So sánh hệ thống chính trị mỹ và anh

Được biên soạn chủ yếu dành cho học viên cao học chuyên ngành chính trị học, song cuốn sách Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc - chức năng, do TS. Ngô Huy Đức và TS. Trịnh Thị Xuyến đồng chủ biên, cũng là tài liệu hữu ích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc. Thông qua việc phân tích, so sánh sự tương đồng và những khác biệt, thậm chí là tương phản giữa các hệ thống chính trị khác nhau, sẽ cho phép chúng ta rút ra những kết luận mang giá trị chung, toàn cục về từng hệ thống chính trị của các nước qua những thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau. Từ đó, có thể lý giải được những hoạt động thực tiễn của mỗi nền chính trị và xác định vai trò của nó đối với sự phát triển toàn diện của đời sống xã hội, đồng thời giúp mỗi nước tự hoàn thiện các hệ thống, thể chế chính trị của mình.

Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, chính trị, tự nhiên, xã hội…, mỗi nước lựa chọn cho mình một mô hình chính trị với cấu trúc quyền lực và các thiết chế chính trị riêng, phù hợp. Có nước lựa chọn mô hình đại nghị, có nước theo mô hình tổng thống hoặc có những nước lại chọn mô hình hỗn hợp của hai mô hình trên… Mặc dù vậy, ngay cả giữa các nước có cùng mô hình hệ thống chính trị vẫn có những điểm khác nhau.

Trong cuốn sách Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc - chức năng, các tác giả lựa chọn 9 nước thuộc các vùng địa lý khác nhau, có trình độ phát triển và cấu trúc quyền lực khác nhau để nghiên cứu trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, yếu của từng mô hình hệ thống chính trị mà các nước lựa chọn. Hệ thống nghị viện của Anh thường được coi là hình mẫu đầu tiên của các hệ thống chính trị nghị viện khác, với các luật cơ bản có tính hiến pháp mà không có một bản hiến pháp thành văn, thể hiện tính tối cao của Nghị viện và tính pháp trị. Ở Mỹ, dù xuất phát cùng một gốc văn hóa với Anh, nhưng mô hình chính trị của Mỹ là mô hình tổng thống và có nhiều khác biệt như: tổng thống là cá nhân nắm giữ quyền lực lớn nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị hay sự phân chia triệt để giữa các nhánh quyền lực. Còn ở Pháp, nhà nước pháp quyền là trung tâm của hệ thống chính trị và tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị đều được điều chỉnh bởi hiến pháp và các đạo luật. Mô hình thể chế chính trị Đức là mô hình “dân chủ thủ tướng” bởi quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng, mặc dù vẫn có chế định tổng thống. Trong khi hệ thống chính trị Nhật Bản đương đại tuy chưa có bề dày như các nước tư bản phát triển Âu - Mỹ, nhưng vẫn được đánh giá là một hệ thống chính trị hiện đại, cơ bản thể hiện được tính dân chủ, tất cả các hoạt động của các bộ phận cấu thành hệ thống đều tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp và pháp luật…

Tại thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08-11-2016, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ nắm giữ toàn bộ ghế ở Quốc hội liên bang và cấp bang. Hai đảng này chia nhau toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ và 98/100 ghế thượng nghị sĩ[3], chiếm đại đa số ghế trong quốc hội cấp bang, với 1.908 ghế thượng viện và 5.351 ghế hạ viện, trong khi số nghị sĩ của cả đảng thứ ba hoặc độc lập lần lượt chỉ là 54 ghế và 28 ghế.

