Aeo là viết tắt của từ gì

Đánh giá tổng quan thì các quy định và quy trình về AEO của Việt Nam tới nay được Luật hóa và hướng dẫn khá đầy đủ và chi tiết. Chương trình AEO tại Việt Nam chính thức được luật hóa từ Điều 42 đến Điều 45 trong Luật Hải quan 2014 và quy định chi tiết tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP (các điều từ 9-12). Thông tư 72/2015/TT-BTC và Thông tư 07/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đã hướng dẫn chi tiết các điều kiện áp dụng, chế độ ưu tiên và thủ tục thẩm định, công nhận, đình chỉ, quản lý chế độ ưu tiên.

Tuy nhiên, có một số điều sau đây tôi đánh giá là Việt Nam đã tự hạn chế phạm vi và lợi ích của chương trình AEO và làm nó trở nên kém hấp dẫn đối với DN.

Việc công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên (AEO) đang là xu thế được cơ quan Hải quan nhiều nước thúc đẩy như là một công cụ quan trọng tăng cường lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường minh bạch, chủ động cho DN kinh doanh quốc tế, giảm tối đa thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí tuân thủ thương mại, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất đồng thời vẫn đảm bảo an ninh, an toàn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo tuyển tập về AEO của WCO 2022, trên thế giới hiện có 91 thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO song phương, 5 thỏa thuận công nhận lẫn nhau đa phương và 78 thỏa thuận công nhận lẫn nhau đang trong quá trình đàm phán.

Đầu tiên tôi muốn nói rõ về khái niệm AEO trong Khung tiêu chuẩn SAFE của WCO để thấy được cách hiểu về AEO của Việt Nam chưa đầy đủ. Theo Khung tiêu chuẩn SAFE, AEO là đối tác kinh tế được ủy quyền của Hải quan tham gia vào quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế với bất kỳ chức năng nào, được cơ quan Hải quan thẩm định và chấp thuận là tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh chuỗi cung ứng của WCO hoặc các tiêu chuẩn quốc tế tương đương khác. Loại hình AEO có thể là DN sản xuất, XNK, kinh doanh, đại lý hải quan, hãng vận tải, đơn vị gom hàng, công ty môi giới, cảng, sân bay, đơn vị điều hành containers, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà phân phối và DN giao nhận hàng hóa.

Theo WCO, trong 97 chương trình AEO đang triển khai trên toàn thế giới, gần 40 chương trình được coi là thành công với hơn 500 AEO được chứng nhận với đa dạng loại hình doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Các nước này thường đưa ra bộ tiêu chí AEO áp dụng riêng cho từng loại hình DN.

Luật Hải quan Việt Nam hiện nay đưa ra các điều kiện cơ bản để trở thành AEO bao gồm: Tuân thủ pháp luật hải quan, Thuế và Kế toán, Kiểm toán, Kim ngạch, Thực hiện thủ tục hải quan và nộp thuế điện tử và Kiểm soát nội bộ. Trong đó điều kiện về hệ thống Kiểm soát nội bộ bao gồm các tiêu chí an ninh theo quy định của WCO. Tuy nhiên các điều kiện này lại không hoàn toàn phù hợp với các loai hình DN khác trong chuỗi cung ứng như hãng vận tải, kho bãi, đại lý hải quan... Việc mở rộng đối tượng áp dụng cần có lộ trình thí điểm, do đó để giải quyết cái gốc của vấn đề thì phải sửa đổi Luật Hải quan để mở rộng chương trình AEO, đồng thời thực hiện theo đúng như khuyến nghị của WCO về các điều kiện áp dụng.

Điểm hạn chế thứ hai tôi muốn đề cập đó là các điều kiện về Kim ngạch bình quân quá cao để trở thành AEO khiến cho số lượng AEO tiềm năng trở nên rất ít. Theo quy định hiện hành thì DN phải tự đánh giá xem liệu họ có đáp ứng tất cả các điều kiện hay không, bao gồm duy trì một chương trình tuân thủ tốt, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, thực hiện thủ tục hải quan và nộp thuế điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng thêm các điều kiện về kim ngạch bình quân của 02 (hai) năm liên tục ở mức nhất định, ví dụ phải có kim ngạch XNK từ 100 triệu USD/năm trở lên, hoặc phải có kim ngạch XK hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên. Hay Đại lý thủ tục hải quan phải có số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên.

