Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ review

Ai trong chúng ta rồi cũng đều phải bước qua những năm tháng vô tư, hồn nhiên để đến với cánh cửa mới mang tên “trưởng thành”. Đó là chặng đường mà mỗi người đều nếm trải sự chênh vênh ở cái ngưỡng không còn trẻ mà cũng chẳng trưởng thành, không lạc lối nhưng cũng chẳng thể tìm cho mình một ngã rẽ riêng.

Tôi đến với những trang sách của Asai Ryo vào một ngày Hà Nội mới chớm vào thu và khi chính bản thân mình cũng đang ở cái ngưỡng của sự trưởng thành. Đối với tôi, “ Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ ” là một điều gì đó hết sức đặc biệt. Cuốn sách ấy vừa giống như một lời thủ thỉ, tâm tình lại vừa như bức thông điệp truyền cho con người ta những bài học đầy ý nghĩa.

“Tuổi trẻ của chúng ta luôn có một giai đoạn, mà lúc đó, chúng ta hoài nghi về chính bản thân mình. Không biết làm gì, không biết đi đâu, càng không biết mình là ai”. Đó chính là tuổi trẻ của những nhân vật mà nhà văn Asai Ryo đã xây dựng trong cuốn sách của mình. Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến Takuto – cậu thanh niên ít nói, rụt rè, ngay đến cả lời tỏ tình với người con gái mình yêu cũng không dám nói. Bỏ qua những cơ hội bày tỏ để rồi đến cuối cùng anh và cô gái mình yêu lại trở nên xa cách mãi mãi.

Mizuki thì luôn khiến người ta cảm thấy cô nàng đang tự thu mình vào một thế giới riêng mà khó ai có thể bước vào được. Tự ti vì gia cảnh, nghĩ rằng mình không thể nào sánh được với bạn bè, Mizuki tự xa lánh, tách biệt với thế giới xung quanh. Mizuki vui tươi, yêu đời bỗng trở thành một cô nàng chi li, tính toán trong các mối quan hệ. Tận sâu trong trái tim, cô không mong có ai đó sẽ mang đến hạnh phúc cho mình vì chẳng ai muốn dành trọn tình cảm cho một người chỉ biết nghĩ đến bản thân.

Còn với Takayoshi – cậu quý tử luôn sống ỷ lại vào cha mẹ, cậu không muốn phải bỏ công sức để làm bất cứ điều gì. Được lớn lên trong căn nhà ấm áp, được chăm sóc tỉ mỉ trong từng bữa ăn,… tất cả khiến cậu thanh niên này trở nên lười biếng và phụ thuộc vào cái lồng yêu thương do cha mẹ tạo ra.

Cuối cùng nhân vật mà có lẽ được nhiều người thích nhất là Kotoro – chàng trai với cá tính âm nhạc khác biệt mà mỗi lần lên sân khấu luôn nhận về “những ánh đèn flash của máy chụp hình chớp nhoáng sáng lòa sân khấu”. Đam mê là vậy, nhưng rồi đến khi hồi chuông cuối cùng của thời học sinh vang lên cũng là lúc Kotoro chia tay ban nhạc. Anh bạn phải vụt chạy đi tìm kiếm công việc làm ổn định thay vì cứ mải mê khao khát với ước mơ “rẻ tiền” ấy.

Bốn con người với bốn câu chuyện riêng đã được ngòi bút của nhà văn Asai Ryo khéo léo sắp xếp để họ cùng gặp nhau ở một điểm hẹn mới trong cuộc đời. Công cuộc tìm kiếm việc làm của bốn cô cậu sinh viên được miêu tả sống động, chân thực theo đúng với tính cách, tâm lý của mỗi người. Để rồi, khi lướt qua câu chuyện của các nhân vật, có đôi lúc chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của chính mình trong đó.

Từng trang viết của nhà văn đều phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, trong đó có cả những chông chênh của tuổi trẻ trong hành trình tìm kiếm bản thân. Thu mình trong lớp vỏ tự ti như Mizuki hay sống mãi với nỗi ân hận muộn màng như Takuto? Chọn lựa một hướng đi mới như Kotoro hay cứ mãi để cuộc đời phụ thuộc vào cha mẹ như Takayoshi? Câu hỏi đặt ra cho các nhân vật nhưng dường như bất cứ độc giả nào khi cầm trên tay cuốn sách cũng đang tự đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình.

Khi còn bé ai cũng nhìn cuộc sống qua những lăng kính ngây thơ và hồn nhiên nhất. Cứ nghĩ rằng khi lớn lên rồi tự bản thân mình sẽ làm nên điều tuyệt diệu. Thế nhưng như Asai Ryo đã viết: “Cuộc sống chẳng khi nào là dễ dàng cả. Nếu đang cảm thấy dễ dàng, thì chắc chắn có người đang thay ta gánh chịu phần không dễ dàng ấy rồi”. Ai rồi cũng sẽ trưởng thành và sự trưởng thành đó chưa bao giờ là dễ dàng. Cạm bẫy, lừa lọc, vô cảm và thực dụng, tất cả khiến con người ta dường như trở nên yếu đuối hơn thế nhưng tuổi trẻ của ai chẳng cô đơn, mệt mỏi, thậm chí là bế tắc. Tất cả rồi sẽ bước qua như thế nào?

Ngòi bút của Asai Ryo quả thực tài năng khi từng hơi thở, từng con chữ, từng mảnh ghép số phận trong cuộc hành trình tìm kiếm bản thân của những người trẻ đang lạc lối ấy đều được nhà văn góp nhặt và đưa vào câu chuyện của mình. Và có lẽ điều làm tôi thích nhất ở “ Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ ” chính là ở cảm xúc tự nhiên, chân thành mà tác giả mang đến. Không cần phải phê phán, chê bai, cuốn sách vẫn chạm đến trái tim người đọc bởi những điều đơn thuần nhất.

“Khi nỗ lực, người ta không để ý họ làm vì ai, làm vì điều gì. Nỗ lực không phải là lăn lóc trên Internet hay mạng xã hội. Mà nó đang ở ngay đây, trong chuyến tàu sắp sửa vào ga với máy sưởi chạy quá đà, giữa một ngày tháng Hai rét buốt”. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về những bài học đường đời đầu tiên giành cho tuổi trẻ, tác phẩm của Asai Ryo đã đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất Nhật Bản – Naoki lần thứ 148 và chuyển thể thành bộ phim ăn khách Namimono. Cuốn sách đến từ xứ sở hoa anh đào đã trở thành hành trang quý giá trên mỗi chặng đường cho những ai đang và sẽ đi qua những năm tháng thanh xuân rực rỡ.

Cảm ơn tác giả, cảm ơn vì những giá trị chân thành mà nhà văn mang đến cho các thế hệ bạn đọc!

About The Author

Thư Lê Thị

Xin chào! Tôi là Thư. Tôi yêu sách và yêu tất cả những gì viết về sách. Tôi đọc sách vào những lúc vui, những khi yêu đời và đôi khi giữa những nỗi buồn của cuộc sống tôi cũng tìm đến sách như tìm đến một người bạn tri kỉ. Nếu bạn cũng có niềm đam mê với sách, hãy kết nối với tôi - chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa và phát triển tình yêu đối với văn hóa đọc.

Chủ Đề