Thông tư hướng dẫn luật sở hữu trí tuệ

Ngày 23/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP [sau đây gọi tắt là “Nghị định”] quy định chi tiết một số điều khoản tương ứng trong Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi [dưới đây gọi tắt là “Luật SHTT sửa đổi] mà đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Nghị định đưa ra các điều khoản thay đổi và bổ sung cho hệ thống luật sở hữu trí tuệ.

Theo hệ thống pháp luật của Việt Nam, các nghị định nói chung được ban hành để cụ thể hóa và hướng dẫn áp dụng các quy định trong luật. Do đó, thông thường, các nghị định sẽ được ban hành đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật để các điều khoản trong luật có thể được áp dụng kể từ ngày có hiệu lực. Trong trường hợp này, Nghị định về sở hữu trí tuệ được ban hành sau Luật SHTT sửa đổi khá muộn, dẫn đến sự chậm trễ trong việc xử lý một số vấn đề sở hữu trí tuệ của Cục sở hữu trí tuệ [dưới đây gọi tắt là “Cục SHTT”] trong suốt thời gian qua do không có quy định hướng dẫn tương ứng.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn bao gồm các thông tư được ban hành bởi các Bộ ngành liên quan để hướng dẫn chi tiết hơn nữa các điều khoản trong luật và nghị định. Do đó, dự kiến các thông tư mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Phần dưới đây tập trung vào một số thay đổi /bổ sung liên quan đến sáng chế và kiểu dáng công nghiệp theo Nghị định mới ban hành.

I. Sáng chế

1. Thủ tục kiểm soát an ninh /Cấp phép nộp đơn ở nước ngoài

Các văn bản pháp luật cũ chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Nghị định mới ban hành đã cụ thể hóa điều khoản của Luật SHTT sửa đổi và quy định chi tiết về vấn đề này. Theo Nghị định, người nộp đơn có thể dễ dàng xác định được sáng chế của mình có cần kiểm soát an ninh hay không.

Theo Điều 89a.1 của Luật SHTT sửa đổi, nếu sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam [như công ty Việt Nam], người nộp đơn chỉ được phép nộp đơn sáng chế ở nước ngoài nếu đơn đăng ký sáng chế đã được nộp tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.

Điều 14 của Nghị định quy định chi tiết về thủ tục kiểm soát an ninh, cụ thể là tại Điều 14.1 [Phụ lục VII] liệt kê danh mục lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng như được đề cập đến trong Luật SHTT sửa đổi. Các lĩnh vực này bao gồm:

1. Vũ khí bao gồm đạn dược; vũ khí hoá học, sinh học, hạt nhân và các loại vũ khí khác dùng trong quân sự.

2. Vật liệu nổ.

3. Trang thiết bị quân sự.

4. Thiết bị, công nghệ được sử dụng cho các hoạt động tình báo, phản gián, điều tra tội phạm.

5. Công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ sử dụng trong các hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự.

Với danh mục quy định này, người nộp đơn có thể xác định xem sáng chế của mình có cần kiểm soát an ninh trước khi nộp đơn ở nước ngoài hay không. Ví dụ, các sáng chế được tạo ra ở Việt Nam trong các lĩnh vực như nhu cầu thiết yếu của con người, nông nghiệp, nội thất, v.v. thì rõ ràng không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng theo danh mục, được miễn kiểm soát an ninh và không yêu cầu nộp đơn trước tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sáng chế trong các lĩnh vực như hóa học, vật lý, điện, v.v. nếu có thể có tác động nhất định đến an ninh, quốc phòng thì có thể phải chịu các thủ tục kiểm soát an ninh.

