Trẻo trẻo là gì

Người thơ trong trẻo

Chân dung nhà thơ Trần Anh Thái qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Không hiểu sao cứ nghĩ đến nhà thơ Trần Anh Thái là ngay lập tức tôi lại hình dung ra sự trong trẻo. Không phải vì anh hay dùng từ này với một ngữ điệu rất đặc biệt, lưỡi uốn cong đến tận cùng theo kiểu dân miền trung, dù anh là người Tiền Hải, Thái Bình. Cũng không phải vì trong trẻo là cách anh hay nhận định về một điều gì đó thật tốt đẹp. Chẳng hạn như một bài thơ, một câu thơ, một hành động, một nghĩa cử hay lớn hơn là một con người. Mà bởi trong trẻo là từ thích hợp nhất dành cho con người anh. Một người thơ trong trẻo.

Có một lần, đã lâu lắm, tôi với Trần Anh Thái ngồi uống bia ở quán bia hơi Trần Bình Trọng. Quán này nay đã bỏ. Nhớ và nhắc đến quán này bởi câu chuyện hôm ấy giữa tôi và Trần Anh Thái ấn tượng, tạo sự sâu đậm, khắc vĩnh viễn vào trí nhớ của tôi.

Hôm ấy hai thằng gọi món rạm rán. Rạm giống như cua, được ướp muối mặn chát, là món ăn hay dùng trong thời bao cấp nghèo khó của dân miền bắc. Dân ta có mốt hay quay trở lại những thứ rất bình thường và đại chúng của quá khứ để tôn thành đặc sản của hiện tại. Rạm là món ăn như vậy. Hôm ấy tôi đặc biệt thích thú với món rạm rán. Và Trần Anh Thái trầm ngâm kể về con rạm ở cửa sông Tiền Hải đổ ra biển quê anh. Anh kể về người cha đã mất từ lâu dẫn anh đi bắt rạm trứng. Đến bữa, cha ngồi tỉ mẩn khêu từng tí trứng một ra bát cho anh ăn. Thái bảo khêu trứng rạm khó lắm vì nó có ít. Quãng non nửa bát trứng ông khêu mất đến cả tiếng đồng hồ. Thái kể về trứng rạm nhưng lại hiện ra trong tôi ảnh hình một người cha thương con đến cỡ nào với tấm lòng thật bình dị nhưng lớn lao, cao cả. Tôi nghĩ về cha tôi và cứ thế nước mắt tuôn trào. Cái bát trứng rạm cha anh khêu ám ảnh tôi đến mức khi về quê anh lần đầu tiên, chứng kiến ngôi nhà ngói cũ xưa với mảnh sân gạch trong một đêm trăng sáng vằng vặc, tôi đã hỏi Trần Anh Thái nơi cha con anh ngồi khêu rạm. Cũng cần phải nhắc, Trần Anh Thái gọi món trứng rạm đó là món ăn trong trẻo.

Tôi viết văn xuôi, không làm thơ và nói thật rất ngại dân thơ. Ở những nhà thơ có cái gì đó rất khó cắt nghĩa. Họ vừa phức tạp khó chơi, vừa điệu đàng và hay diễn. Cư xử của họ không thẳng tuột như dân văn. Tư duy thơ cũng khác văn xuôi, nó trúc trắc và sâu ở mọi nhẽ. Nói thế nhưng khi chơi với Trần Anh Thái, tôi thấy anh dù bội phần phức tạp nhưng lại rất dễ thương.

Trần Anh Thái dành toàn bộ cuộc đời mình cho thơ. Anh tôn sùng thơ, coi thơ thiêng liêng như thánh thần. Gần gụi hơn, thơ là nhịp thở, là lẽ sống. Ngồi ở bất cứ đâu, với nhà văn nào, Trần Anh Thái cũng tuyên ngôn, chỉ thơ là số một, văn xuôi và nhà văn là thứ bỏ đi. Chả cứ tôi, những nhà văn đàn anh như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh... cũng rất ngại khi chẳng may nhỡ miệng đụng chạm gì đến thơ, coi như xong om cuộc tụ tập đấy bởi Trần Anh Thái sẽ nổi giận và sẵn sàng xúc phạm lại kẻ mà anh cho là đã xúc phạm thơ.

Có một lần khi trường ca Đổ bóng xuống mặt trời của anh vừa ra mắt và giành được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - vốn là vinh dự và mơ ước của mọi người cầm bút, một nữ nhà báo chỉ vì trót nói nhầm tên sách là đổ móng xuống mặt trời mà bị Trần Anh Thái mắng xa xả. Đám bạn quen tính anh không sao nhưng nữ nhà báo bị một phen sợ mất mật.