Như tôi đã nói ở trên định nghĩa về AEO của WCO không đề cập đến kim ngạch nhằm hạn chế số lượng doanh nghiệp tiềm năng trở thành AEO. Mục đích tối cao của chương trình AEO là muốn đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu được an toàn và tin cậy thì mọi đối tác trong chuỗi cung ứng đó nếu có nguyện vọng và tuân thủ các quy định về luật lệ và đảm bảo an ninh đều có thể trở thành AEO. Theo tuyển tập AEO của WCO năm 2022, nhóm các nước có nhiều AEO nhất bao gồm: Mỹ với hơn 11.020 AEO, EU có 17.895 AEO, Trung Quốc có 3.203 AEO, Hàn Quốc có 845 AEO và Nhật Bản có 706 AEO.

Có thể nói việc mở rộng phạm vi đăng ký của chương trình và điều chỉnh tiêu chí Kim ngạch sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy gia tăng số lượng AEO nhờ đó nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Chương trình AEO của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà, theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết, cơ quan Hải quan phải đáp ứng các quy định gì để tạo điều kiện tối đa cho DN nói chung và AEO nói riêng? Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này thông qua việc thực hiện chương trình AEO?

Quy định ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao trùm rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế hoặc xóa bỏ các rào cản về thuế quan và phi thuế quan tiến tới hình thành các thị trường có các chuẩn mực thống nhất về hàng hóa và dịch vụ. Trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, CTTPP hay RCEP đều có một chương về Thủ tục hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Theo đó Việt Nam và các đối tác FTA đồng ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Hải quan và hỗ trợ hành chính để đảm bảo luật pháp và các thủ tục hải quan tương ứng, đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại đồng thời đảm bảo hoạt động kiểm soát hải quan hiệu quả. Các chuẩn mực quốc tế về Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại của WTO và WCO như thực hiện Công ước HS, RKC, Khung tiêu chuẩn SAFE, Quản lý Rủi ro, Xác định trước, Bảo vệ quyền sở hữu thương mại, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh... được quy định rất chi tiết.

Một số điểm chung trong các FTA thế hệ mới là Hải quan và các cơ quan liên quan cam kết thực hiện tối đa việc đơn giản hóa thủ tục Hải quan cho DN tuân thủ đặc biệt là AEO (bao gồm cả có DN vừa và nhỏ), cam kết tạo thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng quốc tế và thúc đẩy việc thiết lập các cơ chế công nhận lẫn nhau về các chương trình AEO (viết tắt là MRA), kiểm soát hải quan kể cả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại tương đương.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hai nước tích cực nhất đi đầu trong việc đàm phán ký kết FTA cũng như AEO MRA – đó là Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại thời điểm 2022, Hàn Quốc đã ký kết 18 FTA và 22 AEO MRA đồng thời đang đàm phán MRA với Việt Nam và Nga. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã ký kết 17 FTA và 27 AEO MRA.

Với Việt Nam, mặc dù đã triển khai chương trình AEO được hơn 10 năm và đã ký kết Thỏa thuận hỗ trợ hành chính với một số nước về Hợp tác Hải quan, nhưng trước đây (2020) do quy định về thẩm quyền ký các MRA chưa rõ ràng dẫn đến tới nay Việt Nam nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng vẫn chưa triển khai được bất kỳ một MRA về DNUT.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2020, thẩm quyền ký kết MRA đã được quy định cụ thể tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Đây cũng là một nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc từng bước giải quyết các vấn đề để thúc đẩy việc ký kết MRA. Cùng với việc tham gia sâu vào nhiều FTA thế hệ mới, việc tăng cường ký kết AEO MRA để tạo điều kiện thuận lợi cho AEO tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được hưởng lợi ích không biên giới là việc chúng ta cần làm trong thời gian sớm nhất.