Trong quy trình kiểm soát an ninh, việc đánh giá sáng chế có thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng hay không được thực hiện bởi cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo Nghị định, nếu người nộp đơn có ý định nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài sau khi nộp đơn cho Cục SHTT thì phải thông báo cho Cục SHTT bằng văn bản về ý định của mình. Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi nhận được thông báo, Cục SHTT sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ để xác định xem sáng chế có thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng hay không. Nếu có nghi ngờ, Cục SHTT sẽ chuyển vấn đề đến cơ quan có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để đánh giá. Trong thời hạn 03 tháng, cơ quan có trách nhiệm sẽ ban hành kết quả đánh giá. Người nộp đơn cũng sẽ được thông báo về việc tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong thời hạn vòng bảy ngày kể từ ngày chuyển tiếp.

Nếu kết quả đánh giá của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xác nhận sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng, Cục SHTT sẽ thông báo cho người nộp đơn trong thời gian 20 ngày. Người nộp đơn sẽ được yêu cầu chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế mật trong thời hạn 01 tháng, trừ khi người nộp đơn có thể chứng minh rằng sáng chế không có tác động đến an ninh hoặc quốc phòng, đối với các đơn quốc gia. Đối với các đơn quốc tế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế [đơn PCT], Cục SHTT sẽ hủy đơn trừ khi người nộp đơn chứng minh được sáng chế không thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng.

Nếu Cục SHTT không nhận được kết quả đánh giá từ Bộ quốc phòng và Bộ Công an trong thời hạn 03 tháng hoặc nếu kết quả đánh giá cho thấy sáng chế không thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng, Cục SHTT sẽ tiếp tục quy trình thẩm định đơn và thông báo cho người nộp đơn trong thời hạn 01 tháng. Sau đó, người nộp đơn có thể tiến hành nộp đơn ở nước ngoài. Nhìn chung, quy trình kiểm soát an ninh kéo dài khoảng 05 tháng.

Một số điểm lưu ý:

♦ Luật SHTT sửa đổi và Nghị định không cụ thể hóa rõ ràng tình huống mà sáng chế được tạo ra một phần tại Việt Nam.

♦ Tương tự, các văn bản pháp luật này cũng không đưa ra cơ chế để người nộp đơn yêu cầu đánh giá độc lập để nộp đơn ở nước ngoài sớm hơn. Theo Nghị định, người nộp đơn sẽ phải nộp đơn đăng ký sáng chế để trải qua quy trình đánh giá.

♦ Ngoài ra, theo Điều 20 của Nghị định, với tư cách là Cơ quan tiếp nhận đơn PCT, Cục SHTT sẽ xem xét các điểm yêu cầu bảo hộ của đơn PCT để xác định xem đối tượng yêu cầu bảo hộ có phải là Bí mật nhà nước – sáng chế mật hay không. Nếu đúng, Cục SHTT sẽ không chuyển đơn cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới [WIPO] và Cơ quan tra cứu quốc tế. Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam có thể được nộp cho Cục SHTT với tư cách là Cơ quan tiếp nhận PCT hoặc nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Nghị định không đề cập đến vấn đề Bí mật nhà nước trong trường hợp đơn được nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế.

Chúng tôi hi vọng các thông tư sửa đổi sẽ làm rõ các điểm này.

2. Thù lao cho tác giả [cũng áp dụng cho kiểu dáng]

Theo luật SHTT, chủ sở hữu bằng sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Trong trường hợp không có thỏa thuận nào, các luật đưa ra các quy định về thù lao, chẳng hạn như “mức thù lao cố định”. Tuy nhiên, luật không nêu rõ khung thời gian thanh toán như được đề cập trong Nghị định.

Theo Điều 35.3 của Nghị định, nếu chủ sở hữu và tác giả sáng chế không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì tiền thù lao phải được trả trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc không muộn hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính nếu thù lao được tính theo quy định tại Điều 135.1.a của Luật SHTT [10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng].

3. Điền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm

Điều 131a của Luật SHTT sửa đổi quy định việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm. Thủ tục chi tiết để yêu cầu đền bù này được nêu tại Điều 42 của Nghị định.

