Xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều

Bé D. được đưa vào viện khi có dấu hiệu ngộ độc paracetamol do sử dụng quá liều - Ảnh: BVCC

Bé trai được người nhà cho uống thuốc hạ sốt paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày, dẫn đến bé bị ngộ độc, hôn mê.

Suy gan cấp, rối loạn đông máu

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngày 14-8 khoa cấp cứu Trung tâm Sản nhi của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi T.V.D. [ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ] có dấu hiệu ngộ độc paracetamol do sử dụng quá liều.

Bước đầu tìm hiểu từ người nhà cho thấy cháu bé có triệu chứng sốt cao từng cơn, ho khò khè từ 4 ngày trước. Tuy nhiên, thay vì đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, người nhà đã tự ý cho cháu uống thuốc hạ sốt paracetamol.

Điều nguy hiểm là gia đình đã cho cháu sử dụng thuốc quá liều, cho uống paracetamol hàm lượng 500mg với liều lượng 4 viên/ngày, và thực tế đã cho cháu uống 4 ngày liên tiếp trước khi đưa cháu vào viện.

Cũng theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi gia đình cho bé vào viện, bé đã trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm.

Tại viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol. Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển lên khoa hồi sức tích cực - chống độc; tại đây, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm.

Tuy nhiên, chỉ 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, bilirubin tăng cao.

Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi trung ương tiếp tục điều trị.

Người thân của bệnh nhi cho biết trong gia đình còn có trẻ bị sốt nhẹ cũng đang cho sử dụng thuốc giống như cháu D..

Cần đi khám bác sĩ

Theo bác sĩ Phan Hồng Sáng, phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Trung tâm Sản nhi [Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ], đây không phải là trường hợp đầu tiên. Cách đây một năm, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc paracetamol.

"Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của việc bị ngộ độc thuốc, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các phụ huynh khi con sốt, ho cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn. Khi dùng thuốc phải đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý dùng thuốc. Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ" - bác sĩ Sáng khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, thực tế việc trẻ bị ngộ độc thuốc có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan khi trẻ vô tình dùng thuốc và đặc biệt có nguyên nhân chủ quan do cha mẹ tự ý cho con dùng thuốc.

Các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ cần để thuốc ngoài tầm thấy, tầm với của trẻ và tốt nhất là nên cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.

Đừng tự ý dùng thuốc

Thực tế có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc đã xảy ra với các loại thuốc hay gặp như: thuốc hạ sốt, thuốc dùng điều trị tiêu chảy [loperamid], thuốc nhỏ mũi [naptazoline], hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc á phiện, thuốc ngủ.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu là do người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ, do một số phụ huynh vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ, do cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua thuốc cho con uống... đã vô tình gây hại cho trẻ.

Thậm chí, nhiều gia đình chưa cất giữ thuốc cẩn thận, để thuốc trong các hộp đựng bánh/kẹo làm trẻ ăn nhầm, đặc biệt là những gia đình có trẻ tầm 2 - 3 tuổi, trẻ rất thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn là điều khó tránh.

Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Cũng có tình trạng khi tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi vị thành niên đang có nhiều thay đổi nên trẻ rất nhạy cảm với những xung đột trong cuộc sống, vì thế đã có nhiều trường hợp trẻ dùng thuốc để tự tử do buồn chuyện gia đình hoặc vì lý do bị điểm kém hay bị cha mẹ, thầy cô la mắng.

Khi ngộ độc thuốc, trẻ có thể bị tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn; nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Những sai lầm khi xử trí trẻ bị sốt

Tiếp xúc với các bậc cha mẹ, chúng tôi nhận thấy một số anh chị chưa biết cách hạ sốt cho trẻ trước khi đến bệnh viện.

