Tết văn minh đừng hỏi khi nào lấy vợ

Tôi từng là nạn nhân của những câu hỏi kém tế nhị, tò mò quá đáng từ họ hàng suốt mấy năm qua. 30 tuổi, tôi lập gia đình cũng vài năm nhưng bận rộn công việc nên chúng tôi vẫn chưa sinh con.

Vốn dĩ chẳng có vấn đề gì về sức khỏe, chỉ đơn thuần là cả hai còn có những mục tiêu riêng cho sự nghiệp muốn phấn đấu nên thống nhất tạm hoãn chuyện con cái. Nhưng chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên trọng trách sinh con như là gánh nặng của hai vợ chồng.

Trước khi kết hôn, tôi từng mỏi mệt với biết bao lời thúc giục kiểu như "Bao giờ lấy chồng?", "Tại sao lại học cao thế? Có công ăn việc làm ổn định rồi sao không chịu cưới?"... Những tưởng sau khi lấy chồng, bản thân thoát khỏi những câu hỏi ấy, không ngờ lại đến chuyện sinh con.

Nhiều năm trở lại đây, Tết với tôi là một gánh nặng. Tôi rất sợ gặp mặt họ hàng bên chồng bởi họ thay nhau chất vấn những câu hỏi đại loại như "Hai đứa lấy nhau mấy năm rồi, sao không đẻ?", "Anh chị tính để cho hai ông bà già nằm một chỗ rồi mới chịu sinh con à?"... Tôi đã nghe suốt ba năm đón Tết bên chồng, nghe mãi thành ra tôi chán luôn cả Tết và e ngại luôn việc đi chúc Tết.

Dẫu có tiến bộ, tư tưởng phải có con trai "nối dõi tông đường" vẫn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người Việt, đặc biệt ở các vùng quê.

Gia đình nào sinh toàn con gái, mỗi khi về quê ăn Tết lại được to nhỏ "có kiếm thêm thằng con trai nữa không đấy", "phải kiếm tí con trai cho ông bà nội chứ, toàn con gái thế kia"! Chưa kể mấy người đã có con trai còn ra vẻ, chỉ cách làm sao để đẻ con trai.

Cưới xin, sinh con là quyền cá nhân, sao lại thành chủ đề bàn tán ngày Tết thế nhỉ? Thiếu gì điều để nói, chí ít hãy dành cho nhau những lời chúc tốt lành ngày đầu năm mới, sao phải tra hỏi điều quá riêng tư. Tôi vẫn ước một lần được nghe câu chúc hai đứa năm mới đạt được hết những dự định ấp ủ mà chẳng thấy đâu.

Tết là để gia đình, người thân đoàn viên, trao cho nhau những lời chúc tốt lành chứ chẳng phải dịp để chất vấn nhau những chuyện riêng tư. Đừng mang lớp áo quan tâm trong cách nói chuyện khác nào tra hỏi như thế!

TRẦN KIM HÀ

Ăn Tết giản đơn thôi

Mỗi chúng ta có quyền hưởng thụ Tết, làm điều bản thân thấy an lạc. Nhưng trước hết, hãy tự yêu thương chính mình, yêu gia đình, yêu những người thân thiết xung quanh.

Bạn đọc HẢI ĐĂNG

Gia đình tôi đơn giản hóa mọi thứ, cứ ngày nào có tiền là ngày đó Tết, thành ra Tết thảnh thơi và nhàn nhã. Cứ dọn tâm mình, đừng xem ấy là dịp ganh đua, cơ hội biếu xén, điếu đóm thì nhàn nhã ngay ấy mà.

Mỗi ngày đều dọn dẹp nên Tết không phải lôi cái này cái kia vệ sinh gì cả. Ăn uống cũng đơn giản, không nhất thiết nấu hoành tráng, cả những món mình không thích. Những thứ thực sự cần bây giờ đâu quá khó đặt hàng, cũng có thể bạn bè hùn hạp cùng nấu, vừa kinh tế lại thêm gắn kết tình cảm.