Theo đó, chủ sở hữu sáng chế có thể yêu cầu đền bù bằng cách nộp đơn yêu cầu kèm theo xác nhận việc cấp phép lưu hành dược phẩm bị chậm trễ do cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành cấp. Tuy nhiên, việc đền bù chỉ có thể được thực hiện sau khi dược phẩm được cấp phép.

Ngoài ra, khi dược phẩm được sản xuất bằng cách sử dụng nhiều sáng chế, có thể yêu cầu đền bù cho tất cả các sáng chế liên quan.

4. Dạng văn bằng bảo hộ sáng chế [cũng áp dụng cho kiểu dáng và nhãn hiệu]

Lần đầu tiên, Điều 29.1 của Nghị định quy định cụ thể việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế dưới dạng bản điện tử. Bắt đầu từ ngày Nghị định có hiệu lực [23/08/2023], các văn bằng bảo hộ sẽ được cấp dưới dạng bản điện tử, trừ khi người nộp đơn đề nghị cấp bản giấy bằng cách nêu rõ điều này trong tờ khai nộp đơn.

Dạng bản điện tử mang lại sự thuận tiện, giúp đơn giản hóa thủ tục và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thủ tục hành chính. Sở hữu văn bằng bảo hộ sáng chế dưới dạng bản điện tử giúp người nộp đơn thuận lợi hơn trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, khi tiến hành các thủ tục sau cấp bằng như sửa đổi hoặc chuyển nhượng sáng chế, văn bản pháp luật cũ yêu cầu người nộp đơn nộp bản gốc văn bằng bảo hộ. Trên thực tiễn, rất nhiều trường hợp chủ sở hữu không còn giữ văn bằng bảo hộ do làm mất, v.v.., Do đó, với lựa chọn văn bằng bảo hộ dưới dạng bản điện tử, các thủ tục này trở nên đơn giản hóa hơn rất nhiều do không còn cần tài liệu này nữa.

Tuy nhiên, Nghị định không đề cập đến một số khả năng nhất định, chẳng hạn như [i] liệu người nộp đơn có thể yêu cầu nhận văn bằng bảo hộ dạng bản điện tử cho các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đã nộp trước thời điểm hiệu lực của Nghị định hay không, [ii] nếu người nộp đơn không yêu cầu bản điện tử tại thời điểm nộp đơn, liệu có thể thực hiện yêu cầu này trong giai đoạn thẩm định đơn sau đó hay không, và [iii] nếu người nộp đơn ban đầu yêu cầu bản giấy nhưng sau đó muốn thay đổi, liệu có thể hủy yêu cầu này và yêu cầu dạng bản điện tử hay không. Như đã đề cập trước đó, các thông tư liên quan dự kiến sẽ sớm được ban hành và kỳ vọng sẽ làm rõ ba điểm này.

5. Sáng chế mật

Theo Luật SHTT, sáng chế mật là sáng chế đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là Bí mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước [Luật số 29/2018/QH14, dưới đây được gọi tắt là “Luật số 29”] và các quy định có liên quan.

Đơn đăng ký sáng chế mật có thể được nộp, được thẩm định và được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế. Chương IV [các Điều 48-52] của Nghị định quy định về thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế mật. Theo các quy định này, đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy và tất cả thông tin/tài liệu liên quan đến đơn đã nộp hoặc bằng sáng chế đã được cấp sẽ được giữ bí mật và không được công bố cho đến khi sáng chế mật được giải mật theo quy định của Luật số 29 và các quy định có liên quan. Ngoài ra, đơn đăng ký sáng chế mật phải có xác nhận rằng đối tượng của đơn được coi là bí mật nhà nước theo Luật số 29 và các quy định liên quan.

Thời hạn bảo hộ bí mật nhà nước có thể từ 10 đến 30 năm, hoặc có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy theo sự cân nhắc của Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế của bí mật đó. Nếu sáng chế không còn được coi là sáng chế mật, chẳng hạn như nếu sáng chế đã được giải mật, đơn đăng ký sáng chế/bằng sáng chế sẽ được xử lý như đơn đăng ký sáng chế/bằng sáng chế thông thường.

