Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng

Mười năm tài chính tiêu dùng: Cơ hội tăng tốc vẫn còn ở phía trước

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng khoảng 3 lần trong vòng 10 năm qua. Thế nhưng, so với các nước trong khu vực, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng nước ta chưa cao. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường này còn rất lớn, song sự cạnh tranh cũng đang ngày càng gay gắt. 

Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng
FE Credit hiện có hơn 11 triệu khách hàng

Sự trỗi dậy của nhóm công ty tài chính

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình 20%/năm, còn nếu so với năm 2012, dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng 2,5 lần.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, trong 10 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể cả về chất và lượng. Sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang giúp nền kinh tế có thêm nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện…

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh đã thỏa mãn được phần nào cơn khát vốn của người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Riêng FE Credit - hiện chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng - đã có hơn 11 triệu khách hàng, 19.000 điểm bán trên toàn quốc, 9.500 đối tác chiến lược, tổng dư nợ cuối năm 2020 đạt 66.000 tỷ đồng.

Không chỉ ngăn chặn tín dụng đen, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, những năm qua, cho vay tiêu dùng nói chung và nhóm công ty tài chính tiêu dùng nói riêng đã kích thích sản xuất tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Mặc dù tiêu dùng nội địa chưa phải là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, song về lâu dài, phải biến cầu tiêu dùng thành động lực tăng trưởng lớn. Lấy ví dụ ở một số nước cho vay tiêu dùng chiếm tới 40-47% tổng dư nợ cho vay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có giải pháp kích thích vay tiêu dùng để thị trường nội địa ngày càng phát triển.

Thống kê của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho thấy, nếu tách riêng mảng tín dụng bất động sản nhà ở, thì cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 15-35% của các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc…

Bứt phá nhờ số hóa

Không chỉ các chuyên gia nghiên cứu, mà bản thân các công ty tài chính tiêu dùng cũng đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường cho vay tiêu dùng. Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit nhận định: "Mặc dù thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam những năm qua có tốc độ phát triển rất nhanh, song quy mô thị trường chưa tương xứng với tiềm năng của dân số Việt Nam. Tôi kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của thị trường này sẽ ở mức 2-3 lần so với hiện tại".

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, Tổng giám đốc FE Credit kỳ vọng, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn các nước trong khu vực.

Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến ngành cho vay tiêu dùng trên thế giới sụt giảm mạnh (doanh thu ước giảm 25%, lợi nhuận giảm gần 200% - theo số liệu của FiinGroup), song tại Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn hoạt động khá ổn định, lợi nhuận tốt. Chưa kể, Covid-19 cũng đang thay đổi rất lớn thói quen, hành vi tiêu dùng của khách hàng theo hướng gia tăng thanh toán không tiền mặt. Đây là điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính mở rộng khách hàng qua kênh số hóa. Riêng FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP…

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá. Doanh nghiệp nào chuyển hướng chiến lược kinh doanh sớm sẽ tận dụng được cơ hội. Trên thực tế, dù thu nhập người dân đã bị giảm sút bởi Covid- 19, nhưng nhu cầu vay vẫn rất lớn.

“Các công ty tài chính nên rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp. Các công ty tài chính cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản thị trường để có thể lường đón và kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, để khai thác miếng bánh thị trường, các công ty tài chính cũng cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (fintech, cho vay ngang hàng, mobile money…). Các công ty tài chính có thể thay đổi quan điểm khi xem fintech là đối tác cùng phát triển lâu dài, cùng hợp tác để phát triển tài chính tiêu dùng số…

Năm cơ hội để tài chính tiêu dùng tăng tốc

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang có 5 cơ hội lớn để phát triển.

Thứ nhất, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn, bởi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế (6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2030), tăng thu nhập của người dân (khoảng 6%/năm đến năm 2030) là tương đối khả quan, trong khi quy mô tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn.

Thứ hai, Chính phủ đã có và sẽ tiếp tục một số gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chính phủ cũng chủ trương phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm tín dụng đen.

Thứ ba, nhu cầu, định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của các tổ chức tín dụng cùng với định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Những năm gần đây (không kể năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn, nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng.

Cuối cùng, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.