Để rõ hơn được hoạt động của hệ thống chính trị đảng phái ở Mỹ hiện nay cũng như của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cần ngược dòng lịch sử. Năm 1787, Đảng Liên bang của Bộ trưởng Ngân khố A-lếch-xan-đơ Ha-min-tơn [Alexander Hamilton] được thành lập với chủ trương xây dựng chính quyền liên bang mạnh và thúc đẩy thương mại, vốn được các bang ở miền Bắc ủng hộ. Năm 1792, sau khi từ chức Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Tô-mát Gie-phơ-xơn [Thomas Jefferson] đã cùng ông Giêm Ma-đi-xơn [James Madison] thành lập Đảng Dân chủ - Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ quyền lực liên bang hạn chế và thúc đẩy nông nghiệp vốn có lợi cho các bang miền Nam. Ứng viên của Đảng Liên bang Giôn A-đam [John Adams] trúng cử và trở thành tổng thống thứ hai của nước Mỹ, tuy nhiên đây cũng là nhiệm kỳ cầm quyền duy nhất của Đảng này. Đảng Liên bang liên tiếp thất bại trước Đảng Dân chủ - Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1800 rồi suy yếu, tan rã vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX.

Sau gần hai thập niên chi phối nền chính trị Mỹ, nội bộ Đảng Dân chủ - Cộng hòa bị phân liệt và chia rẽ. Trong cuộc bầu cử năm 1824, Đảng Dân chủ - Cộng hòa có đến bốn ứng viên ra tranh cử tổng thống, trong đó có An-đru Giắc-xơn [Andrew Jackson]. Sau thất bại trong lần tranh cử đầu tiên, An-đru Giắc-xơn giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử năm 1828 và đổi tên Đảng Dân chủ - Cộng hòa thành Đảng Dân chủ tồn tại cho đến ngày nay. Những người phản đối An-đru Giắc-xơn và các thành viên cũ của Đảng Liên bang đã đứng ra thành lập Đảng Whig đối lập vào năm 1834. Hai đảng này chia nhau nắm giữ Chính quyền và Quốc hội Mỹ đến năm 1852, khi Đảng Whig chia rẽ do bất đồng trong việc duy trì hay bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm 1854, liên minh những người phản đối chế độ nô lệ thuộc Đảng Whig cũ và những người Đảng Dân chủ ủng hộ việc trao những vùng đất mới sáp nhập vào Mỹ cho nông dân, thành lập Đảng Cộng hòa, tồn tại cho đến ngày nay. Đảng Cộng hòa thay thế Đảng Whig trở thành đảng đối lập trong nền chính trị Mỹ. A-ba-ham Lin-côn [Abraham Lincoln] là tổng thống đầu tiên của Đảng này, nhiệm kỳ 1861 - 1865. Kể từ đó đến nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa liên tục thay nhau nắm giữ Chính quyền và Quốc hội Mỹ.

Những rào cản chính đối với ứng viên độc lập hay thuộc đảng thứ ba

Đâu là những lý do dẫn đến các đảng khác không có cơ hội gây ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ?

Thứ nhất, đó là vấn đề tài chính. Có thể nói, các cuộc bầu cử tại Mỹ từ cấp bang đến liên bang đều rất tốn kém. Để được có tên trong danh sách tranh cử tổng thống, mỗi bang có những quy định khác nhau về số chữ ký thu thập được và/hoặc số tiền đặt cọc. Trên thực tế, số tiền đặt cọc là không đáng kể, chẳng hạn ứng viên phải nộp 1.000 USD ở bang Cô-lô-ra-đô [Colorado] hay chỉ 500 USD ở bang Lu-xi-a-na [Louisiana][4]. Ở một số bang khác, lại có yêu cầu phải thu thập đủ lượng chữ ký cần thiết, từ 1.000 chữ ký ở bang A-can-xát [Arkansas] thưa dân đến 178.039 chữ ký ở bang đông dân nhất là Ca-li-phoóc-ni-a. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của nước này, ước tính một ứng viên không thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa phải thu thập tổng cộng hơn 880.000 chữ ký để có tên trong danh sách được bầu tại các hòm phiếu. Những quy định này được gọi chung là Luật Tiếp cận hòm phiếu. Đáp ứng đủ 51 yêu cầu khác nhau từ 50 bang và khu vực bầu cử tại Thủ đô Oa-sinh-tơn là việc không hề đơn giản và cần những khoản chi phí lớn. Đây là rào cản đối với các ứng viên của đảng nhỏ hay độc lập. Luật Tiếp cận hòm phiếu này lại ưu ái cho các đảng lớn. Nếu trong lần bầu cử trước đó, đảng nào giành được đủ số phiếu cần thiết sẽ không phải đáp ứng điều kiện trên cho kỳ bầu cử sau. Điều đó có nghĩa là, hai đảng lớn sẽ không phải dành một phần thời gian và tiền bạc vốn đã dồi dào của mình để thu thập chữ ký, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc đối với các đảng nhỏ hay ứng viên độc lập lần đầu tiên muốn ra tranh cử.