Ngoài ra, việc nộp đơn đăng ký sáng chế mật ở nước ngoài phải tuân theo Luật số 29 và các quy định liên quan. Theo Điều 16.2 của Luật số 29, bí mật nhà nước chỉ được cung cấp, chuyển giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ liên quan đến bí mật nhà nước. Vì vậy, đơn đăng ký sáng chế mật chỉ có thể được nộp ở nước ngoài nếu nó được thực hiện theo chương trình hợp tác quốc tế chính thức. Do đó, đơn đăng ký sáng chế mật chỉ có thể được nộp ở nước ngoài nếu sáng chế được tạo ra theo chương trình hợp tác quốc tế chính thức.

6. Tách/chuyển đổi đơn đã nộp

Đơn tách có thể được nộp tại thời điểm bất kỳ trong quá trình thẩm định đơn miễn là trước khi đơn được cấp bằng bảo hộ hoặc chính thức bị từ chối [đơn nhận được Quyết định từ chối]. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, đơn đăng ký sáng chế có thể được chuyển đổi thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích và ngược lại. Tuy nhiên, trước đây, không có quy định cho các tình huống khi người nộp đơn muốn chuyển đổi một phần đơn đăng ký sáng chế đã nộp. Điều 17 của Nghị định đã giải quyết vấn đề này.

Theo quy định mới, nếu người nộp đơn muốn chuyển đổi một phần đơn đăng ký sáng chế đã nộp thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích hoặc ngược lại, đầu tiên người nộp đơn phải nộp đơn tách cho phần cụ thể đó, sau đó chuyển đổi đơn tách này. Trên thực tiễn, các quy định này đã được áp dụng ngay cả trước khi có quy định cụ thể. Do đó, quy định mới này về cơ bản là để chính thức hóa các thông lệ hiện có.

7. Sáng chế thuộc sở hữu của Nhà nước

Sáng chế thuộc sở hữu của Nhà nước là một khía cạnh quan trọng của Luật SHTT sửa đổi với việc bổ sung bốn điều liên quan. Nghị định bao gồm một chương dành riêng gồm năm điều đưa ra các quy định liên quan đến loại sáng chế này. Dưới đây là một số nét tổng quan:

♦ Điều 43: Đưa ra cơ chế chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký sáng chế cho chủ thể tạo ra sáng chế. Trong trường hợp sáng chế là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều bên thì quyền nộp đơn thuộc về tất cả các bên liên quan, với phần góp vốn của mỗi bên tương ứng với phần ngân sách đầu tư để tạo ra sáng chế. Tuy nhiên, đối với các sáng chế liên quan đến quốc phòng và an ninh thì quyền nộp đơn vẫn thuộc về cơ quan nhà nước.

♦ Điều 44: Đưa ra cơ chế để chủ thể tạo ra sáng chế báo cáo với cơ quan nhà nước liên quan về sáng chế và về tình trạng đơn đăng ký sáng chế đã nộp. Điều này nhằm đảm bảo đơn đăng ký sáng chế đã được nộp và đang được theo đuổi một cách tích cực.

♦ Điều 45: Đưa ra cơ chế chuyển nhượng quyền nộp đơn cho bên thứ ba nếu chủ thể tạo ra sáng chế không nộp đơn hoặc nếu đơn đã nộp không được theo đuổi một cách tích cực theo quy định tại Điều 44. Nếu không thể chuyển nhượng sáng chế cho bên thứ ba để nộp đơn thì sáng chế sẽ được công bố để sử dụng rộng rãi.

♦ Điều 46: Đưa ra các quy định nhằm đảm bảo bằng sáng chế được cấp cho các sáng chế này được thực thi đầy đủ và được khai thác thương mại.

♦ Điều 47: Đưa ra các quy định liên quan đến thủ tục chuyển giao bắt buộc trong trường hợp chủ sở hữu bằng sáng chế không thực hiện các biện pháp hiệu quả để sử dụng sáng chế trong một thời gian hợp lý hoặc trong trường hợp việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích phục vụ lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cấp thiết khác của xã hội.