Tôn sùng thơ nhưng Trần Anh Thái lại rất tự hào về một cuốn tiểu thuyết anh viết về chiến tranh. Vốn là một người lính chiến đấu ở chiến trường miền Trung Nam Bộ, anh đã rất thành công với Số phận nghiệt ngã - một tiểu thuyết về chiến tranh và tình yêu. Nhưng Trần Anh Thái cũng chỉ coi đấy như là một kỷ niệm đẹp về đời lính. Với anh, thơ mới là đỉnh cao trí tuệ, mới là đền đài thiêng liêng.

Thái thành công nhiều ở trường ca. Anh đã có bốn tập trường ca đều nổi tiếng và giành những giải thưởng lớn. Mỗi tập, Trần Anh Thái viết trong chừng hai năm. Và khi đó anh như đàn bà ở cữ, kiêng khem đủ điều. Tắt điện thoại, tránh những cuộc gặp bạn bè, thậm chí bỏ rượu, ép xác để đóng cửa viết. Ngày chưa về hưu, chỉ lúc phải tới tòa soạn, Thái mới chịu rời khỏi tháp ngà. Sau mỗi cuốn trường ca, người anh rộc đi, hốc hác và sụt cân. Đó cũng là lúc anh có thể cười cười bảo, xong rồi. Nếu có ai hỏi nó thế nào, Thái uốn lưỡi rất hồn nhiên. Nó trong trẻo!

Tôi không mấy hiểu thơ nhưng đọc Trần Anh Thái thấy vỡ rất nhiều điều từ cuộc sống. Không phải nhà thơ nào cũng làm được như thế. Có những câu thơ của Thái đọc một lần là nhớ mãi kiểu như hài hạnh phúc đã bao người ướm. Chỉ thế, tưởng đơn giản mà đọng lại chân lý, mà làm day trở cõi nhân sinh thậm chí là vật vã của kiếp người. Đọc thơ Trần Anh Thái bao giờ tôi cũng buồn, rất buồn. Có lẽ nỗi buồn số phận của thơ Thái là hiện thân chính con người anh. Tôi có cảm giác kể cả lúc cười, anh cũng buồn. Với một người theo binh nghiệp cả đời như Trần Anh Thái, từ lúc quân hàm binh nhì đến đại tá khi về hưu thì nghiệp thơ vận vào anh có lẽ lại là sự may mắn. Bởi nỗi buồn của anh đắc dụng cho thơ.

Trần Anh Thái làm báo Quân đội Nhân dân. Tất nhiên là anh làm mảng văn nghệ. Vậy mà từng có thời anh là phóng viên kinh tế. Chỗ này tôi nghi ngờ không hiểu anh viết về lĩnh vực này thế nào khi bản thân Thái là người tuyệt đối không biết làm kinh tế. Cảm giác anh sống không cần vật chất mà chỉ cần thơ. Túi có bao nhiêu tiền chả cần biết, mà cũng hiếm khi có nhiều. Nhà một căn hộ là vừa đủ, không cần phấn đấu, dù tôi biết Trần Anh Thái có không ít những cơ hội kiếm ra tiền. Có lẽ một nhà thơ đích thực hay nói theo ngôn ngữ trong trẻo của anh là phải như thế chăng?

Tôi có những người bạn văn mà nói thật là chơi với họ phải chịu đựng. Có lẽ quá yêu quý nhau nên mới phải hạ mình thế. Trần Anh Thái là một người trong số đó. Chỗ này cũng phải nói thêm, tính tôi cũng cực khó chịu và ngông ngạo nên chắc bạn bè cũng phải chịu đựng không ít. Thái ít nhậu nhẹt nhưng mỗi lần uống là một lần say. Khi say, Thái cũng khác người. Anh như biến thành một con người khác. Lúc ấy mắt Thái sáng rực và anh nói tuồn tuột những điều mình nghĩ không cần kiềm chế. Mỗi lần như thế không khỏi làm người đối diện đau đớn. Tôi cũng đôi lần bị như vậy, sau mỗi lần là nguyện rằng cạch mặt thằng nhà thơ điên này, nếu còn chơi tiếp mình không phải là giống người. Nhưng chỉ sáng sau thôi, Trần Anh Thái đã gọi điện giọng khê đặc nói tôi ốm nặng rồi, tôi ân hận lắm, Tiến ơi đừng giận bạn, tôi tệ thế đấy. Kết cục là tình thế đảo ngược. Lại phải dỗ dành, lại phải động viên, Thái đừng nghĩ ngợi, đừng ốm, không có gì cả, chuyện tầm phơ thôi mà, thề là tôi không giận. Mà không giận thật. Với một người trong trẻo như thế, nếu có giận đúng không phải giống người thật.

Mọi sự khác biệt, ở Trần Anh Thái đều có. Không lạ, bởi Trần Anh Thái là thế. Và tôi đã không nhầm, khi coi anh là một người thơ - Người thơ trong trẻo.

PHẠM NGỌC TIẾN

Video liên quan

Chủ Đề