Tập luyện với garmin 5s

Ngày 26/7/2018, Garmin đã giới thiệu bộ ba sản phẩm Fenix 5/5S/5X Plus tại Việt Nam. Đây là phiên bản cập nhật của dòng Fenix 5 cũ [cũng bao gồm 3 phiên bản Fenix 5/5S/5X]. Với mong muốn mang đến cho cộng đồng những thông tin nóng hổi nhất cũng như đánh giá chuyên môn của Ban Huấn Luyện về sản phẩm, BoiDapChay đã liên hệ với nhãn hàng Garmin để mượn và test thử bộ 3 sản phẩm này. Hy vọng bài review này sẽ giúp ích phần nào cho những độc giả còn đang lưỡng lự giữa các loại sản phẩm. Xin lưu ý, các sản phẩm trong bài review này được gửi cho chúng tôi bởi Garmin Việt Nam, và chúng tôi đã gửi trả lại Garmin sau khi review xong.

Chúng tôi đánh giá dòng Fenix 5 Plus có nhiều tính năng mới, sửa được các lỗi GPS của dòng Fenix thế hệ cũ [Fenix 3], nhẹ, tiện dụng và có kiểu dáng thiết kế đẹp. Riêng mẫu Fenix 5X Titanium có kèm theo dây đeo bằng titanium làm tăng vẻ quý phái của đồng hồ nếu bạn muốn đeo như đồng hồ thường. Dòng Fenix 5 Plus thích hợp với người dùng phổ thông với tính năng phát nhạc, nhưng vẫn đảm bảo các tính năng thể thao cho giới VĐV. Fenix 5 Plus thích hợp dùng cho hoạt động chạy, nhất là chạy trail với thời lượng pin lớn và nhiều tính năng GPS tốt. Tuy nhiên mặt đồng hồ khá to [đặc biệt là Fenix 5X Plus] nên đeo trên tay có hơi vướng víu, chạm vào bàn tay. Fenix 5 và 5S Plus thì đỡ hơn. Đối với 3 môn phối hợp, chúng tôi cho rằng Forerunner 935XT vẫn là lựa chọn tối ưu. Ngoài ra nếu bạn chỉ cần chạy bộ và có hầu bao eo hẹp thì chiếc đồng hồ chuẩn quân đội mới ra Garmin Instinct là một sự lựa chọn rất không tồi. Đây là tóm tắt chính review Fenix 5 Plus cho những ai lười đọc. Bạn cũng cũng thể kéo luôn chuột tới cuối bài để xem hình ảnh thật của sản phẩm 😀 Nếu bạn muốn biết thêm chi tiêt xin hãy đọc tiếp dưới đây.

Dưới đây là danh sách các tính năng mới mà BoiDapChay cho rằng khá quan trọng trong phiên bản cập nhật này [ngoài ra có một số tính năng nhỏ khác]:
– Bản đồ toàn thế giới 16GB cho tất cả đồng hồ dòng Fenix 5 Plus 5/5S/5X
– Cập nhật tính năng nghe nhạc cho đồng hồ: nghe qua loa hoặc tai nghe Bluetooth
– Cập nhật tính năng GPS Galileo và chip GPS mới
– Thời lượng pin 32h ở chế độ GPS 1 giây và 85h ở chế độ Ultratrac. Thông số này do nhà sản xuất cung cấp
– Khả năng đo độ bão hòa oxy trong máu [SPO2] bằng tính năng PulseOx [chỉ có trên Fenix 5X Plus]

Bảng so sánh tính năng với dòng Fenix 5 cũ

Nhìn chung, có thể tổng kết là các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus khác Fenix 5 ở chỗ có hệ thống GPS Galileo và bản đồ, thời lượng pin cùng với khả năng chứa và phát nhạc v.v.. như đã nói ở trên. Còn giữa các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus [bao gồm 5/5S/5X] thì chỉ khác nhau chủ yếu ở thời lượng pin. Độ dày của các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus tương đương với Fenix 5 cũ, và trong cùng một dòng thì các đồng hồ chỉ dày hơn nhau vài milimet [Fenix 5S Plus – 42mm, 5 Plus – 47mm, 5x Plus – 51mm].

