Bánh trôi bắt đầu được ăn vào từ năm nào năm 2024

Bánh trôi truyền thống - Nguồn internet

Món bánh truyền thống Cứ ngày 3/3 âm lịch, gia đình người Việt nào cũng thành kính dâng lên tổ tiên món bánh trôi bánh chay quen thuộc. Món ăn dân dã gắn bó với dân tộc bao đời nay gói ghém trong lòng biết bao nhiêu giá trị tinh thần tốt đẹp. Thế nên, nếu như tết Nguyên Đán có bánh chưng bánh dày thì tết Hàn thực có bánh trôi bánh chay. Ngày xưa đã thế, ngày nay cũng vậy và ngày sau chắc sẽ thế... Bánh trôi bánh chay là thức quà dung dị dễ làm dễ ăn, không cần quá phải cầu kì, cao sang. Nó có mặt từ thôn quê mộc mạc đến thị thành hoa lệ, từ miền núi thâm u đến đồng bằng trù phú. Đó là món ăn gắn với ba ngày Tết chay không lửa khói, không rộn ràng thanh âm và rực rỡ sắc màu. Loại bánh có nguồn gốc Trung Quốc gắn với chuyện xưa tích cũ mà mục đích để tưởng nhớ một công thần. Bánh trôi bánh chay du nhập vào nước ta từ bao giờ? Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày xưa nhà nghèo khốn khó chỉ được ăn bánh một đến hai lần. Mùng 3/3 là đương nhiên thêm nữa là ngày giỗ của ông nội vì lúc còn sống ông thích ăn bánh trôi nước. Mỗi lần làm bánh trôi bánh chay bà nội vẫn bỏm bẻm vừa nhai trầu vừa đều tay quay cối xay bột và kể chuyện cho các cháu xúm xít hít hà quanh bếp nhỏ. Bà kể rằng ông Giới Tử Thôi đời Xuân Thu phò vua giúp nước. Gặp buổi loạn lạc gian lao từng cắt thịt nuôi vua giống nàng Thoại Khanh nuôi mẹ chồng một lòng hiếu kính. Đến ngày vua sung sướng thì quên mất tấm lòng của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận, cõng mẹ già vào núi ở ẩn. Về sau vua nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời núi. Vua hạ lệnh đốt rừng, muốn ép Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm người công thần một lòng trung quân hiếu nghĩa. “Nhưng bánh trôi bánh chay là để tưởng nhớ ông bà mình các cháu à. Người Việt ta không ăn tết Hàn Thực để tưởng nhớ vị bề tôi phương Bắc. Cái Tết này đưa người Việt về cội nguồn nhớ ơn tổ tiên phù hộ cho lúa gạo đủ đầy, nhắc ta chữ Hiếu cho tròn vẹn. Bánh chưng bánh dày, bánh trôi bánh chay đều bắt nguồn từ hạt gạo nếp trắng ngần như ngọc. Chăm chỉ làm lụng cày cấy trời đất tổ tiên sẽ ban cho hạt ngọc làm bánh con ơi. Các cụ ngày xưa dạy bà như thế”. Xu hướng thẩm mĩ của người Việt về vẻ đẹp của người phụ nữ còn rung cảm qua hình tượng chiếc bánh trôi trong bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà nội đằng hắng dọn giọng rồi ngâm nga: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Người lớn thấy bánh trôi nước biểu tượng cho vẻ đẹp và nỗi đau thân phận của người phụ nữ xưa. Trong mắt trẻ thơ, món bánh vào thơ bỗng nhuốm màu huyền ảo của cổ tích. Như có ông Bụt hiện lên với những phép màu và chiếc bánh thoắt biến thành nàng tiên đẹp áo trắng với những hạt cườm óng ánh trên tóc. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Ở đồng bằng là nếp cái hoa vàng thơm dịu, miền núi là thứ nếp nương thơm dẻo. Thứ gạo quí được chọn lựa cẩn thận rồi xay thành bột mịn. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân hoặc dùng đỗ xanh lọc vỏ đồ chín ngào đường làm nhân, đặt trong bát nhỏ, đổ nước đường lên trên điểm thêm vài sợi dừa nạo nhỏ. Truyện bà kể, thơ bà đọc luôn làm chúng tôi tròn mắt, đến bây giờ tôi vẫn không thể quên gian bếp nhỏ cay đượm mùi khói rơm, bên này chậu bột trắng tinh, bên kia mẻ vừng rang đến độ thơm bắn lách tách và những yêu thương tràn ngập khắp trong giọng kể của người bà. Ba bốn đứa cháu mặt mũi, tay chân dính đầy bột trắng háo hức đợi bánh nguội để được nếm thử. Sau này lớn lên đọc vỡ sách này sách khác vẫn không quên được cảm giác xưa cũ, mới ngộ ra rằng bà chính là người truyền nếp cảm nếp nghĩ mang đậm phẩm tính dân tộc bền chặt đến thế. Ăn bánh trôi bánh chay cũng không cần ăn để no. Có người ăn cốt giữ lấy những giá trị tinh thần hoặc để sống lại những tâm tình quá khứ. Thức bánh đẹp một cách dung dị, mộc mạc ấy như chuỗi ngọc nối hiện tại với quá khứ đã xa xôi. Bánh trôi bánh chay hiện đại Nếu như bánh trôi bánh chay truyền thống cho thấy một nét đẹp của bản lĩnh dân tộc trong quá trình tiếp thu, chọn lọc và cải biến tinh hoa ẩm thực Trung Quốc thì món bánh trôi bánh chay hiện đại cho thấy sự sáng tạo của người Việt trẻ. Sự sáng tạo trước hết nằm trong màu sắc. Bên cạnh màu trắng truyền thống món bánh trôi ngày nay phong phú sắc màu và đa điệu biến tấu Đông Tây. Phổ biến nhất là bánh trôi bánh chay ngũ sắc. Bao gồm các gam chủ đạo màu vàng, đỏ, tím, xanh, nâu. Nguyên liệu tạo màu phần lớn từ thực vật rất phong phú, an toàn và thân thiện như củ dền, hoa đậu biếc, bột ca cao, sô cô la, cơm gấc, lá dứa, hạt dành dành, lá cẩm tím, bắp cải tím, bí đỏ,... Khâu pha chế tạo màu cho bột vì thế cũng cầu kì hơn đòi hỏi người làm bánh không chỉ phải dụng công mà cũng cần có tư chất nghệ sĩ. Bánh trôi bánh chay hiện đại cũng biến tấu về nhân bánh như thay đường mật bằng các loại kẹo, sô cô la để giảm bớt độ ngọt, tăng độ lạ của vị giác hay có thêm dừa nạo, vani, tinh dầu thơm, nước gừng... Hoặc có thể tạo hình bánh theo sở thích và khả năng khéo léo như hình các con thú cưng khiến trẻ con thích mê mẩn. Giới trẻ thường thích thể hiện cá tính bằng màu sắc sặc sỡ và tạo hình bày biện độc lạ. Ngày tết Hàn thực vì thế tràn ngập trên các trang mạng xã hội những hình ảnh bánh trôi bánh chay đẹp lung linh. Tuy vậy, món bánh thờ cúng gia tiên luôn có sự hiện diện song song giữa truyền thống và hiện đại. Sau bữa cơm gia đình, cả nhà quây quần thưởng thức món bánh trong không khí ấm áp quen thuộc. Bánh truyền thống luôn mang đến cho người thưởng thức cảm giác về sự thuần khiết, đẹp đẽ, vẹn toàn. Bánh hiện đại mang đến cảm nhận mới mẻ lạ lẫm, hấp dẫn. Dù màu sắc nào cũng mang nét duyên, cũng chứa đựng tấm lòng son của người phụ nữ với tổ tiên, với gia đình.