Bên cạnh đó, trong luật của nước Mỹ, không có bất cứ quy định tài chính nào đối với việc tranh cử vào các vị trí công quyền ở cấp bang và liên bang. Nếu là công dân Mỹ và sinh sống trong nước đủ lâu, khi 25 tuổi, người đó có thể ra tranh cử vào Hạ viện, 30 tuổi tranh cử thượng nghị sĩ, và 35 tuổi tranh cử chức tổng thống. Tuy nhiên, nếu muốn thắng cử, người đó cần rất nhiều tiền để vượt qua được rào cản kỹ thuật đầu tiên như đã đề cập ở trên.

Kể cả khi vượt qua được trở ngại này, ứng viên độc lập hay đảng thứ ba cũng cần huy động được đủ nhân lực và tài chính để thành lập và vận hành bộ máy tranh cử, chi cho các hoạt động quảng cáo và tiếp xúc cử tri. Những việc này cần được thực hiện ở toàn bộ 50 bang hay ít nhất giành thắng lợi ở các bang với tổng số phiếu đại cử tri đạt mức 270 phiếu. Đối với tranh cử Quốc hội ở cả cấp bang và liên bang, số tiền chi cho hoạt động quảng cáo thậm chí còn lớn hơn do các ứng viên ít được cử tri biết đến, trừ những người đang đương nhiệm vốn phần lớn thuộc một trong hai đảng chính. Trong những cuộc đua này, các ứng viên độc lập hay thuộc đảng thứ ba không thể “đấu lại” những nhân vật có tiếng tăm và bộ máy hùng mạnh của hai đảng đang chi phối nền chính trị Mỹ. Theo thống kê, nước Mỹ đã tiêu tốn gần 1,2 tỷ USD cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đó là chưa kể đến các cuộc bầu cử vào các ghế thống đốc, nghị sĩ Quốc hội bang và liên bang[5].

Thứ hai, đó là nguyên tắc có tên “Luật của Đu-vơ-giơ”. Năm 1950, nhà xã hội học người Pháp Mo-ri-xơ Đu-vơ-gơ [Maurice Duverger] đưa ra luận điểm rằng, những nước áp dụng nguyên tắc ứng viên nào có đa số phiếu giành chiến thắng có xu hướng theo hệ thống chính trị hai đảng. Trong phần lớn các cuộc bầu cử ở Mỹ, chỉ cần ứng viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất [không cần phải quá 50% số phiếu] sẽ giành thắng lợi tại đơn vị bầu cử đó. Ví dụ, trong cuộc bầu cử vào bang Pen-si-va-ni-a [Pennsylvania], ứng viên Hi-la-ry Clin-tơn giành được 40% phiếu, ứng viên Đô-nan Trăm được 38% phiếu, và ứng viên Ga-ri Giôn-xơn [Gary Johnson] của Đảng Tự do được 22% phiếu. Rõ ràng là, mặc dù bà H. Clin-tơn không được đa số người dân bang Pen-si-va-ni-a ủng hộ [60% không bầu cho bà H. Clin-tơn] nhưng kết quả là bà H. Clin-tơn lại giành chiến thắng tại bang này. Trong khi đó, mặc dù ứng viên của Đảng Tự do có 22% phiếu nhưng đảng này không có bất kỳ đại diện hay ảnh hưởng nào trong chính quyền mới.

