Tại sao nguyễn tấn dũng mất chức

  • Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
    2021-10-01

Sự kiện nguyên Thủ tướng Chính phủ hai nhiệm kỳ, từ năm 1996 đến 2016, “thoát” án kỷ luật của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2012 được coi là khởi đầu và liên quan trực tiếp đến các biện pháp quyết liệt cải tổ chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Dưới chế độ tập quyền nói chung và chế độ đảng toàn trị nói riêng, sự thách thức quyền lực tuyệt đối người đứng đầu đảng dưới mọi hình thức, bất tuân hoặc bè phái, đều là trọng tội. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam gần đây ghi nhận hai nhân vật “tiêu biểu” có dấu hiệu như vậy đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống. Lý do chính thống được đưa ra không cụ thể, và thường được diễn tả là “suy thoái về tư tưởng” hay “tự chuyển hoá” của quan chức, nhưng đằng sau đó là sự thể hiện quyền lực đảng.

Ông Trần Xuân Bách [1924 – 2006] từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là người lộ rõ chủ trương đa đảng ở Việt Nam. Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do M. Gorbachov, Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô, đưa ra và đã lan sang Việt Nam. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1990, ông Bách đã bị cách chức uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng. Đây là trường hợp “suy thoái về tư tưởng” có nguy cơ dẫn đến phe phái trong đảng.

Ông Nguyễn Hà Phan [1933- 2019] từng giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam... Ông ta bị xử lý kỉ luật khai trừ khỏi Đảng và cách mọi chức vụ trước thềm Đại hội 8 Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1996. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức, ông Phan đã được cựu Cố vấn Nguyễn Văn Linh ủng hộ lên làm Thủ tướng thay thế ông Võ Văn Kiệt, nhưng không đúng theo “quy hoạch” của Đảng. Đây là tình huống bất tuân nguyên tắc lãnh đạo tập thể có nguy cơ dẫn tới tranh giành quyền lực.

Khác với hai trường hợp trên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [1949 -] thoát án kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện hy hữu. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và từng giữ chức Thủ tướng chính phủ Việt Nam hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là Đại biểu Quốc hội 4 khóa từ 10 đến 13.

Hoạt động của ông Dũng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ đã là chủ đề “gây tranh cãi”. Ông đã ký quyết định 1568/QĐ – TT năm 2006 cho phép tu sửa nghĩa trang và mộ phần của các lính tử trận Việt Nam Cộng Hòa, ký công văn 650/TTg – KTN năm 2009 triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên. Một số bình luận, chủ yếu từ các nhà quan sát nước ngoài, cho rằng ông thuộc “phe đổi mới”. Năm 2007, tạp chí World Business bình chọn ông là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ông ký gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la [tương đương 143.000 tỷ đồng] nhưng dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, đã gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát năm 2012 lên cao đến 25%, mức thâm hụt ngân sách lên đến 8%, sự sụp đổ của hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Bộ Chính trị khoá 11 năm 2012 đã đề xuất quy trách nhiệm ông với tư cách cá nhân người đứng đầu về việc hiện trạng tồi tệ của nền kinh tế, nhưng ông đã “thoát hiểm” khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận. Trước Quốc hội khoá 13 năm 2012, ông Dũng xin lỗi vì những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016 ông không tái cử vào Ban chấp hành Trung ương và nghỉ hưu theo chế độ.

Rõ ràng sự kiện đặc biệt này nói lên nhiều điều về sự vận hành của chế độ đảng toàn trị, bởi vậy việc giải mã thấu đáo là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế.

Thứ nhất, các nguyên tắc lãnh đạo chủ yếu của Đảng như Tập trung dân chủ bị, Tập thể lãnh đạo cá nhân chịu trách nhiệm… bị lung lay khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận với đề xuất của Bộ Chính trị về kỷ luật nguyên Thủ tướng Dũng. Nhiều quy định của Đảng, đặc biệt về công tác cán bộ như kỷ luật, lựa chọn, bố trí, ứng cử, luân chuyển… đã được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực cho Tổng bí thư và Bộ Chính trị;

Thứ hai, sự thay đổi tương quan quyền lực của “tứ trụ” đã bộc lộ. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường khiến thực quyền của Thủ tướng ngày lớn hơn. Điều này đã được thể chế hoá nhằm đảm bảo cho việc “toàn trị” nền kinh tế. Ngoài ra, lượng của cải được tạo ra nhiều hơn nhờ cơ chế thị trường đảm bảo chỗ dựa kinh tế cho quyền lực thủ tướng. Đây là cơ sở cho bình luận về quyền lực Tổng bí thư bị “thách thức”, nhưng có sự ngộ nhận về mâu thuẫn cá nhân hai vị trí tứ trụ, về phe phái cấp tiến hay bảo thủ. Vì vậy, việc giám sát của Đảng đối với hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng được coi là nội dung lãnh đạo trọng tâm;

