Bạn phải đón nhận kinh thánh trong tâm tình nào năm 2024

Nếu bạn đã cầu xin bình an dưới thế và không nhận được nó trong Mùa Giáng Sinh này, ít nhất bạn có thể nuôi dưỡng một cảm giác bình an trong cuộc sống cá nhân vào năm mới. Và nếu sự bình an của bạn mang bình an đến cho những người gần bạn, một phản ứng dây chuyền có thể bắt đầu! Chính tôi biết rằng khi tôi thực sự bình an, và không bị cuốn vào những lo lắng hay tập trung vào danh sách công việc cần làm, gia đình tôi trở nên bình an hơn. Nhưng cách nào để có được bình an đó ? Ở đây xin đề ra 5 cách để tìm được bình an nội tâm dựa trên những trích dẫn trực tiếp từ Chúa Giêsu.

1. Đừng mong tìm thấy sự bình an trong hoàn cảnh sống của bạn. Hãy nhìn lên Chúa.

Chúa Giêsu nói: ”Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” [Ga 16,33]. Thế gian thường điên cuồng, hỗn loạn, và nói chung thế gian không phải là một “fan” của Chúa Giêsu và giáo huấn của Người. Đó không phải là nơi chúng ta tìm kiếm bình an. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cũng cảnh báo cho chúng ta về cách mà thế gian có thể làm chúng ta mất đức tin. Người nói rằng khi gặp gian nan hay ngược đãi, chúng ta có thể đánh mất Người ngay lập tức nếu chúng ta không cắm rễ sâu. Và sau đó ”nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời”, cũng như ”khiến Lời không sinh hoa kết quả gì”. Nếu chúng ta không bao giờ dành thời gian cho Chúa, và không cố gắng làm vui lòng Người, chúng ta sẽ không bao giờ có thể khám phá sự bình an của Người.

2. Hãy hướng về phía trước. Đừng ngồi bệt xuống trước những khó khăn lớn nhỏ trong cuộc sống.

Hãy nhớ rằng mọi người đều có những khó khăn trong cuộc sống, và việc sống tốt với những khó khăn đó sẽ giúp ích cho trạng thái tinh thần của bạn, hơn là cay đắng và oán giận chúng. Chúa Giêsu nói với các môn đệ là những người muốn theo Người phải từ bỏ chính mình và ”vác thập giá mình mà theo Ta” [Mt 16,24]. Chúng ta không thể để cho những thập giá ngăn cản chúng ta theo Chúa là Đấng đã chịu đóng đinh. Đau khổ có thể có ý nghĩa, và thậm chí chúng ta có thể tìm thấy bình an trong đau khổ khi biết đón nhận nó, nhưng chỉ trong Đấng Chịu Đóng Đinh mà thôi.

3. Hãy đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Hãy rộng lượng với những người xung quanh.

Càng rộng lượng, chúng ta càng thanh thoát, thấy bình an và tự do hơn. Chúa Giêsu nói hãy mời người nghèo tham dự tiệc của bạn [Lc 14,13], cho mà không mong đáp đền [Lc 6,35], ai xin thì hãy cho [Mt 5,42], bán những gì bạn có mà cho người nghèo [Mt 19,21]. Cho đi những gì chúng ta có giúp chúng ta trở nên ít bận tâm hơn vào việc thu vén và tập trung hơn vào những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

4. Đừng xao xuyến

Chúa Giêsu nói, ”hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay ?” [Mt 6,27]. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy bình an nếu chúng ta chỉ luôn quan tâm tới những điều ngày mai sẽ đến. Việc tin tưởng vào Chúa là sức mạnh cho chúng ta. Ađam và Evà đã phạm tội trong vườn Địa Đàng vì họ không tin vào Thiên Chúa và lệnh truyền Người ban. Nhưng nếu không tin vào Chúa, chúng ta phải dựa vào chính mình. Và điều đó chỉ làm ta mệt mỏi và căng thẳng.

