Xoắn tinh hoàn là gì

24/05/2017 08:15

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính.Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Tại trung tâm nam học bệnh Việt Đức mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, tuy nhiên tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp 5%, phần lớn các trường hợp đến muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu. Điều này nói lên tầm quan trọng của chẩn đoán chính xác xoắn tinh hoàn tại tuyến cơ sở mới làm tăng được tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn.

 
Sinh lý bệnh Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu: động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả dẫn đến thiếu máu, nhồi máu cấp tính tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể được chia thành ba loại chính, tuỳ theo giải phẫu chi tiết của trục xoắn: Loại 1: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng: Thường gặp ở trẻ lớn [Ảnh 1a] Loại 2: Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng [Ảnh 1b]

Loại 3: Xoắn tinh hoàn, mào tinh hoàn bình thường [Ảnh 1c]

Xoắn tinh hoàn thường xảy ra trên những bệnh nhân có tinh hoàn ẩn.
Nghiên cứu gần đây cho rằng nhiệt độ lạnh đột ngột và độ ẩm cao là điều kiện thuân lợi cho xoắn tinh hoàn.

Triệu chứng Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau chấn thương tinh hoàn. Phần lớn các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau. Nôn mửa có thể kèm theo đau. Nên thận trọng nếu bệnh nhân có đau hố chậu bên phải giống viêm ruột thừa, đặc biệt ở trẻ em để chẩn đoán sớm tránh bỏ sót vì lầm tưởng đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa.

Bệnh nhân thường không có các triệu chứng nhiễm trùng.

Khám lâm sàng: Tinh hoàn có thể sưng nhẹ, đỏ ửng.

Tinh hoàn treo cao và có thể nằm ngang nếu so sánh với tinh hoàn bên đối diện.

Khi nâng tinh hoàn lên bệnh nhân thấy đau nhiều hơn [dấu hiệu Prehn’s] phân biệt với viêm tinh hoàn mào tinh hoàn: Khi nâng tinh hoàn lên thì bệnh nhân đỡ đau.
Mất phản xạ cơ bìu [Cremasteric reflex]: Độ nhạy gần 100%.

Cận lâm sàng:
Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình.

Chẩn đoán phân biệt: Viêm mào tinh hoàn – Viêm tinh hoàn: Thường chẩn đoán nhầm với xoắn tinh hoàn và dẫn tới phải cắt tinh hoàn nhất. Bệnh nhân xuất hiện sưng đau đột ngột ở bìu kèm các triệu chứng của nhiễm trùng: sưng, nóng, đỏ. Siêu âm Doppler: Có hiện tượng tăng sinh mạch, nếu viêm sâu vào tinh hoàn có thể có xuất hiện những ổ giảm âm không đồng nhất – Microabcess. Xoắn phần phụ tinh hoàn: Phần phụ tinh hoàn có nguồn gốc từ ống Müller trong khi phần phụ mào tinh hoàn có nguồn gốc từ ống Wolf. Xoắn phần phụ tinh hoàn thường gặp ở trẻ em. Triệu chứng gần giống với xoắn tinh hoàn nhưng khám lâm sàng có thể thấy tinh hoàn không nằm treo cao bất thường.

Các nguyên nhân khác: bao gồm chấn thương, thoát vị bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, khối u tinh hoàn.

Viêm thừng tinh trong hội chứng viêm thành mạch dị ứng [Henoch-Schönlein].

Điều trị Nếu xoắn tinh hoàn không thể loại trừ bằng khám lâm sàng và siêu âm Doppler: mổ thăm dò khẳng định chẩn đoán và xử trí thương tổn. Trường hợp bệnh nhân đến sớm trước 6h: Mổ cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong quá trình chờ đợt có thể tháo xoắn bằng tay, kiểm tra lại bằng siêu âm doppler đánh giá sự phục hồi lưu thông mạch máu.

Trường hợp bệnh nhân đến muộn: Tinh hoàn đã tím đen hoại tử không có khả năng bảo tồn: Cắt tinh hoàn, cố định tinh hoàn bên đối diện tránh xoắn. Phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo được tiến hành một tháng sau mổ.

Chuẩn bị bệnh nhân: – Nhịn ăn – Cao lông bộ phận sinh dục

– Thử test kháng sinh

Trình tự phẫu thuật: Vô cảm: Tê tủy sống Rạch da dọc đường đan của bìu hoặc đường song song với đường đan bên tinh hoàn bên tổn thương.

Rạch qua các lớp của bìu bộc lộ màng tinh hoàn, tinh hoàn.

Đánh giá tình trạng tinh hoàn: Tinh hoàn tím đen hoại tử: Cắt tinh hoàn không tháo xoắn: Khâu cầm máu bằng Vicryl 2/0.

Bệnh nhân đến sớm: Tháo xoắn tinh hoàn, đắp huyết thanh ấm và phong bế mạc treo bằng lidocain. Nếu tinh hoàn hồng trở lại thì bảo tồn, cố định tinh hoàn. Nếu không hồi phục: Cắt bỏ tinh hoàn; Đóng vết mổ 2 lớp; Băng vết mổ.

Các biến chứng có thể xảy ra: Chảy máu, nhiễm khuẩn vết mổ

Dị ứng thuốc mê thuốc tê

TS. Nguyễn Quang, ThS. Nguyễn Duy Khánh/ Trung tâm Nam học

13/11/2020 07:28

I. Giải phẫu tinh hoàn

Tinh hoàn là một cơ quan hình trứng nằm trong bìu. Có hai tinh hoàn, tinh hoàn trái thường thấp hơn tinh hoàn phải khoảng 1 cm. Màng tinh hoàn và bao trắng bên trong bao phủ toàn bộ tinh hoàn.