Nói chung, có vẻ các đồng hồ Fenix 5 Plus đều nặng tầm 90g [trừ khi thêm vào dây titanium], bằng với các đồng hồ Fenix 3 cũ [xem thêm ảnh so sánh cuối bài]. Các đồng hồ Fenix 5 Plus đều được trang bị dây QuickFit để tháo lắp dễ dàng [xem video dưới]

Công nghệ QuickFit giúp tháo và lắp dây đeo dễ hơn

Tính năng hàng ngày

Tất cả các sản phẩm trong dòng Fenix 5 Plus [Fenix 5 Plus, Fenix 5S Plus, Fenix 5X Plus] đều sử dụng công nghệ đo nhịp tim bằng cảm biến ở cổ tay [wrist sensor]. Đây là một tính năng vô cùng tiện dụng của các loại đồng hồ thông minh dành cho dân tập thể thao vì nó cung cấp những thông số cần thiết mà không cần phải kè kè dây đai đeo tim [heart rate monitor strap] trên ngực suốt ngày. Khi đeo Fenix 5 Plus trên tay, đồng hồ sẽ tự theo dõi quá trình sinh hoạt hằng ngày của bạn. Các thông số gồm có: số bước đi trong ngày, thông số và chất lượng giấc ngủ [nhịp tim, số giờ ngủ, số giờ ngủ sâu v.v…], nhịp tim trung bình trong ngày khi làm việc, khi chơi thể thao v.v… Ngoài ra, nếu kết nối Bluetooth với điện thoại, bạn cũng có thể nhận các thông báo của facebook, tin nhắn, cuộc hẹn trên giao diện của đồng hồ.

Nếu đeo đồng hồ cả ngày, cảm biến của Fenix 5 Plus sẽ có thể theo dõi hoạt động của cơ thể như thơì gian ngủ, mức độ stress v.v..

Các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus đều có chức năng chứa nhạc và phát ra loa ngoài hoặc tai nghe qua cổng bluetooth. Đây là đặc tính rất hay, phù hợp cho cả người dùng phổ thông lẫn dân thể thao có nhu cầu nghe nhạc giải trí trong lúc luyện tập, dù chỉ là để cảm thấy hưng phấn hơn cho các bài tập biến tốc, hay đơn thuần là để giúp các bài chạy dài bớt nhàm chán hơn.

Các đồng hồ Fenix 5 Plus đi kèm với 16GB bản đồ các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Vì vậy bạn có thể sử dụng GPS của đồng hồ để xác định phương hướng, khi đi race ở nước ngoài hoặc đơn giản là đi du lịch nhưng chưa kịp mua sim điện thoại có 4G để dùng Google Map! Lưu ý: chúng tôi dùng thử Fenix 5 Plus bản Châu Á Thái Bình Dương và map dùng tốt ở Việt Nam và Singapore. Chúng tôi chưa thử tính năng này ở Châu Âu hay Châu Mỹ.

Tính năng bản đồ

Một tính năng mới và khá thời thượng là NFC Payment. Chức năng thanh toán tiện lợi này giống các chức năng tương tự trên smartphone hay iWatch, cho phép bạn cài thẻ thanh toán của mình vào đồng hồ và “quẹt” đồng hồ để thanh toán mà không cần dùng tiền mặt [cashless]. Phương thức thanh toán thông minh này còn khá mới và chưa thịnh hành lắm ở Việt Nam nên hiện có rất it [hoặc hoàn toàn không có] cửa hàng hỗ trợ phương thức này.