Thứ ba, bắt nguồn từ hai rào cản trên. Trước khả năng đảng nhỏ thắng cử là rất khó khăn, thậm chí là không thể nên các nhà tài trợ sẽ không “đổ tiền” cho người có nhiều khả năng thua cuộc. Trong nền chính trị Mỹ, số tiền mà ứng viên huy động được cho mục đích tranh cử cũng là một chỉ dấu cho thấy khả năng thắng cử của ứng viên đó. Mặt khác, cử tri dù ủng hộ đường lối hay ưa thích ứng viên của một đảng thứ ba, sẽ phải cân nhắc khi sử dụng lá phiếu của mình. Nếu họ chọn bỏ phiếu cho ứng viên của đảng thứ ba, về cơ bản họ sẽ lãng phí lá phiếu của mình và việc đó có thể giúp cho ứng viên họ không hài lòng hơn của một trong hai đảng lớn thắng cử. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ứng viên Gin Xtên [Jill Stein] của Đảng Xanh có thể thu hút phiếu của những cử tri ủng hộ vấn đề bảo vệ môi trường, những người cũng có thể bỏ phiếu cho bà H. Clin-tơn vốn có quan điểm thân thiện với môi trường trong khi ông Đ. Trăm không có quan điểm như vậy. Như thế, nếu như bỏ phiếu cho ông Gin Xtên, cử tri sẽ khiến bà H. Clin-tơn mất một lượng phiếu đáng kể và ông Đ. Trăm là người “hưởng lợi”.

Thứ tư, đó là hai đảng lớn “gạt ra bên lề và nuốt chửng” các đảng thứ ba hay các ứng viên độc lập. Thay nhau nắm giữ bộ máy chính quyền và Quốc hội từ đầu những năm 1950 đến nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thống nhất với nhau trong việc tạo ra những quy định ngăn cản các đảng thứ ba cạnh tranh với mình. Hai cuộc tranh luận tổng thống vừa qua giữa ông Đ. Trăm và bà H. Clin-tơn thu hút lần lượt là 69 triệu và 84 triệu người theo dõi - những con số khổng lồ khi tính đến dân số Mỹ chưa đến 320 triệu người[6]. Đây là cơ hội để ứng viên quảng cáo bản thân và trình bày các quan điểm, ý tưởng nhằm thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Đơn vị tổ chức cuộc tranh luận cho ứng viên tổng thống là Ủy ban tranh cử tổng thống. Ủy ban này là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1987 với các thành viên từ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Trong cuộc họp báo về việc thành lập Ủy ban, đại diện Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thẳng thắn tuyên bố sẽ loại bỏ ứng viên của đảng thứ ba khỏi cuộc tranh luận[7]. Trên thực tế, 19 thành viên của Ủy ban thuộc hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã viết ra các điều kiện để bảo đảm không có ứng viên nào ngoài ứng viên của hai đảng này được tham gia tranh luận. Một trong những điều kiện đó là ứng viên phải được 15% dân chúng ủng hộ trong các cuộc thăm dò mới nhất vào 5 ngày trước khi cuộc tranh luận diễn ra.

Kể từ cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên năm 1988 đến nay, ngoại trừ tỷ phú Pê-rốt được tham gia tranh luận [năm 1992], chưa ứng viên độc lập hay thuộc đảng thứ ba nào cán mốc ủng hộ 15% trên toàn nước Mỹ. Trên thực tế đã từng có những nỗ lực thách thức quy định này. Tháng 3-2015, gần 50 cựu quan chức của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gửi thư ngỏ kêu gọi thay đổi tiêu chí trên, với lập luận rằng Ủy ban khiến ứng viên của đảng thứ ba “không thể tham gia” và việc thiếu ứng viên của đảng thứ ba “cuối cùng sẽ làm phương hại đến nền dân chủ và chỉ phục vụ lợi ích của hai đảng lớn”[8]. Cũng trong năm 2015, Đảng Tự do và Đảng Xanh đã cùng khởi kiện Ủy ban tranh cử tổng thống ra Tòa án Liên bang với lập luận rằng, điều kiện của Ủy ban đã vi phạm tu chính án thứ nhất. Tòa án Liên bang đã bác đơn kiện này trong tháng 8-2016, với lý do Ủy ban là tổ chức tư nhân, không phải là cơ quan chính phủ, nên không phải tuân theo tu chính án thứ nhất về quyền tự do báo chí và ngôn luận[9].