Theo bà, thời gian tới, Hải quan Việt Nam cần làm gì để đẩy nhanh tiến trình ký các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO để tạo điều kiện hơn nữa cho DN Việt Nam?

Việt Nam được coi là nước nổi bật nhất trong tiến trình đàm phán ký kết các FTA với 15 FTA đã ký kết và 2 FTA đang đàm phán. Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc ký kết thành công các FTA thế hệ mới với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc đàm phán ký kết các AEO MRA là bước đi tất yếu cần phải tích cực triển khai nhằm thực hiện cam kết tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra năm 2021, Việt Nam có 5 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD, 11 thị trường có kim ngạch trên 5 tỷ USD và 33 thị trường có kim ngạch trên 1 tỷ đô. Đây cũng chính là các thị trường tiềm năng để Việt Nam ký kết thỏa thuận AEO MRA nhằm giúp cho DN có được lợi thế cạnh tranh so với các DN chủ nhà tại các thị trường này.

Chương trình AEO được thiết lập trên cơ sở tự nguyện tuân thủ của DN đối với cơ quan Hải quan, do đó các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO cũng được ký kết trên tinh thần hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho DN. Theo hướng dẫn về AEO MRA của WCO thì cấp ký kết các Thỏa thuận này là Tổng cục trưởng Hải quan các nước. Hiện nay, thẩm quyền ký kết MRA theo quy định của Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hi vọng với thẩm quyền được quy định rõ ràng sẽ mở đường cho các AEO MRA được ký kết.

Khung tiêu chuẩn SAFE của WCO ngoài mục tiêu tăng cường kiểm soát an ninh, nó đề ra các chuẩn mực giúp cho các cơ quan Hải quan thành viên triển khai các vấn đề về hiện đại hóa hải quan nhờ vào các mối quan hệ đối tác với DN, với các cơ quan chuyên ngành và với Hải quan nước bạn. Theo đó giúp cho việc quản lý chuỗi cung ứng xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối. Cụ thể nó bao gồm các chuẩn mực về triển khai hệ thống tiếp nhận thông tin trước khi hàng đến cửa khẩu, phân tích rủi ro trước khi hàng đến, thiết lập hệ thống trao đổi thông tin với AEO và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước và với hải quan các nước đối tác một cách thường xuyên, liên tục… Để thực hiện tất cả chuẩn mực này đều cần có một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại tương thích với chuẩn mực thế giới, với các tiêu chí thông tin được số hóa theo định dạng thống nhất (Data Model) của WCO, xóa bỏ rào cản trong việc trao đổi thông tin, nhờ đó tăng cường hiệu quả đánh giá rủi ro, nâng cao hiệu quả quản lý và kết quả là tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Như vậy ngoài vấn đề về thẩm quyền, việc nâng cao hiệu quả hiện đại hóa thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan, số hóa dữ liệu, ứng dụng CNTT hiện đại là điều kiện cần để chương trình AEO của Việt Nam hấp dẫn hơn trong việc ký kết MRA. Đồng thời nó cũng là điều kiện để sau khi AEO MRA được ký kết, việc thực thi đi vào cuộc sống đem lại lợi ích cho DN, hải quan và cả Chính phủ.

Như thông tin hiện nay tôi được biết, Hải quan Việt Nam đang nỗ lực sửa đổi các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo tương đồng với các quy định của các nước ASEAN nói riêng, của WCO nói chung, tiến tới ký kết 1 MRA đa phương giữa 10 nước thành viên ASEAN.

Năm 2026 theo kế hoạch Luật Hải quan sẽ được sửa đổi. Đây là cơ hội để mọi vướng mắc về việc phát triển chương trình AEO và ký kết MRA như đã nêu trên được giải quyết một cách triệt để: điều chỉnh điều kiện AEO để tương đồng với quy định chung của WCO, mở rộng đối tượng được áp dụng.

Tôi tin rằng, nếu những vấn đề nêu trên được giải quyết cùng với sự quyết tâm cao của Hải quan Việt Nam, chương trình AEO cũng như việc ký kết MRA trong những năm tới sẽ phát triển rực rỡ.