Đôi lúc tôi không hiểu sao phải tới cận Tết mới mua gà, thịt heo rồi than tăng giá. Nhà tôi mua gà thịt trước cả tuần, làm sạch, hút chân không rồi cho vô tủ lạnh dùng đến hết Tết. Cũng chỉ mua ít hoa trang trí bàn khách và bàn thờ, không cứ phải bày biện cây này cây kia.

Tôi cũng không có thói quen la cà ăn uống, nhậu nhẹt, vài lon bia vui vẻ rồi về ăn cơm với vợ con. Đầu năm, gia đình đi lễ nhà thờ và du lịch, không quá quan trọng phải tiếp ai đón ai vào những ngày nghỉ.

Đặc biệt, chúng tôi coi trọng việc lì xì lấy hên nhưng không quan tâm phong bao "dày" hay "mỏng". Tôi dặn con đừng bao giờ so đo chuyện lì xì nhiều hay ít. Cá nhân tôi chưa từng xem Tết là dịp để kiếm tiền hay đổi chác qua lại.

Dĩ nhiên, mỗi nhà có suy nghĩ riêng. Mà với những gia đình nhiều thế hệ chung sống, việc sắp xếp có lẽ không đơn giản. Vượt qua được chữ "sướng" mới tới chữ "nhàn" trong mấy ngày Tết.

Nhẹ nhàng và thảnh thơi không có nghĩa sẽ sống hời hợt và vô tâm với mọi thứ. Chỉ là khi Tết có giá trị riêng trong lòng mình, ăn Tết giản đơn cũng là cách để chúng ta nhẹ gánh âu lo, quan tâm hơn đến sâu thẳm lòng mình và những người xung quanh.

Hãy cứ vui cười mà không có bất cứ lo toan nào chính là cách để hưởng thụ một mùa xuân như ý. Vậy thì có gì mà phải "sợ" Tết!

Năm nay đã bước sang tuổi 30 nhưng Nguyễn Thị Minh Trang, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn nên Trang ám ảnh cảnh mỗi năm về nhà ăn tết lại đối diện với câu hỏi “bao giờ lấy chồng?” từ gia đình cho đến người thân họ hàng và cả bạn bè.

Nhưng Trang nói: “Riết rồi mình chai lỳ cảm xúc luôn rồi. Chứ mấy năm trước là mình ám ảnh luôn, có năm còn nghĩ đến chuyện là không về nhà ăn tết vì quá ám ảnh những câu hỏi như vậy. Nhưng giờ thì quen rồi”.

Để ngày xuân vui vẻ thì mỗi bạn trẻ cần có những cách lý giải hợp tình hợp lý để người lớn không còn gây áp lực chuyện "bao giờ lấy chồng", "bao giờ kết hôn"

HOA NỮ

Vì đã có nhiều kinh nghiệm trong đối đáp lại những câu hỏi như vậy nên Trang bật mí vài chia sẻ giúp các bạn trẻ bớt đau đầu mỗi dịp tết đến xuân về.

“Mấy năm trước lúc còn chưa ngấp nghé tuổi 30 thì tùy đối tượng hỏi mà mình sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nếu là người lớn thì mình sẽ đáp lại là “con còn trẻ mà, con chơi cho đã vài năm nữa rồi cưới chồng sinh con luôn thể...”; hoặc với những người gần trang lứa thì mình đáp “em cũng mong lắm mà mỗi tội ế bền vững, đợi duyên đến rồi tính tiếp”; còn với ba mẹ thì mình hay nói: “Con còn trẻ mà, cưới ở lứa tuổi này rồi về có gì hành khổ ba mẹ nữa, lúc đó khổ quá ba mẹ lại hối hận hay hồi đó đừng hối con cưới sớm [cười], rồi mình tìm vài trường hợp bạn bè mà cưới sớm nhưng tan vỡ để làm minh chứng cho ba mẹ, mà cách này hiệu nghiệm lắm, vì ba mẹ nhìn thấy những thực tế như vậy cũng lo lắng cho con gái mình nên không hối nữa”, Trang kể.