Cách thứ hai để hai đảng lớn loại bỏ ứng viên độc lập hay đảng thứ ba là việc “sử dụng” các quan điểm và ý tưởng của người khác. Luật pháp Mỹ không cấm việc đảng này sử dụng những chính sách của đảng kia trong quá trình vận động tranh cử. Những chính sách của ứng viên độc lập hay đảng thứ ba, vốn có thể là chìa khóa giúp họ giành được sự ủng hộ của cử tri, dễ dàng bị hai đảng lớn “nuốt chửng” mà tác giả của chúng không thể làm được gì. Bên cạnh việc “nuốt” ý tưởng, hai đảng lớn cũng “nuốt” luôn ứng viên tranh cử. Quá trình bầu cử sơ bộ là cơ hội để các ứng viên độc lập nhưng có tiềm năng cân nhắc việc tranh cử với tư cách là thành viên của một trong hai đảng lớn. Trước cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2016, ứng viên Đ. Trăm của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Ben-ni Xan-đơ [Bernie Sanders] của Đảng Dân chủ thực chất đều là những ứng viên độc lập[10]. Tuy nhiên, cân nhắc khả năng thắng cử, lựa chọn khả thi duy nhất cho họ là gia nhập hoặc Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa. Và nhiều ý tưởng trong Cương lĩnh tranh cử của Thượng nghị sĩ Xan-đơ đã được bà H. Clin-tơn và Đảng Dân chủ sử dụng trong Cương lĩnh tranh cử chính thức của Đảng Dân chủ.

Tựu trung, các ứng viên độc lập hoặc thuộc đảng thứ ba phải thực hiện bốn nhiệm vụ “bất khả thi” nếu muốn thắng cử: 1- Huy động đủ tài lực và vật lực để có tên trong danh sách bỏ phiếu và sau đó là để vận động tranh cử ở toàn bộ 50 bang trong cuộc đấu với hai chính đảng lớn; 2- Chiếm đa số phiếu ở những bang hội tụ đủ 270 phiếu đại cử tri; 3- Thuyết phục cử tri và các nhà tài trợ rằng ủng hộ hay đầu tư vào họ là “khôn ngoan”, không lãng phí và không phản tác dụng; 4- Chấp nhận những ý tưởng của họ vốn có thể giành được sự ủng hộ của hàng triệu cử tri, một ngày nào đó lại trở thành vũ khí lợi hại của đối thủ tranh cử với mình.

Những hệ lụy của hệ thống chính trị hai đảng

Một là, người dân Mỹ - với tư cách là cử tri và với tư cách là người tham gia hoạt động chính trị, đều không có nhiều lựa chọn. Là cử tri, trong các cuộc bầu cử, từ chính quyền địa phương, cấp bang, đến Quốc hội liên bang và tổng thống, họ buộc phải chọn một trong hai ứng viên của hai đảng chính, kể cả khi cả hai ứng viên đều khiến họ không hài lòng. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, có đến quá nửa cử tri không ủng hộ ông Đ. Trăm và bà H. Clin-tơn, mức thấp nhất kể từ năm 1984 đến nay, do họ không muốn phải chọn giữa một trong hai người[11]. Giải pháp duy nhất đối với họ là bỏ phiếu cho người họ hài lòng nhiều hơn. Những người tham gia hoạt động chính trị dù không đồng tình với quan điểm của hai đảng chính, cũng chỉ có hai con đường: 1- theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng và chấp nhận tồn tại như một đảng nhỏ không được mấy người biết đến: 2- tham gia một trong hai đảng chính để được gia nhập giới cầm quyền, đồng nghĩa với việc từ bỏ ước mơ và lập trường - những điều đã từng thôi thúc họ tham gia hoạt động chính trị.

