Tạo hứng thú trong giờ học toán

Học sinh được hướng dẫn cách học Toán chủ động, có thể trải nghiệm thực tiễn thông qua các trò chơi để thấy tính ứng dụng, yêu thích môn này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bá Khang - Viện Công nghệ châu Á và Tiến sĩ Hoàng Lê Minh - Trưởng khoa Công nghệ thông tin Đại học Văn Lang vừa có buổi trò chuyện về chủ đề "Học Toán để làm gì?" trong khuôn khổ "Ngày hội Toán học mở 2021", diễn ra tại trường Quốc tế Nam Mỹ UTS.

Chương trình xoay quanh các lo lắng của các bậc phụ huynh và học sinh trong hành trình chinh phục môn Toán. Trong khuôn khổ ngày hội còn các hoạt động trải nghiệm, sân chơi thử thách khả năng Toán học.

Phương pháp dạy Toán nên thực tiễn, sinh động

Theo Phó giáo sư Đỗ Bá Khang, quan trọng nhất là tạo được động lực và sự yêu thích cho con trẻ. Nhà trường và phụ huynh nên tạo điều kiện để con tham gia những hoạt động thú vị, sân chơi và cuộc thi cọ xát để các em cảm thấy tiến bộ từng ngày và nỗ lực được mọi người ghi nhận.

Đồng quan điểm với Phó giáo sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường Quốc tế Nam Mỹ UTS cho rằng, không nên coi điểm số là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực của học sinh. Vượt lên trên các công thức, Toán giúp các con được rèn luyện tư duy logic, tư duy phản biện, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

"Thay cho các bài kiểm tra máy móc, cha mẹ và thầy cô cần 'toán học hóa' cuộc sống, đưa tình huống thực tiễn vào trong lớp học. Đây cũng chính là phương pháp giảng dạy môn Toán mà thầy trò trường UTS đang áp dụng", cô Ngọc Lan nói.

Buổi chia sẻ là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Ngày hội Toán học mở 2021" với chủ đề "Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn - Mathematics for a Better World" do Đại học Văn Lang kết hợp với VIASM - Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức ngày 17/1. Ảnh: Đăng Quang.

Nhiều hoạt động trải nghiệm môn Toán

Học sinh được trực tiếp trải nghiệm hoạt động ứng dụng Toán học đa dạng tại khuôn viên Quốc tế Nam Mỹ UTS. Các khái niệm, định luật Toán trở nên gần gũi, sinh động thông qua loạt trò chơi, thử thách vui nhộn, bám sát các tình huống thực tế.

"Ngày hội Toán học mở 2021" là sân chơi cho học sinh các cấp với nhiều hoạt động thực nghiệm Toán học thú vị. Ảnh: Đăng Quang.

Các trò chơi thu hút được nhiều bạn nhỏ tranh tài phải kể đến như xây tháp bằng mì Ý, đo chiều cao của cây mà không cần đốn cây... Không gian triển lãm origami với nhiều tác phẩm có hình thù bắt mắt cũng rất đông học sinh tham quan. Các em còn tìm hiểu lịch sử ra đời của origami và cách người Nhật áp dụng lý thuyết hình học vào môn nghệ thuật này.

Xây tháp bằng mì Ý là một trong những hoạt động được họ sinh yêu thích nhất tại sự kiện. Ảnh: Đăng Quang.

Điểm nhấn của ngày hội là khu vực trải nghiệm ứng dụng Toán học vào lĩnh vực khác như STEM, Vật lý, Hóa học... Các nhóm học sinh háo hức như được bước vào "thế giới Disneyland" tìm hiểu ứng dụng của môn học này trong công nghệ thông tin và tham gia đấu trường robot - điều khiển các con robot đa năng bằng máy tính bảng.

Thử độ nhanh tay, nhanh mắt và khả năng tính toán với game máy tính do học sinh UTS lập trình thử thách người tham gia. Các mô hình lego mô phỏng sáng kiến bảo vệ môi trường giúp các bạn nhỏ khám phá khả năng ứng dụng của Toán học trong công nghệ tự động hóa và ảnh hưởng tích cực tới môi trường.

Phần thi "Rung chuông vàng" bằng tiếng Anh với các câu hỏi Toán học là sân chơi sôi động, đòi hỏi các em phải tư duy. Ảnh: Đăng Quang.

"Ngày hội Toán học mở năm 2021" mang tới cách tiếp cận mới mẻ và hiện đại với môn học thường được xem là khô khan. Các ứng dụng thiết thực và giải pháp công nghệ cao được thể hiện qua mô hình bắt mắt thu hút và khơi dậy niềm yêu thích của học sinh với môn Toán. Phụ huynh được tìm hiểu thêm những lĩnh vực ứng dụng mới, từ đó có cơ sở định hướng và tạo động lực cho con em.

Mô hình lego "Tạo năng lượng điện - khí đốt - phân bón hữu cơ từ rác thải nhà cao tầng" là tác phẩm của bạn Huỳnh Gia Huy và Nguyễn Hoàng Bách, học sinh lớp 10 trường UTS, do thầy Lê Trần Hồng Phúc hướng dẫn được học sinh quan tâm. Ảnh: Đăng Quang.

Ngọc An

PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ

    I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

     1. Vị trí, tầm quan trọng của môn Toán ở Tiểu học:

      Mỗi môn học ở Tiểu học đều góp phần vào việc hình thành và phát triển những cở sở ban đầu rất quan trọng của nhân cách người Việt Nam.

      Trong các môn học ở Tiểu học, cùng với môn Tiếng Việt, môn Toán có vị trí quan trọng vì:

+ Môn Toán cùng với các môn học khác ở Tiểu học góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển những cơ sở ban đầu không thể thiếu của mỗi con người.

+ Môn Toán với các mảng nội dung của nó như: số học, yếu tố đại lượng, yếu tố hình học, yếu tố thống kê số lượng, giải toán giúp học sinh nắm được những khái niệm, những biểu tượng, mối quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới tự nhiên nghĩa là học sinh có được sự hiểu biết về nhiều mặt là cơ sở để vận dụng một cách thích hợp và điều kiện của mình. Môn Toán góp phần quan trọng trong việc rèn luyện khả năng tư duy, phương pháp suy luận, cách nghĩ độc lập, linh hoạt, sáng tạo. Quá trình học môn Toán ngoài việc đem lại nguồn tri thức cần thiết, các kĩ năng quan trọng nêu trên, mà còn hình thành những phẩm chất cần thiết và không thể thiếu được của người lao động mới: cần cù, cẩn thận, chính xác, ý trí vượt khó khăn thử thách, cách làm việc có nề nếp và tác phong khoa học.