Bánh trôi bắt đầu được ăn vào từ năm nào năm 2024
Bánh trôi bánh chay hiện đại - Ảnh Nha Trang

Tiết Hàn thực năm nay lặng lẽ, yên vắng hơn bởi dịch bệnh Covid-19. Vĩnh Yên không còn cảnh xếp hàng chờ đợi ở những quán bánh gia truyền. Các bà, các mẹ tranh thủ dạy con cháu làm bánh trôi bánh chay. Trẻ con nghỉ học trên trường vui vẻ vào bếp vừa học nặn bánh nấu bánh vừa nghịch ngợm. Đó cũng là cách kết nối tình cảm gia đình, là cách nối quá khứ với hiện tại để liên tiến tới tương lai qua chiếc bánh bé nhỏ trắng trong. Đừng vì cuộc sống hối hả vội vã mà bỏ qua một nếp sống cha ông. Đừng đắn đo vì mất công mất việc trong khi tiện đường mua đâu chả được. Hãy nghĩ đến tiếng cười trẻ thơ và hạnh phúc ta nhận được chuẩn bị làm một thức quà quê hương. Bà nội tôi cũng đã về với ông nội. Đến lượt mẹ tôi cùng con cháu dâng cúng ông bà món bánh dân dã đời thường tết Hàn thực mà rưng rưng. Quá khứ không mất đi mà đang hiện về gần hiện tại. Ăn một chiếc bánh nhỏ xinh và ngẫm ngợi về những điều đã qua như để nhắc nhở với lòng mình: Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao khi bản thân mình luôn giữ tâm hồn trong sáng, tròn đầy với cha mẹ ông bà, với cuộc đời như hình ảnh của chiếc bánh trôi bánh chay.