Hai là, mọi vấn đề mà nước Mỹ phải đối mặt chỉ có thể được xem xét từ hai góc độ, mà hiện nay là của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Trên thực tế, hai đảng này không khác nhau về mục tiêu mà chỉ khác về phương thức thực hiện. Cả hai đảng đều chung niềm tin vào kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cùng mục tiêu duy trì chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu và đi kèm với nó là tình trạng bóc lột người lao động. Trong thời gian hai đảng chi phối nền chính trị Mỹ, lương cơ bản của công nhân Mỹ không đổi ở mức 6,15 USD/một giờ trong suốt 10 năm [từ 1997 - 2007] và cũng không thay đổi trong suốt 5 năm gần đây[12]. Hai đảng chỉ khác nhau trong cách duy trì chế độ bóc lột này: Đảng Dân chủ chủ trương nhà nước can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế, trong khi Đảng Cộng hòa giữ mức can thiệp của nhà nước ở mức tối thiểu và để thị trường tự điều tiết.

Truyền thông cũng góp phần củng cố cách nhìn nhận mọi việc chỉ từ quan điểm tự do của Đảng Dân chủ hay quan điểm bảo thủ của Đảng Cộng hòa, từ các vấn đề nóng trong nước, như kiểm soát súng đạn, mâu thuẫn sắc tộc đến quan hệ đối ngoại của Mỹ. Điều này, như một luật sư Mỹ ở bang Ken-túc-ky [Kentucky] đã thừa nhận, “tạo ra ý tưởng lố bịch rằng mọi vấn đề của chính sách công có hai, và chỉ có hai cách tiếp cận. Đó là điều vớ vẩn” và nước Mỹ không thể giải quyết các vấn đề nếu không thảo luận một cách có lý trí[13].

Ba là, những ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống chính trị hai đảng đến cái gọi là nền “dân chủ” Mỹ, cụ thể là khái niệm về tự do và đa nguyên. Mỹ tự cho mình là quốc gia tự do nhất thế giới, nhưng đó là thứ tự do bầu cử khi người được bầu không phải là lựa chọn của cử tri. Và đó là thứ tự do thành lập đảng chỉ để ở vị trí đối lập và hầu như không có cơ hội thắng cử. Bên cạnh đó, việc chính trường Mỹ bị chi phối bởi hai đảng lớn đồng nhất về lập trường và mục tiêu thì cái gọi là “đa nguyên” chỉ là cái vỏ bề ngoài.

Những đảng có quan điểm thay đổi chế độ tư bản, như Đảng Cộng sản Mỹ thì “được bảo đảm” là không thể có bất cứ ảnh hưởng đáng kể nào trong nền chính trị Mỹ. Được thành lập từ năm 1919 nhưng Đảng Cộng sản Mỹ nhiều lần bị chính quyền nước này đặt ra ngoài vòng pháp luật; lãnh đạo và các đảng viên của đảng bị bắt, bị truy nã và còn bị phân biệt đối xử. Mặc dù kiên trung với lý tưởng cộng sản, Đảng Cộng sản Mỹ có vai trò và ảnh hưởng rất hạn chế. Cơ hội duy nhất cho các đảng thứ ba thay đổi vị thế của mình có lẽ chỉ khi một trong hai đảng lớn tự tan rã, như đã từng xảy ra với Đảng Whig trong quá khứ.