+ Các kiến thức, kĩ năng của môn Toán ở Tiểu học có nhiều ứng dụng trong đời sống, chúng rất cần thiết cho người lao động, rất cần thiết để học các môn học khác ở Tiểu học và học tập tiếp môn Toán ở bậc Trung học.

+ Môn Toán góp phần rất quan trọng trong việc rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp giải quyết vấn đề. Nó góp phần phát triển trí thông minh, cách suy nghĩ độc lập, hình thành các phẩm chất cần cù, cẩn thận, có ý chí vượt khó khăn, làm việc có kế hoạch, có nề nếp và tác phong khoa học.

     2. Việc dạy và học Toán ở Tiểu học hiện nay:

     Hiện nay, ở các trường Tiểu học đã thực hiện việc đổi mới các phương pháp dạy học. Song bên cạnh đó, việc vận dụng nó đúng lúc đúng chỗ chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt là trong quá trình dạy Toán, giáo viên vẫn còn áp dụng phương pháp dạy học truyền thống, áp đặt đối với học sinh, không đổi mới các hình thức dạy học, ít sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp.

     3. Sự cần thiết và ý nghĩa của việc gây hứng thú cho học sinh trong giờ học Toán ở Tiểu học:

- Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn lực lao động, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, ngành Giáo dục - Đào tạo đang tiến hành bước đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục bắt đầu từ Tiểu học.

- Việc đổi mới phương pháp dạy học tất yếu phải đổi mới các hình thức tổ chức dạy học để tạo ra một sự tương ứng cần thiết. Sự đa dạng của các phương pháp dạy học trong sự phối hợp của chúng đòi hỏi phải có một số hình thức dạy học thích hợp nhằm tạo sự hứng thú cho người học, giúp học sinh tiếp thu bài nhẹ nhàng hơn, vui vẻ, tự nhiên hơn và đạt được chất lượng cao trong quá trình dạy và học.

- Như vậy cần có nhiều hình thức tổ chức dạy học và nhiều con đường để đạt được điểm đích. Mỗi tiết dạy được xác định cụ thể theo nội dung ghi trong sách giáo khoa và yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng trong tiết dạy. Tạo không khí học tập vui vẻ, sôi nổi, có hiệu quả thông qua việc tổ chức học sinh tham gia vào các trò chơi, cuộc thi nhỏ… là yêu cầu cần thiết trong hoạt động dạy học ở Tiểu học nói chung và môn Toán nói riêng hiện nay.

- Từ thực trạng trên ta thấy nếu học sinh cứ học môn Toán một cách khô khan thì sẽ không có hiệu quả, các em sẽ chán học. Vậy để học sinh vừa học được các môn khác và tiếp thu môn Toán một cách chủ động, tích cực thì người giáo viên phải sử dụng hình thức dạy học phù hợp và cách phương pháp dạy học vừa tạo hứng thú cho các em, vừa đạt được mục tiêu yêu cầu về kiến thức kĩ năng. Việc tạo hứng thú trong giờ học Toán của học sinh làm cho các em không cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi mà trái lại tạo không khí sôi nổi, vui vẻ, háo hức học tập trong các tiết học Toán.

- Mặt khác, những trò chơi, câu đố khiến các em được khắc sâu kiến thức, nhớ kiến thức một cách chắc chắn và lâu dài. Từ những câu thơ có vần có điệu, học sinh có thể nhớ được các công thức, khái niệm và dễ dàng vận dụng vào thực hành. Nó còn có tác dụng làm cho các em thêm gắn bó, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô và bạn bè, khiến các em thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Từ sự cần thiết và ý nghĩa đó, tôi đã chọn đề tài: “Một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh lớp 4 trong quá trình học Toán” để nghiên cứu.

     II. Mục đích nghiên cứu:

- Trong đề tài này tôi sẽ tìm ra một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong quá trình học Toán để nhằm góp phần nâng cao chất lượng học nói chung và học Toán nói riêng của học sinh Tiểu học.

- Trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc về một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong quá trình học Toán giúp:

+ Trau dồi, tập dượt khả năng nghiên cứu khoa học của bản thân.

+ Có các biện pháp gây hứng thú cho học sinh, từ đó giúp các em hào hứng, say mê môn học, phát triển tư duy nhạy bén, óc sáng tạo... của học sinh trong cuộc sống.

    Vì những lý do trên, tôi đã quyết định chọn đề tài: “Một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong giờ học toán lớp 4”

I     II. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:

- Điều tra thực trạng việc dạy và học Toán của giáo viên và học sinh Tiểu học.

- Chương trình, sách giáo khoa Toán.

- Đề xuất một số biện pháp nhằm gây hứng thú cho học sinh lớp 4 trong quá trình học toán.

- Thử nghiệm sư phạm: Dạy theo các phương pháp khác nhau [có lớp sử dụng một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh] đem lại hiệu quả như thế nào?

     IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

     Từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019.

     V. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:

     Một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong giờ học toán lớp 4.

     VI. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

      Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, tôi sử dụng các phương pháp sau:

- Đọc sách và tài liệu tham khảo có liên quan đến việc gây hứng thú cho học sinh trong quá trình học Toán.

- Phương pháp điều tra quan sát: Phương pháp phỏng vấn, phiếu, dự giờ, thực nghiệm.

- Nghiên cứu sách giáo khoa, sách tham khảo.

- Dự giờ thăm lớp.

- Nghiên cứu tài liệu:

+ Phương pháp dạy Toán.

+ Đổi mới phương pháp dạy học

+ Các tạp chí giáo dục

- Tổng kết tham khảo kinh nghiệm của các đồng nghiệp

- Dạy thực nghiệm và khảo sát chất lượng.

PHẦN II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Chương I:Những cơ sở lí luận và thực tiễn

     I. Định hướng về đổi mới phương pháp dạy học hiện nay:

     Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình dạy học. Luật giáo dục Việt Nam cũng khẳng định phương pháp dạy học phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của học sinh.

     Trở về với thực tiễn dạy và học, cùng với sự cải cách, thay đổi chương trình sách giáo khoa của Bộ giáo dục và đào tạo, chúng tôi – những giáo viên trực tiếp giảng dạy – luôn phải suy nghĩ, tìm tòi để có thể truyền đạt kiến thức tới học sinh một cách có hiệu quả. Để đảm sự thành công của đổi mới phương pháp dạy học ở Tiểu học nên lựa chọn những giải pháp mà tôi trình bày sau đây có thể là phù hợp với nhiều trường Tiểu học.

     II. Đặc điểm tâm sinh lí của học sinh Tiểu học:

- Dạy học mà không nắm được khả năng nhận thức cũng như đặc điểm của quá trình nhận thức ở trẻ thì không đạt được hiệu quả. Hơn nữa khả năng nhận thức của trẻ được hình thành và phát triển theo từng gia đoạn có quy luật riêng. Vì vậy hơn ai hết, giáo viên phải hiểu học sinh thì mới tiến hành dạy học toán thành công được.