Một số người cho rằng thuốc của bệnh viện hay hơn thuốc hạ sốt đang có, nên khi trẻ bị sốt đã không cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài ra, một số ít bậc cha mẹ còn nghĩ rằng khi trẻ sốt cao, các bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán chính xác bệnh hơn. Một số trường hợp sau khi trẻ uống thuốc hạ sốt, trẻ ói ra thức ăn lẫn thuốc, phụ huynh đã không cho trẻ uống lại thuốc vì nghĩ rằng nếu uống sẽ quá liều.

Hậu quả là trẻ bị sốt quá cao, dễ gây biến chứng như co giật [thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi], nói sảng, mất nước.

Rất nhiều người còn nhầm lẫn giữa thuốc hạ sốt dạng uống [paracetamol] và dạng đặt hậu môn [efferalgan]. Trong khi hai dạng này cùng công thức là paracetamol thì có bậc cha mẹ lại nghĩ đây là 2 loại thuốc khác nhau nên sau khi uống, trẻ vẫn chưa hạ sốt, lại nhét thuốc vào hậu môn cho trẻ dẫn tới quá liều và ngộ độc.

Tương tự, acetaminophen và paracetamol thực chất chỉ là một loại thuốc hạ sốt, nhưng có người còn nghĩ rằng đây là hai loại thuốc khác nhau nên cho trẻ uống luôn cả hai loại thuốc, có thể gây ngộ độc thuốc.

Khi trẻ sốt, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ uống hay nhét hậu môn với paracetamol liều 10 - 15mg/kg mỗi 4 - 6 giờ và không quá 5 lần trong 24 giờ. Ngoài ra, có thể lau mát bằng nước ấm, uống nhiều nước, mặc áo quần thoáng.

BS Phạm Hoàng Minh Khôi

[Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM]

Bé trai 27 tháng tuổi nguy kịch nghi do dùng Paracetamol 4 viên/ngày

XUÂN LONG

Trẻ em bị sốt là mối lo thường xuyên của mọi nhà, nhất là các gia đình mới sinh con đầu lòng. Vì quá lo nên nhiều bà mẹ thường dùng thuốc không đúng bệnh, dùng quá liều gây nhiều tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Cần lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ?

– Thuốc hạ nhiệt tác dụng lên vùng dưới đồi đưa nhiệt độ trở về 37 độ C, làm cho thân nhiệt trở lại bình thường: thuốc có loại đơn chất [paracetamol] hoặc dưới dạng phối hợp [với các chất kháng histamin, vitamin B1, C…] cần được xác định rõ trước khi dùng [tên thuốc, hàm lượng].

– Không nên dùng nhiều loại có chung tác dụng cùng một lúc dễ gây ngộ độc vì quá liều như uống viên nén tiffy, decolgen, pamin, sirô tiffy, viên đặt hậu môn, viên sủi, thuốc bột… Liều dùng thường được xác định là 60 mg/kg/ngày, chẳng hạn, cháu nặng 10 kg, mỗi ngày có thể dùng 600 mg/ngày, khoảng 15 mg/kg trong 6 giờ hoặc 10 mg/kg trong 4 giờ. Thuốc gói, thuốc viên có nhiều hàm lượng khác nhau nên phải lưu ý khi dùng.

Liều dùng hạ sốt cho trẻ thường được xác định là 60 mg/kg/ngày

– Tìm nguyên nhân để điều trị, chỉ nên dùng thuốc khi sốt cao, kéo dài. Trong y tế thường quy ước sốt dưới 38 độ C là sốt nhẹ, từ 38 đến 39 độ C là sốt vừa, từ 39 đến 41 độ C là sốt cao, trên 41 độ C là rất cao.

– Nên dùng các biện pháp hạ sốt khác song song với việc dùng thuốc: lau mát chỗ da mỏng bằng nước ấm ở nơi kín gió, cởi bỏ bớt quần áo, không đặt nằm ở nơi quá nóng, ăn nhẹ dễ tiêu, uống nước như nước chanh, nước cam, orezol… [nếu sốt cao kéo dài sẽ mất nước gây co giật], không xoa bằng nước đá, dầu gió.