5. Cầu nguyện

Dành thời gian thinh lặng để phản tỉnh. Hãy xin điều bạn cần trong cầu nguyện và nó sẽ được ban cho bạn vì ”hễ ai xin thì nhận được” [Mt 7,8]. Chính Chúa Giêsu thường ”lui vào trong những nơi thanh vắng để cầu nguyện” [Lc 5,16]. Nếu Chúa Giêsu đã cầu nguyện khi còn ở thế gian, chắc chắn chúng ta cũng phải làm như thế. Người đã ban cho chúng ta Kinh Lạy Cha, một điểm khởi đầu tuyệt vời. Có lẽ trong năm nay, hãy dành một tuần hoặc vài tuần, cầu nguyện và suy niệm với mỗi câu của Kinh Lạy Cha.

Liệu đó là danh sách việc cần làm của bạn, sự cân bằng công việc trong cuộc sống, các mối quan hệ hoặc con cái đang khiến bạn căng thẳng, thì sự bình an nội tâm là có thể. Hãy nhìn vào những ưu tiên của bạn trong năm tới. Khi bạn có thể đặt ưu tiên và tin cậy vào Thiên Chúa, dù thoát khỏi sự oán giận, những thứ thừa thãi và phiền nhiễu, bạn vẫn có thể thấy mình bận rộn như trước. Nhưng trong sự bận rộn đó, bạn vẫn có thể giữ được nguồn cội và an bình trong bình an mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho bạn.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 27/1, Đức Thánh Cha đã suy tư về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống cầu nguyện. Ngài giải thích về phương pháp cầu nguyện "lectio divina" - cầu nguyện bằng Kinh Thánh

Hồng Thủy - Vatican News

Sách Giáo lý khuyến khích các tín hữu cầu nguyện bằng việc đọc Kinh Thánh, để có cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chính chúng ta. Là lời hằng sống, Kinh Thánh nói với chúng ta ở thời điểm và nơi chốn hiện tại của cuộc sống chúng ta, chiếu sáng cho những tình cảnh mới, mang lại những hiểu biết mới mẻ và thường thách thức lối suy nghĩ và nhìn thế giới theo thói quen của chúng ta.

Đức Thánh Cha giải thích về việc thực hành lectio divina – cầu nguyện bằng Kinh Thánh: đọc chậm rãi một đoạn Kinh Thánh, rồi suy niệm bản văn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để Chúa nói với chúng ta qua một từ, một câu hay một hình ảnh cụ thể. Kết quả của cuộc đối thoại trong cầu nguyện này là việc chiêm niệm, thinh lặng nghỉ ngơi trong ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha. Và Kinh Thánh trở thành nguồn bình an, sự khôn ngoan và sức mạnh vô tận khi chúng ta trưởng thành trong đức tin và thể hiện nó một cách cụ thể trong việc bác ái và phục vụ tha nhân.

Kinh Thánh được viết cho mỗi người chúng ta

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định: Những lời Sách Thánh không được viết để bị giam cầm trên các mảnh giấy cói, giấy da hay giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện và làm cho chúng nảy mầm trong lòng người đọc. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” [số 2653]. Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng hàng thế kỷ, để mang lời của Chúa đến cho tôi. Kinh nghiệm này xảy đến với mọi tín hữu: một đoạn Kinh Thánh, đã được nghe nhiều lần, bất ngờ, một ngày nào đó, nói với tôi và soi sáng cho hoàn cảnh mà tôi đang sống.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cần thiết là “tôi, ngày hôm đó, có mặt trong cuộc hẹn với Lời đó. Mỗi ngày Chúa đi qua và gieo một hạt thóc vào trong mảnh đất đời sống của chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Chúa sẽ gặp thấy mảnh đất khô cằn, gai góc hay mảnh đất tốt làm cho hạt giống đó mọc lên [x. Mc 4,3-9]. Để cho Sách Thánh trở thành Lời hằng sống của Thiên Chúa thì tùy thuộc nơi chúng ta, tùy vào việc chúng ta cầu nguyên, tùy vào tấm lòng cởi mở của chúng ta khi đến với Sách Thánh.