- Học sinh Tiểu học ở lứa tuổi từ 6 – 11 tuổi đang ở giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tư duy.

- Các em rất hiếu động, chưa tự giác, còn mang tính tập thể đi sâu vào chi tiết và mang tính bị động. Các em phân biệt đối tượng còn chưa chính xác, dễ mắc sai lầm và còn có thể lần lộn. Sự chú ý có chủ định của các em còn yếu, khả năng tự điều chỉnh chú ý một cách có ý thức chưa mạnh. Sự chú ý của học sinh đòi hỏi một động cơ thúc đẩy. Sự ghi nhớ bài học của các em còn mang tính cụ thể, khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa còn hạn chế.

- Ở Tiểu học, hoạt động học đóng vai trò chủ đạo nhưng hoạt động vui chơi là hoạt động không thể thiếu được ở trẻ. Các nhà tâm lý học cho rằng mỗi người khi cất tiếng khóc chào đời ví như một ngôi nhà trống chưa được trang bị đồ đạc tinh thần nào, nhưng nhờ vui chơi cũng như các hoạt động khác, thế giới tinh thần của đứa trẻ được tạo dựng như đồ đạc dần được kê trong ngôi nhà. Đối với lứa tuổi này, nếu học sinh chơi có nội dung tốt lại được tổ chức hợp lý sẽ có tác dụng phát triển năng khiếu, tính tình, sở thích. Ngoài ra, thông qua hoạt động vui chơi trẻ còn phát triển khả năng lao động bền bỉ, dẻo dai.

     Chính vì vậy, trong các giờ học nói chung và giờ học Toán nói riêng giáo viên cần phải tìm cách tạo cho giờ học được hấp dẫn, lí thú, kích thích tư duy học sinh phát triển, nhạy bén. Để đạt được điều đó, giáo viên sẽ hướng dẫn các em thủ thuật ghi nhớ qua các trò chơi, câu đố thú vị.

     III. Thực trạng việc dạy và học Toán của giáo viên và học sinh Tiểu học:

1. Thực trạng chương trình sách giáo khoa:

a] Chương trình Toán ở Tiểu học:

- Môn Toán là môn học thống nhất mà không chia thành các phân môn.

- Môn Toán ở Tiểu học là môn có cấu trúc đồng tâm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của học sinh Tiểu học.

+ Giai đoạn đầu: lớp 1, lớp 2, lớp 3: Chương trình sách giáo khoa ở giai đoạn này gồm những nội dung gần gũi với các em.

Ví dụ:

Lớp 1: Học sinh biết khái niệm ban đầu về một số tự nhiên, biết so sánh và làm các phép tính cộng , trừ đơn giản trong vòng số từ 1 đến 100.

Lớp 2: Biết nhân, chia trong Bảng cửu chương [Bảng 1 đến Bảng 5]

Lớp 3: - Thành thạo 4 phép tính và tính trong phạm vi 10000

            - Làm quen với bảng số liệu

            - Tính chu vi diện tích hình vuông, hình chữ nhật.

+ Giai đoạn sau: Lớp 4, lớp 5: Chương trình sách giáo khoa chủ yếu gồm những nội dung có tính khái quát, tính hệ thống cao hơn [ so với giai đoạn đầu] nhưng vẫn dựa vào những hoạt động tính trên cơ sở đó mà bước đầu khái quát hóa và suy luận.

Ví dụ:

Lớp 4: - Học về phân số: Trên cơ sở chia 2 số tự nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được [10 : 3], ta mở rộng số tự nhiên để có thể thực hiện phép chia bất kỳ [cho số khác 0] => phân số.

             - Biết làm 4 phép tính phân số.

Lớp 5: - Số thập phân: Chương trình chỉ xét số thập phân hữu hạn. Con đường tiếp cận đến số thập phân dựa vào phép đo đại lượng.

             - Học sinh biết làm 4 phép tính số thập phân.

       Các kiến thức kỹ năng của môn Toán ở Tiểu học được hình thành chủ yếu bằng thực hành, luyện tập và thường xuyên ôn tập, củng cố phát triển vận dụng trong học tập và đời sống. Như vậy, nhờ sự sắp xếp theo kiểu đồng tâm mà nội

dung môn Toán được củng cố thường xuyên và được phát triển dần từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó.

b] Sách giáo khoa:

- Trong sách giáo khoa Toán ở các lớp đều có phần ôn tập bổ sung ở đầu năm và ôn tập hệ thống hóa ở cuối năm.

- Quá trình dạy học Toán ngoài các tiết dạy học kiến thức mới và luyện tập để củng cố kiến thức còn có các tiết luyện tập củng cố kiến thức kĩ năng trong từng gian đoạn học tập.

2. Thực trạng việc dạy và học Toán của giáo viên và học sinh Tiểu học:

a] Thực trạng nhà trường và địa phương:

- Giáp Bát là một phường thuộc quận Hoàng Mai. Một phường địa bàn rộng, cuộc sống người dân khác nhau: Một số làm nông, một số buôn bán, một số là công nhân của các cơ quan lân cận nên điều kiện học tập của học sinh cũng khác nhau. Trường Tiểu học Giáp Bát là trường có chất lượng trong quận, thành tích học tập của học sinh cao, tỷ lệ học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, cấp thành phố tương đối cao. Ngoài ra trường liên tục nhiều năm đạt trường tiên tiến. Đội ngũ giáo viên trường có chuyên môn chắc, đồng đều, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 100%. Năm nào trường cũng có đội ngũ giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi đạt kết quả cao.

b] Thực trạng giáo viên:

- Hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học đã được phổ biến rộng rãi trong các trường Tiểu học nhưng không phải giáo viên nào cũng tiếp nhận và thực hiện đúng. Đặc biệt là trong quá trình dạy học Toán, giáo viên vẫn áp dụng cách dạy cũ, truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng phương pháp thuyết trình giảng giải, thầy hoạt động nhiều hơn trò và kiến thức còn mang tính áp đặt.

- Mặt khác, hầu hết các giáo viên ít sử dụng đồ dùng dạy học. Học sinh ít được quan sát trực quan và khả năng tưởng tượng của trẻ còn rất hạn chế.

c] Thực trạng học sinh:

- Từ việc dạy học theo kiểu áp đặt của giáo viên mà học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động các quy tắc công thức đều được thầy đưa ra và học sinh có nhiệm vụ phải ghi nhớ. Bởi vậy, học sinh tiếp thu kiến thức không vững, hạn chế trình độ tư duy và nhận thức, học sinh không được chuẩn bị đúng mức để hoạt động và sáng tạo, khó thích ứng với yêu cầu học tập cao hơn ở các lớp trên.