– Thuốc tác dụng nhanh ở môi trường lỏng, thuốc đạn có tác dụng hiệu quả như thuốc uống, chỉ nên dùng khi trẻ không uống được [bị nôn, không hấp thụ], thời gian tác dụng chậm hơn thuốc uống.

Có thể bạn quan tâm:

Cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Trẻ sốt phát ban cần xử trí như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị sốt khi nào cần gặp bác sĩ?

– Cần theo dõi khi trẻ dùng thuốc có thể bị mẫn cảm với thuốc hay một trong những thành phần của thuốc [vì vậy, phải xem kỹ thành phần tá dược của thuốc]. Thận trọng với bệnh nhân suy gan, suy thận.

Thuốc hạ sốt hoạt chất là paracetamol có nhiều loại khác nhau về thành phần và hàm lượng, dạng bào chế như:

+ Babyplex: thuốc cốm gồm có paracetamol 325mg, vitamin B1, chlorpheniramin maleat, tá dược vừa đủ 3 g. Liều dùng: ngày uống 3-4 lần, mỗi lần như sau: Trẻ dưới 1 tuổi: 1/4 gói, từ 1-5 tuổi: 1/3 gói, từ 5-10 tuổi: 1/2 gói, từ 10-15 tuổi: 1 gói. Hòa thuốc vào chén nhỏ với nước chín, không nên đổ thẳng thuốc vào miệng.

+ Panadol trẻ em: viên nhai màu hồng vị dâu chứa 120mg paracetamol. Liều dùng: từ 1-3 tuổi: 1 viên, từ 3-6 tuổi: 1-2 viên, từ 6-12 tuổi: 2 viên. Nếu cần dùng lại sau 4 giờ. Không quá 4 lần/ngày.

+ Effe-paracetamol: gói bột sủi gồm có paracetamol 200mg, vitamin C và tá dược. Liều dùng: từ 2-6 tuổi: 1 gói x 3 lần/ngày. Từ 6-15 tuổi: 1-2 gói x 3 lần/ngày. Trên 15 tuổi: 2 gói x 3 lần/ngày.

Efferalgan 80 mg: mỗi gói có paracetamol 80 mg – thuốc bột sủi bọt. Thường được chỉ định cho trẻ em cân nặng từ 8-15kg. Lưu ý: Không dùng thuốc này trong các trường hợp mẫn cảm với paracetamol, bệnh gan nặng, không dung nạp với fructose [vì có sorbitol]. Trường hợp cần kiêng muối, hoặc ăn nhạt cần lưu ý vì mỗi gói thuốc có chứa 66 mg natri [phải trừ vào khẩu phần ăn hằng ngày].

+ Các trường hợp không dùng được thuốc đạn: dị ứng với paracetamol, bệnh gan nặng, mới bị viêm hậu môn, trực tràng, chảy máu trực tràng, thuốc có thể gây ngứa tại chỗ, tăng theo lần dùng, liều dùng, thời điểm dùng. Khi bị tiêu chảy không dùng viên đạn.

Những trường hợp sốt cần đưa trẻ đi cấp cứu

– Trẻ dưới 4 tuổi bị sốt 39 độ C trở lên.

– Trẻ sốt kèm theo cứng cổ, phồng thóp.

– Trẻ trên 4 tháng tuổi bị sốt 39 -40 độ C [đã uống thuốc nhưng không giảm sốt].

– Đã điều trị tại nhà quá 4-5 ngày vẫn không khỏi hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày.

Lưu ý:

– Đối với các loại thuốc panadol có thêm cafein chỉ dùng cho trẻ trên 7 tuổi [1 viên/lần, không quá 4 viên/24 giờ].

– Loại thuốc efferalgan codein chỉ dùng cho trẻ trên 15 tuổi

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: //www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Video liên quan

Chủ Đề