Tính năng thể thao

Thoạt nhìn, dòng Fenix 5 Plus được thiết kế cho dân chạy và đặc biệt là chạy địa hình [trail] với thời lượng pin lớn và nhiều cập nhật về GPS [chế độ Galileo, chip GPS mới v.v…]. Nhưng thực tế Fenix 5 Plus hỗ trợ đầy đủ các thể thao thông dụng nhất như: bơi, đạp, chạy, 3 môn phối hợp [triathlon], golf v.v…. Danh sách đầy đủ các môn thể thao được Fenix 5 Plus hỗ trợ gồm có:

Chạy trail, Chạy, Leo núi, Xe đạp, Xe đạp trong nhà, Bơi trong nhà, Bơi biển/sông, 3 môn phối hợp, Golf, Chạy máy, Thể thao hỗn hợp, chạy trong nhà, Dã ngoại, Xe địa hình [MTB], Trượt tuyết, Chèo SUP, Chèo thuyền, Đi bộ, Bơi/Chạy, Kayak, Gym, Cardio, Yoga, chạy máy Elliptical, Leo cầu thăng, đua thuyền, Khác [tự thiết lập]

Lấy ví dụ tính năng Gym: Khi tập các động tác đẩy tạ, đồng hồ sẽ dùng cảm biến thông minh và tự đếm số lần kéo tạ để tổng kết. Tính năng này cũng khá tiện lợi để người tập có thể theo dõi quá trình luyện tập của mình, tuy nhiên, giống như bất kỳ đồng hồ thông minh nào khác, thỉnh thoảng độ cảm biến sẽ thưởng dư ra một vài lần cho người tập.

Giờ chúng ta hãy nói về tính năng được nhiều người sử dụng nhất, đó là Chạy bộ. Trước hết, để mở tính năng theo dõi chạy bộ, các bạn có thể xem đoạn clip ngắn dưới đây:

Fenix 5 Plus có thể kết nối với các thiết bị khác qua cổng Bluetooth hoặc ANT+ như Garmin Running Dynamics Pod hay đai tim HRM Run/Tri để đo các chỉ số như Vertical Oscillation, Cadence, độ dài sải chân, Ground Contact Time v.v… giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về dáng chạy của mình để có cơ hội tự cải thiện.

Sau mỗi bài chạy, bạn có thể xem tóm tắt bài tập, thời gian khuyến khích nên nghỉ để cơ thể hồi phục [chỉ để tham khảo], thành tích đạt được. Ngoài ra Fenix 5 Plus cũng sẽ dựa vào các chỉ số tập luyện để tính toán Khối lượng tập luyện [Training Load] và phong độ [Fitness] của cơ thể, từ đó tính toán ra Trạng thái tập luyện [Training Status] [như hình dưới]. Training Status bao gồm:

  • Peaking: trạng thái tốt nhất, sẵn sàng để thi đấu
  • Productive: bạn đang tập luyện đúng tiến độ và đang cải thiện
  • Maintaining: khối lượng tập luyện của bạn hiện tại đủ giữ fitness của bạn ở trạng thái trung bình
  • Recovery: phục hồi sau chu kỳ tập nặng hoặc sau các kỳ thi
  • Unproductive: khối lượng tập luyện cao nhưng fitness lại giảm, nhiều khả năng bạn nghỉ ngơi không đủ, stress v.v… Cần nghỉ ngơi thêm
  • Detraining: tập luyện không đủ khối lượng
  • Overreaching: tập luyện quá nhiều dẫn đến quá tải, cần nghỉ ngơi

Training Status ước tính cường độ luyện tập, điểm rơi phong độ

Nếu ấn vào nút start ở màn hình widget Training Status, bạn sẽ thấy Fenix 5 Plus ước tính chỉ số VO2Max cho bạn. Chỉ số VO2Max là lượng oxy tối đa mà cơ thể hấp thu được trong quá trình vận động. Về lý thuyết, VO2Max càng cao thì bạn càng khỏe. Lưu ý: Chỉ số này của Garmin chỉ là tương đối và được ước tính. Số liệu thực tế có thể có một chút sai số. Và chỉ số này sẽ chính xác hơn sau khoảng một tháng tập liên tục. Ngoài VO2Max, Garmin cũng khuyến nghị bạn nên nghỉ bao lâu trong mục “Recovery” [chỉ số này bạn chỉ cần xem để tham khảo; quan trọng hơn hết là lắng nghe cơ thể và tư vấn với huấn luyện viên của bạn]. Cuối cùng là mục Khối lượng tập luyện [Training Load] trong 7 ngày gần nhất [last 7 days].