- Hơn thế nữa, học sinh còn phải học rất nhiều môn học khác mà thời gian học liên tục. Chính vì vậy khiến học sinh rất mệt mỏi và căng thẳng dẫn đến việc tiếp thu bài chậm, uể oải, chán trường trả lời câu hỏi một cách miễn cưỡng, thậm chí không muốn nghe giảng.

CHƯƠNG II. Đề xuất một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh lớp 4 trong quá trình học Toán ở Tiểu học.

Biện pháp 1: Vào đề khi giảng nội dung mới:

      Việc này cần thiết ngay từ đầu giờ lên lớp để thu hút được học sinh dẫn dắt các em tự giác tìm hiểu nội dung.

Ví dụ 1:

Khi dạy bài Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó:

Giáo viên đưa ra bài tập sau:

      Mẹ cho hai anh em 8 cái kẹo, mẹ bảo anh lớn nên nhường em phần nhiều hơn, em phải được nhiều hơn anh 2 cái. Nếu là anh con sẽ làm thế nào?

- Học sinh sẽ nói ngay: Anh 3 cái – em 5 cái.

Làm thế nào để chia được như vậy:

- Lấy 8 chia cho 2 được 4. Sau đó anh đưa cho em 1 cái.

- Bỏ riêng 2 cái ra, còn 6 cái chia đều cho 2 anh em mỗi người được 3 cái, sau đó đưa cho em 2 cái đã được để riêng.

      Các em có nhiều cách giải quyết, nhưng cách nào chặt chẽ và hiệu quả chúng ta sẽ tìm hiểu ở bài ngày hôm nay.

Ví dụ 2:

Khi dạy về phân số:

Giáo viên đưa ra 2 tình huống:

1: Đưa ra 4 quả bóng bay và giơ từng quả lên hỏi:

Đây là mấy quả: - Một quả

Biểu diễn bằng số mấy? – Số 1

Giáo viên đưa ra 2 quả:

Đây là mấy quả? – Hai quả

Biểu diễn bằng số mấy? – Số 2

2: Giáo viên cắt 1 quả cam thành 4 phần bằng nhau, đưa ra từng phần và hỏi:

Một miếng gọi như thế nào? Biểu diễn bằng số 1 [quả] được không?

Như vậy phải gọi như thế nào? Hôm nay cô sẽ giới thiệu với các em một loại số mới, không phải là số tự nhiên mà chúng ta vẫn học, đó là phân số.

Ví dụ 3:

Khi dạy về tính chất kết hợp của phép cộng:

Giáo viên đưa ra bài toán khi vào bài mới:

3 bạn thi cắt hoa giấy: Bạn A cắt: 38 hoa [giáo viên viết 38]; bạn B cắt: 50 hoa [giáo viên viết 50]; bạn C cắt: 50 hoa [giáo viên viết 50]

3 bạn cắt được bao nhiêu bông hoa?

Học sinh nêu phép tính: [38 + 50] + 50

                                      =     88     + 50

                                      =           138

Có cách nào tính nhanh hơn?

38 + [50 + 50]

                 = 38 + 100

                 = 138

Hai cách làm này đều đúng, nên chọn cách làm nào? Vì sao?

Cách tính 2 đã áp dụng 1 tính chất của phép cộng và bây giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu tính chất này.

       Một bài tập nhỏ, một tình huống có vấn đề được đưa ra và khi giải quyết có thể mất thời gian một chút nhưng điều đó sẽ tạo cho học sinh sự tò mò, kích thích tính chủ động học tập của học sinh.

Biện pháp 2 : Xen những câu đố vui có liên quan đến nội dung bài học

        Đố vui toán học giúp học sinh thư giãn, thoải mái trong lớp [Đố vui có thể xem là 1 hình thức giải lao tích cực].

Ví dụ 1:

Khi dạy về tính chất giao hoán, kết hợp của phép cộng:

Đố bạn không tính mà trả lời được kết quả sau là đúng hay sai:

134 + 53 + 157 + 64 – 35 = 344

[ Học sinh sử dụng tính chất giao hoán, kết hợp và nhẩm hàng đơn vị]

Ví dụ 2:

Khi dạy về dấu hiệu chia hết cho 2:

      Có một đàn ngựa và một số cậu bé. Nếu mỗi cậu bé cưỡi 1 con ngựa thì thừa 1 cậu bé. Nếu 2 cậu bé cưỡi chung 1 con ngựa thì thừa 1 con. Hỏi có mấy cậu bé, mấy con ngựa?

Giải

Số cậu bé nhiều hơn số con ngựa là 1

Số cậu bé chia hết cho 2 => Số cậu bé là số chẵn.

Thử số cậu bé là số chẵn từ 2, 4, 6, 8

Số ngựa luôn ít hơn số cậu bé là 1

-> Số cậu bé là 4 người

    Số con ngựa là 3 con

Ví dụ 3:

Khi học về khái niệm hình bình hành:

Giáo viên đố:

Với 6 que diêm, con hãy xếp thành 5 hình bình hành.

Học sinh xếp:

Ví dụ 4:

Khi dạy toán tìm 2 số khi biết tổng và hiệu:

Câu đố: Nam và Lan hái được 10 bông hoa. Nếu Nam cho Lan 2 bông thì số hoa của 2 người bằng nhau. Vậy mỗi bạn hái được bao nhiêu hoa?

Học sinh tìm được: Nam 7 bông hoa. Lan 3 bông hoa.

Cách làm: Tìm hiệu số hoa [Nam hái nhiều hơn Lan] 4 bông hoa

                 Tổng là 10 bông -> Tìm được số hoa của mỗi bạn

Ví dụ 5:

Khi học về khái niệm hình bình hành:

Câu đố: Có 3 chú thỏ trông giống nhau, nhưng có 2 chú nặng bằng nhau còn 1 chú nặng hơn. Các chú thỏ rất thích chơi bập bênh trên những chiếc cầu bập bênh. Không cần dùng cân, với chiếc cầu bập bênh đó hãy phát hiện ra 1 chú thỏ nặng hơn.

Giải

Đặt 2 chú thỏ bất kì lên cầu bập bênh. Nếu:

- Cầu cân bằng suy ra chú thỏ còn lại nặng hơn.

- Cầu lệch thì bên thấp hơn sẽ là chú thỏ nặng hơn.

Đố vui tạo ra những tình huống gây kích thích học sinh suy nghĩ, góp phần rèn luyện năng lực, tư duy sáng tạo và gây hứng thú học toán cho học sinh.

