đã triển khai di trồng vào nước ta loại rong Sụn (Kappaphycus alvarezii) chứa carrageenan và hiện loài rong này đang phát triển mạnh, phục vụ xuất khẩu và sản xuất carrageenan trong nước. Ngoài ra, một số loài rong khác cũng đã được nghiên cứu và sử dụng để sản xuất carrageenan như: Gigartina intermedia, Kappaphycus.

Chế biến thực phẩm từ rong biển

Có thể kể đến một số loài rong biển sử dụng làm thực phẩm như: Porphyra crispata và P. suborbiculata được sử dụng làm súp; Gracilaria. tenuistipitata, Gracilariopsia bailenea, G. eucheumoides, G. coronopifolia, G. salicornia và Caulerpa lentilifera được sử dụng để ăn sống, làm rau xanh, làm jell hoặc súp. Kappaphycus cottonii, K. alvarezii và Betaphycus gelatinum được sử dụng làm jell và bánh. Hypnea muscoides và H. valentiae được sử dụng làm jell. Ulva lactuca, U. reticulata, Caulerpa racemosa, Dermonema dichotoma, và Sargassum spp. (phần non) được sử dụng để thay thế rau xanh. Gracilaria spp. và Sargassum spp. được sử dụng như thực phẩm chức năng đối với gia súc và gia cầm...

Nghiên cứu các hoạt chất sinh học từ rong biển

Nhiên liệu sinh học

Các nghiên cứu về ứng dụng rong biển làm nhiên liệu sinh học ở Việt Nam mới chỉ ở bước đầu (khảo sát điều tra và đánh giá loài có hàm lượng carbohydrate cao định hướng sản xuất nhiên liệu sinh học). Hiện có khoảng 40 loài được sử dụng chiết ethanol sinh học với tỷ lệ 7 kg rong biển thu được 1 kg etanol.

Cải thiện chất lượng môi trường nước biển

Nghiên cứu của Ngô Quốc Bưu và cs trên một số loài: Câu Cước (Gracilariopsis bailiniae) và rong Sụn (Kappaphycus alvarezii) cho thấy, cả hai loài đều thể hiện khả năng hấp thụ cao đối với các hợp chất nitơ và photpho trong nước thải ưu dưỡng dùng hệ thống nuôi kết hợp (Lê Như Hậu và cs). Kết quả nghiên cứu với Kappaphycus alvarezii tại vùng biển miền Bắc (Cát Bà) cũng cho kết quả tương tự.

Thức ăn gia súc và phân bón

Người dân vùng ven biển đã dùng các loài thuộc ngành rong Lục và rong Đỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay làm phân bón như: vùng Trà Cổ (Quảng Ninh) dùng rong Câu Thừng, rong Câu Gậy; vùng ven biển các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa dùng rong Bún, rong Đuôi chó làm thức ăn cho lợn; vùng đảo Cái Chiên, Vĩnh Thực, Cô Tô, Cái Bầu, Quan Lạn, Cát Bà thường lấy rong Mơ bón cho lúa, khoai, sắn, đỗ, củ cải...; loài rong Mơ Sargassum kellmanianum và S. vachellianum làm phân, bón cho mía, cà phê, cà chua, dưa hấu.

Dược liệu

Ở Việt Nam, việc sử dụng rong biển làm dược liệu nhìn chung còn ít, nguyên nhân là do công nghệ bào chế phức tạp. Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Trường Đại học Dược TP Hồ Chí Minh và Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã sản xuất được lotamin (dạng viên, dạng gói) để phòng và chữa bệnh bướu cổ, đặc biệt cho đồng bào miền núi, biệt dược VINA - alginate dùng trong nha khoa (bột lấy dấu răng) thay cho nguyên liệu nhập khẩu từ Tiệp Khắc. Sở Y tế Hải Phòng trên cơ sở hợp tác với Viện Hải dương học đã bước đầu dùng một số loài rong biển để chiết xuất axit kainic làm thuốc giun và kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, chế phẩm từ rong biển có tác dụng phòng trừ giun, sán ngang với Piperazine - một thuốc giun nhập khẩu. Gần đây, còn có một số nghiên cứu khác về chiết xuất một số hợp chất (như axit arachidonic, prostaglandin E2...) dùng làm thuốc và thực phẩm chức năng.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Đàm Đức Tiến - Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.