Còn những năm gần đây khi chạm mốc tuổi 30 thì Trang chỉ vỏn vẹn có một câu đáp lại với tất cả mọi người: “Duyên chưa đến nên con đành chịu, chứ giờ đâu ép duyên được. Duyên đến trễ nên con cũng phải chờ thôi”, Trang chia sẻ.

Cũng “thở dài than ngắn” vì mỗi lần tết về quê là bị hỏi những câu “bao giờ lấy chồng?”, nên năm nào trước khi về quê, Trần Ngọc Duyên, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và soạn sẵn những câu trả lời “cực chất” để ứng phó.

Duyên hài hước nói: “Nếu trả lời không chất là kiểu gì cũng bị nói này nói kia, nên mình thường hay nói là “năm sau con cưới, cô, chú đã bỏ heo đất để đi đám cưới con chưa”, mà mình nghĩ câu trả lời ngầu nhất là “ra giêng con cưới” mà không biết là tháng giêng của năm nào thôi [cười]. Có lần có người còn tin thật nên hỏi ngược lại là sao gần cưới rồi mà chưa thấy thiệp, mình cười rồi nói “tại vì con chưa biết tháng giêng của năm nào đó ạ”. Nói chung mình nghĩ nói gì cũng được nhưng thái độ của mình khi nói những câu ấy rất quan trọng, nên nói sao để người lớn không thấy lo lắng mà còn tiếp nhận rất vui vẻ thì không khí ngày xuân mới không bị căng thẳng”.

Duyên cũng tâm sự: “Thật lòng mình cũng biết là người lớn xót ruột nên cứ hỏi tới hỏi lui, nhiều khi sẽ khiến cho bạn trẻ thấy khó chịu, nhiều bạn ám ảnh về ăn tết chỉ vì những câu hỏi như vậy. Mình nghĩ chồng con là chuyện của duyên số, nên dù có ép hay hối thì cũng là vô ích. Vấn đề là mỗi bạn trẻ cần có những cách nói làm sao để người lớn hiểu và bớt làm trầm trọng hóa vấn đề”.

Hãy cưới khi chính bản thân cảm thấy đã sẵn sàng

Theo nữ doanh nhân 9X Tuệ Nghi thì khi xuân sang tết đến, ngoài niềm vui sum họp gia đình, các trai xinh gái đẹp nhưng còn độc thân còn phải đối mặt với hàng vạn câu hỏi về tình trạng hôn nhân. Hỏi ít thì vui và thể hiện sự quan tâm. Nhưng hỏi nhiều quá thì lại mất vui, có đôi khi lại trở thành ác ý. Vậy trả lời sao cho ngầu và thuyết phục mỗi khi được hỏi?

Tuệ Nghi gợi ý nếu khi bố mẹ hỏi thì chúng ta nên trả lời: “Con biết là bố mẹ lo cho hạnh phúc sau này của con, nhưng con muốn phấn đấu thêm một chút nữa trong sự nghiệp để có điều kiện chăm sóc tốt cho bố mẹ. Hơn nữa bố mẹ là người muộn phiền nhiều nhất nếu con không hạnh phúc. Khi con vững vàng rồi, cách nhìn người cũng sẽ khác đi, con sẽ thấu đáo chọn được người thật sự tử tế để sống với nhau lâu bền. Chậm mà có khi lại chắc bố mẹ ạ. Hôn nhân là sự tôn trọng, yêu thương lẫn chịu đựng nhau đến suốt cuộc đời. Con thật sự muốn thấu đáo tìm kiếm một người mà con có thể chịu đựng được để cùng nhau trưởng thành, cùng nhau sống không chỉ ở những lúc hạnh phúc thôi mà còn cả những khi khổ đau, thất bại nữa. Con muốn sống một cuộc đời đáng sống tới tận giây phút cuối cùng, chứ không phải là sống như chỉ đang tồn tại bên cạnh cuộc hôn nhân vội vã cho có vợ, có chồng với người ta”.