Biện pháp 3 : Kể chuyện Toán học

      Trong môn Toán học, mỗi định lý mỗi tính chất đều do các nhà Toán học nổi tiếng nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện ra các tính chất, định lý đó. Chúng ta có thể kể cho học sinh nghe các câu chuyện về các nhà Toán học. Họ đã tìm tòi và phát hiện ra các tính chất, định lý đó như thế nào? Nhờ đó học sinh sẽ mở rộng hơn vốn hiểu biết của mình về lịch sử Toán học, và kích thích sự hứng thú trong học tập của các em.

Ví dụ 1:

Khi học về số đo thời gian, số đo độ dài:

Giáo viên kể chuyện: Một người ưa chính xác

       Một người khách đi về thành phố dự tiệc. Gặp một người thanh niên vẻ thông minh ngồi uống nước bên quán nước bên đường, người khác hỏi:

- Từ đây về thành phố đi hết bao lâu, anh bạn trẻ?

Người thanh niên quay mặt về phía người khách, có ý dò xét nhưng không nói năng gì. Người khách thấy vậy bèn đi tiếp về phía thành phố. Người khách đi được mươi bước thì nghe thấy người thanh niên nói với theo:

- Ông đi từ đây về thành phố hết 1 giờ 30 phút.

Thấy lạ, bà cụ bán quán bèn hỏi chàng trai:

- Sao anh không trả lời người ta ngay mà để người ta đi rồi mới nói với theo?

Theo con, anh thanh niên ấy trả lời bà cụ như thế nào?

Giáo viên để học sinh phát biểu ý kiến.

Chàng trai nói:

- Cháu phải xem ông ta đi mười bước được bao nhiêu mét và hết bao nhiêu lâu thì mới có thể trả lời chính xác ông ấy được, cụ ạ!

Ví dụ 2:

Khi dạy về phân số:

Giáo viên kể chuyện vui: Nhà thơ và nhà toán học

      Một nhà thơ lớn của nước anh viết bài thơ nổi tiếng “ Trường ca về cuộc sống”. Một hôm nhà thơ nhận được một bức thư của một nhà toán học có uy tín của thành phố gửi đến phê bình bài thơ. Thư viết “ Thưa ngài, thơ của ngài rất hay nhưng quá sai sự thật. Ngài viết: Mỗi khoảnh khắc một con người sinh ra, cũng khoảnh khắc đó lại một con người chết đi. Vậy ngài lý giải thể nào về chuyện dân số nhân loại ngày càng tăng. Tôi tha thiết đề nghị ngài chữa lại: Mỗi khoảnh khắc một con người sinh ra, cũng khoảnh khắc ấy 1/6 con người chết đi. Thực ra không phải chính xác là 1/6 mà là một con số lẻ phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi tạm để như vậy cho ngài gieo vần. Mong ngài hiểu cho”.

Ví dụ 3:

Khi dạy về hai phân số bằng nhau:

Có 1 lần sau khi giảng về phân số thầy giáo hỏi Ơ-clit

- Nếu có người đưa cho em hai quả táo to bằng nhau 1 quả nguyên, 1 quả đã bổ làm đôi. Người đó bảo em hãy chọn 1 phần hoặc là quả táo nguyên, hoặc là quả táo đã bổ làm đôi, em chọn phần nào? Ơ clit trả lời:

- Thưa thầy em sẽ chọn quả bổ ra làm đôi ạ!

Thầy ngạc nhiên hỏi lại:

- Thế em không biết 2 nửa quả tảo cũng chỉ bằng 1 quả táo thôi hay sao?

Ơ-clit nhanh trí đáp lại:

- Thưa thầy cũng bằng nhau nhưng em lấy hai nửa quả táo vì biết đâu quả táo nguyên đã bị sâu đục khoét ở trong.

       Những câu chuyện kể toán học có nhiều, giáo viên nên lựa chọn phù hợp với nội dung bài và lứa tuổi học sinh. Sau câu chuyện, giáo viên có thể nêu câu hỏi, nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ, trao đổi tạo không khí vui vẻ hứng thú trong học tập. Truyện kể toán học góp phần giáo dục học sinh ý thức sáng tạo trong lao động, tinh thần yêu nước, tính nhân đạo. Một câu chuyện kể trong một vài phút, nhưng có thể để lại ấn tượng sâu sắc, đậm nét suốt cuộc đời học sinh.

Biện pháp 4: Tổ chức trò chơi toán học

       Trong nhà trường, trò chơi toán học có thể tổ chức như mọi hoạt động dạy học toán. Cơ sở tâm lí và sinh lí khẳng định: Hoạt động dạy học toán dưới dạng trò chơi toán học rất phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Trò chơi toán học có thể xen kẽ giữa giờ để giảm căng thẳng và tạo hứng thú cho học sinh tiếp tục học, hoặc tổ chức vào cuối giờ để củng cố kiến thức.

       Trò chơi toán học là một phương tiện có nghĩa trong việc góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy học toán ở Tiểu học, phát huy được tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh.

        Trò chơi toán học là một hình thức học tập bằng hoạt động hấp dẫn học sinh do đó duy trì tốt hơn sự chú ý của các em với bài học.

        Trò chơi toán học có nhiều học sinh tham gia sẽ tạo cơ hội rèn kĩ năng học tập hợp tác cho học sinh.

1. Trò chơi: Bịt mắt chọn hình

Dùng cho bài ôn tập về hình học, luyện kĩ năng nhận dạng hình

Chuẩn bị:

- 50 bìa cứng [10 hình vuông, 10 hình chữ nhật, 10 hình tam giác, 10 hình bình hành, 10 hình tứ giác].

Cách chơi:

- 4 học sinh cùng chơi, đặt tên cho 1 em là “hình vuông”, 1 em là “hình chữ nhật”, 1 em là “hình bình hành”, 1 em là “hình tam giác”. Sau đó bịt mắt, mỗi em phải lấy ra các miếng bìa trùng với tên mình. Người nào lấy đủ 10 miếng bìa nhanh nhất là người thắng cuộc.

2. Trò chơi: Phân số tìm bạn.

Dùng cho bài củng cố phân số bằng nhau.

Chuẩn bị:

- 10 tấm bìa đỏ, trên mỗi tấm bìa ghi một phân số:

- 50 tấm bìa xanh, trên mỗi tấm bìa ghi một phân số, cứ 5 phân số có giá trị bằng, 5 phân số có giá trị là

Cách chơi:

Mỗi lần 10 người chơi, mỗi người nhận một tấm bìa màu đỏ và phải tìm trong 50 tấm bìa xanh để được những tấm bìa có ghi phân số có giá trị bằng phân số ghi trên tấm bìa đỏ. Sau 2 phút ai tìm được nhiều hơn, người đó thắng cuộc.