2/3 phía trước của tinh hoàn là tự do, không có cấu trúc bám vào cơ bìu. Có 1 khoang ảo giữa màng tinh hoàn và bao trắng tinh hoàn. Từ đó tinh hoàn có thể di động trong vùng bìu.

Mào tinh hoàn có hình chữ C, dài khoảng 4cm, nằm dọc theo bờ sau của tinh hoàn.

Thừng tinh bao gồm các thành phần sau:

Ống dẫn tinh và bó mạch thần kinh.

Động mạch tinh hoàn.

Đám rối tĩnh mạch hình dây leo.

Thần kinh sinh dục.

Sự di chuyển của tinh hoàn: Để đảm bảo sự phát triển và tối ưu cho quá trình sản sinh tinh trùng, tinh hoàn phải di chuyển từ trong ổ bụng tới vùng bìu. Trong các yếu tốảnh hưởng đến quá trình di chuyển của tinh hoàn, dây chằng bìu tinh hoàn và áp lực của ổ bụng là yếu tố quan trọng nhất, các hormone nội tiết trong trục dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn cũng có vai trò quan trọng với quá trình này.

Vào khoảng tuần thứ 23 của thai kỳ, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ ổ bụng xuống lỗ bẹn sâu và dừng tại đó. Từ tuần 28 tinh hoàn tiếp tục di chuyển xuống bìu và hoàn tất quá trình này từ tuần 30 đến 32.

II. Sinh lý bệnh xoắn tinh hoàn

Ở trẻ sơ sinh, tinh hoàn thường chưa xuống hẳn bìu và di động nhiều. Do sự di động này mà tinh hoàn có thể bị xoắn [thường là xoắn ngoài màng tinh hoàn]. Thường phát hiện muộn sau 7 đến 10 ngày.

Ở nam giới có màng tinh hoàn bám cao hơn so với bình thường cũng như sự cố định bất thường với cơ và cấu trúc bên ngoài thừng tinh. Trục của tinh hoàn nằm ngang, khi đó tinh hoàn có thể xoay tự do quanh thừng tinh ở phía trong màng tinh hoàn. Bất thường này gặp ở 12% nam giới. Xoắn xảy ra khi tinh hoàn xoay từ 90 đến 180 độ, ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến và đi từ tinh hoàn. Xoắn hoàn toàn thường xảy ra khi tinh hoàn xoay 360 độ, có thể đến 720 độ. Xoắn không hoàn toàn hoặc một phần xảy ra với mức độ quay ít hơn.

Xoắn tinh hoàn gây tắc nghẽn hệ thống mạch máu của tinh hoàn [động mạch và tĩnh mạch], hậu quả dẫn đến thiếu máu và nhồi máu tinh hoàn.

Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của xoắn tinh hoàn là mức độ xoắn [xoắn  hoàn toàn hay không hoàn toàn] và thời gian xoắn [yếu tố đặc biệt quan trọng tới khả năng cứu được tinh hoàn hay không?]. Thời gian vàng để cứu được tinh hoàn là sau 6 giờ. Sau 24 giờ, gần như tất cả tinh hoàn xoắn đều hoại tử.

III. Nguyên nhân của xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn ngoài màng: Thường xảy ra ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh do tinh hoàn có thể xoay tự do và di động nhiều trong bìu. Bình thường tinh hoàn được treo và cố định bởi cấu trúc tinh hoàn – mào tinh hoàn ở phía sau. Trong trường hợp bất thường với dị tật “hình cái kẹp chuông” tinh hoàn dễ bị xoắn do thiếu sự cố định trong bìu và thường là xoắn tinh hoàn trong màng.

Sự phát triển không tương xứng giữa tinh hoàn và thừng tinh, sự co cơ bìu cũng có thể nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn.

A: Xoắn tinh hoàn ngoài màng

B: Xoắn tinh hoàn trong màng

IV. Dịch tễ học xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn ngoài màng chiếm khoảng 5%. Trong đó, 70% xảy ra trước sinh và 30% xảy ra sau sinh. Tình trạng này liên quan đến thai nhi có cân nặng lớn. Xoắn 2 bên thường rất hiếm gặp.

Xoắn tinh hoàn trong màng chiếm khoảng 16% các trường hợp. Thường gặp ở nam giới dưới 30 tuổi, hay gặp nhất ở độ tuổi từ 12-18. Tỷ lệ mắc xoắn ở nam giới dưới 25 tuổi là khoảng 1/4000. Tinh hoàn bên trái hay gặp hơn bên phải. Xoắn 2 bên chiếm 2% tổng số trường hợp xoắn.

Một số trường hợp báo cáo xoắn tinh hoàn có tính chất gia đình. Trong một nghiên cứu trên 70 bé trai bị xoắn tinh hoàn thì 11,4% người bệnh có tiền sử gia đình ít nhất 1 thành viên bị xoắn tinh hoàn trước đó.

Chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề PHÁT HIỆN SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ XOẮN TINH HOÀN” vào 15h00 ngày 18 tháng 11 năm 2020 [thứ Tư]. Chương trình sẽ phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của bệnh viện: Fanpage: facebook.com/bvvietduc; Youtube:youtube.com/benhvienvietduc1906.

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học

Video liên quan

Chủ Đề