Chỉ số Vo2Max

Một số các tính năng khác
Garmin cập nhật một tính năng mới là PulseOx để độ bão hòa oxy trong máu [SPO2]. Tính năng này chỉ có trên phiên bản Fenix 5X Plus. PulseOx dùng một cảm biến riêng trên đồng hồ để đo lượng oxy trong máu [khá giống với cảm biến màu đỏ trên Samsung S9]. Tính năng này được cho là hữu dụng với những người leo núi [độ cao trên 2000m]. Ở độ cao đó, không khí loãng và lượng oxy trong máu cũng sẽ giảm. Thông thường lượng oxy trong máu ở mức 98-99% ở đồng bằng, nếu xuống dưới 75% là nguy hiểm. Vì vậy tính năng PulseOx sẽ giúp các nhà leo núi kiểm tra lượng oxy trong máu để tránh rơi vào tình trạng thiếu oxy, chóng mặt nguy hiểm đến tính mạng.

Tính năng PulseOx

Theo đánh giá của chúng tôi, tính năng PulseOx có hay, đột phá nhưng chưa hoàn thiện. Cảm biến đòi hỏi người dùng phải giữ chặt đồng hồ trên cổ tay 10-20 giây để đo SPO2. Ngoài ra, PulseOx chỉ đo SPO2 theo chu kỳ chứ không liên tục. Nghĩa là người dùng sẽ không xem được chỉ số SPO2 lên xuống theo thời gian thực, do đó hạn chế rất nhiều công dụng của PulseOx.
Một tính năng leo núi khác là ClimbPro. Các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus được trang bị cảm biến độ cao [altimeter] và phong vũ biểu [barometer] để xác định độ cao. Khi leo núi, với tính năng ClimbPro, người dùng có thể xem được độ cao hiện tại. Tôi thử tính năng này trong thang máy lên văn phòng công ty và có vẻ kết quả khá chính xác [hơn 150m]. Tuy nhiên trong thời gian sử dụng, chúng tôi cũng cảm thấy cảm biến độ cao và áp suất hoạt động đôi khi đo sai thất thường [mặc dù calibrate đầy đủ mỗi lần dùng]. Không biết do phần cứng hay phần mềm, nên chúng tôi sẽ không phân tích cụ thể hơn tính năng này.

Độ chính xác của thiết bị đo nhịp tim [Heart rate monitor]

Về độ chính xác của các thiết bị đo nhịp tim, các bạn có thể xem thêm bài phân tích rất sâu sắc về Thiết bị đo nhịp tim của tác giả Bruce Vu. Nói chung đai tim vẫn là thiết bị đo chính xác nhất. Tuy nhiên nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải đeo đai tim quanh ngực và có thể gây trầy xước da. Vì vậy câu hỏi chúng tôi đặt ra là cảm biến tim trên fenix 5 plus series hiệu quả đến đâu so với đai tim?

Fenix 5 Plus series theo dõi nhịp tim [HR] rất tốt so với các thiết bị khác dùng cảm biến cổ tay. Dưới đây là một bài chạy nhẹ >10km được thực hiện bởi huấn luyện viên của BoiDapChay anh Cao Ngọc Hà khi anh dùng cùng lúc Garmin Fenix 5X Plus và Garmin Forerunner 935XT. Có thể thấy HR đo được bởi Fenix 5X Plus và Forerunner 935XT khá tương đồng [trung bình 133 nhịp [bpm], nhịp tim tối đa [max HR] chỉ chênh lệch 1 nhịp [bpm].

Dưới đây là đồ thị nhịp tim chi tiết của 2 thiết bị trong cả bài chạy. Có thể thấy không có sai lệch nhiều lắm giữa 2 thiết bị, ngoại trừ đoạn cuối có 1 sự chênh lệch nhỏ: Fenix 5 Plus bắt tín hiệu nhịp tim giảm chậm hơn Forerunner 935XT vài giây. Sai lệch này không đáng kể và không quá quan trọng.