Người trẻ háo hức chuẩn bị về quê đón tết

LÊ THANH

Và trong một bài viết về quan niệm bao giờ lấy chồng, nữ doanh nhân Tuệ Nghi cũng đã từng chia sẻ quan điểm: Ở những xã hội phát triển, người ta không đặt nặng độ tuổi kết hôn cũng như lấy thước đo hôn nhân để làm sự ổn định của cuộc đời. Tôi không thấy ở họ có tồn tại khái niệm “Phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Bởi vì họ không cần phải chạy đua “chốt cưới”, cũng không có tư tưởng giao phó thanh xuân của mình cho người khác rồi bắt người ta phải chịu trách nhiệm. Họ cưới khi cảm thấy đã tìm được người phù hợp, muốn cùng nhau sống chung cả đời, việc có nhau khiến cả hai hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Họ cưới khi chính bản thân họ cảm thấy đã sẵn sàng để chịu trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân. Tất nhiên bởi vì họ may mắn sống trong một môi trường văn minh, người xung quanh tôn trọng sự riêng tư cá nhân để không đặt những câu hỏi ngớ ngẩn: “Bao giờ lấy vợ, chồng?” Chúng ta không thể thay đổi được những người xung quanh thì ít nhất cũng đừng để điều đó tác động tiêu cực vào cách mà chúng ta chọn để sống, bởi vì số phận của mình phải do mình quyết định.

“Đừng coi cuộc đời là một canh bạc. Đừng phó thác bản thân cho sự đục trong của số phận. Chúng ta có sự lựa chọn và chỉ kết hôn khi thật sự vững vàng về kinh tế, tư tưởng cũng như đã thật tâm mong muốn nắm tay một người bước sang trang mới của cuộc đời, đó mới chính là sự ổn định một cách bền vững”, Tuệ Nghi gửi gắm.

Xác định tinh thần đây là điều hiển nhiên

Chia sẻ với các bạn trẻ trong vấn đề này, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ giáo dục Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng có lời khuyên: “Khi được hỏi những câu như bao giờ lấy chồng, bao giờ kết hôn thì cách thân thiện nhất là chúng ta sẽ mỉm cười và nói một cách nhẹ nhàng nhất là “cảm ơn cô, chú, bác đã quan tâm. Ối giời ơi, cháu cũng đang sốt ruột đây rồi nhưng mà lại ế”. Cách thứ 2 là chúng ta có thể nói một cách dí dỏm như cô chú có mối nào không giới thiệu cho cháu với chứ cháu cũng đã cố gắng lắm. Cách thứ 3 là chúng ta có thể nhờ bố mẹ làm bia đỡ đạn, giải thích để chống chế giúp. Nhưng đặc biệt mỗi bạn trẻ trong trường hợp này cần xác định được tinh thần đây là điều hiển nhiên. Quan điểm sống của người Việt, đặc biệt là những người ở quê thì khá là sốt ruột trong vấn đề này và có nhiều quan điểm còn khá bảo thủ trong vấn đề kết hôn, cho nên chúng ta có thể xem đó là sự quan tâm.

Còn việc chúng ta giữ tinh thần lạc quan và xác định được mức ảnh hưởng của lời quan tâm đó đến chúng ta như thế nào là do chúng ta lựa chọn. Và tránh sự mất hòa khí hoặc làm ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta nặng nề hơn, chúng ta hãy xem đó như là những câu nói mở đầu câu chuyện trong những ngày xuân vì ngoài vấn đề về công việc, thu nhập thì mọi người chỉ quan tâm đến vấn đề chồng con, cho nên để một ngày xuân vui vẻ khi chúng ta về quê thì các bạn cũng đừng nên quá căng thẳng về những câu hỏi bao giờ lấy chồng như thế này, các bạn nhé!”.

Chủ Đề