Báo cáo phòng, chống tham nhũng ngành Ngân hàng

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động tài chính ngân hàng diễn ra sôi động. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn xảy ra tại một số tổ chức tín dụng [TCTD]. Các đối tượng phạm tội lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật, trong việc kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng để tham ô tham nhũng, biển thủ công quỹ, có hành vi diễn ra trong thời gian dài, chỉ đến khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc đối chiếu số sách cuối năm mới bị phát hiện.

Đối tượng phạm tội hầu hết là người giữ chức vụ tại các TCTD, có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, lợi dụng vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các TCTD, chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện từ đó gây hậu quả, thiệt hại cho ngân hàng; lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng hoặc quan liêu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém để xảy ra tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng. Bên cạnh đó, một số đối tượng phạm tội là cán bộ, nhân viên trong Ngân hàng trực tiếp liên quan đến các giao dịch với khách hàng cố tình lừa đảo nên khó phát hiện.


Ảnh minh hoạ: thoibaonganhang.vn

Từ nay đến cuối năm 2021, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước [NHNN], Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng [PCTN] và tội phạm của ngành Ngân hàng yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTN và tội phạm, bám sát nội dung các văn bản của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo 138/CP về lĩnh vực này.

Cụ thể, chú trọng thực hiện công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, đảng viên, nhân viên ngành Ngân hàng. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN và tội phạm để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của ngành Ngân hàng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai thi hành Luật PCTN số 36/2018/QH14 ngày 21/11/2018 của Quốc hội và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật PCTN. Thực hiện và triển khai có hiệu quả tới các đơn vị về Kế hoạch số 04/KH-NHNN Kế hoạch thực hiện công tác PCTN và tội phạm năm 2021 của ngành Ngân hàng.

Tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ công chức, viên chức ngành Ngân hàng; Quyết định số 1491/QĐÐ-NHNN ngày 29/7/2014 của Thống đốc NHNN về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 28/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tới các đơn vị trong ngành Ngân hàng và Công văn số 252/TTCP-C.IV ngày 19/2/2021 của Thanh tra Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập. Kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm ngành Ngân hàng khi có sự thay đổi về nhân sự.

Các TCTD tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, hiện đại hóa công nghệ, thường xuyên rà soát và hoàn thiện quy trình giao dịch một cửa; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, quy trình nghiệp vụ, phân cấp, ủy quyền nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tổn thất cho TCTD. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm loại bỏ sự phiền hà trong thủ tục hành chính khi giải quyết công việc cho khách hàng.

Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác PCTN và tội phạm năm 2021 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCTN và tội phạm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và cảnh báo đến các ngân hàng về tội phạm trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về PCTN được quy định trong Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều của Luật PCTN. Đề nghị tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về PCTN; chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các giải pháp về PCTN.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin và cung cấp các thủ đoạn, hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng; đưa ra các dấu hiệu cảnh báo, nhận dạng đối tượng tham nhũng đối với từng lĩnh vực trong hoạt động ngân hàng để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tội phạm, tham nhũng xảy ra. Có văn bản hướng dẫn về việc nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN; hướng dẫn phương pháp tiến hành điều tra xã hội học tại từng đơn vị, quy mô thu thập thông tin dữ liệu và khảo sát, hướng dẫn đánh giá sau khi có điểm tổng hợp về đánh giá công tác PTCN của đơn vị.

Dự báo trong thời gian tới, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng theo chiều hướng ngày càng tinh vi. Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai mạnh mô hình giao dịch một cửa hay ngân hàng bán lẻ, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì đối tượng cũng sẽ lợi dụng những sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Công tác tín dụng là một trong những nghiệp vụ đối tượng thường lợi dụng để tiêu cực, tham nhũng như vay ké, thu nợ, thu lãi không nộp, lập hồ sơ giả để vay vốn. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải tập trung kiểm tra sâu, rộng trong công tác thẩm định, quy định cấp tín dụng./. 

Theo ThanhtraVietNam.vn

Ngày 02/3/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kế hoạch số 04/KH-NHNN thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm [PCTN&TP] năm 2021 của ngành ngân hàng.

Mục tiêu kế hoạch nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tội phạm; loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tội phạm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tội phạm; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao gồm:

- Các đơn vị trong ngành Ngân hàng phải xác định công tác PCTN&TP là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

- Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các đơn vị trong công tác PCTN&TP. Gắn công tác PCTN&TP với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI] một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XII] về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN&TP; chủ động phòng ngừa, phát hiện, kiên quyết xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc PCTN&TP. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN&TP.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN&TP, đưa nội dung PCTN&TP vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng theo Quyết định số 2158/QĐ-NHNN ngày 17/10/2017 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2017 – 2021” của ngành Ngân hàng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Thống đốc NHNN về việc “Tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và phát triển kinh tế bền vững”; Đề án “Phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật và vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng” ban hành kèm theo Quyết định số 1492/QĐ-NHNN ngày 09/7/2019 của Thống đốc NHNN.

- Thực hiện việc rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; từng cơ quan, đơn vị phải mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc. Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc tiếp nhận, trả kết quả qua mạng; thực hiện cải cách hành chính đối với việc tổ chức các cuộc họp, tăng cường sử dụng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến.

- Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị đã có trang web, cổng thông tin điện tử, các nội dung công khai cần phải được niêm yết trên trang web, cổng thông tin điện tử để cán bộ, công chức và nhân dân tra cứu.  

- Thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật phát sinh, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức hoặc các nhóm lợi ích…

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát nội bộ theo kế hoạch và đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro, vi phạm pháp luật; bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các TCTD và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kỷ cương, kỷ luật, đồng thời đấu tranh PCTN và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

- Thực hiện các quy định về tiếp công dân, khách hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo để phát hiện và xử lý các hành vi về tham nhũng.

- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội: Đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN&TP đặc biệt là vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Thanh tra nhân dân...trong việc nâng cao hiểu biết nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng.

- Phối hợp với các Bộ, Ngành trong công tác PCNT&TP.  Mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh PCTN&TP nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong đấu tranh PCTN&TP, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.

- Các đơn vị trong ngành Ngân hàng chủ động, kịp thời kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đơn vị mình theo yêu cầu tại Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo PCTN&TP ngành Ngân hàng [ban hành kèm theo Quyết định số 54/QĐ-NHNN ngày 18/1/2021].

Thống đốc NHNN VN giao thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị trong ngành Ngân hàng chỉ đạo triển khai, phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đến các bộ phận, đơn vị trực thuộc; cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trong công tác đấu tranh PCTN&TP gắn liền với công tác chuyên môn, nghiệp vụ và chỉ đạo các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, coi công tác PCTN&TP là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Sau khi hoàn thành công tác triển khai, phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, các cấp ủy đảng, các cấp lãnh đạo tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực đôn đốc để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch.

  Trang Nhung

Tin Bài

Video liên quan

Chủ Đề