II. KIỂU DÁNG

1. Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Hệ thống La Hay

Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp [Đạo luật Geneva ngày 02/07/1999 – “Đạo luật 1999”] có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019. Tuy nhiên, luật pháp quốc gia chưa quy định đầy đủ chi tiết về việc xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam, dẫn đến sự chậm trễ trong việc xử lý các đơn đăng ký này tại Cục SHTT. Tin vui là Nghị định đã có những điều khoản cụ thể giải quyết vấn đề này. Điều 22-24 của Nghị định quy định chi tiết thủ tục giải quyết đơn kiểu dáng công nghiệp.

Một số nét chính bao gồm:

♦ Liên quan đến ý kiến của bên thứ ba, nếu kiểu dáng trong đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam được coi là đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ bởi Cục SHTT, quyết định chấp nhận bảo hộ sẽ được ban hành. Theo Điều 24.9 của Nghị định, các bên thứ ba có thể đưa ra ý kiến về đơn quốc tế trước khi quyết định được ban hành, thường dưới hình thức phản đối. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những ý kiến này chỉ mang tính chất tham khảo cho Cục SHTT. Cục SHTT không có nghĩa vụ phải lập báo cáo xem xét các ý kiến này hoặc gửi cho bên thứ ba.

♦ Ngoài ra, liên quan đến tài liệu ưu tiên, người nộp đơn cần lưu ý rằng mặc dù thông tin trên trang web của WIPO hiện nay cho thấy Cục SHTT có thể trực tiếp yêu cầu bản sao của tài liệu ưu tiên đối với các đơn đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam trong trường hợp thẩm định viên tin rằng tài liệu đó là cần thiết để chứng minh tính mới do sự bộc lộ kiểu dáng trong khoảng thời gian yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, nhưng Điều 24.8 của Nghị định quy định yêu cầu khác. Theo điều này, đối với tất cả các đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng chỉ định Việt Nam, người nộp đơn bắt buộc phải nộp tài liệu ưu tiên cho Cục SHTT trong vòng ba tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo cho Cục SHTT về đơn đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam [tức là, ba tháng kể từ ngày công bố đơn]. Việc không cung cấp tài liệu ưu tiên trong khung thời gian này sẽ dẫn đến đơn bị coi là không yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

2. Trì hoãn công bố

Theo Điều 110 của Luật SHTT sửa đổi, việc công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được trì hoãn. Người nộp đơn có thể yêu cầu trì hoãn công bố tại thời điểm nộp đơn đăng ký kiểu dáng, nhưng thời gian trì hoãn không được vượt quá 07 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Nghị định không quy định chi tiết cụ thể về điều khoản này. Dự kiến các thông tư mới, như đã đề cập ở trên, sẽ đưa ra những quy định toàn diện về vấn đề này để có thể áp dụng quy định một cách thuận lợi.

Ngoài ra, như được chỉ ra trên trang web của WIPO hiện nay, các đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chỉ định Việt Nam hiện không có lựa chọn trì hoãn công bố đơn.

3. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Theo các quy định trước đây, bản mô tả của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần bao gồm phần mô tả và yêu cầu bảo hộ, trong đó phần mô tả chủ yếu tập trung vào mô tả kiểu dáng. Nghị định đã có một số thay đổi về vấn đề này. Thứ nhất, yêu cầu “mô tả kiểu dáng” đã được thu hẹp lại thành “liệt kê những đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng”. Thứ hai, yêu cầu bảo hộ không còn là phần bắt buộc [có thể có hoặc không]. Những thay đổi này có thể được tìm thấy tại Phần VI Phụ lục 1 của Nghị định.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng yêu cầu bảo hộ vẫn cần thiết đối với đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chỉ định Việt Nam theo Hệ thống La Hay, như được quy định trên trang web của WIPO hiện nay.

Chủ Đề