3. Trò chơi: Gieo xúc xắc và phát biểu quy tắc.

Dùng trong phần luyện tập chia hết cho 2, 3, 5, 9

Chuẩn bị:

- 2 quân xúc xắc, các mặt chỉ có in số 2, 3, 5, 9.

Cách chơi:

- Hai đội chơi, mỗi đội 10 người chơi xếp theo thứ tự. 1, 2, 3, 4,...,9, 10 và 1 người đại diện gieo xúc xắc. Đặt tên 2 đội là đội A và B. Đội A gieo xúc xắc được mặt 3 thì người số 1 của đội A phải nêu được dấu hiệu chia hết cho 3, và người số 1 của đội B đưa ra 1 số và hỏi người số 1 của đội A xem số đó có chia hết cho 3 không? Nếu trả lời đúng cả 2 ý thì được 2 điểm, sai ý nào trừ 1 điểm. Sau đó chuyển xúc xắc cho đội B gieo. Giáo viên làm trọng tài.

    Cứ làm như vậy cho đến hết 10 người. Khi bắt đầu chơi, mỗi đội được tặng 10 điểm, kết thúc cuộc chơi, đội nào nhiều điểm hơn đội đó thắng cuộc. Mỗi mảng kiến thức, giáo viên có thể tự nghĩ ra được trò chơi thích hợp. Các trò chơi nên dễ hiểu, dễ chơi thì mới có thể gây hứng thú cho học sinh và làm cho tiết học bớt căng thẳng.

4. Trò chơi: Hiểu ý đồng đội

Dùng trong bài Tính chất giao hoán của phép cộng.

Chuẩn bị:

- Giáo viên chuẩn bị cho 2 đội mỗi đội 1 rổ đựng 10 thẻ bằng giấy bìa cứng. Trong đó mỗi thẻ đều có ghi giá trị của các cột:

a + b; b + a; [a + b] + c; a + [b + c]; a x b; b x a; [a x b] x c; a x [b x c]

giống nhau.

- Chia lớp thành hai đội, mỗi đội chọn ra 4 bạn, số học sinh còn lại cổ vũ.

- Giáo viên phát thẻ cho hai đội.

Cách chơi:

- Hai đội đứng xếp hàng sẵn sàng chơi theo kiểu “Tiếp sức”. Giáo viên phổ biến luật chơi và nội dung chơi. Thời gian 5 phút. Khi giáo viên hô trò chơi Hiểu ý đồng đội bắt đầu và tính giờ thì lần lượt từng bạn của hai đội bạn thứ nhất cầm tấm thẻ có giá trị [VD: thẻ có giá trị 125 + 52] đính vào cột a + b trên bảng rồi chạy về vỗ vào tay bạn thứ hai tiếp tục cầm thẻ có giá trị [VD: thẻ có giá trị      52 + 125] chạy đính đúng vào cột b + a. Cứ thế tiếp tục cho đến hết 2 vòng. Mỗi vòng 1 bạn chỉ đượng tính 1 thẻ. Nếu 1 vòng đính 2 thẻ là phạm quy. Hoặc chay về chưa vỗ tay bạn thứ hai mà chạy về lấy thẻ chạy lên đính là phạm quy. Đội nào xong trước đính đúng các giá trị của mỗi cột là thắng cuộc. Hoặc hết giờ mà hai đội đính chưa xong các cột thì đội nào đính nhiều thẻ đúng hơn là thắng cuộc. Đội thua phải hát một bài thưởng cho đội thắng.

5. Trò chơi: Chiếc nón kì diệu

Dùng trong củng cố cách viết, đọc phân số

Chuẩn bị:

- Một bàn quay số và các thẻ ghi số tự nhiên.

Cách chơi:

- Chia lớp thành 4 đội, đại diện mỗi đội 1 em lên thực hiện trò chơi.

- Một học sinh lên quay vòng số. Vòng số dừng lại số nào thì ghi phân số ra bảng và đọc phân số đó. Cờ màu xanh biểu thị tử số, cờ màu đỏ biểu thị mẫu số. Ghi đúng và đọc đúng phân số thì được 10 điểm.

Ví dụ:

- Cờ màu xanh chỉ số 10.        Cờ màu đỏ chỉ số 13. Vậy phân số đó là .

- Nếu trúng vào ô mất lượt thì dừng lại cuộc chơi và nhường lượt quay cho người khác.

- Nếu trúng vào ô có phần thưởng thì được thưởng một món quà và được quyền quay tiếp. Đội nào có số điểm cao nhất sẽ thắng cuộc.

- Tuỳ theo thời gian mà giáo viên cho học sinh thực hiện trò chơi.

6. Trò chơi: Chú thỏ khó tính

Dùng trong bài củng cố phân số bằng nhau, rút gọn phân sô, quy đồng mẫu số.

Chuẩn bị:

- Hình cắt một chú thỏ.

- 10 củ cà rốt đính thẻ ghi số và bông hoa yêu cầu.

- Bảng nỉ hay bảng cài, kẹp giấy.

Cách chơi:

- Giáo viên yêu cầu học sinh xung phong tìm các củ cà rốt mà chú thỏ thích ăn [theo điều kiện khác nhau] đặt phía trên. Hoa yêu cầu đặt trên tay chú thỏ.

- Có thể tổ chức cho học sinh thi tiếp sức giữa hai đội.

- Đội  nào thực hiện đúng, nhanh đội đó chiến thắng.

7. Trò chơi: Câu cá

Củng cố so sánh phân số với 1.

 So sánh hai phân số khác mẫu số.

Chuẩn bị:

- Hình cá cắt rời [trên có dây móc nỉ] 20 con.

- Cần câu làm bằng thanh tre và gắn nam châm, thẻ số, thẻ yêu cầu và kẹp giấy.                                                                                     

- Thẻ yêu cầu học sinh thực hiện.

Cách chơi:

- Giáo viên tạo tình huống tuỳ theo trình độ của học sinh.

- Đặt úp lưng cá có mang thẻ xuống bàn và yêu cầu trên bảng nỉ.

- Trong nhóm học sinh thay phiên nhau câu cá. Khi câu lên một con cá, cả nhóm  phải xem thẻ số trên mình cá này để quyết định bạn mình có thể có được con cá đó hay không, nếu được bạn đính vào yêu cầu đúng và chuyền cần câu cho bạn khác.

- Đội nào có nhiều cá nhất là đội thắng cuộc.

8. Trò chơi : Hái quả

Củng cố tìm phân số của một số.

          Chuẩn bị:

- Giáo viên vẽ 2 cây và đính mỗi cây 30 quả.

- Hai chiếc giỏ

Cách chơi

- Giáo viên đính 2 cây quả lên bảng và học sinh hái quả theo yêu cầu của giáo viên bỏ vào giỏ.

- Hai đội cử đại diện lên hái quả. Tuyên dương đội nào hái đúng và nhanh.