Đương nhiên, ngoài các điều kiện thuận lợi của thị trường, muốn phát triển, tài chính tiêu dùng cũng cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đặc biệt là về hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ cả bên vay và bên cho vay, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô nhỏ và vừa phát triển để thị trường thêm đa dạng, sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để đẩy nhanh quá trình phát triển tài chính số...

Thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cho vay cá nhân sẽ là "miếng bánh ngon" đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

"Nền kinh tế đang phục hồi, nếu mở rộng cho vay cá nhân và hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đặc biệt là các tiểu thương, sẽ là cách làm ăn tốt nhất với các ngân hàng vì nhu cầu vay vốn của các đối tượng này sẽ tăng cao tháng cuối năm”, ông Nghĩa nói.

Tăng trưởng nhanh nhưng còn nhiều dư địa

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng rất lớn và đầy tiềm năng khi mà tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình chiếm tới khoảng 80% GDP. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP của Việt Nam mới chỉ ở mức 28%. Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ này còn khá khiêm tốn, như Malaysia ghi nhận mức 57%, ở Thái Lan là hơn 38%... Vì vậy, thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng

Dự báo nhu cầu vay tiêu dùng năm 2021 tiếp tục tăng trưởng cao, vàokhoảng 13-15%.

Thực tế, thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tín dụng sản xuất, kinh doanh chậm lại, các ngân hàng đã đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó có cho vay tiêu dùng, dịch vụ... BIDV là một ví dụ điển hình khi dư nợ bán lẻ năm 2021 đã tăng trưởng gấp 12 lần so với năm 2011, từ chiếm tỷ trọng 13,3% tổng dư nợ tín dụng lên gần 38%.

Báo cáo tài chính quý III vừa qua cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể như VIB nối dài các quý liên tiếp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tăng tới 32% so với cùng kỳ, tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng bán lẻ và kênh số hóa, tiếp tục nằm trong top các ngân hàng hoạt động hiệu quả với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 29%

Tương quan này cho thấy lợi nhuận đã không còn dựa quá nhiều vào mở rộng tài sản và đẩy cao tăng trưởng tín dụng như truyền thống hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam nhiều năm trước. Thay vào đó, mô hình và chiến lược bán lẻ, phát triển mạnh dịch vụ, cho vay tiêu dùng trở thành động lực cho hiệu quả hoạt động.

Quan sát trên thị trường gần đây có thể thấy, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng, vay mua nhà, mua ô tô… của người dân, nhiều ngân hàng đã và đang tung ra các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất khá hấp dẫn.

Dự báo nhu cầu vay tiêu dùng năm 2021 tiếp tục tăng trưởng cao, vào khoảng 13-15%.

Điển hình, Sacombank triển khai gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng… Hay như BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng ngắn hạn hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần đánh giá, cho vay tiêu dùng là thị trường rất tiềm năng và cũng là “cứu cánh” trong việc phát triển sản phẩm và cạnh tranh của các ngân hàng:“Trong mấy năm qua, các ngân hàng phải tự động nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, đảm bảo hạn chế rủi ro nhưng vẫn “phủ sóng” được nhóm khách hàng này”.

Một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụngtham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn (84%).

Về nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm trong quý III/2021 của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có hơn 1,8 triệu người thiếu việc làm, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

“Trong bối cảnh này, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. Cho vay tiêu dùng là một trong 3 động lực của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay, do đó cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng nội địa”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó có cho vay tiêu dùng giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro về nợ xấu do điều kiện cho vay sẽ cao hơn. Đồng thời, cho vay cá nhân và hộ gia đình thường là những món vay nhỏ, lãi suất bình quân hiện nay trung bình khoảng 28%/năm.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, tài chính tiêu dùng là một trong những yếu tố giúp kích thích tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn dài giãn cách xã hội, thông qua đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó ngân hàng tăng thu lợi nhuận. Hơn nữa, phát triển cho vay tiêu dùng thực chất, hiệu quả sẽ tạo lập được thói quen cho người dân khi có nhu cầu vay để chi tiêu sẽ tìm tới các ngân hàng, công ty tài chính, hạn chế rơi vào bẫy tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ".

Huyền Anh