Chú ý, vì dùng cảm biến trên cổ tay nên đòi hỏi người dùng phải đeo Fenix 5 Plus rất chặt, sao cho khi chạy đồng hồ không bị xê dịch khi đánh tay. Dưới đây là một ví dụ: Cảm biến của Fenix 5 Plus cho kết quả tốt khi so sánh với đai tim khi đeo chặt, nhưng không nhạy bằng đai tim khi chạy nhanh khiến đồng hồ rung lắc nếu đeo lỏng.

Có thể thấy, cảm biến cổ tay bắt tín hiệu chậm hơn đai tim 1-2 giây. Điều này có thể thấy rõ ràng ở những đoạn chạy tăng tốc đột ngột từ vị trí đứng yên. Đoạn số 1 khi đeo chặt, Fenix 5 Plus và HRM cho chỉ số khá tương đồng. Nhưng nếu đeo lỏng và chạy nhanh [như ở đoạn 2 và 3 – chạy nhanh hết mức có thể cự li 400m], nhịp tim [HR] theo số liệu đai tim ở đoạn này lên tới hơn 177bpm, điều này hợp lý hơn thông số 150bpm từ Fenix 5 Plus.

Chúng tôi suy đoán Fenix 5 Plus nói riêng và các loại cảm biến cổ tay nói chung sẽ đo HR chính xác khi cảm biến tiếp xúc tốt với da [để có thể phát hiện mạch và máu lưu thông]. Một minh chứng khác là khi test nhịp tim [HR] lúc đạp xe, khi tay hầu như không cử động và tiếp xúc tốt với cảm biến.

Có thể thấy, khi đạp xe và tay cố định trên tay cầm [ghi-đông/handle bar], số liệu HR của Fenix 5 Plus và đai tim [đo bởi Garmin Edge 520 Plus] khá tương đồng [trừ đoạn đầu có lẽ do đai tim có vấn đề]. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy rằng HR của Fenix 5 Plus bắt nhịp tim chậm hơn 1-2 giây. Điều này khá thú vị. Nguyên nhân có lẽ là do đai tim nằm ở vị trí ngay cạnh tim, nơi các bác sĩ đo điện tâm đồ dán cảm biến để đo tim trong bệnh viện. Còn Fenix 5 Plus đo nhịp tim ở tay, nên đo chậm hơn đai tim một khoảnh khắc.

Kết luận:
Fenix 5 Plus đo nhịp tim khá chính xác so với các loại đồng hồ sử dụng công nghệ cảm biến cổ tay khác như Garmin 935XT. Ngay cả so với đai tim, cảm biến của Fenix 5 Plus cũng cho kết quả khá chính xác. Chúng tôi cho rằng cảm biến của Fenix 5 Plus không chính xác trong các trường hợp tay đánh nhịp mạnh, có thể khiến đồng hồ bị rung lắc, mất tiếp xúc với tay và ảnh hưởng tới cảm biến. Còn trong các giải địa hình [trail] nơi bạn thường chạy với tốc độ chậm và đều, chúng tôi đánh giá cảm biến của Fenix 5 Plus khá chính xác. Do đó Fenix 5 Plus sẽ là một lựa chọn phù hợp cho các giải chạy địa hình [trail].

Độ chính xác của GPS:
Chúng tôi thử nghiệm tính chính xác của Fenix 5 Plus GPS bằng các bài chạy đường nhựa [road], chạy địa hình [trail] và đạp xe, với quãng đường từ 10-50km [chạy] và 70km [đạp]. Trong các bài test này, GPS của Fenix được so sánh với Garmin Forerunner 920XT, Forerunner 935XT và Garmin Edge 520 Plus.

Còn có bài test GPS nào thích hợp hơn là test GPS khi chạy trail? Địa hình phức tạp, những đoạn cây cối che phủ v.v… là các bài thử tốt nhất cho độ chính xác của GPS. Chúng tôi thực hiện bài test này ở MacRitchie, là địa điểm tập trail quen thuộc của giới chạy trail runner bên Singapore. Tổng quãng đường chạy là 12km, được đo đồng thời bởi Fenix 5X Plus [tay trái] và Forerunner 920XT [tay phải].