Chúng ta là “những nhà tạm” của Lời Chúa

Đức Thánh Cha lưu ý: Qua việc cầu nguyện, có một cuộc nhập thể mới của Lời xảy ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi lời của Thiên Chúa muốn được chào đón và được lưu giữ, để có thể viếng thăm thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp nhận Kinh Thánh mà không có những động cơ cá nhân, không lợi dụng nó. Người tín hữu không tìm trong Thánh Kinh sự ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì họ hy vọng một cuộc gặp gỡ; người tín hữu biết rằng lời Chúa đã được viết trong Chúa Thánh Thần, và do đó chúng phải được đón nhận và hiểu biết trong cùng Thánh Thần đó, để cuộc gặp gỡ có thể xảy ra.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài cảm thấy hơi khó chịu khi nghe các Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh như những con vẹt. Bạn có gặp Chúa với câu Kinh Thánh đó không? Đó không chỉ là vấn đề thuộc lòng nhưng là vấn đề ghi nhớ bằng con tim, điều đưa bạn đến cuộc gặp gỡ với Chúa. Lời đó, câu đó, đưa bạn đến gặp gỡ với Chúa.

Ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa

Do đó chúng ta đọc Sách Thánh bởi vì Sách Thánh “đọc chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích: Để có thể nhận ra chính mình trong đoạn sách này hay nhân vật kia, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia, đó là một ân sủng. Kinh Thánh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng cho chúng ta, những người nam và người nữ bằng xương bằng thịt, cho tôi. Và lời của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần truyền vào chúng ta, khi được đón nhận với tấm lòng cởi mở, sẽ không để cho mọi sự vẫn như trước đó, nhưng thay đổi chúng. Đây là ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa.

“Lectio divina”

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Truyền thống Ki-tô giáo rất phong phú về kinh nghiệm và suy tư cầu nguyện với Sách Thánh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được hình thành; nó xuất phát từ môi trường đan tu, nhưng bây giờ cũng được thực hành bởi các tín hữu thường xuyên tham gia các sinh hoạt giáo xứ.

Đức Thánh Cha giải thích: Trước hết là đọc đoạn Kinh Thánh cách chăm chú: tôi muốn nói là đọc với sự “vâng phục” bản văn, để hiểu tự bản văn có ý nghĩa gì. Tiếp đến, là đối thoại với Sách Thánh, để những lời đó trở thành nguyên nhân cho việc suy niệm và cầu nguyện: luôn luôn bám chặt lấy bản văn, bắt đầu tự hỏi mình về điều bản văn “nói với chúng ta”. Đây là một bước rất tinh tế, chúng ta không được vội vã sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một thành phần của cách thức sống động của Truyền thống, điều liên kết mỗi chúng ta với Sách Thánh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Những lời nói và ý tưởng ở đây sẽ dẫn đến tình yêu, như giữa những người yêu nhau, đôi khi nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Kinh thánh vẫn ở đó, nhưng giống như một tấm gương, giống như một bức ảnh để người ta chiêm niệm.

Lời Chúa là nguồn bình an

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Qua việc cầu nguyện, Lời Chúa đến cư ngụ trong chúng ta và chúng ta ở trong Lời Chúa. Lời Chúa soi sáng những dự định tốt đẹp và củng cố các việc làm; ban cho chúng ta sức mạnh và sự an bình, và cả khi chúng ta gặp thử thách, Lời Chúa cũng ban cho chúng ta sự bình an. Trong những ngày bối rối khó hiểu, Lời Chúa đảm bảo cho trái tim có sự tự tin và tình yêu thương cốt yếu, bảo vệ nó khỏi sự tấn công của ma quỷ.

Các thánh lưu là bản sao của Kinh Thánh nhờ dấu ấn của Kinh Thánh trong cuộc đời các ngài

Như thế Lời Chúa “nhập thể” nơi người đón nhận nó trong kinh nguyện. Có một bản văn cổ nói đến trực giác rằng các Ki-tô hữu được đồng nhất hoàn toàn với Lời Chúa đến nỗi, dù cho tất cả Kinh Thánh trên thế giới bị đốt, thì bản sao của nó vẫn được lưu lại qua vết tích mà Kinh Thánh để lại trong cuộc đời các thánh.

Đức Thánh Cha kết luận: Cuộc sống của Ki-tô hữu là một tác phẩm của sự vâng phục đồng thời của sự sáng tạo. Một Ki-tô hữu tốt phải vâng phục nhưng phải sáng tạo. Chúa Giêsu đã nói ở cuối một trong những dụ ngôn của Người: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” [Mt 13, 52]. Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban cho chúng ta, qua cầu nguyện, biết ngày càng rút ra từ kho tàng đó thêm nhiều điều quý giá.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Chủ Đề