Biên bản xử lý xây dựng sai quy định

Tôi bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP và yêu cầu tôi dừng thi công công trình

Tuy nhiên do tính phức tạp của vụ việc nên cơ quan nhà nước chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng tôi vẫn tổ chức thi công xây dựng công trình, sau 10 ngày lập biên bản vi phạm hành chính cơ quan nhà nước đến kiểm tra để xác minh vụ việc phát hiện tôi vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm nên cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 8 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Đề nghị Anh/chị cho tôi biết việc cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm đối với tôi lần 2 như vậy đúng hay sai. Mức xử phạt cụ thể như thế nào?

Trả lời

Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong  hoạt động xây dựng trong đó có quy định “Cấm xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp”. Theo như bạn hỏi bạn đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp là vi phạm điều cấm quy định trên nên bị cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị và yêu cầu bạn dừng thi công xây dựng công trình, tuy nhiên bạn vẫn tiếp tục thực hiện hành vi xây dựng sai phép của mình vì vậy cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 8 Điều 15 Nghị định số  139/2017/NĐ-CP là phù phợp với quy định pháp luật cụ thể như sau:

8. Xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như sau:

a] Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b] Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này;

c] Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

Do bạn xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nên hành vi vi phạm lần hai của bạn sẽ bị phạt từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Do bạn xây dựng nhà riêng lẻ nên sẽ bị áp dụng mức phạt bằng ½ mức phạt trên cụ thể là phạt tiền từ 17.500.000 đồng đến 20.000.000 đồng [mức trung bình khung là 18.750.000 đồng nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ].

Ngoài phạt tiền bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm d khoản 10 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP nếu hành vi của bạn đã kết thúc  

 d] Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 [mà hành vi vi phạm đã kết thúc], khoản 6 và khoản 7 Điều này. 

Nếu bạn đang xây dựng công trình thì ngoài phạt tiền bạn sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 12, 13 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:  

 12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau: 

a] Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình; 

b] Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

c] Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. 

13. Đối với trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này, sau khi được cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

 Như bạn nêu là bạn đang thi công xây dựng nhà ỏ riêng lẻ tại đô thị nên bạn có 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính để làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh phép xây dựng. Hết thời hạn 60 ngày mà bạn không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp bạn có được giấy phép điều chỉnh nhưng công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng đã điều chỉnh thì bạn phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

Thủy Nguyễn

Chủ Đề