Thứ ba, sự tha hoá quyền lực quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng. Mặc dù ông Dũng xin lỗi về trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ, nhưng sau đó ông vẫn nhận được sự ủng hộ với số phiếu “mức tín nhiệm cao” từ Ban Chấp hành TƯ và Quốc hội trong các lần thăm dò ý kiến các thành viên. Quan chức trong bộ máy hành chính đặc quyền, đặc lợi mang ân huệ từ quyền lực thủ tướng. Hình thức thăm dò này đã bị bãi bỏ ngay sau đó;

Thứ tư, chuyển đổi kinh tế sang thị trường làm bộc lộ thực chất quan chức. Con người họ trở nên “thực tế” và hành vi của họ trở nên “duy lý” hơn. Họ ủng hộ ông Dũng là vì lợi ích bản thân hơn là lý tưởng cao siêu. Sự trung thành và phục tùng đã giảm sút. Họ không lựa chọn khác bởi lợi ích kinh tế. Họ sử dụng quyền lực như là một nguồn lực đặc biệt, để tìm kiếm sự hài lòng hay “lợi ích” cao nhất có thể. Lỗi hệ thống đã “giúp” họ vượt qua sự cân nhắc giữa lợi ích kỳ vọng và xác suất bị phát giác hay bị kỷ luật để có thể vi phạm quy định của đảng hay pháp luật;

Thứ năm, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp với chuyển đổi sang thị trường. Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch mang tính pháp lệnh như một công cụ đánh giá công chức trong cơ chế tập quyền đã bị bãi bỏ, nhưng chưa có công cụ khác thay thế cần thiết. Việc thiết kế “lồng thể chế để nhốt quyền lực” đang bế tắc về kiểm soát tài sản và quyền riêng tư;

Thứ sáu, việc thi hành các giải pháp trừng phạt, thanh lọc và  kiểm soát các quan chức phản ánh thực trạng “suy thoái” nghiêm trọng, tuy nhiên bộ máy cai trị hiện hành, vốn là có đặc quyền đặc lợi, là chỗ dựa của chế độ nay bị “công kích” khốc liệt, kéo dài không tránh khỏi tạo ra hiệu ứng tiêu cực khó lường, thậm chí tiềm ẩn rủi ro.

Là người trong cuộc, ông Tổng bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo củng cố Đảng. Giờ đây, trong chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”, Đảng có thể kỷ luật bất kỳ quan chức nào suy thoái, đặc biệt những “quan chức” dưới quyền của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đối với trường hợp của ông không thể “hồi tố” để xử lại.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ cho báo giới Nhà nước Việt Nam biết nội dung báo cáo ngày 26/8.

Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2017 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước cho rằng trước việc kỷ luật kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có khả năng chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ lúc còn đương nhiệm.

Trao đổi với RFA vào ngày 26/8, Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ thoibao.de ở Đức cho rằng không thể loại trừ trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị ‘sờ gáy’ sau sự việc con trai ông bị kiểm điểm. Nhà báo Khoa nêu nguyên nhân:

“Bởi vì toàn bộ bộ máy, chính phủ thời trước, khóa trước do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu gồm Bộ trưởng Công thương, ông Trần Bắc Hà, ngay cả Trương Minh Tuấn, ông Son – cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông… nói chung tất cả đường dây lần lượt bị vào tù với những cáo buộc đã có từ rất lâu và mang tính chất đấu đá lẫn nhau. Chuyện họ lần tới Kiên Giang và tới con ông Nguyễn Tấn Dũng thì chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng có thể lúc nào đó sẽ lôi ra để làm việc có thể Nguyễn Phú Trọng thỏa mãn mong muốn là làm sao để người dân nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng làm ra nhiều bê bối.”

Vẫn theo nhà báo Lê Trung Khoa, dù muốn hạ bệ đồng chí X nhưng ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại quên mất một điều quan trọng mà ai cũng nhìn ra:

“Mọi quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng đều phải thông qua Bộ Chính trị mà người đứng đầu là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế thì ông Nguyễn Phú Trọng phải có trách nhiệm chịu lỗi lớn nhất khi đã quyết định những việc công ty nhà nước làm chủ đạo. Bây giờ người ta làm như vậy để dập đi những điều đó và cũng mang tính chất đấu đá nội bộ cá nhân và thù oán nội bộ cá nhân cũng được lồng ghép trong việc này, lôi những việc xưa cũ ra làm ngay trước trung ương 13.”

Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Thanh Nghị [bên trái] Reuters

Nhà báo tự do, blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn khẳng định đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản Việt Nam là một truyền thống của những người trong đảng từ xưa đến nay, đặc biệt càng nổi cộm và càng bộc lộ rất rõ vào những lúc chuẩn bị đại hội đảng. Vì vậy, khi Đại hội đảng sắp tới chỉ còn mấy tháng nữa thì công tác thanh trừng càng được tăng cường.

Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra quan điểm cho rằng ‘đồng chí X’ sẽ vẫn an toàn trong trường hợp này. Ông nói:

“Kết luận thanh tra đó chỉ để xoa dịu giới người Bắc có lý luận, nên ông Nguyễn Thanh Nghị không bị hề hấn gì, như vậy ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn không bị gì. Đó là điều tôi rất tin tưởng.”

Giải thích rõ hơn vì sao ông cho rằng ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không ảnh hưởng gì trong việc bị kỷ luật kiểm điểm lần này. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lập luận:

“Trong kết luận thanh tra quan trọng nhất là khi có nội dung là chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra như vậy mới có giá trị, còn ở đây tôi thấy kết luận thanh tra không có nội dung đó. Do đó tôi cho rằng việc kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị và những người cộng sản cấp cao của tỉnh Kiên Giang chỉ mang tính chất xoa dịu trong giới người bắc có lý luận.”

Báo mạng Zing vào ngày 25/8 dẫn lời bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết hiện các cơ quan, đơn vị và địa phương bám vào kế hoạch tỉnh xây dựng dựa theo kết luận của Thanh tra Chính phủ để kiểm điểm, xử cán bộ liên quan.

Vẫn theo lời bà Em, Thanh tra tỉnh Kiên Giang sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tờ Zing dẫn nguyên văn bà Đặng Tuyết Em nói rõ “Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có báo cáo này. Nếu Thanh tra Chính phủ có báo cáo này thì tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm”.

Phó bí thư Kiên Giang được trích lời cho biết khi nhận được báo cáo của Thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sẽ xem xét rồi “tính nữa”.

Từ những thông tin nêu trên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng nêu ra một dẫn chứng cụ thể để củng cố lập luận của ông về chuyện ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không bị ảnh hưởng sau những sai phạm trong nhiệm kỳ 2011-2017:

“Chuyện lớn và kéo dài rất nhiều năm là tập đoàn của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang rõ ràng dư luận hiện nay rất phẫn uất, đặc biệt là những người dân Thủ Thiêm nhưng không làm gì được Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang. Bây giờ chuyện Nguyễn Thanh Nghị tôi đọc qua nội dung kiểm điểm đó thì nó chỉ là một phần rất nhỏ bé của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang.”

Theo Nhà báo Lê Trung Khoa, những sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị đã xảy ra rất lâu nhưng bây giờ chính phủ Hà Nội mới xét lại để kỷ luật ông Nghị đều có lý do:

“Mình nghĩ trước Đại hội 13 được chuẩn bị bắt đầu vào đầu năm 2021, từ giờ đến đó còn 2 kỳ Đại hội trung ương nữa. Trong trung ương 12 thì ông Nguyễn Thanh Nghị, con ông Nguyễn Tấn Dũng cũng được số phiếu khá cao. Đương nhiên những điều đó sẽ gây ra khó chịu cho những đối thủ hiện nay. Theo tôi biết trong một Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang phân ra rất nhiều những băng đảng khác nhau, tức là mỗi nhóm chiến đấu cho quyền lợi nhóm đó vì quyền đi liền với tiền. Bây giờ trước tình hình đang đấu đá để sắp lại vị trí chiến lược cho những cán bộ cấp cao trong trung ương và sau đó là Bộ chính trị, chắc chắn sẽ xảy ra rất nhiều.”

Nhà báo Lê Trung Khoa đưa ra dẫn chứng về việc một cán bộ cấp cao khác vừa bị đình chỉ công tác và bị điều tra vì những sai phạm trước đây là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, Ủy viên Trung ương. Nhà báo Lê Trung Khoa khẳng định:

“Đấy không phải chỉ là dấu hiệu chống tham nhũng như ông Nguyễn Phú Trọng nói mà về mặt chiều sâu mà tôi biết được thì sự đấu đá phe phái rất dữ dội trong Đảng Cộng sản Việt Nam để giành quyền đó. Con ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những mắc xích một số nhóm muốn loại bỏ để tránh việc ông Nguyễn Thanh Nghị có thể đi tiếp được vào Trung ương ủy viên khóa tới, thậm chí lên Ủy viên Bộ Chính trị nếu thuận lợi.”

Những sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang được đánh giá gây ra nguy cơ thất thoát hơn 12.930m3 gỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra còn khiến tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Video liên quan

Chủ Đề