Ví dụ: Lượt 1: Yêu cầu học sinh hái  số quả có ở trên cây.

Lượt 2: Yêu cầu học sinh hái  số quả còn lại.

9. Trò chơi: Đi chợ

Củng cố bài sau tiết hoặc kiểm tra bài cũ.

Chuẩn bị:

- Một bức tranh có rất nhiều loại quả thực phẩm được cắt rời ra và ép nhựa có  ghi yêu cầu phía sau của thực phẩm đó.

Ví dụ: Gà, chim, cá, cà rốt, dâu tây, cam, chuối, táo…

Cách chơi:

Cho 1 học sinh làm quản trò.

- Quản trò hô: Đi chợ! Đi chợ!

- Cả lớp: Mua gì? Mua gì?

- Quản trò: Mời bạn Lan mua 1 con cá về nấu chua.

Một học sinh lên gỡ con cá và lật ra phía sau thực hiện yêu cầu bài tập. Cả lớp quan sát, nhận xét. Nếu đúng, cả lớp tuyên dương và có quyền mời một bạn mà em thích.

- Bạn Lan hô: Đi chợ! Đi chợ!

- Cả lớp: Mua gì? Mua gì?

- Bạn Lan: Mời bạn Hương lên thực hiện yêu cầu như trên

- Kết thúc trò chơi theo thời gian qui định.

        Trò chơi toán học làm thay đổi cách học tập chỉ bằng trí tuệ. Quá trình học diễn ra tự nhiên, nhất là những giờ học kiến thức lí thuyết mới hoặc sau một số bài học, khi học sinh đã có những kiến thức tổng hợp hơn.

Biện pháp 5: Học sinh nắm các quy tắc trên các câu thơ có vần có điệu

- Trong giờ ôn tập hệ thống lại các kiến thức hình học mà học sinh đã học vì các công thức tính diện tích hay chu vi rất phức tạp học sinh khó nhớ, mỗi khi gặp phải bài toán tính diện tích, chu vi các em lại mở sách xem công thức sau đó mới áp dụng vào bài làm.

- Giáo viên có thể yêu cầu các em viết một loạt các công thức lên bảng, sau đó chỉ vào từng công thức, đọc thành bài thơ có vần có điệu.

Ví dụ: Bài ca diện tích

Sh v = a x a

Muốn tính diện tích hình vuông

Cạnh nhân với cạnh thật không khó gì

Phv= a x 4

Còn như muốn tính chu vi

Cạnh nhân với 4 khó chi rườm rà

Shcn= a x b

Hình chữ nhật vốn dễ tính

Rộng nhân dài nhất định phải ra

Diện tích phải tính đâu xa

Làm xong mới biết rằng ta có tài

S =

Hình tam giác thật dễ tính

Đáy nhân với cao rồi lại chia đôi

Ơ kìa diện tích có rồi

Khó khăn chi nữa mà ngồi nghĩ lâu

S =

Riêng hình thang hơi cao một chút

Diện tích có thể lôi thôi

Đáy lớn cộng nhỏ chia đôi

Rồi nhân cao nữa xong xuôi gọn gàng

Ví dụ: So sánh phân số với 1

Phân số

Tử số trên dấu gạch ngang

Mẫu số viết dưới rõ ràng bạn ơi!

Tính chất phân số dễ thôi

So sánh với một, đôi lời nhớ ghi

Tử bé hơn mẫu ấy thì

Bé hơn một nhé, khắc ghi trong lòng

Phân số, mẫu phải khác không,

Bé hơn tử số hỏi lòng khó chi?

Lớn hơn một đúng tức thì

Tử bằng mẫu số còn gì đúng hơn?

Phân số bằng một giản đơn

Học hành tiến bộ tuyệt hơn mỗi ngày

Ai ơi nhớ mấy câu này

Siêng năng bền chí có ngày thành công

Phân số

                  < 1 khi a < b

                  > 1 khi a > b

                  = 1 khi a = b

Ví dụ: Lưu ý khi chia

Chia theo thứ tự

Từ trái sang phải.

Chia rồi lại nhân,

Được tích đem so:

Nếu tích mà to,

Giảm thương 1 nhé!

Nếu tích mà bé,

Thì trừ liền thôi.

Được số dư rồi,

Bạn ơi lưu ý:

Số dư nhìn kĩ,

Lớn, bằng số chia

Tăng 1 thương kia

Nhân, trừ lại nhé!

Số dư đã bé,

Lượt chia đúng rồi.

Chia tiếp bạn ơi

Nhớ lời thầy dạy!

Ví dụ: 900    33

*Lượt chia thứ nhất

- Lấy 90 chia 33 được 3                 900    33

- Chia rồi, nhân lại: 3 x 33 = 99        99   3 giảm 1 còn 2

- Được tích, đem so: 99 > 90          Tích lớn

=> thương là 3 giảm đi 1 còn 2

* Chia lại

- Lấy 90 chia 33 được 2                    900   33

- Chia rồi, nhân lại: 2 x 33 = 66        66     2

- Được tích, đem so: 66 < 90             24

- Ta trừ liền thôi 90-66=24

Số dư là 24 lượt chia đúng

* Lượt chia thứ hai

- Hạ 0 được 240                              900  33

- Lấy 240 chia 33 được 8                66    2[8 giảm 1 còn 7]

- Chia rồi, nhân lại 8 x 33=264       240

- Được tích đem so 264 > 240         264

=> Thương là 8 giảm đi 1 còn 7      Tích lớn

* Chia lại

- Lấy 240 chia 33 được 7                  900   33

- Chia rồi nhân lại 7 x 33 = 231        66     27

- Được tích đem so 231 < 240          240

- Ta trừ liền thôi 240 – 231 = 9        231

Số dư là 9 < 33 => Lượt chia đúng       9

* Lưu ý lượt chia thứ hai

[Có thể xảy ra trường hợp này]

- Hạ 0 được 240                                900  33

- Lấy 240 chia 33 được 6                  66    2[6 tăng 1 là 7]

- Chia rồi, nhân lại 6 x 33 = 198       240

- Được tích đem so 198 < 240          198

- Ta trừ liền thôi: 240 – 198 = 42       42

Số dư là 42 > 33 => Lượt chia sai

=>Thương là 6 tăng 1 là 7, nhân, trừ lại.

      Mỗi công thức toán học khô khan được chuyển thành những câu thơ có vần điệu giúp học sinh dễ dàng học thuộc và hứng thú hơn khi tiếp cận kiến thức mới hay nhanh chóng áp dụng vào từng bài tập.