Nhìn về tổng thể trong sơ đồ trên, có thể thấy GPS của Fenix 5X đo quãng đường khá chuẩn và không có nhiều điểm bị đo lỗi. Cần nói thêm là chúng tôi thử nghiệm cả 3 chức năng GPS trong bài chạy này, mỗi chức năng GPS khoảng 4km: thông thường [GPS], GPS Glonass và GPS Gallileo. Chúng tôi không thử chức năng Ultratrac, là chức tự động tắt GPS theo chu kỳ để tiết kiệm pin đồng hồ. Với chức năng này, GPS sẽ không được chính xác lắm, nhưng có thể kéo dài thời lượng pin lên gấp 2-3 lần.

Chúng ta hãy phóng to bản đồ trên và xem chi tiết. Đầu tiên là chức năng GPS thông thường, được bật ở 4km đầu. Nhìn chung, GPS Fenix 5X đo tốt và tương đồng với Forerunner 920XT. Duy nhất có một đoạn hơi lệch [đường màu tím – hình dưới]. Ở đoạn này, Fenix 5X bị lệch và ghi nhận tôi chạy … trên mặt nước hồ. Tuy nhiên sai số không quá lớn và có thể ở ngay đoạn đầu bài chạy [lúc này là 5 phút đầu], GPS cũng thường chưa ổn định ngay.

Tiếp đến là chế độ GPS Glonass. Có thể thấy cả Fenix 5X và Forerunner 920XT đo khá tương đồng. Nhưng nếu nhìn kỹ, có thể thấy đường màu tím của Fenix 5X hiển thị sát với đường chạy hơn [chấm màu trắng].

Cuối cùng là chế độ GPS Galileo. Đây được cho là chế độ chính xác nhất. Tất cả các đồng hồ dòng Fenix 5 Plus đều được trang bị GPS chip mới hỗ trợ Galileo. Có thể thấy chế độ Galileo khá chính xác. Đường màu tím thường nằm đè lên hoặc gần với đường chạy [chấm trắng].

Kết luận:

Nói chung GPS của Garmin khá chính xác. Chúng tôi không thấy nhiều sự khác biệt giữa Galileo và Glonass, có thể do vị trí chạy test khá nhạy sóng GPS. Người dùng có thể dùng một trong hai chế độ tùy vị trí hoặc kinh nghiệm, sở thích của mình [một số người hay gặp vấn đề với Glonass]. Với một số điểm “mù” GPS ở Việt Nam như đường chạy Nguyễn Huệ, bạn có thể thử một trong 2 chế độ và so sánh tìm ra chế độ thích hợp cho mình.

Đánh giá của người test

Các hình ảnh của Fenix 5 Plus

1Hộp Garmin Fenix 5X Plus Titanium

2Các phụ kiện đi kèm Garmin Fenix 5X Plus Titanium

3So sánh giữa Garmin Fenix 5 Plus với Forerunner 920XT

4So sánh giữa Garmin Fenix 5 Plus với Fenix 3 HR

5Cân nặng Fenix 5 Plus

6Cân nặng Fenix 5X Plus [kèm dây đeo Titanium]

7Cân nặng Fenix 5X Plus [kèm dây đeo silicon QuickFit]

8Cân nặng Fenix 3 HR

9Cân nặng của Forerunner 920XT [tham khảo – không cùng dòng]

Tác giả:
Phạm Minh Quang & Cao Hà

  • Về tác giả
  • Bài mới nhất

Admin

Nhiệm vụ chính của Ad ở BoiDapChay.com là đi dọn dẹp, biên tập, dịch bài, soát lỗi chính tả. Ad yêu thích cả 3 môn bơi, đạp, chạy nhưng không chơi giỏi môn nào, vì thế Ad quyết định chơi thêm một môn thứ 4 đó là triathlon. Hy vọng chăm chỉ quay tay vận may sẽ tới

Chủ Đề