Bốn là, vị trí độc quyền chi phối nền chính trị Mỹ khiến hai đảng này không dựa trên lợi ích quốc gia, cũng như người dân để giải quyết các vấn đề của nước Mỹ, mà xuất phát từ lợi ích đảng phái, thậm chí là cá nhân hẹp hòi. Các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có sự thù địch và thái độ bất hợp tác rõ rệt. Theo thăm dò của Viện Pew gần đây, có đến 36% số người thuộc Đảng Cộng hòa và 27% thuộc Đảng Dân chủ tin rằng chính sách của đảng kia là “mối đe dọa đối với quốc gia” và rằng phía bên kia quan tâm đến lợi ích của đảng mình hơn là tình hình đất nước. Kết quả là, có đến 80% người dân Mỹ bất mãn với Quốc hội và 60% người Mỹ muốn có những chính đảng mới[14]. Tuy nhiên, với hệ thống chính trị Mỹ như hiện nay, từ mong ước đó đến hiện thực còn là một khoảng cách rất xa./.

-----

[1] Xem: Danh sách các đảng chính trị ở Mỹ, //ballotpedia.org/List_of_political_parties_in_the_United_States, truy cập ngày 10-10-2016

[2] Xem: Danh sách các đảng chính trị ở Mỹ, sđd

[3] Hai thượng nghị sĩ độc lập là Thượng nghị sĩ Kinh An-gớt [King Angus, bang Maine] và Thượng nghị sĩ Bơ-nát Xan-đơ [Bernard Sanders]

[4] Matthew J. Streb: Rethinking American Electoral Democracy [Nghĩ lại về nền dân chủ đại cử tri của Mỹ], Nxb. Routlege, tái bản lần 2, 2011, tr. 84

[5] Bà H. Clin-tơn vận động được 795 triệu USSD, trong khi con số này của ông Đ. Trăm thấp hơn nhiều, chỉ hơn 403 triệu USSD. Xem: //www.washingtonpost.com/graphics/politics/2016-election/campaign-finance/, truy cập ngày 15-10-2016

[6] Xem: //heavy.com/news/2016/10/second-presidential-debate-2016-ratings-viewers-viewership-how-many-watched-hillary-clinton-donald-trump/, truy cập ngày 15-10-2016

[7] Xem: //www.nytimes.com/1987/02/19/us/democrats-and-republicans-form-panel-to-hold-presidential-debates.html, truy cập ngày 15-10-16

[8] Xem: //www.politico.com/story/2015/03/new-group-targets-commission-on-presidential-debates-116173, truy cập ngày 15-10-2016

[9] Xem: //www.politico.com/blogs/under-the-radar/2016/08/judge-rejects-suit-against-presidential-debate-commission-226720?cmpid=sf, truy cập ngày 15-10-2016

[10] Ứng viên Đ. Trăm đã nhiều lần thay đổi từ Đảng Dân chủ sang Đảng Cộng hòa và ngược lại, ứng viên B. Xan-đơ là ứng viên độc lập trong suốt cuộc đời chính trị của mình và chỉ gia nhập Đảng Dân chủ khi quyết định tranh cử tổng thống

[11] Thăm dò của Đài truyền hình CBS [tháng 3-2016], tỷ lệ ủng hộ ông Đ. Trăm là 24%, không ủng hộ là 57%; tỷ lệ ủng hộ bà H. Clin-tơn là 31%, không ủng hộ là 52%

[12] Lương cơ bản ở Mỹ hiện là 7,25 USD/một giờ, duy trì từ năm 2009 đến nay. Xem: //www.raisetheminimumwage.com/pages/qanda, truy cập ngày 16-10-2016

[13] Đây là lập luận của ông Cô-be-len [Cobelenz], luật sư đến từ thành phố Le-xing-tơn, bang Ken-túc-ky [Mỹ] và cũng là ứng viên cho vị trí Hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ tại quận 6 của bang này. Xem: //thehill.com/blogs/congress-blog/politics/267222-the-two-party-system-is-destroying-america, truy cập ngày 7-10-2016

[14] Xem: //thehill.com/blogs/congress-blog/politics/267222-the-two-party-system-is-destroying-america, truy cập ngày 7-10-2016

Chủ Đề