Chương III: Kết quả thử nghiệm và bài học kinh nghiệm

      I. Mục đích thử nghiệm sư phạm

      Việc gây hứng thú trong quá trình học toán ở Tiểu học là cần thiết, nó có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tiếp thu bài của học sinh. Mặc khác, quá trình thực nghiệm dạy học này làm cho học sinh khắc sâu kiến thức, có thể vận dụng kiến thức ở mọi nơi, không cần phải xem lại công thức. Khi đã thuộc công thức, học sinh có thể sử dụng nhuần nhuyễn và uyển chuyển trong các bài toán, từ đó kích thích tính ham học toán, thích tới lớp học tập. Để chứng minh được điều đó, tôi đã tiến hành thực nghiệm với một số bài dạy ở một số lớp.

      II. Chọn lớp đối chứng – lớp thực nghiệm:

+ Lớp thực nghiệm: Lớp 4A2 [GVCN: Dương Kiều Nhung]

+ Lớp đối chứng: Lớp 4A3 [GVCN: Cao Thị Ngọc Mai]

      III. Kết quả thử nghiệm:

      1. Cách tiến hành:

      a] Kiểm tra đánh giá lần 1:

- Bài kiểm tra

+ Tiêu chuẩn đánh giá: Hiểu áp dụng đúng các phép tính nhớ và làm đúng theo dạng bài tập mẫu.

      b] Kiểm tra đánh giá lần 2:

+ Tiêu chuẩn đánh giá: làm được bài toán theo mẫu nhưng thay đổi dự kiến có tính linh hoạt trong giải toán.

      2, Kết quả thực hiện:

Số lần đánh giá

Xếp loại

Lớp đối chứn g 4A 3

Lớp thực nhiệm 4A2

Lần 1

Hoàn thành tốt

24 – 44%

30 – 56%

Hoàn thành

30 – 56%

24 – 44%

Chưa hoàn thành

0

0

Lần 2

Hoàn thành tốt

26 – 48%

35 – 65%

Hoàn thành

28 – 52%

19 – 35%

Chưa hoàn thành

0

0

     I V . Bài học kinh nghiệm:

     Từ việc kiểm tra ở hai lớp đã thu được kết quả như trên. Có kết quả khả quan đó là việc tôi đã áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp và đổi mới được các hình thức tổ chức trong dạy học.

     Các em đã tiếp thu kiến thức một cách chắc chắn và đã vận dụng vào bài tập một cách linh hoạt. Không chỉ có vậy mà qua tiết học các em còn thấy rất thoải mái, vui vẻ và hứng thú học tập. Điều đó chứng tỏ việc đổi mới các hình thức dạy học mà cụ thể là tạo hứng thú trong dạy học toán có tác dụng tích cực trong học sinh.

      Đổi mới nhận thức, trong đó cần trân trọng khả năng chủ động sáng tạo của học sinh và giáo viên tiểu học.

      Đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, nên khuyến khích dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, theo lớp, dạy học tại hiện trường, tăng cường trò chơi học tập. 

       Đổi mới cách trang trí sắp xếp phòng học để tạo ra môi trường học tập thích hợp.

       Đổi mới phương tiện dạy học, khuyến khích dùng các loại phiếu học tập, đồ dùng học tập, phương tiện kĩ thuật.

       Đổi mới cách đánh giá giáo viên và học sinh.

      Trên cơ sở sử dụng các giải pháp nêu trên vào việc dạy và học Toán ở Tiểu học để đạt được hiệu quả cao, người giáo viên cần phải biết cách lựa chọn những thời điểm nội dung thích hợp để áp dụng các phương pháp và có các hình thức tổ chức dạy học sao cho nhuần nhuyễn và thực sự mang tính tích cực trong mỗi tiết học, bên cạnh đó phải tận dụng triệt để khối lượng kiến thức và vốn hiểu biết của học sinh.

      Chính bởi vậy, trong cuộc thi Giáo viên dạy giỏi năm học 2018 – 2019 vừa qua, tôi đã linh hoạt vận dụng các trò chơi vào hai tiết thi dạy giỏi môn Toán. Trong vòng thi cấp Quận, bài “Phân số và phép chia số tự nhiên” khởi động với trò chơi Mê cung huyền bí và củng cố với trò chơi Rung chuông vàng. Và trong vòng thi Thành phố bài “Luyện tập chung” củng cố với trò chơi Sút Penalty . Các trò chơi đã tạo hiệu ứng rất tốt, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và tạo không khí sôi nổi, phấn khích trong giờ học, được hội đồng chấm thi đánh giá rất cao. Tôi đã đạt giải Ba trong cuộc thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố năm học 2018 – 2019 và nhận được giấy khen “Có nhiều đổi mới, sáng tạo trong kì thi  giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2018 – 2019” của Ban chấp hành Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội trao tặng.

PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

      I. KẾT LUẬN:

- Nghiên cứu các biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong quá trình dạy học Toán ở Tiểu học là hết sức cần thiết. Việc nghiên cứu ấy không  những đạt được mục tiêu về tri thức và khả năng toán học, mục tiêu về năng lực trí tuệ và phương pháp làm việc mà trên cơ sở đó rèn năng lực tư duy học ngày càng phát triển, làm cho các em thêm yêu thích môn học, thêm yêu trường lớp, thầy cô.

- Nhu cầu toán học ở học sinh ngày càng cao, giáo viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nghiên cứu tài liệu giáo dục nhằm thỏa mãn yêu cầu kĩ năng, phương pháp suy luận, óc tư duy sáng tạo ngày càng đòi hỏi cao nơi học sinh do nhu cầu xã hội. Trong quá trình dạy học cần phối hợp linh hoạt các phương pháp và có các hình thức dạy học tạo không khí hào hứng, phấn khởi để học sinh tiếp thu bài đạt kết quả cao. Phụ huynh học sinh quan tâm hơn đến con em mình, động viên khuyến khích chúng một cách thích hợp khi chúng ngày càng tiến bộ. Từ đó tạo nên chuyển biến tích cực trong môi trường giáo dục tiểu học.

     II. KHUYẾN NGHỊ:

     Việc gây hứng thú cho học sinh trong quá trình dạy học toán nói riêng và các môn học khác nói chung là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng trong học tập, lĩnh hội kiến thức của học sinh. Qua thực tế tôi thấy cần có một số đề xuất sau:

     1. Cần tổ chức những chuyên đề về những biện pháp gây hứng thú cho học sinh.

     2. Giáo viên trong quá trình dạy học nên áp dụng các biện pháp một cách linh hoạt và có cách thức dạy học đa dạng để học sinh có thể tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả cao nhất.

     Bước đầu thực hiện đề tài này, với thời gian còn hạn chế tôi đã cố gắng và không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong nhận được những ý kiến đóng góp chân tình để đền tài được tốt hơn.

Quận Hoàng Mai

Video liên quan

Chủ Đề